Wednesday, September 14, 2011

Gian khổ Lý Sơn - Ai đang bảo vệ ngư dân ?!

Mẹ Nấm - AI ĐANG BÁM BIỂN CÙNG NGƯ DÂN???

Tôi đến Lý Sơn vào những ngày đầu tháng 9, thời tiết khá đẹp nên chuyến đi biển lần này thật thuận lợi. Cũng như sự thôi thúc tôi gặp nhân chứng Trường Sa trên đảo Gạc Ma 1988 tại khu Du lịch Suối Lương - Đà Nẵng, thì vấn đề ngư dân Lý Sơn đã phải đối mặt những khó khăn khi mưu sinh tại Hoàng Sa, chịu đựng những mất mát và dám vượt qua những thử thách đó cũng thôi thúc tôi đến thăm huyện đảo tiền tiêu này.

Từ cảng Sa Kỳ, sau hơn hai giờ đi bằng tàu “cao tốc", ấn tượng đầu tiên cho lần đặt chân đầu tiên lên huyện đảo này là : Đẹp! Nếu nói kỳ vỹ thì khách sáo, nhưng khó mà cưỡng nổi trước vẻ đẹp của thiên nhiên tại "hòn đảo cá"- "hòn đảo tỏi" của tỉnh Quảng Ngãi hôm nay.


Mặt trời lên chưa tới con sào, nhưng Lý Sơn đã nắng chang chang. Phía trong đất liền miền Trung đã có chỗ mưa giông, nhưng ở đây từ đầu Thu đến nay chưa hề có lấy một giọt.

Người ta biết Lý Sơn không vì chỉ có cá hay hải sản nói chung, cũng không chỉ vì vào siêu thị nhìn thấy sản phẩm có thương hiệu là tỏi Lý Sơn mà biết đến Lý Sơn, hòn đảo của những huyền thoại giữa đời thường. Những “vua đi biển” và những “sấu đào tẩu”. Từ năm 2007 tôi đã được biết việc Trung Quốc bắt giữ ngư dân Việt Nam khi đi đánh bắt cá ở vùng biển Đông. Và tất cả cũng chỉ qua báo chí. Chưa một lần gặp được nhân chứng hay nạn nhân. Tất nhiên, tôi tin rằng người Tàu đã có những hành vi như vậy. Bởi đơn giản như lúc đó tôi nghĩ, họ là người Tàu.

Gặp gỡ nhiều cư dân trên đảo, được nghe kể những câu chuyện về sự khó nhọc của nghề đi biển. Dẫu văn chương nghệ thuật có bao nhiêu thủ thuật cũng không thể “vẽ” nổi những gì mà ngư dân phải chịu đựng, để lột tả cho người không chứng kiến biết rõ được. Trăm nghe không bằng nửa thấy chứ đừng nói chi đến một.

Thử “ngó” qua một chút về nghề đi biển. Ngư dân phải tự sắm sửa, trang bị ngư lưới cụ, phương tiện như tàu, thiết bị dẫn đường, cảnh báo và cả thiết bị chuyên môn như tầm ngư máy phát…Hiện đại hơn, nhưng tất cả là bằng chữ “vay” mà ra. Họ đặt cược tất cả với nghề nghiệp. Sống bám biển và có khi chết cũng trôi về biển. Vâng, gian lao và vất vả để kiếm sống, để đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu làm giàu cho đất nước. Đóng thuế xây dựng quê hương. Con số họ đóng góp cho “GDP” đâu có bé nhỏ chút nào!

Nghề đi biển, theo như lời kể và vốn hiểu biết của tôi, ngư dân đem mạng sống của mình ra thử thách với ông trời. Nhưng rồi, có lẽ ông trời cũng thấu. Và chuyện thời tiết thì có thể tránh. Một mối nguy hiểm hơn bất cứ nguy hiểm nào khác luôn rình rập họ, đó là những hành vi của những kẻ mang quốc tịch của nước láng giềng. Người hàng xóm xấu bụng đã mang 16 chữ vàng sang “giao hảo”.

