Saturday, September 17, 2011

LỜI KÊU GỌI CHO DÂN CHỦ VIỆT NAM của Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất

LỜI KÊU GỌI
CHO DÂN CHỦ VIỆT NAM
CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
nhân chuẩn bị kỷ niệm Quốc tổ Hùng vương lần thứ 4880
và năm Thế giới đón chào thiên niên kỷ thứ III


Đạo Phật ra đời để cứu khổ cho muôn loài. Đây là bước tiến vĩ đại trong tư tưởng cũng như trong hành động tại xã hội Ấn độ nói riêng, và cho loài người nói chung, cách đây 2544 năm. Giải phóng con người khỏi vô minh, khỏi sự sợ hãi và nô lệ thần linh hay các luồng ý thức hệ cuồng tín, giải phóng con người khỏi sự hà khắc và bất công của mọi hệ thống xã hội. Vào thời đức Phật tại thế, giáo lý đạo Phật đánh đổ mọi học phái thần quyền, mọi chủ nghĩa hư vô, duy vật, hoài nghi, định mệnh, đưa CON NGƯỜI vào vị thế trung tâm giữa trời đất để giải thoát tự thân và giải phóng tha nhân. Không hề có những yếu tố phi xã hội trong giáo lý đạo Phật, vì thế người Phật tử luôn tôn trọng và đương đầu bảo vệ con người, chống lại những bất công hay bất bình đẳng xã hội, vốn là nguyên nhân chà đạp quyền sống của lương dân, ngăn cản hạnh nguyện tu học để tiến thủ, ngăn cản sự thực hành Từ, Bi, Trí, Lực, theo chí nguyện Bồ tát cứu đời, ngăn cản sự hiện thực Giác ngộ.


Từ nguyên tắc chỉ đạo cứu khổ ấy, Đạo Phật Việt Nam phát triển thêm nhiều nhân tố tích cực trong cuộc dấn thân bảo vệ nhân dân và đất nước. Lịch sử Phật giáo Việt, lồng trong lịch sử dân tộc trên hai nghìn năm qua, đã bao lần minh chứng rằng HỘ DÂN, HỘ QUỐCHỘ PHÁP hòa quyện trong nhau làm kim chỉ nam cho nếp sống và hành động của người Phật tử Việt Nam. Một trong những bộ kinh của Phật giáo do vị Cao tăng Việt Nam Khương Tăng Hội phiên dịch rất sớm, là Lục độ tập kinh, xuất hiện vào thế kỷ II Tây lịch, có những câu viết thể hiện tinh thần này : "Bồ tát thấy dân kêu ca, do vậy gạt lệ xông vào nơi chính trị hà khắc để cứu dân khỏi nạn lầm than". Đối với những chính quyền hà khắc, áp bức dân, thì Lục độ tập kinh cảnh báo : "Loài lang sói không thể nuôi, người ác không thể làm vua". Mâu Tử, tác giả sách Lý hoặc luận, hoàn thành tại Giao châu cuối thế kỷ II Tây lịch, đề cao đạo Phật Việt, chống lại các luồng văn hóa nô dịch của phương Bắc, đã khẳng định : "Bản chất đạo Phật là ở nhà có thể đem mà thờ cha mẹ, giúp nước có thể đem mà giáo hóa dân, sống một mình có thể đem mà trị thân".

Nhận thức trên đây vốn là tư tưởng chỉ đạo các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, chống các luồng ý thức hệ ngoại lai, để bảo vệ chủ quyền và văn hóa dân tộc, bảo vệ tự do, no ấm và hạnh phúc cho nhân dân, mà sử sách còn ghi danh Hai Bà Trưng (năm 40 TL.) ; 9 cuộc kháng chiến của Khu Liên, Chu Đạt, Lương Long, Khổng Chi và Trụ thiên tướng quân (suốt thế kỷ II TL.) ; anh em bà Triệu Thị Trinh (năm 248 TL.) ; Lý Nam Đế dựng lên nhà nước độc lập Vạn Xuân (năm 544 TL.), v.v... tạo tiền đề cho sự kiến lập huy hoàng của quốc gia Việt Nam qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê.

Thế mà ngày nay, trong khi các nước trong thế giới ra công phát triển ngày càng cường thịnh, tự do, dân chủ, thì nước ta ngày càng bại liệt, nghèo khốn, nhân dân bị bức bách, chà đạp. Thông điệp Xuân Di Lặc năm nay của Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, Xử lý Thường vụ Viện Tăng thống, đã tổng kết ngắn gọn hiện trạng này trong một câu : "Trải qua 35 năm chiến tranh, rồi 25 năm không có nhân quyền và tự do tôn giáo" ! Thế là đã 60 năm tang thương, u ám, bế tắc không lối ra.

Thảm họa ấy cứ kéo dài, nuôi dưỡng bởi ba sự trạng :
1. Một chính quyền tự thị, bất chấp ý kiến của người khác, đưa tới xu thế độc đảng chuyên quyền ;
2. Một chính quyền ly khai dân, bất chấp những đòi hỏi thiết tha cho nhân quyền và dân quyền, đưa tới chế độ độc tài ác liệt ;
3. Một chính quyền lệ thuộc nước ngoài, từ ý thức hệ đến cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước, làm đảo lộn xã hội và nhân văn Việt, mà hậu quả đẩy dân vào tròng ách nô lệ tinh thần và vật chất, làm suy thoái đạo đức và suy liệt quốc gia.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất kế thừa truyền thống giáo lý và phương pháp hành động của đạo Phật Việt Nam, một truyền thống trải dài qua hơn hai mươi thế kỷ dựng nước và giữ nước, không thể tụ thủ bàng quan trước thời cuộc nhiễu nhương, khủng hoảng trầm trọng, nhân dân lầm than, mất tự do, mất quyền làm người. Nên tâm thành cất lời kêu gọi chư vị thức giả, đồng bào các giới, không phân biệt chính kiến hay tôn giáo, các cấp Giáo hội và nam nữ Cư sĩ Phật tử vận dụng mọi khả năng hiện có của mình - kết đoàn lại - để thay đổi hiện trạng tối tăm và nguy kịch của đất nước.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất nhận định rằng :

Để đối trị xu thế độc đảng và chuyên quyền, cần hình thành một liên minh dân tộc bao gồm mọi khuynh hướng chính trị và tôn giáo làm nền tảng cho một chính quyền dân chủ đa nguyên. Cụ thể là bỏ điều 4 trên Hiến pháp hầu xác định vị trí tối thượng của văn hóa và tư tuởng Việt khởi phát từ thời đại các Vua Hùng, đồng lúc tạo cơ sở cho sự hình thành và ra đời của liên minh dân tộc này ;

Để đối trị chế độ độc tài toàn trị, cần thực thi toàn vẹn những công ước quốc tế liên hệ đến nhân quyền, đến các quyền dân sự và chính trị, mà Việt Nam đã ký kết, tham gia. Cụ thể là ban hành tự do lập hội không thông qua Mặt trận Tổ quốc, một công cụ tay sai của đảng Cộng sản ; tự do ngôn luận không thông qua lý luận hay tư duy toàn thống Mác - Lê ; tự do báo chí do tư nhân điều hành và độc lập với đảng Cộng sản ; tự do nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi người lao động. Các tự do căn bản này là nền tảng bảo đảm cho sự phát biểu các ngưỡng vọng và quyền sống của nhân dân ;

Để đối trị xu hướng vọng ngoại, từ ý thức hệ đến các cơ cấu tổ chức xã hội, cần phát huy nền văn minh truyền thống Việt Nam, một nền văn minh biết tiếp thu và dung hóa tinh hoa của các luồng văn hóa nhân loại.

