Tuesday, April 3, 2012

Dân Miến Điện đi bầu Quốc hội - Đảng NLD tuyên bố bà Aung San Suu Kyi thắng cử


VOA - Những người ủng hộ cho bà Aung San Suu Kyi, biểu tượng của dân chủ Miến Điện, từng bị quản thúc nhiều lần trong suốt 20 năm qua, nói là bà đã đắc cử vào Hạ viện Miến Điện. 

Đảng Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ của khôi nguyên giải Nobel hòa bình loan báo tin này chỉ chốc lát sau khi các phòng phiếu đóng cửa chiều Chủ nhật sau cuộc bầu cử bổ sung. Họ nói bà đã thắng tại Kawhmu, một khu vực nông thôn ở phía nam Rangoon, với một số phiếu áp đảo so với 2 đối thủ khác. Những người chứng kiến tận mắt cho biết hàng trăm người ủng hộ đã reo mừng khi tin thắng cử được loan báo ở Rangoon.

Các ủng hộ viên ăn mừng kết quả bầu cử trên màn hình phía trước trụ sở đảng NLD 
của lãnh tụ dân chủ Miến Ðiện Aung San Suu Kyi tại Yangon, ngày 1/4/2012

Nếu được xác nhận, thắng lợi này sẽ là một dấu mốc quan trọng tại quốc gia đông nam Á từng bị trì chậm dưới quyền cai trị của phe quân nhân trong gần nửa thế kỷ cho đến khi chính phủ dân sự trên danh nghĩa lên cầm quyền năm ngoái. 

Lên tiếng tại Istanbul bà Hillary Clinton đưa ra lời tuyên bố lạc quan một cách dè dặt: "Chúng tôi muốn nói đôi lời về Miến Điện. Tôi vẫn hết sức chú tâm theo dõi cuộc bầu cử ở Miến Điện ngày hôm nay. Trong lúc kết quả chưa được tuyên bố, Hoa Kỳ chúc mừng những người đã tham gia, nhiều người lần đầu tiên tham gia vào cuộc vận động và tiến trình bầu cử. Chúng tôi cam kết ủng hộ những nỗ lực cải tổ này."

Ứng cử viên đảng NLD ra tranh cử ở 45 đơn vị, và cho đến chiều tối, chưa có kết quả ở những nơi khác. Hiện vẫn chưa rõ bao giờ thì chính phủ mới loan báo kết quả kiểm phiếu.

Cuộc bầu cử đã được một số quan sát viên thuộc Liên hiệp châu Âu và Hiệp hội ASEAN theo dõi. 

Tuy nhiên, các quan sát viên này chỉ nhận được giấy phép trong vòng mấy ngày trước đây, do đó, có nhiều người nói rằng họ chỉ đứng nhìn, thay vì theo dõi.

Hoa Kỳ và Liên hiệp Châu Âu tỏ ý cho thấy họ có thể xét đến chuyện tháo bỏ cấm vận kinh tế cho Miến Điện nếu cuộc bầu cử hôm Chủ nhật chứng tỏ là tự do và công bằng.


*

Bà Aung San Suu Kyi 'thắng lớn'

Bà San Suu Kyi, lãnh tụ đảng Liên đoàn Dân tộc vì Dân chủ, 
vừa thắng cử trong cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung tại Miến Điện.

BBC - Chính trị gia từng đoạt giải Nobel về hòa bình của Miến Điện, Aung San Suu Kyi, đã “thắng lớn” trong cuộc bầu cử bổ sung giành 45 ghế ở Quốc hội vào hôm Chủ Nhật, theo đảng của bà cho biết. 

Liên đoàn Dân tộc vì Dân chủ (NLD) cho biết lãnh tụ của họ, bà Suu Kyi, đã thắng dễ dàng ở Kawhmu, mặc dù kiểm phiếu chính thức chưa hoàn tất.

Đây là lần đầu tiên đảng đối lập NLD tham gia bầu cử kể từ năm 1990. 

Cuộc bầu cử hôm Chủ Nhật là một thử nghiệm quan trọng về hứa hẹn cải cách chính trị của Chính phủ Miến Điện, mặc dù đảng cầm quyền được quân đội hậu thuẫn vẫn còn chiếm ưu thế. 

Trong quá trình vận động bầu cử, báo chí nước ngoài và quan sát viên quốc tế được phép tác nghiệp tại Miến Điện với một số lượng khá lớn trong nhiều năm qua. 

Liên minh châu Âu gợi ý rằng khối này có thể giảm bớt một số biện pháp trừng phạt nếu cuộc bầu cử diễn ra trôi chảy. 

"Chúng tôi hy vọng ngày bầu cử diễn ra một cách hòa bình và chúng tôi sẽ có đánh giá dựa trên tất cả các cuộc bỏ phiếu mà chúng tôi chứng kiến," quan sát viên EU Ivo Belet nói. 

