Thursday, April 26, 2012

Sởn tóc gáy và lạnh sống lưng về chuyện CƯỚP ĐẤT của nông dân Việt Nam đầu thế kỷ 21 - Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Thanh Phượng và Ecopark



Nguyễn Minh Cần  - Chưa bao giờ vấn đề nông dân Việt Nam đặt ra một cách cấp thiết trước phong trào dân chủ nước ta như hiện nay. Nông dân là khối người đông đảo chiếm đến trên 70% dân số cả nước. Bằng lao động cực nhọc của mình, từ nghìn xưa cho đến ngày nay họ đã và đang nuôi sống dân ta. Từ năm 1993 đến nay, nông dân đã góp phần tăng sản lượng nông nghiệp lên gấp đôi và tăng khối lượng xuất khẩu nông phẩm của nước ta ra thế giới, nhờ đó đến năm 2008, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu nhất nhì trên toàn cầu về gạo, cà phê, hạt điều, tiêu, cá, tôm... Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc, thu nhập của hai phần ba dân số Việt Nam phụ thuộc vào ngành nông nghiệp. Thế nhưng, khốn thay, từ trước đến nay, nông dân nước ta đã bị kẻ cầm quyền ngược đãi, đối xử rất tàn tệ và, kể từ năm 1930 cho đến nay, họ luôn luôn là đối tượng của cái chính trị lừa bịp của Đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN).

Những quả lừa “vĩ đại” của ĐCS

Quả lừa đầu tiên là cái khẩu hiệu “người cày có ruộng” mà ĐCSVN đưa ra ngay từ khi đảng mới ra đời, nghe rất bùi tai nông dân khi... ĐCS chưa cướp được chính quyền. Hồi đó, ĐCS ra sức ve vãn, phủ dụ nông dân, gọi nông dân là «hậu bị quân», là “một trong những chủ lực quân” của “cách mạng” để họ “sướng cái bụng” đem tiền của, sức lực và thậm chí cả thân mạng của mình hết lòng ủng hộ ĐCS với niềm tin vững chắc mà ngây thơ là khi cách mạng thành công, ĐCS sẽ thực hiện “ước mơ ngàn đời” của mình là “người cày có ruộng”! Nhưng thực tế lại quá phũ phàng cho bà con nông dân nước ta!

Quả lừa tiếp theo là ĐCS “phát động cải cách ruộng đất” nói là để tiêu diệt giai cấp địa chủ, tước đoạt ruộng đất của giai cấp này chia cho dân cày, trước nhất là bần cố nông. “Thắng lợi vẻ vang” (!) của cuộc CCRĐ hồi giữa thập niên 50 của thế kỷ trước, báo chí đã nói nhiều, giờ chỉ xin nhắc lại vài điều thôi. CCRĐ thực sự là một cuộc thảm sát có tính diệt chủng đã làm cho 172 nghìn 008 người dân ở nông thôn, chủ yếu là nông dân, trở thành nạn nhân, nghĩa là bị bắn giết, đọa đày đến chết, trong số đó 123 nghìn 266 người (tức là 71,66%) về sau được xác nhận là oan; riêng 26 nghìn 453 người bị quy là địa chủ cường hào gian ác thì có đến 20 nghìn 493 người (tức là 74,4%) được xác nhận là oan! Còn 62 nghìn người bị quy là phú nông thì có đến 51 nghìn 003 người (tức là 82%) được xác nhận là oan! Trong số những người bị oan cũng có hàng nghìn cán bộ, đảng viên cộng sản (tài liệu chính thức trích từ cuốn Lịch sử kinh tế Việt Nam, tập 2). Đó là chưa nói đến những hậu quả nguy hại khác của cuộc tàn phá khủng khiếp ở nông thôn mà ĐCS gọi là “cuộc cách mạng long trời lở đất” là: bằng cuộc CCRĐ theo khuôn mẫu Mao-ít, ĐCS đã phá vỡ truyền thống tốt đẹp, hòa hiếu, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau ở nông thôn mà cha ông ta đã tạo dựng hàng mấy nghìn năm trước; đã phá hoại đạo lý, luân thường của dân tộc và tạo nên một lối sống giả dối, man trá, điêu toa, vu khống, bất nhân mở đầu cho sự băng hoại đạo đức, nhân cách sau này; đã phá hủy cuộc sống tâm linh vốn có lâu đời, vì chùa chiền, miếu mạo, nhà thờ, những nơi thờ tự... đều bị phá phách, triệt hạ... CCRĐ kết thúc, một số bần cố nông hớn hở được nhận ruộng tưởng rằng “ước mơ ngàn đời” của họ đã bắt đầu được thực hiện. Họ được chụp ảnh, quay phim để ĐCS tuyên truyền khoe khoang “công ơn” của đảng đối với nông dân, thì... chưa đầy một năm sau, ĐCS đã lùa những bần cố nông đó, cùng các nông dân khác bắt họ đem ruộng đất tư vốn có của họ vào hợp tác xã, vô hình trung ĐCS tước đoạt mất quyền tư hữu mà giao ruộng đất của họ cho các chủ nhiệm hợp tác xã quản lý. Đấy, ĐCS đã thực hiện khẩu hiệu “người cày có ruộng” một cách bịp bợm như vậy! 

Đến quả lừa “vĩ đại”, tồi tệ nhất của ĐCSVN đối với nông dân và nói chung cả với toàn dân ta, là... khi soạn thảo và thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1980, bằng điều 19 của Hiến pháp, ĐCS đã nhẹ nhàng, gần như thầm lặng, không “long trời lở đất” tí nào, chuyển quyền tư hữu đất đai (tức là toàn bộ thổ canh thổ cư, nói nôm na là ruộng đất) của nông dân và của nhân dân nói chung sang cái gọi là “sở hữu toàn dân”! Từ đây, thực tế ĐCS đã “quốc hữu hóa”, hay nói chính xác hơn “đảng hữu hóa” ruộng đất của nông dân và nhân dân. Từ đây, quyền tư hữu ruộng đất của người dân hoàn toàn bị xóa bỏ, và ruộng đất bây giờ thực tế nằm trong tay sở hữu của ĐCS là đảng độc tôn thống trị đất nước. Từ đây, ĐCSVN thực tế đã tự biến mình thành một siêu đại địa chủ. Đến lần sửa đổi hiến pháp năm 1992, điều 19 Hiến pháp năm 1980 lại được đổi thành điều 17 cũng với nội dung giống như lần trước. Cả hai Hiến pháp Việt Nam năm 1980 và năm 1992 đều nhằm mục tiêu tước đoạt quyền tư hữu ruộng đất của người dân, đều vi phạm nghiêm trọng điều 17 Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền mà Việt Nam đã ký và cam kết thực hiện. “Sở hữu toàn dân” là một hư ảo, một điều bịa đặt của các lãnh tụ cộng sản, nó hoàn toàn phi lý, trái ngược với bản tính con người - và cả con vật nữa - từ nghìn xưa đến nay luôn luôn muốn có tư hữu, mà cái bản tính đó chính là động cơ thúc đẩy xã hội loài người tiến bộ mãi. Cho nên cái gọi là “sở hữu toàn dân” chỉ là tấm màn dối trá che đậy âm mưu của ĐCS cướp đoạt ruộng đất của người dân, vì thế người viết bài này mới dùng từ “đảng hữu hóa” là ý như vậy. Xin bạn đọc hãy xem điều 1 Luật đất đai năm 1993 ghi rành rọt: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lý”, mà nhà nước dưới chế độ cực quyền toàn trị thì chính là ĐCS đứng đầu là Bộ chính trị, chứ còn ai khác? Hãy xem Luật đất đai năm 2003, ở đấy còn ghi trắng trợn hơn nữa: “Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai”. Như vậy, ĐCS tự nhận mình là “quản lý” của “chủ sở hữu toàn dân về đất đai”, nói trắng ra là siêu đại địa chủ nắm toàn bộ ruộng đất của cả nước! Đây là quả lừa xảo trá nhất, đê tiện nhất, phản bội lại tất cả những lời ĐCS đã hứa hẹn về “người cày có ruộng”! Không những là siêu đại địa chủ, ĐCS còn là siêu đại địa chủ cường hào ác bá nhất nước, luôn luôn sẵn sàng cướp đoạt ruộng đất của dân, luôn luôn sẵn sàng huy động công an, quân đặc nhiệm, bộ đội, tòa án... đàn áp thẳng tay mọi cuộc phản kháng của người dân “thấp cổ bé họng” muốn chống lại sự “cưỡng chế” của đảng. Còn ở các địa phương, các cán bộ lãnh đạo noi gương kẻ cầm quyền cấp trên cũng nhanh chóng tự biến mình thành những địa chủ cường hào gian ác còn tồi tệ hơn cả dưới thời phong kiến. Đám địa chủ “thẻ đỏ tim đen” này không sợ ai hết, vì chúng nắm trong tay toàn bộ các cơ quan quyền lực, cả công an, cả kiểm sát lẫn tòa án... 

Để thực hiện Hiến pháp năm 1980 và 1992, nhà nước đã ba lần ban hành Luật đất đai vào năm 1987, 1993, 2003 và hai lần sửa đổi vào năm 1998, 2001 với hàng trăm văn bản dưới luật nhiều lần sửa đi sửa lại! Những luật và văn bản này rất rối rắm, chồng chéo nhau, mâu thuẫn nhau, tạo ra vô số kẽ hở cho đám quan lại cộng sản tha hồ tham nhũng. 

Như vậy, bằng những quả lừa xảo quyệt nói trên, các lãnh tụ của ĐCSVN, từ Hồ Chí Minh trở xuống đã từng bước tước đoạt quyền tư hữu ruộng đất của người dân, trước hết là của nông dân, họ trắng trợn phản bội lại quyền lợi của nông dân mà trước đây họ tâng bốc là «hậu bị quân», là “một trong những chủ lực quân” của cách mạng! Vì thế, dưới cái chế độ gọi là “xã hội chủ nghĩa” của ĐCS, thân phận người nông dân vốn đã bèo bọt, thảm hại lại càng bèo bọt, thảm hại hơn bội phần. 

Thảm kịch “dân oan”

Chính vì thế, từ những năm 80 thế kỷ trước – tức là sau khi Hiến pháp “xã hội chủ nghĩa” được ban hành, trên đất nước ta xuất hiện thảm kịch “dân oan” thời “đổi mới” ở khắp nơi. Vì sao có thảm kịch “dân oan”? Vì người dân, nhất là nông dân, đã mất quyền sở hữu, nói chính xác hơn là mất quyền tư hữu ruộng đất của mình, họ chỉ có quyền sử dụng ruộng đất của “nhà nước” có hạn định mà thôi, và ĐCS với danh nghĩa nhà nước hay chính phủ, muốn thu hồi, trưng thu, tước đoạt, hay “cưỡng chế” lúc nào cũng được. Khi thu hồi, kẻ cầm quyền bồi thường cho người dân một số tiền “tượng trưng”, chưa bằng một phần mười giá thực tế, còn bọn tham quan ô lại xà xẻo bớt nữa, nên người dân càng thiệt thòi hơn. Có lắm khi các “quan lớn” cộng sản vẽ vời ra những dự án đô thị hóa, công nghiệp hóa... đồ sộ, không thực tế, rồi cưỡng chế thu lại ruộng đất của dân (xót xa nhất là ruộng đất màu mỡ đã thâm canh), thu xong rồi bỏ đấy chờ được phê duyệt, ruộng đất màu mỡ nằm năm này qua năm khác, có khi hàng chục năm, đã trở thành đất hoang... Thế là đám tham quan ô lại bày mưu tính kế đem bán lại cho nhà giàu, cho các “đại gia” với giá đắt ngút trời. Còn hàng trăm, hàng nghìn gia đình nông dân mất ruộng, hết kế sinh nhai, ôm một cục tiền “đền bù”, mà cũng không biết sử dụng thế nào cho có lợi, hơn nữa đồng tiền lại mất giá, nên tiêu dần, cuối cùng rồi cũng hết. Hết tiền, sống dở chết dở, đói rét phải đi lang thang, phiêu bạt hay chạy vào các đô thị kiếm sống. Nỗi oan của người dân từ đó mà ra. Lúc đầu, bà con “dân oan” thấy rõ những bất công, những hà lạm, tham nhũng của bọn cầm quyền địa phương nên họ tranh đấu bằng hình thức khiếu kiện. Họ chỉ tưởng nỗi oan khiên của họ là do bọn quan lại địa phương gây ra (điều này đúng, nhưng chỉ là phần hiển lộ thôi), họ có biết đâu rằng căn nguyên sâu xa nỗi oan khuất của họ là ở cái chính sách của ĐCS tước đoạt quyền tư hữu ruộng đất của người dân, là ở sự lừa đảo và phản bội của ĐCS đối với nông dân! Nỗi đắng cay, tủi nhục, khổ ải của bà con “dân oan” đi khiếu kiện thật là to lớn khôn cùng, không có bút mực nào diễn tả hết được – họ đi từ làng quê đến các cơ quan cấp tỉnh, không được giải quyết, họ lại đến các cấp cao hơn, không được nữa thì họ lại đến thủ đô, ăn chực nằm chờ ở các dinh thự của các “ông lớn” của ĐCS, các cơ quan chính phủ, quốc hội, thậm chí đến cả Mặt trận Tổ quốc dù cái tổ chức này chẳng có thẩm quyền giải quyết oan ức của họ. 

