Wednesday, May 2, 2012

Đức cố Đệ Tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang đề nghị Ðảng và Nhà nước XHCN lấy ngày 30.4 làm “Ngày Sám hối và Chúc sinh toàn quốc” - Thông Điệp Phật Đản P.L. 2556 của Đức Đệ Ngủ Tăng Thống Thích Quảng Độ


PARIS, ngày 27.4.2012 (PTTPGQT) - Mười hai năm trước đây, ngày 21.4.2000, từ nơi lưu đày quản chế ở Quảng Ngãi, Ðại lão Hoà thượng Thích Huyền Quang, Đức cố Đệ tứ Tăng Thống, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, gửi bức thư 6 trang đến các ông Lê Khả Phiêu, Trần Ðức Lương, Phan Văn Khải và Nông Ðức Mạnh. Thư viết về hiện tình đất nước 12 năm sau chỉ còn là một văn bản đánh dấu thời đã qua. May lắm còn được lưu truyền như nhân chứng thời đại.
Nhưng không. Bức thư của Đức cố Đệ tứ Tăng Thống gửi lãnh đạo Cộng sản 12 năm trước vẫn giữ nguyên thời sự. Những tệ nạn xã hội có tính Quốc nạn mà Đức cố Tăng Thống đề xuất vẫn còn như chuyện của hôm nay vào ngày 30.4.2012. Đặc biệt sự Sám hối những sai phạm chết người của Đảng Cộng sản cần thiết hơn bao giờ để dất nước làm bước ngoặt sáng tạo thay đổi thời cơ, từ đen tối đến huy hoàng, từ đói hèn đến no ấm, từ nô lệ đến tự do.
Nhân kỷ niệm ngày 30.4 đau buồn rên siết của dân tộc năm nay, Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin trân trọng gửi đến quý Cơ quan Truyền thông và Báo chí toàn văn bức thư quan trọng và thống thiết của Nhà lãnh đạo Phật giáo trước hiện tình suy vong của đất nước sau 37 năm nạn độc tài toàn trị hoành hành. Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế phân các tiểu đề trong bức thư cho dễ đọc :


 

Đức cố Đệ tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang
Đức cố Đệ tứ Tăng Thống
Thích Huyền Quang

 

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
VIỆN TĂNG THỐNG



Phật lịch 2543
Số : 02/VTT/VP


 
Ðồng kính gửi :
Ông Lê Khả Phiêu, Tổng bí thư Ðảng Cộng sản Việt Nam
Ông Trần Ðức Lương, Chủ tịch CHXHCNVN
Ông Phan Văn Khải, Thủ tướng CHXHCNVN
Ông Nông Ðức Mạnh, Chủ tịch Quốc hội CHXHCNVN


 
Nghĩa Hành, ngày 21 tháng 4 năm 2000


Thưa quý Ngài,

Từ hơn một tháng qua Ðảng và Nhà nước bắt đầu tổ chức ăn mừng ngày kết thúc chiến tranh 30.4.1975. “Ðại thắng mùa xuân”, “Giải phóng miền Nam”, “Thống nhất đất nước”, “Ðộc lập và hòa bình”, v.v... sẽ là những đề tài được ca ngợi.

Nhân danh Viện Tăng thống và Hội đồng Lưỡng viện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tôi muốn nói lên những điều mà có lẽ Ðảng và Nhà nước sẽ không có cơ hội nhắc tới trong dịp Kỷ niệm 25 năm này.
 
Xin hãy nghĩ đến những người đã chết và để tâm lo cho gia đình họ

Hai điều tôi mong được quý Ngài lưu tâm, là những người tử vong, tàn tật vì cuộc chiến, và quyền sống của người dân với đầy đủ các quyền tự do căn bản chưa được công nhận.

Theo số liệu chính thức của Nhà nước, trong cuộc chiến vừa qua có ba triệu người chết, 300.000 bộ đội mất tích chưa tìm thấy mộ phần. Trong thực tế, số liệu này còn cao hơn gấp bội. Chưa kể hằng triệu người tàn tật, hằng triệu gia đình có con em chết trận không được nâng đỡ hay đền bù xứng đáng. Chưa kể số phận đông đảo binh sĩ tử vong hay tàn tật thuộc miền Nam cũ chưa hề được nhắc nhở như con dân một nước, dù chiến tranh chấm dứt từ lâu, dù lưỡng cực phân tranh trên thế giới đã cáo chung. Chưa kể nạn nhân chết oan ức hoặc bị hành hạ tàn bạo trong thời Cải cách Ruộng đất, mà con số 700.000 người đã được các cán bộ trong cuộc tiết lộ. Chưa kể nạn dân bị tàn sát trong cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân, đặc biệt tại Huế. Chưa kể trên 100.000 người bị hành quyết trong các Trại Cải tạo, và gần một triệu người bỏ thân trên biển cả khi vượt biển tìm tự do. Biết bao dâu bể thảm sầu trong một bài tính cộng.

Ðó là những người đã chết hoặc sống trong phũ phàng, quên lãng.
 
Chọn lựa duy nhất : Vào tù hay vào guồng máy Ðảng

Nhắc đến quyền sống của người dân với đầy đủ các quyền tự do căn bản, tôi chợt nhớ lời tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh : “Ðộc lập mà dân không được tự do, không được hạnh phúc, thì độc lập không có nghĩa gì”. Sự thật ngày nay, 80% nông dân và người lao động sống trong cảnh bần hàn, đói khổ. Sung túc bề ngoài chỉ thấy ở vài thành phố lớn, làm màu mè cho khách du lịch hay những nhà ngoại giao phương Tây, nhằm cầu viện trợ kinh tế. Sung túc nói đây là sung túc trong tham nhũng và chụp giựt của nhau, chứ chưa là đời sống ổn định thái hòa của một xã hội an sinh.

