Tuesday, May 1, 2012

ANH SẼ NGỦ YÊN TRÊN QUÊ HƯƠNG - 37 năm nhìn lại



Thời tiết mấy tuần qua thay đổi thất thường, bầu trời xám sậm như đang chất chứa nỗi niềm u uẩn của những bước chân hoang lạc vẫn còn đang rong ruổi trên con đường viễn xứ, nắm chặt đôi tay kéo lê bên mình nỗi hận Vong Quốc, dõi mắt trông về nơi cõi xa xăm kiếm tìm mảnh đất mang hình cong chữ S, đang bị những lưỡi dao thâm độc xẻ từng mảng làm của lễ dâng lên thiên triều để cùng nhảy múa chung vũ điệu «  sông liền sông núi liền núi » ,mặc cho những âm thanh đang  thét gào, những đôi tay vẫy gọi cầu cứu, máu và nước mắt tràn ngập trong nỗi đau tuyệt vọng trước gọng kìm độc tài áp bức, và tôi …đã chết lặng do trăm ngàn mũi tên đang bắn thẳng vào tim.



Một mùa tháng tư đen lại đến… « tháng tư nấu cơm vo gạo bằng lệ » tháng tư ngồi đâu cũng nhớ, ngồi đâu cũng khóc, tháng tư hát hoài không hết nổi một bản nhạc ly hương. «  Sàigòn bây giờ trời mưa hay nắng, Sàigòn bây giờ ai khóc thương ai, Sàigòn giới nghiêm che khuất đêm dài, Sàigòn bóng nghiêng Sàigòn nắng đổ, Sàigòn bây giờ cuối mặt xa nhau »….

Ngoài trời mưa vẫn rơi, cơn mưa rỉ rả như lời  cầu kinh của người Mẹ hiền, xin bình an cho những đứa con lưu lạc. Tôi chọn một ngày thật buồn ngồi lật  lại từng trang sử bi hùng của những người Anh đã nằm xuống bên những nấm mồ hoang, không người hương khói, hồn vất vưởng lạc loài nơi cõi u minh, đợi chờ ngày 30-04 hằng năm cùng trỗi dậy, để mong tìm được lại mảnh đất của riêng mình, mảnh đất mà Mẹ Việt Nam coi như một niềm tự hào bởi có những người con đã nằm xuống vì hai chữ TỔ QUỐC thân yêu. Những chiến tích của một thời dấu binh lửa chợt hiện về trong lòng huyệt mộ, tất cả cùng bật dậy, đứng thẳng người đặt tay lên trái tim, và cùng cất cao tiếng hát…

Này công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi
Đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống
Vì tương lai Quốc Dân, cùng xông pha khói tên
Làm sao cho núi sông, từ nay luôn vững bền
Dù cho thây phơi trên gươm giáo
Thù nước lấy máu đào đem báo….

Giọt máu cuối cùng của người lính VNCH đã đổ xuống, nhưng đôi tay vẫn ôm chặt mảnh đất quê hương trong nỗi căm hờn, trong niềm tuyệt vọng, hơi đã tàn, sức đã kiệt… mắt vẫn mở trừng nhìn thẳng mặt quân thù, miệng cười ngạo nghễ cất cao tiếng hô vang « VIỆT NAM CỘNG HÒA MUÔN NĂM » và viên đạn cuối cùng đã được bắn ra trong niềm kiêu hãnh của kẻ… Sĩ khả sát bất khả nhục. Tên Anh đã đi vào lịch sử…

NGƯỜI LÍNH VIỆT NAM CỘNG HÒA

Mang thân lừa vác trên mình một gánh nặng giang san, đi xuyên suốt cuộc hành trình dài hai mươi năm của cuộc chiến, không oán than, không hờn trách, chỉ mong  thỏa chí tang bồng cho xứng mộng làm trai thời loạn. Mồ hôi, máu và nước mắt cùng quyện lẫn với Hồn Thiêng Sông Núi, lấy TỔ QUỐC-DANH DỰ-TRÁCH NHIỆM làm kim chỉ nam mang TỰ DO-HẠNH PHÚC cho đồng bào. Tất cả sự hy sinh của người lính đã vượt lên số phận, các Anh không là một tín đồ ngoan của  thuyết định mệnh, thế  nhưng số phận như một tiền định đã an bài mà sự nhỏ bé của con người vốn dĩ không thể chống lại. Và cái ngày nghiệt ngã đau thương ấy đã đến, máu của bao nhiêu triệu người đã đổ xuống cho hai chữ « thống nhất » trong mưu đồ nhuộm đỏ mảnh dư đồ của Cha Ông bao đời  gầy dựng, một sự thống nhất mang mầm mống chia rẽ ngày một lớn hơn trong lòng dân tộc, hậu quả ngày một khốc liệt hơn, tàn bạo hơn trước những vô cảm dẫm đạp lên nhau để được sinh tồn, quyền lực là phương tiện hữu hiệu nhất  của kẻ thắng trong mưu đồ tiêu diệt dân khí, những khuôn mẫu suy tư độc đoán ấy đã dìm chết cả một dân tộc đắm chìm trong «  chủ nghĩa tuân thủ » và  hai chữ TỔ QUỐC đã không còn thiêng liêng dưới một nền giáo dục mang đầy kịch tính, bởi «  thượng bất chính-hạ tất loạn ».