Hồi năm 2007, chúng tôi đã viết bài “Chuyện dài dân oan”, nay chỉ xin nhắc lại vài điểm thôi. Mọi người đều biết, đã hơn 30 năm nay, hàng triệu “dân oan” nhẫn nhục đi khiếu nại, đi từ cấp chính quyền này đến cấp chính quyền khác, nhưng khắp mọi nơi các cấp chính quyền không giải quyết gì cả. Cấp nọ chỉ “chuyền bóng” đến cấp kia, cấp trên lại chuyển về cấp dưới... cốt làm cho dân oan mệt mỏi, tốn tiền hao của, rồi nản lòng thối chí. Nhưng vì đây là cuộc vật lộn cho sự sống của họ, cho nên họ không thể nào “bỏ cuộc”. Trái lại, có khi vì uất hận đã bùng lên thành những cuộc đấu tranh quyết liệt, như vụ nông dân đồng bằng sông Cửu Long nổi giận kéo lên Sài Gòn hồi năm 1988; dân chúng vùng Thanh Nghệ Tĩnh liên tục đấu tranh sôi nổi trong những năm 90; nhân dân vùng Xuân Lộc (Đồng Nai) đứng lên hồi năm 1997; nông dân Thọ Đà (Hà Tây), Kim Nổ (Đông Anh, ngoại thành Hà Nội) đánh nhau với công an để bảo vệ ruộng đất hồi năm 1996 và 1998; 250 nông dân ở nhiều tỉnh đã biểu tình trước Quốc hội đang họp ở Hà Nội (20.05.1999) để tố cáo nạn tham nhũng và cường hào ác bá hoành hành ở các địa phương; trên 30 người phụ nữ tỉnh Đồng Tháp ra tận thủ đô biểu tình trước trụ sở ĐCS căng biểu ngữ với hàng chữ: “Nhân dân thành phố Sa Đéc quá thất vọng. Không có dân chủ” (14.04.2000); 74 gia đình, gồm người già và phụ nữ ở khu Chùa Vẽ thành phố Hải Phòng lên Hà Nội phản đối các quan chức của đảng cướp đất của dân, v.v... 

Nổi bật nhất là những cuộc biểu tình của nông dân Thái Bình (hồi những năm 30 tỉnh này vốn được coi là “cái nôi” của ĐCSVN) đã diễn ra hồi cuối năm 1996, rồi biến thành những cuộc nổi dậy từ tháng 05 đến tháng 06.1997, lúc đầu thu hút hàng ngàn nông dân ở xã An Ninh huyện Quỳnh Phụ (đêm 26 rạng 27.06.1997), sau đó toả ra toàn huyện Quỳnh Phụ, lan khắp 5 huyện, là Quỳnh Phụ, Hưng Hà, Tiền Hải, Đông Hưng, Thái Thuỵ (trong số 7 huyện của tỉnh Thái Bình). Từ tháng 05 cho đến tháng 11.1997, công an vây chặt khu vực có biến động. Mọi thông tin về vụ biến động đều bị ĐCS bịt kín. Sau khi các “ông lớn” từ Trung ương ĐCS, trong số đó có TBT Đỗ Mười, đến Thái Bình phủ dụ dân chúng, thi hành kỷ luật một số cán bộ đảng để lấy lòng dân chúng thì cuộc bạo động lắng xuống. Khi đó, Đỗ Mười liền cho công an bí mật bắt bỏ tù mà không xét xử những người tổ chức, lãnh đạo cuộc đấu tranh – phần đông là cựu chiến binh của “quân đội nhân dân”, cán bộ cũ đã về hưu của ĐCS. Trong tù, những người này bị nhốt chung với thường phạm, và công an theo lệnh “trên” đã khuyến khích thường phạm giết hại họ cực kỳ man rợ.

Tiếp sau cuộc vùng dậy của nông dân-dân oan Thái Bình là cuộc nổi dậy của người Thượng vùng Tây Nguyên hồi tháng 02.2001. Sau đó, đến ngày 10.04.2004, hàng vạn dân Thượng lại nổi dậy, lần này có quy mô và tổ chức hơn lần trước. Nguyên nhân các cuộc nổi dậy là do chính sách của ĐCS di dân người miền đồng bằng lên Tây Nguyên, rồi cán bộ, đảng viên người Kinh cùng bà con của họ đã lấn chiếm, cướp đoạt nương rẫy của người Thượng, mặt khác cũng do chính quyền ngăn cấm tự do tín ngưỡng của người Thượng. Một lần nữa ĐCS lại tung quân đàn áp dã man cuộc nổi dậy này làm hàng chục (có tin hàng trăm) người chết. Trong hai lần nổi dậy, vì bị đàn áp khốc liệt nên đã có hàng nghìn người Thượng chạy sang Cam Bốt.

Từ sau những cuộc nổi dậy ở Thái Bình và Tây Nguyên, “dân oan” thường dùng hình thức khiếu kiện và biểu tình một cách hoà bình. Để có được tiếng vang lớn, họ thường tập trung đông người hơn, dài ngày hơn ở các đô thị lớn, nhất là thủ đô. Vườn hoa Mai Xuân Thưởng, Trụ sở tiếp dân ở Cầu Giấy Hà Nội cũng như Trụ sở tiếp dân ở đường Võ Thị Sáu, Văn phòng 2 Quốc hội ở Sài Gòn thường là những nơi tụ tập của dân oan đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước. 

Đặc biệt là cuộc biểu tình khiếu kiện dài ngày ở Sài Gòn của “dân oan”, chủ yếu là nông dân ở 19 tỉnh thành Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang, Bình Dương, Bình Phước, Mỹ Tho, Bến Tre, Long An, Cần Thơ, Đồng Tháp, Bà Rịa, Vũng Tàu, Bình Định, Bình Thuận... và 9 quận huyện ở Sài Gòn – một cuộc biểu tình sáu-bảy trăm người, có khi lên đến 1000 người và kéo dài 27 ngày (kể từ ngày 22.06 đến đêm 18 rạng 19.07.2007). Đây là một cuộc biểu tình hoà bình đông đảo và lâu nhất chưa từng thấy dưới chế độ toàn trị của ĐCS. Người biểu tình căng những băng-rôn tố cáo đích danh bọn quan lại cộng sản cướp đất, bóc lột và lừa dối «dân oan», như: “Chính quyền Tiền Giang dối đảng lừa dân”, “Đả đảo Nguyễn Kim Châu, thanh tra chính phủ báo cáo không trung thực với Thủ tướng”, “Đả đảo bà Nhàn, thanh tra Tiền Giang áp dụng luật rừng với bà con. Đề nghị cách chức”, “Mười hộ dân Đồng Tháp tố cáo chủ tịch tỉnh Trương Ngọc Hân và chủ tịch huyện Lai Vung Tạ Văn Hội cướp đất cướp nhà, gây bức xúc lòng dân, làm dân chết một người”, “Đả đảo chánh án tòa án tỉnh Tiền Giang lợi dụng chức vụ chỉ đạo thẩm phán xử oan, trục lợi cá nhân”, “Tập thể bà con nông trường Sông Hậu tố cáo UBND thành phố Cần Thơ bao che nông trường Sông Hậu. Giám đốc Trần Ngọc Sương lừa đảo chiếm đoạt đất đai của dân và thu không có quyết định của Nhà nước”, “Công ty cổ phần Bạc Liêu cấu kết với chính quyền cướp đất giữa ban ngày”, "Tố Cáo Huỳnh Tấn Thành, Chủ Tịch UBND tỉnh Bình Thuận tham nhũng", v.v... Những khẩu hiệu này cho thấy người nông dân đã thấy rõ cội nguồn những đau khổ của họ là các quan lại cộng sản. Khi cả một khối người đông đảo biểu tình công khai gần một tháng trời, chịu đựng biết bao thiếu thốn, cơ cực trong cảnh màn trời chiếu đất, dầm mưa dãi nắng, thì công an theo lệnh của đảng, bao vây, đe doạ, cấm cản đủ điều, gây thêm nhiều khốn khổ cho «dân oan». Thế nhưng, họ vẫn kiên trì đấu tranh cho đến ngày ĐCS ra lệnh cho công an đàn áp dã man bằng dùi cui, vòi rồng xịt nước, đèn cao áp, bình chữa lửa, roi điện, lựu đạn cay... để dẹp cuộc biểu tình ở Sài Gòn.

Sau đó, ĐCS đã cho cán bộ về các địa phương diễn trò “giải quyết tại chỗ” những oan khuất của dân chúng, bồi thường phần nào cho những hộ bị mất đất hòng xoa dịu lòng căm phẫn của «dân oan». Nhưng «dân oan» vẫn không hài lòng, họ vẫn thấy thiệt thòi và lại khiếu kiện tiếp. 

Thế là cuộc biểu tình khiếu kiện lại tiếp diễn trong tháng 08.2007, cả ở Hà Nội lẫn Sài Gòn. «Dân oan» các tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang và nhiều nơi khác, kể cả một số người từ miền Nam mang theo con cái ra Hà Nội đứng biểu tình trước cửa Trụ sở tiếp dân ở số 110 Cầu Giấy. Còn ở trong Nam, ngày 25.08, hàng trăm bà con dân oan các tỉnh Bình Thuận, Bến Tre, An Giang, Lâm Đồng, Rạch Giá, Tiền Giang, Sóc Trăng... lại kéo về Sài Gòn tụ tập trước cổng Trụ sở tiếp dân ở đường Võ Thị Sáu để khiếu kiện, đòi đất đai, ruộng vườn, tài sản bị chính quyền cướp đoạt. Sáng ngày 29 và 30.08, công an lại dùng vũ lực vây bắt và đưa dân oan về các địa phương...

Cứ thế, trên 30 năm trời, “dân oan” đã tranh đấu không ngừng, hết năm này qua năm khác, hàng triệu lá đơn đã «dâng» lên các «ông lớn» và bị «xếp xó». Chẳng những thế, hàng trăm cuộc đấu tranh khác từ Bắc chí Nam của «dân oan» đã bị ĐCS ra lệnh đàn áp với lực lượng hùng hậu gồm các loại công an nổi chìm, “dân phòng”, chó nghiệp vụ, gây thương tích, làm tử vong «dân oan», như ở Trảng Bom, Đồng Nai (năm 2008), ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa (năm 2010) hoặc đã làm cho «dân oan» quá uất hận, như kỹ sư Phạm Thành Sơn ở Sơn Trà, Đà Nẵng phải tự thiêu trước UBND Thành phố Đà nẵng (năm 2011) và anh Nguyễn Văn Tưởng ở Thăng Bình, Quảng Nam phải tự tử (năm 2012). Hàng trăm «dân oan» ở Thái Bình (năm 1997), ở Quận 9 Sài Gòn (năm 2008), ở Tây Nguyên (năm 2001, 2004, 2011), Khoái Châu, Hưng Yên (năm 2008), ở Lục Ngạn, Bắc Giang (năm 2012), ở Tiên Lãng, Hải Phòng (năm 2012) đã bị vu khống, ghép tội vô lý và tống ngục, có những người bị giết trong tù, như những người lãnh đạo cuộc nổi dậy ở Thái Bình. Hàng chục người vì lòng thương xót đồng bào bị oan khuất đã giúp cho bà con «dân oan» viết đơn khiếu kiện, viết bài kể nỗi khổ của «dân oan» trên báo chí, cũng như nhiều luật sư vì lương tâm nghề nghiệp đã đứng ra bênh vực «dân oan» trong các vụ án đã bị vu khống và bỏ tù, như LS Lê Trần Luật, LS Lê Thị Công Nhân, LS Huỳnh Văn Đông, LS Cù Huy Hà Vũ…...

