Saturday, September 10, 2011

Hội Nhà Văn Việt Nam đang từng bước xóa sổ nền Văn Học nước nhà?

 
Mặc Lâm, biên tập viên RFA - Việc hai giải thưởng được xem là quan trọng bậc nhất của quốc gia cũng bị lũng đoạn bởi sự lạm dụng quyền thế của người chấm giải, cộng với cách công khai thao túng quyền đề cử bất kể dư luận đã nói lên sự thật về tất cả các giải thưởng lớn nhỏ của Việt Nam ngày nay. Bốn người trong cuộc lên tiếng một lúc đã trở thành chuyện không lạ, khi tính khách quan của giải thưởng bị ông Hữu Thỉnh lợi dụng vị trí của mình để làm xấu đi nét đẹp của hai giải thưởng này...
 
Từ nhiều năm qua, hai giải thưởng được xem cao nhất nước là Giải thưởng Nhà Nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Hai giải thưởng lớn

Theo văn bản Pháp lệnh về tiêu chí của hai giải thưởng này thì Giải thưởng Hồ Chí Minh đòi hỏi người được đề nghị có những đóng góp cao hơn Giải thưởng Nhà nước về những công trình nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, những công trình giáo dục và văn học, nghệ thuật đặc biệt xuất sắc, có giá trị rất cao về khoa học, văn học, nghệ thuật.

Giải thưởng Nhà nước được xét và công bố hai năm một lần và Giải thưởng Hồ Chí Minh được xét và công bố năm năm một lần. Cả hai giải thưởng này đều được công bố vào dịp Quốc khánh 2-9.

nguyen-ngoc-200.jpg
Nhà văn Nguyên Ngọc. Photo courtesy of Trần Đỗ Liêm's blog.

Nhà văn Nguyên Ngọc, từng là Tổng biên tập của tạp chí Văn Nghệ, tờ báo văn học lớn nhất nước cho biết hai giải thưởng này qua kinh nghiệm của ông như sau:

“Theo tôi biết, những giải thưởng chính thức của nhà nước thì người ta có phân loại ra Giải thưởng Hồ Chí Minh là giải thưởng cao nhất, còn giải thường đứng hàng thứ hai là Giải thưởng Nhà Nước. Hai giải thưởng đó là như thế, tức là Giải thưởng Nhà Nước thì thấp hơn; Giải thưởng Hồ Chí Minh là giải thưởng cao nhất. Có người được Giải thưởng Nhà Nước, rồi một số năm sau gì đấy thì được Giải thưởng Hồ Chí Minh, có thể như thế.

Người ta đánh giá là những tác phẩm mà người ta cho là nó có giá trị cao hơn tức là người đó có đóng góp nhiều hơn thì người ta đưa lên Giải thưởng Hồ Chí Minh. Còn ở một cấp độ nào đó mà người ta thấy cũng xứng đáng giải thưởng nhưng mà nó chưa được cao như những cái kia thì người ta đặt nó ở Giải thưởng Nhà Nước."

Những lần trao giải cho các văn nghệ sĩ trước đây đã gây nhiều thắc mắc cho báo chí và dư luận. Không ít người được đề cử lãnh giải với sự nghiệp sáng tác mỏng manh và tác phẩm của họ không đủ sức thuyết phục đối với quần chúng. Có lẽ từ lý do này mà nhiều năm trôi qua những con người thật sự biết tự trọng đã quay lưng lại với hai giải thưởng này, trong đó có nhà văn Nguyên Ngọc, ông nói:

“Tôi không quan tâm lắm cho nên không chú ý đến những ban chấm giải đó nhưng tôi biết có nhiều cấp lắm. Có cấp gọi là cấp cơ sở, ví dụ như là Hội Nhà Văn, thế rồi Hội Nhà Văn mới lên một cấp gì đó nữa, cấp Bộ, như là Bộ Văn Hóa, tức là Hội Nhà Văn đưa lên rồi cấp Bộ mới lọc một ít, sau đó cấp Bộ mới đưa lên một cấp cao hơn nữa là Hội Đồng Giải thưởng Nhà nước thì mới xong, tức là phải qua những cấp như vậy.

Tôi nghĩ rằng cũng tùy theo từng lúc, ví dụ ra hội đồng của Hội Nhà Văn thì mỗi kỳ nó một khác. Giải thưởng Hồ Chí Minh thì 5 năm một lần, những năm đầu tiên thì có thể nghiêm túc hơn, công bằng hơn. Rồi một lúc nào đó hội đồng của Hội Nhà Văn nó không có thể bằng lần trước. Hội đồng của các cấp khác cũng thế. Mỗi thời kỳ người ta lập hội đồng khác nhau. Tôi không quan tâm nên cũng không theo dõi nhiều nhưng tôi biết đại để nó là như thế.”

Bị lạm dụng quyền thế

huuthinh-giadinh.net.jpg
Nhà thơ Hữu Thỉnh. Photo courtesy of giadinh.net

Tuy nhiên không phải ai cũng quay lưng lại với hai giải thưởng cao nhất nước này như nhà văn Nguyên Ngọc. Số tiền được trao cho người nhận giải ngày một cao hơn đã khiến cho lòng tham con người bị dấy động. Bên cạnh đó danh tiếng của giải thưởng cũng phần nào tăng trọng lượng cho tác phẩm của người nhận giải đối với những ai chưa biết rõ cách thức xét tuyển của ban chấm giải.

Nếu nói rằng một thành viên của Uỷ ban xét tuyển đưa tên mình vào danh sách xét tuyển thì khó mà ai tin được, tuy nhiên điều khó tin này đã xảy ra khi chính ông Hữu Thỉnh đưa hai tác phẩm “Thương lượng với thời gian” và “Trường ca biển” của ông vào danh sách.

Nhà văn Trần Mạnh Hảo là người đánh động dư luận về việc này. Ông cho biết cặn kẽ sự việc như sau:

“Năm nay ông Hữu Thỉnh đưa ra hai tập thơ, một tập tên là "Thương lượng với thời gian". Tập "Thương lượng với thời gian" là tập thơ nhiều bài đã được giải thưởng Hội Nhà Văn Việt Nam năm 2006. Tập "Thương lượng với thời gian" khi được giải thưởng thì tôi có viết một bài phê bình, phê tập thơ là dở và nhạt nhẻo, "thương lượng với thời gian" hay là "thương lượng với hội đồng chấm giải thưởng" ? Mà cái giải thưởng này chính ông Hữu Thỉnh là người trưởng ban lập ra cái giải thưởng và là người chủ tịch của hội đồng chấm giải thưởng, và là người ký cái giải thưởng, tức là ông ta ký cho chính ông ta.

Ông chấm cho ông và ông ký cho ông! Bài phê bình của tôi có tác dụng rất là mạnh đến nỗi vào ngày nhận giải thưởng, khi phát giải thì ông ta từ chối nhận giải nhưng không cho biết lý do. Bài viết của tôi đã vạch ra tập thơ "Thương lượng với thời gian" là một tập thơ rất nhạt. Bẳng đi một thời gian đến năm nay lại thấy ông ta trưng ra hai tập, đầu tiên gọi là "hội đồng giới thiệu để xét giải thưởng quốc gia của Hội Nhà Văn", trong lúc đó ông ta là chủ tịch, lại đưa tập thơ "Thương lượng với thời gian" ra để xét giải thưởng!