NGƯỜI LÍNH VIỆT NAM CỘNG HÒA

Anh nằm xuống thật vinh quang, thật nhẹ nhàng… máu anh đã chan hòa trong lòng đất Mẹ quyện cùng máu của tiền nhân để làm sáng ngời thêm trang sử Việt, kẻ chiến thắng đã khiếp sợ trước cái chết vinh quang cao cả đó, sự trả thù là lẽ tất nhiên của kẻ đã mất đi cái chính nghĩa bởi  tự xưng cho mình cái danh đi « giải phóng », và thân xác anh đã bị ném bên đường, hay bên sông, bên suối cho ruồi bu kiến đậu, để thỏa mãn cái thú tính của loài vật đội lốt người đang đắm chìm trong men chiến thắng. Nhưng Anh vẫn còn đó tình thương yêu và sự kính trọng của đồng bào, dù trong hoàn cảnh nghiệt ngã cũng đã làm tròn cái trách nhiệm của tình quân dân cá nước… nghĩa tử là nghĩa tận… cũng còn đó những con người đã thấm nhuần câu ca dao «  Bầu Bí » của ông bà để lại, thân xác Anh được đắp vội bên đường, bên  ruộng, bên mương, hay trong những cánh rừng sâu thẳm. May mắn lắm thì có những ngôi mộ được chăm sóc giữ gìn, kịp cải táng đưa về nơi yên nghỉ, dù không đúng nghĩa thiêng liêng của mảnh đất dành riêng cho Hồn Tử Sĩ, nhưng ít ra cũng được che nắng che mưa để không tủi thân anh linh của những người đã Vị Quốc Vong Thân. Hoàn cảnh nghiệt ngã trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến, dù đã trọn  nghĩa vẹn tình, nhưng thời gian đã thay đổi, những kiến trúc, những công trình mới khiến cho  những ngôi mộ nay đã không còn dấu vết, do lấp vội, lấp nhanh để còn kịp chạy tránh xa loài quỷ đỏ như loại hung thần đang tràn vào thẳng tay chém giết. Các Anh có thật sự ngủ yên trong lòng đất Mẹ…. !

37 năm trôi qua, thân xác Anh đã rũa mục, có còn chăng là những lóng xương trơ trọi nằm trong lòng huyệt mộ, chỉ đất mới biết phân loài máu Anh, máu Việt Nam mang tình của Mẹ. Ngoài trời mưa vẫn rơi, gió vẫn thổi, có phải cơn gió vừa đi ngang đây là anh không ? Sao anh im lặng…sao anh suy tư….hay Anh đang nhớ bạn bè, nhớ chiến trường, nhớ đồng đội, chắc là  Anh đang thèm hát bài Quốc Ca, thèm nghe tiếng hỏa châu rơi, thèm lắm một điếu thuốc hay một ngụm Cà Phê của quân tiếp vụ, tôi nhìn Anh cô đơn quá, gia tài của Anh chẳng còn gì ngoài tấm thẻ bài và chiếc nón sắc, nếu may mắn còn kịp mang theo bên mình. Tôi thương Anh lắm…. Anh biết không.

Chỉ còn vài tiếng nữa thôi, là đến ngày giỗ thứ 37 của Anh, tôi đang quỳ đây trước bàn thờ với tất cả Quân Trang Quân Dụng, hành trang cần thiết của một người lính mà tôi đã may mắn có được, và coi đó như những báu vật quý nhất trên đời Anh đã để lại, đến một lúc nào đó khi nhớ về Anh, tôi sẽ đem ra ngắm nhìn, khi cô đơn và thất vọng trước tình người, tôi sẽ tìm đến Anh, vì tôi biết Anh sẽ là người tình chung thành nhất, sẽ chẳng phản bội tôi như Anh đã từng  thủy chung cố bám lấy mảnh đất Quê Hương bằng thân xác cạn kiệt và một trái tim mang đầy vết đạn.

Cơn gió nào vừa thoáng bên song
Hãy đón dùm tôi một bóng hình
Hồn ai lãng đãng trong mưa lạnh
Mong kịp về đây sưởi chút tình

Anh ! Người ta thường nói…mùa xuân là mùa thay đổi của vạn vật, sẽ đem đến niềm tin và sức sống cho con người, nhưng sao hồn tôi như trĩu nặng và trống vắng, có phải vì mùa xuân đã để lại những dấu ấn đau thương và tang tóc… khiến tôi, Anh và cả dân tộc này đã trở thành nạn nhân của một mùa xuân mang đầy xác khí, làm sao không rơi lệ khi con tim chất đầy tính nhân bản, trước cảnh giết thẳng tay, giết không ngơi nghỉ. Và Anh…người đội trên đầu hàng trăm ngàn tấn bom, cuối cùng phải kết liễu cuộc đời bằng chính viên đạn của mình. Cái chết của Anh đã khiến kẻ thù khiếp sợ, dù lăng nhục sỉ vả đến tận cùng, nhưng chúng cũng  không thể phủ nhận cái khí phách của người lính Việt Nam Cộng Hòa, lịch sử ngày một chứng minh cái chính nghĩa không thuộc về kẻ chiến thắng, tên Anh ngày một sáng ngời trong lòng dân tộc, có chút tự hào và niềm kiêu hãnh nào đó đang tràn ngập trái tim tôi. Cảm ơn Anh, cảm ơn Mẹ Việt Nam đã sinh ra những người con bất tử để tôi có được niềm tự hào hôm nay.