Từ ba nhận định và ba phương pháp đối trị trên đây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất mong cầu, vận động, và hậu thuẫn cho bất cứ cá nhân, đoàn thể nào thực hiện được sách lược 8 điểm cứu nguy đất nước sau đây :

1. Xây dựng một xã hội khoan dung, an lạc, đa nguyên, bình đẳng, không chủ chiến gây thù, điều hành bằng thể chế dân chủ đa đảng ;

2. Xóa bỏ mọi cơ chế phản dân chủ như lý lịch, hộ khẩu, công an khu vực. Bầu lại một Quốc hội thực sự đại diện quốc dân, dưới quyền giám sát của Liên Hiệp Quốc, với sự tự do bầu cử của toàn dân, và tham gia ứng cử của mọi cá nhân, đảng phái thuộc mọi khuynh hướng ngoài đảng Cộng sản. Thiết lập một Nhà nuớc tam quyền phân lập, một Nhà nước pháp quyền theo tinh thần bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị ;

3. Đóng cửa vĩnh viễn các Trại tập trung cải tạo. Trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị và tù nhân vì lương thức, bị giam giữ tại miền Bắc sau Hiệp định Genève năm 1954, tại miền Nam sau năm 1975. Thỉnh mời các nhân tài, chuyên viên trong số tù nhân này tham gia kiến quốc. Đồng lúc thỉnh mời giới chuyên gia kỹ thuật, trí thức, học giả, mọi cá nhân, đoàn thể ở hải ngoại, vượt biển ra đi sau năm 1975, đem các kinh nghiệm và học thuật thu thái ở các nước tiên tiến về xây dựng quê hương. Hủy bỏ các đạo luật hay nghị định có tính khủng bố trên lĩnh vực tôn giáo và quản chế hành chính ;

4. Bảo đảm quyền tư hữu ; bảo đảm quyền tự do kinh doanh ; bảo đảm quyền tự do nghiệp đoàn. Ban hành chính sách khẩn trương giúp đỡ công nghiệp hóa canh tác và nâng cao đời sống nông dân, là tiềm lực của đại khối dân tộc. Chấm dứt nền kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội chủ nghĩa. Vì "nền kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội chủ nghĩa" đã lỗi thời và bất lực hình thành một giải pháp cho nhân sinh sau 74 năm thí nghiệm của Nhà nước Liên bang Xô Viết, một nhà nước thù địch với quảng đại nhân dân nên đã bị xóa bỏ đầu thập niên 90. Xây dựng nền kinh tế thị trường phù hợp với xã hội Việt Nam và phát huy theo đường hướng của nền kinh tế tri thức và kinh tế sinh thái. Liên hệ với công cuộc toàn-cầu-hóa theo xu thế văn minh của nhân loại để phát triển kỹ thuật, bảo vệ hòa bình và an ninh thế giới, chống lại các thách thức nghiêm trọng của khuynh hướng toàn-cầu-hóa nô lệ do giới tài phiệt liên lục địa chủ súy. Tận lực xóa bỏ hố ngăn cách giàu nghèo đang tha hóa con người và phân liệt xã hội nuớc ta ;

5. Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Tách lìa chính trị khỏi quân đội và các cơ quan công an, mật vụ. Giải giới binh sĩ xuống mức quốc phòng bình thường theo tiêu chuẩn các quốc gia ở thời bình, để chia sớt ngân quỹ quốc phòng thái quá cho ngân quỹ giáo dục và ngân quỹ y tế quốc dân. Về giáo dục, cấp tốc đào tạo nhân tài và chuyên gia phục hưng xứ sở, đào luyện một thế hệ trẻ chuyển tiếp đang bị mai một, vì thế hệ lãnh đạo già thì miệt mài chủ chiến, gây thù theo chủ trương vọng ngọai đấu-tranh- giai-cấp làm phân hóa và tê liệt cộng đồng dân tộc, thế hệ đang lên thì bị cuốn hút theo chủ nghĩa kim tiền vì sinh kế bức bách. Về y tế, giải quyết ưu tiên nạn thiếu nhi suy dinh dưỡng và biện pháp phòng bệnh ở nông thôn ;

6. Bài trừ văn hóa ngoại lai đồi trụy hoặc các ý thức hệ phi dân tộc làm xáo trộn tình nghĩa và đạo lý Việt Nam. Phát huy nền văn hóa truyền thống Việt trong tinh thần khai phóng, sáng tạo và dung hóa với mọi nền văn minh nhân loại. Đề cao ba giá trị tinh thần Nhân, Trí, Dũng của tổ tiên. Thực hiện công bằng xã hội, nam nữ bình quyền, bình đẳng tôn giáo, tôn trọng quyền tự trị và đặc thù văn hóa của các dân tộc ít người cư ngụ trên lãnh thổ nước ta. Bảo vệ quyền lợi ngoại kiều sinh sống làm ăn ở Việt Nam theo luật định và tinh thần hỗ tương quốc tế. Bảo đảm quyền lợi và nhân phẩm của người Việt sống ở hải ngoại ;

7. Tôn trọng lãnh thổ các nước láng giềng. Chủ trương hòa thân, đối thoại và cộng tác bình đẳng với các nước lân bang trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, tôn giáo, xã hội. Chung sức bảo vệ hòa bình, an ninh và thịnh vượng tại các quốc gia Đông Nam Á. Chung sức với các quốc gia trong vùng phát huy tính nhân văn Đông phương, như một Đạo tràøng, hầu ngăn chận các Thị trường biến người lao động thành nô công, hàng hóa ;

8. Thể hiện tinh thần hòa hiếu truyền thống và sách lược tâm công trong chính sách ngoại giao với mọi quốc gia trên thế giới, để tạo thế đối thoại, cộng tác, tương trợ, đôi bên cùng có lợi nhưng không đánh mất quốc thể và chủ quyền quốc gia. Bằng phương lược này, tạo cơ hội và điều kiện đẩy nhanh công cuộc phát triển kinh tế, phát triển công nghiệp song song với thăng tiến xã hội, hầu kịp bước theo xu thế văn minh, tiên tiến, cường thịnh tại các quốc gia dân chủ, giàu mạnh trong thế giới vào đầu thế kỷ XXI.

Để tạo điều kiện và cơ sở cho ba nhận định, ba phương pháp đối trị, và sách lược tám điểm cứu nguy dân tộc trên đây biến thành thực tại,

Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất xin kêu gọi chư vị thức giả, đồng bào các giới, không phân biệt chính kiến hay tôn giáo, đặc biệt chư Tôn giáo phẩm, các cấp Giáo hội trong và ngoài nước, quý nam nữ Cư sĩ Phật tử, hãy kết liên với Giáo hội trong nỗ lực hội thoại và biến tâm tư thành hành động để cho đêm dài khổ ách Việt Nam chấm dứt, rạng đông của kỷ nguyên mới chiếu sáng trên dải đất hình chữ S này.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cũng thiết tha kêu gọi nhân dân yêu chuộng công lý, dân chủ trên địa cầu, các Chính phủ, các Trung tâm quyền lực quốc tế, các tổ chức Nhân quyền, Dân chủ, các tổ chức Công đoàn khắp năm châu hỗ trợ và hậu thuẫn cho kế hoạch Dân chủ hóa trên đây sớm hiện thực tại Việt Nam.

Thừa lệnh Hội đồng Lưỡng Viện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, nay tuyên cáo.


Phật lịch 2544
Thanh Minh Thiền viện, Saigon ngày 21 tháng 2 năm 2001
Viện trưởng Viện Hóa Đạo,
(ấn ký)
Sa môn THÍCH QUẢNG ĐỘ






HOA THUONG THICH QUANG DO
THÂM NHẬP
LỜI KÊU GỌI CHO DÂN CHỦ VIỆT NAM
của Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo,
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất


Võ Văn Ái


KHÁI QUÁT VỀ CÁC NỀN DÂN CHỦ TRONG THẾ GIỚI
Ngày nay đề cập dân chủ người ta liền nghĩ đến mô thức Tây phương, mà quên rằng, từ hằng nghìn năm trước, từ Tây sang Đông nhân loại từng thực nghiệm những hình thái dân chủ khác nhau trên lãnh địa của mình. Tuy nhiên mô thức dân chủ ở Hy Lạp được nói trước và nêu cao hơn cả, vì nó là cha đẻ của nền dân chủ Tây phương ngày nay. Tại thành Athènes ở Hy lạp vào khoảng thế kỷ thứ VII trước Tây lịch, một trong những trung tâm sinh hoạt văn minh ban đầu của nhân loại, giới sĩ phu nghiêm chỉnh suy tư về bản chất chính trị. Từ suy tư ấy dẫn tới hướng sinh hoạt thân dân và trọng dân. Chính trị khởi phát với từ ngữ Polis, là đô thị có tính quốc gia, với ý nghĩa là con người biết đảm trách và quản lý đời sống cộng đồng. Nhưng những đô thị có tính quốc gia (Polis) như thế cũng đã bắt đầu xuất hiện ở Châu Á, ở các nền văn minh Trung Đông như Mésopotamie từ gần ba nghìn năm trước Tây lịch.

