Saturday, September 17, 2011

Chuyện bà cụ 80 tuổi chống tham nhũng


Không ngại tuổi già sức yếu, bà Đức cho hay sẽ đấu tranh chống tham nhũng đến cùng.
Dân Làm Báo - Nổi tiếng là người chống tham nhũng với một tinh thần sắt đá, được Tổ chức Minh bạch thế giới trao giải thưởng năm 2007, bác Lê Hiền Đức đã có lần trả lời phóng viên: "Tôi đã bị đá như một quả bóng. Tuy nhiên, tôi tuyên bố, rất tiếc, Lê Hiền Đức không phải là quả bóng da để có thể bẹp, rách, xịt mà là quả bóng thép, đá cẩn thận không thì gãy chân...". Những ngày qua, dù tuổi đã bước vào 80 bác Lê Hiền Đức vẫn tiếp tục công việc chống tham nhũng trong một guồng máy "đầy sâu".
Bà Lê Hiền Đức, một người chống tham nhũng được giải thưởng của tổ chức Minh bạch Quốc tế
Bà Lê Hiền Đức, một người chống tham nhũng được giải thưởng của tổ chức Minh bạch Quốc tế

“Tôi không phải là quả bóng da để có thể... bẹp”

(Dân trí) - Vừa gặp phóng viên, bà Lê Hiền Đức "khoe" ngay, bà vừa chuyển cho Thanh tra Chính phủ mấy chồng hồ sơ cao quá đầu. Trong suốt câu chuyện, bà nói về chống tham nhũng với một tinh thần sắt đá, khác hẳn với vẻ bề ngoài "mong manh" của bà già ngót nghét 80.

Chúng tôi có cảm giác rằng, với bà, Giải thưởng Liêm chính vẫn là chưa đủ...

“Chĩa mũi vào đủ việc của thiên hạ”

Qua báo chí, có thể thấy những “chiêu” chống tiêu cực, tham nhũng của bà rất phong phú. Từ đâu bà có những “chiêu” như vậy?

Đúng là rất nhiều “chiêu” (cười). Hồi trẻ, tôi làm trong ngành công an, sau đó lại được điều lên làm tại Cục tình báo TW nên ít nhiều trong đầu cũng có chút nghiệp vụ, áp dụng vào việc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực của mình rất “đắc địa”.

Tôi đã từng “bắt” một cảnh sát giao thông nhận tiền mãi lộ. Những vụ thế này, tôi thường vui gọi là “cò con”, có khi chỉ 50.000đ nhưng tôi nhảy vào cuộc luôn vì nó là cái biểu hiện sự không trong sạch của một chiến sĩ công an.

Và Lê Hiền Đức mang danh “Bà già lắm chuyện” từ thời ấy, khi chĩa mũi vào đủ việc của thiên hạ.

Ngoài tên gọi “Bà già lắm chuyện” bà còn có cái tên không ngọt ngào khác - “Bà già khó chịu”?

Người ta gọi tôi là Bà già khó chịu vì tính nóng, hay bức xúc, động tới là ăn không ngon, ngủ không yên. Đêm nghĩ ra phương án nào để đấu tranh với vụ việc này kia là bật dậy ghi ngay. Ghi lịch làm việc đã thành thói quen, mà còn là ghi ngay việc cho ngày mai, phải gọi điện cho ai, gặp cơ quan nào...

Người ta nói Bà già lắm chuyện thì cũng đúng vì tôi có nhiều chuyện thật. Nhìn quanh nhà tôi cũng thấy, một đống chuyện. Mỗi tập hồ sơ đó là một vụ. Có những vụ, số giấy tờ lên tới 17kg...

Vậy nay nếu có người lại đặt cho bà tên mới như “Bà già lắm chiêu” hay “Bà già quái chiêu”, bà thấy thế nào?

Đúng đấy. Đó cũng là cách đùa hóm.

Được biết bà đã không thành công trong việc tìm kiếm một người giống như mình để giới thiệu cho tổ chức Minh bạch thế giới trao giải thưởng Liêm chính năm nay?

