Tuesday, December 20, 2011

Vaclav Havel biểu tượng đấu tranh nhân quyền tại Đông Âu qua đời - Vaclav Havel : Biểu tượng của giá trị nhân bản chống độc tài toàn trị




“Cuộc đối kháng bất bạo động của ông Václav Havel đã làm rung chuyển nền móng của một đế quốc, phơi bày sự trống rỗng của ý thức hệ hà khắc, đồng thời chứng minh rằng đức lãnh đạo tinh thần công chính có sức mạnh vượt trội hơn bất kỳ loại vũ khí nào" - Barrack Obama
Hoàng Nguyễn / Trọng Nghĩa (RFI) - Theo tin của Ðài Truyền hình Quốc gia Czech, Vaclav Havel, nhà soạn kịch, nhà hoạt động nhân quyền có tầm ảnh hưởng lớn lao trên thế giới, cựu tổng thống Tiệp Khắc, cựu tổng thống Cộng hòa Czech, đã từ trần vào Chủ nhật 18-12-2011, hưởng thọ 75 tuổi.
Từ Budapest, thông tín viên Hoàng Nguyễn tường trình:

Từ nhiều năm nay, sức khỏe của Havel đã suy giảm. Trong vòng nửa năm gần đây, hầu như ông phải hoãn mọi kế hoạch. Cách đây một tuần, ông xuất hiện lần cuối trước công luận, trong dịp gặp gỡ Ðức Ðạt Lai Lạt Ma tại Praha.

Václav Havel là kiến trúc sư của những sự kiện trọng đại thập niên 70 và 80 thế kỷ trước tại Tiệp Khắc, dẫn đến Cuộc cách mạng nhung 1989, đưa Tiệp Khắc trở thành một quốc gia dân chủ đa nguyên. Hiến chương 77, hay “Vài câu” 1989 là những chặng chói lọi trong sự nghiệp chính trị và xã hội của ông, nâng ông lên tầm đứng đầu của đội ngũ những trí thức yêu nước và có tầm nhìn xa của quốc gia này.

* Ông Vaclav Havel sau khi được bầu làm tổng thống Tiệp Khắc, 29/12/1989 REUTERS

Cách đây 2 năm, trong phiên họp của Nghị viện châu Âu, khi các dân biểu hồi tưởng lại các sự kiện của "Mùa thu Ðông Âu" hai thập niên trước, ông Jerzy Buzek, cựu thủ tướng Ba Lan, chủ tịch Nghị viện châu Âu, đã tôn vinh Václav Havel là “người bạn của những chiến sĩ đấu tranh cho tự do và nhân quyền”.

Ông Buzek có nói thêm rằng, “chủ nghĩa cộng sản đã bị đánh đổ bởi những con người bình thường: những nhà văn, công nhân, viện sĩ, tức hàng triệu người sống sau Bức màn sắt và không bao giờ chấp nhận sự áp bức”.

Những nhận định của ông Buzek đặc biệt đúng với trường hợp Vaclav Havel, một nhân vật kỳ vĩ của Tiệp Khắc thế kỷ XX. Không đơn thuần là một nhà ly khai, rồi một chính khách lớn, ông là sự tổng hòa những nét tinh hoa của một trí thức Đông Âu: yêu tự do và công bằng xã hội, sự minh triết trong các vấn đề lớn lao và trong cuộc sống hàng ngày.

Cuộc đời của Havel rất điển hình cho hình mẫu một trí thức vùng Đông Trung Âu với những hệ lụy của lịch sử. Ra đời trong một gia đình khá giả, nên tại nước Tiệp Khắc cộng sản, ông không được vào đại học vì lý lịch “tư sản”. Vừa làm trợ lý trong một phòng thí nghiệm, vừa lái taxi, ông vẫn cố theo học Đại học Kỹ thuật Prague hệ buổi tối.

Từ năm 1960, ông làm việc tại một nhà hát và được diễn vở kịch đầu tiên năm 1963. Trong thời gian ấy, ông đã không giấu giếm quan điểm Tiệp Khắc phải trở về với những truyền thống dân chủ và tự do giữa hai cuộc Thế chiến.