Đồng thời với sự xuất hiện của chế độ dân chủ tại Hy Lạp, thì ở Đông phương một hình thái dân chủ cũng hiện hành bên Ấn Độ. Như ta biết, ngoài 4 Vương quốc lớn ở Ấn Độ là Kosala, Vamsa hay Vaccha, Avanti và Magadha, còn có 4 tiểu quốc sinh hoạt theo thể chế Cộng hòa nằm ở mạn đông của Vương quốc Kosala và mạn bắc của Vương quốc Magadha. Đó là các Cộng hòa Shakya (vọng tộc Thích Ca của Đức Phật), Malla, Licchavi, Videha. Hiển nhiên các Cộng hòa này còn mang dấu vết quý tộc chấp chính, nhưng trong sinh hoạt quốc gia lại mang hình thái dân chủ với một Hội đồng quốc gia hay quốc hội do dân chọn lựa để điều hành việc nước. Danh từ Raja chỉ người cầm đầu các tiểu quốc được dịch là vua sang Việt ngữ khi ám chỉ Vua Tịnh Phạn (Tịnh Phạn vương) thân phụ của thái tử Tất Đạt Đa, là Đức Phật sau này. Thật ra, Raja còn có nghĩa Thống đốc (nếu không là quốc trưởng) tại các nền Cộng hòa nói trên. Ví dụ như nền Cộng hòa Livacchi có đến 3 vị Thống đốc điều hành (thay vì một Thống đốc tại nền Cộng hòa Thích Ca - Shakya) và một quốc hội có 7707 đại biểu, số lượng bằng 1/20 dân số. Cần nghiên cứu thêm để xác định, nhưng chúng tôi dám nghĩ rằng hình thái sinh hoạt dân chủ tại Ấn độ đã ảnh hưởng Đức Phật trong việc chế lập phương pháp chung sống Lục Hòa cho Tăng đoàn và Cư sĩ. Sáu phép chung sống hòa thuận ấy là : Hòa hiệp chung sống, hòa nhã, không cãi mắng, hòa vui trong ý nghĩ, hòa hiệp chia sẻ kiến thức, hòa phân các quyền lợi, và hòa thân khuyến khích tu học, giữ mình.

Hai hình thái dân chủ tại Hy Lạp và Ấn Độ gặp nhau nơi mục tiêu tôn trọng tiếng nói và sự tham dự của mỗi người dân trong sinh hoạt quốc gia, chứ không áp đặt quyền lực từ trên xuống như các thể chế độc tài toàn trị hay dân chủ tập trung tại các nền cộng hòa xã hội chủ nghĩa hiện đại. Nếu có khác nhau chăng giữa Đông Tây, thì đó là nền dân chủ Hy Lạp đã thảm sát nhà hiền triết Socrate bằng độc dược. Còn Ấn Độ thì lại bảo vệ, tụng ca và theo chân Con Đường Lớn của Đức Phật.

Chữ HÒA là chữ đệ nhất quan trọng trong sự sống và sự tu học của người theo đạo Phật, kinh sách định nghĩa hòa hợp như nước với sữa, như không khí với ánh sáng. Thật khác xa với chữ “hòa bình” bị chính trị lạm dụng ngày nay, mà con người chỉ thấy “hòa bình” được định nghĩa trong thực tế như nước với lửa. Quy tắc sống của người theo đạo Phật, ngoài phép Lục Hòa trong sinh hoạt tập thể nói trên, đối với bản thân mỗi cá nhân còn có thuyết giới tự tứ cũng đặt căn bản trên chữ Hòa. Đó là bốn phép hòa hợp, gồm : ngôn tránh (tránh tranh cãi vô ý thức), mích tránh (tránh tìm lỗi người khác), phạm tránh (tránh bình luận về phạm giới của nhau), và sự tránh (tránh tranh cãi về cách biểu quyết xử lý mọi việc (kiết ma)).

Chữ Hòa của Phật giáo là sinh phong bảo vệ Nước, Đạo và Thế giới loài người.

Vào thế kỷ thứ VI sau Tây lịch, người Cư sĩ Phật tử kỳ vĩ là Thái tử Thánh Đức (Shotoku) đem chữ Hòa vào chính trị Nhật bản khi ông viết bản Hiến pháp 17 điều quy định chính sách văn minh cho quốc gia. Bản Hiến pháp này cũng là một hiến chương chính trị đầu tiên của Á châu xây dựng trên chữ Hòa của Phật giáo.

Ở Việt Nam vào đời Lý, thế kỷ thứ XI, rồi thời Trần tiếp sau đó, cũng đem chữ Hòa của Phật giáo vào chính trị để an dân và xây dựng bộ máy Nhà nước. Bằng nhận thức tây phương, người ta gọi thời đại ấy là phong kiến, dù rằng có độ chênh khá lớn giữa tinh thần và tổ chức xã hội của Tây và Đông trong cùng thời kỳ gọi là phong kiến này. Những gì đã thể hiện trong cuộc sống người dân và xã hội Việt Nam dưới thời đại Lý Trần, ta có thể gọi là thời của nền Dân chủ Lục hòa. Vua có đó, không để thống trị, mà để ưu tư việc dân. Đọc lại lịch sử nước nhà, ta thấy Dân là mối ám ảnh đêm ngày, là công án hòng chứng đạo của mỗi vì Vua Phật tử thời ấy. Việc nước, việc chính trị là một Pháp môn ngộ đạo cho người Cư sĩ nam nữ Phật tử Việt Nam. Nó không tách rời đạo với đời, vì tinh thần bất nhị (non duality) phá vỡ mọi hý luận chia đôi tu và hành, xuất thế và nhập thế. Thiền uyển tập anh, một tác phẩm Phật giáo xuất hiện dưới thời Trần, thế kỷ XIV, đệ nhất quan trọng để hiểu không những về lịch sử Phật giáo Việt Nam mà cả đến lịch sử, xã hội, văn hóa, tư tưởng nước ta, có câu viết trong Truyện Mãn Giác thu tóm con đường hành động của người Phật tử Việt Nam : “Bậc chí nhân hiện thân giữa cõi đời này phải tế độ chúng sinh. Làm việc gì cũng phải đầy đủ, không việc gì không làm. Chẳng những đắc lực về thiền định mà cũng có công giúp đỡ nhà nước”.

Từ lúc nào phát xuất thành ngữ “phép vua thua lệ làng” ở xã hội nước ta ? Một thành ngữ nói lên tính chất dân chủ làng xã. Chỉ nhìn qua kiến trúc của Đình trong mỗi làng là thấy ra hình thái thân dân trong tiếp cận. Từ thời Lý Trần, đình là nơi vừa thờ Phật vừa làm trạm nghỉ ngơi cho du khách hay người lỡ độ đường khi khuya vắng. Về mặt luật pháp hay hình sự, thì hai triều đại Lý Trần là thời thường xuyên xóa án tử hình, giảm án, giảm tội hoặc giảm thuế. Hai triều đại này chống ngoại xâm rất giỏi, gìn giữ và phát huy văn hóa Việt cũng rất cừ. Vua dân như cha con, anh em, thân thiết chan hòa. Hội nghị Diên Hồng, một thể hiện huy hoàng nhất của nền Dân chủ Lục hòa Việt Nam.

Sự đóng góp của Phật giáo qua một nền chính trị dựng trên chữ Hòa và lòng Từ Bi có thể đọc được trong tác phẩm Thoát hiên vịnh sử thi tập của Đặng Minh Khiêm viết vào đầu thế kỷ XVI. Cuốn sách ghi lại 125 nhân vật lịch sử nổi danh thuộc giới Phật giáo, đặc biệt ở hai triều đại Lý Trần. Ý nghĩa ở đây là một nhà Nho trước tác sách vào thời Lê, triều đại được xem như Nho giáo cực thịnh, ấy thế mà trong số 125 nhân vật không thấy ghi người nào thuộc thời Lê cả. Chẳng phải thời Lê thiếu nhân tài lịch sử. Mà là tác giả bị những nhân vật chính trị Phật giáo thuộc các thời đại trước đó lôi hút, thôi miên.

Thật dễ hiểu các sự kiện trên khi ta nắm bắt được yếu tính của đạo Phật Việt Nam. Yếu tính ấy được thể hiện đơn giản nhưng đầy trọng lượng qua nhận xét của Mâu Bác viết trong Lý hoặc luận vào cuối thế kỷ thứ II sau Tây lịch : “Bản chất của đạo Phật là ở nhà có thể đem mà thờ cha mẹ, giúp nước có thể đem mà giáo hóa dân, sống một mình có thể đem mà trị thân”. Câu nhận xét ấy cũng là kinh nghiêm thực chứng của chính bản thân Mâu Bác. Ông là nhà trí thức ưu tú của Trung quốc, theo đạo Lão và đạo Khổng. Lánh nạn sang Giao Châu, tiếp xúc với Phật giáo Việt Nam, ông quy y theo đạo Phật và viết cuốn Lý hoặc luận nổi danh đề cao Con Đường Phật chống lại nền văn hóa nô dịch phương Bắc thời bấy giờ.