Và cũng theo lời kể của chính những ngư dân Lý Sơn. Việc bị người Tàu bắt giữ, đuổi đánh và cướp hải sản của ngư dân mình xảy ra đã lâu. Trong những năm mà “môi hở răng lạnh” thì chuyện cũng dễ hiểu. Thế nhưng, từ những ngày trao nhau “bốn tốt - mười sáu chữ vàng”, chuyện vẫn xảy ra như cơm bữa. Họ - những ngư dân Việt Nam đã xử trí như thế nào?


Rời Lý Sơn, tôi quay về cảng Sa Kỳ, để đến thăm gia đình anh Lê Văn Huy - người đã có cuộc tẩu thoát ngoạn mục khỏi Hoàng Sa, trong một lần bị Trung Quốc bắt giữ (1). Trở về Việt Nam, anh phải bán đi con tàu của mình để chi trả cho các khoản chi phí đã bỏ ra cho chuyến đi biển bất thành trước đó, và còn nợ lại ngân hàng khoản vay 30 triệu Việt Nam đồng.

Ngư dân bị bắt và đòi tiền chuộc. Bao nhiêu vụ được chính quyền các cấp biết đến? Bao nhiêu vụ họ phải tự xoay xở giữa biển khơi? Thông tin liên lạc bị hạn chế, rồi khó khăn khác chất chồng. Những người bị bắt làm món hàng chuộc sống ra sao?

Và rồi, chuyện tưởng chừng như không thể đã xảy ra. Một loại hình “làm ăn” xuất hiện. Môi giới chuộc người bị bắt. Chuyện tưởng đùa, vậy mà có.

Bao nhiêu chuyện trớ trêu cứ thế mà xảy ra với bà con ngư dân mình. Rồi các sự kiện xâm phạm trắng trợn chủ quyền biển đảo xảy ra. Đến lúc không thể giấu nhẹm để “thỏa thuận” nữa. Báo chí lề phải đã lên tiếng. Rồi thì các cuộc biểu tình phản đối và đỉnh điểm là chống Trung Quốc của những người yêu nước xảy ra. Nhà nước nói gì?

Nhà cầm quyền khuyến cáo: Những tranh chấp trên biển đã, sẽ đạt được những thỏa thuận nhờ đường lối ngoại giao mềm mỏng và khôn khéo…

Ngư dân lấy gì bám biển?

Đóng tàu với chi phí hàng tỷ đồng, mua sắm ngư lưới cụ và các thiết bị hỗ trợ an toàn cũng không thể tính hàng trăm triệu. Thử thống kê xem, có bao nhiêu ngư dân không chịu một khoản nợ vay đầu tư không? Câu trả lời: Không có! Nợ ngân hàng, nợ các tổ chức tín dụng hợp pháp cũng như bất hợp pháp luôn lửng lơ treo trên đầu họ.

Mối hiểm nguy luôn rình rập…

Chính sách khuyến ngư với những biện pháp bảo vệ an toàn cho ngư dân có liên quan như thế nào? Ngư dân đi biển, đánh cá với kinh nghiệm và cái nghiệp của gia đình dòng họ. Trên đồng ruộng, có kỹ sư nông nghiệp, chuyên gia trồng trọt hướng dẫn gieo trồng, thu hoạch. Dưới biển có chuyên gia hướng dẫn đánh bắt - “khai thác tài nguyên” không?

Vậy sự bảo đảm an toàn cho ngư dân nằm ở đâu?

Trên tàu đánh bắt có trọng tải lớn, họ được trang bị như thế nào, những gì?

Chống chọi với thiên tai bằng kinh nghiệm. Chống chọi với “nhân tai” bằng gì?

Ngư dân Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều mối lo trước mỗi chuyến ra khơi. Ngoài những hiểm nguy bất trắc đến từ thiên nhiên, họ còn phải khai thác trong nỗi lo vì nguy cơ bị Trung Quốc bắt giữ. Phập phồng lo sợ trước những khoản nợ treo trên đầu nếu như bị buộc phải chuộc tàu, chuộc người.. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục chọn con đường bám biển vì đối với bao thế hệ trong một gia đình - biển là hơi thở của cuộc sống của họ. Họ không có sự lựa chọn nào khác, ngoài việc tiếp tục ra khơi mang theo niềm tin vào sự may rủi của số phận mình ngay trên chính ngư trường quê hương.