Sau thất bại của Mùa xuân Praha 1968, ông bị cấm viết và phải kiếm sống bằng lao động chân tay. Trở thành một nhân vật ly khai, phát ngôn viên của Hiến chương 77, ông bị tù 5 năm rưỡi.

Trong các biến cố 1989, ông là người phát ngôn của phe dân chủ và đấu tranh cho quyền con người ở Tiệp Khắc, và có vai trò hàng đầu trong Cách mạng nhung.





















Là tổng thống đầu tiên của Tiệp Khắc, và Cộng hòa Czech dân chủ sau năm 1990, nhưng Vaclav Havel vẫn giữ những quan điểm về công bằng xã hội của mình, và phản đối việc tư bản hóa rừng rú trong nền kinh tế Đông Âu.

Không chỉ là một nhà văn, ông còn là một nhà tư tưởng với tác phẩm nổi tiếng “Quyền lực của không quyền lực” viết năm 1978, một tiểu luận có tầm ảnh hưởng lớn lao đến các phong trào chống toàn trị ở Đông Âu, góp phần tạo ra một làn sóng đương đại về xã hội dân sự mà ông vừa là lý thuyết gia, vừa là một tác nhân tích cực với hoạt động trong Hiến chương 77 và Diễn đàn Dân sự sau này.

Cái vĩ đại của Havel là không chỉ mô tả cơ chế của hệ thống cộng sản tại Đông Âu mà ông gọi bằng cái tên “hậu toàn trị”, mà Vaclav Havel còn chỉ ra sự tàn lụi tất yếu của nó, khi ý thức công dân của mỗi người dân đưọc nâng cao và thể hiện để đòi chính quyền phải thực hiện những quyền lợi và nhu cầu cá nhân và xã hội của họ.

Được coi như lương tâm và đạo đức xã hội của đất nước, uy tín cá nhân của Vaclav Havel đã góp phần đáng kể để Cộng hòa Czech có được thiện cảm và vai trò trên trường quốc tế. Đồng thời, ông cũng có vai trò rất lớn trong việc tạo dựng một hình mẫu mới của nền văn hóa và tư tưởng Liên Hiệp Châu Âu, trong đó, những tinh hoa Cộng hòa Czech và các quốc gia Đông - Trung Âu được để tâm và đánh giá đúng mực.

Trong hơn một thập niên cuối đời, khi không còn tham gia tích cực trên chính trường, Vaclav Havel vẫn là gương mặt nhân sĩ rất nổi tiếng của thế giới, luôn hướng sự quan tâm vào những vấn đề nhân quyền mang tính toàn cầu, và là người bảo vệ, bênh vực, nói lên tiếng nói của những nạn nhân các thể chế độc tài, toàn trị và quân phiệt.

Chắc chắn, ông sẽ đi vào lịch sử thế giới như một trong những cái tên sáng giá nhất và đáng trân trọng của thế kỷ XX đầy khói lửa chinh chiến, biến động và khổ đau.
Hoàng Nguyễn / Trọng Nghĩa
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20111218-vaclav-havel-bieu-tuong-cho-cuoc-dau-tranh-nhan-quyen-tai-dong-au-da-qua-doi

Foreign Policy - Phỏng vấn Vaclav Havel















Trần Quốc Việt dịch

Cựu tổng thống Tiệp Khắc trả lời phỏng vấn của tạp chí Foreign Policy vào ngày 9 tháng 12 năm 2009.

FP: Sau quyết định của tổng thống Obama hoãn lại cuộc gặp gỡ với Dalai Lama, ông có phát biểu đại ý rằng những biểu hiện nhỏ nhặt tưởng chừng như vô hại nhưng rồi có thể dẫn đến hậu quả rất lớn tích tụ dần theo thời gian. Ông có thể vui lòng giải thích ý nghĩa đó cho những người vô cảm theo chủ nghĩa thực tế (realists)?