HỘ DÂN, HỘ QUỐC, HỘ PHÁP :
SÁU CHỮ NÓI LÊN QUÁ TRÌNH 2000 NĂM PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Từ Saigon, nhân danh Hội đồng Lưỡng viện (Viện Tăng Thống và Viện Hóa Đạo), Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, công bố “Lời Kêu gọi cho Dân chủ Việt Nam” ngày 21.2.2001.

Bằng sáu chữ : Hộ Dân - Hộ Quốc - Hộ Pháp, Hòa thượng Thích Quảng Độ xác định sự hiện hữu và đóng góp của đạo Phật, cùng với mọi thành phần dân tộc, trong việc xây dựng nền văn hiến và thiết lập quốc gia Việt Nam. Sáu chữ ấy mang tính đặc thù của Phật giáo Việt Nam, vừa thống nhất với giáo lý Cứu khổ và Giải thoát, đồng lúc tạo ra hướng đi riêng biệt chưa hề thấy ở các quốc gia Đông Á khác.

Hộ Dân là bảo vệ dân, những sinh mệnh nhỏ bé, mong manh nhưng đông đảo trong các bậc thang xã hội. Dân là ưu tư phục vụ hàng đầu của đạo Phật Việt Nam. Hộ Quốc là bảo vệ đất nước, chỗ đứng của tộc Việt dưới ánh mặt trời nhưng thường xuyên bị muôn hình thức xâm lược hăm dọa. Nước, nơi một giống nòi vươn lên đòi hỏi quyền sống và quyền tự chủ. Nước ấy, là ưu tư bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đạo Phật Việt Nam. Hộ Pháp là bảo vệ giáo lý Cứu khổ và Giải thoát của đạo Phật. Giáo lý ấy tôn vinh con người nói chung, và con người đầy phẩm chất trí tuệ nói riêng, tức phẩm chất Phật. Pháp là trí tuệ siêu việt, giáo lý về phẩm chất Phật, con đường thể hiện Phật. Hộ pháp là bảo vệ tâm thức con người trước loạn tưởng và tha hóa. Khi con người đầy phẩm chất trí tuệ xuất hiện, thì lực lượng dũng mãnh bảo vệ Dân và Nước mới hình thành. Tiến trình ba bước Hộ Dân, Hộ Quốc, Hộ Pháp nói lên tính dân tộc của Phật giáo Việt Nam.

“Lời Kêu gọi cho Dân chủ Việt Nam”, một bản văn dài 2562 chữ, qua đấy Hòa thượng Thích Quảng Độ vẽ ra năm bức hoành tráng về thực tại Việt Nam và Phật giáo :

1. yếu tính của đạo Phật ;
2. quá trình 2000 năm dấn thân bảo vệ chủ quyền dân tộc và đóng góp của Phật giáo Việt Nam trong công cuộc xây dựng nền văn hiến Việt ;
3. từ yếu tính tư tưởng và một quá trình hành hoạt như thế mà thoắt nhận ra ba nguy cơ báo động hiện nay ;
4. rồi đưa ra ba phương thức trị liệu (xin đọc kỹ ba phương pháp này trong Lời Kêu gọi) ; chuẩn bị cho
5. sách lược Tám điểm cứu nguy dân tộc (xin xem toàn văn trong Lời Kêu gọi).

Hiển nhiên phần cơ bản của văn kiện nằm trong sách lược Tám điểm. Sách lược ấy là GIẢI PHÁP THAY THẾ nhằm thiết lập dân chủ. Nhưng phần dẫn nhập chiếm gần một phần ba văn kiện. Dài quá chăng ? Có thể dài với những ai hiểu việc. Nhưng không dài, mà lại cần thiết, với những người thiếu dịp tiếp cận với quá trình lịch sử nước ta cùng chủ trương hành thế của đạo Phật Việt.

Mấy mươi năm qua, từ thể chế này đến thể chế khác, từ thế lực chính trị này đến thế lực chính trị kia, đặc biệt dưới chế độ cộng sản ngày nay, các bộ máy tuyên truyền luôn rêu rao “Phật giáo làm chính trị”, “Giáo hội Phật giáo Việt Nam làm chính trị, không lo tu hành” như một cách hạ nhục và mạ lỵ nhằm kìm hãm, thủ tiêu khả năng và hành động cứu khổ trừ nguy của Phật giáo. Lối vu cáo ấy mâu thuẫn và phi lý. Vì suốt hơn 70 năm qua, đảng Cộng sản không say sưa “làm chính trị” đó sao ? Khác chăng, Đảng “làm chính trị” để cướp chính quyền cho Đảng viên tham nhũng, đặc quyền đặc lợi, bỏ mặc dân đen thống khổ. Phật giáo thì không như thế. Đã thấy trong quá khứ lịch sử và còn thấy trong tương lai.

Lâu nay, các thế lực chính trị xôi thịt, chính trị bè phái, chính trị hoạt đầu, chính trị giành ghế và tranh ăn, chính trị bán nước... hoành hành chính trường Việt Nam. Các thế lực “làm chính trị” theo lối đó mới đáng ghê sợ, đáng phỉ nhổ. Những tốp chính trị mà khi có chính quyền trong tay chỉ biết “trị” người bằng thảm sát và nhà tù, bằng móc túi và bịt họng.

Còn chính trị chính danh chính trị, là đứng trong vị thế của LẼ PHẢI để bảo vệ và phát huy lẽ phải, thì có chi phải sợ bị tố cáo hay chồn chân ? Chính trị như thế, những Tăng sĩ và Cư sĩ Phật tử vẫn thể hiện từ thời Hai Bà Trưng cho đến khi xây dựng thành một quốc gia tự chủ, tự cường và huy hoàng vào thời Lý thời Trần... Trong thực tế, Phật giáo chưa bao giờ ngừng nói lớn và hành động cho ngưỡng vọng thầm kín không nói được của quảng đại nhân dân. Ngưỡng vọng ấy thiết tha yêu sách được sống trong tự do, no ấm, hạnh phúc, trong một xã hội tôn trọng nhân quyền, thực thi dân chủ và thăng tiến tâm linh.

Nơi xã hội đổ vỡ vì tranh chấp như đất nước ta hiện nay, chẳng ai chịu nghe ai, chẳng ai tin vào ai, thì không thể làm gì khác hơn là kêu gọi trí nhớ mở lại trang sử quá khứ để minh chứng tấm lòng chung thủy của Phật giáo đối với dân và nước từ hơn hai nghìn năm trước. Bởi vậy mà Hòa thượng Thích Quảng Độ dẫn giải bối cảnh xung khắc giữa hàng trăm học phái triết học và tôn giáo, giữa hàng nghìn thần linh ngự trị xã hội Ấn Độ, xâu xé thành những đẳng cấp bất bình đẳng, trói buộc và nô lệ hóa con người. Rồi từ bối cảnh hỗn độn, đen tối, bi thảm ấy, Hòa thượng giới thiệu sự xuất hiện của Con Đường Phật như một giải pháp tối hậu nhằm giải phóng và cứu nguy con người. Hòa thượng viết : “Không hề có những yếu tố phi xã hội trong giáo lý đạo Phật, vì thế người Phật tử luôn tôn trọng và đương đầu bảo vệ con người, chống lại những bất công hay bất bình đẳng xã hội, vốn là nguyên nhân chà đạp quyền sống của lương dân, ngăn cản hạnh nguyện tu học để tiến thủ, ngăn cản sự thực hành Từ, Bi, Trí, Lực, theo chí nguyện Bồ tát cứu đời, ngăn cản sự hiện thực Giác ngộ”.

Nói đến hành động dấn thân của Phật giáo, thông thường người ta chỉ nhớ tới cuộc vận động chống kỳ thị và yêu sách bình đẳng tôn giáo năm 1963, hoặc cuộc tranh đấu bền bỉ chống độc tài, áp bức sau năm 1975. Cao điểm là cuộc biểu tình 40.000 Phật tử Huế ngày 24.5.1993 yêu sách cho nhân quyền và tự do tôn giáo. Ngoại trừ biến cố Thiên An Môn, thật hiếm có những cuộc biểu tình nào chất và lượng khổng lồ như cuộc biểu tình ở Huế trong các quốc gia cộng sản.