Phóng viên BBC Rachel Harvey từ trong Miến Điện nói rằng đảng NLD đã cáo buộc một số hiện tượng “bất thường” trong bầu cử tại thủ đô, Naypyidaw. 

Một phát ngôn viên của NLD nói với hãng tin AFP rằng ông đã gửi một thư khiếu nại đến Ủy ban bầu cử cáo buộc về một số hiện tượng gian lận trong cuộc bỏ phiếu. 

'Vẫn còn chi phối' 

Bà Aung San Suu Kyi được sự ủng hộ của nhiều cử tri 
khi xuất hiện tại một khu vực bỏ phiếu hôm Chủ Nhật 

Chính phủ hiện nay của Miến Điện vẫn còn chịu sự chi phối của giới quân sự và nhiều thành viên từ chế quân sự cũ vốn cai trị nước này trong nhiều thập niên và đồng thời đang chịu nhiều cáo buộc về lạm dụng quyền lực tràn lan. 

Từ năm 2010, khi xuất hiện cuộc chuyển đổi thế hệ các nhà lãnh đạo mới, chính phủ Miến Điện đã gây ấn tượng với giới quan sát về tốc độ thay đổi trong cải cách nhiều mặt. 

Hầu hết các tù nhân chính trị đã được trả tự do, các hạn chế với báo chí, truyền thông đã được nới lỏng và, đặc biệt bà Aung San Suu Kyi và đảng NLD đã được thuyết phục để tái tham gia tiến trình chính trị. 

Họ đã không được thừa nhận vai trò trong tiến trình chính trị Miến Điện từ năm 1990, khi đảng đối lập NLD giành chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử nhưng lại bị quân đội từ chối không chấp nhận kết quả.

Bà Aung San Suu Kyi trong phần lớn giai đoạn 20 năm sau đó đã bị quản thúc và bà đã từ chối tham gia cuộc bầu cử năm 2010, một động thái mở ra những cải cách hiện nay. 

NLD là một trong 17 đảng đối lập tham gia cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung hôm Chủ nhật. 

Chỉ một phần nhỏ số ghế tại Quốc hội sẽ được chia sẻ qua cuộc bỏ phiếu hôm Chủ Nhật và đảng cầm quyền được quân đội hậu thuẫn sẽ vẫn áp đảo đa số. 

Bà Aung San Suu Kyi, 66 tuổi, đã tranh cử ở một hạt cử tri cấp thấp hơn tại Kawhmu, bên ngoài Rangoon. 

Vào ngày Chủ Nhật, bà đã đến thăm khu vực bỏ phiếu tại Kawhmu trước khi trở lại Rangoon. 

'Quyết tâm đi tới' 


Đảng của bà Suu Kyi là một trong 17 đảng phái đối lập 
tham gia tranh 45 ghế tại cuộc bầu cử bổ sung Quốc hội kỳ này 

Trước đó, bà Suu Kyi mô tả chiến dịch tranh cử năm nay là không "thật sự tự do và công bằng" và cảnh báo rằng những cải cách là "không thể đảo ngược". 

Nhưng bà cũng nói rằng bà và đảng NLD “không hối tiếc” khi tham gia cuộc bầu cử. 

"Chúng tôi quyết tâm đi tới bởi vì đây là những gì mà mọi người mong muốn," bà nói. 

Phóng viên BBC, Rachel Harvey, nói bất luận kết quả của cuộc bầu cử ra sao, cán cân quyền lực của Miến Điện sẽ không thay đổi qua đêm và dân chủ đầy đủ vẫn còn là một chặng đường dài với quốc gia Nam Á này. 

Phóng viên của chúng tôi nói tất cả các nhóm dân tộc thiểu số của Miến Điện phải được thể hiện để cảm thấy họ có tiếng nói trong hệ thống chính trị. 

Một số ít đại diện từ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cùng với EU và Hoa Kỳ, đã được mời đến quan sát cuộc bỏ phiếu. 

Hơn 100 nhà báo nước ngoài cũng được cho là đã nhận được giấy phép đưa tin bài tại chỗ về cuộc bầu cử.


Dân Miến Điện đi bầu Quốc hội

VOA - Cử tri Miến Điện hôm nay đến phòng phiếu tham gia cuộc bầu cử được xem là cuộc trắc nghiệm quan trọng cho tiến bộ cải cách dân chủ của chính phủ mới.

Các ứng cử viên tranh nhau 45 ghế bổ xung cho Quốc hội gồm 664 ghế.

Lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi từ năm 1990 đến nay mới ra tranh cử trở lại, vì đảng của bà bị cấm hoạt động và cá nhân bà hầu như bị giam lỏng hoặc mất tự do trong suốt 20 năm.