Havel: Chúng tôi biết điều này từ lịch sử hiện đại của chúng tôi. Khi thủ tướng Pháp Edouard Dalaier trở về từ hội nghị Munich năm 1938, cả nước đều hoan hô ông đã cứu vãn được nền hoà bình. Ông đã có một thoả hiệp rất nhỏ vì lợi ích của hoà bình. Nhưng đấy chính là sự khởi đầu của một chuỗi cái ác mà về sau gây ra cái chết của hàng triệu người. Chúng ta không thể nói, “Đây chỉ là một thoả hiệp nhỏ ta có thể bỏ qua được. Trước tiên chúng ta sẽ đi Trung Quốc rồi có lẽ hội đàm với Dalai Lama sau.” Nghe ra mọi thứ có vẻ hợp lý và thực tế, nhưng ta cần thiết phải suy nghĩ xem phải chăng thoả hiệp nhỏ đầu tiên ấy có thể là sự khởi đầu của một chuỗi dài những chuyện không hay. Trong trường hợp này có lẽ nó sẽ không sao, nhưng đấy chính là điều đầu tiên tôi nghĩ đến ngay.

FP: Ông nói có vẻ rất dễ dàng. Nhưng, với cương vị là tổng thống, làm sao ông quyết định được những thoả hiệp nhỏ nào là đáng có và khi nào chúng có thể biết đâu dẫn đến chuyện nguy hiểm hơn về sau?

Havel: Chính trị, có nghĩa, là  mỗi ngày ta phải có những thoả hiệp nào đó, và phải chọn giữa một cái hại này với một cái hại khác, và quyết định cái nào là hại nhiều cái nào là hại ít. Nhưng đôi khi, trong số những thoả hiệp này có nhiều thoả hiệp rất nguy hiểm vì nó có thể là mở đầu cho con đường phải chấp nhận nhiều thoả hiệp khác, mà tất cả đều xuất phát từ thoả hiệp ban đầu, và có nhiều thoả hiệp rất nguy hiểm. Tôi nghĩ ta cần thiết phải cảm nhận thoả hiệp nào có thể nên có và thoả hiệp nào mà có thể, sau mười năm, dù muốn hay không có thể rất nguy hiểm.

Tôi sẽ minh họa điều này qua kinh nghiệm bản thân. Hai ngày sau khi đắc cử tổng thống, tôi mời Dalai Lama sang viếng thăm chính thức. Tôi là nguyên thủ quốc gia đầu tiên mời ông trực tiếp như thế. Và mọi người đều nói đây là việc rất nguy hiểm, rồi ra  những  tuyên bố và thông báo không tán đồng. Nhưng đó là vấn đề có tính nghi lễ. Sau đó, phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng Trung Quốc đến thăm và mang đến cho tôi một chồng sách về Dalai Lama cùng một số tài liệu của chính phủ đề cập đến những điều tốt họ đã làm cho Tây Tạng, vân vân. Các sách này toàn là thêu dệt, tuyên truyền cả, nhưng ông ta cảm thấy cần giải thích vấn đề cho tôi hiểu.

Tôi có một buổi họp báo với vị ngoại trưởng này. Và ông ta phát biểu “Cuộc gặp hai bên đã diễn ra rất tốt đẹp, vì chúng tôi  thảo luận công khai. Ông Havel cho tôi biết quan điểm của ông, còn tôi giải thích quan điểm của chính phủ chúng tôi. Tôi đã tặng ông cuốn sách này, và ông cảm ơn tôi về cuốn sách.”

Điều này quả là khó tin! Tại sao họ cảm thấy cần phải giải thích quan điểm của họ cho người lãnh đạo của một quốc gia quá nhỏ bé như thế? Vì họ tôn trọng người nào giữ vững lập trường của mình, người nào không sợ họ. Còn kẻ vãi ra quần quá sớm, họ lại coi  mình chẳng ra gì.
Nguồn: Wall Street Journal 17/12/2009
Bản tiếng Việt © 2010 Trần Quốc Việt

Vaclav Havel : Biểu tượng của giá trị nhân bản chống độc tài toàn trị


Mai Vân (RFI) - Làng báo Pháp hôm nay 19/12/2011 nhất loạt vinh danh cố Tổng thống Séc Vaclav Havel qua đời hôm Chủ nhật, nêu lại trên nhiều trang dài những đóng góp của một gương mặt chính trị hiếm thấy trên hành tinh. Ông Havel mất rạng sáng ngày 18/12, trong giấc ngủ tại ngôi nhà cách Praha khoảng 100 cây số. 