37 mùa  xuân trôi qua… những gian dối, những điêu ngoa ngày một phơi bày trước ánh sáng công lý, chủ nghĩa cộng sản đã bị thui chột trước đà tiến của nhân loại, đất nước đang đón chờ một mùa xuân thật sự an bình, không còn cảnh máu đổ lệ rơi, ngày mà chỉ có triệu người vui không có triệu người buồn. Ngày đó con dân Việt sẽ đón Anh mang về mảnh đất của riêng Anh, mảnh đất nhỏ hẹp ấy sẽ không còn ai chiếm đoạt, và đó cũng sẽ là ngày mà Anh thật sự ngủ yên trong lòng đất Mẹ.

Xin thắp nén hương lòng thành kính TRI ÂN NHỮNG ANH HÙNG VỊ QUỐC VONG THÂN trong mùa Quốc Hận 2012.



Hạt sương khuya 



37 năm nhìn lại 

Mặc dù đã 37 năm trôi qua, nhưng mỗi khi Tháng Tư về, người Việt hải ngoại vẫn không làm sao quên được những tai ương đã đến với họ sau cái ngày mà họ gọi là "Ngày Quốc Hận".
AFP photo - Bộ đội cộng sản Việt Nam dẫn giải lính VNCH trên đường phố Saigon sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975.


Tại Houston, cũng như mọi năm, năm nay ngoài những buổi lễ ghi dấu "Ngày Quốc Hận" - mà trong nước gọi là "Ngày Giải Phóng", hay "Ngày Chiến Thắng" - các buổi lễ tưởng niệm những người con dân Việt đã bỏ mình vì hai chữ Tự Do, và biểu tình phản đối Hà Nội trước tòa tổng Lãnh sự Việt Nam, còn có nhiều buổi văn nghệ để nhớ về "Biến cố 30/4".

Cải tạo không biết ngày về

Trong chương trình Thơ Nhạc "30 Tháng Tư, Một Ngày Nhìn Lại" do hội Văn Bút Nam Hoa Kỳ tổ chức vào ngày 15 tháng Tư, diễn giả Nguyễn Mạnh An Dân đã đọc lên những câu thơ viết về phụ nữ Việt Nam, đã phải một mình lo nuôi con thơ dại và nuôi chồng đang bị tù đày trong các trại tập trung, do các nhà thơ tù sáng tác.
Đường xa nón lá bung vành
Thương em lả ngọn rau xanh bờ rào
Em về  bước thấp bước cao
Nước mưa nước mắt lẫn vào nước non
Hay những vần thơ nói lên những phút giây ngắn ngủi được thăm viếng chồng
Nhìn trời sống mũi cay cay
Mấy năm mới được có ngày gặp nhau
Một giờ gặp mặt qua mau
Năm ba câu chuyện đau đâu đã tàn
Và vài câu thơ viết về tâm trạng của người yêu mòn mỏi đợi chờ vị hôn phu đang ở trong tù:
Ổng nói ổng đi 10 ngày ổng về mà ổng đi mất tiêu. Họ kêu đi học tập mà họ nhốt 7 năm mới cho về. Ba năm họ mới cho tin tức là đang cải tạo ở trại Cà Tum.
Chị Ngọc Diệp
Cô giáo vào dạy học trò
Nhìn đâu cũng thấy buồn xo mắt người
Bài học xã hội tốt tươi
Đến giờ phải giảng ngậm ngùi lại thôi
Chị Trịnh Kim Duyên cho biết khi miền Nam thất thủ chị mới 26 tuổi, đang làm việc tại bệnh viện Sài gòn, lúc đó chị có 2 con nhỏ, cháu lớn 5 tuổi, cháu bé 17 tháng, chồng chị bị đi "cải tạo" tại Rừng Lá:
"Họ nói tập trung để đi cải tạo nhưng thật ra là đi tù, chứ cải tạo cái gì! Đầu tiên thì trình diện ở trường học đường Nguyễn chí Thanh, xong họ chở đi Hóc Môn ở một thời gian, rồi chở đi Z-30D Hàm Tân, ở Phan Thiết. Mãi sau này mới có lệnh được đi thăm."
Còn chị Ngọc Diệp lúc đó 28 tuổi, có con một tuổi và đang mang thai 2 tháng. Chị cho biết vợ chồng chị từ Ban Mê Thuộc chạy về Sài gòn:
"Đánh Ban Mê Thuộc thì chồng tôi trở về Sàigòn. Rồi họ ra lệnh phải ra trình diện. Ổng đưa mẹ con tôi về gửi nhà bà ngoại ở Cần Thơ. Ổng nói ổng đi 10 ngày ổng về mà ổng đi mất tiêu. Họ kêu đi học tập mà họ nhốt 7 năm mới cho về. Ba năm họ mới cho tin tức là đang cải tạo ở trại Cà Tum."
Và chị Kim Kiều thì chỉ mới 24 tuổi, đang là sinh viên trường Luật tại Sàigòn, khi Hà Nội cưỡng chiếm miền Nam, chị cho biết là sau ngày 30 tháng 4 năm 75, trường Văn khoa và Luật khoa bị đóng cửa và chị được đi dạy học môn Văn tại một trường xa thành phố :
"Tụi tui quen cũng lâu rồi nhưng khi VC vô thì mới đám hỏi. Tại vì anh ấy đi lính mà tôi thì con út, trong nhà các anh cũng là quân nhân nhưng ba má tôi nói là làm cao rồi nên không sợ chết. Còn anh Dân thì đi bộ binh nên ba má tôi sợ chết, ba má tôi phản đối, không cho đám cưới. Việt cộng vô thì coi như bình yên rồi, không còn đánh nhau nữa nên cho làm đám hỏi. Đám hỏi xong thì tưởng là đi 10 ngày rồi về. Họ nói đi một tháng hay 10 ngày gì đó. Nhưng mà ổng đi mút chỉ, một năm sau mới có thư về cho đi thăm nuôi. Lúc đó anh ấy ở Suối Máu, anh ấy ở đó một thời gian lâu lắm. Sau đó thì lên Tống Lê Chân làm nhà, làm vườn cho họ. Anh ấy đi là tháng 6 năm 75 đến tháng 3 năm 81 thì về"