Muốn biết quốc gia thịnh suy như thế nào, chỉ cần nhìn vào đời sống của một người dân thường, một đoàn thể, một tôn giáo. Hiện tại ở nước ta, đoàn thể hay tôn giáo không được quyền tự do tồn tại, vì điều 4 trên Hiến pháp quy định sự độc tôn của tư tưởng Mác Lê-nin, và độc quyền cai trị của Ðảng Cộng sản. Mọi hình thái sinh hoạt của đoàn thể, tôn giáo ngoài chủ nghĩa cộng sản đều bị loại trừ. Con người Việt ở đầu thế kỷ 21 chỉ còn hai chọn lựa : vào nhà tù hay vào guồng máy Ðảng.

Khổ thay khi vào guồng máy Ðảng, con người chẳng còn được hiện hữu theo cá tính tự do của họ. Có miệng không được nói, có đầu óc không được suy nghĩ, có trái tim không được thương yêu nòi giống và quê hương theo quan điểm riêng biệt.

Còn vào nhà tù hay trại cải tạo thì được tự do suy nghĩ một mình, tự do ăn nói một mình. Song tự do như thế là tự do di động trong mồ sống, chẳng ai biết chẳng ai hay, vô tích sự với xã hội, nhân quần. Tự do theo kiểu này, khi nhân phẩm đã bị giải thể, có khác chi thứ tự do của loài trùn quằn quại trong lòng đất ?
 
Lời tra vấn cho nền văn hiến Việt và sự sinh tử cho mỗi con người

Thưa quý Ngài,

Là Tăng sĩ Phật giáo, với 83 tuổi đời, tôi không được sống và hoằng dương giáo lý Từ bi của đức Phật cho đồng bào tôi. Từ dưới thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa ngày nay, tôi chỉ biết mùi vị của nhà tù. Bởi cớ gì một công dân, một người tôn giáo như tôi không được sống trong cảnh tự do ? Và qua tôi, một Giáo hội dân lập có truyền thống 20 thế kỷ trên đất nước này, là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, không được tự do sinh hoạt, như Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị của Liên Hiệp Quốc quy định và bảo đảm ?

Câu hỏi tôi đặt ra đây không là sự oán hận cá nhân hay lời than phiền của một tôn giáo. Mà là lời tra vấn thống thiết về tiền đồ của nền văn hiến Việt, và sự sinh tử cho mỗi con người. Là nạn nhân và chứng nhân lịch sử 55 năm qua, tôi muốn được thấy đất nước đổi thay trong khi mình còn sống. Chứ không muốn từ giả cõi đời với hình ảnh của một chính thể bất biến trong chủ trương kỳ thị và đàn áp tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội cùng mọi quyền tự do căn bản của nhân quyền.
 
10 ngón tay chặt 5 ngón :
tiêu diệt Trí, Phú, Ðịa, Hào và Tôn giáo thời Việt Minh

Năm 1950, sống ở Liên khu 5 vào thời Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động Cải cách Ruộng đất, tôi đã từng nghe cán bộ và loa phóng thanh ra rả ngày đêm kêu gọi nhân dân tiêu diệt năm thành phần xã hội “Trí, phú, địa, hào, và tôn giáo lưu manh”. Mười ngón tay mà chặt mất năm thì còn lại gì ? Năm 1951, ông Nguyễn Duy Trinh, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Liên khu 5, đại diện Chính phủ Trung ương, tuyên bố rằng : “Phật giáo đã đến lúc cáo chung”. Ông Trinh nêu đích danh Phật giáo, không nhắc nhở hay công kích các tôn giáo khác. Thế là sang năm 1952, chính quyền kháng chiến bắt quần chúng Phật tử phải rời bỏ hàng ngũ Phật giáo để sáp nhập vào Liên Việt, một tổ chức ngoại vi của Ðảng. Tôi phản đối, liền bị bắt giam tại Quảng Ngãi, Hội Phật giáo Cứu quốc của chúng tôi bị giải tán. Nhờ có Hiệp định đình chiến Genève năm 1954, tôi mới được trả tự do. Giấy phóng thích không ghi tôi phạm tội gì.
 
Kỳ thị và đàn áp Phật giáo sau ngày 30.4.1975

Sau ngày 30.4.1975, chính quyền Cách mạng lên ngôi, ai cũng tưởng mọi thành phần dân tộc, mọi tầng lớp nhân dân sẽ được yên ổn làm ăn, tự do sinh họat trong tinh thần hòa hợp hòa giải ghi trong Hiệp định Paris. Nhưng không, chuyện cũ tái hiện. Thành phần đông đảo quần chúng là Phật giáo đồ, tổ chức có truyền thống dân tộc và quy mô là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, là những nạn nhân bị kỳ thị và bị đàn áp trước tiên. Mặc dù lập trường của Giáo hội chúng tôi trước sau như một : dân tộc, hòa bình, từ bi, cứu khổ.

Chính sách kỳ thị và đàn áp thể hiện qua việc bắt Tăng Ni hoàn tục, bắt họ đi kinh tế mới, đi nghĩa vụ sang chiến trường Kampuchia hay đem giam vào trại Cải tạo ; chiếm đoạt tại Saigon và trên khắp các tỉnh thành ở miền Nam tất cả các cơ sở tự viện, gia ốc của Giáo hội, các cơ sở văn hóa, giáo dục, xã hội, kinh tế, viện đại học Vạn Hạnh, hệ thống trường trung, tiểu học Bồ Ðề, trường Thanh niên Phụng sự xã hội, cơ quan từ thiện, nhà nuôi trẻ, cô nhi viện, đất chùa, kinh sách, v.v... . Khiến cho 12 Tăng Ni đã phải tự thiêu tập thể tại Chùa Dược Sư ở Cần Thơ ngày 2.11.1975 để phản đối và yêu sách quyền tự do tôn giáo.

Trong bức thư đề ngày 20.9.1975, mang số 0278-VHÐ/VP, nhân danh Viện Hóa Ðạo gửi ông Chủ tịch Chánh phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam (kính quá Thượng tướng Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban Quân Quản Saigon - Gia định), tôi đã yêu cầu chấm dứt hành động đập phá tượng Phật. Trong thư, tôi nêu rõ 3 trường hợp cụ thể phá tượng Phật tại chùa Bửu Long ở Sóc Trăng ngày 2.9.75 ; đặt mìn phá tượng Phật Quan Âm lộ thiên cao 9 thước tại đồi Phú Hải ở Phan thiết ngày 11.9.75 ; đặt mìn phá tượng Phật Quan Âm tại Biển Hồ ở Pleiku ngày 11.9.75.

