Cương Lĩnh Việt Nam Quốc Dân Đảng
Nhận Định
Năm 1927,Việt Nam Quốc Dân Đảng (V.N.Q.D.Đ) được thành lập để đấu tranh cho ba mục tiêu Dân Tộc Độc Lập, Dân Quyền Tự Do, Dân Sinh Hạnh Phúc. Đó là ba cuộc Cách Mạng Dân Tộc,Cách Mạng Dân Chủ, Cách Mạng Xã Hội đầu tiên tại Việt Nam. Hơn bảy mươi sáu năm qua, bao nhiêu thế hệ đã hy sinh ngõ hầu hoàn thành ba mục tiêu cách mạng đề ra.Tùy theo tiến triển của thời đại, V.N.Q.D.Đ đề xuất chủ trương và đường lối phù hợp với lập trường cách mạng chân chính của Đảng. Trước thế kỷ 21, V.N.Q.D.Đ nhận định rằng:
- Sự sụp đổ của hệ thống Cộng Sản Quốc Tế đã hoán chuyển thế giới từ thế lưỡng cực đối đầu trong Chiến Tranh Lạnh sang thế đơn cực đa tâm để hướng đến Toàn Cầu Hóa.
- Thế giới đang đứng trước sự thách thức của chủ nghĩa dân tộc bá quyền, các thế lực mang tính tôn giáo quá khích chủ trương khủng bố, và các quốc gia bám giữ chế độ độc tài, đảng trị.
- Thế giới đang vận động dân chủ, nhân quyền, ổn định và phát triển. Mọi mâu thuẫn trên thế giới đều ưu tiên giải quyết bằng giao thương, hợp tác trong diễn biến hòa bình. Biện pháp quân sự là giảp pháp sau cùng đối với những quốc gia và các thế lực khủng bố không thể dùng giải pháp ngoại giao và xử dụng tiến trình hòa bình.
- Tập Đoàn Thống Trị Cộng Sản Việt Nam (CSVN) đang đi ngược lại xu thế thời đại Toàn Cầu Hóa, tiếp tục cai trị Việt Nam bằng chế độ độc tài, thống trị nhân dân bằng nhà tù và bạo lực. CSVN hiện nay đang dung dưỡng một hệ thống tham nhũng trở thành quốc nạn. Tập Đoàn Thống Trị CSVN là hiện thân của áp bức, đói nghèo, lạc hậu, là trở lực của dân tộc trên đường phát triển đất nước.
- Việt Nam Quốc Dân Đảng, một Đảng cách mạng của quốc dân, kiên quyết cùng toàn dân đấu tranh để mở ra một kỷ nguyên mới, trong đó quốc gia phải được độc lập, xã hội phải giàu mạnh, con người được sống tự do, dân chủ, nhân quyền và hạnh phúc.
Lập Trường
- V.N.Q.D.Đ đặt quyền lợi quốc dân trên hết, đấu tranh cho nền độc lập của dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, và sự phát triển một xã hội hưng thịnh.
- V.N.Q.D.Đ khẳng định lập trường: Dân Tộc, Dân Chủ và Nhân Bản là kim chỉ nam của đảng.
Chủ Trương
- V.N.Q.D.Đ chủ trương chống lại chủ nghĩa phi nhân bản, phản dân tộc và mọi thể chế chính trị độc tài.
- V.N.Q.D.Đ chủ trương xây dựng một thể chế chính trị dân chủ pháp trị, một nền kinh tế thị trường tự do, một nền giáo dục nhân bản.
- Trước mắt, V.N.Q.D.Đ chủ trương giải thế chế độ độc tài Cộng Sản Việt Nam; vận động toàn lực dân tộc xây dựng một nước Việt Nam độc lập, dân chủ, đa nguyên và phú cường.
- V.N.Q.D.Đ chủ trương xử dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào mọi hoạt động để đạt thành quả nhanh nhất và phục vụ dân tộc tốt nhất.
Đường Lối
Y cứ trên lập trường và chủ trương đã định, V.N.Q.D.Đ liên tục, trường kỳ và quyết liệt đấu tranh cho đến thắng lợi hoàn toàn; cụ thể qua hai giai đoạn: cứu nước và kiến thiết đất nước. Giai đoạn cứu nước:
Tùy theo hoàn cảnh, V.N.Q.D.Đ sẽ phối hợp mọi hình thức đấu tranh ôn hòa, bạo động, bí mật, công khai, và vận dụng chính trị qua những công tác chiến lược như sau:
- Quyết tâm xây dựng đảng bằng cách xây dựng một đội ngũ cán bộ trong và ngoài nước với tiêu chuẩn: tâm thành, trí lược sẵn sàng hiến dâng cho sự nghiệp cách mạng dân tộc, xứng đáng là chiến sĩ dân chủ trước xu thế thời đại Toàn Cầu Hoá.
- Lấy nhân bản làm chủ đạo, lấy sức mạnh toàn dân làm chủ lực, sẵn sàng kết hợp với các tổ chức đấu tranh chân chính để tạo một mặt trận rộng lớn giải thể Tập Đoàn Thống Trị Cộng Sản Việt Nam hiện nay.
- Tại quốc nội, vận động quần chúng bị áp bức đứng lên chống bạo quyền, đòi tự do dân chủ, đòi được hưởng các quyền lợi của con người đã ghi trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và những hiệp ước mà nhà cầm quyền CSVN đã ký kết với các quốc gia tự do trên thế giới.
- Tại Hải Ngoại, vận động đồng bào tích cực yểm trợ các phong trào đấu tranh tại quốc nội.
- Kêu gọi cán bộ và đảng viên cộng sản tự giác trở về hàng ngũ dân tộc; hoan nghênh sự đóng góp của họ vào công cuộc đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam.
- Không hòa hợp và hòa giải với CSVN. Cương quyết đập tan mọi ý đồ hòa hợp, hòa giải, dân chủ giả hiệu.
- Liên kết với các lực lượng đấu tranh dân chủ, các tổ chức nhân quyền trên thế giới trong tinh thần hỗ tương và tôn trọng lẫn nhau.
- Nêu cao chính nghĩa đấu tranh dân chủ và nhân quyền của dân tộc Việt Nam để tranh thủ sự ủng hộ của các chính quyền và nhân dân các nước trên thế giới.
Giai đoạn kiến thiết đất nước:
- Xây dựng thể chế chính trị dân chủ, pháp trị trong đó: Người dân được bình đẳng về nghĩa vụ, quyền lợi và có cơ hội thăng tiến đồng đều. Mọi công dân đều có quyền tham chính để phục vụ dân tộc trong tinh thần dân chủ.
- Xây dựng chế độ kinh tế thị trường tự do, trong đó: Tôn trọng quyền tư hữu, dung hợp quyền lợi tư nhân với kế hoạch phát triển chung của quốc gia. Thiết lập đạo luật kinh tế minh bạch lưỡng lợi, đẩy mạnh nền nội thương và khuyến khích đầu tư của thế giới.
- Xây dựng một xã hội lành mạnh, nhân bản và tiến bộ trong đó: Nhân phẩm con người và giá trị đạo lý xã hội phải được phục hồi, đời sống và sức khỏe người dân đều được bảo đảm, mọi tệ đoan xã hội phải được bài trừ tận gốc.
- Xây dựng một nền văn hóa giáo dục dân tộc, nhân bản để nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài hầu đáp ứng cho kế hoạch phát triển quốc gia. Tiếp nhận tinh hoa văn hóa, kỹ thuật của nhân loại để làm phong phú văn hóa Việt Nam và phát triển khoa học kỹ thuật phục vụ đời sống con người.
- Thi hành chính sách ngoại giao thân thiện và hợp tác bình đẳng với các quốc gia tự do trên thế giới.
- Tổ chức quốc phòng và an ninh nhằm mục đích bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và trật tự xa hội.
- Vì hạnh phúc Dân Tộc,
- Vì vinh quang của Tổ Quốc,
- VNQDĐ cương quyết thi hành nghiêm chỉnh Cương Lĩnh này.
Tiểu Sử Đảng Trưởng VNQDĐ Nguyễn Thái Học
Nguyễn Thái Học: Người anh hùng dân tộc trong lịch sử đấu tranh cận đại, người khai sinh ra Việt Nam Quốc Dân Đảng, người đề cao thể chế chính trị tự do dân chủ từ năm 1927. Người thanh niên 25 tuổi là tấm gương sáng ngời cho những tấm lòng yêu nước. Lịch sử của đảng trưởng VNQDĐ, Nguyễn Thái Học trích trong cuốn: Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại 1927-1954 Việt Nam Quốc Dân Đảng của Hoàng Văn Đào do trung tân in ấn của VNQDĐ, nhà xuất bản Tân Việt, in lần thứ 4.
I – ĐỜI HỌC SINH
Nguyễn Thái Học sinh năm Quý Mão (1902) tại làng Thổ Tang, tổng Lương Điền, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên. Nhưng theo học bạ nhà trường thì Nguyễn Thái Học sinh ngày mồng 1 tháng 12 năm 1904. Sở dĩ có chuyện chênh lệch tuổi ấy là vì giấy khai sinh phải khai rút bớt tuổi đi, để xin vào học trường công cho hợp lệ.
Thân phụ của Nguyễn Thái Học là cụ Nguyễn Văn Hách, một nông dân chất phát hiền hậu, một nhà Nho; thân mẫu là cụ Nguyễn Thị Quỳnh hiệu Diệu Tế, tính tình khẳng khái cương trực, việc tề gia nội trợ rất mực thao lược đảm đang. Gia tài của gia đình Nguyễn Thái Học gồm có 3 mẫu ruộng, một con trâu cày và 3 gian nhà gạch, 5 gian nhà tre. Ngoài những ngày giờ làm ruộng, vị từ mẫu của Nguyễn Thái Học còn phụ thêm nghề dệt vải và buôn vải, lụa về bán ngay tại chợ làng Thổ Tang.
Nguyễn Thái Học có một người em gái là chị Nguyễn Thị Hiền và 3 người em trai: Nguyễn Văn Nho, Nguyễn Văn Lâm và Nguyễn Văn Nỉ.
Năm 1906, Nguyễn Thái Học được thân phụ đưa đến thụ giáo Hán văn tại nhà một cụ Tú Tài người đồng hương.
Năm 1913, trường Tiểu học Pháp-Việt được thiết lập tại phủ Vĩnh Tường. Nguyễn Thái Học xếp bút lông cầm bút sắt. Học hết lớp nhì, Nguyễn Thái Học vào học lớp nhất tại trường Tiểu học Pháp-Việt, Việt Trì.Năm 1921, trường Nam Sư Phạm chính thức tuyển thêm 45 học sinh năm thứ nhất, nhân dịp vừa mới khánh thành tại phố Đỗ Hữu Vị gần cửa Bắc.Trong số 45 học sinh mới trúng tuyển có Nguyễn Thái Học. Vì mới tổ chức nên nhà trường chỉ có thể cho một nửa số học sinh chừng hơn 100 người được lưu trú tại trường; còn một nửa ở ngoài được lĩnh mỗi tháng tám đồng học bổng.
Nguyễn Thái Học vì tính thích tự do nên tình nguyện xin ở ngoài, trong khi học sinh tranh nhau ở trong trường để sự học được thuận tiện và mau tấn tới. Nguyễn Thái Học rủ mấy bạn đồng lớp đến ở trọ tại hai nơi gần trường: một ở ngay phố Đỗ Hữu Vị và một ở phố Hàng Bún (Bourrin) cũng gần đấy. Cùng ở trọ với Nguyễn Thái Học còn có một nhà giáo trẻ tuổi theo học trường Cao đẳng Sư phạm là Hồ Văn Mịch.
Học được ít lâu thì xảy ra một việc khiến cho một số học sinh có đầu óc phải bực tức mà nẩy nở ra ý tưởng cách mạng. Nguyên có một tên Thược, một cựu thông ngôn lính chào mào ở Pháp về, được bổ vào làm giám thị. Thược có những cử chỉ, ngôn ngữ rất lố lăng, khả ố và một thái độ thân Pháp, khinh đồng bào, khiến cho nhiều người phải lộn tiết. Thược không nói tiếng Việt, khi cần nói với những người làm công ở trong trường, y dùng một thứ tiếng Việt pha giọng Tây, nghe rất đỗi chướng tai.
Học sinh ai cũng ghét Thược, nhiều người tìm hết cách cay độc để chế riễu, nhưng y vẫn cứ mặt rắn như sành không lay chuyển chút nào! Kỳ thực thì Thược biết lắm và căm thù những anh em học sinh tinh quái nhất, trong số có Nguyễn Thái Học. Thược rắp tâm làm hại cho kỳ được, y biết được tên Kinh là con một tên mật thám, y ngầm mua chuộc được Kinh và dùng làm chỉ điểm riêng cho y. Nhân có chuyện một học sinh bị Thược nhốt ở ttrên lầu 3 là nơi phòng ngủ (dortoire). Học sinh này cáu kỉnh la ó chửi rủa ầm ĩ, khiến Thược phải cho người lên mở cửa. Khi xuống, anh học sinh này lại xông thẳng tới Thược định hành hung. Thược liền sang nhà riêng viên giám đốc, vu cáo học sinh này đã lăng mạ người Pháp và những câu bài Pháp. Viên Giám đốc lập tức ra lệnh đuổi anh học sinh về một cách oan ức và bắt luôn một số học sinh khác hàng ngày vẫn tỏ ý ghét Thược để điều tra và tình nghi có tổ chức bí mật bài Pháp. Nhiều người bị đuổi oan, và trong trường bỗng phát sinh một luồng không khí ngờ vực rất khó thou. Nhất là sau khi có lệnh cấm học sinh không được phép túm năm tụm ba bàn chuyện. Sự kiện trên đã có ảnh hưởng khá sâu xa vào tâm hồn cách mạng của Nguyễn Thái Học.
Tâm hồn đó càng bị kích động hơn do thái độ kém giáo dục của mấy mụ đầm dạy học, như mụ Sandré mà học sinh đã đặt một biệt hiệu là “đầm sâu róm”, vì tính nết cục cằn hay gắt, hay quát tháo ầm ĩ của mụ. Một phía khác, tâm hồn đó cũng lại bị khích động do những thái độ dơ dáng của bọn phụ nữ buôn son bán phấn ở khu phố anh ở, hòa với những hành động hung hãn của bọn lính Tây ức hiếp đồng bào để làm trò cười cho chúng.
Do đó, Nguyễn Thái Học tỏ ý chán việc học mà anh thường kêu là “học mướn”. Anh không chịu học sử nước Pháp, nhưng đến khi học tới lịch sử cách mạng Pháp thì anh lại rất thích thú, rất ham đọc và còn khảo cứu thêm.
Cứ mỗi lần mụ “đầm sâu róm” dạy ám tả vào buổi sáng là y như mụ mở túi lấy mẩu bánh mì, miếng phó-mát và trái chuối tiêu ra, vừa đọc vừa ngồm ngoàm ngốn; vì thế cho nên không mấy người nghe được hết câu, lẽ dĩ nhiên là ai nấy bỏ lỗi rất nhiều.
Mỗi lần như thế, anh Học lại tỏ vẻ giận dữ, nhưng không biết làm thế nào cho mụ bỏ cách dạy học đó đi, thỉnh thoảng anh chỉ dằn mạnh bút xuống bàn hay ngáp thật lớn. Mụ Sandré biết vậy, nhưng cũng cứ bỏ qua. Một hôm anh Học nghĩ được một kế để chọc giận mụ, anh không viết nhưng lại nhắm mụ để họa hình mụ đang ngồm ngoàm ăn. Thấy vậy mụ to tiếng gọi:
- Anh Học, anh ngồi gần cửa sổ kia, anh hãy nhắc lại câu tôi vừa đọc.