Khía cạnh được báo giới Pháp nêu bật là cuộc đấu tranh của ông chống chế độ toàn trị. Nhưng mỗi tờ báo nêu một tính cách riêng biệt về nhân vật mà tờ La Croix gọi là: "Vaclav Havel, gương mặt tự do" - tít lớn trang nhất, và nhắc lại là nhà ly khai, soạn giả kịch trở thành Tổng thống là hiện thân của một Châu Âu tin tưởng vào giá trị nhân bản và tự do của mình. 

La Croix ca ngợi gương mặt tiêu biểu - cùng với Lech Walesa - của sự chiến thắng của các lý tưởng dân chủ trên các chế độ cộng sản Đông Âu cuối thập niên 1980. Ông đã kiên trì đeo đuổi chiến lược ly khai dựa trên các nguyên tắc nhân bản, không bạo động. Đối với La Croix, nhân vật có vóc dáng dấp, vẻ hiền hoà, với hàng ria mép cố hữu đã đi vào lịch sử từ năm 1989. Thời đó ông là nhân vật trọng yếu của cuộc "cách mạng nhung", qua đó Tiệp Khắc đã dẹp bỏ chế độ cộng sản. Tờ báo nhắc lại là ông đã làm cho người dân Tiệp thời đó đột nhiên nhìn thấy mình trong khát vọng tự do của giới ly khai. 

Điểm cũng được La Croix khen ngợi là sự kiện ông Havel - đứng đầu Diễn đàn Công dân - đã biết hòa giải người Tiệp với nhau. Ông không kêu gọi tinh thần dân tộc như tại những nơi khác trong vùng, mà ông nói đến tính "chính trực", chống lại những lời dối trá cộng sản. Ông là một công dân dấn thân đấu tranh, hơn là một nhà chính trị. Trên sân khấu chính trị một nước Châu Âu, La Croix cho là ông Havel không phải là tả hay hữu mà là một nhà nhân bản. Và nhà ly khai đứng đầu một nhóm trí thức đã đột nhiên trở thành người đại diện của cả một dân tộc. 

Tờ Le Figaro nói đến "sự ra đi của một anh hùng trong cuộc chiến chống chế độ toàn trị cộng sản". Ở trang trong tờ báo nhìn thấy ông là lương tâm đạo đức của Châu Âu hậu Cộng sản. Điểm mà Le Figaro nêu bật và cho là hiếm thấy nơi một lãnh đạo chính trị, là việc ông Havel vẫn trung thành với các lý tưởng của ông, một con người tự do, chính trực. Vì thế ông đã góp phần cho sự thành công trong giai đoạn chuyển tiếp của quốc gia ông. 

Nhìn lại sự nghiệp của vị Tổng thống - nhà văn này, Le Figaro cho là tất cả tác phẩm của ông đều đượm tính khôi hài, thường khi phảng phất niềm tuyệt vọng, nhưng cho thấy rõ mong ước "nói lên sự thật", và đấu tranh để bảo vệ, gìn giữ phẩm chất con người mà chế độ Cộng sản chối bỏ. 

Libération nhấn mạnh trên thời đấu tranh của ông, chạy hàng tựa màu trắng trên nền đen : "Nhà ly khai", bên dưới chân dung Vaclav Havel. Trong mắt Libération, ông Havel là một lãng tử đi lạc trong sân khấu chính trị. Trong bài xã luận, Libération nêu lên những điểm nơi người anh hùng cách mạng nhung mà tờ báo khâm phục: dù bị cầm tù, bị loại khỏi xã hội, phải chiụ sự cô đơn tột cùng, ông Havel vẫn là bằng chứng cụ thể là không nên tuyệt vọng về sự tự do tinh thần. 

Một điểm khác mà Libération nhắc đến với thái độ khâm phục là thời ông lãnh đạo nước Tiệp, thời buổi cách mạng, chế độ chuyển tiếp sôi bỏng, thì ông Havel đã không màng đến những vụ xét xử, trả đũa. Không bao giờ ông thèm đọc số hàng nghìn phiếu theo dõi ông mà công an đã lập ra. Theo tờ báo, chính đây là những điều kiện giúp dân chủ bám rễ chắc chắn. 