Một số người có đọc sách sử, thì trí nhớ về Phật giáo đi ngược lên đến mười thế kỷ trước vào các triều đại Lý, Trần là dừng đứng. Còn ít người vào thăm nơi bộ nhớ của dân tộc để thấy ra sự hiện hữu và hành động dấn thân giữ nước, dựng nước của đạo Phật, ít cũng từ hai thế kỷ bản lề : trước và sau thế kỷ thứ nhất Tây lịch. Nghĩa là hai nghìn năm trước. Chứng cớ còn lưu trong sử sách sau cuộc kháng chiến vệ quốc của Hai Bà Trưng năm 43 Tây lịch. Nhiều nữ tướng rút về các chùa viện ẩn náu, như Bát Nàn phu nhân, nữ tướng Tiên La. Đặc biệt có bà Thiều Hoa tu ở chùa Phúc Khánh, nay là chùa Hiền Quan, huyện Tam Thanh, tỉnh Phú Thọ. Nghe tin hai Bà Trưng dấy nghiệp hộ quốc, năm 37 Tây lịch bà mộ 500 người đến hộ chiến hai Bà. Ngày nay đền thờ của bà còn treo bức đại tự “Diệt Bạo Tướng Phật” và nhiều câu đối nhắc việc bà phò tá cuộc kháng chiến vệ quốc này. Một trong những truyền thống hành hoạt của Phật tử Việt Nam là chống ngoại xâm, chống bất công xã hội để giải phóng con người.

Bộ kinh Việt ra đời rất sớm vào thế kỷ II - III sau Tây lịch ở Giao châu, là Lục độ tập kinh. Tuy xuất phát từ Kinh Bản sinh của Ấn Độ, nhưng dấu ấn Việt Nam rất đậm nét. Vì vậy, mà khi nhắc tới hành động dấn thân của người Phật tử Việt suốt hai nghìn năm qua, Hòa thượng Thích Quảng Độ trích câu viết từ kinh ấy : "Bồ tát thấy dân kêu ca, do vậy gạt lệ xông vào nơi chính trị hà khắc để cứu dân khỏi nạn lầm than" ; hoặc đối với những chính quyền hà khắc, áp bức dân, thì Lục độ tập kinh cảnh báo : "Loài lang sói không thể nuôi, người ác không thể làm vua". Những tư tưởng như thế không có trong kinh Bản sinh Ấn Độ. Thử hỏi rằng những câu kinh như thế được viết ra từ nếp sống của người Phật tử Việt Nam cách đây 18 thế kỷ mang ý nghĩa gì ? Họ “làm chính trị” theo nghĩa vu cáo ngày nay ? Hay họ thực hành hạnh Bồ tát cứu đời trường kỳ của đạo Phật ? Trả lời được câu hỏi này, cái sự “làm chính trị” để phục vụ bè phái riêng tư hiểu theo đầu óc nhỏ hẹp mới được thăng hoa thành yếu tính chính trị trong nghĩa Phật giáo của Hộ Dân - Hộ Quốc - Hộ Pháp. Tức quy tắc trị liệu những tệ nạn xã hội và sự khốn khổ, bất an của nhân dân, chứ không là cai trị, thống trị hay độc tài toàn trị làm điêu linh xứ sở.

Bởi thế phần dẫn nhập tuy dài, nhưng cần thiết cho những ai chưa có cơ hội tìm hiểu tinh thần và ý chí của đạo Phật. Cần thiết cho chính bản thân một số Phật tử chỉ thấy hoạt dụng của đạo Phật qua sự tu học và cúng lạy, nhưng lại không thực hành trong đời sống xã hội vốn là mối tương quan tương sinh của giáo lý nhân duyên sinh. Hoặc một số Phật tử ngủ kỹ trong giấc mộng quá khứ Lý, Trần, tuyệt nhiên đánh mất khả năng Lý Trần hóa thời đại trong nghĩa dấn thân cứu khốn trừ nguy.



BA NHẬN THỨC NGUY CƠ VÀ BA PHƯƠNG THỨC TRỊ LIỆU
Do quán chiếu vào thực tại Việt Nam, một thực tại thảm họa mà toàn dân tộc đang gánh chịu, Hòa thượng Thích Quảng Độ đưa ra ba nhận thức nguy cơ về một chính quyền tự thị, một chính quyền ly khai dân và một chính quyền lệ thuộc nuớc ngoài, từ ý thức hệ đến cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước. Chẳng khác gì một y sĩ kê khai bệnh lý sau khi chẩn mạch, hầu ra toa trị liệu.

Người ta thường bảo nhân nào quả ấy. Mệnh đề này báo hiệu một khoảng cách từ nhân đi đến quả. Đã có một khoảng cách, tất con người có cơ hội can dự để lèo lái, thay đổi, giúp cho quả không đến nỗi quá xấu với một nhân xấu. Hơn thế một bậc, lý thuyết Phật giáo cho thấy có những trường hợp “nhân quả đồng thời”, quả hiện ra cùng lúc với nhân. Cứu nguy tổ quốc ngày nay đang bị chà nghiến dưới chế độ độc tài toàn trị, là một hành động Nhân Quả đồng thời. Tình trạng ấy khẩn cấp lắm, như kẻ bị tên độc bắn vào người, phải tức khắc rút mũi tên ra và cấp cứu chữa trị. Không còn là lúc ngồi phân tích hay triết lý mũi tên từ đâu đến, do ai bắn, vì sao bắn, vân vân, bỏ mặc con bệnh tiêu trầm.

Toa thuốc trị liệu mà Hòa thượng đề nghị là sự hình thành một Liên minh dân tộc để thực hiện chương trình Tám điểm. Liên minh này không từ bỏ một ai, không phân biệt thành phần, chính kiến, tôn giáo. Người Cộng sản có chỗ đứng trong Liên minh, khi chịu từ bỏ điều 4 trên Hiến pháp, khi chấp nhận thực thi toàn vẹn những Công ước quốc tế về nhân quyền, về các quyền dân sự và chính trị, khi tôn trọng và bảo đảm các quyền tự do căn bản, mở đầu bằng tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tư tưởng, tự do tôn giáo, tự do nghiệp đoàn, v.v... Người không cộng sản hình thành Liên minh trong nỗ lực phát huy nền văn minh truyền thống Việt Nam và thiết lập một chính quyền dân chủ đa nguyên.



SÁCH LƯỢC TÁM ĐIỂM CỨU NGUY ĐẤT NƯỚC
Sách lược tám điểm cứu nguy thật ngắn gọn, rõ ràng, có kế hoạch và quy mô như một Chính cương (cương lĩnh chính trị) thích nghi cho tình hình đen tối hiện tại của đất nước, đồng lúc bắt kịp xu thế mới của thời đại trong thế giới. Xin được nêu lên mấy điều khẩn thiết :

Quan trọng nhất là “Xóa bỏ mọi cơ chế phản dân chủ như lý lịch, hộ khẩu, công an khu vực”, vì ba cơ chế này là nhà tùø kiên cố giam giữ con cháu Vua Hùng, cản ngăn sự tiến thủ của một dân tộc và lực phát triển quốc gia. Điều quan trọng khác là “Đóng cửa vĩnh viễn các Trại tập trung cải tạo”, nơi nhân tài bị thảm sát ; và thỉnh mời “giới chuyên gia kỹ thuật, trí thức, học giả, mọi cá nhân, đoàn thể ở hải ngoại, vượt biển ra đi sau năm 1975, đem các kinh nghiệm và học thuật thu thái ở các nước tiên tiến về xây dựng quê hương”.

Về mặt kinh tế, phải chấm dứt ngay cái gọi là “kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội chủ nghĩa”. Hòa thượng Thích Quảng Độ yêu cầu ứng dụng ngay nền kinh tế tri thức (Knowledge-led economy) và kinh tế sinh thái, là mũi nhọn hiện đại về kinh tế trong các nước văn minh tiên tiến. Nền kinh tế sinh thái hiện đang là xu thế lành mạnh của thế giới. Tức không gì khác hơn việc bảo vệ môi sinh, chống mọi ô nhiễm đang hủy hoại con người và trái đất. Còn nền kinh tế tri thức, nói cho rõ phải là nền kinh tế dựa trên cơ sở tri thức. Nó đòi hỏi các quốc gia chậm tiến phải nỗ lực bắt kịp tri thức toàn cầu, mặt khác ứng dụng tri thức ấy để phát triển con người và mọi ngành nghề. Đặc biệt là các công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới và công nghiệp tự động. Đây chính là sự ứng dụng kiến thức toàn cầu vào mọi hoạt động kinh tế.