Lẽ dĩ nhiên là anh Học không đọc được, anh còn đương lúng túng định lấy vở của bạn bên cạnh để đọc, thì mụ lại quát:
- Mang vở của anh lên xem nào.
Anh Học không ngần ngại mang vở lên. Mụ cầm vở quát om sòm:
- Cái gì thế này! Rồi mụ cầm vở của anh Học giơ cao lên cho học trò xem. Cả lớp cười ồ. Anh Học vẫn điềm nhiên. Mụ quay lại hỏi:
- Anh bao nhiêu tuổi mà coi người lớn thế! Nom không có vẻ học sinh tý nào!
Anh Học trả lời thong thả từng tiếng:
- Tôi 45 tuổi.
Mọi người cùng cười vang. Mụ cáu kỉnh lại quát:
- À thằng này láo! Mày lại nhạo tao phải? Ai đời 45 tuổi mà đi học trường Sư phạm bao giờ không?
Thấy anh Học vẫn trân trân đứng. Mụ càng bực mình:
- Anh sinh năm nào?
- Tôi sinh năm Bính Thìn.
Mọi người lại cười ồ. Mụ cáu:
- Bính Thìn, Bính Thìn là cái gì?
Anh Học vẫn đứng tự nhiên. Mụ kéo ghế đứng dậy chỉ vào mặt anh nói với mọi người:
- Kìa coi nó kìa, thật là nhà quê! Rồi quay lại hỏi anh Học:
- Mày quê ở làng nào?
- Tôi quê ở làng “â…h…”. Anh Học trả lời hết sức bình tĩnh.
Mọi người lại phì lên cười. Tuy mụ đầm không hiểu ra sao, nhưng thấy mọi người cười dữ quá, biết chắc câu trả lời có ý hỗn xược, mụ xầm xầm bước xuống bục tiến lại nắm lấy tay anh Học, nói:
- À thằng này láo, xuống buồng ông Giám đốc ngay với tao.
Anh Học ung dung đáp:
- Vậy tôi xin đi trước.
Vừa ra khỏi lớp, không hiểu nghĩ thế nào, mụ đầm lại lôi tay anh Học trở vào lớp, đẩy anh ngồi vào chỗ, rồi lại tiếp tục đọc ám tả, như không có chuyện gì xảy ra, nhưng mụ không còn ngồm ngoàm nữa! Nhặt mẩu bánh mì, miếng phó-mát ăn chưa hết quẳng qua cửa sổ.
Đến cuối năm thứ 3, Nguyễn Thái Học từ giã trường Sư phạm về nằm khàn ở nhà, bị Chính phủ Bảo hộ đòi lại khoản trợ cấp học bổng 3 năm.
Nằm nhà đọc sách, đến kỳ thi Đíp-lôm, Nguyễn Thái Học cũng nộp đơn ứng thí. Ngay buổi đầu thi ám tả, anh đã gặp phải viên Giám khảo người Pháp hóc búa, không có cảm tình với học sinh bản xứ là Thomas, đã đọc ám tả cho thí sinh mà Thomas chỉ đọc mỗi câu một lượt không nhắc lại. Cả phòng đều thất vọng, thí sinh nào cũng bỏ từng quãng.
Được gần nửa bài, Thomas thấy một thí sinh lớn tuổi mặc áo the thâm, tay xách mũ trắng, tay cuốn giấy thi vùng vằng tiến ra cửa.
Thomas quát hỏi:
- Ê! Anh kia đi đâu thế?
- Tôi đi ra, vì không thể thi cử như thế này được, Nguyễn Thái Học trả lời.
Thomas lại tròn mắt hỏi dữ dội:
- Tại sao?
- Ông đọc nhanh quá, mà lại đọc có một lượt, tôi không theo kịp, tôi xin bỏ cuộc.
- Sao người khác viết được?
- Xin ông thử nhìn xem, có bao nhiêu viết kịp?
Thấy anh Học đối đáp bướng bỉnh. Thomas bước xuống túm vai anh Học xoay một vòng, đẩy anh về chổ. Vừa quay lưng lên bục, đã lại thấy anh Học theo sau, và lăm le ra cửa phòng thi ra ngoài. Thomas lại quát:
- À! Anh này định làm gì thế này? Anh muốn tôi cho gọi cảnh binh dẫn anh vào nhà giam không?
Anh Học điềm tĩnh trả lời:
- Vậy tôi cứ xin ông cho tôi ra ngoài, tôi bỏ cuộc thi và nếu ông không đi gọi Cảnh binh, chính tôi cũng xin đi gọi hầu ông ngay bây giờ.
Thomas giận đến tái mặt không biết nói thế nào, lại thấy anh Học nét mặt gân guốc quả quyết, khó lòng bắt nạt nổi. Y sợ lại xảy ra chuyện tương tự như việc đã xảy ra cho y ở trường Chasseloup Laubat ở trong Nam.
Thomas liền dịu giọng bảo anh Học:
- Thôi được, anh cứ về chỗ, anh sẽ được tọai nguyện.
Thomas bảo anh Học về ngồi chỗ cũ, rồi mở cửa ra đi. Ai cũng tưởng là Thomas sẽ đi gọi cảnh binh tới dẫn anh Học đi, hay ít ra cũng đi trình ông Chủ khảo; nhưng mọi người đều đoán sai hết. Một lát sau, Thomas cùng một vị giáo sư khác, người Việt Nam, là ông Dương Quảng Hàm vào phòng thi. Thomas nhường chỗ cho ông Hàm đọc lại từ đầu bài ám tả. Nhờ đó mà một số lớn thí sinh đã không bị rớt oan.
Những mẩu chuyện này đã biểu lộ một tinh thần tranh đấu bất khuất, gặp sức đè nén nào cũng tìm cách phản ứng kịch liệt và nhanh chóng không tính toán đến hậu quả.
Dĩ nhiên là Nguyễn Thái Học không trúng tuyển kỳ thi ấy, lại nhân có kỳ thi tuyển thừa phái, các bạn học khuyên anh nên ứng thí, anh Học đã trúng tuyển; nhưng đến khi có nghị định bổ đi nhậm chức, anh Học đã bỏ không đi, mà lại xin vào học tại trường Cao đẳng Thương mại.
Trong cuốn “Mesures Politiques en L’Indochine”, Marty, Giám đốc mật thám Đông Dương đã viết: “Nguyễn Thái Học là một học sinh bướng bỉnh hay cãi nhau với thầy giáo”
II ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY
Nguyễn Thái Học vóc người tầm thước đậm đà, cao 1 mét 65, mặt vuông trán rộng, miệng rộng môi dầy, râu quai nón, hai tai to và dài. Đặc biệt là răng vổ, nhưng cười tươi và có duyên. Tính tình hồn nhiên phóng khoáng, thẳng thắn cương quyết và có một đức tự tin lạlùng.
Cuộc đời sống của Nguyễn Thái Học thực rất xuềnh xoàng, giản dị, từ y phục đến giày dép không hề chải chuốt. Ngoài thú hút thuốc lào và thỉnh thoảng nhai trầu, không thích một thứ gì khác! Nguyễn Thái Học rất bình dị, miễn là ăn để sống, món ăn thích thú nhất của ông là món “Phở Bò”, suốt đời không ham muốn cao sang. Về tiền tài: mỗi khi trong túi có tiền là dốc hết tiêu chung với anh em, khi cạn túi cũng hỏi ở anh em lấy một cách tự nhiên không ngại ngùng e lệ. Giấc ngủ đối với Nguyễn Thái Học thực rất là quan trọng, khi buồn ngủ, mặc dầu gặp việc khó khăn đến đâu cũng phải ngủ, dẫu rằng chỉ một giấc ngắn độ 15 phút, ngáy thật to. Khi tỉnh dậy, giải quyết mọi việc rất sáng suốt và chu đáo. Khi ngủ thường hay nằm sấp, hai chân quắp lên trên mông.
Tuy đã ra đời lâu năm, Nguyễn Thái Học còn giữ thổ âm của làng mình, là dùng lộn hai chữ L với N. Còn một tính đặc biệt, là mỗi khi đương tập trung tư tưởng suy nghĩ một vấn đề gì, thì mặc dầu những người ngồi ngay trước mặt nói chuyện hoặc hỏi han điều gì cũng không hề để ý.
Nguyễn Thái Học có một người vợ ở quê nhà là Nguyễn Thị Cửu do sự đính ước của đôi bên cha mẹ khi Nguyễn Thái Học còn thơ ấu. Tuy chị Cửu đã về làm dâu nhà họ Nguyễn lâu năm; nhưng cặp vợ chồng ấy không bao giờ lại chung sống với nhau. Đến khi Nguyễn Thái Học dấn thân vào cuộc đời cách mạng, Thái Học gửi thư về thăm cha mẹ, tạ tội bất hiếu không năng về thăm. Cuối cùng xin phép cha mẹ cho chị Nguyễn Thị Cửu được tự do đi lấy chồng.
III- ĐỜI CÁCH MẠNG
Về hoạt động cách mạng lúc ban đầu của Nguyễn Thái Học. Tác giả đã trình bày đầy đủ ở Chương I, Thiên thứ Nhất, dưới Mục đề “Thành lập VNQDĐ”. Nay nhắc lại, thiết tưởng là quá thừa! Vậy xin trình bày tiếp từ sau ngày Nam Đồng Thư Xã đóng cửa, nhà giáo Phạm Tuấn Tài phải đổi lên trường Tiểu học Pháp-Việt, Tuyên Quang vào giữa năm 1927. Nguyễn Thái Học cùng Hồ Văn Mịch dọn đến ở luôn trụ sở Nam Đồng Thư Xã với Nhượng Tống. Họ đã trở nên những người bạn cùng ăn hết nhịn với nhau.
Từ sau ngày VNQDĐ chính thức thành lập, căn lầu 1 Nam Đồng Thư Xã trở nên trụ sở thường trực của Tổng Bộ. Lớp nhà dưới là gia đình bà Cổ, làm nghề bán xôi, cháo rong, và luôn nấu cơm tháng cho Nguyễn Thái Học và các đồng chí của họ Nguyễn ăn.
Căn lầu của Nguyễn Thái Học ở, bề dài không quá 9 mét, bề ngang 3 mét rưỡi, vỏn vẹn chỉ có một bộ ghế ngựa gỗ tạp, 1 chiếc bàn và 4 chiếc ghế cũng bằng gỗ tạp, vừa dùng làm bàn viết lẫn bàn ăn. Góc này vài chiếc chiếu vất ngổn ngang, góc kia mấy chiếc va-li bẹp với một mớ quần áo thay, mà thợ giặt chưa kịp đến lấy.
Mỗi khi các đồng chí từ bốn phương tới thủ đô đều tìm đến từng lầu số 6 này. Trước khi thổi cơm, bà Cổ ở dưới nhà thường sai cô con gái nhỏ của bà trạc 13, 14 tuổi, thò đầu lên thang gác hỏi bữa nay có mấy người ăn?
Cơm bưng lên, anh em cứ việc ăn, cơm bình dân, mỗi người mỗi bửa có 5 xu. Bà Cổ cứ việc ghi vào sổ, cuối tháng sẽ tính với ông Học sau. Chẳng mấy tháng mà bà Cổ đã nhận được đủ số tiền, nhưng bà vẫn vui vẻ bưng cơm rót nước như thường, không bao giờ có nửa lời ta thán! “Bát cơm Phiếu mẫu trả ơn ngàn vàng”. Chúng tôi nghĩ thế, nhưng chẳng bao giờ làm được! Trái lại, bà còn bị thực dân làm khó dễ vì chúng tôi.
Các đồng chí, ai muốn nghỉ ngơi chốc lát hay muốn ngủ lại đêm cứ việc trải chiếu xuống căn gác mà nằm, nếu giường chật. Quần áo thay đổi lẫn lộn, bộ nào vừa ai nấy mặc, không cần biết là của ai! Đồng chí nào nếu túi sẵn tiền thì bỏ ra khao nhau chầu phở hay bún chả; nếu gặp khi anh em túi rỗng, thì cứ việc gọi xôi, cháo của bà Cổ, rồi biên vào sổ tính toán sau.
Nguyễn Thái Học luôn luôn khuyên nhủ đồng chí: “Chúng ta phải gạt bỏ hết những tính ích kỷ và tự ái, tự kiêu, thì chúng ta mới trở thành người cách mạng được!”
Muốn biết rõ Nguyễn Thái Học không gì hơn là nghe lời bình phẩm của Hồ Văn Mịch, một người bạn thân, một đồng chí đầy mưu lược, luôn luôn ở bên cạnh Nguyễn Thái Học nói: “Anh Học bề ngoài tuy nóng nảy, nhưng mưu việc gì thì rất nhiều cơ trí, mà đãi người thì rất mực chân thành.”. Thực quả vậy, sau ngày Đảng bị bại lộ, Nguyễn Thái Học trốn thoát. Một hôm có cuộc họp được triệu tập tại làng Dương Quang thuộc phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Các đồng chí đã tiếp tục đến địa điểm họp từ chiều hôm trước. Thám tử được tin mật báo với Pháp, đêm ấy Giám binh Bắc Ninh đem lính Khố Xanh bí mật đến mai phục xung quanh làng Dương Quang.
Nguyễn Thái Học không hề được biết sự bao vây ấy. Sáng sớm ngày hôm sau, khăn đống áo the, tay ôm cặp, tay xách ô, ung dung tiến đến làng Dương Quang. Thình lình gặp lính xét hỏi, Thái Học thản nhiên trả lời là nho sĩ ở huyện được phái về lập biên bản. Từ dáng điệu đến cử chỉ thực giống hệt như nho sĩ ở huyện. Lính Khố Xanh không chút nghi ngờ, để Nguyễn Thái Học tự do ra đi. Nguyễn Thái Học ung dung tiến vào làng, rồi tìm đường tắt rút ra khỏi vòng vây. Trái lại, Phạm Văn Hể đến từ chiều hôm trước, gần sáng thấy động, hoảng hốt chạy ra khỏi làng, bị lính tình nghi giữ lại, đem về giam tại Bắc Ninh, mãi ít lâu sau mới được thả.
Lại một lần khác, vào cuối tháng 11 năm 1929, tại làng Quỳnh Khê thuộc huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, một cuộc họp được tổ chức tại nhà một đồng chí là Phó tổng Vịnh. Có mật báo, tri huyện sở tại là Nguyễn Ngọc Liễn đem lính cơ về vây làng Quỳnh Khê từ hồi 4 giờ sáng, đợi đến 6 giờ vào khám xét nhà Phó tổng Vịnh.
Nguyễn Thái Học đương ngủ ngáy như sấm, đồng chí vào lay ông báo động, lay đến 2, 3 lần ông mới tỉnh dậy, điềm nhiên đi xuống nhà tá điền ngủ, trút bỏ hết quần áo lại, lấy bộ quần áo của thợ cầy mặc vào, rồi đội nón lá vác vồ tiến ra phía ruộng sau nhà Phó tổng Vịnh cùng đập đất với sáu nông phu.
Đúng 6 giờ, Tri huyện Liễn dẫn lính vào khám xét nhà Phó tổng Vịnh, không thấy gì kéo nhau ra về.
Một hôm Nguyễn Thái Học phải đích thân xuống Hải Phòng để chủ tọa một phiên họp quan trọng.
Ông bắt đầu đáp xe lửa từ ga Lạc Đạo vào hồi 4 giờ 20 phút sáng. Y phục vận theo đúng kiểu các người dân quê Đình Dù mỗi khi ra tỉnh: quần màu cháo lòng, áo the thâm và khăn đóng, vai vác cây dù, nách kẹp đôi dép.