Tập thơ thứ hai là tập "Trường ca biển". Tập "Trường ca biển" này tôi đọc kỹ và tôi đang viết bài phê bình. Đây cũng là một tập thơ hết sức là tẻ nhạt, nói chung không có gì xuất sắc. Nó nhàn nhạt, nó không có gì đặc biệt.

Ông ta đưa hai tập thơ rất dở vào xét Giải thưởng Hồ Chí Minh vì ông ta là Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam. Ông là bí thư đảng đoàn hai cơ quan này. Ông lại có tên trong ban chung khảo, tức là ban chấm giải thưởng Văn học Nghệ thuật, giải Hồ Chí Minh và giải Nhà nước của Nhà Nước Việt Nam. Ông ta ở trong ban chấm giải, ông ta chấm giải của ông ta, thì chắc chắn hai tác phẩm này của ông ta sẽ được Giải thưởng Hồ Chí Minh sắp tới và họ sắp công bố.”

Không có giá trị

tranmanhhao-250.jpg
Ảnh - Nhà phê bình văn học Trần Mạnh Hảo

Với nhận xét khá bi quan, nhà văn Trần Mạnh Hảo cho rằng người ta đang thi nhau đề nghị tác phẩm dở chứ không phải là tác phẩm hay như tiêu chí của pháp lệnh nhà nước về nội dung bắt buộc người được đề nghị phải có:

“Hai tác phẩm rất dở của ông Hữu Thỉnh mà được Giải thưởng Văn học Hồ Chí Minh của nhà nước thì chứng tỏ cái giải thưởng đó không có giá trị. Cái giải thưởng này chắc là người ta thưởng cho người chứ không phải cho tác phẩm.

Tôi đang ngồi trước một chồng những tiểu thuyết, những truyện ngắn, tất cả những tác phẩm tôi đã sưu tầm lâu nay được đề cử vào Giải thưởng Hồ Chí Minh năm nay, và nếu tất cả những ông này mà được giải thì đây là tập hợp những tác phẩm dở nhất và nhạt nhẻo nhất Việt Nam.

Giải thưởng Hồ Chí Minh theo họ là giải thưởng cao quý nhất về văn học nghệ thuật tặng cho những tác giả có công lớn trong lãnh vực sáng tác văn học nghệ thuật thì lại được trao cho những tác phẩm dở và kém như thế. Tôi suy ra là Giải thưởng văn học Hồ Chí Minh người ta lấy tiêu chí dở để xét giải thưởng chứ không phải tiêu chí hay. Thế thì tiêu chí dở và nhạt nhẻo như thế thì giải thưởng này quá thành công rồi!”

Trong thời gian gần đây báo chí loan tin bốn nhân vật nối nhau từ chối tên mình trong danh sách người được xét tặng, đó là nhà văn Nguyên Ngọc, nhà văn Sơn Tùng, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và nhà văn Sơn Nam.

Sự kiện cùng một lúc rút tên của ba cây viết nổi trội nhất nhì của nền văn học nước nhà và một cán bộ cao cấp từng giữ cương vị trong Ban bí thư Trung ương đảng đã dấy động nhiều câu hỏi của báo chí đặt ra cho cơ chế chấm giải cũng như tổ chức danh sách xét duyệt của hai giải thưởng này.

Không cần giải thưởng

000_Hkg5218915-250.jpg
Từ trái sang: Các ông Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Văn Khải, Nguyên Ngọc cùng xuống đường biểu tình chống TQ hôm 14/8/2011. AFP

Nếu dựa theo tiêu chí mà Pháp lệnh quy định Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước đã ban hành thì rất nhiều người bị bỏ sót sau nhiều năm hai giải thưởng này thành hình, một trong những người xứng đáng được trao giải đó là nhà văn Nguyên Ngọc.

Theo điều 2 mục b của pháp lệnh quy định “Các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật, có tác dụng tốt trong việc giáo dục, xây dựng con người mới, nâng cao trình độ thẩm mỹ của nhân dân, góp phần đáng kể vào sự phát triển của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam”.

Tác phẩm “Đất nước đứng lên” của Nhà văn Nguyên Ngọc được dạy trong mái trường Xã Hội Chủ Nghĩa trong nhiều chục năm qua là một minh chứng rõ nét nhất cho sự đóng góp của ông. Nhiều thế hệ đã học “Đất nước đứng lên” như hành trang chuẩn bị cho tư cách sống của một thanh niên khi bước chân vào đời cũng như vào mảnh vườn văn học nước nhà.

Khi được hỏi lý do rút tên ra khỏi danh sách đề cử, nhà văn Nguyên Ngọc nay đã 80 tuổi cho chúng tôi biết:

“Từ đầu tôi vẫn nghĩ thế này, đối với một nhà văn, đối với người làm văn học hay cả nghệ thuật nữa thì thực ra tác phẩm của mình, công trình của mình, sự sáng tác của mình, việc đánh giá do người đọc, quần chúng với đối tượng họ đánh giá. Có thể đánh giá lúc này, bây giờ như thế này nhưng mà lâu dài thì ra sao? Có khi là bây giờ thấy nó ồn ào nhưng lâu dài người ta quên mất, cho nên tôi không quan tâm nhiều đến chuyện giải thưởng; tôi không cho rằng giải thưởng là quan trọng.

Chuyện mình làm được cái gì đó thì người đọc, hay thính giả, khán giả thì người ta đánh giá. Tôi nghĩ một nghệ sĩ chân chính thì người ta làm chứ người ta không hề nghĩ đến chuyện giải thưởng, thậm chí cũng không hề nghĩ đến chuyện đánh giá. Người ta làm vì người ta muốn bộc lộ cái gì đó, thậm chí là thỏa mãn một nhu cầu bộc lộ của mình. Chuyện đánh giá thì sau đó tự nó đến chứ thật ra không ai quan tâm nhiều đến điều đó đâu."

Tự trọng

ng-khoa-diem-200.jpg
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Tạp chí Sông Hương Online.

Với trường hợp rút tên của hai ông Sơn Nam và Nguyễn Khoa Điềm, nhà văn Trần Mạnh Hảo cho biết nhận xét của ông:

“Thực sự ra nếu ông Nguyễn Khoa Điềm mà không từ chối thì chắc chắn là ông ta được giải thưởng Hồ Chí Minh, vì thơ của ông Nguyễn Khoa Điềm nói chung là có cái cõi riêng. Thơ của ông thực ra bây giờ chất lượng không bằng thời trước khi ông làm quan lớn, nhưng vẫn có phong cách.

Tôi nghĩ rằng nếu ông Nguyễn Khoa Điềm không rút thì chắc chắn được giải vì ông đã ở trong một vai trò rất lớn, là một quan đại thần trong Bộ Chính Trị nên cái uy tín chính trị của ông rất lớn, nó đảm bảo tác phẩm của ông chắc chắn được Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên ông ta rút ra thì tôi nghĩ là ông không thích nằm trong cái dạng dở như vậy. Văn chương được xét giải Hồ Chí Minh năm nay kém như vậy cho nên ông ta thấy không thích nên rút ra, chứ chẳng phải cái ngày xuất bản thế nọ thế kia như ông ta lấy làm lý do. Ông không thích nằm trong cái dàn đồng ca dở đó, mà rút ra thế thì người ta càng trọng ông hơn là ông được giải.”