Tổ chức Minh bạch thế giới email cho tôi, với nhã ý nhờ tìm một người để giới thiệu giải thưởng năm 2008. Nghĩ đây là quyền lợi, vinh dự cho nước mình, tôi đã bỏ rất nhiều công sức đi tìm. Khi tôi đặt vấn đề tìm giúp một người như tôi để giới thiệu, nhiều nhà báo, phóng viên cười ầm bảo: “Lấy đâu ra người như bác”. Vậy thì tìm một người tương tự. Tôi chú ý đến một vài nhân vật nhưng dư luận cũng còn nhiều ý kiến khác nhau... Còn các cộng sự của tôi thì cũng chỉ hoạt động trong phạm vi rất hẹp, và trước hết vì những việc liên quan đến quyền lợi của mình thì mới dấn thân vào con đường này. Các ứng viên đều chưa “nặng ký” và tôi đành hoàn toàn... bó tay.

Nếu Giải thưởng Liêm chính có thể trao 2 lần cho một người, bà có mong nhận được giải này, một lần nữa?

Không! Đối với tôi, ngay Giải thưởng năm 2007 đến với tôi cũng một cách rất bất ngờ. Tôi không hiểu sao những người ở cách mình hàng vạn kilômét, không cùng ngôn ngữ, lại có thể theo dõi việc làm của tôi một cách chi tiết đến vậy.

Giải thưởng này đã động viên tôi rất nhiều, thúc đẩy tôi làm việc tốt hơn nữa nhưng tôi làm việc không phải vì mục đích lấy giải thưởng. Tôi làm để đi tìm công lý, tìm lẽ phải. Không vì quyền lợi của cá nhân, gia đình tôi dù chỉ một chút. Mà tôi nghĩ, chính vì không dây dưa quyền lợi của chính mình, tôi mới được mọi người quý trọng, tôn vinh như vậy.


Có đủ “ngón” để làm đến cùng

Trong những cuộc đấu trí để chống tham nhũng, tiêu cực, vụ nào bà cảm thấy cam go nhất, căng thẳng nhất?

Có, một vụ không lớn lắm nhưng với tôi, đó không chỉ là tham nhũng, tiêu cực mà còn là “một tội ác”. 5h sáng, một nhóm người bán rau, bán cá gõ cửa nhà tôi xin cứu con cái họ. Họ giải thích phải đến sớm thế vì nếu họ đi muộn, rau héo và cá ươn, không bán được, cả nhà sẽ đói. Hôm đó là 26/11/2006, tôi nhận được lá đơn tố cáo từ họ và bắt đầu vào cuộc. Đây là chuyện quyền lợi của hơn 500 cháu học sinh trường Tiểu học Nguyễn Khả Trạc, quận Cầu Giấy.

Người bị tố cáo trong vụ này là Hiệu trưởng, kiêm Bí thư Chi bộ nhà trường. Ông ta đã chỉ đạo, tổ chức việc bớt xén tiền ăn của các cháu. Vụ này làm tôi hao tâm tổn lực, tôi tốn rất nhiều thời gian, công sức. Tôi già đi, mất ăn mất ngủ vì nó. Số tiền chỉ hơn 40 triệu đồng thôi nhưng làm tôi suy nghĩ và đau đớn nhiều. Khoản tiền ấy là để mấy ông đi biếu xén. Tôi nắm được danh sách ấy. “Độc chiêu” của bà già đấy.

Tôi đã dùng rất nhiều chiêu và tuyên bố sẽ đi đến cùng vụ này. Tôi sẽ làm rõ “nghi vấn” bằng cấp của viên Hiệu trưởng này, nhất định phải loại bỏ những người tham nhũng ra khỏi ngành giáo dục, khai trừ Đảng. Sắp tới cũng sẽ còn tốn nhiều cuộc điện thoại nữa để kiểm tra việc các cháu đã nhận lại được “tiền bị ăn bớt” chưa.

Tôi có 10 ngón tay, sẽ đủ chiêu, đủ “ngón” để làm đến cùng.

Khi lần theo hồ sơ để giải quyết các vụ việc nói chung, bà hay bị “mắc” ở đâu nhất?

Tôi vẫn nói cấp TW của chúng ta làm rất tốt, rất triệt để. Nhưng đến thành phố, tôi đã bị đá như một quả bóng. Tuy nhiên, tôi tuyên bố, rất tiếc, Lê Hiền Đức không phải là quả bóng da để có thể bẹp, rách, xịt mà là quả bóng thép, đá cẩn thận không thì gãy chân.

Bà từng nói chỉ làm được những vụ cụ thể, nhỏ lẻ. Bà có mong lúc nào đó sẽ phanh phui được một vụ lớn, đình đám?

Nếu có vụ đình đám nào vào tay tôi, tôi cũng sẽ kiên trì, không ngại.