Tiếng sấm Đoàn Văn Vươn 

Đùng một cái, ngày 05.01.2012, ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng xảy ra vụ ông nông dân-kỹ sư Đoàn Văn Vươn và gia đình, quá uất ức vì lệnh cưỡng chế vô lý của chính quyền huyện Tiên Lãng đã nổ súng (súng hoa cải!) chống lại «cả trăm cảnh sát, công an, bộ đội... tham gia cưỡng chế khu đầm 19,3 ha của gia đình ông Vươn» «khiến 4 cảnh sát và 2 bộ đội bị thương» (những chữ trong ngoặc kép là nguyên văn báo chí trong nước). Sự kiện động trời này làm rung động cả nước! 

Đầu đuôi câu chuyện như sau: Tháng 10 năm 1993, UBND huyện Tiên Lãng giao 21 ha đất cho ông Vươn, đến tháng 4 năm 1997, lại giao bổ sung 19,3 ha đất (thực tế là đầm nước ven biển) để nuôi trồng thủy sản trong thời hạn 14 năm tính từ năm 1993. Nhận được đầm nước, ông Vươn và người em Đoàn Văn Quý cùng gia đỉnh ra sức khai phá, trước hết là làm đập ngăn nước biển tràn vào. Sau bao nhiêu lần bị thất bại, sóng biển vỗ vào phá vỡ đập, nhưng cả hai anh em đã nhẫn nại làm đi làm lại nhiều lần, cuối cùng thì đập đứng vững, họ bắt đầu làm các công trình để nuôi thủy sản. Các hộ láng giềng theo gương ông Vươn cũng đắp đập nuôi tôm cá. Công việc dần dần tiến triển tốt hơn, họ bắt đầu có thu nhập để trả dần món nợ lớn cho ngân hàng. Đám quan lại ở địa phương thèm thuồng dòm ngó và bày mưu tính kế... Thế rồi, vào tháng 4 năm 2008, rồi lại tiếp đến tháng 4 năm 2009, UBND huyện Tiên Lãng ra hai quyết định thu hồi số đất đã cho thuê. Ông Vươn điếng người, nhận thấy quyết định này quá ư vô lý nên không chịu thi hành. Thế là UBND huyện Tiên Lãng ra lệnh cưỡng chế, ngày 05.01.2012, họ điều động cả trăm cảnh sát, công an, bộ đội... đến cưỡng chế khu đầm của gia đình ông Vươn. Anh em ông Vươn đã nổ súng để chống cự. Sau vụ đó, chính quyền địa phương đã cho xe ủi san phẳng ngôi nhà 2 tầng của ông Vươn cho em trai Đoàn Văn Quý ở nhờ, còn ngôi nhà của vợ chồng ông Vươn đang ở - xe ủi không vào được - thì họ ra lệnh dùng búa đập phá tan hoang, rồi đốt cháy hết quần áo, đồ đạc trong nhà. Bốn người trong gia đình họ Đoàn bị tống giam, chờ ngày xét xử, họ bị buộc tội «cố ý giết người». Một số nhà báo trong nước có công tâm đã mạnh dạn phanh phui, vạch rõ việc kẻ cầm quyền ở địa phương âm mưu cướp đoạt thành quả lao động của hai gia đình anh em họ Đoàn. Vụ án này gây chấn động mạnh trong dư luận xã hội, đến nỗi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải trực tiếp xem xét và kết luận (ngày 10.02.2012). Sau đó, một vài cán bộ địa phương ở cấp huyện, xã đã bị thi hành kỷ luật, trừ cấp thành phố được thủ tướng «hoan nghênh việc lãnh đạo thành phố Hải Phòng nghiêm túc kiểm điểm... », dù vụ việc này không phải là không có bàn tay lông lá của các «quan» thành phố đã bật đèn xanh cho phép cấp dưới thực hiện vụ cướp đoạt này, còn bây giờ thì họ làm ra vẻ ngây ngô, quanh co, dối trá... để trốn trách nhiệm (xem: những lời của giám đốc công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca và phó chủ tịch Hải Phòng Đỗ Trung Thoại...). Trong lúc thủ tướng Dũng khen lãnh đạo Hải Phòng thì ngày 17.02.2012 tại Câu lạc bộ Bạch Đằng ngay trước mặt bí thư thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành, một cán bộ của đảng đã lên micro dõng dạc nói lớn: «Đề nghị Bộ chính trị cách chức bí thư Thành» và mọi người đã hoan hô nhiệt liệt!

Đoàn Văn Vươn đáng lẽ phải được nêu lên làm một tấm gương sáng về tính năng nổ, lao động kiên trì và sáng tạo của người nông dân thì cái chế độ toàn trị đầy tham nhũng hiện nay lại đẩy ông ta vào vòng lao lý vì bọn quan lại cộng sản mưu đồ cướp đoạt thành quả lao động vô cùng gian khổ, khó nhọc nhiều năm của ông và gia đình ông. Không một người nào yêu chuộng công lý mà không thương xót hai anh em họ Đoàn. Vì thế vụ án Đoàn Văn Vươn đánh động lương tâm của rất nhiều người trong và ngoài nước. Đặc biệt cảm đông là cụ bà Lê Hiền Đức, 81 tuổi, một đảng viên cộng sản lâu năm, công bằng và chính trực, nổi tiếng là người nhiệt tình chống tham nhũng và giúp đỡ «dân oan», đã lớn tiếng bênh vực hai anh em họ Đoàn. Bà nhìn sâu vào nội tình ĐCS và đã tuyên bố thẳng thừng: «Chừng nào ông Đoàn Văn Vươn và những người thân của ông còn phải nằm trong vòng lao lý, còn chưa được bồi hoàn các quyền lợi về vật chất, tinh thần đã bị xâm phạm thì chừng đó tôi còn nhìn chính quyền trung ương của Việt Nam chỉ như là sự phóng to của chính quyền huyện Tiên Lãng, chính quyền thành phố Hải Phòng». Lời nói của cụ làm mọi người rất cảm phục 

Vụ án Đoàn Văn Vươn báo hiệu lòng uất hận của người «dân oan» đã lên gần đến điểm đỉnh, nó có thể bùng nổ bất cứ lúc nào và bất kỳ ở đâu. Mới đây, vào ngày 11.04.2012, một cuộc biểu tình khoảng gần 1000 bà con nông dân đã diễn ra trước trụ sở Văn phòng Thanh tra Chính phủ tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Đa số bà con đền từ Văn Giang (Hưng Yên) và Dương Nội (Hà Đông). Ngoài ra có một số người từ miền Nam ra, họ ăn chực nằm chờ nhiều tháng nay để khiếu kiện, chủ yếu chỉ vì cưỡng chế và đền bù đất đai vô lý. Họ phản đối quyết định cưỡng chế đất trái pháp luật của chủ tịch và phó chủ tịch UBND huyện Văn Giang. Ở đây, hơn 1800 hộ dân ở ba xã Xuân Quang, Cụng Công và Cửu Cao đang bị chính quyền cưỡng chế thu hồi đất để làm dự án khu đô thị-thương mại-du lịch Ecopark có diện tích trên 500 ha. Người dân được đền bù 43000 đồng một mét vuông, một mức giá mà họ cho là quá bất công chỉ mua được vài mớ rau muống. Còn bà con ở Dương Nội bị chính quyền cưỡng chế đất để làm dự án khu đô thị Lê Trọng Tấn. Nông dân Văn Giang và Dương Nội đã khởi kiện từ nhiều năm trước nhưng chẳng được giải quyết gì. Lòng dân rất phẫn uất, thế mà kẻ cầm quyền tuyên bố vẫn sẽ thi hành cưỡng chế ở huyện Văn Giang vào ngày 20.04. Còn nông dân thì nói rằng: «đối với chúng tôi mất đất là mất hết nguồn sống, nên chúng tôi sẽ đấu tranh đến cùng và sẵn sàng chiến đấu» và họ đã làm chòi ở đồng ruộng để tổ chức canh phòng. Cảm thấy dường như tinh thần Đoàn Văn Vươn đang thấm nhập vào tâm tư «dân oan», báo hiệu những trận cuồng phong sắp tới... 

Theo tin tức nhận được sáng nay, 24.04.2012, chính quyền đã huy động một lực lượng hùng hậu hàng ngàn công an, an ninh (BBC đưa tin là khoảng 2000-4000) mặc sắc phục và thường phục cùng bọn «đầu gấu» xã hội đen, từ 4h30 sáng đã đột nhập vào xã Phụng Công, xã Xuân Quan để chia cắt dân, chặn đứng các ngả vào cánh đồng, rồi bắt giữ và đánh đập một số người canh phòng trên đồng ruộng. Nông dân ở các nơi khác đổ xô đến yểm trợ bà con thì bị tấn công, đánh đập tàn tệ. Dã man nhất là chúng bắt 10 người, khóa tay, rồi xịt hơi cay vào mặt, đe dọa, sau đó thả ra, nhiều người bị ngất xỉu. Ở phía xã Phụng Công, có tiếng nổ liên hồi, người ta đoán là tiếng súng AK. Tồi tệ nhất là đám công an ném xuống ao tất cả lương thực, bánh mỳ dự trữ của dân. Tiếng khóc của phụ nữ, trẻ em vang khắp cánh đồng. Ở xã Xuân Quan có hai người bị trúng đạn hơi cay, một trong hai người đó đạn trúng vào chân, máu me đầm đìa. Cuối cùng những người dân tay không đã bị đẩy lùi trước lực lượng cưỡng chế hùng hậu của ĐCS. Trận đàn áp nông dân lần này – theo lời bà con nông dân – chẳng khác gì trận chiến đấu chống quân khủng bố. Tiếp theo sau lực lượng công an, an ninh là đoàn xe ủi xông vào san ủi ruộng đất của bà con, những gia đình không di chuyển kịp các chậu cây cảnh quý giá đắt tiền cũng bị tàn phá hết. Thử hỏi hành động tội ác này của ĐCS có khác gì hành động của địa chủ cường hào ác bá không? Nhất định người nông dân sẽ không quên nỗi uất hận này!

Vụ án xử oan, nhưng không phải đối với «dân oan» Một thời gian ngắn trước vụ án Đoàn Văn Vươn, là vụ án nông trường Sông Hậu, xử oan bà Trần Ngọc Sương, giám đốc nông trường. Vụ án này xử oan người vô tội, chứ về thực chất bà Sương không phải là «dân oan» bị cướp đoạt ruộng đất, nhà cửa dưới thời «đổi mới». Tuy vậy, cũng xin nói qua vài nét.

Nông trường Sông Hậu là một đơn vị kinh tế nhà nước được thành lập hồi năm 1979 với diện tích lúc đầu là 3450 ha, về sau được mở rộng thêm, tổng diện tích lên tới 6924,78 ha. Trong quá trình mở rộng diện tích có thể đã có sự chiếm đoạt ruộng đất của nông dân thế nào đó, nên trong cuộc biểu tình 27 ngày của «dân oan» hồi năm 2007 ở Sài Gòn, ta thấy có tấm băng-rôn ghi rõ: “Tập thể bà con nông trường Sông Hậu tố cáo UBND thành phố Cần Thơ bao che nông trường Sông Hậu. Giám đốc Trần Ngọc Sương lừa đảo chiếm đoạt đất đai của dân và thu không có quyết định của Nhà nước”. Chúng tôi chỉ nhắc lại điều đó ở đây, chứ không thể có kết luận gì.

Nằm trên vùng đất trũng, bị nhiễm phèn và bị hoang hoá nhiều năm, không có kênh mương thuỷ lợi, nông trường đã đi lên bằng nguồn vốn vay ngân hàng: đã cải tạo đồng ruộng, xây dựng công trình thủy lợi, kết hợp làm đường giao thông, cơ giới hoá nhiều khâu trong sản xuất, chuyển đổi diện tích lúa mùa nổi một vụ trở thành đất trồng lúa 2 vụ, nâng sản lượng hàng năm lên trên 60000 tấn lúa và tổ chức nuôi trồng thủy sản trên 5000 ha. Nông trường đã xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư máy móc thiết bị phát triển công nghiệp chế biến nông sản và đã có nhiều thành tích trong lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu. Tóm lại, nông trường là một đơn vị kinh tế khá nổi bật trong thời «đổi mới» nhờ đó tạo được cuộc sống tương đối ổn định cho hơn 2300 hộ nông trường viên. Công việc đang tiến triển tốt thì hồi tháng 04.2006, chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ ra quyết định thanh tra nông trường Sông Hậu. Đúng một năm sau, công an thành phố Cần Thơ quyết định khởi tố vụ án hình sự «cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế». Tháng 08.2009, tòa án huyện Cờ Đỏ mở phiên tòa xét xử vụ án «lập quỹ trái phép». Tòa tuyên án phạt bà giám đốc Trần Ngọc Sương 8 năm tù, bắt bồi thường thiệt hại 4 tỷ đồng. Trên 3400 hộ nông trường viên làm đơn phản đối và bà Sương kháng cáo. Tháng 11.2009, TAND thành phố Cần Thơ xử phúc thẩm, quyết định y án 8 năm tù đối với bà Sương và buộc phải trả cho nông trường 4,3 tỷ đồng. Bà tiếp tục kháng cáo lên tòa án tối cao... Cuối cùng, nhờ sự can thiệp của một số cán bộ đảng cao cấp, tháng 01.2012, viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ đã ra quyết định đình chỉ vụ án nông trường Sông Hậu. 