Nghèo nhưng thơm


son-nam-250.jpgNgười thứ tư được chú ý là nhà văn Sơn Nam. Ông qua đời và để lại cho gia đình một gia tài đồ sộ những tác phẩm viết về miền Nam đã được cả nước thừa nhận như một thư viện nhỏ chứa đầy các chi tiết quan trọng nhất của phương nam từ thời dân tứ phương đổ về đây khai quang lập ấp.

Gia đình nhà văn Sơn Nam đã chính thức thông báo yêu cầu rút tên ông ra khỏi danh sách đề cử giải thưởng và theo nhiều người thì đây là một hành động đáng kính phục, trong đó có nhà văn Trần Mạnh Hảo, ông nói:

“Gia đình ông Sơn Nam thì tôi rất phục. Gia đình ông không giàu có và nói chung là nghèo. Con ông Sơn Nam tôi biết, cả đời sống trong nghèo khó. Một giải thưởng nhà nước sẽ chắc chắn trao cho ông Sơn Nam, vì ông là một nhà văn lớn, không chỉ của Miền Nam mà của cả nước, nên họ sẽ trao cho ông. Mà trao thì sẽ được ít nhất gần 200 triệu. Hai trăm triệu là một số tiền lớn so với gia đình nghèo của ông Sơn Nam lắm chứ!

Thế nhưng gia đình rất là tư cách vì họ nghĩ đây là cái quyết định lớn, mà ông Sơn Nam đã mất rồi, ông không thể quyết định mà hình như ông có trối trăn lại là ông không thích những cái giải thưởng như thế, cho nên gia đình họ quá là tư cách đi, họ từ chối bởi vì số tiền đó quá lớn đối với họ nhưng mà họ từ chối. Tôi rất kính phục gia đình ông Sơn Nam.”

Việc hai giải thưởng được xem là quan trọng bậc nhất của quốc gia cũng bị lũng đoạn bởi sự lạm dụng quyền thế của người chấm giải, cộng với cách công khai thao túng quyền đề cử bất kể dư luận đã nói lên sự thật về tất cả các giải thưởng lớn nhỏ của Việt Nam ngày nay. Bốn người trong cuộc lên tiếng một lúc đã trở thành chuyện không lạ, khi tính khách quan của giải thưởng bị ông Hữu Thỉnh lợi dụng vị trí của mình để làm xấu đi nét đẹp của hai giải thưởng này.

2011-09-03

 
 
 

Giải thưởng văn học Nhà Nước và Hồ Chí Minh


Trần Mạnh Hảo - Sáng nay, mát trời ông địa, bạn tôi, xin viết tắt là ông Ất (không có ông Giáp) cùng nhau làm tí café đen… đủi, quán xá hơi bị đẹp, chân hơi bị ngắn mà “buông chùng váy Đình Bảng” rất chi là gia giáo, bèn “buôn dưa lê” hết chuyện chính trị đến văn nghệ văn gừng, thi ca hò vè đủ tất tần tật, tôi (TMH) ngứa mồm bèn khoe: trưa nay về, thế đếch nào tớ cũng ngoáy một bài mang tên: “Hội nhà văn VN đang từng bước xóa sổ nền văn học nước nhà”. Ất há hốc miệng kinh hãi, can:
 
- Thôi đi cha. Viết thế ông Hữu Thỉnh ông kiện cho đi tù bỏ bà. Hảo nên nhớ HT hàm bộ trưởng nhá, cán bộ lớn do bộ chính trị quản lý nhá. Ông phê bình thơ HT dở mà giấy trắng mực đen lý luận dẫn chứng phân minh trung thực rành mạch bố cãi thì được, chứ đụng vào cả cái Hội nhà văn của đảng thì xin ông, đừng có mơ, tránh voi không xấu mặt nào,,,


- Rồi. Đọc xong tớ rất hãi. Vì xưa nay, tớ a tòng với dư luận báo lề phải luôn cho thơ Hữu Thỉnh là hay nhất nước, là một Tố Hữu thời nay. Có hàng trăm bài báo lề phải ca ngợi thơ HT thành ra mình đọc cái quái gì của HT cũng như bị báo chí dư luận thôi miên, rằng hay quá trời… Đọc mấy bài của Hảo, tớ ngã ngửa, bèn về lấy hai cuốn thơ dự giải thưởng HCM của HT: “Thương lượng với thời gian” và “Trường ca biển” ra đọc lại, bị bài của Hảo thôi miên hay sao ấy, chợt thấy thơ HT dở một cách sâu sắc, nhạt nhẽo một cách tinh quái, thế mới kinh. Có lẽ HT được đám phê bình xu thời, phê bình ăn theo cốt xin tí tài trợ sáng tác mấy chục triệu từ ông chủ tịch hội nhà văn VN, nên lăn vào khen ngợi làm HT tưởng thơ mình hay nhất nước thật…

- Hảo hỏi Ất nhá: Hội nhà văn do ông HT làm chủ tịch dâng lên nhà nước các tác phẩm dự giải thưởng văn học Nhà nước và giải thưởng văn học HCM hầu hết là các tác phẩm trung bình, thậm chí rất dở, rất nhạt nhẽo để nhà nước tôn vinh lên thành các tác phẩm lớn, các tác phẩm xuất sắc, thì thử hỏi hành vi ấy nên gọi là hành vi gì ?

- Đó là hành vi lừa đảo nhà nước, lừa đảo nhân dân. Tác phẩm dở mà dám gọi tác phẩm hay, tác phẩm bé hơn con kiến mà dám nói tác phẩm lớn như quả núi. Việc này hệ trọng đây he he he he. Nó giống như anh bán thuốc trừ sâu giả cho nông dân cả nước, khiến sâu đếch chết mà lúa chết; giống như anh bán thuốc giả cho dân, uống vào không hết bệnh, dân chết như rạ…Than ôi, nguy hiểm quá, nguy hiểm quá… Mấy anh Hội nhà văn VN này chả lẽ làm nghề bán thuốc giả tinh thần…?

- Bác Ất này, Hảo tôi công bằng mà nói, trong các tác phẩm Hội nhà văn VN đưa lên để xét giải thưởng nhà nước, không phải đều dở hết, cũng có đến hai phần mười là tác phẩm hơi bị hay, khá hoặc kha khá. Còn các tác phẩm đưa vào giải thương HCM thì hầu như đều dưới tầm, thậm chí dở vô cùng tận, ngang ngửa với thơ HT cả. Có nhiều cuốn tiểu thuyết tôi đọc mà kinh hãi, tác giả “đỉnh cao” này không biết viết câu văn tiếng Việt, cứ thì là mà kéo dài, chẳng chấm phảy gì ráo. Viết tẻ nhạt đến nỗi tôi xơi ba vại café đen rồi mà vẫn buồn ngủ, thiếu đường cho tí ớt vào mắt mới có sức nhá hết của nợ là những cuốn tiểu thuyết lê thê, nhạt nhẽo, chẳng có tí văn học nào này… Ấy vậy mà những “đỉnh cao” này từng được giải thưởng Hội nhà văn rồi nhá, lại được thưởng cả giải 2000 USD gọi là giải Vua Thái Lan ASEAN mới hãi hùng chứ bác!