Ai đang bám biển cùng dân?

Câu trả lời xin dành cho các bạn, những người đã đọc và sẽ xem đoạn clip chia sẻ của gia đình ngư dân Lê Văn Huy dưới đây.

http://menam0.multiply.com/journal/item/546


Ai đang bảo vệ ngư dân ?






Mẹ Nấm - Trong bài viết trước "Ai đang bám biển cùng ngư dân?" tôi có chia sẻ cùng mọi người câu chuyện của những người thân trong gia đình ngư dân Lê Văn Huy. Hôm nay, viết tiếp những dòng này, tôi xin chia sẻ cùng mọi người, những khó khăn và những mối băn khoăn thực sự của những con người đang ngày đêm bám biển đảo quê hương.

Bạn và tôi, chúng ta đã được dạy yêu quê hương qua từng tấc đất, thì với những ngư dân này, họ yêu biển, yêu ngư trường bởi ngoài ý nghĩa quê hương, đó còn là máu thịt, là cuộc sống của họ. Họ ra biển, đối mặt với thử thách thiên tai bằng kinh nghiệm đi biển. Và day dứt bởi rất cần "sự bảo lãnh" từ phía chính quyền để "vô tư đi làm" và đối mặt với những "rủi ro vì bị bắt".

Có hay không chuyện "môi giới chuộc người"?

Cùng là nghề đi biển, nhưng ngư dân lại phân loại thành 2 nghề khác nhau: nghề lặn và nghề lưới. Những đội tàu làm nghề lặn có vẻ khá giả hơn đội tàu làm nghề lưới. Nói khá giả hơn, không có nghĩa là những người đi lặn giàu hơn những người làm lưới. Bởi bản chất của nghề lặn nguy hiểm và cực khổ hơn nghề lưới rất nhiều. Có lẽ vì thế mà sau khi khai thác, sản phẩm thu được của nghề lặn được trả giá cao hơn. Khi có sự cố nhân tai xảy ra, các tàu lặn thường trở về sau khi "nậu" (tức người bỏ tiền ra bao trọn sản phẩm đánh bắt trên tàu) đồng ý bỏ ra một khoản tiền lớn cùng với chủ tàu để chuộc tàu về. Mỗi con tàu "bị chuộc", sẽ được cấp cho một giấy chứng nhận là đã nộp phạt, để lần sau nếu bị bắt, có may mắn thì sẽ được tha. Với những người đi lưới thì khó hơn một chút, nên đa phần họ chấp nhận bị bắt, bị đánh, bị tịch thu ngư cụ. Đa số ngư dân trên đảo Lý Sơn chọn nghề lặn mưu sinh, trong khi đó ngư dân Quảng Ngãi lại chọn nghề lưới làm ngư nghiệp cho mình.

Theo chị Võ Thị Tam, vợ anh Lê Văn Huy cho biết, khi anh bị bắt giam, chị đã phải vất vả thuê xe lên tận thành phố Quảng Ngãi, để tìm "người môi giới" ở đây tiến hành "đàm phán thả người" giúp chị. Mỗi lần đi lại như thế rất tốn kém, vì phải mời cơm nước và "lót tay" cho họ. Người môi giới ở đây có thể là người biết tiếng Trung Quốc ở Quảng Ngãi, nhưng cũng có thể là người có kinh nghiệm và nắm rõ các trình tự "chuộc người" ở Đà Nẵng.



Tất cả những việc này đều do gia đình những người bị nạn tự lo, theo đúng con đường "ngoại giao nhân dân" với hải quân Trung Quốc (nhưng hoàn toàn vắng bóng nhân viên Bộ ngoại giao), để chuộc lấy người thân của mình về.