Đoạn trường thăm nuôi

RFA-NgocDiep-hv1-250.jpg
Chị Ngọc Diệp (trái) trò chuyện cùng thông tín viên Hiền Vy của RFA. RFA photo
Trong khi chị Kim Duyên kể lại đoạn đường gian khổ đi thăm chồng tại trại Hàm Tân:
"Đi thăm ở Hóc Môn thì dễ mà đi thăm ở Rừng Lá thì Trời ơi là nó khổ. Đi qua rừng, mấy cái rạch nước mà cuốn chiếu nó to bằng ngón tay út. Trời ơi, không dám bước, sợ lắm! Nhờ người ta thồi đồ vô chứ mình đâu có vác được. Đường rừng dài lắm."
Thì chị Ngọc Diệp cho biết, vì con còn nhỏ nên ba hay bốn tháng chị mới đi thăm chồng được một lần. Nhưng có bà mẹ chồng thì đi thăm thường hơn vì bà ở gần hơn:
"Hồi đó con tôi còn nhỏ, nên bà nội mấy cháu đi thăm thường hơn. Từ Cần Thơ đi Tây Ninh xa lắm nhưng thăm được thì mừng lắm. Có lần đi tới bị trễ họ không cho thăm, họ biểu ra nhà dân mà ở rồi hôm sau mới được vào thăm sớm. Sáng mai thì tôi dắt con và bà nội vào thăm thì họ chỉ cho thăm 15 phút thôi. Họ đứng họ canh.
Trước khi đi thăm thì họ nói là chính phủ khoan hồng cho mấy chị thăm chồng thăm con mà cấm không được hôn hít. Nhưng mà mấy ổng cũng hôn hà. Thăm xong ra về ông nào cũng ôm vợ hôn."
Còn chị Kim Kiều thì nói, sau cả năm trời không có tin tức, nên khi có giấy báo cho đi thăm thì chị em trong nhà củng nhau đi thăm vị hôn phu của chị. Những người chị của chị đều có chồng đi tù cải tạo nhưng chưa ai nhận được giấy báo tin:

Có lần đi tới bị trễ họ không cho thăm, họ biểu ra nhà dân mà ở rồi hôm sau mới được vào thăm sớm. Sáng mai thì tôi dắt con và bà nội vào thăm thì họ chỉ cho thăm 15 phút thôi.
Chị Ngọc Diệp
"Cả một năm mà không ai biết tin tức gì hết. Nhà tôi toàn là bị đi cải tạo. Tôi là út mà chồng chưa cưới cũng bị đi, mà anh ấy chỉ là trung úy thôi, còn bị đi như vậy thì mấy anh kia bị đi mút chỉ luôn. Trong nhà buồn lắm lận. Tới khi được tin đi thăm nuôi thì mừng muốn khóc luôn. Mấy bà chị cũng đi theo luôn chứ mấy chị chưa có được giấy, thành ra mấy chị đi theo tôi lên thăm ảnh luôn. Lúc lên thăm ảnh thì thăm em trai ảnh là Luyện nữa, cũng ở cùng chỗ với ảnh. Lên thăm thì có gì đem hết đi. Ảnh thì mạnh nhưng Luyện thì không ra được vì người đầy ghẻ lở. Đến cái độ là không làm gì được cả, ảnh phải đút cơm cho Luyện ăn..."
Mời quí thính giả đón nghe phần 2 của câu chuyện về những người thiếu phụ này trong chương trình kỳ tới.