- Nếu đúng như Hảo nói thì ông HT này cùng ban lãnh đạo Hội Nhà văn đang từng bước xóa sổ nền văn học nước nhà thật. Việc lừa dân lừa đảng như thế này để cuỗm đi của nhân dân hàng chục tỉ đồng tiền giải thưởng là tội to đấy. Tiền tỉ tỉ này đâu phải tiền của đảng của nhà nước, tiền đóng thuế của dân đen nhịn ăn nhịn mặc, nhịn đủ đường để co ro rét, run rẩy đói mà đóng thuế cho nhà nước đó, tiền này xương máu của dân, ăn gian, ăn tham thì đúng là tham nhũng giải thưởng thật rồi…

- Nghe tin vỉa hè của văn phòng hội nhà văn VN thì tiền giải thưởng cho mỗi tác giả giải nhà nước năm 2011 này đâu cỡ hai trăm triệu, giải Hồ Chí Minh đâu cỡ ba trăm triệu đó bác Ất, nhớn chứ có bé tí ti gì cho cam… Điều hệ trọng hơn việc tham nhũng tiền giải thưởng rất lớn này là việc Hội nhà văn VN định hướng cho lớp trẻ: cứ viết như các “giải đỉnh cao nghệ thuật” này nhé, như thơ Hữu Thỉnh nhé, như văn thơ lí luận báo chí Hà Minh Đức nhé; nghĩa là cứ viết thật dở vào, nhạt tới số vào sẽ có giải thưởng lớn, miễn là viết đúng lập trường giai cấp, cứ ta thắng địch thua vào là trúng lớn; chứ viết như cậu Bảo Ninh rằng chẳng bên nào thắng là ăn cám ngay; em nào cháu nào theo đuôi bọn Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Võ Thị Hảo, Nguyễn Quang Lập, Tạ Duy Anh… mà viết hay kiểu “biểu tượng hai ba mặt” là chỉ vứt vào sọt rác thôi nhá…

- Hảo này, mình nghĩ rộng ra tí chính trị cho vui. Nhà nước mà công bố cái giải thưởng ngược này ra là các thế lực thù địch nó thích nhất đấy, nó cám ơn đảng nhà nước cho nó cơ hội lớn thi nhau nói xấu chế độ ta, nó hoan hô còn hơn anh viết văn dỏm, làm thơ dỏm mà được giải thưởng lớn mấy trăm triệu đấy.

- Sao kỳ vậy cha nội?

- Hảo, mày ngu vừa vừa thôi nhá. Bọn “các thế lực thù địch” nó chỉ chờ nhà nước hớ, để ông chủ tịch Trương Tấn Sang ký vào bằng khen tôn vinh các giá trị giả… là nó tuyên truyền nói xấu chế độ tốt đẹp gấp tỉ lần chế độ tư bản của ta; rằng các ông xài bạc giả nhá, rằng dở thế mà các ông không có mắt lại khen hay nhá… Rồi từ hiện tượng văn học giả, giải thưởng giả này nó quy lên thành bản chất chế độ ta là chế độ giả… thì có phải là việc tuyên truyền ta thật thà từ chân lên đầu của ban tuyên giáo trung ương bị hiểu ngược lại hay không?

- Bác Ất quy kết chính trị kinh bỏ xừ. Em chả. Nếu vậy thì bác đang gián tiếp quy kết đám làm hàng giả giải thưởng này là làm hại chế độ ta à ?

- Rõ rồi nhá. Tớ mà như nhà nước ta, tớ ra lệnh cấm các nhà văn viết văn dở, cấm làm thơ dở…

- Thôi em van bác. Nhà nước ta thông minh sáng suốt gấp tỉ tỉ lần bác với em. Nếu nhà nước ra lệnh cấm viết văn dở thì bố ai dám viết nữa, thì làm cóc gì còn Hội nhà văn. Theo em thì nhà nước chỉ nên cấm bọn biến văn dở thơ dở thành hay, hô biến, đọc thần chú: “vừng ơi mở ra” là văn học dở thành văn học hay, rồi mưu mô lập bề hội đồng bỏ phiếu kín phiếu hở xin đảng cấp giải thưởng làm hại uy tín nhà nước ta quang minh chính đại không bao giờ biết nói dối, chỉ nói thật thành thần mà thôi bác ui !

- Thế a ! ?

Sài Gòn 08-9-2011
 
 
 
 

Thời những tác phẩm nhỏ được giải thưởng lớn?


Trần Mạnh Hảo - Chưa khi nào như lần nhà nước Việt Nam xét tặng giải thưởng được gọi là “danh giá và cao qúy” là giải thưởng Nhà Nước và giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật lại xảy ra nhiều điều tiếng không hay như năm 2011 này. Xin quý vị dùng công cụ truy tìm http://google.com , đánh từ khóa : “giải thưởng nhà nước và giải thường Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2011” sẽ tìm ra hàng chục bài phê phán, bình luận, thắc mắc, kiện cáo… về sự bất cập và thiếu công bằng, thiếu chính danh của giải thưởng này, trên cả báo lề phải lẫn báo lề trái. Theo tiêu chí của nhà nước, tác phẩm văn học được xét tặng giải thưởng nhà nước phải là tác phẩm xuất sắc, tác phẩm văn học được xét giải thưởng Hồ Chí Minh phải là tác phẩm đỉnh cao, tức tác phẩm lớn.

Trong bài viết này, chúng tôi chỉ bàn sơ qua về chất lượng nghệ thuật của các tác giả được đề cử tặng thưởng giải Hồ Chí Minh về văn học dưới đây :

Tác phẩm đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh

Lê Lựu: Tuyển tập Lê Lựu

Đỗ Chu: Một loài chim trên sóng (tập truyện) Tản mạn trước đèn (tập tùy bút)

Hồ Phương: Ngàn dâu (tiểu thuyết) Biển gọi (tiểu thuyết) Yêu tinh (tiểu thuyết) Những cánh rừng lá đỏ (tiểu thuyết)

Ma Văn Kháng: Truyện ngắn chọn lọc Ma Văn Kháng, Mưa mùa hạ (tiểu thuyết) Côi cút giữa cảnh đời (tiểu thuyết) Đám cưới không có giấy giá thú (tiểu thuyết) Gặp gỡ ở La Pan Tẩn (tiểu thuyết)

Hà Minh Đức: Cụm tác phẩm thơ văn báo chí Hà Minh Đức, Cụm tác phẩm văn hóa nghệ thuật

Phạm Tiến Duật: Đường dài và những đốm lửa, Tiếng bom và tiếng chuông chùa (trường ca) Vừa làm vừa nghĩ (tập tiểu luận)

Hữu Thỉnh: Thương lượng với thời gian, Trường ca Biển

Nguyên Ngọc: Đất nước đứng lên (tiểu thuyết) Rẻo cao (tiểu thuyết) Cát cháy (tiểu thuyết) Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc

Lê Văn Thảo: Con đường xuyên rừng (tiểu thuyết) Một ngày và một đời (tiểu thuyết) Cơn giông (tiểu thuyết) Tuyển tập truyện ngắn

Nguyễn Khoa Điềm: Cõi lặng (tập thơ)

Bùi Hiển: Đường lớn (ký sự) Hướng về đâu văn học (tiểu luận)