Với mớ kiến thức kinh tế lỗi thời theo “định hướng Xã hội chủ nghĩa”, dồn sức đầu tư cho kinh tế công nghiệp nặng mà lại không trang bị những công nghệ hiện đại nhất ; hoặc đề cao một “giai cấp công nhân” chủ lực đã vắng bóng trong thực tại ngày nay ; thì chẳng sao bắt kịp nền kinh tế tri thức. Nền kinh tế tri thức đòi hỏi trước tiên việc mở rộng công nghệ thông tin, thay đổi toàn bộ cơ cấu giáo dục từ cấp tiểu học. Không thể duy trì mãi một xã hội kín, một xã hội đen bằng chính sách ngu dân tại Việt Nam ngày nay.

Tài nguyên không còn riêng khoáng sản trong lòng đất, dầu thô trong lòng biển. Bây giờ Internet là một tài nguyên tri thức. Internet đang điều hành sản xuất hay các dịch vụ doanh thương quốc tế. Qua Internet, người nông dân không sống lùi vào thời kỳ “chân lấm tay bùn”, “bị bóc lột” nữa, mà họ được tiếp cận với những thông tin khoa học kỹ thuật cũng như thị trường nông sản hầu hướng tiến việc sản xuất của mình (với điều kiện được Nhà nước nâng cao trình độ văn hóa và giáo dục cho nông dân). Qua Internet, một y sĩ có thể truy cập thông tin và hội chẩn từ xa để phát triển y học. Đấy là những ví dụ của nền kinh tế đặt trên cơ sở tri thức, và nền kinh tế này bắt các nước chậm tiến phải đặt lại toàn bộ suy tư chậm tiến, lỗi thời, thuộc thời kỳ chiến tranh lạnh, đặt lại tất cả cơ cấu đào tạo cũng như hệ thống giáo dục, văn hóa, xã hội, nhân quyền cũng như dân chủ.

Hòa thượng cũng rất lưu tâm đến việc đào luyện và bảo tồn một thế hệ trẻ chuyển tiếp, mà đất nước đang đánh mất. Thế hệ trẻ tuy có đấy, song chủ trương “định hướng Xã hội chủ nghĩa phi định hướng” của Nhà nước làm cho họ hoang mang, dao động, mất niềm tin, biến họ thành tín đồ theo chủ nghĩa kim tiền, theo chủ trương tư kỷ “sống chết mặc bay”. Đa số giới trẻ trong nước sống bằng hai thái độ, hoặc sợ hãi đến bất động, đánh mất lý trí phán đoán, hoặc chỉ lo vinh thân phì gia. Chạy học tiếng Anh để kiếm việc làm nơi các công ty ngoại quốc béo bở. Họ trở thành thần dân của chủ nghĩa Duy Ngã tột cùng : bằng cấp của tôi, xe con của tôi, biệt thự của tôi, Job của tôi... Tôi, tôi, chỉ có tôi và tôi thôi : một nền văn hóa vị kỷ độc tôn manh nha, phát triển, đánh tan mọi lý tưởng hay ý nghĩa của đời người và cuộc sống theo nhân văn Việt. Không còn thấy bà con, xóm giềng, đất nước, tổ tiên nơi chân trời sông núi. Rồi đây còn ai cưu mang chuyện đất nước khi lớp già chết đi ? Thế hệ trẻ chuyển tiếp biết lo việc quốc gia đại sự mà tiêu hoại, tất mở ra khe hỡ cho ngoại bang xâm nhập nô lệ hóa lương dân. Hãy cứu lấy Thế hệ trẻ chuyển tiếp ! Lời dóng kêu đâu đây nghe như tiếng gào thét cô đơn của văn hào Lỗ Tấn hồi đầu thế kỷ khi Tây phương xâm lược châu Á : “Hãy cứu lấy các em !”.



Họp Bàn: Đạo Bị Áp Bức, Nước Có Cơ Mất
Từ trái: GS Lưu Trung Khảo, BS Nguyễn Văn Quát, LM. Phê Rô Nguyễn Văn Khải, Nhà Văn Trần Phong Vũ, Hòa Thượng Thích Viên Lý, Bình Luận Gia Lý Đại Nguyên.




KẾT LUẬN
“Lời Kêu gọi cho Dân chủ Việt Nam” của Hòa thượng Thích Quảng Độ vừa tung ra trong dư luận hải ngoại, liền được các báo chí Việt ngữ, cơ quan truyền thông nhiệt tình loan tải và bình luận hoan nghênh. Sau đó, Cơ sở Quê Mẹ và Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam mở cuộc vận động lấy chữ ký hậu thuẫn Lời Kêu gọi hầu có thể công bố tại LHQ ở Genève vào tháng 4.2001. Một kết quả bất ngờ, kỳ diệu, chưa hề xẩy ra trong sinh hoạt của người Việt hải ngoại suốt 26 năm qua : chỉ trong vòng 2 tuần lễ thu được 308.027 (Ba trăm tám nghìn hai mươi bảy) chữ ký của người Việt thuộc đủ thành phần, chính kiến, tôn giáo khắp năm châu. Kỳ lạ hơn nữa, rất nhiều chữ ký từ trong nước gửi ra, thuộc đủ giai tầng xã hội, nhưng đa số vẫn là giới trẻ (học sinh, sinh viên) và nông dân. Ngoài nước cũng thế, cũng trùng hợp lượng số thuộc giới trẻ (học sinh, sinh viên, kỹ sư) và giới công nhân, làm ăn, buôn bán.

Qua trên ba trăm nghìn chữ ký ấy, lần đầu chúng ta nghe được vọng âm của Đa Số Thầm Lặng tự bấy nay. Tưởng như họ đứng bên lề những hoạt động, những tranh chấp, những giành xé, phân hóa lố lăng... Nhưng không. Họ vẫn hiện diện, vẫn ưu tư, vẫn một lòng một dạ như tấm lụa đào không dễ chịu trao hiến khi chưa tìm được người tương xứng. Nghĩa là người Việt chưa quên tổ quốc, vẫn thầm kín trong tâm mối ưu tư Khát Nước và Bảo vệ giống nòi.

Một Tiếng Nói của Lời Kêu gọi cho Dân chủ Việt Nam đã trở thành Muôn Tiếng Nói đồng tình trong Hành động Việt đang sắp sửa cho dân chủ thiết lập.

Không chỉ người Việt mà thôi, các nhân sĩ, trí thức quốc tế ký tên hậu thuẫn Lời Kêu gọi của Hòa thượng Thích Quảng Độ. Chúng ta nhận ra : Giải Nobel Hòa bình bà Mairead Corrigan Maguire, Ngụy Kinh Sinh (Nhà tranh đấu cho Dân chủ, Trung quốc), Vladimir Boukovski (Nhà văn, Nga), Leonid Plyush (Nhà Toán học, Ukraine), Han Dong Fen (Lãnh tụ Công đoàn, Trung quốc), Andre Glucksmann (Triết gia, Pháp), Alain Touraine (Nhà xã hội học, Pháp), Marie Holzman (Giáo sư Đại học, Pháp), Ilios Yanakakis (Giáo sư Đại học, Pháp), Pierre Kende (Giáo sư Đại học, Hung gia lợi), Alexander Podrabinek (Chủ nhiệm tạp chí Chronicle, Nga), Aung Ko (Diễn viên, Nhà tranh đấu Dân chủ, Miến Điện), Lobsang Nyandak (Giám đốc Trung tâm Nhân quyền và Dân chủ, Tây Tạng). Các vị Dân biểu Quốc hội Pháp và Liên hiệp Âu châu : Emma Bonino, Marco Pannella, Marco Cappato, Marie-Arlette Carlotti, Gianfranco Dell’Alba, Benedetto Della Vedova, Jules Maaten, Olivier Dupuis, Maurizio Turco, Marie-Helene Aubert, Jean-Louis Bernard, Bernard Charles, Joseph Rossignol... cùng nhiều tên tuổi khác đến từ Hoa Kỳ, Mexico, Uganda, Hong Kong, Indonesia...