Tình trạng càng lúc càng tệ hại, nên ngày 17.3.1977 tôi lại nhân danh Viện Hoá Ðạo viết thư, mang số 044/VHÐ/VP, gửi Thủ tướng Phạm Văn Ðồng, nói lên chính sách đàn áp tôn giáo quy mô tại miền Nam cũ. Kèm thư, tôi nêu rõ 88 trường hợp đàn áp cụ thể và các vụ cưỡng chiếm văn phòng trụ sở Giáo hội tại 29 tỉnh thành : Phú bổn, Long khánh, Khánh hòa, Nhatrang, Ðà Nẵng, Quảng ngãi, Bình thuận, Sóc trăng, Chương thiện, Saigon, Thủ đức, Long châu tiền, Kiên giang, Tuyên đức, Gia lai, Kontum, Pleiku, Ban Mê thuộc, Ðịnh tường, Phan thiết, Bình tuy, Hậu giang, Kiến phong, Thuận hải, Ðồng nai, Bình chánh, Biên hòa, Long an, Minh hải. Việc tàn phá các Phật đài tôn nghiêm vẫn tiếp diễn. Cho đến đầu năm 1977, gần 20 tượng Phật Thích Ca và Quán Thế Âm bị phá hủy bằng chất nổ, bằng búa, thủ tiêu hoặc vứt xuống sông. Như các trường hợp xẩy ra tại các chùa Tỉnh hội ở Gia Lai, Kontum, Ban Mê thuộc, chùa Vạn Hòa ở Kiên giang, chùa Khánh Minh ở Cần giuộc, chùa Thiền Tôn ở Minh Hải, Niệm Phật đường trong bệnh viện Nguyễn Văn Nhựt, v.v...
 
Bây giờ Dân khinh đáo để

Ðại lão Hòa thượng Thích Ðôn Hậu ở miền Bắc trở về Nam thấy tình hình đàn áp nhân quyền nói chung và khủng bố Phật giáo nói riêng, đã phải thán lên trong băng hồi niệm mà ngài cho ghi âm, hiện chúng tôi còn giữ, rằng : “Tình đoàn kết, thương yêu, kính trọng của nhân dân miền Nam chỉ được 10 ngày. Sau 10 ngày “giải phóng” : tình đoàn kết tan rã, lòng yêu thương đổi thành ghét cay ghét đắng, sự kính trọng bây giờ người dân trở lại khinh đáo để”.

Dù tình hình khó khăn khốc liệt như thế, nhưng Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, vẫn nghĩ đến sự đóng góp phần mình vào cuộc tái thiết quê hương sau thời chiến, nghĩ đến việc thống nhất khối lượng Phật giáo đồ hai miền Nam Bắc, y như thời đất nước chưa bị Hiệp định Genève qua phân, để chấn chỉnh đạo đức, bảo vệ nền hòa bình dân tộc, băng bó vết thương tranh chấp, bất hoà, và bài trừ các tệ nạn xã hội. Viện chúng tôi đã cẩn thỉnh Ðại lão Hòa thượng Thích Ðôn Hậu đại diện đến gặp ông Nguyễn Văn Hiếu, Bộ trưởng bộ Văn hóa, trình bày sự việc. Nhưng ông Hiếu trả lời : Thống nhất rất tốt, nhưng không thống nhất với Phật giáo phản động. Hỏi Phật giáo phản động là ai ? Ông Hiếu không trả lời. Phải chăng ông Hiếu và chính quyền Cách mạng không muốn cho Phật giáo đồ Bắc Nam Trung thống nhất trong lẽ Ðạo, mà chỉ nhằm bắt họ “thống nhất” với chính trị ?

Những ai không chịu thế tục hóa đạo Phật liền bị bắt nhốt, bị chụp cho đủ thứ mũ. Hiện trạng mà năm 1977, tôi cùng các vị lãnh đạo cao cấp và trung cấp trong Viện Hóa Ðạo, như quý Thầy Thiện Minh, Quảng Ðộ, Trí Giác, Thông Huệ, v.v... bị bắt giam ở Phan Ðăng Lưu. Cuối năm 1977, Hòa thượng Thích Thiện Minh bị tra tấn đến chết trong tù, Giáo hội xin nhận thi hài làm lễ an táng, thì bị từ chối. Hai năm sau, tất cả chúng tôi bị đưa ra tòa xét xử mà vẫn không biết mình phạm tội gì. Bởi chỉ đứng nghe lời vu cáo phán quyết, không được quyền tự biện hộ, cũng chẳng có luật sư bảo vệ như tại các nước văn minh tôn trọng pháp quyền. Người lãnh án treo, người tha bỗng, người bị 2 năm, 3 năm, 7 năm tù.
 
Nền “Phật giáo Nước nhà” biến thành “Phật giáo Nhà nước”

Cuối năm 1981, Ðảng và Nhà nước dựng lên tổ chức Phật giáo làm công cụ cho chính trị, bỏ tinh thần thống nhất đặc thù của Phật giáo Việt Nam để thu hình vào danh xưng “Giáo hội Phật giáo Việt Nam”. Từ phong trào Chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX, suốt 70 năm qua, tâm nguyện chúng tôi hành trì cho cuộc thống nhất nền Phật giáo Nước nhà, thì nay Ðảng nắn dựng ra tổ chức Phật giáo Nhà nước. Vì vậy mà chúng tôi phản đối. Việc Giáo hội là của chư Tăng Ni và Phật tử quyết định, cớ sao Ðảng lại nhúng tay sắp đặt và quyết định thay cho hàng giáo phẩm Giáo hội và quần chúng Phật tử ? Báo chí Ðảng và Nhà nước dựa vào vài Tăng sĩ tên tuổi làm bình phong trấn an quần chúng trong nước và dư luận thế giới. Nhưng ngoài những người đội lốt Tăng già, còn lại là những trường hợp cá nhân bị bó buộc, bị lũng đoạn, thúc ép, hoặc nhiều vị lâm cảnh giả dại qua ải. Khiến Phật tử toàn quốc khổ tâm chứng kiến cảnh : Một Giáo hội Nhà nước đã chết mà chưa chôn ! Một Giáo hội Dân lập (Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất) đã chôn mà vẫn sống !