(theo website http://lethieunhon.com)

Trong 11 tác giả được đề cử giải thưởng lớn lần này (trừ nhà văn Nguyên Ngọc và nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã xin rút ra khỏi giải), còn lại 9 nhà văn đều đã được tặng giải thưởng nhà nước từ những năm trước. Những tác phẩm sáng giá nhất đời họ đều đã được giải thưởng nhà nước (là giải thưởng nhỏ) trước rồi. Nay họ chỉ còn những tác phẩm trung bình, thậm chí yếu kém lại được đưa ra xét giải thưởng lớn thì quả là thậm phi lý. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ nêu lên những nhận định khái quát về các tác phẩm dự xét giải thưởng lớn (giải thưởng HCM) trên; sau này, chúng tôi sẽ lần lượt phê bình từng tác phẩm cụ thể khi giải thưởng lớn chính thức công bố.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, đương kim chủ tịch liên hiệp các hội văn học nghệ thuật, chủ tịch hội nhà văn Việt Nam, kiêm bí thư đảng đoàn hai cơ quan trên, trong đợt đầu xét giải thưởng văn học nhà nước cho thế hệ các nhà văn chống Mỹ, hai tập thơ khá nhất của đời ông là “Đường tới thành phố” (trường ca) và “Thư mùa đông” đã được trao giải thưởng nhà nước. Năm 2011 này, Hữu Thỉnh bèn đưa hai tập thơ dở nhất đời ông là : “Trường ca biển” và “Thương lượng với thời gian” ra xét giải thưởng văn học Hồ Chí Minh thì có phải là ông muốn dùng phép “con sâu làm rầu nồi canh” để nhục mạ giải thưởng lớn này chăng ? Xin quý bạn đọc hãy vào công cụ tìm kiếm http://google.com , gõ tên hai bài phê bình của chúng tôi (TMH) phê bình hai tập thơ dở này của Hữu Thỉnh đã in trên nhiều trang mạng : “Trường ca biển một tác phẩm làng nhàng, nhạt nhẽo của Hữu Thỉnh sắp được giải thưởng văn học Hồ Chí Minh” và “Trong hai tác phẩm dự giải thưởng Hồ Chí Minh của ông Hữu Thỉnh : một dở và một trường ca phạm quy”.

Nhà thơ Phạm Tiến Duật đã ẵm giải thưởng văn học nhà nước bằng tác phẩm khá nhất của đời ông, đó là tập thơ : “Vầng trăng và quầng lửa”. Những tác phẩm được đưa ra xét giải thưởng văn học lớn trên của ông đều là những tác phẩm trung bình kém, thậm chí rất dở và nhạt nhẽo.

Trong các nhà văn được đề cử xét giải thưởng Hồ Chí Minh trên, duy chỉ mình nhà văn Lê Lựu là có tác phẩm lớn, tác phẩm đỉnh cao. Ấy là tiểu thuyết “Thời xa vắng”, tác phẩm để đời của ông. Nhưng rất tiếc, “Thời xa vắng” của ông đã lãnh giải thưởng nhỏ (giải thưởng nhà nước) trước rồi. Nay những cuốn sách trên của ông hầu như đều có chất lượng trung bình, hoặc kha khá, không đủ tiêu chí giành giải thưởng lớn. Trong phần giới thiệu tác phẩm Lê Lựu để xét giải thấy chỉ nêu một tập là tuyển tập Lê Lựu. Mà trong tuyển tập này nếu có “Thời xa vắng” là phạm quy, còn không có tác phẩm lừng danh này, còn lại đa phần là nhạt.

Khác với Lê Lựu, cuộc đời viết của Đỗ Chu có vẻ thông dòng bén giọt hơn nhưng ông không có tác phẩm lớn như Lê Lựu. Những tác phẩm khá của ông đã giành giải thưởng văn học nhà nước trước rồi. Mấy cuốn sách kể trên của ông không có gì xuất sắc, đọc tạm được mà thôi. Thời còn học trung học, Đỗ Chu mê “Bông hồng vàng”, “Lẵng quả thông” của Pautopxki (do Vũ Thư Hiên dịch đầu những năm sáu mươi của thế kỷ trước). Giọng văn đầy chất thơ, lãng mạn và tươi mát như suối nguồn, như ánh trăng của nhà văn Nga này mê hoặc Đỗ Chu và các nhà văn trẻ thời đó. Đỗ Chu đã viết các truyện đầu tay như “Phù sa”, “Hương cỏ mật”, “Thung lũng cò” …khá hấp dẫn như một ông Pautopxki con con…Nay cái thời ấy xa rồi, thưở ban đầu ấy xa rồi, lối viết lãng mạn kiểu Pautopxki qua rồi, nhường hiện thực dữ dội cho những cây bút dữ dội .

Hai nhà văn Hồ Phương và Lê Văn Thảo với các tác phẩm kể trên được đề cử giải thưởng văn học HCM đều là những tác phẩm đuối tầm, không có gì xuất sắc, chất lượng nghệ thuật chưa bằng các tác phẩm được đề cử của Lê Lựu, Đỗ Chu.

Có lẽ những tác phẩm của Ma Văn Kháng được đề cử trên là khá hơn cả. “Côi cút giữa cảnh đời”, “Mùa lá rụng trong vườn”, “Đám cưới không giấy giá thú” của ông được người đọc của một thời hoan nghênh, khen tặng. Nhưng chúng không có đủ tầm vóc nghệ thuật bay qua các thời đại, nghĩa là không thể trở thành tác phẩm lớn kiểu như “Thời xa vắng” của Lê Lựu”.

Nhà văn Bùi Hiển là một tác giả tiền chiến nổi tiếng viết truyện ngắn hay, trong đó tập truyện “Nằm Vạ” của ông đã đưa ông lên hàng những nhà văn viết truyện ngắn hay vào bậc nhất thời trước năm 1945, sau tên tuổi của Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Vũ Bằng… Chính ra ông phải được giải thưởng lớn từ trước chứ không phải giải thưởng nhà nước như đã nhận. Lần này Hội nhà văn đề cử những tác phẩm không tiêu biểu của ông vào giải thưởng lớn là một nghịch lý. Sở trường của Bùi Hiển là truyện ngắn mà sao Hội nhà văn lại đề cử tác phẩm ký sự và tiểu luận là sở đoản của ông ?

GS. Hà Minh Đức được đề cử vào giải thưởng văn học Hồ Chí Minh có lẽ là một sự nhầm lẫn của Hội đồng tuyển chọn Hội Nhà Văn chăng ? Những cuốn giáo trình của GS. Hà Minh Đức dùng để dạy học, hầu như không có chất văn. Đâu phải các thầy cứ viết tiểu luận văn học làm giáo trình giảng dạy là có thể trở thành văn học. Viết đúng viết thật chưa thể thành tác phẩm văn học, nếu những trang viết kia không có chất văn, không hấp dẫn. Mới đạt CHÂN và THIỆN mà chưa có cái MỸ thì chưa phải văn học. Các bài báo của GS. Hà Minh Đức thì nên đăng ký dự ở giải báo chí, sao lại đăng ký vào giải thưởng văn học lớn này? Về thơ của GS. Hà Minh Đức mà đoạt giải thưởng văn học Hồ Chí Minh thì khoảng hai nghìn nhà thơ trong nước đều có thể ẵm được giải thưởng lớn này.