Vụ án này cho thấy ĐCSVN độc quyền nắm cả ba thứ quyền – lập pháp, hành pháp, tư pháp, do đó hệ thống tư pháp, kiểm sát, công an, tòa án ở các cấp đều bị lệ thuộc hoàn toàn vào hệ thống đảng. Ở nơi nào cán bộ lãnh đạo, vì đấu đá nội bộ hoặc tham nhũng mà muốn bỏ tù ai thì cả hệ thống tư pháp ở nơi đó đều răm rắp làm theo lệnh đảng, bất chấp công lý và nỗi oan khiên của người khác. Bà Sương là Anh hùng lao động được nhà nước cộng sản tôn vinh mà còn bị chà đạp như vậy, thì thử hỏi «đám dân oan vô danh tiểu tốt» làm sao đương nổi với bọn quan lại cộng sản tham nhũng nắm toàn bộ quyền lực trong tay? 

Hậu quả của việc xóa bỏ tư hữu ruộng đất

Ở trong một nước, nhất là nước nông nghiệp như nước ta, nơi mà nông dân chiếm tuyệt đại đa số (trên 70%), thì điều trước tiên một nhà nước thật tâm «vì dân, vì nước», muốn cho «dân giàu nước mạnh» phải làm là khẳng định, xác lập rõ ràng quyền tư hữu ruộng đất của người dân, coi đó là cái quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm, có như vậy mới khích lệ người dân vì quyền lợi của họ mà ra sức tăng gia sản xuất, nhờ đó mà dân mới giàu, nước mới mạnh được. Nhưng các lãnh tụ ĐCS đâu có thật tâm «vì dân, vì nước», nên họ đã tước đoạt quyền tư hữu ruộng đất của người dân để chuyển thành cái gọi là «sở hữu toàn dân» về thực chất là quyền sở hữu của ĐCS, như chúng ta đã phân tích trên. Việc xóa bỏ đó đã gây ra biết bao tai họa cho người dân, trước hết là nông dân, vì đã cắt mất cái cơ sở tạo nên nguồn sống của họ!

Ngoài việc tạo ra hàng triệu «dân oan», tước mất kế sinh nhai của họ, đẩy «dân oan» vào cuộc sống bần cùng, bế tắc, việc tước đoạt quyền tư hữu ruộng đất của người dân đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng khác. Bị tước mất quyền làm chủ trên mảnh ruộng đất vốn là của mình, nay người nông dân chỉ là người thuê mướn ruộng đất để sử dụng mà thôi (ở đây, nông dân trở thành «tá điền» thời xã hội chủ nghĩa-phong kiến), thuê mướn có hạn định (20 năm, cây lưu niên thì 50 năm), nên tâm lý của nông dân đã thay đổi, họ không còn tha thiết gắn bó với mảnh ruộng đất mình thuê mướn nữa. Họ coi mảnh ruộng đất của nhà nước giao như là một vật dụng được mượn tạm, trước sau gì cũng phải trả lại, cho nên họ cố khai thác triệt để theo kiểu vắt kiệt mảnh ruộng đất đó để cố kiếm lợi nhanh chóng nhất, chứ không muốn xây dựng cho mình kế hoạch lâu dài, họ không muốn đầu tư công sức, tiền của để cải tạo chất đất, tăng độ phì nhiêu cho đất để tăng năng suất, tăng thu hoạch cho mình, vì họ sợ uổng phí công sức, tiền của mà cuối cùng bản thân mình và con cháu chẳng được hưởng gì khi mảnh ruộng đất đó bị thu hồi. Cái tâm lý đó ảnh hưởng rất tiêu cực về mặt kinh tế, văn hóa và xã hội của đất nước, nhưng các lãnh tụ ĐCS nhắm mắt làm ngơ. Chính vì thế, ngày nay, chúng ta thấy có những chuyện ngược đời hết sức đau lòng cho những ai biết lo nghĩ đến tiền đồ đất nước, đến hạnh phúc của người dân: ruộng đất canh tác ngày càng thu hẹp một cách nhanh chóng trong lúc dân số thì tăng mạnh, gây ra nhiều khó khăn cho cuộc sống của người dân. Chính Bộ nông nghiệp Việt Nam cũng đã phải xác nhận: từ năm 2001 đến năm 2006, đã có 376000 ha ruộng đất trồng lúa đã bị thu hồi, làm hơn một triệu nông dân bơ vơ vì mất kế sinh nhai... Thế mà hàng nghìn ha vốn là «bờ xôi ruộng mật» đã bị bỏ hoang hóa! Vì sao vậy? Vì các «quan lớn» ham chạy theo món lợi lớn trước mắt – chủ yếu là lợi riêng – đã lập ra quá nhiều, nhiều đến mức phí lý, các dự án đô thị cao cấp và siêu sang trọng, các khu vui chơi, giải trí, các khu du lịch sinh thái, các sân golf… rồi cứ mặc sức thu hồi ruộng đất của người dân. Có rất nhiều dự án đô thị hóa, công nghiệp hóa lập nên, chưa được cấp trên chuẩn nhận, hay chuẩn nhận mà không có tiền thực hiện... nên ruộng đất của dân đã thu hồi rồi cứ để nằm đấy hàng chục năm trời, dần dần trở thành hoang hóa. Có ai trước đây có thể tưởng tượng nổi tình trạng này đã và đang xảy ra dưới thời «xã hội chủ nghĩa» của ĐCS? Nhiều nơi nông dân thi nhau đào đất bề mặt ruộng – là lớp đất màu mỡ nhất bên trên – để đem bán cho người ta làm các bãi cỏ sân golf hay bãi cỏ công viên giải trí, du lịch, v.v... Trong lúc đó, đội quân thất nghiệp của nông thôn ngày mỗi tăng, - theo báo chí trong nước - trong vài năm tới sẽ lên tới nhiều triệu người, họ phải chạy ra các đô thị kiếm sống, bổ sung thêm vào số người thất nghiệp ở đô thị vốn đã đông càng đông hơn. 

ĐCS đưa ra khẩu hiệu cơ giới hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn, nhưng lại tước quyền tư hữu ruộng đất của người dân, thì trong tương lai nước ta làm sao có được những chủ ruộng đất lớn, những chủ trang trại lớn có khả năng làm việc cơ giới hóa, công nghiệp hóa đó? Không có những người nông dân hay người trại chủ thật sự làm chủ ruộng đất của mình thì cái khẩu hiệu cơ giới hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn chỉ là chuyện tào lao vô bổ của kẻ vô công rồi nghề hay những tên bịp bợm! 

Tóm lại, suốt mấy chục năm nay, tấn bi kịch của người dân bị tước đoạt ruộng đất đã trở thành một nỗi đau nhức nhối của xã hội Việt Nam. Biết bao cuộc đấu tranh đã bùng nổ và đã bị ĐCS đàn áp tàn bạo; biết bao người, kể cả phụ nữ và trẻ con, đã ngã xuống vì súng đạn của «công an nhân dân» «hết lòng vì đảng»; biết bao người «dân oan» và những người bênh vực cho «dân oan» đã và đang phải ngồi rục xác trong tù!

Không thể để tình trạng này kéo dài mãi được nữa! Các chiến sĩ, các tổ chức, các đảng phái đấu tranh cho dân chủ, tự do và nhân quyền trong và ngoài nước cần phải đặt ngay việc đòi ĐCSVN trả lại quyền tư hữu ruộng đất cho người dân, trước nhất là nông dân, vào chương trình hành động của mình, coi đó là một trong những mục tiêu đấu tranh căn bản cần toàn tâm toàn ý nhắm tới. Thiết nghĩ, việc đòi sửa lại Luật đất đai là cần thiết, nhưng cái căn bản nhất, trước mắt nhất vẫn là phải đòi xóa bỏ điều 17 trong Hiến pháp năm 1992, và Hiến pháp phải khẳng định quyền tư hữu ruộng đất của người dân là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Việc đòi xóa bỏ điều 17 cũng như điều 4 trong Hiến pháp năm 1992 phải là nội dung chủ yếu trong cuộc đấu tranh của mọi người trong dịp sửa đổi Hiến pháp lần này. Nhưng xét cho cùng, chừng nào còn ĐCSVN thì e rằng việc xóa bỏ hai điều vừa nói đó sẽ rất khó thực hiện được, cho nên phong trào dân chủ nước ta sẽ không dừng lại ở chỗ đấu tranh đòi sửa đổi Hiến pháp, mà phải nhắm tới cái đích xa hơn là đấu tranh đòi thay đổi hệ thống chính trị, kiến lập chế độ dân chủ đa đảng với ba quyền phân lập rõ rệt.

Nếu ĐCS không đủ thông minh để trả lại quyền tư hữu ruộng đất cho người dân thì rồi đây sẽ còn có hàng chục, hàng trăm Đoàn Văn Vươn khác nữa, sẽ có nhiều cuộc bùng nổ to lớn hơn nữa, và nếu không khéo thì nỗi uất hận của người dân bị kìm nén lâu ngày sẽ bùng lên thành ngọn lửa vĩ đại thiêu rụi cái chế độ toàn trị của ĐCS. Lúc đó, ngay cả những binh lính, sĩ quan của quân đội và công an - vốn xuất thân từ nông dân, từ nhân dân – chắc chắn sẽ không còn là «thanh gươm và lá chắn» cho ĐCS nữa mà số đông sẽ đứng lên bảo vệ người dân và quay súng lại chống ĐCS./.

Moskva 24.04.2012

Nguyễn Minh Cần
danlambaovn.blogspot.com

*

Đọc thêm:

Chuyện dài dân oan

Thảm kịch dân oan đang là vấn đề nhức nhối của dân tộc. Chính vì thế, những người dân chủ nên để tâm suy nghĩ về vấn đề này để xác định cho mình một cách hành xử đúng đắn. 

Trước hết, cần thấy rõ: dân oan là một “sản phẩm” không tránh khỏi của chế độ độc tài toàn trị của ĐCS. Chế độ đó dựa trên khủng bố và lừa bịp, dựa trên chuyên chính vô sản, nên nỗi oan khiên của dân chúng chồng chất như núi. Như vậy, có thể khẳng định: còn chế độ độc tài toàn trị thì còn dân oan. Hai hiện tượng này gắn với nhau như hình với bóng. 

Các loại dân oan ở nước ta 

Số dân oan rất đông trong xã hội Việt Nam ngày nay. Con số đó lên đến nhiều triệu, thực tế là không thể kể hết được. Xin tạm chia ra ba loại: 

1 - Dân oan vì ĐCS đàn áp chính trị, tôn giáo và văn hoá. 

Ngay sau ngày cướp được chính quyền, những người cộng sản (lấy tên là Việt Minh) đã lao vào cuộc săn lùng, bắn giết những người thuộc các đảng phái không cộng sản. Chính quyền của những người cộng sản lúc đầu còn yếu, nên những cuộc đàn áp chính trị thường được tiến hành dưới dạng khủng bố bởi các “ban ám sát”, “ban trừ gian”. Những vụ hành quyết được tiến hành rất kín đáo, chỉ trừ một vụ mãi về sau mới công bố chính thức là vụ hành quyết hai ông Phạm Quỳnh và Ngô Đình Khôi. Còn biết bao người lãnh đạo cũng như đảng viên các đảng phái khác đã bị Việt Minh thủ tiêu bí mật. Cái danh sách loại dân oan này cùng thân nhân của họ rất dài, ở đây, chỉ tạm ghi một số người có danh tiếng trong toàn quốc. Đó là những Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi, Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu, Trần Văn Thạch, Hồ Văn Ngà, Bùi Quang Chiêu, Huỳnh Văn Phương, Hồ Vĩnh Ký, Phan Văn Chánh, Lý Đông A, Trương Tử Anh, Trần Khánh Giư (Khái Hưng), Huỳnh Phú Sổ, v.v... 