Đã đặc biệt chú ý từ trước, khi lên xe Nguyễn Thái Học đã lựa chỗ ngồi vào chiếc ghế góc toa hạng ba, nơi ánh đèn bớt sáng.
Không ngờ khi xe lửa sắp chạy, thình lình có hai tên thám tử một Việt và một Pháp lại dẫn một người bị còng tay lên ngồi đối diện anh. Thoáng nhìn, Nguyễn Thái Học đã nhận ngay ra người bị còng tay là một đồng chí, anh Lý Hai Kim ở Chi bộ Nam Quách (Hải Dương).
Một Chi bộ đã bị vỡ lở, và lo ngại Hai Kim nhận ra anh, lỡ phát xuất một cử chỉ nào sơ hở, khiến anh bị lộ hình tích thì nguy to. Nguyễn Thái Học định xuống xe để đi chuyến sau, nhưng xe lửa đã bắt đầu chuyển bánh nhanh rồi! Muốn lánh mặt qua ngồi toa xe khác, thì phải qua mặt hai tên thám tử, mà chúng thường chăm chú nhìn theo, thật là tiến thoái lưỡng nan! Nguyễn Thái Học đành kéo vạt áo the che mặt giả vờ ngủ.
Về phần Lý Hai Kim, anh cũng nhận ra được Nguyễn Thái Học, ngước nhìn Học tỏ vẻ hiểu ý.
Để xe lửa chạy một hồi lâu, Nguyễn Thái Học đứng dậy, dằn giọng nói với bà già kế bên, cố ý để cho hai tên thám tử và anh Hai Kim nghe được:
- Bà coi giùm tôi chiếc dù và chiếc va-li này, tôi đi tiểu một chút.
Rồi anh thản nhiên đi thẳng về phía cầu tiêu, mặc cái nhìn chòng chọc soi mói của tên thám tử Pháp lai.
Thừa khi xe lửa từ từ tiến tới ga Vật Cách, Nguyễn Thái Học vội trút bỏ chiếc áo dài the thâm, rồi mở cửa cầu tiêu nhảy xuống đường kêu xe kéo thuê đi Hải Phòng.
Khi người phu xe tới gần cầu Hạ Lý, nhận xét tình hình, thấy tình hình không thể qua cầu đàng hoàng được vì thấy lính gác cầu rất đông, Nguyễn Thái Học liền tỏ vẻ thân thiện điều đình với người phu xe cho anh thuê lại chiếc xe cùng bộ quần áo với giá 35 đồng bạc, gồm cả tiền bảo đảm chiếc xe khi không may bị mất.
Nguyễn Thái Học lẳng lặng kéo chiếc xe không trên cầu từ phía Hạ Lý sang.
- Anh kia, sao không đi vào lề mà lại nghênh ngang giữa đường, muốn xe lửa cán chết phải không? Người cảnh binh gác cầu quát to.
Anh kéo xe gần tới lề đường, cách đấy vài chục thước, một tên thám tử mặc thường phục, vẫy Nguyễn Thái Học lại.
- Có giấy tờ gì không? Lại đây coi!
- Chào xếp, xếp có về, tôi kéo về, tôi vẫn kéo xếp đến sở làm đấy mà! Nguyễn Thái Học đáp.
Lời chào lễ phép, bất ngờ làm tên thám tử ngạc nhiên, đang phân vân tự hỏi, có lẽ đây chính là anh phu xe quen.
Giữa khi ấy từ phía bên kia cầu, một chiếc xe hơi mui trần trong đó có mấy người Pháp đang bon bon đổ dốc.
- Ô-tô kìa! Dẹp vào bên mà đi đi! Tên thám tử ra lệnh.
Dưới chân cầu Hạ Lý về phía Hải Phòng, một quán nước chè có một thanh niên và một thiếu nữ ăn vận lối quê ngồi đợi Nguyễn Thái Học từ lâu, ấy là Nguyễn Văn Chấn và Nguyễn Thị Giang.
Đến trước quán nước, người phu xe ngừng lại, nói với thanh niên trong quán: “Mời ông đi xe.”
Nguyễn Văn Chấn đứng dậy, ung dung bước lên xe và nói to:
- Về đường phố Các Cụt.
Về tới nơi an toàn, anh em đều vui cười và nói:
- Hãy giữ lấy bộ quần áo phu xe kia, để sau này giao cho Viện Bảo Tàng.
Thế rồi không bao lâu cuộc Tổng Khởi Nghĩa thất bại. Bỗng có tin Nguyễn Thái Học bị bắt ở ấp Cổ Vịt đưa về giam tại ngục thất Hỏa Lò, Hà Nội. Và dưới đây là một vài giai thoại về Nguyễn Thái Học:
Giới phụ nữ Pháp ở Hà Nội yêu cầu Arnoux, giám đốc sở mật thám Bắc Việt, cho họ được đi coi mặt mũi lãnh tụ VNQDĐ mà từ ngày Tổng Khởi Nghĩa họ vẫn lo sợ cho số phận của họ không biết sẽ ra sao?
Arnoux vốn muốn trưng với phái đẹp, và cũng muốn nhân dịp khoe công, nên y nhận lời cho họ đi coi mặt Nguyễn Thái Học. Arnoux thân dẫn vào ngục thất Hỏa Lò một đoàn hàng trăm phụ nữ Pháp. Cửa sà-lim mở ra, một ả đầm chừng 20 tuổi buột miệng hỏi:
- Où! Où! Où est le Général Nguyễn Thái Học? (Ông tướng Nguyễn Thái Học ở đâu?)
Arnoux chặn lời ả và nói:
- Il n’est qu’un chef des brigants! (Nó chỉ là một tên tướng ăn cướp!)
Nguyễn Thái Học nghe tiếng nghiêm nhặt nói:
- Ông Arnoux, ông hãy nên có lễ độ một chút!
- Lễ độ à! Đây anh biết lễ độ!
Vừa nói, y vừa giơ cây ba-toong đánh vào mặt nhà lãnh tụ cách mạng rất mạnh, trúng vào hàm răng, máu trào ra đầy miệng, làm Nguyễn Thái Học gẫy mất hai cái răng cửa.
Chân bị cùm tay bị còng, Nguyễn Thái Học mỉm cười nói:
- Tao đã thấy rõ bộ mặt văn minh của nước Pháp chúng mày là thế đấy!
Than ôi! Mối hận thù đối với bè lũ thực dân Pháp biết đến ngày nào quên đi được; hỡi anh em cách mạng Quốc Gia!
Giữa lúc ấy, một mụ đầm nạ giòng đang ôm con chó lông xù sửng sốt về câu trả lời của Nguyễn Thái Học, lỡ tay làm con chó nhảy xuống đất chạy tung tăng trong dãy hành lang. Arnoux vội vàng đuổi theo bắt con chó, ôm nó lên và kính cẩn trao lại cho bà chủ nó. Đám phụ nữ nhìn Nguyễn Thái Học một lúc rồi kéo nhau ra.
Ngoài số phụ nữ Pháp và những yếu nhân trong giới thực dân Pháp, còn có một người Việt Nam được vào xem mặt Nguyễn Thái Học là Hoàng Trọng Phu, Tổng đốc tỉnh Hà Đông.
Ông quan công bộc trung thành nhất của Pháp này theo chân viên Dự thẩm Coppin tới sà-lim giam Nguyễn Thái Học. Cửa phòng vừa mở, chỉ vào mặt một người nằm ngửa trên sà-lim, hai chân xỏ trong lỗ cùm, hai cổ tay xích bắt tréo lại, mắt nhìn lên trần suốt ngày đêm. Coppin nói:
- Thưa Đại nhân, tôi xin giới thiệu đây là kẻ đã làm cho cháu ruột của ngài bị giết!
Hoàng Trọng Phu như không chú ý câu nói ấy, hỏi luôn Nguyễn Thái Học rằng:
- Thầy bị bắt trong lúc còn súng lục, lựu đạn ở trong người, vậy tại sao thày lại không dùng võ khí ấy mà thoát thân?
- Chỉ vì tôi không muốn giết mấy người phu tuần đã bắt tôi, bởi họ chỉ là những kẻ thừa hành chỉ thị của bọn quan thày Pháp. Nếu tôi gặp bọn tham quan ô lại đục khoét lương dân thì súng và lựu đạn của tôi sẽ không từ!
Hoàng Trọng Phu mỉm cười ra về không nói câu nào nữa!
Ngày mồng 2 tháng 3, Hội Đồng Đề Hình Bắc Việt cho phép gia quyến Nguyễn Thái Học được vào ngục thất Hỏa Lò thăm. Nguyễn Thái Học lạy tạ mẹ già rồi nói: “Đắc trung thất hiếu, xin mẹ tha thứ cho con.”
IV-ĐỜI TÌNH ÁI
Từ sau vụ ám sát Bazin, Nguyễn Thái Học đeo hai cái án xử vắng mặt với trát truy nã rất gắt gao đến các hang cùng ngõ hẹp. Nguyễn Thái Học luôn luôn phải hóa trang, khi khoác áo cà sa đóng vai nhà tu hành khổ hạnh đi khuyến giáo; lúc khoác áo thương nhân đóng vai bác lái trâu, lái thuốc lào; hoặc anh nông phu vác cuốc vác vồ ra đồng làm ruộng; đôi khi còn hóa trang giả phụ nữ ra đồng nhổ mạ cấy lúa; cũng có khi đóng vai ông lý Đình Dù vác chiếc ô rách ra chơi Kinh kỳ thăm bà con họ hàng.
Gặp bao hoàn cảnh khó khăn! Nguyễn Thái Học hoạt động cách mạng hăng say hơn bao giờ hết! Công tác chính là công tác kiện toàn lại Đảng tiến tới giai đoạn cấp bách Tổng Khởi Nghĩa. Vấn đề liên lạc được coi như vấn đề hệ trọng, liên lạc luôn phải thay đổi đồng chí để tránh tai mắt nhòm ngó của mật thám. Nên từ đấy được ủy thác cho mấy nữ đảng viên: Đỗ Thị Tâm, Nguyễn Thị Tình, Nguyễn Thị Thành, Nguyễn Thị Bắc, Nguyễn Thị Giang… Cô Giang là nữ liên lạc đứng vào hạng xuất sắc nhất. Không những thế, cô Giang còn là một tay tuyên truyền giỏi, tổ chức được Binh đoàn Yên Bái, Binh đoàn này làm nên cuộc Tổng Khởi Nghĩa đêm mồng 9 rạng mồng 10 hồi tháng 2 năm 1930.
Nguyễn Thái Học hoạt động cách mạng mạnh mẽ trong thời kỳ ấy, một phần lớn là nhờ sự giúp đỡ của nhân dân; và cũng một phần phải nhờ ở tai mắt và sự khuyên ngăn khuyến khích của Nguyễn Thị Giang và một đồng chí luôn luôn ở bên cạnh để bảo vệ là Sư Trạch, hai người này là hai cánh tay của Nguyễn Thái Học vậy. Nhiều khi Thái Học phải cải trang tạm lánh ở vùng Hòa Bình, Ninh Bình, Phú Thọ, nơi rừng núi bao la. Nguyễn Thị Giang luôn luôn đem tin tức cho Thái Học và lại đem chỉ thị của Thái Học truyền đi các nơi. Bất cứ một công tác nào, dầu khó khăn đến đâu, được Đảng trao phó, cô Giang đều thi hành có kết quả.
Theo điều lệ của VNQDĐ thì không kết nạp phụ nữ vào Đảng, mà chỉ có sự kết nạp vào Đoàn. Trường hợp Nguyễn Thị Bắc và Nguyễn Thị Giang là một trường hợp đặc biệt. Vì trước ngày thành lập VNQDĐ, hai cô Bắc và Giang đã ở trong tổ chức cách mạng bí mật của cụ Nguyễn Khắc Nhu ở Bắc Giang. Đến khi cụ Nguyễn Khắc Nhu tham gia VNQDĐ thì lý đương nhiên cả tổ chức của cụ cũng đều được tham gia VNQDĐ.
Bắc, Giang, Tỉnh là 3 chị em ruột, con một nhà Nho ở phủ Lạng Thương tỉnh Bắc Giang. Vốn nhà thanh bạch, nhưng cả 3 cô đều có công, dung, ngôn hạnh hoàn toàn. Hai cô chị lại được học ít nhiều Hán văn, chữ Pháp theo hết bậc Tiểu học. Cô Giang lại thông minh sắc sảo và tài ba hơn cô chị nhiều. Mặt hơi rỗ huê, nhan sắc tuy không đẹp lắm, nhưng duyên dáng và lịch sự vô cùng. Vì nhà nghèo nên cô phải thôi học sớm, về làm nghề dạy trẻ em, nên người ta thường gọi cô giáo Giang.
Một đôi trai tài gái sắc, lại cùng chung chí hướng, cùng cảnh ngộ, cùng có dịp gần gũi bên nhau luôn, nên chẳng mấy lúc đã nảy lên những tiếng đàn đồng điệu. Họ đã cảm thông và đồng quan điểm như nhau, họ cảm thấy yêu nhau, và đã cảm thấy không thể xa cách được nhau.
Một buổi chiều hè, trên đường từ Phú Thọ về miền xuôi, Nguyễn Thái Học cùng Nguyễn Thị Giang cùng ghé vào đền Hùng Vương để hội đàm với Phó Đức Chính, Lê Hữu Cảnh và Đặng Trần Nghiệp. Sau khi họp bàn xong, Học và Giang rủ nhau ra ngoài hóng gió.
Đêm đã vào khuya, Lê Hữu Cảnh bước ra sân đền, với ý định gọi hai người vào ngủ. Cảnh thấy Nguyễn Thái Học vì quá mệt mỏi đã ngồi tựa lưng vào gốc cây ngủ say, bên cạnh cô Giang ngồi tay phe phẩy quạt xua muỗi và trông chừng. Lê Hữu Cảnh lặng lẽ quay gót vào mật bàn với Phó Đức Chính và Đặng Trần Nghiệp: có dịp thuận tiện nên yêu cầu Đảng bộ cho phép Học, Giang được thành đôi lứa kết hôn.
Một lần khác lại có dịp qua đền Hùng Vương. Thái Học cùng cô Giang vào chiêm bái, trước bàn thờ Tổ, khói nhang nghi ngút, hai người cùng nhau thề thốt nặng lời. Thề thế nào cũng lấy nhau nhưng chỉ thành chính thức sau khi cách mạng thành công, và được Đảng cho phép. Thấy Nguyễn Thái Học đeo khẩu súng lục, cô Giang xin được đeo, để sau này Nguyễn Thái Học có vì Tổ Quốc mà mệnh hệ nào thì Giang cũng quyết dùng khẩu súng này để chết theo!
Tình yêu làmột việc riêng, nhưng nhiệm vụ đối với Đảng là một việc công. Bất cứ công tác gì dầu khó đến đâu, Nguyễn Thị Giang đều làm chu đáo.
Cuộc Tổng Khởi Nghĩa thất bại. Quay về Bắc Ninh, Bắc Giang, Nguyễn Thị Giang đang chuẩn bị việc đánh chiếm một đồn binh Khố Xanh để làm căn cứ địa thì được tin Nguyễn Thái Học đã bị bắt, ban đầu cô còn nghi ngờ, vì rất có thể thực dân cho phao đồn tin ấy để trấn áp dư luận, khủng bố tinh thần những đảng viên còn thoát ở vòng ngoài, chứ chưa chắc đã là sự thực, cô Giang liền thu xếp mọi việc rồi tức tốc sang Hà Nội, tìm đến Lê Hữu Cảnh. Cảnh cho biết Nguyễn Thái Học đã bị bắt thật rồi! Ngoài anh Học ra, Sư Trạch, Phó Đức Chính, Nguyễn Như Liên cũng đều bị bắt hết.