“Họ dè bỉu khiến tôi đau lòng...”

Bà nghĩ gì khi thầy giáo tố cáo tiêu cực Đỗ Việt Khoa lại không được nhiều đồng nghiệp yêu thích?

Tôi cũng bị nhiều người ghét lắm chứ. Nhiều người nói tôi là hâm, là khùng. Người ta còn nói tôi là hoang tưởng. Tôi còn khổ hơn thầy Khoa nhiều. Tôi không bị đánh nhưng đã bị khủng bố tinh thần rất nhiều. Cái ấy còn đau hơn cái đấm, cái đá. Tôi chia sẻ với ai được, làm gì được?

Tôi cũng ức, khi người ta đồn rằng làm thế này chắc tôi giàu lắm. Tức là người ta nghĩ người này đem đơn, người kia đem đơn đến đều có gì biếu tôi. Tôi giải quyết được gì cho họ mà họ biếu. Hơn nữa, chống tham nhũng, tiêu cực như vậy thì còn gì là nhân phẩm nữa.

Có khi nào bà phải đối mặt với những việc như bạn bè xa lánh, những người xung quanh đề phòng...?

Có không ít bạn bè tỏ ý thắc mắc về những việc tôi làm. Nhưng chỉ nói thôi, không đến mức xa lánh. Người ta đều nói biết việc mình làm là tốt nhưng cho rằng sẽ chẳng thu được gì.

Những người cùng quan điểm thì rất yêu quý tôi. Những kẻ bị phanh phui thì tất nhiên là họ ghét. Tôi chỉ buồn với những người không ủng hộ việc làm của tôi. Họ dè bỉu, cho tôi là hâm. Điều đó làm tôi đau lòng.

Và con cháu, gia đình, dù rất thương tôi, chăm lo đầy đủ, chiều hết sức nhưng không mấy khi dám đến chơi. Các con vẫn qua đón bà đến chơi với cháu nhưng không muốn cho con ở nhà tôi, cũng vì sợ những việc trả thù. Đôi khi cũng thấy buồn nhưng lại nghĩ cái buồn đó không đau bởi vì con cháu thương mình mới thế chứ không phải bất hiếu.

“Đến khi nhắm mắt phải thành thạo vi tính, tiếng Anh”

Mỗi tháng bà “xài” hết bao nhiêu tiền điện thoại, phí chuyển đơn thư...?

Có thể nói là lương tôi không đủ. Lương hưu của tôi 1,7 triệu đồng/tháng nhưng đừng có nghĩ dùng khoản tiền ấy để “ăn”. Ăn uống, sinh hoạt các con tôi lo cả. Vậy nên thích ăn thứ gì đều được cung cấp đầy đủ, là mua đến tận nhà. Nhưng riêng tiền thì... “cấm vận” vì như chúng vẫn đùa, bao nhiêu tôi cũng “nướng” hết cả vào điện thoại, internet, báo chí, tem thư để gửi đơn từ.

Nhà có 3 đầu số thuê bao và thế này... (Bà mang ra một hộp tới cả trăm tấm thẻ điện thoại 1719 đã dùng hết, từ mấy tháng trước).

Chẳng nhẽ bà cứ “ phung phí” mãi tiền của nhà mình?

Dĩ nhiên, tôi cũng có cách. Nhiều vị cán bộ từng nói ấn tượng nhất với tôi về chuyện cứ bấm nghe là: “Tôi đặt máy, anh gọi lại ngay nhé”. Như vậy có nghĩa là mình chỉ mất 500-700đ thôi. Tôi cũng thường nhắn tin: “Họp xong nhớ gọi điện cho Lê Hiền Đức nhé”. Đấy là những cách hết sức tiết kiệm.

Nhưng cũng có những lần tôi tốn mấy chục nghìn đồng chỉ để tìm hỏi một số điện thoại, gọi đến để báo tôi đã nhận được đơn. Lá đơn ấy chỉ có địa chỉ người gửi, với dòng nhắn nhủ: “Thư này gửi đi, chúng tôi đếm thời gian cho sự hy vọng...”. Làm sao có thể nỡ tâm bỏ qua, người ta đã tin tưởng mình đến thế. Tổng đài 116, 1080 cũng nhẵn giọng tôi.

Ngoài việc chống tiêu cực, tham nhũng, bà quan tâm đến điều gì nhất?