Đảng NLD của bà hôm nay tố giác có những biểu hiện bất thường, ví dụ như một số phiếu bầu dùng loại giấy mà người ta có thể bôi xóa được.

Phe đối lập cũng phàn nàn về những hành vi hù dọa cử tri. 

Bà Aung San Suu Kyi nói rằng bà không trông đợi cuộc bầu cử này sẽ công bằng nhưng dù sao cũng mang một ý nghĩa đặc biệt.

Phải chờ trong vòng một tuần mới có kết quả chính thức.

Lãnh tụ dân chủ Miến Điện Aung San Suu Kyi được chào đón bởi những ủng hộ viên khi bà tới thăm một địa điểm bầu cử ở ngoại ô Yangon, ngày 1/4/2012 

NHỮNG CON SỐ VỀ QUỐC HỘI MIẾN ĐIỆN
-Ngành lập pháp gồm 440 ghế Hạ viện, 224 ghế Thượng viện, 14 nghị viện khu vực. 

-25% số ghế do quân đội chọn trong số các quân nhân. 

-Đảng Đoàn Kết Thống Nhất và Phát Triển USDP chiếm 76% số ghế trong cuộc bầu cử năm 2010. 

Bầu cử bổ sung ngày Chủ nhật 4/1/2012 
-Các ứng viên tranh 45 ghế.

-160 ứng cử viên của 17 đảng và 8 ứng cử viên độc lập ra tranh kỳ này.


Báo chí Miến Điện đưa tin về bầu cử bằng mọi giá

Thụy My (RFI) - Để đưa tin về cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung sẽ diễn ra ngày 01/04/2012, các nhà báo Miến Điện bằng mọi giá tránh né các hạn chế do chính phủ áp đặt, đặc biệt là nhờ Facebook và Twitter. Pháp, Mỹ kêu gọi bầu cử "công bằng và tự do".

Cách đây nửa thế kỷ, tập đoàn quân sự cầm quyền đã quốc hữu hóa tất cả các nhật báo và ngày nay báo chí tư nhân đều là tuần báo. Open News, một trong các báo tư nhân xin được giấy phép đặc biệt của chính quyền để ra một ấn bản ngay sau hôm bầu cử, cho biết tất cả các báo đều muốn ra số ngày thứ Hai.

Các tờ báo khác thông báo cho độc giả theo dõi tin tức trên Facebook và Twitter. Tờ 7Day News, một tuần báo lớn với 1,5 triệu độc giả, nhấn mạnh sẽ cập nhật liên tục từng giờ, kể từ lúc các phòng phiếu mở cửa.

Lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi mới cách đây một năm vẫn vắng bóng trên báo chí Miến Điện, nay ảnh của bà chiếm trang nhất của nhiều tờ báo. Nhiều đề tài trước nay vẫn là cấm kỵ, đang dần dần được báo chí đề cập đến, như các trận đánh giữa quân đội và một số quân nổi dậy người thiểu số.

Chính quyền đã hứa sẽ bãi bỏ chế độ kiểm duyệt, nhưng đối với các tuần báo thì bài vở vẫn phải đem trình duyệt trước. Ngày càng có nhiều tuần báo gánh lấy rủi ro là không đem duyệt một số bài, còn trên Facebook và Twitter thì họ cứ đăng mà không hề đưa kiểm duyệt.

Nhưng nếu các viên chức kiểm duyệt không thể ngăn trở việc đưa tin bài về bầu cử trên internet, thì các nhà báo lại lo ngại vấn đề trục trặc kỹ thuật, vốn thường xảy ra tại Miến Điện trong các thời điểm nhạy cảm, nhất là đường truyền internet chậm chạp. Tờ Eleven Media dự kiến thông báo cho khách hàng bằng tin nhắn SMS hôm bầu cử, nghĩa là sử dụng mọi phương tiện có thể. Tổng biên tập tờ báo trên cho rằng, dưới sự quan sát của quốc tế, cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung lần này là một thử nghiệm cho tự do báo chí tại Miến Điện.

Hoa Kỳ và Pháp kêu gọi Miến Điện bầu cử công bằng và tự do

Cử tri Miến Điện ủng hộ Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ. 
Ảnh chụp ngày 30/03/2012 
REUTERS/Soe Zeya Tun
Ngày 30/03/2012 Hoa Kỳ đã kêu gọi bầu cử công bằng và tự do tại Miến Điện, nhấn mạnh là việc này sẽ có tác động lên quan hệ song phương trong tương lai. Về phần mình, nước Pháp cho biết đang chờ đợi chính quyền Miến Điện đảm bảo một cuộc bầu cử « dân chủ và minh bạch ».