Nghe Lê Hữu Cảnh thuật lại xong, cô Giang nghẹn ngào gần như tắt thở. Cô rất lo cho tiền đồ của Đảng, vận mệnh của Tổ Quốc. Tinh thần cô Giang trở nên khủng hoảng, bỗng dưng khóc, bỗng dưng cười, gần như một người mất trí, người điên, khiến các đồng chí của cô có mặt ở Hà Nội, phải tìm hết lời an ủi và tìm đủ mọi cách để bảo vệ tính mạng cho cô có thể ở yên tại Hà Nội, để gián tiếp thăm nom và giữ vững tinh thầncho Nguyễn Thái Học.
Một ý nghĩ táo bạo thoáng xuất hiện trong đầu óc cô Giang, là phải làm thế nào để cứu thoát được Nguyễn Thái Học và các đồng chí bây giờ? Cô Giang đem ý định bàn với các đồng chí tổ chức một cuộc bạo động để cướp lại tự do cho Nguyễn Thái Học, các đồng chí và tất cả những đồng bào bị thực dân giam cầm trong ngục thất Hỏa Lò. Trong ngục thất Hỏa Lò, Nguyễn Thái Học cùng các đồng chí bí mật viết một tờ báo lấy tên là “Tù Nhân Báo” để cổ võ tinh thần các đồng chí và tuyên truyền cách mạng trong các trại giam. Những vật liệu viết báo đều do tài vận động của cô Giang qua tay Giám thị và lính Lê Dương có phận sự canh gác ngục thất Hỏa Lò. Cô Giang còn tìm đủ mọi cách để gởi quà bánh và thông báo tin tức ở ngoài vào cho Nguyễn Thái Học. Thái Học cũng luôn luôn gởi thư ra khuyến khích cô Giang nên tích cực hợp tác với các đồng chí ở ngoài để cải tổ phụng sự Đảng hầu làm tròn sứ mạng giải phóng dân tộc ở tương lai.
Đến chiều ngày 16 tháng 6, một đồng chí tất tả chạy đến báo cho cô Giang biết: “Tối nay Nguyễn Thái Học cùng 12 đồng chí sẽ bị đưa lên Yên Bái để hành hình.”
Tin đâu sét đánh ngang tai! Cô Giang lo lắng bồi hồi, ngồi không yên mà đứng cũng không yên! Đợi trời đổ tối, cô Giang dấu khẩu súng lục trong mình và mấy trái bom trong tay nải, rồi lẳng lặng cùng mấy đồng chí tìm những con đường vắng tiến ra ga Hàng Cỏ; nhưng không thể làm thế nào lên được trên xe lửa; sau nhờ có mấy đồng chí đốt than và thợ máy ngầm đưa quần áo cải trang, cô Giang và mấy đồng chí mới lên được toa xe lửa.
Dưới vòm trời đen tối, sương sa mờ mịt, gió lộng từng cơn, bánh xe lửa rít lên không gian im lặng, lòng Nguyễn Thị Giang càng se thắt lại. Cùng đi một chuyến xe mà không được gặp nhau, dầu chỉ nói được một câu thôi! Bao nhiêu tình yêu thương, bao nhiêu nỗi căm hờn rồn rập cả vào tâm hồn nhà nữ cách mạng trẻ tuổi ấy! Hai giòng lệ trào xuống. Thôi thế là hết! Chỉ còn mấy tiếng đồng hồ nữa thôi! Nguyễn Thị Giang mím miệng lắc đầu lảo đảo bước xuống ga Yên Bái.
Trống điểm tàn canh, gà gáy rồn báo sáng. Nguyễn Thị Giang cùng hai đồng chí cải trang thành nông phu địa phương lặng lẽ tiến đến pháp trường.
Trước sức mạnh của thực dân, hàng rào lính, cảnh binh và mật thám vây kín, không cho phép một ai được bén mảng đến gần. Nguyễn Thị Giang đành xen vào đứng lẫn trong đám người đến xem từ phía xa nhìn vào. Một lần nữa âm mưu phá pháp trường lại thất bại! Cô Giang cố nén nỗi căm hờn uất hận, không hề lộ ra nét mặt để một ai hay!
Cô Giang đã chứng kiến suốt từ đầu đến cuối tấn bi kịch chém giết dã man tàn bạo của quân cướp nước. Còn sự đau đớn nào hơn mỗi khi nhìn thấy lưỡi dao phập xuống, đầu một đồng chí rơi, máu đào phun ra; rồi cuối cùng đến người mà mình tôn thờ yêu quý. Những giòng máu trong cổ tuôn ra là những mũi dao đâm vào con tim người liệt nữ.
Tấn thảm kịch hạ màn vào đúng hồi 5 giờ 35 phút sáng ngày 17 tháng 6 năm 1930. Cô Giang cố gắng lấy lại bình tĩnh, lặng lẽ bước theo đám người lui về nhà trọ, nằm vật xuống giường nghỉ ngơi chốt lát rồi mua giấy bút viết hai bức thư “Tuyệt Mệnh” trên ba trang giấy trắng khổ hẹp bằng bút chì xanh, đề ngày 17 tháng 6, nguyên văn như sau:
Bức Thứ Nhất:
“Thưa Thày, Mẹ,
Con chết là vì hoàn cảnh bó buộc con. Không báo được thù nhà, rửa được nhục cho nước! Sau khi đã đem tấm lòng trinh bạch dâng cho chồng con ở Đền Hùng.
Giờ con tìm về chỗ quê cha đất tổ, mượn phát súng này mà kết liễu đời con.
Đứa con dâu bất hiếu kính lạy,
Nguyễn Thị Giang.”
Bức Thứ Hai:
“Anh đã là người yêu nước!
Không làm tròn được nghĩa vụ cứu quốc!
Anh giữ lấy tấm linh hồn cao cả để về chiêu binh rèn lính ở dưới suối vàng!
Phải chịu đựng nhục nhã mới có ngày mong được vẻ vang! Các bạn đồng chí phải sống lại sau anh để đánh đổ cường quyền mà cứu lấy đồng bào đau khổ.”
“Thân không giúp ích cho đời!
Thù không trả được cho người tình chung!
Dẫu rằng đương độ trẻ trung,
Quyết vì dân chúng thề lòng hy sinh;
Con đường tiến bộ mông mênh,
Éo le hoàn cảnh buộc mình biết sao!
Bây giờ hết kiếp thơ đào,
Gian nan bỏ mặc đồng bào từ đây!
Dẫu rằng chút phận thơ ngây,
Sổ đồng chí đã có ngày ghi tên;
Chết đi dạ những buồn phiền,
Nhưng mà hoàn cảnh truân chuyên buộc mình!
Đảng kỳ phất phới trên thành,
Tủi thân không được chết vinh dưới cờ!
Cực lòng nhỡ bước sa cơ,
Chết sầu chết thảm có thừa sót sa,
Thế ru! Đời thế ru mà.
Đời mà ai biết! Người mà ai hay!”
Nguyễn Thị Giang
Viết xong hai bức tâm thư, cô Giang ra chợ mua mấy vuông vải trắng thắt ngang đầu, và ngay buổi chiều tối hôm ấy, cô đáp xe lửa trở về Vĩnh Yên. Tờ mờ sáng hôm sau, cô Giang trở về làng Thổ Tang, vào mái nhà xưa của Nguyễn Thái Học, báo tin Thái Học đã bị hành hình rồi lạy tạ cụ ông và cụ bà Nguyễn Văn Hách, trối trăng lại mấy lời tâm sự, tháo chiếc đồng hồ đương đeo tay tặng cho Nguyễn Văn Lâm, mặt sau đồng hồ có khắc chữ “G”, rồi long thong như người mất trí tiến ra cái quán bán nước trà xanh dưới gốc cây đề, tục gọi là xóm Mới, thuộc xã Đông Vệ, giáp quốc lộ 2, cách làng Thổ Tang ngót một cây số.
Ngồi uống bát nước trà xanh, nghĩ đến tình nhà nợ nước, mà lòng đau xót chua cay, tinh thần cô rất là rối loạn; nhưng chí đã quyết định, cô liền từ biệt bà chủ quán ra đứng dưới gốc cây đề, hướng mặt về làng Thổ Tang, rút khẩu súng lục mà Nguyễn Thái Học đã tặng cô ở đền Hùng Vương ra kết liễu đời mình; hôm ấy là ngày 18 tháng 6 năm 1930, tức ngày 22 tháng 5 năm Canh Ngọ (22 tuổi).
Một vụ án mạng, hương lý xã Đông Vệ cấp báo với Tri phủ Vĩnh Tường. Phủ cấp báo lên Tỉnh, Công sứ Vĩnh Yên đánh điện về sở mật thám Hà Nội.
Thi thể cô Giang nằm dưới gốc cây đề, bên cạnh có khẩu súng lục phơi sương nắng cho mãi đến hồi 16 giờ ngày hôm sau, bọn thực dân mới kéo nhau đến. Arnoux còn đem theo Thanh Giang và Nguyễn Quý từ Hà Nội lên để nhận diện.
Viện cớ khám nghiệm, Chính quyền thực dân bắt lột hết quần áo cô Giang. Khi khám xét xong, không cho phép mặc lại rồi hạ lệnh cho Tri phủ Vĩnh Tường cùng hương lý sở tại mai táng chứ không cho phép gia đình Nguyễn Thái Học làm phận sự ấy.
Công sứ Vĩnh Yên lại ra lệnh bắt đào huyệt sâu hơn 3 mét, trên đắp thành nấm tròn, bắt dân sở tại phải làm điếm canh nơi gần mộ, cho mãi đến cuối năm 1930 mới bãi lệnh.
Khách bộ hành qua đấy thường thấy phủ kín trên nấm mồ nhà nữ cách mạng Nguyễn Thị Giang những bó hoa tươi thắm, và những nén nhang khói tỏa nghi ngút suốt 5 canh. Một chiến sĩ vô danh thời ấy đã vịnh bài thơ:
Sống nhục sao bằng sự thác vinh!
Nước non cho vẹn kiếp chung tình.
Lưỡi dao xử tử chàng không ngại!
Tiếng súng quyên sinh thiếp cũng đành!
Một tấm can tràng trời đất thảm,
Ngàn thu vẹn tiết quỷ thần kinh
Cuộc đời xá kể chi thành bại,
Trai đã trung thì gái phải trinh!
V- GIA ĐÌNH NGUYỄN THÁI HỌC
Làng Thổ Tang, quê hương Nguyễn Thái Học quy vuông 3 cây số, đông giáp làng Sơn Tang, tây giáp làng Lũng Ngoại, nam giáp làng Phương Viên, Thượng Chưng, bắc giáp quốc lộ 2. Chỗ rẽ vào làng tục gọi ngã ba Gốc Đề, tức là nơi Nguyễn Thị Giang tự tử.
Nguyễn Thái Học có tất cả 4 người em: Nguyễn Thị Hiền, Nguyễn Văn Nho, Nguyễn Văn Lâm, Nguyễn Văn Nỉ.
Nguyễn Văn Nho tính tình giống anh. Năm 1928 còn là học sinh lớp nhất trường Tiểu học Pháp-Việt, Việt Trì, bị thực dân ra lệnh đuổi ra khỏi trường, vì là em của Nguyễn Thái Học. Nguyễn Văn Nho bắt đầu theo Nguyễn Thái Học dấn thân vào con đường cách mạng. Bị Hội Đồng Đề Hình kết án xử tử vì hai tội: giết Phạm Huy Du và làm kinh tài cho Đảng rất táo bạo.
Nguyễn Văn Lâm, người em thứ tư, đương theo học lớp nhất trường Tiểu học Vĩnh Tường, cũng bị thực dân ra lệnh đuổi. Lâm là người rất thông minh, tính tình khảng khái, trở về nhà mua sách báo tự học, thông thạo cả tiếng Pháp, Anh và Nhật; cũng tự đọc sách nghiên cứu mà trở nên một nhiếp ảnh viên lành nghề.
Hồi tháng 6 năm 1946, Trần Huy Liệu lên diễn thuyết tại trụ sở UBKCHC phủ Vĩnh Tường. Nhân dịp Trần Huy Liệu ghé vào thăm vị từ mẫu Nguyễn Thái Học. Nguyễn Văn Lâm chỉ vào mặt Trần Huy Liệu mà nói:
- Gia đình tao không thèm chơi với tên phản Đảng, phản Quốc, cút đi ngay!
Rồi tìm gạch liệng, Trần Huy Liệu phải tự rút lui. Đến cuối năm 1947, quân đội Liên Hiệp Pháp hành quân tấn công thượng du Bắc Việt. Một toán lính nhảy dù xuống địa phương Trình Diện, cách làng Thổ Tang 9 cây số; một toán khác nhảy dù xuống Đồi Me thuộc khu vực ga Chống (Bạch Hạc), cách làng Thổ Tang 3 cây số, cùng tiến vây chặt trụ sở UBKCHC huyện do Việt Minh đặt tại làng Thổ Tang.
Hay tin Pháp quân đổ bộ, dân làng Thổ Tang bỏ chạy hết, chỉ còn một số rất ít không chạy kịp, trong số đó có Nguyễn Văn Lâm, bị Pháp quân bắt tập trung ở đình làng. Pháp quân dụ Lâm suốt cả tiếng đồng hồ, nhưng Lâm nhất định không chịu theo, còn mắng lại:
- Gia đình tao là gia đình cách mạng, hai anh em tao đã chết bởi bàn tay chúng mày; tao không bao giờ lại đi theo quân cướp nước.
Lâm nhất định không theo, Pháp nhất định giết. Lâm trả lời:
- Nếu chúng mày muốn giết tao, hãy đưa tao về nhà hãy giết.
Theo ý muốn của Nguyễn Văn Lâm, Pháp quân đưa về nhà. Đứng dưới cây dâu già, Lâm vạch áo phanh ngực cho Pháp bắn.
Giết xong Nguyễn Văn Lâm, Pháp quân quay vào đốt nhà cướp trâu, bắt lợn, gà, rồi kéo nhau đi. Hôm ấy là ngày 19 tháng 11 năm 1947.
Nguyễn Văn Nỉ, người em út của NguyễnThái Học vì còn nhỏ tuổi, nên mãi đến năm 1945 mới tham gia cách mạng. Được theo học nhiều lớp quân, chính của Đảng. Đến đầu năm 1948, Nguyễn Văn Nỉ theo các đồng chí rút sang Trung Hoa. Năm 1949, Hồng quân lan tràn khắp lục địa Trung Hoa, Nguyễn Văn Nỉ cùng một số đồng chí bị mắc kẹt không kịp trở về Việt Nam.
Gia đình Nguyễn Thái Học lại còn hy sinh cả người chú đồng chí là Nguyễn Quang Triểu, người ném bom Hà Nội đêm mồng 10 tháng 2 năm 1930, cùng lên máy chém với Nguyễn Văn Nho.
Gia đình Nguyễn Thái Học có một cháu trai độc nhất là Nguyễn Thái Tuấn, năm nay vào khoảng 20, là con của Nguyễn Văn Lâm, giòng máu cuối cùng của một gia đình hy sinh cả cho Tổ Quốc (1967).