Tôi có ghi ở một cuốn sổ những mơ ước cuối cuộc đời. Với công việc, chỉ mong từ giờ đến lúc nằm xuống, làm sao sức khoẻ tốt để góp phần giảm nạn tham nhũng đi. Cho dù chỉ có những vụ rất “cò con” nhưng tôi nghĩ rằng, phải từ những chiến thắng nhỏ mới tới được chiến thắng lớn.

Với cá nhân, tôi mơ ước là đến khi nhắm mắt, phải thành thạo vi tính, thành thạo tiếng Anh. Đến giờ, viết cho người nước ngoài một cái thư, từ 11h đêm đến 1h sáng mới xong. Có thể chào hỏi, giao tiếp thông thường nhưng đến lĩnh vực chuyên sâu, ngoài từ: Anti-corupption (chống tham nhũng), my way is very hard (con đường của tôi đầy chông gai)... thì “bó tay”.

Xin cảm ơn bà!


Những SV tiếp lửa “bà già lắm chuyện” Lê Hiền Đức

(Dân trí) - Nhà giáo, nữ tình báo được Bác Hồ đặt tên, người Việt Nam đầu tiên được nhận giải thưởng liêm chính năm 2007 của Tổ chức Minh bạch quốc tế, Lê Hiền Đức, đã tìm được những hạt mầm nhỏ tuổi để ươm trồng tinh thần quyết liệt chống tham nhũng.

5 cá tính, một tiếng lòng đồng vọng

Nhóm SV đến từ lớp Thông tin đối ngoại 29, khoa Quan hệ quốc tế (QHQT), HV BC & TT vừa trở thành một trong những chủ nhân xuất sắc của giải thưởng chương trình Sáng kiến phòng chống tham nhũng Việt Nam 2011(VACI) do Ngân hàng thế giới và Thanh tra Chính phủ tổ chức vừa qua.

Đề án chạm đến vấn đề mà một bộ phận giảng viên và SV còn ngại nhắc đến: “Xây dựng chuẩn mực mối quan hệ thầy trò: minh bạch, trong sáng, lành mạnh góp phần xóa bỏ các tệ nạn, phòng chống tham nhũng ở giảng đường ĐH”.

5 cái tên với 5 cá tính độc đáo bao gồm: Lê Minh Hằng, Hoàng Nhật Đăng, Nguyễn Ngọc Ánh, Trương Thị Diệp, Nguyễn Duy Anh.



5 thành viên với đề án phòng chống tham nhũng ngay từ ghế giảng đường.


Và “bà già lắm chuyện” Lê Hiền Đức, nhà giáo, nữ tình báo được Bác Hồ phong tên, người Việt Nam đầu tiên được nhận giải thưởng liêm chính năm 2007 của Tổ chức Minh bạch quốc tế, khi tới tham quan gian trưng bày của đề án đã rất xúc động và muốn ôm hôn, chụp hình với từng người một. Bà nói: “Bà đã có người truyền tiếp tư tưởng của mình”.

Người khơi nguồn, chịu trách nhiệm chính về đề án là TS. Nguyễn Ngọc Oanh, phó trưởng khoa QHQT. Thầy đã theo dõi chương trình nhiều năm và nhận thấy SV của mình hoàn toàn có khả năng dùng sức mạnh của truyền thông để tạo nên những thay đổi từng bước trong nhận thức.

“Khía cạnh tiếp cận của đề án là ở góc độ xây dựng, lấy cái đẹp, cái tốt để từ đó xây dựng nên chứ không phải đi vào mổ xẻ những cái tiêu cực của các trường”, Minh Hằng cho biết.

Đề án sẽ được triển khai với những hoạt động chủ đạo như xây dựng website Giảng đường tươi đẹp, phát động những cuộc thi “phóng sự phòng chống tham nhũng”, “khoảnh khắc thầy và trò”… Xây dựng quy ước, chuẩn mực thầy trò thông qua hội thảo, phiếu điều tra…

Bà già lắm chuyện” Lê Hiền Đức: “Bà đã có người truyền tiếp tư tưởng của mình”.


Không “đi” thầy vì thương em làm đề án

“Cuộc sống ngày nay có nhiều chuyện tạo nghịch lý như thầy trò mua bán điểm chác, đổi tình lấy điểm… Tham nhũng hay không chính một phần là từ phía HS, SV. Chúng em sử dụng sức mạnh của sự giao cảm giữa SV với nhau. Muốn thành công không chỉ ở nhóm đề án mà là từ tất cả thầy trò trong trường cùng làm nên và cả sự đồng lòng của các bậc phụ huynh.”, Nhật Đăng bày tỏ quan điểm.