Giáo hội là nơi tập họp những người mang cùng chí nguyện đem lại Chân, Thiện, Mỹ và giải thoát khổ đau cho đời. Không thể là nơi hoan hô, đả đảo suốt ngày. Vì vậy chúng tôi từ khước hình thức và nội dung của một Giáo hội công cụ. Thế là ngày 25.2.1982, tôi nhận Quyết định số 71/QÐ-UB của Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh do ông Nguyễn Minh Ðạm, Phó giám đốc Công an thành phố và ông Lê Quang Chánh, thay mặt Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố ký, trục xuất tôi ra khỏi thành phố Saigon. Áp giải về quản thúc tại tỉnh Nghĩa Bình từ đó đến nay. Bản Quyết định ghi tội danh của tôi là “lợi dụng tôn giáo để gây chia rẽ khối đoàn kết dân tộc (...), gây nguy hại và an ninh trật tự của thành phố”. Lấy quyền gì mà Ủy ban Nhân dân Thành phố quyết định, bắt giam, lưu đày một tu sĩ cũng là công dân như tôi, chẳng cần thông qua sự xét xử của bất cứ tòa án nào. Cung cách ấy có là tôn trọng pháp quyền chăng ? Cùng bị bắt, cùng bị đưa về nguyên quán quản thúc như tôi, còn có Hòa thượng Thích Quảng Ðộ giải về Thái Bình ở miền Bắc.
 
Dân biết, dân câm họng. Ðảng biết, đảng bỏ tù

Năm 1992, Ðại lão Hòa thượng Thích Ðôn Hậu viên tịch tại chùa Linh Mụ ở Huế. Cuối tháng 4 năm ấy, tôi xin phép ra Huế thọ tang Ngài cùng với chư tôn Giáo phẩm cao cấp, trung cấp của Giáo hội và Tăng Ni, Phật tử quy tập về từ các miền Nam, Trung, Bắc. Tại lễ điếu này, tôi được chư vị Giáo phẩm có mặt, chiếu Chúc thư của cố Ðại lão Hòa thượng Thích Ðôn Hậu, ủy nhiệm tôi làm Quyền Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, để cùng với nhị vị Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Thích Pháp Tri lãnh đạo Giáo hội vận động phục hồi quyền sinh hoạt cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, và tổ chức Ðại hội VIII để bổ sung nhân sự lo việc hoằng pháp lợi sanh.

Tiếp nhận ấn tín của Giáo hội và trọng trách chư Giáo phẩm giao phó, về lại Quảng Ngãi tôi viết “Ðơn xin cứu xét nhiều việc” đề ngày 25.6.1992 bao gồm 9 yêu sách gửi các ông Tổng bí thư Ðảng, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Tối cao Pháp viện và Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc. Lạ thay, thư không được hồi âm. Không bao giờ được hồi âm, những thư trước đó cũng như nhiều thư sau này. Ðảng và Nhà nước thường tuyên bố nền dân chủ Xã hội Chủ nghĩa dân chủ một triệu lần hơn các nước dân chủ tư sản phương Tây. Sao lại giữ thái độ xem thường tiếng kêu cứu của người dân như thế ? Khẩu hiệu tuyên truyền của Ðảng và Nhà nước là “dân biết, dân làm, dân kiểm tra” còn mang ý nghĩa gì nữa ?

Sự trả lời gián tiếp mà chúng tôi nhận được là hai tài liệu “Mật” mang số 125/TUDV của Ban Dân vận và “Tuyệt Mật” mang số 106/PA 15-16 của cơ quan Công an Bộ Nội vụ vào năm 1993. Hai tài liệu này chỉ thị cán bộ công an và tôn giáo vận “cắt đứt tay chân” và lấy “giáo luật, pháp luật” cô lập tôi và chống hàng giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, mà tài liệu gọi bằng danh xưng không mấy lễ độ và rất thiếu chính trị “Bọn phản động Phật giáo Ấn Quang” !

Phản động hay không phản động chỉ là cách Ðảng phân chia thù bạn. Chứ trong thực tế, tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng, chẳng ai thoát khỏi sự kìm kẹp, hạn chế tối đa nếu không nói là ức chế của những sắc luật, nghị định, hướng dẫn về tôn giáo.

Suốt hai ngàn năm lịch sử Việt, ở vào các triều đại tự chủ và độc lập, Phật giáo chưa bao giờ nhận các loại Sắc luật dành cho tôn giáo như thế. Từ Nghị định 297/CP, rồi 69 của Hội đồng Bộ trưởng năm 1991 đến Nghị định 26/1999/NÐCP, từ các Chỉ thị, Hướng dẫn 379/TTG, 500/HD/TGCP đến Hướng dẫn Nghị định 26 của Ban Tôn giáo Chính phủ hôm 16.6.1999, 25 năm ròng rã vừa qua tất cả các tôn giáo, các người có tín ngưỡng đều buộc phải đứng sắp hàng nghe Nhà nước dạy bảo qua Ban Tôn giáo Chính phủ về những điều chẳng dính líu chi đến chuyện tín ngưỡng, chuyện giác ngộ hay giải thoát khỏi vô minh, khổ nạn. Chẳng có gì gọi là tự do cả.

Ðấy là tình trạng và hoàn cảnh người dân nói chung, người tu sĩ và Phật tử nói riêng chịu đựng trong ức chế và khốn cùng tại miền Nam 25 năm qua, tại miền Bắc 45 năm qua.
 