Bà Loretta Sanchez, Dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ, viết thư gửi các Thành viên LHQ thuộc Ủy hội Nhân quyền tại khóa họp lần thứ 57 ở Genève yêu cầu LHQ hậu thuẫn Lời Kêu gọi của Hòa thượng Thích Quảng Độ, kèm theo chữ ký hỗ trợ của 35 Dân biểu : Frank Wolf, Robert E. Andrews, James P. Moran, Nancy Pelosi, Ike Skelton , Nydia Velazquez, Dennis Kucinich, Sheila Jackson Lee, Gregory Meeks, Henry Waxman, Donald Payne, Tom Davis, William Jefferson, Stephanie Tubbs Jones, Cynthia McKinney, Mike Honda, Frank Mascara, Chaka Fattah, Joseph Hoeffel, Rob Brady, Dale Kildee, Rep. Baldacci, Vic Snyder, Carolyn McCarthy, Lindsey Graham, John P. Murtha, Ruben Hinojosa, Mike Thompson, Louise Slaughter, Dana Rohrabacher, Lloyd Doggett, Jim McDermott, Chris Smith, Ben Gilman, Maurice Hinchey". Cùng với bà Loretta Sanchez, cơ sở Quê Mẹ cũng nhận được thư ca tụng Lời kêu gọi và ký tên hậu thuẫn của Thượng Nghị sĩ (Cộng hòa ) Orrin G. Hatch.

Từ sự tán dương và hậu thuẫn hùng hậu Lời Kêu gọi cho Dân chủ Việt Nam của Hòa thượng Thích Quảng Độ như thế, chúng ta có thể rút ra bài học :

Dân chủ phát triển theo tính quy luật tối hậu của nó, bất chấp ý chí chủ quan hay độc tài của mọi chế độ. Dân chủ là một vận động có ý thức của mọi người và mỗi người. Một chính trị gia xuất chúng Ấn Độ, thánh Gandhi, từng nói : một con người ý thức có thể lật đổ một bạo quyền.

Các triều đại, chính thể có thể lên xuống, đổi thay, nhưng hướng đi của đạo Phật Việt Nam nhằm bảo vệ con người và giải thoát nhân sinh ra khỏi mọi ràng buộc của vô minh, đau khổ, nô lệ, bất công, luôn bất biến.

Đây là lúc, là cơ hội cho mỗi chúng ta tiến hành dân chủ. Không thể trông mong vào ai khác. Lại càng không thể trông đợi, mong mỏi gì vào giới lãnh đạo Cộng sản ở Hà Nội. 46 năm xích hóa Miền Bắc (1955-2001) và 26 năm xích hóa Miền Nam (1975-2001) không cho thấy một nỗ lực hay khả năng nào cho tiến trình dân chủ hóa đất nước. Kỳ vọng vào họ, chẳng khác chi trông chờ kẻ đốt nhà đi chữa lửa.

Võ Văn Ái

Los Angeles, Phật Đản 2545


34 comments:

  1. Đảng csVN là bọn hán gian đả buôn bán giang sơn tổ tiên cho bọn bành trướng phương Bắc , đả đến lúc chúng ta phải hành động , không thể nào để mười mấy con cá tra bán đứng non sông gấm vóc đất nước tiếp tục .

    ReplyDelete
  2. Đây là 1 sáng kiến rất độc đáo và mới m3 để tranh đấu Bất BẠo Động đối với bạo quyền việt cộng không cho Dân tụ họp biểu tình ngoài đường phố . Đây củng là cách hữu hiệu nhất cho đại đa số quần chúng Việt Nam tỏ thái độ Bất Hợp Tác đối với dảng bạo quyền việt cộng trong mưu đồ dâng đất nhường biển cho bá quyền Trung cộng .

    ReplyDelete
  3. tài Nông đức CạnSeptember 17, 2011 at 2:22 PM

    Tôi hoàn toàn hoan nghenh ủng hộ đều kiện của H/T Thích Quảng Độ .
    Đây là cách đòi tự DO TÔN GIÁO và ĐỘC LẬP TỰ CHỦ cho DÂN TỘC thích hợp nhất cho Việt Nam trong hoàn cảnh hiện nay .

    ReplyDelete
  4. Kính bạch Hòa Thượng .
    Rất cảm kích trước tấm lòng vì dân vì nước của Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất . Nếu mọi người đều đồng loạt nghe và hành theo lời kêu gọi của Hòa thượng thì chế độ ngụy quyền CSVN sẻ lung lay trong thời gian ngắn .

    ReplyDelete
  5. Người yêu nước chân chínhSeptember 17, 2011 at 4:01 PM

    Tổ quốc lâm nguy… trước sự xâm lăng của giặc tàu phương bắc.
    Đảng CSVN hèn nhát không dám đối đầu nhưng lại tiếp tay cho giặc đâm sau lưng dân tộc và đàn áp người biểu tình yêu nước.
    Mọi người là công dân VN không phân biệt tôn giáo, chính kiến hay đảng phái phải nhanh chóng tự quyết định cho vận mạng của mình, của cả g/đ vợ chồng con cái của mình và của cả dân tộc VN nữa nếu phải nô lệ giặc tàu một lần nữa thì sẽ ra sao?...
    Xin hãy đoàn kết cùng nhau hành động theo như lời kêu gọi này. Chúng ta không thể chần chờ thêm được nữa và phải mạnh mẽ lên tiếng trên khắp các tỉnh, thành phố thuộc lãnh thổ VN. Xin “ĐỪNG SỢ HÃI”.

    ReplyDelete
  6. Hoa Sen đang tỏa hương thơm ngát....Tiến lên! go go go.....

    ReplyDelete
  7. Một lời kêu gọi mạnh, rất mạnh cho bọn cầm quyền VN biết tuy là người Tu hành nhưng vẫn quan tâm sâu sắc về tình trạng của con dân & đất nước .... Tôi nghỉ lời kêu gọi này của HT sẻ được đông dảo không riêng nhửng người mang tín ngưởng Phật Gáo mà ngay cả những Tôn Giáo khác củng đồng hưởng ứng .
    Thân ái,

    ReplyDelete
  8. ĐỪNG ĐỂ LỠ HẸN HỠI NHỮNG NGƯỜI YÊU NƯỚC, " GIỜ ĐÃ ĐIỂM! "

    ĐỒNG BÀO ƠI! MAU THÚC TRỐNG LÊN ĐƯỜNG
    NHƯ THÁC LŨ CUỐN TRÔI LOÀI GIAN DỐI
    DÂN TỘC TA SỐNG 66 NĂM ĐEN TỐI
    HÀNH ĐỘNG THÔI QUẰN QUẠI ĐÃ LÂU RỒI
    PHẢI VÙNG LÊN TOÀN THỂ KHẮP MỌI NƠI
    PHẢI TRẢ XONG, NỢ SÔNG NÚI BAO ĐỜI
    ĐÒI LẼ SỐNG ,ĐÒI TỰ DO , HẠNH PHÚC
    Ý TOÀN DÂN MUÔN ĐỜI LÀ THIÊN PHÚC
    VÔI LÊN THÔI GIỜ ĐÃ ĐIỂM LIÊN HỒI
    TIẾP NỐI THEO CUỘC CÁCH MẠNG HOA LÀI
    DÂN SẼ THẮNG,ĐEM XUÂN VỀ ĐẤT VIỆT
    (Trích "Giờ đã điểm" của TK°)

    ReplyDelete
  9. Ngụy quyền Hà Nội đã thành công trong việc nhu nhược hóa dân Việt.Việt Nam còn nghèo đói,lạc hậu khi đảng cộng sản vẫn tiếm quyền cai trị.Việt Nam muốn trở thành giàu mạnh chỉ khi nào có chế độ đa đảng,dân chủ thật sự!

    ReplyDelete
  10. Phật tử chúng ta hảy tham gia và cùng vận động trong gia đình , bạn hữu cùng tham gia hưởng ứng lời kêu gọi của Hòa thượng Thích Quảng Độ mà BIỂU TÌNH TẠI GIA ... hành động thiếc thực đóng góp vào tiến trình dân chủ hóa đất nước thoát khỏi ách độc đảng bạo quyền như hiện nay . Mong lắm thay !

    ReplyDelete
  11. Tôn Giáo, Nhân sĩ, trí thức - thế hệ trẻ Yêu Nước hãy đốt lên những ngọn nến dọi toả vào đêm đen Việt Nam hay bật cháy những “que diêm”, “mồi lửa” để “sưởi ấm sự đồng thuận và nung nấu khí phách hào hùng của Dân Tộc, quyết chí - quyết tâm “thiêu cháy” cái nhà tù khổng lồ này để cứu thoát cho toàn thể nhân dân Việt Nam.

    ReplyDelete
  12. Những đề nghị rất tinh tế và xác đáng.

    ReplyDelete
  13. Đảng cộng sản dù gian ngoa thế nào cũng không cản nổi! Ngày Phật định thì chúng phải sụp đổ!

    ReplyDelete
  14. Một ngàn năm nô lệ giặc tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây, hơn sáu mươi năm cộng sản đọa đày. Gia tài của Mẹ một bọn lai căng, gia tài của Mẹ một lũ bội tình.
    Cùng hưởng ứng lời kêu gọi của Hòa Thượng.... Mong sớm có ngày Mẹ Việt Nam mĩm cười ....!!!