Mời quí vị xem tiếp câu chuyện của những người thiếu phụ Việt Nam lặn lội đi thăm chồng sau khi đất nước đã thống nhất.

AFP photo - Xe tăng Lực lượng Giải phóng Quốc gia (FLN) trên đường phố Saigon sau ngày 30/4/1975.



Thực trạng "học tập cải tạo"

Trong những chuyến đi thăm nuôi người nhà, các chị cũng chứng kiến những cảnh thật đau lòng, chị Ngọc Diệp kể chuyện người cha già gánh nặng đi thăm nuôi con, mới hay tin là con đã chết:
"Có một lần đi, tôi gặp một ông già gánh hai gánh quà. Ổng nói là ổng là ổng đi thăm con ổng mấy lần mà họ không cho thăm. Sau cùng thì họ phát cho ông ấy cái khăn tang và nói là con ổng chết mấy tháng nay rồi. Ổng khóc quá trời rồi lăn ra chết giấc."
Còn chị Kim Duyên thì chứng kiến cảnh người tù không có thân nhân đã khẩn cầu xin chị những thứ mà có thể chồng chị không cần đến:
"Tù chung đó, mà không có thân nhân tội lắm. Thấy mình đi thăm thì hỏi là có dư gì thì để gốc cây cho họ, mà cán bộ đứng đầy đó nên mình không dám. Sợ cán bộ đến hỏi thì phiền."
Với số tuổi chỉ ngoài đôi mươi và một vóc dáng xinh đẹp mà chưa có gì thật sự ràng buộc ngoài một cái lễ hỏi, chị Kim Kiều không những chỉ thăm nuôi vị hôn phu mà còn thăm nuôi cả người em trai của người chồng chưa cưới. Khi được hỏi động cơ nào đã khiến chị đối xử với những người "ngã ngựa" như vậy, chị cho biết:
"Em ảnh thì có vợ rồi nhưng ở Qui Nhơn thành ra ông bà cụ nhờ tôi thăm người em của anh ấy luôn. Tại mình rất ghét cộng sản mà thương quốc gia. Mình không thể nào mà hòa hợp với cộng sản được. Hồi mới đi dạy tôi phải dạy xa thì khi lên xe Bus để đi dạy, thấy cộng sản ngồi thì tôi không nghĩ tới. Tôi tưởng như đang mơ vậy đó, Trên xe Bus có mấy ông lính của mình, hát những bản nhạc ngày xưa, hát để xin tiền đó. Trời ơi, mình muốn khóc luôn. Thành ra như vậy mình không thể nào..."
Sau thời gian dài bị tù đày, những người lính năm xưa được trở về với gia đình, chị Kim Kiều chia sẻ kỷ niệm khi đón người yêu:
"Không có gì mừng bằng! Ổng về một cái, là đầu tiên dẫn ổng đi ăn phở. Phở Quyền dưới ngã tư Phú Nhuận đó. Sau khi mà đổi tiền đó thì 500 ngày xưa chỉ được 1 đồng sau này. Tô phở tính 9 đồng, là ổng nhân lên liền. Ổng nói trời ơi sao mà mắc quá vậy. Ổng nói chỉ ăn một lần thôi nha, không ăn nữa nha. Mắc quá đi! Lúc đó tại mình là con út trong nhà thành ra cũng không bận bịu gì với gia đình nhiều nên ảnh mới về thì khao ảnh đó mà."
Có một lần tôi gặp một ông già gánh quà đi thăm con mấy lần mà họ không cho thăm. Sau cùng thì họ phát cho cái khăn tang và nói là con ổng chết mấy tháng nay rồi. Ổng khóc quá trời rồi lăn ra chết giấc.
Chị Ngọc Diệp
Rồi vài tháng sau, chị Kim Kiều cùng người yêu nên duyên vợ chồng. Sau nhiều lần vượt biển thất bại, cuối cùng anh chị cũng đến được bến bờ Tự Do. Trong thời gian anh chị chờ thanh lọc để đi định cư ở quốc gia thứ ba thì những người tù cải tạo khác đã cùng gia đình lần lượt đến Hoa Kỳ qua chương trình HO, trong đó có gia đình chị Ngọc Diệp và chị Kim Duyên. Chị Kim Kiều tâm sự:
"Đầu năm 89 là tụi tôi đem con đi vượt biển nữa, lúc đó cháu được 5 tuổi. Khi tôi đi thì mấy bà chị của tôi không cho đi, bảo là nộp đơn HO để đi, thì tôi nói là không thể tin được việt cộng, nên nộp đơn thì tôi cứ nộp nhưng mà đi vượt biên thì cũng cứ đi. Sống chết ngoài biển thì giao cho Trời vậy thôi. Tại thằng nhỏ nó còn nhỏ quá nên các chị của tôi cản. Chúng tôi ở trại tị nạn gần 4 năm rưỡi. Tới trại tị nạn là năm 89 mà cuối năm 93 mới qua Mỹ."