Ngư trường truyền thống và đường lưỡi bò:

Chúng ta - những người có điều kiện tiếp cận với báo chí với Internet hàng ngày, được nghe, được thấy nhiều về cái gọi là "yêu sách đường lưỡi bò" trên bản đồ hải giới của Trung Quốc. Nhưng với những ngư dân bám biển, họ khó có thể hình dung được việc này. Với họ, ngư trường truyền thống là vùng biển mà nơi bao thế hệ người Việt xưa này đã đến và khai thác ở đó. Thử lắng nghe bạn nhé.


Theo lời anh Võ Văn Tư, em vợ của ngư dân Lê Văn Huy:

"Vùng biển Việt Nam mình đây rất là rộng lớn chứ không phải hẹp đâu. Nhưng mà bây giờ thằng Trung Quốc nó xâm chiếm nhiều quá. Trên tuyến đường mình đi ra, Việt Nam gọi đó là đảo Tri Tôn đó, khi mình muốn chạy qua vùng biển của Trung Quốc đó, thì mình phải đi dưới đảo của nó rất là xa mình mới đi qua được. Đó là những chiếc tàu lớn đi thẳng ra Trung Sa để làm, còn những chiếc tàu nhỏ thì phải đi trong vùng biển Hoàng Sa để khai thác, chứ tàu nhỏ quá không thể đi ra Trung Sa thì không được sẽ nguy hiểm đến tài sản và tính mạng.

Việt Nam mình nói vùng đảo Hoàng Sa là của Việt Nam thì ngư dân mình cứ ra đó khai thác mà khai thác thì cuối cùng cứ bị tàu của Trung Quốc nó bắt miết. Hễ mà nó bắt thì anh nào có tiền nộp thì về, anh nào không có thì nó bắt nhốt ở bển. Nên đời nó có những cái đặc biệt như vậy".

Những sự đặc biệt khó hiểu trong đời ngư phủ của mình như anh Tư tâm sự buông khẽ cuối câu, có thể không quá lạ với anh - với những người phải đối mặt với mối nguy hiểm đến từ "người láng giềng" trên biển thường xuyên, nhưng nghe xong, chúng tôi thấy thật đắng lòng.

Giải pháp nào cho ngư dân Việt?

Khi được hỏi: "Nếu có điều kiện để tiếp tục nghề làm biển thì anh (chị) hy vọng điều gì?"

Tôi đã nhận được câu trả lời: "Đảo Việt Nam phải có dân Việt Nam, nhưng mà người dân ở đây ra đó thì bị bắt hay bị đánh đập gì đó mà anh không can thiệp được thì người dân họ phải băn khoăn chứ? Sắp tới đây anh lại ra biển làm ăn, người dân ở đây chỉ mong được nhà nước che chở cho những người dân lao động nếu có xảy ra rủi ro tai nạn".
Toàn những băn khoăn thắc mắc mà tôi, một công dân nước Việt Nam như anh, không thể nào trả lời.

Trách nhiệm này thuộc về ai?

Khi những người Việt Nam tại Sài Gòn và Hà Nội đồng loạt xuống đường trong tháng 6, tháng 7 và tháng 8 vừa qua để bày tỏ sự phẫn nộ trước hành vi gây hấn, xâm lược của Trung Quốc và đòi hỏi phải có chính sách bảo vệ ngư dân trên biển Đông bị dè bĩu bằng những cụm từ đánh tráo khái niệm như "đi ngang qua", "tụ tập đông người", "gây rối trật tự nơi công cộng"... trong đất liền. Thì ngoài biển xa, những người Việt Nam chọn cho mình nghiệp mưu sinh bằng cách bám biển vẫn phải tự mình đương đầu với tên láng giềng xấu bụng tham lam.

Khi những người tham gia biểu tình vẫn còn tiếp tục bị sách nhiễu, bị thẩm vấn, bị buộc phải thôi việc vì bày tỏ tình yêu với đất nước và sự đồng cảm với đồng bào mình. Thì có lẽ, câu trả lời cho câu hỏi "Trách nhiệm này thuộc về ai?" và "Ai bảo vệ ngư dân?" không còn là một sự câm lặng khó hiểu.

Nó đã được trả lời bằng một cách khác - đau đớn hơn và tủi nhục hơn.

Về đâu ngư dân Việt Nam ngay trên chính ngư trường truyền thống của mình?