Chúng tôi sẽ dành thời gian và công sức phê bình cụ thể từng tác phẩm được đề cử trên, sau khi giải thưởng văn học Hồ Chí Minh chính thức công bố.

Chúng tôi mong hàng trăm nhà phê bình văn học quốc doanh, nhà phê bình văn học xu thời lên tiếng bảo vệ những giá trị được cho là thật kia, trong khi chúng tôi chỉ thấy là những giá trị ảo, để ta cùng tranh luận cho đen trắng, hay dở, đúng sai rõ ràng.

Nếu cứ đánh tráo dở thành hay, sai thành đúng, xấu thành tốt, ác thành thiện như thế này sẽ không thể còn nền văn học Việt Nam, thậm chí văn hóa Việt Nam rồi cũng sẽ biến mất cùng với nguy cơ dân tộc bị diệt vong đang có cơ xuất hiện.,.

Sài Gòn 06-9-2011
 
 
 

Tự do là hơi thở của văn chương


Thái Phục Nhĩ - Nghệ sĩ chân chính ngoài óc quan sát tinh tường thì họ có ý chí cương trực khó mà lay chuyển. Họ biết mình sinh ra đời là để phụng sự chân thiện mĩ, họ sẽ nói sự thật, họ sẽ làm theo sự thật để tạo cho cuộc đời những di sản đẹp. Bảo họ cong cái lưng để được vài đấu gạo họ còn chưa chịu, huống chi bảo họ uốn lưỡi để nói những điều dối trá. Dù chỉ sống một ngày mà họ làm hiện ra được chân lí cho đồng loại họ cũng sung sướng và vinh hạnh hơn là sống cả trăm năm mà bán rẻ chân lí. Đối với những người mà cái chết không làm họ sợ thì những bả hư danh, nhưng giải thường còm cõi nhuốm màu chính trị bè phái phấn sức bằng những chính nghĩa rạng ngời không mua nổi lương tâm họ...


Văn chương hạ giới rẻ như bèo

Câu ấy của Tản Đà được Nguyễn Hiến Lê dẫn lại trong bài Văn Chương Hạ Giới (i) để tả nỗi túng bấn của văn sĩ Việt Nam. Uyên bác như Lê Quí Đôn, viết những pho sách có lợi cho văn hóa quốc gia lắm mà không giàu nhờ sự nghiệp văn chương được. Nguyễn Du mất bao nhiêu tinh huyết để viết truyện Kiều mà chỉ nhận được vài tiếng khen lẫn chê của triều đình. Qua thời sau, Tú Xương “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi”, có lúc túng toan “bán cả trời”, nhờ vợ đảm đang mà qua được bữa cơm hàng ngày, như ông kể trong bài Thương Vợ.

Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.

Đã nghèo lại đông con, thì càng nghèo hơn. Sự thực thì ông có với bà tới tám người con chứ không phải năm như lúc đó đâu. Tản Đà cũng như Tú Xương, nghèo mà sinh tới tám người con. Thời hoàng kim nhất của thi sĩ thuộc thế hệ cựu học này là lúc An Nam Tạp Chí còn bán chạy. Khi phong trào Tân Học bắt đầu thịnh hành thì nho sĩ như Tản Đà phải nhường thi trường lại cho những thanh niên tài năng như Xuân Diệu, Huy Cận, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư. Đến lúc An Nam Tạp Chí vĩnh viễn đình bản thì Tản Đà càng túng bấn hơn, phải chạy cơm áo đủ mọi cách, lúc thì dạy chữ Nho, lúc thì rao viết thuê trên báo những thứ “văn vui, buồn, thường dùng trong xã hội”, thậm chí còn mở phòng xem bói nữa.

Hai tiếng hạ giới trong lời than của cụ Tản Đà chỉ xứ Việt. Chứ ở phương Tây thì văn chương quý như vàng. Văn sĩ nào có tài năng thì tiêu cả đời không hết tiền. Dickens hồi mới thành công, tập truyện Christmas Carols trong nửa tháng bán được mười lăm ngàn cuốn, tiền bắt đầu vô như suối và khi ông mất rồi, người ta đếm từng chữ trong tiểu thuyết của ông mà trả cho người thừa tự: ba Anh kim mỗi chữ. Somerset Maugham cũng thế, lang thang đói rách suốt cả chục năm, năm 35 tuổi mới bắt đầu thành công. Có lúc có bốn kịch của ông công diễn tại London cùng lúc, mang ông ra khỏi cảnh nghèo túng. Lúc mất năm 1965 ông để lại cho Alan Searle người thừa tự của mình 50 ngàn Anh kim cùng toàn bộ tài sản trong biệt thự Mauresque ở Pháp, toàn bộ bản thảo và tác quyền trong 30 năm. Đến ngày nay thì nhờ kĩ nghệ làm phim và thương mại mà văn sĩ nào ăn khách cũng có thể nói là ngồi trên bạc vàng. Dan Brown ngay năm đầu xuất bản The Da Vinci Code kiếm được 88 triệu đô. J.K. Rowling năm 2005-2006 nhờ bán Harry Potter, cộng thêm tiền tác quyền làm phim và lợi tức thương mại mà bỏ túi được 75 triệu đô. Nhìn vào những danh sách những nghệ sĩ giàu có do tạp chí Forbes lập nên cho ai cũng thấy ngợp. Khiếp, văn chương sao mà dễ kiếm tiền thế, nghệ sĩ nào cũng kiếm vài chục tới vài trăm triệu đô mỗi năm.(ii)

Văn chương Việt Nam có rẻ, là thời cụ Tản Đà về trước mà thôi. Chứ ngày nay thì văn sĩ cũng sống ung dung được nhờ cây bút, miễn là chỉ lựa những đề tài vô thưởng vô phạt về chính trị. Các nhà nghiên cứu độc lập như Lê Anh Minh, Nguyễn Tôn Nhan chuyên về khảo cứu, không màng chi tới địa vị trong bộ nọ bộ kia, cần mẫn làm việc và giao kèo với các nhà người buôn sách thì vẫn chưa đến nỗi thiếu thốn như Vũ Trọng Phụng mà than làm người mà được ăn cơm thì sướng biết mấy. Một số dịch giả lựa những tiểu thuyết hay, đừng dính líu tới chính trị, đừng tỏ thái độ chính trị thì cũng có rủng rỉnh sống bằng cây bút.

Những tiểu thuyết vào loại best-seller của Rowling, Dan Brown hay Stephen King không chỉ đưa tác giả lên hưởng vinh hoa phú quý ở những chốn đệ nhất phồn hoa như Hollywood hay London mà còn làm giàu cho nhiều dịch giả ở những xứ xa xôi như Việt Nam nữa. Thậm chí sách của những người khác chế độ, khác chính kiến cũng có thể làm giàu thêm cho những người trong chế độ này nữa. Nguyễn Hiến Lê sáng tác dưới chế độ Sài Gòn, sau 1975 không xuất bản được cuốn nào mà nay sách của cụ tái bản hoài. Trong Hồi Kí cụ có tả cái xã hội giả dối và lạc hậu dưới chế độ mới ư, thì người ta cắt những chương đó đi. Thậm chí như sách của Thích Nhất Hạnh mà tu viện Bát Nhã theo pháp môn của ông đã bị chính quyền giải tán năm ngoái, người ta cũng in đi in lại mấy lần. Cuốn Đường Xưa Mây Trắng đã dịch ra hơn mấy chục thứ tiếng, đang dựng phim ở Hollywood, thầy Nhất Hạnh được liệt vào loại tác giả best-seller ở Mĩ, lợi tức tác quyền đủ xây thêm mấy thiền viện, thì việc gì mấy nhà kinh doanh trong Nhà Xuất Bản Tôn Giáo ở Hà Nội phải liệt nó vào loại cấm thư. Ôi, ngày nay văn chương thật đâu có phải rẻ như cụ Tản Đà nói đâu.