Nỗi đau không phai

scan0031-250.jpg
Vợ chồng chị Kim Duyên trong ngày đầu đến Mỹ. Ảnh do chị Duyên gửi RFA.
Niềm vui được sống trong một xứ sở Tự Do vẫn không làm các chị quên được quê nhà. Hồi tưởng lại những năm xưa, chị Kim Duyên cho biết:
"Bây giờ nghĩ lại thời gian đó thật là khủng khiếp. Trời ơi! những người cộng sản đối đãi với dân mình không được tốt đẹp. Họ đối xử chênh lệch, nào là con ngụy, nào là con này kia, Không được học những ngành chuyên môn. Họ tìm đủ mọi cách để không cho người dân của chế độ cũ được làm gì hết. Thành ra bây giờ tôi nghĩ đến cái chế độ của họ tôi thấy khủng khiếp quá! Khủng khiếp trong sợ hãi."
Chị Ngọc Diệp hiện vẫn còn mẹ già tại Việt Nam, chị đang phân vân không biết có về tham dự lễ thượng thọ 90 của Mẹ chị hay không:
"Mẹ tôi 90 tuổi rồi đó, Mẹ kêu tôi về làm lễ 90 tuổi cho Bà nhưng không biết tôi có về được không. Tháng mười hay tháng mười một sẽ làm sinh nhật 90 cho Bà"
Trong khi đó, chị Kim Kiều thì xem những tháng ngày khó khăn mà chị đã trải qua, như là những kinh nghiệm sống quí báu cho bản thân nhưng vẫn nhất quyết không về thăm nhà, khi quê hương chưa có được tự do:
"Đúng thì thật ra mình ở nó khổ thiệt nhưng có sống như vậy mình mới biết được dân của mình. Mình sống qua với việt cộng, rồi mình sống ở trại tị nạn thì mình biết được những thứ đó. Đó là những bài học rất là quí báu. Có những người may mắn thì họ không trải qua những cái đó, thì đúng là họ may mắn, nhưng họ không biết được những cái đó.
Còn lớp trẻ thì không hiểu được đâu. Không rút được kinh nghiệm đau thương sống với việt cộng. Tôi qua đây hai mươi năm rồi, tôi không về. Khi nào không còn việt cộng tôi mới về.
Chị Kim Kiều
Còn lớp trẻ thì không hiểu được đâu. Không rút được kinh nghiệm đau thương sống với việt cộng. Không thể nào hiểu được cái đau thương đó. Tôi qua đây hai mươi năm rồi, tôi không về. Khi nào không còn việt cộng tôi mới về, còn Việt cộng là tôi không về."
37 năm đã trôi qua, những thiếu phụ trẻ ngày nào giờ đây đang bước vào tuổi hạc. Tuổi thanh xuân của họ đã trôi qua trong thời chiến với nỗi âu lo cho người yêu ngoài mặt trận. Và khi đất nước thống nhất, hòa bình thì họ lại phải âm thầm tần tảo nuôi con thơ và thăm nuôi chồng trong các trại tù cải tạo, rồi lại lo tìm đường vượt biển để mong đến bến bờ tự do. Họ là những bà mẹ Việt Nam tiêu biểu, âm thầm chịu đựng và luôn quên mình để kiên cường gây dựng cho các thế hệ mai sau.

AFP

20 comments:

  1. Hiệp định Pari năm 1973 là hiệp định đình chiến, không có điều khoản nào để CS đánh chiếm Miền Nam. Bắc Việt đã vi phạm hiệp định cưởng chiếm MN tạo nên cảnh ngậm ngùi cay đắng ly tan.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Khách Lữ HànhMay 1, 2012 at 12:33 PM

      Miền Đất Bạc


      Mùa thu cũ, nhớ ngày xa lặng lẻ
      Tôi viết bài thơ lời tưởng niệm tặng anh

      Ngày ra đi không tiếng trống, không nhạc quân hành.
      Thảm cỏ úa vài chiếc lá xanh làm phúng điếu !

      Anh ra đi, không mang theo giấc mơ huyền dịệu
      Vỏn vẹn chỉ chiếc áo tù và manh chiếu phủ thân
      Hai chiến hữu đồng tù còng lưng thương tiếc ân cần.
      Cũng kiệt sức trơ dần theo đói khát.

      Mé rừng hoang, nơi anh nằm, vùng đất bạc
      Sỏi đá khô cằn tan tác thê lương
      Bạn tù khiêng anh qụy ngã bên đường
      Xác không nặng nhưng hai thân gầy xương khiêng sao nổi.

      Sức kiệt đất cằn, bốn tay gầy xới vội
      Huyệt trơ vơ
      U uẩn một lối về

      Ngày anh đi, không con cháu không hôn thê
      Âm thầm cô lẻ nẻo đường quê từ biệt.

      Nước mắt hai bạn tù đã đuối mòn cạn kiệt
      Gió vi vu, đưa thương tiếc vành tang
      Anh ra đi hồn lẻ nhập suối ngàn
      Đâu còn nữa thênh thang đường Tổ Quốc.