Libération còn nhắc lại nỗi xúc động trên thế giới, những lời ca ngợi ông Havel từ mọi nơi, dĩ nhiên là ngoại trừ những quốc gia còn chế độ toàn trị. Một từ ngữ đã được các lãnh đạo Châu Âu nhắc đi nhắc lại: « Biểu tượng ». Biểu tượng của các sự kiện năm 1989, biểu tượng của nước Cộng hoà Séc hiện đại. Châu Âu đã tỏ sự biết ơn đối với ông. 

Thủ tướng Đức Merkel, từng sinh sống ở Đông Đức cho là không thể quên cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ của ông, cũng như tính nhân bản của ông. Người Đức, theo bà, rất biết ơn ông. Ngay cả Thủ tướng Anh, David Cameron cũng cho là "Châu Âu có món nợ sâu sắc đối với ông". Riêng Tổng thống Pháp gọi ông là "người Châu Âu dấn thân đấu tranh". Bên kia bờ Đại Tây Dương, Tổng thống Mỹ Obama khâm phục sự đối kháng ôn hòacủa ông đã làm lung lay nền tảng của cả một đế chế, cho thấy sự trống rỗng của một hệ tư tưởng trấn áp và chứng minh rằng sự lãnh đạo của đạo đức mạnh hơn là vũ khí.

Linh hồn cuộc "Cách mạng Nhung" 1989



Việt-Long ( RFA) - Trong khi cái chết của chủ tịch Bắc Hàn gây nên nhiều nguồn dư luận, thế giới không quên chú ý đến sự ra đi vĩnh viễn của một nhân vật được gọi là biều tượng dân chủ của Tiệp Khắc, linh hồn của cuộc “Cách mạng Nhung” 1989.

Kịch tác gia, nhà báo, nhà thơ, nhà đạo diễn, nhà bất đồng chính kiến Václav Havel từ vị trí một người tù chính trị đã trở thành Chủ tịch thứ 10 và cuối cùng của Tiệp Khắc vào năm 1989. Đó là năm bức tường Berlin sụp đổ và cuộc “Cách mạng Nhung” ở Tiệp Khắc hoàn thành mỹ mãn, giải thể chế độ Cộng Sản trên xứ sở này không cần tới một tiếng súng. Đến năm 1993 ông trở thành Tổng thống đầu tiên của Công Hoà Czech, vào khi Tiệp Khắc, tức Czechoslovakia, vừa tách ra thành hai nước Czech và Slovakia.

AFP photo - Václad Havel trước hằng trăm ngàn người mừng ngày "Cách mạng Nhung" thành công 10 tháng 12, 1989

Bước đường sự nghiệp của ông tương tự như của lãnh tụ Nelson Mandela ở châu Phi, không gian khổ bằng, nhưng đầy màu sắc rực rỡ trong một cuộc đởi hoạt động với thiên tài của một nghệ sĩ và niềm tin vào chính nghĩa của một nhà cách mạng chân chính. 

Tự rèn học vấn

Tổng thống Václad Havel tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Prague, 2008. AFP photo

Václav Havel sinh năm 1936 tại Prague. Ông xuất thân từ một dòng dõi doanh thương trí thức giàu có và nổi tiếng có liên quan chặt chẽ với những sự kiên văn hóa và chính trị của Tiệp Khắc từ các thập niên 1920 và 1940. Với lý lịch “tư sản”, Vaclav Havel không được vào học trung học phổ thông dưới thời Cộng Sản. 

Thiếu niên Havel 15 tuổi đi làm phụ tá cho một phòng thí nghiệm hoá học, đi học đêm và hoàn tất chương trình trung học vào năm 1954. Xin vào trường cao đẳng nhân văn nhưng không được nhận vì lý lịch, ông ghi danh vào phân khoa kinh tế trường đại học kỹ thuật Prague , nhưng bỏ học sau hai năm. 