Vì nghiệp văn chương mà khốn đốn

Dễ thấy nhất là trong những chế độ độc tài. Đâu cho xa, nhìn qua Trung Quốc cộng sản thì cũng rõ. Cách Mạng văn hóa mười năm (1966-1976) bức tử hàng triệu người; nhiều văn sĩ bị bách hại và giam tù vì tư tưởng của họ. Đến thời hiện đại rồi mà chính quyền bên đó cũng không chấp nhận tự do tư tưởng. Cao Hành Kiện đoạt giải Nobel Văn Chương năm 2000, mà nhà nước lẫn báo chí Trung Quốc không lấy làm mặn mà lắm. Mặc dù họ công nhận những người nước ngoài gốc Hoa khác đoạt các giải Nobel về khoa học, nhưng Cao Hành Kiện thì họ nhất định là không, vì họ Cao đã bỏ Đảng Cộng Sản sau vụ Thiên An Môn 1989 mà qua Pháp nhập tịch gần mười năm sau đó. Mới đây thôi, nhà đối kháng Lưu Hiểu Ba được giải Nobel Hòa Bình càng làm cho chính quyền Bắc Kinh thêm tức tối và số phận của họ Lưu đang ở trong trại giam càng thêm long đong.

Việt Nam cộng sản không có Cách Mạng Văn Hóa, nhưng vụ Nhân Văn-Giai Phẩm cũng làm cho nhiều văn sĩ điêu đứng. hoặc bị đưa đi công trường làm công nhân, hoặc đi cải tạo về tư tưởng, hoặc bị giam lỏng và treo bút vĩnh viễn. Những người nhu hòa như thi sĩ Hữu Loan xa lìa cái giới văn nghệ giả dối, xu nịnh nặng mùi chính trị của chế độ và chọn lối sống ẩn dật của những người lương thiện trong cảnh nghèo. Người có cá tính mạnh như Trần Dần thì mặc chủ trương, văn nghệ phải tự do, và ông vung bút chống lại những kẻ áp bức tư tưởng. Cây bút thơ Trần Dần không mạnh bằng bút sắt của Tố Hữu, ông bị đấu tố giữa giới văn nghệ, bị giam ở Việt Bắc rồi bị đưa về trại giam Hỏa Lò. Ông uất ức mà cứa cổ trong trại Hỏa Lò để phản kháng cái chính sách bóp nghẹt tự do của người nghệ sĩ. Biết bao nhà khác cũng điêu linh vì không chịu phục tùng chỉ thị; đói rét, thi sĩ phải gác bút mà vác bao tải đi quét lá như Quang Dũng, hoặc như Phùng Quán thì lên rừng Thái Nguyên đầy muỗi mòng để trồng bắp.(iii)

Trong chế độ tiêu diệt tư tưởng và văn hóa này, văn chương đích thật từ đáy lòng và trí óc không nuôi sống nghệ sĩ được. Muốn theo đuổi văn chương cho thỏa lòng thì chỉ có cách là im lặng, viết cho mình và người thân đọc chứ xuất bản cho công chúng thưởng thức là tự rước họa vào thân. Ngang tàng như Nguyễn Tuân, suốt đời giữ lấy cái thiên lương trong sạch, cái nhân cách cứng cỏi trước uy quyền phi nghĩa mà cũng còn nói “Tớ còn sống được đến ngày nay là vì còn biết SỢ!” Cứ nhìn Bùi Chát thì rõ, bao nhiêu dịch giả, bao nhiêu người viết truyện trẻ con, truyện tuổi teen sống rủng rỉnh ra đấy, mà Bùi Chát lại chịu cái thân phận nhà thơ vỉa hè. Là tại chàng thi sĩ thấy sự im lặng trước sự giả dối là hèn nhát, phải mở miệng mà trào phúng, mà châm biếm cho phải lòng mình. Người thời nay lo cho thân mạng chàng thi sĩ trẻ tuổi ấy, và người đời sau viết văn học sử sẽ ghi tên Bùi Chát và nhóm Mở Miệng, và chuyện họ Bùi vừa lãnh giải thưởng của Hội Xuất Bản Quốc Tế (IPA) ở Argentina về tới Sài Gòn thì bị bắt sẽ trở thành một giai thoại của làng văn dưới chế độ khắc nghiệt này.

***

Vì đâu nên nỗi?

Văn sĩ điêu linh là do cái nạn tiêu diệt tự do tư tưởng để biến văn chương thành một mặt trận của nhà cầm quyền. Văn sĩ muốn có của ăn của để phải chịu làm một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa ấy. Tức là phải phục tùng ý đồ chính trị của nhà cầm quyền, không thì khó mà sống được, chứ đừng nói là phong lưu. Tố Hữu, Đào Duy Anh, Trần Hoàn, Tô Hoài không thuần túy là những văn sĩ, nghệ sĩ, họ đều là đảng viên giữ những chức vụ trong mặt trận văn hóa của nhà cầm quyền. Nhưng mà chính trị đối với nghệ sĩ nó giống như chất muối đối với kim loại, hễ ở lâu là nó ăn mòn, mất hết giá trị. Đội cái vòng kim cô ấy của nhà cầm quyền rồi, thì ngay những tác giả giữ được thiên lương cũng khó vùng vẫy mà sáng tác theo chí mình, chất văn nghệ chết dần chết mòn trước sự đòi hỏi phục tùng của chỉ thị. Những tác phẩm giá trị nhất của Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nam Cao, Nguyễn Tuân đều viết trước 1945.

Cái hệ lụy tàn khốc của chính sách diệt chủng văn hóa này là tiêu diệt óc sáng tạo để thay cho sự phục tùng đường lối và chính sách. Nghệ sĩ không còn là nghệ sĩ, chỉ là một con tốt trong những mưu tính chính trị của nhà cầm quyền. Trần Dần ngay tại thủ đô Hà Nội của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa phải thốt:

Tôi bước đi
Không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ.

Văn không còn nói sự thật, thơ không còn là nghệ thuật, và văn hóa chỉ còn là những trò lố do những người có tư tưởng cực đoan trong chính quyền đặt ra. Chữ nghĩa nặng mùi chính trị, và dưới chủ nghĩa cộng sản chữ nghĩa đầy sát khí và xu nịnh. Ai đọc những giòng thơ cổ vũ giết chóc và ca ngợi Stalin và Mao Trạch Đông mà không thấy rùng rợn và kinh tởm? Không lạ gì nhóm Nhân Văn Giải Phẩm của Phan Khôi bị đấu tố và đày ải chẳng khác tù nhân chính trị.