      Chiều Việt Bắc, dòng đời trôi tất bật
      Khối nhân gian vẫn vờ vật với đời
      Giã biệt anh
      Người bạn tù ơi
      Theo sau linh cữu chỉ đất trời gió lộng

      Biền biệt ngàn thu nhưng trong tôi anh vẫn sống.

      Nguyên Thạch

      Delete
  2. Nguyễn Lưu TùngMay 1, 2012 at 11:15 AM

    Cái này mà gọi là "giải phóng" nỗi gì.
    Phải gọi là ăn cướp mới đúng nghĩa.

    Phải gọi là:

    Ngày 30-4, ngày Ăn Cướp miền Nam, Cưỡng Bức lòng người.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tôi sinh ra vào năm 1975 , trên miền bắc xhcn , 36 năm trc , năm nào tôi cũng tự hào vì ngày giải phóng miền nam , nhưng từ một năm trở lại đây , cùng với việc truy cập vào nhiều trang web lề trái và biến động của xã hội , nhất là vụ vinasin , tiên lãng , văn giang , thu phí oto ..tôi bỗng tự hỏi , phải chăng 36 năm nay mình bị mù , bị điếc ? và tôi tin còn nhiều người bị mù và điếc như tôi ..Năm nay , tôi không còn dùng từ giải phóng miền nam khi nói với bạn bè đồng nghiệp , tôi khg còn vui nữa và chỉ ước sao , đừng có ngày này , cứ để hai nhà nước song hành nhau , và nhân dân sẽ chọn một nhà nước tốt nhất để tự thống nhất như nước Đức ..Nhưng lịch sử thì không thay đổi được , nên từ hôm nay tôi sẽ cố gắng mặc áo trắng nhiều nhất có thể và các bạn cố gắng như tôi nhé , để cho nhà nước cộng sản biết rằng nhân dân phải có quyền tự lựa chọn chính quyền ..cản ơn các bạn .Hãy để màu trắng làm giật mình những kẻ chuyên chế , hãy để chúng và con cháu chúng không dám mặc màu trắng

      Delete
  3. Thống nhất đất nước ,gom về một mối nói thì hay lắm nhưng thống nhất đất nước để đem dâng cho ngoại bang , thì sự thống nhất đó đáng hay sao?

    ReplyDelete
  4. Nếu cuộc "Đại thắng 30-4" là cuộc đại bại của CS miền Bắc thì hay biết mấy. Đất nước sẽ thống nhất như Tây Đức và Đông Đức, nửa CS bị triệt tiêu để toàn quốc hòa nhịp vào thế giới văn minh. Thế mà Cuội CS ca ngợi là Đại thắng để hàng năm kỷ niệm linh đình để Cuội biến cả xã hội VN thành dối trá. Cảm ơn bác Hữu Tình.

    ReplyDelete
  5. Tôi chỉ tiếc cờ vàng sao bỏ dỡ con đường tự do
    Tôi chỉ tiếc trời nam sao không còn nữa
    Tôi chỉ tiếc tự do bị vùi dập
    Tôi chỉ tiếc ngọc viễn đông bị lụi tàn
    Tôi chỉ tiếc không bằng Hàn, bằng Sin
    Tôi chỉ tiếc lịch sử không lặp lại
    Để tiêu diệt lũ cộng sản gian manh

    ReplyDelete
    Replies
    1. Việt Nam Tôi ĐâuMay 2, 2012 at 4:39 PM

      Ba bẩy năm rồi , giải phóng ai ?
      Ấm No , Hạnh Phúc , xuống ...ăn mày
      Nhân dân đói khổ , thành nô lệ
      Cho đám Quan Tham của CHÚNG BÂY !

      Delete
  6. Thảo Dân Thức TỉnhMay 2, 2012 at 9:11 AM

    Ba mươi bảy năm là một quảng đường dài.....CHO MỘT ÐỜI NGƯỜI
    NHƯNG Ba mươi bảy năm CHỈ là một quảng đường RẤT NGẮN CHO MỘT LỊCH SỬ DÂN TỘC; CHO MỘT CHẾ ÐỘ.
    Chế độ độc tài độc đảng CSVN sẽ là chế độ độc tài phong kiến CUỐI CÙNG trong lịch sử Vietnam. Cái chết của nó sẽ là bước ngoặt quan trọng nhất trong sách sử VN, đánh dấu một sự chuyển mình của đất nước trên con đường Dân Chủ Nhân quyền muôn năm của dân tộc, cái mà 2000 năm lịch sử VN chưa đạt được.

    ReplyDelete
  7. Nếu VNCH không có chính nghĩa tại sao sau 37 năm cưỡng chiếm chính quyền CSVN vẫn còn sợ hãi VNCH?
    - Đến đâu gặp cờ VNCH , CSVN cũng phải bò vào cửa sau !