Phục hồi quyền sinh hoạt của GHPGVNTN, trả tự do cho tù nhân tôn giáo và bãi bỏ Nghị định 31/CP

Con chim sắp chết tiếng nó kêu thống thiết. Người lão tăng sắp về cõi Phật như tôi không nói lời gian dối : Ðảng và Nhà nước không thể mãi mãi che đậy những lỗi lầm của mình để làm chuyện thất đức, mà hậu quả khiến nhân dân bần cùng, tôn giáo bị đàn áp, trí thức mất tự do tư tưởng, nhà báo mất tự do ngôn luận, văn nghệ sĩ mất quyền sáng tạo, người lao động không tự do nghiệp đoàn...

Ðã đến lúc cần chấm dứt tình trạng làm cho dân nghèo nước yếu, nhân tài và trí thức tiêu ma.

Ðối với Phật giáo, chúng tôi yêu sách Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất phải được phục hồi quyền tự do sinh hoạt trên pháp lý hiện hành, vốn được quy định và bảo đảm tại Hiến chương, Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của LHQ. Các Hòa thượng, Thượng tọa, Ðại đức Tăng Ni, Phật tử sau khi được trả tự do phải được phục hồi hộ khẩu, quyền công dân và quyền tự do hành đạo ; bãi bỏ Nghị định 31/CP để chấm dứt vĩnh viễn chế độ quản chế hành chính phi luật pháp khiến kẻ được trả tự do vẫn thấy như mình bị dẫn độ từ nhà tù nhỏ sang nhà tù lớn, khiến ai nấy nơm nớp lo âu bị bắt vô cớ bất cứ lúc nào. Các Tăng sĩ, Phật tử còn bị giam giữ hay quản chế phải được trả tự do và giải chế. Nếu xét thấy họ có tội, thì đưa ra xét xử công khai trước một tòa án với quyền bào chữa của luật sư do họ chọn lựa, cùng sự hiện diện của báo chí quốc tế.

Ngoài ra, chúng tôi xin trả lại “chiếc mũ phản động”, “chiếc mũ phá hoại”, “chiếc mũ vu cáo chống đối” cho những ai chụp lên đầu chúng tôi. Ðạo Phật là đạo thực hành sự Giác ngộ và Cứu khổ. Ðạo Phật là đạo xây dựng một cõi người nhân ái và huynh đệ. Ðạo Phật không chống đối những tư tưởng thời đại, vì những tư tưởng ấy sẽ theo thời đại đi qua. Ðạo Phật lấy Chánh Kiến soi sáng các thiên kiến, tà kiến mà thôi.
 
Linh quyền cho người chết và Nhân quyền cho người sống : 3 lời đề nghị

Kỷ niệm 25 năm chấm dứt chiến tranh, theo tôi nghĩ, Ðảng và Nhà nước nên làm chuyện có một không hai, chuyện không ai dám làm, ngoại trừ kẻ có hùng tâm tráng chí. Ấy là thực hiện ba nghĩa cử văn minh :

Thứ nhất, chấm dứt vĩnh viễn sự gây chiến trong ý nghĩ (tư duy) cũng như trong hành động, đối với mọi thành phần dân tộc và tôn giáo ngoài đảng Cộng sản. Sự gây chiến ấy đã từ lâu hóa trang bằng chủ trương đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản ;

Thứ hai, lấy ngày 30.4. làm “Ngày Sám hối và Chúc Sinh toàn quốc”. Sám hối với người chết và Chúc Sinh người sống. Các nước dân chủ Tây phương làm cuộc sám hối các lỗi lầm hằng ngày, qua cơ chế tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do phê phán để chính quyền sửa sai. Một tôn giáo lớn của phương Tây như Giáo hội Công giáo, mà vừa đây đức Giáo hoàng cũng phải làm cuộc Thống hối các sai lầm bức tử và bạo động của Giáo hội dọc hai ngàn năm qua đối với đồng loại và các tôn giáo khác. Có thể nào Ðảng và Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa dám khẳng định không vi phạm sai lầm trong 55 năm qua ? Bao nhiêu lời tả oán từ hai cuộc chiến, trong Cải cách ruộng đất, trong Tổng tiến công Tết Mậu thân ở Huế, trong các vùng Kinh tế mới, và tại các Trại tập trung Cải tạo. Dù chối bỏ cách nào chăng, vẫn khó tránh né một thực tế, là oan hồn bị bức tử đếm không xiết. Ðảng và Nhà nước hãy xót thương những người chết, hãy nghĩ đến Linh quyền của họ mà Sám hối và làm lễ Cầu Siêu cho vong hồn họ thôi vất vưởng gọi kêu báo oán.

Linh quyền cho người chết. Nhân quyền cho người sống, đây là ý nghĩa của lễ Chúc Sinh. Xưa các vua chúa Tế Trời mỗi năm ở đàn Nam giao cầu cho quốc thái dân an. Nay ở thời đại mới, Nhà nước nên áp dụng luật pháp bảo đảm các quyền tự do căn bản về dân sự và chính trị cho mọi công dân, như một cách Tế thờ Người.

Thứ ba, ban hành thành Sắc luật trong việc tìm kiếm thi hài kẻ chết trận, dù họ thuộc bộ đội miền Bắc hay binh sĩ miền Nam để chôn cất và trả nghĩa cho gia đình họ khỏi ngậm ngùi ; trả tự do cho toàn bộ những người tù vì chính kiến hay tôn giáo ; phục hồi danh dự những kẻ chết oan, và cấp dưỡng xứng đáng những người tàn tật vì chiến tranh, không phân biệt Nam Bắc, chính kiến.

Làm được ba điều nói trên cùng với việc tôn trọng quyền tự do sinh hoạt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, chiến tranh mới thực sự chấm dứt, cuộc lễ 25 năm mới mang ý nghĩa khởi đầu cho cuộc hòa hợp dân tộc thực sự.

Mong lắm thay.

Trân trọng chào quý Ngài.