Cũng sau ngày ĐCS nắm chính quyền, những vụ tàn sát tín đồ các tôn giáo, như Cao Đài, Hoà Hảo, Thiên Chúa Giáo, Phật Giáo đã diễn ra, làm hàng chục ngàn người bị thiệt mạng. Đó là dân oan vì đàn áp tôn giáo. 

Trong số dân oan vì đàn áp chính trị, phải kể đến những nạn nhân trong vụ án “Xét lại-Chống Đảng”. Hàng chục cán bộ, đảng viên có công với cách mạng, thường là cán bộ cao cấp, trung cấp, vì bất đồng chính kiến với ban lãnh đạo ĐCS mà bị tù đày hoặc bị giam giữ trong nhiều năm. Nhiều người đã chết oan ức trong cảnh giam cầm. Vợ con của họ bị phân biệt đối xử tàn tệ. Chỉ xin nêu một số tên tuổi, như Bùi Công Trừng, Vũ Đình Huỳnh, Đặng Kim Giang, Hoàng Minh Chính, Lê Liêm, Phạm Kỳ Vân, Phạm Viết, Trần Minh Việt, Trần Thư, Nguyễn Kiến Giang, Đỗ Đức Kiên, Lê Trọng Nghĩa, Lê Minh Nghĩa và nhiều người khác. 

Vào loại dân oan vì đàn áp chính trị thì phải kể đến ít nhất là 300 ngàn người (1) thuộc chế độ cũ bị lùa vào các trại tù, mệnh danh là “trại cải tạo” để bị đày đoạ trong nhiều năm trời. Họ là những sĩ quan, viên chức, giáo viên, trí thức, văn nghệ sĩ dưới chế độ Việt Nam Cộng Hoà. Hàng chục ngàn người đã bỏ xác trong các trại tù (2). Gia đình của họ bị kỳ thị khắc nghiệt, bị bắt đi “vùng kinh tế mới”, nhà cửa bị chiếm đoạt, họ phải sống trong cảnh bần cùng trong nhiều năm. 

Đó là chưa nói đến dân oan cả ở hai miền vì cuộc chiến tranh Bắc – Nam do ĐCS phát động từ nửa cuối thập niên 50 cho đến năm 1975. Số dân oan này đông không thể tính hết. Chỉ xin nhắc đến một vụ, là vụ thảm sát hàng ngàn thường dân trong trận tấn công của bộ đội miền Bắc vào thành phố Huế dịp Tết Mậu Thân (1968). 

Còn dân oan vì đàn áp văn hoá thì nổi bật nhất là vụ án “Nhân Văn-Giai Phẩm”. Sau ngày ĐCS tiếp thu miền Bắc Việt Nam, một số trí thức, văn nghệ sĩ, giáo sư... đề đạt nguyện vọng muốn ĐCS mở rộng tự do dân chủ, thì ban lãnh đạo ĐCS đã ra tay trấn áp họ. Hàng chục trí thức, văn nghệ sĩ bị vu khống, lăng mạ, đoạ đày, như Phan Khôi, Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu, Nguyễn Hữu Đang, Phùng Cung, Phùng Quán, Thuỵ An, Lê Đạt, Trần Dần, Trần Duy, Trần Đức Thảo, Đặng Đình Hưng, Hữu Loan, Tử Phác, v.v... Có người bị tù 12, 15 năm, như Phùng Cung, Nguyễn Hữu Đang, Thuỵ An, Trần Thiếu Bảo (Minh Đức). Nói chung, nhiều người và gia đình họ bị khốn đốn về vật chất cũng như tinh thần trên ba chục năm trời. Đó là chưa kể hàng trăm người bị ghép tội “Nhân Văn” chỉ vì đọc và chuyền tay tờ báo này. Có nhiều người không dính vào vụ án trên, nhưng đã làm thơ, viết văn tỏ ý bất bình với chế độ cũng bị tù nhiều năm, như nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đã ngồi tù 27 năm ròng. 

2 - Dân oan vì ĐCS thi hành những chính sách phi nhân hoặc trái với quy luật tiến hoá của xã hội. 

Trước hết, phải nói đến cuộc cải cách ruộng đất (CCRĐ) mà ĐCS đã tiến hành trên miền Bắc Việt Nam từ năm 1953 đến năm 1956. CCRĐ đã diễn ra trên một diện rộng đến 3.563 xã với 10 triệu dân số, số địa chủ bắt buộc phải “quy” lên đến nửa triệu người (theo tỷ lệ 5% dân số). Họ đều bị tước đoạt ruộng đất, tài sản, bị đánh đập, giết chóc... Có đến 172 008 người bị coi là “nạn nhân”, tức là bị giết. Trong số 172 008 “nạn nhân” này thì có đến 123 266 người về sau chính thức coi là “oan”, chiếm đến 71,6% số “nạn nhân” (3). Như chúng tôi đã nhiều lần khẳng định, cuộc CCRĐ thực sự là một tội ác chống nhân loại. Dân oan trong CCRĐ và gia đình họ là cả một lớp người vô cùng đau khổ bị đày đoạ, bị phân biệt đối xử cực kỳ khắc nghiệt trong gần nửa thế kỷ! 

Còn khi ĐCS thực hành đường lối “tiến nhanh, tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội” thì biết bao chính sách đi ngược với quy luật tiến hoá, như hợp tác hoá nông nghiệp, cải tạo công thương nghiệp, đánh tư sản mại bản, v.v... làm cho nông dân bị mất quyền tư hữu ruộng đất, làm cho các chủ sở hữu các doanh nghiệp bị tước đoạt tài sản, nhiều người bị tù đày, và nói chung cả gia đình loại dân oan này bị coi là những phần tử bóc lột và bị kỳ thị trong hàng chục năm bởi cái gọi là “chủ nghĩa thành phần” rất nghiêm ngặt. 

Khi ĐCS thực hiện chính sách trưng thu lương thực trong thời chiến thì biết bao thảm cảnh của nông dân đã diễn ra. Xin xem, chẳng hạn, “Cái Đêm Hôm Ấy Đêm Gì” của Phùng Gia Lộc thì đủ rõ. 

Do chuyên chính vô sản của ĐCS cực kỳ hung bạo, nên dân oan loại 1 và 2 này trên bốn-năm thập niên đã không hề dám biểu lộ công khai sự bất bình mà phần đông phải cúi đầu khuất phục số mệnh. Hầu như không có một phản ứng mạnh mẽ nào của dân oan các loại này, trừ vụ nổi dậy của nông dân ở Quỳnh Lưu (Nghệ An) sau CCRĐ hồi năm 1956. Nhưng, có thể tin rằng đến một tình huống nào đó của lịch sử, dân oan các loại này cũng sẽ cất cao tiếng nói của họ để đòi lại công lý. 

3 - Dân oan từ sau ngày “đổi mới” – dân oan vì nạn tham nhũng. 

Thực ra, sau ngày “đổi mới”, dân oan loại 1 và 2 vẫn tiếp tục xuất hiện nhiều như trước. Đó là những Nguyễn Đan Quế, Đoàn Viết Hoạt, Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng, Hồ Hiếu, Đỗ Trung Hiếu, Đỗ Đình Mạnh, Nguyễn Ngọc Lan, Hà Sỹ Phu, Bùi Minh Quốc, Dương Thu Hương, Tiêu Dao Bảo Cự, các Hoà thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ, các Thượng toạ Thích Tuệ Sỹ, Thích Thiện Minh, Thích Không Tánh, các Linh mục Chân Tín, Nguyễn Văn Lý, Phan Văn Lợi, mục sư Nguyễn Hồng Quang, Lê Quang Liêm, v.v... và v.v... Nhưng, dân oan vì nạn tham nhũng là một loại mới - loại 3 - đòi hỏi phải có một sự nghiên cứu riêng. 

Dân oan thời “đổi mới” 

Từ ngày “đổi mới” với chủ trương “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, thì đồng tiền đã lên ngôi, nó “... là cái đà danh vọng, là cái lọng che thân, là cán cân công lý...” (4) mà cán bộ đảng viên lại là những người nắm “lưỡi gươm chuyên chính” trong tay, nên họ tha hồ lộng hành và tham nhũng để kiếm được nhiều tiền. Quyền lực đẻ ra tiền, đất đai, nhà cửa và đủ loại doanh nghiệp! Có thể khẳng định rằng chính chế độ độc tài toàn trị đã tạo ra mọi điều kiện thuận lợi nhất cho kẻ cầm quyền tham nhũng, đồng thời cũng tạo ra mọi cản trở lớn nhất cho việc đấu tranh chống tham nhũng. Vì quan tham thì không bao giờ muốn chống lại quan tham cả. Trái lại, chúng chỉ “bảo kê”, dung túng cho nhau mà thôi. Nếu cùng lắm ĐCS có “chống” chăng nữa thì cũng chỉ khui ra vài vụ đã quá lộ liễu để trấn an dư luận, nhưng chỉ khui phần nào thôi, chứ không bao giờ moi đến tận cấp cao của đảng vì còn phải... bảo tồn sự lãnh đạo độc tôn của ĐCS! Còn đối với cán bộ đảng viên “ăn vụng mà không biết chùi mép”, ĐCS thường “chống” tham nhũng theo kiểu “giơ cao đánh khẽ”, thậm chí chỉ “xử lý nội bộ”. Vả lại, một khi ĐCS đã tước quyền tự do ngôn luận của dân chúng và không cho báo tư nhân được xuất bản thì ai có thể tố cáo mạnh mẽ được bọn quan tham? Mà không có áp lực của dư luận quần chúng thì việc chống tham nhũng chỉ là khẩu hiệu suông! 

Chính vì nạn tham nhũng tràn lan mà ngày nay đã hình thành một lớp địa chủ, cường hào “đỏ” ở nông thôn thoát thai từ những cán bộ lãnh đạo của ĐCS. Bọn này cướp đoạt đất đai của dân chúng, rồi phát canh, thu tô, đồng thời cho vay nặng lãi để bóc lột thậm tệ nông dân-dân oan (5). Tầng lớp nông dân này bị chế độ của ĐCS – oái ăm thay, cái chế độ tự xưng là của công nông lao động – biến thành bần cố nông, vô sản! Điều đau đớn nhất, là chính những dân oan ngày nay lại là những người trước đây đã đóng góp nhiều nhất, cả tài sản, xương máu cho những người cộng sản lên nắm chính quyền, rồi trở thành kẻ thống trị, quay lại tước đoạt đất đai, nhà cửa của họ, bóc lột và đàn áp họ! Chúng ta thấy trong đám người đi khiếu kiện nhiều “bà mẹ anh hùng”, nhiều cựu chiến binh, thương binh, thân nhân liệt sĩ. Có người đeo đầy huân chương đủ loại trên ngực khi ngồi khiếu kiện trước dinh thự các quan lớn cộng sản! 

Đất đai là vấn đề sinh tử của người dân. Dân oan loại 3 này bị đẩy vào đường cùng nên phải mạnh dạn tranh đấu, không đấu tranh thì không thể sống nổi. Họ chỉ còn có cách lợi dụng khẩu hiệu suông “chống quốc nạn tham nhũng” của kẻ cầm quyền để đi “khiếu kiện” từ năm này qua năm khác. Hàng chục năm trời không được giải quyết, nhưng họ vẫn tranh đấu đến cùng để tìm công lý. 

Cuộc tranh đấu bằng hình thức khiếu kiện đã diễn ra khắp cả nước ba chục năm nay rồi, ngay từ cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. Người dân oan nhẫn nhục viết hết đơn khiếu nại này đến đơn khiếu nại khác, đi từ cấp chính quyền này đến cấp chính quyền khác, nhưng khắp mọi nơi không ai giải quyết cho họ. Các cấp chính quyền chỉ có “chuyền bóng” từ cấp này đến cấp khác cốt làm cho dân oan mệt mỏi nản lòng thối chí. Nhưng vì đây là cuộc vật lộn cho quyền sống của họ cho nên họ không thể “bỏ cuộc”. Trái lại, có khi đã bùng lên thành những cuộc đấu tranh quyết liệt, như vụ nông dân đồng bằng sông Cửu Long nổi giận kéo lên Sài Gòn hồi năm 1988; dân chúng vùng Thanh Nghệ Tĩnh liên tục đấu tranh sôi nổi trong những năm 90; nhân dân vùng Xuân Lộc (Đồng Nai) đứng lên hồi năm 1997; nông dân Thọ Đà (Hà Tây), Kim Nổ (Đông Anh, ngoại thành Hà Nội) đánh nhau với công an để bảo vệ ruộng đất hồi năm 1996 và 1998; 250 nông dân ở nhiều tỉnh đã biểu tình lặng lẽ trước Quốc hội đang họp ở Hà Nội (20.05.1999) để tố cáo nạn tham nhũng và cường hào ác bá hoành hành ở các địa phương; trên 30 người phụ nữ tỉnh Đồng Tháp ra thủ đô biểu tình trước trụ sở ĐCS căng biểu ngữ với hàng chữ: “Nhân dân thành phố Sa Đéc quá thất vọng. Không có dân chủ” (14.04.2000); 74 gia đình, gồm người già và phụ nữ ở khu Chùa Vẽ thành phố Hải Phòng lên Hà Nội phản đối các quan chức của đảng cướp đất của dân, v.v... 