Ông Mark Toner, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã tuyên bố với báo chí: “Chúng tôi muốn thấy cuộc bầu cử tự do và công bằng vào Chủ nhật này, điều đó chắc chắn sẽ mang lại sức bật cho quan hệ đôi bên. Tuy nhiên chúng tôi cũng ghi nhận có một số bất hợp lệ trước khi bước vào cuộc bầu cử ».

Ngày 28/03/2012 Hoa Kỳ loan báo việc gởi đến Miến Điện hai quan sát viên xuất thân từ các hiệp hội xúc tiến dân chủ. Ông Mark Toner cũng chia sẻ mối lo âu của lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi, ngày 30/032012 bà đã cho biết ghi nhận được « rất nhiều trường hợp bị đe dọa ».

Về phía Paris, ông Bernard Valero, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Pháp cho biết đang tập trung chú ý đến một cuộc bầu cử « dân chủ và minh bạch » tại Miến Điện ngày mai. Một nhà ngoại giao tại đại sứ quán Pháp ở Miến Điện sẽ tham gia phái đoàn quan sát của Liên Hiệp Châu Âu.

Chế độ Naypydaw đã cho phép các quan sát viên các nước ASEAN, Liên Hiệp Châu Âu, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc đến tham gia giám sát bầu cử. Cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung lần này nhằm chọn ra 45 đại biểu, giải Nobel hòa bình Aung San Suu Kyi tham gia ứng cử tại một đơn vị bầu cử ở nông thôn, gần thủ đô Rangoon. Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ tố cáo nhiều trường hợp bất hợp lệ trong việc lập danh sách cử tri, cũng như hăm dọa và phá hoại.

Thụy Mi

7 comments:

  1. Người viết hay, Daw Suu Kyi bác ái, dân tộc Miến Điện tỉnh ngủ.

    ReplyDelete
  2. Nguyễn Lưu TùngApril 3, 2012 at 11:00 AM

    Tôi kính trọng và thần tượng người phụ nữ này. VN sẽ có 1 ngày cũng có 1 người phụ nữ như thế .

    ReplyDelete
  3. Ma quỉ cộng sảnApril 3, 2012 at 11:23 AM

    Thấy người mà ngẫm đến..ta!càng buồn!

    ReplyDelete
  4. Côn đồ đảng trịApril 3, 2012 at 11:40 AM

    Dân chủ ở VN còn cao hơn gấp ngàn lần đân chủ ở Anh (DOAN ĐÍT NGAN)

    ReplyDelete
  5. Aung San Suu Kyi
    "Số phận là một khái niệm mà tôi không thể bắt đầu được, mặc dù tôi rất tin vào Nghiệp (Karma). Và chúng ta phải tích cực hành động, lúc đó chúng ta mới tạo được Nghiệp của mình. Khi anh chỉ bỏ tay vào túi quần, thì theo tôi anh không có quyền nói: Tôi hy vọng có dân chủ".
    Khi được trả lại tự do, Suu Kyi cho biết: "Tôi chưa bao giờ có cảm giác là tù nhân bởi vì tôi chưa vào tù (bị quản thúc) và cũng như bao nhiêu người đã vào tù mà họ vẫn cảm thấy có tự do. Từ ngày được thả ra, tôi thấy không có gì khác biệt bởi chúng tôi đang sống trong nhà tù lớn. Nói cho cùng, bị quản thúc cũng chỉ bổn phận của tôi và tôi đang làm công việc tôi phải làm".

    ReplyDelete
    Replies
    1. Khánh ( Plêiku )April 3, 2012 at 3:32 PM

      Thánh Gandhi: "Trong những giây phút của tuyệt vọng, tôi tự nhắc mình là trong lịch sử, sự thật và tình yêu luôn luôn chiến thắng. Có rất nhiều bạo chúa và sát nhân tin là họ không bao giờ bị thất bại, nhưng cuối cùng họ vẫn bị tiêu diệt. Chúng ta phải luôn luôn nhớ điều đó !!!".

      Delete
  6. Nguyễn Hiếu HọcApril 4, 2012 at 8:25 AM

    Hân hoan chúc mừng Bà Aung San Suu Kyi và đảng NLD đã thắng cử, điều này hy vọng sẽ dẫn dân tộc Myanmar tiến đến có Tự do, Dân chủ và Nhân quyền. Nhìn sang Cuba, qua chuyến thăm viếng của Đức Giáo Hoàng và trước đó Fidel Castro đã phát ngôn "Chủ nghĩa xã hội không còn phù hợp nữa", yếu tố này hứa hẹn nhiều cởi mở cho dân Cuba. Như vậy, cũng theo ý của nguyên chủ tịch VN Nguyễn Minh Triết, Cuba không thức để "canh giữ hòa bình thế giới" nữa, thì VN ta sẽ ngủ luôn hay phải tỉnh thức để chuyển biến và giải thể chế độ cộng sản phi nhân, tàn ác, lỗi thời đi !

    ReplyDelete