“Vấn đề tham nhũng mọi người hiểu chưa sâu, có một chị làm bên Ngày sáng tạo, chị tổ chức một trò chơi yêu cầu các bạn không tham nhũng đứng sang một bên, các bạn tham nhũng đứng sang một bên thì số lượng các bạn đứng sang khu không tham nhũng rất đông.

Nhưng khi chị giải thích tham nhũng là gì thì tất cả các bạn đều thừa nhận đã từng tham nhũng. Ví dụ mình bị cảnh sát giao thông bắt và mình đút lót tiền, đó cũng là tham nhũng. Nhiều cái đơn giản, cơ bản hơn nữa”, Diệp kể.

Bên gian trưng bày của đề án.


Còn cô bạn Ngọc Ánh thì vui vì những tác động ban đầu của đề án: “Một anh bạn của em thi môn gần cuối, đang bàn với bạn “đi” thầy. Nhưng sau khi biết cô em gái mình vất vả làm đề án thì anh không “đi” nữa và lần đó anh vẫn làm bài qua. Điều đó chứng tỏ nhiều khi các bạn “đi” thầy chỉ vì các bạn thiếu tự tin hoặc khóa trước rỉ tai khóa sau môn này không đi là cầm chắc rớt”.

Minh Hằng lại có quan điểm sâu sắc: “Câu chuyện của thầy Thân - một thầy giáo dạy cấp 2 là một câu chuyện cảm động. GS. Ngô Bảo Châu cùng nhiều GS nổi tiếng khác cũng là học trò của thầy ấy. Khi đã thành danh, họ vẫn nhớ về người thầy hồi cấp 2.

Em đọc rất nhiều câu chuyện, cả tích cực lẫn tiêu cực nhưng đọng lại trong em vẫn là những câu chuyện tích cực. Có những ngày hội như Ngày hội thầy trò Xô Việt rất cảm động thì tại sao lại không có Ngày hội thầy trò Việt - Việt? Thông qua Ngày thầy trò báo chí nói không với tham nhũng thực chất để thầy trò gắn bó với nhau hơn, có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với nhau nhiều hơn”.

Minh Hằng (áo dài trắng) đại diện nhóm nhận giải thưởng.


Ngày bảo vệ đề án, tất cả các đề án khác đều chỉ có một đại diện thuyết trình, riêng nhóm đề án của các bạn, cả 5 thành viên đều nói, đặc biệt có Đăng thuyết trình bằng tiếng Anh. Các bạn còn sáng tạo một cuốn sổ thu thập chữ ký và nhận xét của tất cả mọi người với mong muốn có một tiếng nói chung từ cộng đồng.

“Em cảm thấy rất vui khi được làm việc cùng các bạn. Bạn Duy Anh làm việc rất chuyên nghiệp, bạn Đăng thì đa tài. Ánh có tính quyết đoán còn Hằng thì rất sâu sắc. Qua đề án này em tin là các bạn sẽ lớn hơn trong cách suy nghĩ về cuộc sống, tôn trọng hơn những người đã dìu dắt chúng em. Chúng em may mắn vì được sống trong môi trường khoa QHQT. Nơi mà tình cảm thầy trò rất ấm áp.

Giảng viên TS. Phạm Minh Sơn - Trưởng khoa khoa Quan hệ quốc tế, TS.Nguyễn Ngọc Oanh, cô Ngô Thị Thuý Hiền, thầy Vũ Thanh Vân, cô Nguyễn Thị Thu Hà, cô Nguyễn Thu Giang.,... là những người luôn theo sát nhóm đề án”, Diệp - cô bạn có nụ cười duyên dáng chia sẻ.
(Ảnh nhân vật cung cấp)

11 comments:

  1. Muốn chống tham nhũng là phải chống cơ chế độc tài đẻ ra tham nhũng

    ReplyDelete
  2. Cụ Lê Hiền Đức đang phủi bụi cho cái mẹt cộng sản dễ nhìn hơn . NHƯNG chúng nó ăn lông ở lổ nhơ nhớp quen rồi nên đâu chịu cho Cụ phủi bụi sạch sẻ đâu

    ReplyDelete
  3. tài Nông đức CạnSeptember 17, 2011 at 2:17 PM

    Một chế độ mà tham nhủng từ cấp cao nhất thì lấy ai chống tham nhủng , từ cái nhìn thấy nhửng cá nhân chống tham nhủng bị đe dọa mà nhà nước vẫn lờ đi củng đủ để nhân dân hiểu được mình đang sống trong một chế độ gì ? xã hội hiện nay được phân hóa 2 tầng lớp là cai trị và bị trị bằng nhửng hình thức khủng bố, bưng bít thông tin và nhồi sọ. Có lẻ trong 1 thập niên nửa VN từ chế độ XHCN sẽ tiến lên chế độ phong kiến thôi !