Nổi bật nhất là những cuộc biểu tình của nông dân Thái Bình đã diễn ra hồi cuối năm 1996, rồi biến thành những cuộc nổi dậy từ tháng 05 đến tháng 06.1997, thu hút hàng ngàn nông dân ở xã An Ninh huyện Quỳnh Phụ (đêm 26 rạng 27.06.1997), sau đó toả ra toàn huyện Quỳnh Phụ, lan đến gần như toàn tỉnh (6). Xin nói rõ, toàn tỉnh Thái Bình có 7 huyện thì có đến 5 huyện – là Quỳnh Phụ, Hưng Hà, Tiền Hải, Đông Hưng, Thái Thuỵ – đã bùng lên những cuộc đấu tranh của nông dân. Tổng bí thư Đỗ Mười, chủ tịch Trần Đức Lương và uỷ viên Bộ chính trị Phạm Thế Duyệt đã về tận nơi để chỉ đạo việc đối phó với cuộc nổi dậy của nông dân ở tỉnh vốn là “cái nôi” của ĐCS. Từ tháng 05 cho đến tháng 11.1997, công an đã vây chặt khu vực có biến động. Mọi thông tin về vụ biến động đều bị bịt kín. Sau khi các “quan lớn” phủ dụ dân chúng, thi hành kỷ luật một số cán bộ đảng viên để lấy lòng dân chúng, thì họ đã cho công an bí mật bắt bỏ tù mà không xét xử những người tổ chức, lãnh đạo cuộc đấu tranh – phần đông là cựu chiến binh của “quân đội nhân dân”, cán bộ cũ đã về hưu của ĐCS. Trong tù những người này bị nhốt chung với thường phạm và công an theo lệnh “trên” đã khuyến khích thường phạm giết hại họ cực kỳ man rợ. 

Tiếp sau cuộc vùng dậy của nông dân-dân oan Thái Bình là cuộc nổi dậy của người Thượng vùng Tây Nguyên hồi tháng 02.2001. Sau đó, đến ngày 10.04.2004, hàng vạn dân Thượng lại nổi dậy, lần này có quy mô và tổ chức hơn lần trước. Nguyên nhân các cuộc nổi dậy là do chính sách của ĐCS di dân người miền đồng bằng lên Tây Nguyên, rồi cán bộ, đảng viên người Kinh cùng bà con của họ đã lấn chiếm, tước đoạt nương rẫy của người Thượng, mặt khác cũng do chính quyền ngăn cấm tự do tín ngưỡng của người Thượng. Một lần nữa ĐCS lại tung quân đàn áp dã man cuộc nổi dậy này làm hàng chục (có tin hàng trăm) người chết. Trong hai lần nổi dậy, vì bị đàn áp nên đã có hàng ngàn người Thượng chạy sang Cam Bốt, và từ đó chính phủ Việt Nam bị thế giới chỉ trích là “đàn áp các dân tộc”. 

Từ sau những cuộc nổi dậy của dân oan ở Thái Bình và Tây Nguyên, dường như mọi người đã rút kinh nghiệm, không dùng hình thức mạnh bạo mà chỉ khiếu kiện và biểu tình một cách hoà bình. Để có được tiếng vang lớn, dân oan thường tập trung đông hơn, dài ngày hơn ở các đô thị lớn, nhất là thủ đô. Vườn hoa Mai Xuân Thưởng, Trụ sở tiếp dân ở số 110 Cầu Giấy ở Hà Nội cũng như Trụ sở tiếp dân ở đường Võ Thị Sáu, Văn phòng 2 Quốc hội ở Sài Gòn thường là những nơi tụ tập của dân oan đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước. 

Đặc biệt đáng nêu lên là những cuộc biểu tình khiếu kiện gần đây (kể từ ngày 22.06 đến đêm 18 rạng 19.07) của dân oan, chủ yếu là nông dân ở 19 tỉnh thành Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang, Bình Dương, Bình Phước, Mỹ Tho, Bến Tre, Long An, Cần Thơ, Đồng Tháp, Bà Rịa, Vũng Tàu, Bình Định, Bình Thuận, v. v... và 9 quận huyện ở Sài Gòn – một cuộc biểu tình sáu-bảy trăm người, có khi lên đến 1000 người và kéo dài 27 ngày. Đây là một cuộc biểu tình hoà bình đông đảo và dài ngày chưa từng thấy dưới chế độ toàn trị của ĐCS. Ngoài những khẩu hiệu có tính chất chung chung, như “Đả đảo tham nhũng!”, “Dân oan đòi công lý!”, “Tham nhũng đất đai là tham nhũng xương máu của nhân dân”... có thể đọc thấy nhiều khẩu hiệu tố cáo đích danh bọn quan chức cộng sản cướp đất, bóc lột và lừa dối dân oan, như “Chính quyền Tiền Giang dối đảng lừa dân”, “Đả đảo Nguyễn Kim Châu, thanh tra chính phủ báo cáo không trung thực với Thủ tướng”, “Đả đảo bà Nhàn, thanh tra Tiền Giang áp dụng luật rừng với bà con. Đề nghị cách chức”, “Mười hộ dân Đồng Tháp tố cáo chủ tịch tỉnh Trương Ngọc Hân và chủ tịch huyện Lai Vung Tạ Văn Hội cướp đất cướp nhà, gây bức xúc lòng dân, làm dân chết một người”, “Đả đảo chánh án tòa án tỉnh Tiền Giang lợi dụng chức vụ chỉ đạo thẩm phán xử oan, trục lợi cá nhân”, “Tập thể bà con nông trường Sông Hậu tố cáo UBND thành phố Cần Thơ bao che nông trường Sông Hậu. Giám đốc Trần Ngọc Sương lừa đảo chiếm đoạt đất đai của dân và thu không có quyết định của Nhà nước”, “Công ty cổ phần Bạc Liêu cấu kết với chính quyền cướp đất giữa ban ngày”, "Tố Cáo Huỳnh Tấn Thành, Chủ Tịch UBND tỉnh Bình Thuận tham nhũng", v.v... Những khẩu hiệu này cho thấy trình độ nhận thức của người nông dân bình thường đã được nâng lên một bậc về mặt chính trị: họ đã thấy rõ cội nguồn và tác nhân những đau khổ của họ. Và thực ra, khi cả một khối người đông đảo biểu tình công khai gần một tháng trời, chịu đựng biết bao thiếu thốn, cơ cực của cảnh màn trời chiếu đất, dầm mưa dãi nắng, hơn nữa họ còn bị công an bao vây, đe doạ, cấm cản đủ điều, thế mà họ vẫn kiên trì đấu tranh cho đến ngày bị đàn áp thô bạo và giải tán bằng vũ lực – thì cũng đủ thấy rằng những người dân oan cơ cực này đã đẩy cuộc đấu tranh vì dân sinh lên thành cuộc biểu dương về mặt chính trị, và đó là một thách đố nghiêm trọng đối với chế độ độc tài toàn trị. 

Sau trận đàn áp man rợ bằng dùi cui, vòi rồng xịt nước, đèn cao áp, bình chữa lửa, roi điện, lựu đạn cay... ban lãnh đạo ĐCS đã chỉ đạo cho chính quyền trung ương về các địa phương diễn trò “giải quyết tại chỗ” những oan khuất của dân chúng, bồi thường phần nào cho những hộ bị mất đất hòng xoa dịu lòng căm phẫn của dân oan. Nhưng, nhiều nông dân không hài lòng, họ vẫn thấy thiệt thòi và lại muốn khiếu kiện tiếp. 

Và cuộc biểu tình khiếu kiện lại tiếp diễn trong tháng 08.2007, cả ở Hà Nội lẫn Sài Gòn. Dân oan các tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang và nhiều nơi khác, kể cả một số người từ miền Nam mang theo con cái ra Hà Nội đứng biểu tình trước cửa Trụ sở tiếp dân ở số 110 Cầu Giấy. Còn ở trong Nam, ngày 25.08, hàng trăm bà con dân oan các tỉnh Nam Bộ, như Bình Thuận, Bến Tre, An Giang, Lâm Đồng, Rạch Giá, Tiền Giang, Sóc Trăng... lại kéo về Sài Gòn tụ tập trước cổng Trụ sở tiếp dân ở đường Võ Thị Sáu để khiếu kiện, đòi đất đai, ruộng vườn, tài sản bị chính quyền cướp đoạt. Sáng ngày 29 và 30.08, công an lại dùng vũ lực vây bắt và đưa dân oan về các địa phương. 

Thấy gì qua những cuộc đấu tranh của dân oan vừa qua? 

1. Dân oan trong cả nước đã biểu lộ tinh thần bền bỉ, can đảm và ý chí kiên cường khi biểu tình khiếu kiện trước dinh thự các cơ quan nhà nước. Ngay cả khi bị đàn áp ở Sài Gòn trong đêm 18.07, dù cán bộ cộng sản kêu gọi họ đi về, nhưng 600 con người mệt mỏi ê chề vẫn quyết bám trụ đến cùng, điều đó nói lên tinh thần đấu tranh rất cao của họ. 

Nhưng, nhược điểm lớn nhất của dân oan là họ không có một tổ chức của họ để phối hợp và hỗ trợ nhau trong đấu tranh. Hồi tháng 12.2006, nhà văn Trần Khải Thanh Thuỷ đã lập “Hội Dân Oan”, nhưng ít lâu sau bà bị bắt nên hội không hoạt động được. Việc giúp dân oan có một tổ chức đã trở thành cấp thiết. Làm như thế nào, đó là việc cần để tâm suy nghĩ. 

Đáng tiếc là có tác giả khi nhận xét về người dân oan chỉ nhấn mạnh cái tâm lý của họ là “chỉ biết cầu cứu, van xin và trông đợi ân huệ từ người cầm quyền” mà không thấy cái tinh thân bền bỉ, can đảm và ý chí kiên cường của họ. Thậm chí còn cho rằng “họ (tức là dân oan – NMC) rủ nhau về Sài Gòn và Hà Nội khiếu kiện nhưng không thể nói là họ biểu tình” (7). “Không thể nói là họ biểu tình”! Vậy, thử hỏi biểu tình là gì? Biểu tình là cuộc tập hợp đông người để bày tỏ nguyện vọng và ý chí. Thế thì những cuộc tập hợp hàng trăm dân oan, thậm chí có khi lên đến 1000 người, trong nhiều ngày với nhiều biểu ngữ vạch trần lũ quan tham, từ chủ tịch tỉnh, huyện, thanh tra chính phủ, thanh tra địa phương, chánh án toà án tỉnh... đồng thời họ phải vật lộn với lũ “công an-đầu gấu” để quyết bám trụ đến cùng trong đêm 18.07 mà lại không coi là biểu tình được ư? Cái nhận định này cũng như luận điệu của một số người trong bộ máy cầm quyền và lũ tay sai của họ tung ra trong thời gian qua là “người dân đi khiếu kiện không hề muốn thay đổi chế độ” đáng để cho bà con dân oan suy ngẫm và nhận xét. Xin cứ hỏi các dân oan, như quý chị Lê Thị Kim Thu, Vũ Thanh Phương, Lư Thị Thu Duyên, Lư Thị Thu Trang... thì sẽ biết rõ ý kiến của họ về những điều trên. 

2. Cuộc đấu tranh của dân oan vừa qua cho thấy cái tinh thần hèn kém, bạc nhược của dân ta, nhất là của giới trí thức, lẽ ra phải là những người nhạy cảm nhất trước nỗi đau của đồng loại. Đâu rồi tấm lòng bác ái, từ thiện của dân ta? Đâu rồi tinh thần hào hiệp của tuổi trẻ, của sinh viên, học sinh trước cảnh bất công? 

Ngoại trừ một số thành viên ít ỏi còn lại của Khối 8406 và chiến sĩ nhân quyền ngày đêm lăn lộn với dân oan khiếu kiện để ủi an, hỗ trợ họ; ngoại trừ các vị lãnh đạo tinh thần thuộc những giáo hội và tôn giáo đang bị đàn áp, đã đem lòng từ bi bác ái mà lên tiếng bênh vực và giúp đỡ dân oan, còn thì đám đông đã tỏ ra thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau của đồng loại. 