 
Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
(ký tên)
Tỳ kheo
Thích Huyền Quang

Thông Điệp Phật Đản P.L. 2556 của

Đức Đệ Ngủ Tăng Thống ĐLHT TQĐ


Lễ Ðặt Viên Ðá Ðầu Tiên xây rộng

chùa Ðiều Ngự


'Cộng Sản cấm chùa, chúng ta mở chùa'

WESTMINSTER (NV) - “Cộng Sản cấm chùa, chúng ta mở chùa,” Hòa Thượng Thích Viên Lý nói về ý nghĩa Lễ Ðặt Viên Ðá Ðầu Tiên tại chùa Ðiều Ngự, Westminster, hôm Chủ Nhật.
Một Phật tử chuẩn bị Lễ Ðặt Viên Ðá Ðầu Tiên tại chùa Ðiều Ngự. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)
Nhân dịp này, chùa Ðiều Ngự cũng khánh thành hội trường mới và tổ chức Ðại Lễ Phật Ðản 2556.

Hòa thượng nói tiếp: “Ðặc biệt, lễ đặt viên đá đầu tiên và khánh thành hội trường là việc làm đối kháng với chế độ độc tài đảng trị trong nước, ngăn cản tôn giáo phát triển.”
Hòa Thượng Thích Viên Lý hiện là phó viện trưởng, chủ tịch Hội Ðồng Ðiều Hành Văn Phòng II Viện Hóa Ðạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Hoa Kỳ, kiêm viện chủ chùa Ðiều Ngự.
Chưa bao giờ chùa Ðiều Ngự đông Phật tử như lần này, vì có tới ba sự kiện cùng xảy ra trong một ngày. Phật tử đứng, ngồi, đi lại khắp nơi. Số người đến đông đến độ nhiều người phải đậu xe ở xa và đi bộ đến. Ban trật tự làm việc vất vả điều hành chỗ đậu xe cho mọi người.

Chư tăng ni chuẩn bị cắt băng khánh thành hội trường tại chùa Ðiều Ngự. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)
Phía bên hội trường mới là một cổng chào lớn với hàng chữ “Kính Mừng Phật Ðản,” phía trên có Phật Giáo Kỳ ở giữa, cờ Mỹ bên trái và cờ VNCH bên phải. Phía trên tường hội trường là hàng chữ “Lễ Khánh Thành Hội Trường.”
Phía trước chánh điện là một tượng Phật lớn trên một bàn thờ, bên trái là tấm bảng có hàng chữ “Lễ Ðặt Viên Ðá Ðầu Tiên Kiến Lập Chùa Ðiều Ngự,” bên phải là tấm bảng có mô hình chùa trong tương lai. Cả bàn thờ và hai tấm bảng đều có hoa tươi xung quanh.
Bên ngoài và bên trong chùa, nhiều lá cờ bay phất phới trong gió. Nhiều tấm vải treo xung quanh chùa với các hàng chữ như “Cầu Nguyện Pháp Nạn, Quốc Nạn Sớm Giải Trừ,” “Bảo Toàn Phật Tính Con Người, Bảo Vệ Phẩm Giá Ðồng Bào và Nhân Loại là Yếu Tính của Ðạo Phật Việt,” “Phật Tử Việt Nam Thánh Hóa Cái Chết Bằng Sự Hóa Thân Vào Sự Sống Ðể Bảo Vệ Con Người, Thăng Hoa Lên Con Người Trí Tuệ,” và “Chánh Pháp Không Thể Nở Hoa Nơi Giang Sơn Nô Lệ”...


Mô hình chùa Ðiều Ngự tương lai. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)
Tất cả tạo cho chùa một không khí của ngày hội lớn.
Ðúng 2 giờ chiều, tất cả chư tăng ni và Phật tử tề tựu trước chánh điện chứng kiến nghi thức đặt viên đá đầu tiên.
Thượng Tọa Thích Viên Huy, trụ trì chùa, tuyên bố: “Hôm nay, tất cả chúng ta đến đây để thực hiện ước mơ xây một ngôi chùa mới. Thừa lệnh Văn Phòng II và viện chủ chùa, chúng con thỉnh đại lão hòa thượng về niệm hương và đặt viên đá đầu tiên, nguyện cầu Ðức Phật gia hộ ngôi chùa sớm hoàn tất, để chúng sanh và thí chủ sớm an lạc.”
Sau lời cầu nguyện của Ðại Lão Hòa Thượng Thích Chánh Lạc, viện trưởng Viện Hóa Ðạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Hoa Kỳ, từng chư tăng sĩ và dân cử địa phương đặt từng viên đá vào một vòng tròn trước bàn thờ trong lúc pháo hoa được bắn lên và từng con chim bồ câu được thả lên bầu trời trong nghi thức phóng sanh.
Kế đến, mọi người bước sang phía trước hội trường tham dự lễ cắt băng khánh thành.
Kiến trúc sư Lê Ngọc Diệp, người vẽ họa đồ thiết kế các chùa khác tại miền Nam California như Bảo Quang, Hoa Nghiêm và Vĩnh Nghiêm, rất hài lòng với nhiệm vụ được giao lần này với chùa Ðiều Ngự.