Viết đến đây chúng tôi không thể không nói đến một chuyện đã xảy ra vào hồi năm 1953, để chứng tỏ tính tình cương trực của vị từ mẫu của Nguyễn Thái Học. Nguyên vào hồi tháng 7 năm 1953, khi ấy Nguyễn Hữu Trí làm Thủ hiến Bắc Việt kinh lý tỉnh Vĩnh Yên, qua phủ lỵ Vĩnh Tường (làng Thổ Tang), phái Quận trưởng vào mời vị từ mẫu của Nguyễn Thái Học ra Quận đường để tiếp kiến nhưng vị từ mẫu ấy khước từ. Trước khi ra về, Nguyễn Hữu Trí trao hai ngàn đồng cho Quận trưởng nhờ đưa kính biếu nhưng vị từ mẫu ấy cũng nhất định không nhận mặc dầu Quận trưởng Vĩnh Tường đã cầu khẩn hết lời. Một lần khác, thấy vị từ mẫu của Nguyễn Thái Học làm ruộng nhưng không có trâu cày, Quận trưởng Vĩnh Tường đích thân dắt một con trâu đến kính biếu cũng bị từ chối.
- Không thành công thì thành nhân!Lời Liệt sĩ Nguyễn Thái Học, Đảng Trưởng Việt Nam Quốc Dân Đảng, nói trước khi bị chính quyền Thực Dân Pháp xử tử ở tỉnh Yên Báy ngày 17 Tháng 6, năm 1930.
Phó Đức Chính thành viên lãnh đạo VNQDĐ
Phó Đức Chính (1907-1930)
Phó Đức Chính Trưởng Ban Tổ Chức Việt Nam Quốc Dân Đảng, sinh năm 1907, đền nợ nước tại pháp trường Yên Bái ngày 17-06-1930. Đúng ra ông sống trên đời có 23 năm, nhưng tên ông đã đi vào lịch sử.
Phó Đức Chính sinh năm 1907, người làng Đa Ngưu (nay thuộc xã Tân Tiến) huyện Văn Giang, xuất thân trong một gia đình nho học. Ông học Trường Cao đẳng Công chính Hà Nội.
Tháng 12 năm 1927, Phó Đức Chính tham gia thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng và là một trong những thành viên lãnh đạo của Tổng Bộ Việt Nam Quốc Dân Đảng, phụ trách công tác tổ chức và phát triển Đảng.
Tốt nghiệp trường Công chính, Phó Đức Chính được bổ nhiệm sang làm việc ở Lào. Ngày 9 tháng 2 năm 1929 một đảng viên của VNQDĐ là Nguyễn Văn Viên ám sát tên mộ phu người Pháp tên là Bazin ở phố Huế, Hà Nội. Việt Nam Quốc Dân Đảng bị thực dân Pháp khủng bố. Có người khai báo nên Phó Đức Chính bị bắt đưa về nước, tuy nhiên thực dân không có chứng cớ gì để buộc tội ông.
Được trả tự do, Phó Đức Chính dấn thân vào con đường cách mạng đánh đuổi Thực Dân Pháp ra khỏi đất nước giành độc lập cho dân tộc, ông về quê Thanh Hóa trả hết những kỷ vật cho vị hôn thê là cô Thắm để dấn thân vào con đường cách mạng.
Sau khi giết tên mộ phu Bazin, Thực Dân Pháp tăng cường khủng bố Việt Nam Quốc Dân Đảng ở khắp mọi nơi. Ngày 17-9-1929 Tổng bộ Việt Nam Quốc Dân Đảng đã triệu tập Hội Nghị tại xã Lạc Đạo (Văn Lâm) để bàn việc Tổng khởi Nghĩa. Cuộc họp đã quyết định tổng khởi nghĩa với một câu nói lịch sử của Nguyễn Thái Học “Không thành công thì thành nhân”.
Công việc tiến hành gấp rút để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa. Tại cuộc họp Tổng bộ ở làng Võng La, xã Hạ Bì (Thanh Thủy, Phú Thọ) có kẻ dẫn lính Tây đến bao vây. Phó Đức Chính bị bắn một viên đạn vào ngực nhưng vẫn chạy thoát, viên đạn này nằm trong người ông cho đến ngày ông lên máy chém đến nợ nước ngày 17-06-1930. Không bắt được các lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng, thực dân Pháp ra lệnh triệt hạ làng Võng La.
Sau vụ Võng La, Thực Dân Pháp khủng bố Việt Nam Quốc Dân Đảng càng dữ dội. Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu và Phó Đức Chính thấy chỉ còn biện pháp duy nhất là khởi nghĩa càng sớm càng tốt. Ngày 26-1-1930, Hội nghị đại biểu toàn quốc Việt Nam Quốc Dân Đảng họp tại làng Mỹ Xá, huyện Nam Sách (Hải Dương) đã quyết định tổng khởi nghĩa vào ngày 9/2/1930, phân công các chỉ huy đánh chiếm thị xã Yên Bái, Sơn Tây, Hưng Hóa, Phả Lại, Hải Dương, Hải Phòng, Kiến An, Hà Nội… Phó Đức Chính được giao đánh Sơn Tây. Gần tới ngày khởi sự, vì lực lượng đánh Sơn Tây ít nên Phó Đức Chính lên tham gia khởi nghĩa Yên Bái trước.
Sáng sớm ngày 9/2/1930, quân Cách Mạng VNQDĐ cải trang làm người đi chợ đổ về thị xã Yên Bái, đến chiều đã tập trung tại một khu rừng sơn gần thị xã. Phó Đức Chính mặc quân phục đứng ra diễn thuyết và phân phát khí giới.
Một giờ sáng ngày 10/2/1930, hai cơ binh khố đỏ số 5 và số 6 ở đồn dưới chân đồi hưởng ứng lời kêu gọi của quân cách mạng VNQDĐ đã mở cửa đón nghĩa quân, phân phát súng, kéo quân kỳ Việt Nam Quốc Dân Đảng, tấn công bọn chỉ huy Pháp giết chết nhiều binh lính và sĩ quan Pháp trong đó có tên quan ba. Nhưng lính khố đỏ ở trên đồn bắn xuống dữ dội, nghĩa quân không sao chiếm được, có nguy cơ bị vây kín trong trại. Lính khố xanh cũng không được tuyên truyền nên khi cuộc khởi nghĩa nổ ra giữ thái độ trung lập. Bị tấn công dữ dội, núng thế, Phó Đức Chính và Ban chỉ huy phải cho anh em xông pha lửa đạn rút vào rừng.
Khởi nghĩa Yên Bái thất bại, Phó Đức Chính vẫn hăng hái cùng một số đồng chí VNQDĐ về Sơn Tây gấp rút chuẩn bị đánh đồn Thông. Ngày 13/2/1930, kho bom của quân khởi nghĩa để ở Quang Húc đã bị quân Pháp phát hiện lấy hết, nhưng Phó Đức Chính vẫn quyết tâm hạ đồn. Chiều ngày 15/2/1930, Phó Đức Chính cùng Nguyễn Văn Khôi đang làm việc ở nhà quản Tân tại làng Nam An (tổng Cẩm Thượng, huyện Tùng Thiện, Sơn Tây) thì bị bắt.
Không bao lâu đảng trưởng Nguyễn Thái Học cùng nhiều yếu nhân khác của VNQDĐ cũng bị bắt. Hội đồng đề hình Thực Dân Pháp xử 10 án khổ sai có thời hạn, 34 án khổ sai chung thân, 50 án đi đầy, 40 án tử hình trong đó có Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính. Kết án xong, tên chủ tịch Hội đồng đề hình hỏi Phó Đức Chính có chống án không? Phó Đức Chính cười đáp: Đời người ta làm có một việc, hỏng cả một việc sống nữa mà làm gì?
Thực dân Pháp giam các Đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng bị án tử hình hơn 3 tháng ở Hà Nội, rồi chúng giải 13 người bị án chém lên Yên Bái. 5 giờ 30 sáng ngày 17 tháng 06 năm 1930, Thực Dân Pháp đưa các chiến sĩ cách mạng VNQDĐ ra hành hình. Mọi người đều hiên ngang, bất khuất khiến cho kẻ thù phải khiếp sợ, nhân dân kính phục và tỏ lòng thương cảm vô hạn. Phó Đức Chính bị xử thứ 12. Ông đòi chúng đặt nằm ngửa để nhìn lưỡi dao máy chém. Phó Đức Chính chỉ kịp hô “Việt Nam vạn tuế” thì lưỡi dao tàn bạo của Thực dân đã hạ xuống chặt đứt đầu ông. Phó Đức Chính đã hy sinh trong tư thế một vị anh hùng, tính đến ngày 17-06-1930 Phó Đức Chính chưa tròn 23 tuổi nhưng tên anh sống mãi trong lòng dân tộc.
<><><><><><>>
“Một khi lòng sợ sệt đã chen vào đầu óc quần chúng khiến họ hết hăng hái, hết tin tưởng, thì phong trào cách mạng có thể nguội lạnh như đám tro tàn, rồi người của Đảng cũng sẽ liên tiếp bị bắt dần, vô tình xô đẩy anh em vào cái chết lạnh lùng mòn mõi ở các phòng ngục trại giam. Âu là chết đi để thành cái gương phấn đấu cho người sau nối bước. Không thành công thì cũng thành nhân”- Lời cố đảng trưởng Nguyễn Thái Học, chủ tịch Việt Nam Quốc Dân Đảng, phát biểu trong cuộc họp ngày 26-1-1930 tại Nam Sách, Hải Dương.
Nguồn : http://vietquoc.org/?page_id=174
Phó Đức Chính Trưởng Ban Tổ Chức Việt Nam Quốc Dân Đảng, sinh năm 1907, đền nợ nước tại pháp trường Yên Bái ngày 17-06-1930. Đúng ra ông sống trên đời có 23 năm, nhưng tên ông đã đi vào lịch sử.
Phó Đức Chính sinh năm 1907, người làng Đa Ngưu (nay thuộc xã Tân Tiến) huyện Văn Giang, xuất thân trong một gia đình nho học. Ông học Trường Cao đẳng Công chính Hà Nội.
Tháng 12 năm 1927, Phó Đức Chính tham gia thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng và là một trong những thành viên lãnh đạo của Tổng Bộ Việt Nam Quốc Dân Đảng, phụ trách công tác tổ chức và phát triển Đảng.
Tốt nghiệp trường Công chính, Phó Đức Chính được bổ nhiệm sang làm việc ở Lào. Ngày 9 tháng 2 năm 1929 một đảng viên của VNQDĐ là Nguyễn Văn Viên ám sát tên mộ phu người Pháp tên là Bazin ở phố Huế, Hà Nội. Việt Nam Quốc Dân Đảng bị thực dân Pháp khủng bố. Có người khai báo nên Phó Đức Chính bị bắt đưa về nước, tuy nhiên thực dân không có chứng cớ gì để buộc tội ông.
Được trả tự do, Phó Đức Chính dấn thân vào con đường cách mạng đánh đuổi Thực Dân Pháp ra khỏi đất nước giành độc lập cho dân tộc, ông về quê Thanh Hóa trả hết những kỷ vật cho vị hôn thê là cô Thắm để dấn thân vào con đường cách mạng.
Sau khi giết tên mộ phu Bazin, Thực Dân Pháp tăng cường khủng bố Việt Nam Quốc Dân Đảng ở khắp mọi nơi. Ngày 17-9-1929 Tổng bộ Việt Nam Quốc Dân Đảng đã triệu tập Hội Nghị tại xã Lạc Đạo (Văn Lâm) để bàn việc Tổng khởi Nghĩa. Cuộc họp đã quyết định tổng khởi nghĩa với một câu nói lịch sử của Nguyễn Thái Học “Không thành công thì thành nhân”.
Công việc tiến hành gấp rút để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa. Tại cuộc họp Tổng bộ ở làng Võng La, xã Hạ Bì (Thanh Thủy, Phú Thọ) có kẻ dẫn lính Tây đến bao vây. Phó Đức Chính bị bắn một viên đạn vào ngực nhưng vẫn chạy thoát, viên đạn này nằm trong người ông cho đến ngày ông lên máy chém đến nợ nước ngày 17-06-1930. Không bắt được các lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng, thực dân Pháp ra lệnh triệt hạ làng Võng La.
Sau vụ Võng La, Thực Dân Pháp khủng bố Việt Nam Quốc Dân Đảng càng dữ dội. Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu và Phó Đức Chính thấy chỉ còn biện pháp duy nhất là khởi nghĩa càng sớm càng tốt. Ngày 26-1-1930, Hội nghị đại biểu toàn quốc Việt Nam Quốc Dân Đảng họp tại làng Mỹ Xá, huyện Nam Sách (Hải Dương) đã quyết định tổng khởi nghĩa vào ngày 9/2/1930, phân công các chỉ huy đánh chiếm thị xã Yên Bái, Sơn Tây, Hưng Hóa, Phả Lại, Hải Dương, Hải Phòng, Kiến An, Hà Nội… Phó Đức Chính được giao đánh Sơn Tây. Gần tới ngày khởi sự, vì lực lượng đánh Sơn Tây ít nên Phó Đức Chính lên tham gia khởi nghĩa Yên Bái trước.
Sáng sớm ngày 9/2/1930, quân Cách Mạng VNQDĐ cải trang làm người đi chợ đổ về thị xã Yên Bái, đến chiều đã tập trung tại một khu rừng sơn gần thị xã. Phó Đức Chính mặc quân phục đứng ra diễn thuyết và phân phát khí giới.
Một giờ sáng ngày 10/2/1930, hai cơ binh khố đỏ số 5 và số 6 ở đồn dưới chân đồi hưởng ứng lời kêu gọi của quân cách mạng VNQDĐ đã mở cửa đón nghĩa quân, phân phát súng, kéo quân kỳ Việt Nam Quốc Dân Đảng, tấn công bọn chỉ huy Pháp giết chết nhiều binh lính và sĩ quan Pháp trong đó có tên quan ba. Nhưng lính khố đỏ ở trên đồn bắn xuống dữ dội, nghĩa quân không sao chiếm được, có nguy cơ bị vây kín trong trại. Lính khố xanh cũng không được tuyên truyền nên khi cuộc khởi nghĩa nổ ra giữ thái độ trung lập. Bị tấn công dữ dội, núng thế, Phó Đức Chính và Ban chỉ huy phải cho anh em xông pha lửa đạn rút vào rừng.
Khởi nghĩa Yên Bái thất bại, Phó Đức Chính vẫn hăng hái cùng một số đồng chí VNQDĐ về Sơn Tây gấp rút chuẩn bị đánh đồn Thông. Ngày 13/2/1930, kho bom của quân khởi nghĩa để ở Quang Húc đã bị quân Pháp phát hiện lấy hết, nhưng Phó Đức Chính vẫn quyết tâm hạ đồn. Chiều ngày 15/2/1930, Phó Đức Chính cùng Nguyễn Văn Khôi đang làm việc ở nhà quản Tân tại làng Nam An (tổng Cẩm Thượng, huyện Tùng Thiện, Sơn Tây) thì bị bắt.
Không bao lâu đảng trưởng Nguyễn Thái Học cùng nhiều yếu nhân khác của VNQDĐ cũng bị bắt. Hội đồng đề hình Thực Dân Pháp xử 10 án khổ sai có thời hạn, 34 án khổ sai chung thân, 50 án đi đầy, 40 án tử hình trong đó có Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính. Kết án xong, tên chủ tịch Hội đồng đề hình hỏi Phó Đức Chính có chống án không? Phó Đức Chính cười đáp: Đời người ta làm có một việc, hỏng cả một việc sống nữa mà làm gì?
Thực dân Pháp giam các Đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng bị án tử hình hơn 3 tháng ở Hà Nội, rồi chúng giải 13 người bị án chém lên Yên Bái. 5 giờ 30 sáng ngày 17 tháng 06 năm 1930, Thực Dân Pháp đưa các chiến sĩ cách mạng VNQDĐ ra hành hình. Mọi người đều hiên ngang, bất khuất khiến cho kẻ thù phải khiếp sợ, nhân dân kính phục và tỏ lòng thương cảm vô hạn. Phó Đức Chính bị xử thứ 12. Ông đòi chúng đặt nằm ngửa để nhìn lưỡi dao máy chém. Phó Đức Chính chỉ kịp hô “Việt Nam vạn tuế” thì lưỡi dao tàn bạo của Thực dân đã hạ xuống chặt đứt đầu ông. Phó Đức Chính đã hy sinh trong tư thế một vị anh hùng, tính đến ngày 17-06-1930 Phó Đức Chính chưa tròn 23 tuổi nhưng tên anh sống mãi trong lòng dân tộc.