    ReplyDelete
  15. hoangle_thienkhoa@yahoo.comSeptember 19, 2011 at 9:31 AM

    Tại sao cứ chỉ một số quý thầy, quý linh mục kêu gọi biểu tình. Đâu rồi cái phong trào sinh viên học sinh xuống đường hô hào đình công bãi thị, bãi khóa, Phật giáo xuống đường tuyệt thực, tự thiêu… Công giáo kiến nghị , yêu sách đòi hỏi ..... Không lẽ họ đều sợ hãi dưới chế độ CS ? Huỳnh Tấn Mẩn , Lê Hiếu Đằng , Lê Văn Nuôi ..v..v... bị lừa nên giờ ngậm bồ hòn làm ngọt hết rồi sao ? Khinh miệt cái lủ này ... Đồ đê hèn .

    ReplyDelete
  16. Con cầu chúc Hòa Thượng Quảng Độ và chư Tăng Ni Giáo hội PHẬT giáo Việt Nam thống nhất luôn bình an và mạnh khỏe.
    Bọn bất lương hại người , hại Đạo , hại Nước chưa thấy quả báo không có nghĩa là mình yên ổn, thoát nạn. Quay về bến bờ là ngạn hởi người trong đảng quái ác .

    ReplyDelete
  17. Vũ (Bà Rịa - Vủng Tàu )September 21, 2011 at 8:36 AM

    Trời ơi! yêu nước mà không đuợc tự do biểu lộ ...Đau đớn thay!!! Uất ức quá, nghẹn lòng quá !!!

    ReplyDelete
  18. Nếu thông tin được rộng khắp và đồng cảm với nhièu người VN thì chắc chắn lịch sử VN sẽ chuyển mình....

    ReplyDelete
  19. Lê Hà Thùy ( Cần Thơ )September 28, 2011 at 9:18 AM

    Hết lòng yểm trợ cho lời kêu gọi Dân Chủ cũa Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ Xử Lý Viện Tăng Thống kiêm Viện Trưởng Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất .

    ReplyDelete
  20. Thanh Niên Phật TửSeptember 28, 2011 at 1:36 PM

    Nam Mô A Di Đà Phật.
    Nam Mô A Di Đà Phật.
    Nam Mô A Di Đà Phật.
    Con xin cúi đầu đãnh lễ Hòa Thượng và hoan hỉ đón nhận lời huấn từ vàng ngọc của Hòa Thượng ''HỘ DÂN, HỘ QUỐC, HỘ PHÁP''
    Con kính chúc vấn an sức khỏe Hòa Thượng an khang .

    ReplyDelete
  21. Qủa là lầm lổi,trước nay tôi không biết,không phân biệt được GHPGVNTN và GHPGVN.Nhờ bài này mà tôi tìm hiểu thêm với một số bài liên quan PGVN ,tôi đã ngộ(xin phép dùng chử ngộ).
    Quá xấu hổ,ai đời một giáo hội,GHPGVN,lại là thanh-viên-của-mặt -trận-tổ-quốc VN.
    Tôi cảm thấy xấu hổ lây với các sư thầy trong GHPGVN.
    Cám ơn quý Thầy trong giáo hội PGVNTN cố gắng duy trì Phật Giáo thuần túy không lệ thuộc bọn TAM VÔ

    ReplyDelete
  22. ủng hộ lời kêu gọi dân chủ , đa nguyện đa đảng giải thể chế độ cộng sản Việt Nam của Hòa Thượng Quảng Độ .

    ReplyDelete
  23. Biết khi nào nhà nước vì dân của Hồ đảng bước qua lời nguyền của GS Ngô Bảo Châu:
    "Không thể lấy sự CẨU THẢ và sự SỢ HÃI làm phương pháp bảo vệ chế độ" Nhục cho Hồ đảng ... nhòm cái gì củng sợ rồi o ép , bắt bớ trù dập ... Có ngày như nước vỡ bờ mọi người làm cách mạng lật đổ rồi lúc đó biết thân .

    ReplyDelete
  24. Freedom, Democracy, Justice, and Human Rights for Vietnam! Paracel and Spratly Islands belong to Vietnam!
    Tự do, dân chủ, công lý và nhân quyền cho Việt Nam. Hoàng-sa và Trường-sa là của Việt Nam!

    ReplyDelete
  25. đảng cộng sản nhụcOctober 9, 2011 at 3:05 PM

    Công hàm 14/9/1958 là cái giá mà tập đoàn cộng sản bắt con dân Việt phải trả hôm nay , Vậy toàn dân Việt yêu nước không kể trai gái già trẻ nam bắc tôn giáo cùng đoàn kết đứng lên đập tan bè lũ bán nước thôi bà con ơi

    ReplyDelete
  26. Dân mình ai cũng chán ghét, chỉ cần một biến động bất ngờ là sức mạnh toàn dân sẽ cuốn đi chế độ bạo cường. Dân tộc quyết tử cho tổ quốc quyết sinh hay chấp nhận làm nô lệ là trách nhiệm của toàn dân !

    ReplyDelete
  27. Xin gởi các ban. bài thơ Trích ( Có Những Vùng Trời )Ngô minh Hằng

    Một ánh sao băng, tắt giữa trời
    Giang sơn từ đấy tối thêm thôi!
    Thương người nghĩa khí tàn cơn mộng
    Tiếc bậc tài hoa úa mảnh đời!
    Khinh bọn túi cơm, loài rắn rết
    Giận phường giá áo, lũ đười ươi
    Nếu không phản phúc, không tham vọng
    Đất nước giờ đây hẳn vượt người!

    ReplyDelete
  28. Còn nước đâu mà đòi chứ, chúng nó bán rồi, dân đi biểu tình chúng nó cho ba tàu bắt vào tù. Giới trẻ thì ăn chơi trụy lạc, còn lãnh đạo qua ben tàu hưởng thụ trăng hoa. Ôi tổ Quốc của tôi, Mẹ Việt Nam có hiểu cho nổi lòng của chúng con không, mẹ ơi Việt Nam không còn nữa rồi.Lũ Việt cộng chúng đả bán đả dâng cho tàu cộng rồi

    ReplyDelete
  29. Tôi rất ủng hộ Thông Điệp '' DÂN CHỦ CHO VIỆT NAM ''.

    ReplyDelete
  30. Trân thị HườngOctober 24, 2011 at 11:30 AM

    Hoàn toàn ủng hộ phương sách này . Sáng tạo các hình thức đấu tranh sẽ giúp cho xã hội chuyển mình có được Bình đẳng , Tự do , Dân chủ và tiến tới tốt đẹp hơn

    ReplyDelete
  31. Kính thưa Hòa Thượng Quảng Độ , việc MẤT NƯỚC LÀ KHÓ TRÁNH,kính mong Hòa Thượng cùng chư tăng ni trong giáo hội phật giáo vn thống nhất,sớm có kế sách hành dộng,VÌ PHẬT PHÁP KHÔNG THỄ NẰM NGOÀI THẾ GIAN PHÁP,mọi quyết định chậm trễ hôm nay,thì xương máu của dân tộc sẽ đỗ ra đễ bảo vệ tổ quốc sẽ bi tổn hai gấp ngàn lần.
    Vì đau xót trước đại họa xâm lược tổ quốc vn của hán cộng , con nghĩ sao nói vậy,nếu có điều chi phạm thượng, đê đầu cuối xin hòa thương hoan hỷ tha thứ.

    ReplyDelete
  32. Sư ông đả đánh thức con , Sư ông cùng giáo hội PG/VNTN sẻ không cô đơn , bọn bạo quyền chắc chắn sẻ phải tiêu tan . Cái ác không thể và không bao giờ thắng được cái thiện . Kính chúc Sư Ông Quảng Độ cùng hàng giáo phẫm Tăng Ni , đồng đạo GHPGVNTN sức khỏe an khang dồi dào trong sự ban ơn lành gia hộ của Chư Phật - Bồ Tát

    ReplyDelete
  33. Cọng sản là lũ quỷ ma ,
    Mặt người dạ thú gian tà ác thâm .
    Chúng đâu còn có lương tâm !
    Độc tài lừa dối đảng cầm quyền ngu

    ReplyDelete
  34. Blogger Đinh Tấn LựcDecember 14, 2011 at 11:55 AM

    Cả VN như cánh đồng khô cỏ cháy,đang chờ ngọn lửa tự do thổi vào để cuốn trôi ách thống trị ngoại lai ác độc như thời trung cổ.

    ReplyDelete