Quang cảnh Ðại Lễ Phật Ðản 2556 tại chùa Ðiều Ngự. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)
Ông nói: “Tôi cảm thấy thích thú vì được làm việc thiện cho cộng đồng, đồng thời giới thiệu nét văn hóa Á Ðông, đặc biệt là văn hóa Việt Nam, với người bản xứ.”
Ông cho biết, so với các chùa khác, chùa Ðiều Ngự “lớn hơn, nhờ thế đất và sự ủng hộ.”
“Chùa khác thường hay bị chống đối, nhưng Ðiều Ngự thì không,” kiến trúc sư này nói. “Nếu được thành phố chấp thuận, chùa sẽ khởi công xây dựng vào đầu năm tới.”
Phật tử Diệu Ðức Nguyễn Thị Dậu nói: “Tôi ở Anaheim, nhưng chọn làm Phật tử chùa Ðiều Ngự vì đây là Văn Phòng II Viện Hóa Ðạo, có Thầy Quảng Ðộ đang bị tù trong nước, vì thế, có nhiều người đến. Chính nghĩa bao giờ cũng được mọi người ủng hộ.”
Không những thế, cung cách làm việc của chùa cũng thu hút Phật tử.
Chị Nga Nguyễn, cư dân Westminster, chia sẻ: “Tôi rất mừng thấy chùa được mở rộng. Hơn nữa, chùa tổ chức rất chu đáo. Những người làm công quả ở đây rất kiên nhẫn, có lòng và lịch sự.”
Anh Ðăng Nguyễn, ở tận San Bernardino, cho biết thêm: “Hôm nay, tôi kéo cả gia đình xuống đây để dự lễ đặt viên đá đầu tiên, thấy không khí vui và nhộn nhịp. Tôi thấy chùa ngày càng đông hơn.”
Ðại Lễ Phật Ðản tại chùa Ðiều Ngự năm nay kéo dài ba ngày cuối tuần.
Thứ Sáu là thuyết pháp và lễ cúng dường thanh tịnh. Thứ Bảy, chùa tổ chức khóa tu Ðại Bi Tâm Pháp, kéo dài suốt ngày.
Riêng ngày Chủ Nhật, chư tăng ni thăm viếng và cầu nguyện tại ba nơi, Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt-Mỹ (Westminster), Tượng Ðài Anh Hùng trong công viên Roger Stanton (Midway City), và Tượng Ðài Thuyền Nhân (Westminster), trước khi trở về chùa.
Trong Ðại Lễ Phật Ðản, Phật tử, đồng hương và quan khách được nghe đạo từ của Ðại Lão Hòa Thượng-Chủ Tịch Văn Phòng II Viện Hóa Ðạo và Thông Ðiệp Phật Ðản, Phật Lịch 2556, của Ðức Ðệ Ngũ Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
Nhân dịp này, ban tổ chức cũng phát phần thưởng cho những học sinh ưu tú và tác giả những bài viết về ý nghĩa ngày Phật Ðản.


Hàng ngàn đồng hương và Phật tử từ nhiều

thành phố đã đến tham dự Đại lễ Phật Đản

được Văn Phòng II GHPGVNTN Hải Ngoại tại

Hoa Kỳ tổ chức vào 3 ngày 27,28,29/4/2012



Lễ Phật Đản PL.2556 được tổ chức tại chùa Điều Ngự, trụ sở Văn phòng II Viện Hóa Đạo, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhứt Hải Ngoại tại Hoa Kỳ, thành phố Westminster, California trong 3 ngày 27, 28 và 29 tháng 4 năm 2012. Cũng nhân dịp này Giáo hội cũng tổ chức lễ Đặt Viên Đá Đầu Tiên kiến lập chùa Điều Ngự và lễ Khánh Thành Hội Trường 2000 chổ ngồi.

Ngôi chùa Điều Ngự ra đời chỉ khoảng 3 năm theo nhu cầu của Phật tử trung kiên với GHPGVNTN truyền thừa vùng Nam Cali. Trong những dịp lễ lớn hằng năm như lễ Phật Đản, lễ Vu Lan, Tết Nguyên Đán là dịp hàng ngàn Phật tử quy tụ về. Với lượng Phật tử quá sức chứa và theo nhu cầu hoằng pháp, Giáo hội đã quyết định xây dựng lại hoàn toàn ngôi Tam Bảo phục vụ việc tu học của chư tăng ni và Phật tử.

Sau đây là vài hình ảnh tiêu biểu cho ngày Phật Đản do ĐH Hùng cung cấp

Chuẩn bị cho Lễ Phật Đản

Cổng chào




Đặt viên đá đầu tiên
Mô hình Chùa Điều Ngự tương lai

Hội Trường
Lễ Khánh thành hội trường





Trong hội trường với sức chứa hàng ngàn người đã không còn chổ










20 comments:

  1. Một Đảng hèn với giặc, ác với dân, khôn nhà dại chợ. Nói một đường làm một ngã. Coi nhân dân như bầu sữa béo. Tham nhũng từ trên xuống dưới, lấy khủng bố làm phương tiện cai trị , ngay cả Tôn giáo , người tu hành củng không tha v.v...
    Cái Đảng CSVN có xứng đáng lảnh đạo không?
    Xa lánh Đảng CSVN là thức thời
    Đào thải nó đi là sáng suốt

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đảng CSVN : Nơi tập hợp những tên cướp công khai ! Mục đích nắm chính quyền để vơ vét , Đẩy nhân dân ta vào thế đối địch . Thử hỏi chế độ này tồn tại được bao lâu ?

      Delete
    2. Người Nam-ĐịnhMay 3, 2012 at 9:20 AM

      Cương quyết chống đối bạo quyền xâm phạm tự do tôn giáo.

      Delete
  2. Khi những bậc chân tu khả kính đức cao lên tiếng thì triều đại vô lương tàn ác này chắc chắn sẽ suy vong .
    Cơ hội chứng kiến đất nước Việt Nam đổi thay ''KHÔNG CỘNG SẢN'' không còn xa nữa .

    ReplyDelete
    Replies
    1. Khách Vãng LaiMay 2, 2012 at 4:28 PM

      Là người ngoại Đạo , nhưng tôi rất kính trọng cố HT Thích Huyền Quang và HT Thích Quảng Độ .

      Delete
  3. hoangle_thienkhoa@yahoo.comMay 2, 2012 at 2:28 PM

    Đức cố Đệ Tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang đề nghị Ðảng và Nhà nước XHCN lấy ngày 30.4 làm “Ngày Sám hối và Chúc sinh toàn quốc” : Sám hối những sai lầm trọng đại, giải quyết tình trạng bi thảm của những người tử vong, tàn tật, qua 2 cuộc chiến, và bảo đảm Nhân quyền cho người sống, Linh quyền cho người chết.

    Chừng nào bọn người cầm quyền chưa nhận ra '' lời giáo huấn '' này của Đức cố Đệ Tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang thì chừng đó còn có máu chảy đầu rơi , tự do độc lập chỉ là bánh vẽ và dân tộc chúng ta sớm muộn gì củng bị dâng hiến hết cho bọn giặc bành trướng tàu cộng .

    ReplyDelete
    Replies
    1. "Việt Nam ơi, thời gian quá nửa đời người, và ta đã tỏ tường rồi, ôi cuộc đời này sao tàn lửa khói...." Cảm ơn anh nhạc sĩ Việt Khang. Cảm ơn Đức Đệ Ngủ Tăng Thống Thích Quảng Độ đả đánh thức tỉnh lương tâm mọi người.