Thế mà khi ĐCS mở “chiến dịch báo chí” lăng mạ thô bỉ những người có lòng từ bi cứu trợ dân oan, như Hoà thượng Thích Quảng Độ, Thượng toạ Thích Không Tánh, Ni cô Thích Đàm Bình, ông Nguyễn Khắc Toàn, thì những trí thức-bồi bút đã hùa nhau tham gia “chiến dịch”. Tác giả Như Hà, một người trong nước, đã phẫn nộ gọi họ là “bọn bồi bút bán rẻ lương tâm... đã a dua tuân theo chỉ thị của bọn chóp bu đầu sỏ” (8). 

Theo lời tường thuật của chị Vũ Thanh Phương, một người dân oan ở Đồng Nai, thì “trong suốt thời gian người dân chúng tôi tham gia biểu tình chỉ có Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN), nhà thờ Thiên Chúa Giáo nơi Linh mục Phan Văn Lợi và nhà thờ Tin Lành của Linh mục Chân Tín đã giúp cho dân oan biểu tình đòi công lý nhận được những hộp cơm từ thiện, những bình nước tinh khiết, những ổ bánh mì, những thùng mì gói và những viên thuốc Tây để chia sẻ nỗi khổ đau, oan khuất mà chúng tôi đang phải gánh chịu”. Còn các vị tu hành khác – nhất là các vị thuộc các giáo hội “quốc doanh” – thì “bình chân như vại”, họ không hề biểu hiện chút đồng cảm trước nỗi khổ đau của đồng loại, đồng bào, đồng đạo. Trong tình hình đó, nổi bật lên cuộc viếng thăm dân oan vào ngày 17.07 của Hoà thượng Quảng Độ cùng các vị tăng sĩ của GHPGVNTN. Hoà thượng đã nói chuyện và ủng hộ tiền cho bà con. Những lời nói nồng nhiệt của Hoà thượng soi sáng con đường đấu tranh của dân oan, làm bà con rất xúc động. 

3. Thảm kịch dân oan cho thấy rằng ở nước ta chưa có xã hội công dân (cũng gọi là xã hội dân sự). Xã hội công dân là một xã hội có đầy đủ quyền tự do dân chủ mà trong đó các tổ chức của công dân độc lập với nhà nước, nên người công dân phát huy mạnh vai trò và trách nhiệm của họ đối với xã hội. Khi thấy cảnh dân oan biểu tình khiếu kiện trong những điều kiện vô cùng bi đát, nhiều người đã thốt lên: giá như ở một nước dân chủ nào đấy, mà người dân thấy tình cảnh như vậy của dân oan thì chắc chắn báo chí sẽ làm ầm lên, nhiều cuộc biểu tình sẽ nổ ra lôi cuốn hàng chục vạn người phản đối chính quyền, ủng hộ dân oan, và hàng trăm tổ chức thiện nguyện của thanh niên, phụ nữ, các tổ chức tôn giáo... sẽ hết lòng giúp đỡ, cứu trợ dân oan. Và rất có thể phong trào phản đối chính quyền mạnh đến mức làm chính phủ đương quyền phải đổ. 

Còn dưới chế độ “xã hội chủ nghĩa” của “đảng ta”, “dân chủ một ngàn lần hơn chế độ thối nát của tư bản”, nơi dân oan nước ta có đến nhiều triệu con người và chịu khổ nạn hàng mấy chục năm ròng, mà cả xã hội đều im lìm, ngay cả những người trí thức tiến bộ cũng chỉ đóng vai người quan sát! Khi chưa có xã hội công dân mà mong có một “Uỷ Ban Quốc Gia Đấu Tranh Đòi Công Lý Nhà Đất” (dù là cứ tạm gọi như thế) hoạt động công khai thì chỉ là huyễn tưởng! 

4. Khi xem xét vấn đề dân oan cần lưu ý một hiện tượng xã hội lớn khác “song hành” với hiện tượng dân oan. Đó là cao trào công nhân biểu tình, đình công rầm rộ ở các doanh nghiệp có đầu tư nước ngoài hồi đầu năm 2006, rồi lai rai mãi đến tận ngày nay. Tuy nó biệt lập và khác với hiện tượng dân oan, nhưng nó cũng là kết quả của việc nhà cầm quyền cố tình chèn ép người lao động, hạn chế tiền lương của công nhân nhằm thu hút đầu tư của các nhà tư bản nước ngoài, và cũng để đám quan chức có thể trục lợi. Như vậy, cái chính trị đó của đảng cầm quyền làm công nhân bất mãn phải biểu tình, đình công vì họ là nạn nhân, cũng giống như các loại dân oan khác. 

5. Phương hướng lâu dài để giải quyết vấn đề nông dân-dân oan là phải trả lại quyền sở hữu đất đai cho người dân, trước nhất là nông dân. Việc ĐCS Việt Nam - theo khuôn mẫu Liên Xô và Trung Quốc - công hữu hoá ruộng đất (bằng cách lùa nông dân vào hợp tác xã), rồi quốc hữu hoá đất đai (bằng cách ghi vào Hiến pháp điều 17 và 18) là một đường lối vô cùng nguy hại cả về kinh tế lẫn về xã hội. Vì vậy, những người dân chủ cần nêu thêm khẩu hiệu đấu tranh đòi “Trả lại quyền sở hữu đất đai cho người dân” và “Xoá bỏ điều 17 và 18 trong Hiến pháp hiện hành” bên cạnh các khẩu hiệu đòi tự do, dân chủ và nhân quyền. 

5. Nạn tham nhũng là một ung nhọt trên cơ thể chế độ độc tài toàn trị, còn thảm kịch dân oan là chiếc bóng không rời chế độ đó. Chế độ độc tài toàn trị không triệt tiêu được nạn tham nhũng, nên cũng không thể giải quyết được thảm kịch dân oan. Hơn nữa, quá trình đô thị hoá ngày càng mở rộng, việc chiếm dụng đất đai và đền bù không cân xứng càng tạo cơ hội cho lũ quan tham tha hồ kiếm chác. Vì thế, số lượng dân oan sẽ còn tăng lên nữa và cuộc đấu tranh của họ sẽ còn dai dẳng và quyết liệt hơn, tạo nên áp lực xã hội mạnh đối với đảng cầm quyền. Áp lực này cùng với áp lực của các cuộc biểu tình, đình công của công nhân, áp lực của cuộc đấu tranh vì tự do, dân chủ, nhân quyền và áp lực quốc tế buộc ĐCS phải chấp nhận chuyển hoá chế độ độc tài toàn trị thành chế độ dân chủ, nếu không muốn bị đào thải. 

“Chính tri hoá sự đấu tranh của dân oan”? 

Như ở đầu bài chúng tôi đã viết, những người dân chủ cần suy nghĩ về vấn đề dân oan để có một cách hành xử đúng đắn. Khi nghiên cứu vấn đề này, người viết được đọc bài trả lời phỏng vấn ông Hà Sỹ Phu do BBC thực hiện vào ngày 22.08.2007. Đề cập đến vấn đề dân oan, ông Hà Sỹ Phu có nói: “... lúc đầu không nên chính trị hoá sự đấu tranh của dân oan đòi dân sinh...”, và ông giải thích: “Theo tôi lúc đầu chưa nên trang bị nhận thức chính trị hay ngọn cờ dân chủ cho họ ngay. Nếu chỉ là đấu tranh vì dân sinh, thì các vị chính quyền không thể đàn áp được. Nhưng nếu lồng chính trị vào, đó là làm mồi cho chính quyền đàn áp...”. 

Chúng tôi hiểu thái độ thận trọng của ông Hà Sỹ Phu khi đưa ra luận điểm này. Nhưng cái từ “chính trị hoá” của ông gây ra nhiều rắc rối. Nó cản trở những người dân chủ làm đầy đủ phận sự của người biết đau nỗi đau của đồng bào, không chịu thờ ơ đứng nhìn thảm cảnh bi đát của dân oan mà tự coi mình có trách nhiệm sát cánh cùng với bà con, động viên, cổ vũ bà con lúc khó khăn... Một điều đáng tiếc là luận điểm đó đã bị kẻ cầm quyền và bồi bút của họ lợi dụng để đánh phá những người dân chủ và những ai yểm trợ dân oan (9). 

Thế nào là “chính trị hoá sự đấu tranh của dân oan”? Ông Nguyễn Khắc Toàn trước đây đã từng giúp đỡ dân oan mà bị kẻ cầm quyền vu cho là “gián điệp” và bị bỏ tù nhiều năm, hay nữ luật sư Bùi Kim Thành gần đây đã giúp đỡ, hướng dẫn cho dân oan về mặt đơn từ, tư vấn về pháp luật mà bị giam vào bệnh viện tâm thần, bị chích thuốc độc hại, thì ông Toàn và bà Thành có “chính trị hoá sự đấu tranh của dân oan” không? Hay vừa qua, Hoà thượng Thích Quảng Độ và các tăng sĩ GHPGVNTN đến tận nơi tụ tập dân oan để uỷ lạo, giúp đỡ tiền, đồng thời kêu gọi chính phủ phải giải quyết thoả đáng cho đồng bào, thì Hoà thượng Quảng Độ và các tăng sĩ có “chính trị hoá sự đấu tranh của dân oan” không? Hay một số dân oan tìm gặp ông Hoàng Minh Chính và vài nhà dân chủ ở Hà Nội, hoặc đã ký tên dưới Tuyên Ngôn 2006, hoặc đã tự nguyện gia nhập Khối 8406 thì họ có “chính trị hoá sự đấu tranh của dân oan” không? Hay Cộng đồng người Việt hải ngoại xót xa trước thảm cảnh của đồng bào bị oan ức trong nước, đã biểu hiện tấm lòng “lá lành đùm lá rách”, hăng hái quyên góp, đưa tiền về giúp dân oan thì họ có “chính trị hoá sự đấu tranh của dân oan” không? Còn nói “lúc đầu không nên chính trị hoá...” thì không biết “lúc đầu” là thời điểm nào, vì cuộc đấu tranh của dân oan loại 3 này đã diễn ra ba thập niên rồi? Và có đúng là “Nếu chỉ là đấu tranh vì dân sinh, thì các vị chính quyền không thể đàn áp được” không? Thế thì những cuộc biểu tình khiếu kiện vừa qua đã có cái gì là chính trị rõ rệt đâu mà kẻ cầm quyền đã đàn áp dã man? 

Suy cho cùng, hiện tượng dân oan xuất phát từ nguồn gốc chính trị, từ chế độ chính trị độc tài toàn trị của ĐCS, nó sinh ra đã là do “chính trị” rồi, chẳng đợi ai “chính trị hoá” nó cả. Vả lại, kẻ cầm quyền từ lâu cũng đã “chính trị hoá” thêm vấn đề dân oan, khi họ kéo dài hàng mấy chục năm trời không chịu giải quyết những yêu sách chính đáng của dân oan, khi họ buộc “tội chính trị” cho những người giúp đỡ dân oan là “gián điệp”, “kích động, xúi giục đồng bào, tiếp tay cho bọn chống đảng, chống nhà nước”, buộc “tội chính trị” cho Cộng đồng người Việt hải ngoại giúp đỡ dân oan là “phản động lưu vong”, là “bàn tay ngầm bên ngoài gián tiếp cổ vũ, hậu thuẫn, kích động các đối tượng đội lốt tôn giáo và phần tử cơ hội chính trị trong nước” (10). 

Và cũng chẳng đợi ai “chính trị hoá sự đấu tranh của dân oan”, chính bản thân cuộc đấu tranh của dân oan trong nhiều ngày, trên quy mô lớn gồm nhiều tỉnh thành trong cả nước, với những khẩu hiệu vạch mặt đích danh kẻ cầm quyền tham nhũng, thì tự nó cũng đã mang màu sắc chính trị rồi. 

Vừa qua, một số người dân chủ bình thường trong Khối 8406 lại là dân oan, họ còn có chút ít tự do, nên đã sát cánh cùng với dân oan, tổ chức việc giúp đỡ nhau trong cảnh khốn khổ trăm bề. Cũng có người còn dám truyền tin ra ngoài để kêu gọi sự hỗ trợ của đồng bào trong nước và hải ngoại. Họ được dân oan hết lòng tin yêu, mà chẳng hề sợ bị chụp mũ “chính trị hoá sự đấu tranh của dân oan”, trái lại, cảm thấy tự hào đã không thờ ơ đứng nhìn thảm cảnh bi đát của đồng bào và đã làm tròn trách nhiệm công dân đối với đồng loại khổ đau. 