    Nếu VNCH không chính nghĩa sao tới tận bây giờ người dân Việt Nam vẫn còn nhắc đến, vẫn còn bảo vệ, vẫn còn tin tưởng vào VNCH ?
    -Dân chủ- Tự do- Nhân quyền- Nhân phẩm là những bảo vật mà chính quyền VNCH dâng tặng hào phóng cho người dân Việt Nam từ lúc hình thành nền đệ nhất cộng hòa tới mãi tận bây giờ.

    Dù giông tố, bảo táp cây bám vào đất mẹ sẽ lại trổ hoa, loại trùng độc cỏ đại trên hoang tàn sẽ bị nhổ sạch nay mai.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ai được sống với chính thể Cộng Hoà của Miền NAM-VN cũng cảm nhận được cái cảm giác yên bình dù sống trong thời chiến.Nay thời bình nhưng luôn thấy bất an.TRI ÂN MUÔN ĐỜI CÁC ANH HÙNG TỬ SĨ VIỆT NAM CỘNG HOÀ.

      Delete
  8. người đà nẵngMay 2, 2012 at 9:29 AM

    Con cũng là người con Đà Nẵng, người con của VIỆT NAM CỘNG HÒA (sinh sau 1975). Con ước gì lịch sử lặp lại, con sẽ gia nhập quân đội cộng hòa của chúng ta để tiêu diệt lũ cộng sản gian manh xảo trá, lũ khốn nạn đặt mìn khủng bố, lũ bán nước và bán dân. Con yêu và trân trọng tất cả những gì thuộc về VNCH- yêu màu cờ vàng, yêu anh lính cộng hòa thật hũng dũng và rất đỗi hào hoa. Con đời đời ghi ơn tạc dạ các chú các bác đã bảo vệ Miền Nam tự do này. 30-4 Cái ngày khốn nạn, cái ngày mà con dân Nam Việt Nam phải hổ thẹn vì mình nhược tiểu so với Hàn, Đài Loan và Singapo, ngày mà sự kiềm kẹp và gông cùm lê lết trên mảnh đất thanh bình của cờ vàng, ngày mà sự uất nghẹn cứ trào dâng và cứ nấc trong nghẹn ngào, đau đớn. ƯỚC GÌ ƯỚC GÌ CÁI NGÀY CHÓ MÁ NÀY KHÔNG TỚI CHO VIỆT NAM CỘNG HÒA...

    ReplyDelete
    Replies
    1. NGÀY PHÁN XÉTMay 3, 2012 at 4:40 PM

      Đã xuất hiện "Ánh sáng cuối đường hầm " .
      Chúng ta cùng hy vọng !

      Delete
    2. Các ANH tử sĩ VNCH vẫn sống trong lòng người dân dù không được nhang khói ,ANH không chết đâu ANH CHIẾN SĨ VIỆT NAM CỘNG HÒA.

      Delete
    3. Hồ Nguyễn ( Bảo Lộc )May 4, 2012 at 11:07 AM

      Anh Hùng tử- Chí Hùng bất tử

      Mờ trong bóng chiều
      Một đoàn quân thấp thoáng
      Núi cây rừng
      Lắng tiếng nghe hình dáng
      Của người anh hùng
      Lạnh lùng theo trống dồn
      Trên khu đồi nương
      Im trong chiều buông.

      Ra biên khu trong một chiều sương âm u
      Âm thầm chen khói mù
      Bao oan khiên đang về đây hú với gió
      Là hồn người Nam nhớ thù.
      Khi ra đi đã quyết chí nuôi căm hờn
      Muôn lời thiêng còn vang
      Hồn quật cường còn mang đến phút chiến thắng
      Sầu hận đời lấp tan.

      Gươm anh linh đã bao lần vấy máu
      Còn xác xây thành, thời gian luống vô tình.
      Rừng trầm phai sắc
      Thấp thoáng tàn canh
      Hỡi người chiến sĩ vô danh...

      Delete
  9. Một bài viết thật sâu sắc!Cảm ơn tác giả! Sự thật vẫn là sự thật, sự ác ôn và côn đồ thì vẫn còn đó, cái bản chất đê hèn và khốn nạn của csvn, từ ngày xâm chiếm miền Nam tới bây giờ cũng không thay đổi.

    ReplyDelete
  10. Ngày 30-4-1975 :
    Ngày KHỐN NẠN cho dân tộc VN.
    Ngày Quốc Hận của toàn Quân Cán Chính VNCH.
    Ngày Đại Tang của gia đình tôi.

    ReplyDelete
  11. Xót thương ngày tháng cũ. Một thời thơ mộng đã trôi qua

    ReplyDelete
  12. Y.h: o0o_Imissyou_1968May 4, 2012 at 10:13 AM

    Hồn các Anh NGƯỜI LÍNH VIỆT NAM CỘNG HÒA đã hòa cùng sông núi . Mãi mãi các Anh vẫn sống trong lòng người dân miền Nam VN. Các Anh không bao giờ chết,chưa có lúc nào mà tên người lính VNCH lại được nhắc nhớ và tiếc nuối như lúc này và ước gì...

    ReplyDelete
  13. Tổ Quốc muôn đời ghi ơn các anh hùng Việt Nam Cộng Hòa !

    ReplyDelete