VNQDĐ trong giòng sử Việt – Thành Lập Đảng
Dưới đây là bài nói về thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng ngày 25-12-1927 với những chú thích và chi tiết đặc biệt. I- Vài nét chính về tình hình chính trị Việt Nam thời Pháp đô hộ.Tháng 07 năm 1858 tức năm vua Tự Đức thứ 11, thực dân Pháp đem quân đánh vào Đà Nẵng, hạ thành An Hải và thành Tôn Hải , Pháp bắt đầu đặt nền đô hộ của thực dân tại Việt Nam. Dưới sự độ hộ của thực dân Pháp, người dân Việt Nam làm thân tôi đòi trâu ngựa phục vụ cho chế độ thực dân. Binh lính Pháp đến đâu thì đốt nhà, cướp của, hiếp dâm phụ nữ…… Thanh niên trai tráng thì bắt đi làm phu đồn điền cao su nơi chốn rừng sâu nước độc, ra đi không có ngày trở về.
Từ khi thực dân Pháp đặt nền đô hộ tại Việt Nam, nhiều cuộc khởi nghĩa đứng lên đánh Pháp dành lại chủ quyền cho dân tộc. Cuộc khởi nghĩa của vua Hàm Nghi rời ngai vàng cung điện Huế chạy ra Tân Sở, Quảng Trị lập phong trào Cân Vương; những cuộc khởi nghĩa của các bậc sĩ phu ba miền Nam, Bắc, Trung tự nỗi lên đánh đuổi thực dân Pháp. Những sĩ phu thời bấy giờ mang tinh thần yêu nước, đứng trước cảnh nước mất nhà tan, dân tộc bị đọa đày mà phò vua diệt giặc.
Cho đến khi hai nhà cách mạng Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh thì công cuộc chống Pháp cứu nước không còn gò bó trong tinh thần “phò vua giết giặc” nữa, mà cả hai ông đã tìm một sinh lộ mới cho dân tộc với một con đường rộng mở hơn, thông thoáng hơn so với các bậc sĩ phu đồng thời hoặc đi trước.
Cụ Phan Chu Trinh, biệt hiệu Tây Hồ (1872-1926) người mở đầu phong trào Duy Tân bằng phương cách hành động như sau: Khai dân trí: bỏ lối học tầm chương trích cú, mở trường dạy chữ quốc ngữ, dạy kiến thức khoa học thực dụng, bài trừ hủ tục xa hoa. Chấn dân khí: thức tỉnh tinh thần tự lực tự cường, mọi người giác ngộ được quyền lợi của mình, giải thoát được nọc độc chuyên chế. Hậu dân sinh: phát triển kinh tế, cho dân khai hoang làm vườn, lập hội buôn, sản xuất hàng nội hóa…
Cụ Phan Bội Châu, biệt hiệu Sào Nam (1867-1940) người thành lập phong trào Duy Tân Hội khởi xướng phong trào Đông Du, cụ bôn ba sang Trung Quốc, rồi Nhật Bản để tìm sự giúp đỡ. Phong trào Đông Du tổ chức đưa thanh niên du học thành tài để trở về cứu nước. Chủ trương của cụ Phan Bội Châu khác với cụ Phan Chu Trinh là dùng võ lực đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi đất nước dành lại độc lập dân tộc. Đang bôn ba trên cách mạng, thì vào cuối năm 1925, cụ bị Pháp bắt ở tô giới Thượng Hải Trung Quốc, có nhiều sách sử ghi lại cụ bị Hồ Chí Minh cùng Lâm Đức Thụ bán đứng cho thực dân Pháp (1) để lấy tiến chia đôi. Cụ bị Pháp đưa về Việt Nam xử tội tử hình sau bị dân chúng biểu tình phản đối cho nên Pháp đưa đi giam lỏng tại Bến Ngự, Huế và cụ mất năm 1940.
Đáp ứng vời tình hình sôi động chính trị lúc bấy giờ, cuối năm 1925 ba thanh niên trí thức trẻ là Phạm Tuấn Lâm (giáo viên), Phạm Tuấn Tài (em của Phạm Tuấn Lâm, giáo viên) và Hoàng Phạm Trân (Nhượng Tống, nhà báo) đứng ra tổ chức Nam Đồng Thư Xã (NĐTX), trụ sở tại số 6 đường 96, khu Nam Đồng trước hồ Trúc Bạch, Hà Nội. Mục đích của Nam Đồng Thư Xã là dịch thuật các sách thuộc loại ái quốc của các tư tưởng cách mạng trên thế giới…. Sách được bán với giá bình dân nên được nhiều người mua đọc, đặc biệt Nam Đồng Thư Xã có những thanh niên thường xuyên lui tới đàm luận, bàn thảo vấn đề cách mạng, lòng yêu nước, trong đó có Nguyễn Thái Học (sinh viên trường Cao Đẳng Thương mại); Phó Đức Chính (sinh viên trường Cao Đẳng Công Chánh); Hồ Văn Mịch (sinh viên trường Cao Đẳng Sư Phạm); và nhiều thanh niên sinh viên các trường Y khoa, Luật Khoa ….. Ảnh hưởng của NĐTX càng ngày càng rộng lớn, hơn thế nữa những thanh niên thường lui tới NĐTX đã tham gia những cuộc biểu tình chống thực dân Pháp, nên mật thám Pháp theo dõi ráo riết và tịch thu các sách của NĐTX.
Từ cái nôi NĐTX có Nguyễn Thái Học, với bầu máu nóng yêu nước thương nòi, là sinh viên 23 tuổi đã gắn liền thân mệnh mình với quê hương dân tộc ông đã hai lần viết thư gữi cho Toàn Quyền Đông Dương người Pháp là Varenne đòi cải cách xã hội nhưng thực dân Pháp không thèm trả lời. Vào tháng 10 năm 1927, Nguyễn Thái Học triệu tập một phiên họp và đưa ra một ý định thành lập một đảng bí mật, dùng võ lực lật đổ chế độ thực dân phong kiến, lập nên một chính thể Cộng Hoà, nhằm đem lại độc lập cho đất nước, hạnh phúc cho toàn dân. Ý kiến này được mọi người trong buổi họp nhiệt liệt hoan nghênh và chấp nhận. Để nhanh chóng tiến đến tổ chức một đảng bí mật như đã định, những người hiện diện tự động kết hợp thành một chi bộ gọi là “CHI BỘ NAM ĐỒNG THƯ XÔ do Nguyễn Thái Học làm chi bộ trưởng và các thành viên trong chi bộ gồm có: Hồ Văn Mịch, Lê Văn Phúc, Hoàng Văn Tùng, Phó Đức Chính, Hoàng Phạm Trân tức Nhượng Tống, Vũ Huy Chân, Nguyễn Hữu Đạt, Lê Thành Vị, Nguyễn Thái Trác và Phạm Quang Vân rồi sau đó chia nhau đi tổ chức và vận động tổ chức thành lập Đảng. Chi Bộ Nam Đồng Thư Xã lớn mạnh thêm với sự tham gia của Nguyễn Thế Nghiệp, Nguyễn Ngọc Sơn, Đỗ Văn Sinh, Nghiêm Toản, Nguyễn Văn Viên, Hoàng Cân và Lưu Văn Huệ.
III- Đại Hội Đại Biểu lần thứ I, thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng:
Đấu tháng 12 năm 1927 một phiên họp được triệu tập và chính trong phiên họp này Nguyễn Thái Học đưa ra đề nghị triệu tập Đại Hội Đại Biểu các tỉnh để chính thức thành lập đảng cách mạng. Phiên họp quyết định:
- Ngày giờ khai mặc đại hội: 20 giờ, ngày 25-12-1927
- Địa điểm Đại Hội: Làng Thể Giáo thuộc thành phố Hà Nội tại nhà đồng chí (2) Lê Thành Vị.
- Thành phần tham dự Đại Hội: Tất cả các đồng chí thuộc chi bộ Nam Đồng Thư Xã và mỗi tỉnh cử một hoặc hai Đại Biểu.
- Ban tổ chức Đại Hội: Nguyễn Thái Học làm trưởng ban, và các thành viên trong chi bộ Nam Đồng Thư Xã chịu trách nhiệm đã giao phó để hoàn thành tổ chức Đại Hội được thành công.
Đúng 20 giờ ngày 25 tháng 12 năm 1927, 36 đại biểu của 14 tỉnh: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Bắc Giang, Kiến An, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Tuyên Quang và Thanh Hóa.
Mặc dù trong hoàn cảnh nguy hiểm vì mật thám Pháp ráo riết theo dõi, sơ hỡ một chút là mất mạng và nhất là mất ngay một sự nghiệp cách mạng to lớn cho dân cho nước đang hình thành, ban tổ chức đã ngày đêm cực lực công tác giao phó để hoàn thành trách nhiệm. Trong điều kiện bí mật như thế nhưng một khẩu hiệu trang nghiêm nói lên ngày lịch sử của dân tộc được trang trọng treo ngay trong phòng hội: “NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU LẦN THỨ I VÀ NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG 25-12-1927”
Trong không khí trang nghiêm, những tấm lòng yêu nước không ngại nguy hiểm cùng nhau thảo luận tìm con đường đánh đuổi thực dân Pháp dành độc lập cho dân tộc, chủ toạ trong đại hội là đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn. Trước hồn thiêng sống núi Đại Hội đã khai mạc và thảo luận một cách nghiêm chỉnh và dân chủ, cuối cùng các đại biểu đều đồng ý:
- Tên đảng: thành lập một đảng cách mạng lấy tên là Việt Nam Quốc Dân Đảng; viết tắt: VNQDĐ. (3)
- Mục đích và tôn chỉ: “Mục đích và tôn chỉ của Đảng là làm một cuộc cách mạng quốc gia, dùng võ lực đánh đổ thực dân phong kiến, để thành lập một nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, đồng thời giúp đỡ các dân tộc bị áp bức trong công cuộc tranh đấu dành độc lập của họ đặc biệt là các lân quốc:Ai-Lao và Cao-Mên (Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại 1927-1954, Hoàng Văn Đào tr. 32).
- Về tổ chức: Theo hệ thống hàng dọc từ cơ sở Chi Bộ, Tỉnh Bộ, Kỳ Bộ và trên cùng là Tổng Bộ, cơ quan lãnh đạo tối cao của VNQDĐ. Đại hội bầu ra ban lãnh đạo Tổng Bộ Lâm Thời Kỳ I VNQDĐ lúc 2:30 sáng ngày 26-12-1927 với thành phần như sau:
Chủ tịch: Nguyễn Thái Học
Phó Chủ Tịch: Nguyễn Thế Nghiệp
Ủy Ban Tổ Chức: Phó Đức Chính (trưởng) – Lê Văn Phúc (phó)
Ủy Ban Tuyên Truyền: Nhượng Tống
Ủy Ban Ngoại Giao: Nguyễn Ngọc Sơn, Hồ Văn Mịch
Ủy Ban tài Chánh: Đặng Đình Điển, Đoàn Mạnh Chế
Ủy Ban Giám Sát: Nguyễn Hữu Đạt, Hoàng Trác
Ủy Ban Trinh Sát: Trương Dân Bảo, Phạm Tiềm
Ủy Ban Ám Sát: Hoàng Văn Tùng.
Ủy Ban Binh Vận: ( khiếm khuyết) Tổng Bộ kỳ II: Trần Văn Môn
Đồng thời chi bộ Nam Đồng Thư Xã được suy tôn là “Đệ Nhất Chi Bộ”
1- Giai đoạn cứu nước chia làm ba thời kỳ
- Thời kỳ phôi thai: xây dựng Đảng trong bí mật, thâu nhận đảng viên và hoạt động hoàn toàn bí mật.
- Thời kỳ dự bị: Phát triển tuyên truyền, tổ chức quần chúng, lập các công đoàn, nông đoàn, binh đoàn, học sinh, sinh viên, thanh niên đoàn thời kỳ này hoạt động nữa bí mật nữa công khai.
- Thời kỳ hành động: Dùng võ lực đánh đổ thực dân Pháp và bài trừ chế độ phong kiến lạc hậu, lập một chế độ Cộng Hòa Dân Chủ, nhằm mang lại độc lập, tự do cho Tổ Quốc, hạnh phúc tiến bộ cho toàn dân.
2 – Giai đoạn kiến thiết đất nước cũng chia làm ba thời kỳ:
- Thời kỳ quân chính: Quân cách mạng chiếm được ở đầu là lập ngay chính quyền cách mạng quân sự đến đó.
- Thời kỳ huấn chính: Tổ chức các cơ cấu dân cử, trực tiếp hoặc gián tiếp giúp đỡ dân chúng làm quen với nếp sống dân chủ về các thể chế mới, v.v.. trong thời kỳ này áp dụng nguyên tắc “Dĩ Đảng Trị Quốc”.
- Thời kỳ hiến chính: Tổ chức phổ thông đầu phiếu bầu Quốc Dân Đại Hội (tức là quốc hội), xây dựng hiến pháp trao trả chính quyền lại cho toàn dân.
Và chuyển giao quyền hành từ “Đệ Nhất Chi Bộ” cho Tổng Bộ Lâm Thời vừa mới bầu cử, và do anh Đỗ Văn Sinh làm chi bộ trưởng thay cho ông Nguyễn Thái Học làm chủ tịch VNQDĐ.
Đại hội bế mạc lúc rạng đông, trong tinh thần rực lửa yêu nước tất cả hội nghị đã quyết tâm với lời thề sắc son “quyết tâm làm tròn sứ mạng đã được trao phó, hăng say đưa sự nghiệp cách mạng thành công mỹ mãn. Tuyệt đối hy sinh tất cả cho tổ quốc cho lý tưởng của Đảng…”
Nhiệm vụ trước mắt của Tổng Bộ kỳ I là thống nhất các tổ chức chính trị để tạo sức mạnh, lúc đó có Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội đây là tổ chức tiền thân của đảng Cộng Sản Việt Nam, nhưng họ rất bí mật ngụy trang dưới danh nghĩa “yêu nước”,”độc lập dân tộc”…. và tổ chức thứ hai là liên lạc với Tân Việt Cách Mạng Đảng nhưng hai nỗ lực này không thành công. Bởi vì Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội là một tổ chức bí mật của đảng Cộng Sản Quốc Tế dưới sự lãnh đạo của ông Hồ Chí Minh lúc đó lấy tên là Nguyễn Ái Quốc, thì làm sao họ ngồi chung với những người quốc gia dân tộc chân chính được, họ lấy cớ thật vô lý là đòi tổng bộ thống nhất phải đặt ở nước ngoài (lúc đó Nguyễn Ái Quốc đang ở Tàu) còn VNQDĐ thì đòi đặt tổng bộ ngay trong nước để tổ chức vận động toàn dân đánh Pháp. Tân Việt Cách Mạng Đảng thì không chấp nhận hợp nhất dưới danh xưng VNQDĐ.
Cũng trong thời gian này, Nguyễn Thế Nghiệp vào Sài Gòn để xây dựng cơ sở, và xuất bản một tạp chí bằng Pháp ngữ, nhan đề là “Revue Economique”.
- Nguyễn Khắc Nhu, biệt hiệu Song Khê đắc cử chủ tịch Ban Lập Pháp, Nguyễn Thái Học đắc cử phó chủ tịch.