Mẹ Nấm
Bài được đăng trên blog  Trần Đông Đức : http://rfavietnam.com/node/789

10 comments:

  1. Thương lắm Lý Sơn ơi !Chỉ dám THƯƠNG để trong lòng , nói ra sự suy nghỉ của mình thì mấy chú công an bắt chết hic hic rầu lắm không biết mấy chú ấy bảo vệ dân Việt hay bảo vệ dân Tàu đây nữa , mà ai đả đảo Tàu cướp HS-TS thì mấy chú hốt hết về phường giáo dục , có người bị bắt đi tù luôn hic hic

    ReplyDelete
  2. Tội ác chồng chất tội ác .Thế nào rồi ĐCS củng sẽ bị Phật Trời trừng phạt khi họ xuống địa ngục A tỳ.

    ReplyDelete
  3. Thật là một bài viết hay, cám ơn tác giả! Và mong ước các anh, các chị, các bạn tiếp tục dọi ánh sáng chân lý xuống nhân dân VN đang ngồi trong bóng tối của CS.

    ReplyDelete
  4. Ngư dân tự bảo vệ lấy,đảng đang bận bảo vệ cái túi tiền và cái ghế . Chủ trương của Đảng và Nhà nước cụ thể là làm lơ ạ .... dân bám đảo bám biển mà tự lo , chống tàu là chết với đảng bán nước đấy ạ .

    ReplyDelete
  5. Trên báo chính chính thống của CSVN thì tìm cách đẩy ngư dân ra biển nào là "giúp dân bám biển", để đẩy dân đối phó với Trung cộng.
    Còn quân đội CSVN có thằng nào dám ló mặt ra biển đâu, vì sợ Trung Cộng bắn nát sọ thì sao ???

    ReplyDelete
  6. Thiện kẻ thù ÁcSeptember 16, 2011 at 2:48 PM

    Chuyện ai khai thác vùng biển thì đã có nhà nước cùng lo với TQ. Ngư dân nên đổi nghề khác, chẳng hạn như trồng rau, vớt tép trong ao... Trung quốc sẽ đánh cá rồi bán lại cho dân ta, khoẻ re ! Cũng như lao động Trung quốc cũng đang lo xây dựng nhà máy, đường xá cho nhân dân ta, tha hồ mà xài. Quân đội TQ cũng lo bảo vệ đất nước dùm ta... vì các tướng ta đang lo kinh tế. Lính ta đang lo thi đua múa đôi, đời còn gì vui bằng nữa chứ... Trung Quốc muôn năm.... "Việt nam tiếp tục khẳng định chủ quyền...".... hót nữa nghe em đồng chí Lương Thanh Nghị két két .

    ReplyDelete
  7. Currently, we can see the human rights movement is well developed. The number of people arrested now because of ongoing struggles for human rights can not count all increased. The web sites of struggle for human rights, we see the number of visitors increased dramatically. The death of the Vietnam government is approaching. No government can win the overthrow of the people.

    ReplyDelete
  8. Đảng cộng sản VN lo tham nhũng hối lộ chia bè phái đễ tranh giành quyền lực, mà quên số phận của những ngư dân VN hành nghề trên vùng biển Đông VN, đễ mưu sinh bị bọn giặc bành trướng bắc Kinh hãm hại, bắt ,đuổi, cướp của ngư dân VN như bọn cướp biển mà CQ CS VN vẫn ngậm câm không có một lời phản đối ông bạn 4 tốt , 16 chữ ngu si, bị bọn giặc Tàu mê hoặc và mua chuộc = USD hoặc vàng vật chất ,nên bọn chư hầu VN nhịn nhục và bán đứng biên cương TỔ QUỐC VN cho Trung cọng

    ReplyDelete
  9. 16 chữ vàng mới: "Láng giềng khốn nạn, cướp đất toàn diện, lấn biển lâu dài, thôn tính tương lai"

    ReplyDelete
  10. Rồi có ngày dân ven biển sẽ xách súng tìm tụi bán nước để "tru di ba họ" nhà chúng nó. cử ngẩm mà xem!!!!

    ReplyDelete