Trên đây là những ý kiến người viết muốn trao đổi với các bạn dân chủ trên tinh thần thẳng thắn để cùng nhau xác định một thái độ đúng và tìm ra lối thoát cho một vấn đề lớn – vấn đề dân oan. 

Moskva 09.09.2007 


_________________________

Ghi chú: 

1. Đây là con số phỏng đoán. Còn theo bộ “Bách khoa Từ điển về Chiến tranh Việt Nam” (Encyclopedia of the Vietnam War) thì sau biến cố năm 1975, có đến trên một triệu người bị bỏ tù, trong số này khoảng 500 ngàn người được thả ra sau ba tháng, 200 ngàn người bị giam từ 2 đến 4 năm, 250 ngàn người bị giam ít nhất 5 năm, và đến năm 1983 (nghĩa là sau 8 năm) còn khoảng 60 ngàn người còn bị giam giữ. (Nguồn: sử gia Trần Gia Phụng trả lời Thanh Thảo). 

2. Đây cũng là phỏng đoán. Theo tài liệu nghiên cứu của Hoa Kỳ và châu Âu, có khoảng 165 ngàn tù nhân bị chết trong các “trại cải tạo”. 

3. Đây là số liệu chính thức ghi trong “Lịch Sử Kinh Tế Việt Nam 1945-2000” gồm 3 tập, xuất bản ở Hà Nội. 

4. Toàn văn câu vè hiện đại: “Tiền là Tiên là Phật/Là sức bật con người/Là nụ cười tuổi trẻ/Là sức khoẻ người già/Là cái đà danh vọng/Là cái lọng che thân/Là cán cân công lý/Đồng tiền là... hết ý!” 

5. Xem các bài “Nông Dân Và Đất”, “Đời Cố Nông”, “Nơi Ấy Bây Giờ” của Võ Đắc Danh, “Chuyện Về Những Nông Dân Cầm Cố Đất Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long” của Đỗ Thông, v.v... 

6. Xem bài “Nghịch Lý” Thái Bình – “Nghịch Lý” Việt Nam” của Nguyễn Minh Cần viết nhân kỷ niệm lần thứ nhất cuộc nổi dậy của nông dân Thái Bình. 

7. Xem bài “Thông Điệp Nào Của Thảm Kịch Dân Oan” của Nguyễn Gia Kiểng. 

8. Xem bài “Oan Khiên Đã Chất Ngất” của Chu Hà. 

9. Những bài vu khống này quá bỉ ổi, không đáng ghi chú. 

10. Xem bài “Họ Đang Mưu Toan Điều Gì”, báo Quân Đội Nhân Dân.

Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Thanh Phượng và Ecopark

Dân Làm Báo - Nguyễn Thanh Phượng là Chủ tịch của 4 công ty: VietCapital Bank, công ty quản lý quỹ Bản Việt, công ty chứng khoán Bản Việt và công ty bất động sản Bản Việt. Đó là thông tin chính thức được công bố. 

Trên trang blog của anh Huỳnh Ngọc Chênh, đăng tải một tài liệu "Nghị quyết Đại hội Cổ đông thường niên 2012 của công ty Bản Việt" đề ngày 20 tháng 4, 2012 với nội dung:

VietCapital Bank phát hành quyền chọn mua cổ phiếu cho Công ty CP Phát triển Bất Động Sản Việt Hưng (Vihajico). Trong văn bản này Việt Hưng được ghi là đối tác chiến lược của VietCapital Bank và VietCapital Bank phát hành quyền chọn mua cổ phiếu cho đối tác chiến lược Việt Hưng. Việt Hưng nắm 5.670.000 quyền, mỗi quyền là 1000 đồng Việt Nam, tổng cộng giá trị của cổ phiếu là 5,6 tỷ VND. 



Người ký văn bản là Nguyễn Thanh PhượngChủ tịch Hội đồng quản trị của VietCapital Bank

Công ty Việt Hưng chính là Công ty Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) - Chủ dự án Ecopark.

Nguyễn Thanh Phượng là con gái của Nguyễn Tấn Dũng

Nguyễn Tấn Dũng là Thủ tướng nước CHXHCNVN, người đã ký văn bản 1495/CP - NN cho dự án đô thị Ecopark - Văn Giang và giao cho Công ty Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) làm chủ đầu tư

Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên công bố hôm 20/4/2012 do Nguyễn Thanh Phượng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Bản Việt ký cũng đã vừa được đăng tải bởi BBC:

Tóm lại: Nguyễn Tấn Dũng đã dùng quyềh hành Thủ tướng để ký giấy trao dự án EcoPark cho công ty Việt Hưng và công ty này là đối tác chiến lược của VietCapital do Nguyễn Thanh Phượng - con gái của ông ta làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị.

Sự việc chỉ có dừng lại ở đó? 

Câu hỏi kế được đặt ra là Việt Hưng chỉ là đối tác chiến lược hay chính Nguyễn Thanh Phượng lại là một trong những thành phần lãnh đạo của Việt Hưng. 

Các trang mạng lề Dân đang đăng tải thông tin về công ty này trong đó Tổng Giám đốc của Việt Hưng (Vihajico) là Đào Ngọc Thanh và Chủ tịch Hội đồng quản trị là Nguyễn Thanh Phượng

Tuy nhiên, dữ kiện trên thông tin của Ecopark vào ngày 21.08.2011 "Vihajico kỷ niệm 8 năm ngày thành lập (19/8/2003 – 19/8/2011)", thì chủ tịch HĐQT của Việt Hưng (Vihajico) là ông Lương Xuân Hà.

Dữ kiện về ông Lương Xuân Hà cũng tìm thấy trong bản tin Bộ trưởng Bộ quốc phòng Phùng Quang Thanh về thăm dự án Ecopark.

Và sơ đồ cơ cấu tổ chức của Vihajico: (Cập nhật ngày: 01/12/2010)









Hiện nay, nếu có sự thay đổi nhân sự và Nguyễn Thanh Phượng trở thành Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị của công ty Việt Hưng, chủ đầu tư dự án Ecopark thì thông tin này chưa được chính thức công bố. 

Tạm thời có thể kết luận: Nguyễn Tấn Dũng đã dùng quyềh hành Thủ tướng để ký giấy trao dự án EcoPark cho công ty Việt Hưng và công ty này là đối tác chiến lược của VietCapital do Nguyễn Thanh Phượng - con gái của ông ta làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị.

Bạn đọc có thêm thông tin hoặc dữ kiện liên quan xin gửi về lienlacdanlambao@gmail.com

*

Toàn văn Nghị quyết Đại hội cổ đông thường niên 2012 Công ty cổ phần chứng khoáng Bản Việt (VCSC)


13 comments:

  1. Hóa ra là thế. Miếng bánh EcoPark vừa to vừa béo không thiếu phần của anh Ba Dủng nhà ta rồi. Chỉ tội bà con Văn Giang cứ trông chờ kẻ cướp tha cho mình.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Sao vụ nào cũng có dính tới 3D (Nguyễn Tấn Dũng) và thuộc hạ của nó vậy ?
      Toàn những chuyện động trời và đi ngược với lòng dân không, chả có cái nào 3D làm ra trò hết

      Delete
    2. Nguyễn Hiếu HọcApril 27, 2012 at 12:07 PM

      Tui thấy vậy nè:

      * Trước khi lão Dũng tính hốt hụi cái đề án 8,2 tỷ đô lão cho đàn em thành lập thằng Công ty Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng gọi cho gọn là Vihajico.

      * Sau đó 2 tháng mấy lão ký công văn giao Eco park cho cty Vihajico của lão. Đây là công ty vòng ngoài thứ 3.

      * Tới năm 2007, lão và con gái mới lập ra thằng Công ty cổ phần phát triển bất động sản Việt Hưng. Lý do là để nắm quyền kiểm soát thăng vòng ngoài chứ giao cho người dưng thì ăn ngũ sao yên. Lão giao cho con gái rươu nắm chặt về quyền sở hữu cổ đông của Vihajico.

      * Tuy nhiên để không ai tọc mạch tìm ra manh mối thông tin về Công ty cổ phần phát triển bất động sản Việt Hưng, việc con gái là chủ tịch HĐQT không được công bố. Đây là công ty vòng 2.

      * Tới cái thằng vòng 1, tâm điểm là thằng Vietcapital bank. Thằng này chính thức, công khai cho thiên hạ biết là của em Phượng. Và em Phượng nhân danh chủ tich HĐQT ký giấy ôm luôn cổ phần của thằng cty vòng 2 cũng do em "yên lặng" làm chủ tịch HĐQT.

      Tóm lại, ba Dũng đã phải chế ra nhiều vòng để bà con không truy ra được lão chính là trùm sò của dự án 8,2 tỷ đô.

      Đọc cái tên 2 công ty:

      Công ty cổ phần phát triển bất động sản Việt Hưng
      Công ty Cổ phần đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng

      Thằng dân đen tui có ngu cũng biết nó cùng 1 mẹ mà ra. Bộ em Phượng ngu đần tới mức đi chọn 1 tên gần trùng khớp với tên 1 công ty đang nổi tiếng là trùm dự án khủng ecopark!!!!!?????

      Delete
  2. Tài liệu quá giá trị.
    Tài liệu này sẽ bring down Nguyen Tan Dung's dynasty (làm sụp đổ triều đại 3 Dũng)...
    Well done, you've scored a big goal ... Tung lưới một bàn quyết định đây nhá.

    ReplyDelete
  3. Bầy cướp cạn đông như quân Nguyên
    Lựu đạn, A-ka, béc-giê... mang mặt thật chính quyền
    Kẻ hót lời ru ngờ đâu thành chó má
    Trước đô-la đồng chí hóa côn đồ
    Chủ Ê-cô-pác chính là con Thủ tướng
    Quyền với tiền thao túng cả giang sơn

    ReplyDelete
    Replies
    1. Việt Nam có chú Ba Dê
      Chú mần tưởng thú hết chê chỗ nào
      Mặc ai khóc lóc kêu gào
      Chú cào chú vét ào ào chẳng nương
      Con gái chú cũng dể thương
      Tên là Thanh Phượng cầm cương ma đầu
      Chú Ba ký giấy giao thầu
      Âm binh cắc đảng ủi rào tiến vô...

      Delete
  4. "Tôi yêu NHẤT, quí NHẤT là trung thực, ghét NHẤT, giận NHẤT là sự GIẢ DỐI" NTD

    Đúng là con đường cứu nước đây rồi.
    Hic, hic, đạo đức cách mặt hcm cũng la đây luôn.

    Cái gì cũng NHẤT và NHỨT cư cũng là đây.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cả một dân tộc bị lừa tình. Trao thân cho nó rồi thì thường xuyên bị cưỡng dâm. Hôm rồi thì nó đè ra nó hiếp. Thỉnh thoảng nó mời thằng hàng xóm tham gia cùng.

      Delete
  5. À ra thế!!
    Cái đuôi cáo hôi tanh,bẩn thủi đã từ từ ló ra!!
    Lắm kẻ đã tin tưởng vào tên "anh minh", xuất đầu lộ diện cứu dân qua vụ Tiên lãng phải nuốt uất hận giờ này!!??

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyễn Tấn Dũng lại nhổ toẹt vào điều thứ 8 trong 19 điều Đảng viên không được làm của Nguyễn Phú Trọng:
      "Có hành vi để bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột thực hiện các dự án, kinh doanh các ngành nghề thuộc lĩnh vực hoặc đơn vị do mình trực tiếp phụ trách trái quy định."

      Delete
  6. Từ khi cộng sản nắm chính quyền cho tới nay, có lúc nào nhân dân ta lập nên kỳ tích như vậy chưa? Đây chính là điềm báo hiệu Mùa xuân Ả rập đang lan tới Việt Nam. Hoan hô đồng bào Văn Giang! Những ống cống đang chờ bọn chúng!

    ReplyDelete
  7. Cha con của Thủ tướng Cộng sản Việt nam Nguyễn Tấn Dũng hợp tác ăn cướp đất đai tài sản của nông dân Việt nam. Cha thì ban hành nghị quyết, con thì vận động giới đầu tư, sau đó phối hợp với bọn công an lưu manh côn đồ để ăn cướp đất đai tài sản của nhân dân. Đây là một tội ác của việc tham nhũng cần phải được lên án và truy tố trước công luận.

    ReplyDelete
  8. Yêu nước ViệtApril 27, 2012 at 11:24 AM

    Bài viết rất hay, thấu tình, đạt lý, như 1 bản án và lời cảnh cáo đối với chế độ bạo quyền CSVN. Cám ơn tác giả rất nhiều!

    ReplyDelete