      Delete
    2. Duy ( Đồng Tháp )May 5, 2012 at 9:57 AM

      Bây giờ là thời gian cái đảng quái thai tàn ác ngụy quyền cộng sản này phải cáo chung . Nên mọi người chúng ta phải tuỳ theo theo sức mà làm tất cã những gì có thể làm được để thay đổi vận mệnh cả một dân tộc . Phải sống còn đóng góp vào chuyện chung cũa toàn dân , hảy cùng nhau đứng lên noí và làm những gì có thể trong khả năng cũa mỗi người . Công việc nhất định thành công , Pháp nạn sẽ được giải trừ và Quốc nạn sẽ thoát khỏi ách nạn cộng sản .

      Delete
    3. tiểu tuyết longMay 7, 2012 at 11:57 AM

      Kinh chúc Ôn Thích Quàng Độ , tang Sĩ , Cư Sĩ , Phật tủ cùng tất cả cô chú anh chị vô lượng an khang , cát tường như ý trong hào quang của Chư Phật

      Delete
  4. Thà chấp nhận thiệt thòi quyền lợi cá nhân, bị áp bức tù đày chứ nhất định không chịu cúi đầu trước cái ác! Kính trọng 2 ngài Đại Sư bậc chơn tu khả kính không riêng của giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất mà là cứu tinh của cả dân tộc việt Nam .

    ReplyDelete
  5. Nhìn xung quanh thấy dân tộc Thái, Campuchia , Myanmar sao mà hạnh phúc , ấm no, sung sướng quá. Thương cho Việt Nam của tôi còn bị đọa đày bởi ách cộng nô .

    ReplyDelete
    Replies
    1. Muốn được như các nước trên thì toàn dân chúng ta phải thoát ra khỏi sợ hãi ... '' Ta cúi đầu cộng cởi cổ . Ta ĐỨNG DẬY cộng SỤP ĐỖ ''
      ĐỪNG SỢ HẢI ... Hãy cùng nhau đứng lên cứu nguy Đạo Pháp và Dân Tộc .

      Delete
  6. Hân hoan đón mừng đại lể Đản Sanh và hoan hỷ với đạo từ của Ngài Tăng Thống Thích Quảng Độ . Hòa thượng Thích Quảng Độ đã thể hiện ra một bậc chân tu rất người lại rất thánh, những vần thơ của ngài thật hay thật cảm động. Gia đình con kính đảnh lễ Ngài , nguyện cầu Ngài Tăng Thống sức khỏe an khang .

    ReplyDelete
  7. Dân Miền TâyMay 4, 2012 at 9:19 AM

    Xin mượn một câu trong bài Hát của Phạm Duy trươc 1975 để mô tả cái Máu me của Cọng Sản là gì? Nên nhớ Ph-Duy là Cán bộ Văn Công Quân khu của VC trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Tây:
    (Bọn Cọng Sản nằm vùng Nó khủng bố người hiền lành làm Dân làng kinh hoàng đời sống gian nan, quyết không dung quân "Gian tham" quân Giặc "Vô Thần") !.

    ReplyDelete
  8. Không có ai vừa ngu đần vừa lưu manh như những " đỉnh cao trí tuệ " của nước Việt Nam CS , một mặt thì nói người dân Việt Nam có quyền tự do tôn giáo nhưng cứ đến ngày Phật Đản hoặc ngày lễ Giáng Sinh thì mọi người vẫn phải đi làm , học sinh thì bị bắt thi cữ vào những ngày nầy , điều nầy phải hiểu dụng ý của chính quyền CS không cho phép người dân có những sinh hoạt gì vào những ngày nầy hết .
    Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo là hai tôn giáo lớn của Việt Nam , 80% người dân theo đạo Phật , 10% theo đạo Thiên Chúa .
    Hai ngày chó đẻ , hai ngày khốn nạn 2/9 và 30/4 có cục c... gì vui mà phải nghỉ làm nghỉ học để ăn mừng ?
    Bọn lưu manh CS không bao giờ chủ trương đoàn kết dân tộc chừng nao bọn chúng còn tuyên bố những ngày ma quỉ như ngày 2/9 , ngày 30/4 là quốc lễ .

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đây là cái tự do dân chủ xhcn tốt gắp ngàn lần tư bản giảy chết, nếu những ai không chịu quy thuận giáo hội quốc doanh.

      Delete
  9. Trái Tim đồng CảmMay 5, 2012 at 12:18 PM

    Tra vấn , đấu tố , quấy nhiễu chưa đủ , công an an ninh VN tiếp tục tấn công khủng bố vào quyền sống , quyền tự do Tôn Giáo .
    Đả đảo nhà nước bạo quyền xhcn Việt Nam
    Đả đảo bè lủ đảng mafia cọng sản Việt Nam .

    ReplyDelete
  10. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mẫu Ni Phật .
    Mùa Phật Đản lại về , Nhớ công đức HÓA ĐỘ CAO DẦY của ĐỨC PHẬT . Phật Tử chúng con hoan hỷ đón nhận đạo từ vàng ngoc của Đức đệ ngủ Tăng Thống Thích Quảng Độ .
    Nam Mô Thường Hoan Hỷ Bồ Tát Ma Ha Tát .

    ReplyDelete
  11. Chúng con chân thành kính cãm niệm Đức cố Đệ tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang và đa tạ đạo tình sâu xa qua ''Thông Điệp Phật Đản P.L. 2556'' của Đức Đệ Ngủ Tăng Thống Thích Quảng Độ . Chúng con thành tâm kính chúc Chư Tôn Giáo Phẩm Giáo hội Việt Nam Thống Nhất : Phước Trí Nhị Nghiêm, Đạo Quả Viên Thành .

    ReplyDelete
  12. Lời kêu gọi của Thầy Quảng Độ với toàn thể phật tử VN là đã đến lúc không thể khoanh tay đứng nhìn..thật đầy đủ ý nghĩa cho những ai là phật tử... Hộ Pháp, Hộ quốc hay an phận mà quên thế sự!!!

    ReplyDelete