    ReplyDelete
  4. Với chế độ tiền lương ở xứ thiên đường này thì đứa nào mà không ăn cắp,tham ô, hối lộ,tham nhũng??? Và tuy là mang tiếng nước nghèo nhưng chi có bọn dân đen là nghèo thôi! Cái nước Việt này có lẽ cả trăm năm nữa cũng không ngóc đầu lên nổi? Bởi do đâu???

    ReplyDelete
  5. Người yêu nước chân chínhSeptember 17, 2011 at 4:04 PM

    Dân với Dân thì chỉ có tham vặt-tham lớn một chút là ăn cắp và bị CA khu vực hỏi thăm liền.Tham lớn hơn thì chỉ có chức,có quyền và có tập thể mới dám tham và của tham được phải có sự thống nhất chia chác.Tập thể nhỏ,cấp nhỏ làm sao qua mặt được cấp lớn,tập thể lớn nên phải hiểu rằng,người có chức có quyền ở tầng nấc nào thì đương nhiên được quyền thâu tóm lợi lộc theo thứ bậc đã được phân công.Dưới ngậm ăn theo kiểu dưới ,trên ăn theo kiểu trên và nước ao không có phép xâm lấn nước sông và như thế cả hệ thống đang cầm quyền đều THAM.Phải chống,phải lập ra ban bệ để chống nhưng những kẻ như đã nói trên đều là đảng viên và tập thể đó là Chi bộ,Đảng Bộ thì làm sao mà Chống Nhau đây???Khi nào mà hết còn CƠ HỘI để tham khi đó chúng mới chống nhau kịch liệt và khi đó là TẾT CONGO.Muốn chống được tham nhũng thì chỉ cần Đa nguyên đa đảng và Tự Do.

    ReplyDelete
  6. Tôi không biết cấp cao như thế nào,bản thân tôi từng phải lo lót từ đứa bảo vệ chợ và quyét rác cho đến chủ tịch huyện để mọi việc yên ổn,thuận lợi

    ReplyDelete
  7. Chống sao được mà chống , khi cán bộ đảng viên tham nhũng thì người xử lý các vụ tham nhũng lại các ổng ấy thì chẳng di đến đâu . Mà không chừng người tố cáo mấy ổng tham nhủng bị vu cáo ngược hay bị côn đồ nó tấn công , chuyện này diển ra không ít lần rồi đấy .

    ReplyDelete
  8. chống tham những là chống Đảng…. bây giờ tôi đang đi làm thủ tục giải thể doanh nghiệp mà cũng bị cán bộ thuế hành cho chết sắp chết mặc dù hồ sơ đã hoàn tất và không hề có một vướng mắc nào,họ đang đòi chi cho họ 3 triệu mới chịu ký xác nhận. Còn nhà thì bị quy hoạch treo, gần 10 năm rồi không giải quyết, đền bù với mức gần như muốn “cướp” không. Hãy bỏ ngay cái khẩu hiệu “Độc lập-Tự do-Hạnh phúc” đi, giả tạo quá.

    ReplyDelete
  9. Ổn định chính trị,an ninh xã hội để bán nước cầu vinh, giữ ghế của mình và của con cháu mình... để hà hiếp , cướp của dân lành , lấy tài nguyên quốc gia bòn rút cho đầy túi thm ..... Thời đại đồ đểu

    ReplyDelete
  10. Đúng là một xã hội "bát nháo", sau vụ này nữa thì CA sẽ vô cùng lộng hành, không ai kìm soát nỗi. Việt nam đang mò mẫn dò đễn đường cùng để răn de những ai muốn tố cáo tham nhũng!.

    ReplyDelete
  11. Đây là một bằng chứng hiển nhiên cho thấy nền pháp trị của Việt Nam hoàn toàn đi ngược lại công lý. Pháp luật lại đi bảo hộ cho kẻ cướp chống lại dân lành.
    Đúng là một đảng mafia hết thuốc chũa!!!!!!

    ReplyDelete