Cái hệ lụy đó nó kéo dài mãi tới ngày nay, trên mặt trận văn hóa của nhà cầm quyền có chia bè chia phái rõ ràng: phe theo lề phải, phe theo lề trái. Chữ nghĩa biến thành những vũ khí để công kích nhau. Nhà cầm quyền sở hữu tuyệt đối mọi phương tiện truyền thông và xuất bản, họ như phe có nhiều đạn pháo, muốn bắn ai thì bắn, bắn cách nào cũng được, miễn là hạ được địch thủ. Khi có lệnh thì nhà báo, nhà văn của chính quyền vào phe với công an đàn án những người đứng lên nói thật tiếng nói của mình. Tất nhiên là những người cầm bút phục vụ cho nhà cầm quyền cộng sản phần nhiều đều là hạng bị tuyên truyền cho mất hết phán đoán và làm những việc thiếu liêm sỉ đến mức lố lăng. Họ sẵn sàng gom những người khác chính kiến vào một chỗ, mà họ gọi là dúm người ngây thơ về chính trị rồi giảng cho họ cách yêu nước “đúng mực và thông thái” bằng thái độ kẻ cả, ngạo mạn. Một người gọi là nhà thơ, nhà báo, tiến sĩ Mỹ học, thành viên Hội Đồng Lí Luận & Phê Bình Văn Nghệ quốc gia theo đúng chỉ thị cấp trên gọi lòng yêu nước là “hiểu và ủng hộ những việc làm của Đảng và Nhà nước”. Lương tri và chính trực mất hết trong những chiến sĩ văn hóa đắc lực nhất của nhà cầm quyền, cho nên chẳng ngần ngại gì, họ coi văn chương là món đổi chác để trục lợi, tức là tôi cho anh cái giải này thì ngược lại anh phải cung phụng cho tôi. Ông chủ tịch Hội Nhà Văn Quốc Gia tự đưa một tập thơ đã thất bại tại một giải thưởng trong quá khứ của mình ra để dự một giải lớn hơn, mà ông lại nằm trong ban giám khảo chấm điểm nữa chứ. Vì vậy mà những văn sĩ có lương tri đều rút lui khỏi cái chợ văn chương ấy để giữ thiên lương và giá trị của mình. Đào Duy Anh về cuối đời cũng chỉ mong được cái thú nhàn là viết lách trong căn nhà có vườn chứ không ham giữ chức viện sĩ nữa. Giải thưởng Hồ Chí Minh năm nay sắp tới hồi gay cấn mà đã có tới năm văn sĩ, nghệ sĩ lớn rút tên khỏi giải.

Mà đâu chỉ có văn nghệ bệnh hoạn thì nghệ sĩ chết. Cái bệnh dịch ấy đã lây lan đầy rẫy trong xã hội. Học sinh chẳng mấy ai ưa môn văn, môn sử sặc mùi chính trị; ông cai quản ngân khố quốc gia xài bằng tiến sĩ giả, thì có khác gì chuyện văn chương đem đổi chác trục lợi đâu. Và từ khi thi sĩ Trần Dần cứa cổ vì uất ức trong trại giam Hỏa Lò cho tới gần đây một thiếu niên cứa cổ người để cướp thì có cách xa nhau là mấy.

***

Hơi thở của văn chương

Nhờ văn chương mà vinh hoa phú quý ở phương Tây là do họ có tự do tư tưởng và ngôn luận. Người dân được hưởng nhiều giáo dục, dân trí cao, buộc nhà cầm quyền phải liêm khiết, ngăn được những khuynh hướng độc tài. Nhà cầm quyền không dám dùng những chính sách ngu dân, mà người dân cũng không chấp nhận nạn độc tài và bóp nghẹt ngôn luận. Nghệ sĩ được tự do sáng tác, tự do thể hiện cá tính và tài năng, nhờ vậy mà nghệ thuật được nâng lên tới những đỉnh cao mới. Nhưng không phải ngẫu nhiên mà người dân phương Tây được như vậy. Sự xung đột giữa sự thật và độc quyền chân lí bắt đầu từ thời Galileo, và phải đến hai trăm năm sau, thời Voltaire, thì ông và những chiến sĩ tự do như ông mới mở ra quyết liệt cái sứ mệnh lấy lại tự do ngôn luận và tự do tư tưởng cho đại chúng. Biết bao nhiều người phải hi sinh tự do và tính mạng của mình để chống lại sự độc tài tư tưởng của giáo hội và triều đình.

Xét cái nạn bỏ tù người dân vì tư tưởng và phát ngôn hiện nay ở Việt Nam thì chúng ta phải chấp nhận rằng nước mình còn thua phương Tây ba trăm năm về tự do ngôn luận. Tự do ngôn luận ấy leo lét được ít năm dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa rồi tắt ngúm mãi luôn từ khi chế độ cộng sản phủ hết bờ cõi nước Việt. Ngày hôm nay nhờ có Internet nó mới bắt đầu phục sinh. Nhưng mà trước khi nó được giải phóng hoàn toàn, để cho được những ngày hội văn chương trăm hoa đua nở thì nhiều người sẽ phải hi sinh nữa. Chúng ta nên trông đợi như vậy để khỏi phải thất vọng vì sao mình có tài mà không nói được tư tưởng của mình.

Lối sống của nghệ sĩ nó kì đặc khác người, không thể ép họ theo lề lối nào hết, ép họ chẳng khác gì giết chết họ. Văn chương cũng như khoa học, cần nhất là được tự do theo chí mình. Nhờ có tự do mà tài năng mới phát triển. Giới văn nghệ sĩ và giới khoa học gia ở những nước tự do được tự do sáng tác, tư tưởng, nên tạo ra nhiều kiệt tác, nhiều công trình mà mình muốn học theo cũng chưa chắc đủ phương tiện và trình độ. Nghệ sĩ của họ được tôn vinh và văn chương không phải rẻ như cụ Tản Đà than thở. Chỉ có chính quyền độc tài muốn dùng văn nghệ như công cụ chính trị để mị dân, để lôi kéo những người có tài, có ảnh hưởng về phía mình mới bóp nghẹt tự do của nghệ sĩ. Nhưng nghệ sĩ chân chính ngoài óc quan sát tinh tường thì họ có ý chí cương trực khó mà lay chuyển. Họ biết mình sinh ra đời là để phụng sự chân thiện mĩ, họ sẽ nói sự thật, họ sẽ làm theo sự thật để tạo cho cuộc đời những di sản đẹp. Bảo họ cong cái lưng để được vài đấu gạo họ còn chưa chịu, huống chi bảo họ uốn lưỡi để nói những điều dối trá. Dù chỉ sống một ngày mà họ làm hiện ra được chân lí cho đồng loại họ cũng sung sướng và vinh hạnh hơn là sống cả trăm năm mà bán rẻ chân lí. Đối với những người mà cái chết không làm họ sợ thì những bả hư danh, nhưng giải thường còm cõi nhuốm màu chính trị bè phái phấn sức bằng những chính nghĩa rạng ngời không mua nổi lương tâm họ.

1 comment:

  1. Thật cảm kích hành động xóa bỏ 3 cái văm rác rưởi!! Mong các bác hãy nhân rộng thêm hoạt động này xóa bỏ vất vào sọt rác hết đi cho học sinh , sinh viên , độc giả được nhờ !!!

    ReplyDelete