- Nguyễn Thế Nghiệp Chủ Tịch Ban Hành Pháp, và cử nhân Lê Xuân Huy phó chủ tịch.
Trong đại hội này, Tổng Bộ được báo cáo là thành lập 120 chi bộ đúng như báo cáo của giám đốc sở mật thám Pháp Đông Dương, Louis Marty là: “vào cuối năm 1928 (1 năm sau thành lập), VNQDĐ đã thành lập được 150 chi bộ và 1500 đảng viên, trong đó có 120 thuộc thành phần quân sự”
Về chủ thuyết đảng: Trong đại hội Đảng không thấy có chương trình bàn đến chủ thuyết và cũng không một lý thuyết gia nào trong VNQDĐ viết ra, nhưng theo nghiên cứu các tài liệu, và theo sự kể lại của các lão đồng chí cùng thời thì Nguyễn Thái Học và các thành viên trong Đệ Nhất Chi Bộ đều là thành phần ảnh hưởng tây học có khuynh hướng đề xướng chủ nghĩa Cộng Hoà của các tư tưởng chính trị tây phương, cũng như ảnh hưởng của nhà cách mạng Tôn Dật Tiên trong cuộc cách mạng Tân Hợi Trung Hoa năm 1911 (nhưng nhà cách mạng Tôn Dật Tiên cũng ảnh hưởng dân chủ Hoa Kỳ). Các nhà cách mạng VNQDĐ đã đề ra tiêu hướng cho dân tộc là đoạn tuyệt hẵn với quá khứ phong kiến (bài Phong), đánh thực dân pháp dành độc lập (đã Thực), thành lập một thể chế chính trị Cộng Hòa. Những người sáng lập đã đề xướng ba mục tiêu Dân Tộc Độc lập, Dân Quyền Tự Do, Dân Sinh Hạnh Phúc. Có người cho đây là Tam Dân Chủ Nghĩa của Tôn Dật Tiên, nhưng không đúng như thế, mà đây chính là ba mục tiêu cách mạng mà bất cứ một quốc gia nào cũng hướng tới, đặc biệt là những nước đang bị ách đô hộ của các thế lực thực dân thời bấy giờ. Sau này, học giả Nhượng Tống Hoàng Phạm Trân cố gắng để viết nên chủ nghĩa của VNQDĐ, nhưng rất tiếc công cuộc chưa thành thì ông bị Cộng Sản Việt Nam thủ tiêu.
Từ khi thực dân Pháp đặt nền đô hộ tại Việt Nam, nhiều cuộc khởi nghĩa đứng lên đánh Pháp dành lại chủ quyền cho dân tộc. Cuộc khởi nghĩa của vua Hàm Nghi rời ngai vàng cung điện Huế chạy ra Tân Sở, Quảng Trị lập phong trào Cân Vương; những cuộc khởi nghĩa của các bậc sĩ phu ba miền Nam, Bắc, Trung tự nỗi lên đánh đuổi thực dân Pháp. Những sĩ phu thời bấy giờ mang tinh thần yêu nước, đứng trước cảnh nước mất nhà tan, dân tộc bị đọa đày mà phò vua diệt giặc.
Cho đến khi hai nhà cách mạng Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh thì công cuộc chống Pháp cứu nước không còn gò bó trong tinh thần “phò vua giết giặc” nữa, mà cả hai ông đã tìm một sinh lộ mới cho dân tộc với một con đường rộng mở hơn, thông thoáng hơn so với các bậc sĩ phu đồng thời hoặc đi trước.
Cụ Phan Chu Trinh, biệt hiệu Tây Hồ (1872-1926) người mở đầu phong trào Duy Tân bằng phương cách hành động như sau: Khai dân trí: bỏ lối học tầm chương trích cú, mở trường dạy chữ quốc ngữ, dạy kiến thức khoa học thực dụng, bài trừ hủ tục xa hoa. Chấn dân khí: thức tỉnh tinh thần tự lực tự cường, mọi người giác ngộ được quyền lợi của mình, giải thoát được nọc độc chuyên chế. Hậu dân sinh: phát triển kinh tế, cho dân khai hoang làm vườn, lập hội buôn, sản xuất hàng nội hóa…
Cụ Phan Bội Châu, biệt hiệu Sào Nam (1867-1940) người thành lập phong trào Duy Tân Hội khởi xướng phong trào Đông Du, cụ bôn ba sang Trung Quốc, rồi Nhật Bản để tìm sự giúp đỡ. Phong trào Đông Du tổ chức đưa thanh niên du học thành tài để trở về cứu nước. Chủ trương của cụ Phan Bội Châu khác với cụ Phan Chu Trinh là dùng võ lực đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi đất nước dành lại độc lập dân tộc. Đang bôn ba trên cách mạng, thì vào cuối năm 1925, cụ bị Pháp bắt ở tô giới Thượng Hải Trung Quốc, có nhiều sách sử ghi lại cụ bị Hồ Chí Minh cùng Lâm Đức Thụ bán đứng cho thực dân Pháp (1) để lấy tiến chia đôi. Cụ bị Pháp đưa về Việt Nam xử tội tử hình sau bị dân chúng biểu tình phản đối cho nên Pháp đưa đi giam lỏng tại Bến Ngự, Huế và cụ mất năm 1940.
II. Quá trình thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng, chi bộ Nam Đồng Thư Xã:
Những biến cố chính trị lớn nhỏ dồn dập như trái bom của nhà chí sĩ Phạm Hồng Thái ném vào toàn quyền Merlin của Pháp ở Sa Điện Trung Quốc năm 1924; toàn quốc tham gia đám tang cụ Phan Chu Trinh năm 1926; những cuộc nỗi dậy đòi ân xá tử hình cho cụ Phan Bội Châu năm 1926; âm mưu khởi loạn của vua Duy Tân….không khí chính trị sôi sục vào những năm 1924, 1925, 1926 Đến cuối năm 1927, một đảng chính trị mới ra đời là Việt Nam Quốc Dân Đảng. Đặc biệt đây là đảng cách mạng có tổ chức, cương lĩnh hành động, với những người trẻ có lòng yêu nước nhiệt thành trong sáng dám hy sinh thân thế, sự nghiệp và hy sinh chính mạng sống của mình cho nền độc lập của dân tộc. Đảng cách mạng này đoạn tuyệt hẵn với quá khứ phong kiến lạc hậu, dám đứng thẳng đánh vào mặt kẻ thù thực dân Pháp. Việt Nam Quốc Dân Đảng ra đời là chính đảng đầu tiên của dân tộc Việt Nam tuyên xưng ngọn cờ tự do dân chủ cho toàn dân.Đáp ứng vời tình hình sôi động chính trị lúc bấy giờ, cuối năm 1925 ba thanh niên trí thức trẻ là Phạm Tuấn Lâm (giáo viên), Phạm Tuấn Tài (em của Phạm Tuấn Lâm, giáo viên) và Hoàng Phạm Trân (Nhượng Tống, nhà báo) đứng ra tổ chức Nam Đồng Thư Xã (NĐTX), trụ sở tại số 6 đường 96, khu Nam Đồng trước hồ Trúc Bạch, Hà Nội. Mục đích của Nam Đồng Thư Xã là dịch thuật các sách thuộc loại ái quốc của các tư tưởng cách mạng trên thế giới…. Sách được bán với giá bình dân nên được nhiều người mua đọc, đặc biệt Nam Đồng Thư Xã có những thanh niên thường xuyên lui tới đàm luận, bàn thảo vấn đề cách mạng, lòng yêu nước, trong đó có Nguyễn Thái Học (sinh viên trường Cao Đẳng Thương mại); Phó Đức Chính (sinh viên trường Cao Đẳng Công Chánh); Hồ Văn Mịch (sinh viên trường Cao Đẳng Sư Phạm); và nhiều thanh niên sinh viên các trường Y khoa, Luật Khoa ….. Ảnh hưởng của NĐTX càng ngày càng rộng lớn, hơn thế nữa những thanh niên thường lui tới NĐTX đã tham gia những cuộc biểu tình chống thực dân Pháp, nên mật thám Pháp theo dõi ráo riết và tịch thu các sách của NĐTX.
Từ cái nôi NĐTX có Nguyễn Thái Học, với bầu máu nóng yêu nước thương nòi, là sinh viên 23 tuổi đã gắn liền thân mệnh mình với quê hương dân tộc ông đã hai lần viết thư gữi cho Toàn Quyền Đông Dương người Pháp là Varenne đòi cải cách xã hội nhưng thực dân Pháp không thèm trả lời. Vào tháng 10 năm 1927, Nguyễn Thái Học triệu tập một phiên họp và đưa ra một ý định thành lập một đảng bí mật, dùng võ lực lật đổ chế độ thực dân phong kiến, lập nên một chính thể Cộng Hoà, nhằm đem lại độc lập cho đất nước, hạnh phúc cho toàn dân. Ý kiến này được mọi người trong buổi họp nhiệt liệt hoan nghênh và chấp nhận. Để nhanh chóng tiến đến tổ chức một đảng bí mật như đã định, những người hiện diện tự động kết hợp thành một chi bộ gọi là “CHI BỘ NAM ĐỒNG THƯ XÔ do Nguyễn Thái Học làm chi bộ trưởng và các thành viên trong chi bộ gồm có: Hồ Văn Mịch, Lê Văn Phúc, Hoàng Văn Tùng, Phó Đức Chính, Hoàng Phạm Trân tức Nhượng Tống, Vũ Huy Chân, Nguyễn Hữu Đạt, Lê Thành Vị, Nguyễn Thái Trác và Phạm Quang Vân rồi sau đó chia nhau đi tổ chức và vận động tổ chức thành lập Đảng. Chi Bộ Nam Đồng Thư Xã lớn mạnh thêm với sự tham gia của Nguyễn Thế Nghiệp, Nguyễn Ngọc Sơn, Đỗ Văn Sinh, Nghiêm Toản, Nguyễn Văn Viên, Hoàng Cân và Lưu Văn Huệ.
III- Đại Hội Đại Biểu lần thứ I, thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng:
Đấu tháng 12 năm 1927 một phiên họp được triệu tập và chính trong phiên họp này Nguyễn Thái Học đưa ra đề nghị triệu tập Đại Hội Đại Biểu các tỉnh để chính thức thành lập đảng cách mạng. Phiên họp quyết định:
- Ngày giờ khai mặc đại hội: 20 giờ, ngày 25-12-1927
- Địa điểm Đại Hội: Làng Thể Giáo thuộc thành phố Hà Nội tại nhà đồng chí (2) Lê Thành Vị.
- Thành phần tham dự Đại Hội: Tất cả các đồng chí thuộc chi bộ Nam Đồng Thư Xã và mỗi tỉnh cử một hoặc hai Đại Biểu.
- Ban tổ chức Đại Hội: Nguyễn Thái Học làm trưởng ban, và các thành viên trong chi bộ Nam Đồng Thư Xã chịu trách nhiệm đã giao phó để hoàn thành tổ chức Đại Hội được thành công.
Đúng 20 giờ ngày 25 tháng 12 năm 1927, 36 đại biểu của 14 tỉnh: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Bắc Giang, Kiến An, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Tuyên Quang và Thanh Hóa.
Mặc dù trong hoàn cảnh nguy hiểm vì mật thám Pháp ráo riết theo dõi, sơ hỡ một chút là mất mạng và nhất là mất ngay một sự nghiệp cách mạng to lớn cho dân cho nước đang hình thành, ban tổ chức đã ngày đêm cực lực công tác giao phó để hoàn thành trách nhiệm. Trong điều kiện bí mật như thế nhưng một khẩu hiệu trang nghiêm nói lên ngày lịch sử của dân tộc được trang trọng treo ngay trong phòng hội: “NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU LẦN THỨ I VÀ NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG 25-12-1927”
Trong không khí trang nghiêm, những tấm lòng yêu nước không ngại nguy hiểm cùng nhau thảo luận tìm con đường đánh đuổi thực dân Pháp dành độc lập cho dân tộc, chủ toạ trong đại hội là đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn. Trước hồn thiêng sống núi Đại Hội đã khai mạc và thảo luận một cách nghiêm chỉnh và dân chủ, cuối cùng các đại biểu đều đồng ý:
- Tên đảng: thành lập một đảng cách mạng lấy tên là Việt Nam Quốc Dân Đảng; viết tắt: VNQDĐ. (3)
- Mục đích và tôn chỉ: “Mục đích và tôn chỉ của Đảng là làm một cuộc cách mạng quốc gia, dùng võ lực đánh đổ thực dân phong kiến, để thành lập một nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, đồng thời giúp đỡ các dân tộc bị áp bức trong công cuộc tranh đấu dành độc lập của họ đặc biệt là các lân quốc:Ai-Lao và Cao-Mên (Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại 1927-1954, Hoàng Văn Đào tr. 32).
- Về tổ chức: Theo hệ thống hàng dọc từ cơ sở Chi Bộ, Tỉnh Bộ, Kỳ Bộ và trên cùng là Tổng Bộ, cơ quan lãnh đạo tối cao của VNQDĐ. Đại hội bầu ra ban lãnh đạo Tổng Bộ Lâm Thời Kỳ I VNQDĐ lúc 2:30 sáng ngày 26-12-1927 với thành phần như sau:
Chủ tịch: Nguyễn Thái Học
Phó Chủ Tịch: Nguyễn Thế Nghiệp
Ủy Ban Tổ Chức: Phó Đức Chính (trưởng) – Lê Văn Phúc (phó)
Ủy Ban Tuyên Truyền: Nhượng Tống
Ủy Ban Ngoại Giao: Nguyễn Ngọc Sơn, Hồ Văn Mịch
Ủy Ban tài Chánh: Đặng Đình Điển, Đoàn Mạnh Chế
Ủy Ban Giám Sát: Nguyễn Hữu Đạt, Hoàng Trác
Ủy Ban Trinh Sát: Trương Dân Bảo, Phạm Tiềm
Ủy Ban Ám Sát: Hoàng Văn Tùng.
Ủy Ban Binh Vận: ( khiếm khuyết) Tổng Bộ kỳ II: Trần Văn Môn
Đồng thời chi bộ Nam Đồng Thư Xã được suy tôn là “Đệ Nhất Chi Bộ”
IV- Cương lĩnh VNQDĐ
Một cương lĩnh hành động chiến lược cũng đã được Đại Hội thảo luận và thông qua là cuộc cách mạng của VNQDĐ sẽ được tiến hành qua hai giai đoạn: Giai đoạn cứu nước bằng cách đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi đất nước bằng chính sức mạnh của dân tộc, dành chủ quyền độc lập cho tổ quốc. Giai đoạn kiến thiết đất nước bằng cách thực hiện một thể chế Dân Chủ Cộng Hoà xây dựng dân giàu nước mạnh như sau:1- Giai đoạn cứu nước chia làm ba thời kỳ
- Thời kỳ phôi thai: xây dựng Đảng trong bí mật, thâu nhận đảng viên và hoạt động hoàn toàn bí mật.
- Thời kỳ dự bị: Phát triển tuyên truyền, tổ chức quần chúng, lập các công đoàn, nông đoàn, binh đoàn, học sinh, sinh viên, thanh niên đoàn thời kỳ này hoạt động nữa bí mật nữa công khai.
- Thời kỳ hành động: Dùng võ lực đánh đổ thực dân Pháp và bài trừ chế độ phong kiến lạc hậu, lập một chế độ Cộng Hòa Dân Chủ, nhằm mang lại độc lập, tự do cho Tổ Quốc, hạnh phúc tiến bộ cho toàn dân.
2 – Giai đoạn kiến thiết đất nước cũng chia làm ba thời kỳ:
- Thời kỳ quân chính: Quân cách mạng chiếm được ở đầu là lập ngay chính quyền cách mạng quân sự đến đó.
- Thời kỳ huấn chính: Tổ chức các cơ cấu dân cử, trực tiếp hoặc gián tiếp giúp đỡ dân chúng làm quen với nếp sống dân chủ về các thể chế mới, v.v.. trong thời kỳ này áp dụng nguyên tắc “Dĩ Đảng Trị Quốc”.
- Thời kỳ hiến chính: Tổ chức phổ thông đầu phiếu bầu Quốc Dân Đại Hội (tức là quốc hội), xây dựng hiến pháp trao trả chính quyền lại cho toàn dân.
Và chuyển giao quyền hành từ “Đệ Nhất Chi Bộ” cho Tổng Bộ Lâm Thời vừa mới bầu cử, và do anh Đỗ Văn Sinh làm chi bộ trưởng thay cho ông Nguyễn Thái Học làm chủ tịch VNQDĐ.
Đại hội bế mạc lúc rạng đông, trong tinh thần rực lửa yêu nước tất cả hội nghị đã quyết tâm với lời thề sắc son “quyết tâm làm tròn sứ mạng đã được trao phó, hăng say đưa sự nghiệp cách mạng thành công mỹ mãn. Tuyệt đối hy sinh tất cả cho tổ quốc cho lý tưởng của Đảng…”
Nhiệm vụ trước mắt của Tổng Bộ kỳ I là thống nhất các tổ chức chính trị để tạo sức mạnh, lúc đó có Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội đây là tổ chức tiền thân của đảng Cộng Sản Việt Nam, nhưng họ rất bí mật ngụy trang dưới danh nghĩa “yêu nước”,”độc lập dân tộc”…. và tổ chức thứ hai là liên lạc với Tân Việt Cách Mạng Đảng nhưng hai nỗ lực này không thành công. Bởi vì Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội là một tổ chức bí mật của đảng Cộng Sản Quốc Tế dưới sự lãnh đạo của ông Hồ Chí Minh lúc đó lấy tên là Nguyễn Ái Quốc, thì làm sao họ ngồi chung với những người quốc gia dân tộc chân chính được, họ lấy cớ thật vô lý là đòi tổng bộ thống nhất phải đặt ở nước ngoài (lúc đó Nguyễn Ái Quốc đang ở Tàu) còn VNQDĐ thì đòi đặt tổng bộ ngay trong nước để tổ chức vận động toàn dân đánh Pháp. Tân Việt Cách Mạng Đảng thì không chấp nhận hợp nhất dưới danh xưng VNQDĐ.
V- Đại Hội Tổng Bộ nhiệm Kỳ II:
Được tổ chức vào ngày 01 tháng 7 năm 1928, trong nhiệm kỳ này Nguyễn Thái Học lại được toàn thể đại biểu tín nhiệm làm chủ tịch VNQDĐ và trong đại hội phần công tác có thêm một cơ sở kinh tài lấy tên là Khách Sạn Việt Nam được khai mạc ngày 30 tháng 09, 1928 nằm ngay tại Hà Nội, đây là khách sạn lớn vào bậc nhất đối với người Việt Nam thời bấy giờ. Trong phiên họp Trung Ương ngày 15-09-1928, Tổng Bộ Quyết định cử đồng chí Đặng Đình Điển đại diện VNQDĐ vào Huế gặp cụ Phan Bộ Châu, trao tặng cụ là “Danh Dự Chủ Tịch Đảng” và yêu cầu cụ giúp hai việc thứ nhất là đem uy tín và đạo đức cụ ra thuyết phục các đảng ngồi lại với nhau, và thứ hai yêu cầu cụ giúp đỡ về phương diện ngoại giao, vì cụ quen biết nhiều với các chính khách ngoại quốc trong thời gian bôn ba hải ngoại. Đồng chí Đặng Đình Điển hoàn thành sứ mạng của Đảng giao phó một cách xuất sắc là cụ Phan Bội Châu nhận lời làm Chủ Tịch Danh Dự của VNQDĐ tháng 10/1928 và cụ nhắn lại với Tổng Bộ VNQDĐ: “tôi tuy già yếu thật, nhưng nếu có thể giúp ích gì cho tổ quốc, thì tôi nguyện đem hết sức mình phục tòng mệnh lệnh của Đảng”. Khi chia tay, cụ Phan Bội Châu trao cho lão đồng chí Đặng Đình Điển một danh thiếp với mặt sau có ghi bốn chử “Khã dĩ đoạn kim” để làm mật mã sau này liên lạc giữa Tổng Bộ VNQDĐ và cụ Phan. Sự tham gia của cụ Phan Bội Châu làm uy tín VNQDĐ tăng lên rất cao trong quần chúng và đảng viên vô cùng phấn khởi.Cũng trong thời gian này, Nguyễn Thế Nghiệp vào Sài Gòn để xây dựng cơ sở, và xuất bản một tạp chí bằng Pháp ngữ, nhan đề là “Revue Economique”.
VI – Đại Hội Tổng Bộ Nhiệm Kỳ III
Ngày 09 tháng 02 năm 1928, theo nội quy đã quy định Nguyên Thái Học triệu tập Đại Hội Toàn Quốc lần thứ ba để bầu Ban Chấp Hành Tổng Bộ mới, trong Đại Hội Này cơ cấu đảng chia làm ba cơ quan độc lập thể hiện tinh thần dân chủ ngay trong sinh hoạt Đảng (checks and balances) kết quả đại Đại Hội Nhiệm Kỳ III như sau:- Nguyễn Khắc Nhu, biệt hiệu Song Khê đắc cử chủ tịch Ban Lập Pháp, Nguyễn Thái Học đắc cử phó chủ tịch.
- Nguyễn Thế Nghiệp Chủ Tịch Ban Hành Pháp, và cử nhân Lê Xuân Huy phó chủ tịch.
Trong đại hội này, Tổng Bộ được báo cáo là thành lập 120 chi bộ đúng như báo cáo của giám đốc sở mật thám Pháp Đông Dương, Louis Marty là: “vào cuối năm 1928 (1 năm sau thành lập), VNQDĐ đã thành lập được 150 chi bộ và 1500 đảng viên, trong đó có 120 thuộc thành phần quân sự”
Về chủ thuyết đảng: Trong đại hội Đảng không thấy có chương trình bàn đến chủ thuyết và cũng không một lý thuyết gia nào trong VNQDĐ viết ra, nhưng theo nghiên cứu các tài liệu, và theo sự kể lại của các lão đồng chí cùng thời thì Nguyễn Thái Học và các thành viên trong Đệ Nhất Chi Bộ đều là thành phần ảnh hưởng tây học có khuynh hướng đề xướng chủ nghĩa Cộng Hoà của các tư tưởng chính trị tây phương, cũng như ảnh hưởng của nhà cách mạng Tôn Dật Tiên trong cuộc cách mạng Tân Hợi Trung Hoa năm 1911 (nhưng nhà cách mạng Tôn Dật Tiên cũng ảnh hưởng dân chủ Hoa Kỳ). Các nhà cách mạng VNQDĐ đã đề ra tiêu hướng cho dân tộc là đoạn tuyệt hẵn với quá khứ phong kiến (bài Phong), đánh thực dân pháp dành độc lập (đã Thực), thành lập một thể chế chính trị Cộng Hòa. Những người sáng lập đã đề xướng ba mục tiêu Dân Tộc Độc lập, Dân Quyền Tự Do, Dân Sinh Hạnh Phúc. Có người cho đây là Tam Dân Chủ Nghĩa của Tôn Dật Tiên, nhưng không đúng như thế, mà đây chính là ba mục tiêu cách mạng mà bất cứ một quốc gia nào cũng hướng tới, đặc biệt là những nước đang bị ách đô hộ của các thế lực thực dân thời bấy giờ. Sau này, học giả Nhượng Tống Hoàng Phạm Trân cố gắng để viết nên chủ nghĩa của VNQDĐ, nhưng rất tiếc công cuộc chưa thành thì ông bị Cộng Sản Việt Nam thủ tiêu.
Hai bức thư của Cô Giang trước khi tuẩn tiết
Sau khi nghe tin Nguyễn Thái Học bị lên đoạn đầu đài đền nợ nước ngày 17-06-1930, Cô Giang tức Nguyễn Thị Giang vị hôn thê của Nguyễn Thái Học đã tức tốc lên Yên Bái chứng kiến các đồng chí và chính người yêu của mình bị chém đầu bởi quân Pháp cướp nước. Cô Giang đã quyên sinh để giữ vẹn lời thề. Trước khi tuẩn tiết, cô đã để lại một bức thư cho bố mẹ của Nguyễn Thái Học và một bức thư cho Nguyễn Thái Học. Dưới đây là nội dung hai bức thư đó. (Hình bên là chân dung của cô Nguyễn Thị Giang,1909-1930, người yêu và là đồng chí của đảng trưởng VNQDĐ Nguyễn Thái Học)
Bức thư thứ nhất.
“ Ngày 17 tháng 6, 1930
Thưa Thầy, Mẹ,
Con chết là vì hoàn cảnh đã bó buộc con: không báo thù được cho nhà, rửa được nhục cho nước! Sau khi đã đem tấm lòng trinh bạch dâng cho chồng con ở đền Hùng, giờ con tìm về chỗ quê cha, đất tổ, mượn phát súng này mà kết liễu đời con!
Đứa con dâu thất hiếu kính lạy.”
Bức thư thứ hai.
“Anh đã là người yêu nước!
Không làm tròn được nghĩa vụ cứu nước, Anh giữ lấy tấm linh hồn cao cả để về mà chiêu binh, rèn lính ở dưới suối vàng!
Phải chịu đựng nhục nhã, mới có ngày mong được vẻ vang! Các bạn đồng chí phải sống lại sau Anh, để đánh đổ cường quyền, mà cứu lấy đồng bào đau khổ!
Thơ:
Thân không giúp ích cho đời!
Thù không trả được cho người tình chung!
Dẫu rằng đương độ trẻ trung,
Quyết vì dân chúng thề lòng hy sinh.
Con đường tiến bộ mông mênh,
Éo le hoàn cảnh buộc mình biết sao!
Bây giờ hết kiếp thơ đào
Gian nan bỏ mặc đồng bào từ đây!
Dẫu rằng chút phận thơ ngây,
Sổ đồng chí đã có ngày ghi tên!
Chết đi dạ những buồn phiền,
Nhưng mà hoàn cảnh truân chuyên buộc mình!
Quốc kỳ phất phới trên thành,
Tủi thân không được chết vinh dưới cờ.
Cực lòng nhỡ bước sa cơ!
Chết sầu, chết thảm, có thừa xót xa!
Thế ru? Đời thế ru mà?
Đời mà ai biết? Người mà ai hay?”
Thù không trả được cho người tình chung!
Dẫu rằng đương độ trẻ trung,
Quyết vì dân chúng thề lòng hy sinh.
Con đường tiến bộ mông mênh,
Éo le hoàn cảnh buộc mình biết sao!
Bây giờ hết kiếp thơ đào
Gian nan bỏ mặc đồng bào từ đây!
Dẫu rằng chút phận thơ ngây,
Sổ đồng chí đã có ngày ghi tên!
Chết đi dạ những buồn phiền,
Nhưng mà hoàn cảnh truân chuyên buộc mình!
Quốc kỳ phất phới trên thành,
Tủi thân không được chết vinh dưới cờ.
Cực lòng nhỡ bước sa cơ!
Chết sầu, chết thảm, có thừa xót xa!
Thế ru? Đời thế ru mà?
Đời mà ai biết? Người mà ai hay?”
Nguyễn Thị Giang
Nguồn : http://vietquoc.org/?page_id=174
Kính dâng lên hương hồn 13 liệt sĩ Yên Bái cùng hương hồn liệt nữ Cô Giang và kính tặng tất cả đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng bông hồng tươi thắm .
ReplyDeleteNgày 17/6/1930 tại Yên Bái, 13 liệt sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng hiên ngang bước lên đoạn đầu đài gồm: Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Bùi Tự Toàn, Bùi Văn Chuẩn, Bùi Văn Cửu, Đào Văn Nhít, Đỗ Văn Sứ, Hà Văn Lạo, Ngô Văn Du, Nguyễn An, Nguyễn Đức Thịnh, Nguyễn Văn Tiềm, Nguyễn Như Liên. Trước khi 13 chiếc đầu rơi, các liệt sĩ Yên Bái còn anh dũng hô to “Việt Nam Muôn Năm”. Dư âm những tiếng thét ái quốc của các liệt sĩ vì nước quên mình như những tiếng sấm làm vang động cả núi rừng Yên Bái và dư âm đó vẫn còn bàng bạc trong lòng mọi người dân Việt cho đến ngày nay. Người dân Việt Nam đang ngóng chờ 'tiếng sấm '' của 81 năm về trước để giải thể đảng cộng sản ngụy gian manh tham tàn .
ReplyDeleteLịch sử của dân tộc ta được viết bằng máu và nước mắt của nhiều thế hệ , mà Việt Nam Quốc Dân Đảng cùng 13 liệt sĩ Yên Bái là một trong những thế hệ đó. Qua lịch sử, ta có thể nói, dân tộc Việt Nam là một dân tộc lớn, không phải lớn vì đất đai, dân số, tài nguyên mà lớn vì lịch sử oai hùng của ta:
ReplyDeleteTuy mạnh yếu có lúc khác nhau,
Nhưng hào kiệt đời nào cũng có
(Nguyễn Trãi)
Dân Tộc Việt Trường Tồn.
ReplyDeleteTổ Quốc Việt Nam Muôn Năm.
Ban lãnh đạo đảng CSVN đang đặt quyền lợi riêng trên quyền lợi chung của Tổ Quốc và phản bội lại dân tộc. Chưa bao giờ nguy cơ mất nước lại to lớn như thế.
Bất cứ tổ chức , đảng phái nào đối kháng lại đảng cộng sản VN , đem lại đa nguyên đa đảng - tự do - dân chủ - nhân quyền thì tôi và gia đình ủng hộ 2 tay .
Dân tình hiện nay bức xúc lắm rồi, riêng với tôi thì ko biết phải nói như thế nào cho hết tâm trạng, thấy cuộc sống vô vị , lúc thì muốn lên máu mổi khi coi đài truyền hình tuyên truyền tào lao trướng mắt , còn cảnh nhiểu nhương cuộc sống xã hội hàng ngày thì phát sốt . Cái tôi muốn và chờ đợi thật sự là một NGỌN CỜ, một màu cờ mới để trồng loài hoa mới trên mảnh đất bạo tàn và đau thương này do bè lũ cs vô nhân tính gây ra.
ReplyDeleteNăm 2012 csvn sẽ sụp đổ. đảng csvn sẽ không còn 1 thằng....
ReplyDeleteLời của Thánh Gióng VN.
Ngày tàn của bọn bán nước đã gần kề. Bọn chúng hãy đợi đấy!
ReplyDeleteCHỈ CÓ SỨC MẠNH ĐOÀN KẾT VÀ Ý CHÍ KIÊN CƯỜNG MỚI CƯỨ ĐƯỢC TỔ QUỐC VN TA,VÀ GIA ĐÌNH CHÚNG TA THOÁT KHỎI NHÀ TÙ NÔ LỆ TQ Ở THẾ KỶ 21 NẦY.
ReplyDeleteDân tộc VN nghèo và HÈN HẠ nhất thế giới ,tui cũng chỉ là con cừu thôi chẳng biết phải làm gì đc , có ai đem làn gió mát nào không cho dân tộc VN đc nhờ , 86 triệu con cừu con trâu đen đang kéo cày 329 000 km2 .
ReplyDelete