Sau thời gian nghĩa vụ quân sự, năm 1959 Vaclav Havel làm công việc hậu trường sân khấu và học hàm thụ Học viện Nghệ thuật Trình diễn Prague. Ông bắt đầu viết kịch trong thời gian này, và tác phẩm trường kịch đầu tay của ông lập tức nổi tiếng quốc tế. Tựa đề được dịch sang Anh ngữ là “The Garden Party”, kịch phẩm châm biếm nền nếp văn hóa chính trị hoá đầy khoa trương với toàn những ngôn từ rỗng tuếch vô nghĩa của các chế độ Cộng Sản. Những tác phẩm liên tiêp sau đó càng giúp ông thêm nổi tiếng như một nhà văn hoá trẻ trung, kỳ tài, đối kháng. 

Ông là tác giả của hai mươi vở trường kịch và hằng trăm tác phẩm được dịch thuật ra nhiều thứ tiếng trên khắp thế giới, trong suốt trong thời gian trước và sau khi trở thành nguyên thủ quốc gia. Ông cũng đoạt nhiều giải thưởng quốc tế về văn học, nhân quyền, được nhiều nhà lãnh đạo quốc gia kính nể, trong thời gian ấy cho đến sau này. 

Dấn thân vào chính trị 

Càng đến gần giữa thập niên 1960 Vaclav Havel càng chú trọng hơn vào địa hạt chính trị. Sau khi cuộc cải tổ dân chủ hoá Tiệp Khắc “Mùa Thu Prague (Pra-Ha)” bị xe tăng Liên Xô nhân danh “Khối liên minh quân sự Warsaw (Vac-Xa-Va)” đè bẹp, ông càng hăng hái và năng động hơn trong những hoạt động chính trị trực tiếp, công khai, với tài hùng biện và chiều sâu tư tưởng trong mọi tác phẩm, văn kiện do ông soạn thảo, phổ biến, đặc biệt kiên định với lý tưởng bất bạo động. 

"Diễn đàn Công dân" do ông chủ trương, cùng với tuyên ngôn “Hiến Chương 77” do ông soạn thảo phần lớn và phổ biến trên Diễn đàn này để kết hợp mọi ý kiến, đã đem lại cho ông danh tiếng quốc tế của một nhả chính trị, nhân quyền. Ông được coi như lãnh tụ phong trào đối lập tại Tiệp Khắc. 

Danh tiếng ấy đồng thời cũng đưa ông vào nhà tù của chế độ Cộng Sản Tiệp khi Warsaw coi ông là thành phần cần phải bịt miệng để ngăn chặn ảnh hưởng đang làm bén lên ngọn lửa cách mạng dân chủ khắp Đông Âu. Trong tù ông vẫn tỏ ra vững tin vào chân lý, hiên ngang thách đố, không ngừng đối kháng. Ông trở thành nguồn cảm hứng cách mạng cho người Tiệp Khắc cũng như toàn thể phần Đông Âu còn nằm dưới ách Cộng Sản. 

"Cách Mạng Nhung" êm đềm 

17 tháng 11-1989. Cảnh sát Tiệp đàn áp một cuộc biểu tinh đòi dân chủ của sinh viên học sinh Prague, làm nổ bùng những cuộc biểu tình rộng lớn gấp bội. Ngày 19, 200 ngàn người biểu tình. Ngày 20 con số trở thành 500 ngàn người, đòi giải thể chính phủ độc đảng của đảng Cộng sản Tiệp Khắc. 

Ngày 27, toàn dân Tiệp tổng đình công 2 giờ đồng hồ. Ngày 28 tháng 11, đảng Cộng sản cầm quyền tuyên bố rời bỏ quyền lực chính trị, giải thể chế độ độc đảng. Đầu tháng 12 mọi hàng rào kẽm gai và chướng ngại vật cạnh biên giới với Tây Đức và Áo được rỡ bỏ. 

Mùng 10 tháng 12, chủ tịch đảng Cộng sản Tiệp kiêm chủ tịch nước Gustav Husak từ chức sau khi đã chỉ định một chính phủ không cộng sản đầu tiên của Tiệp từ năm 1948. 

Ngày 28 tháng 12, cựu chủ tịch Alexander Dubcek của Tiệp khắc thời “Mùa Xuân PraHa” được bầu làm chủ tịch Quốc hội Liên bang. 29 tháng 12, Václad Havel được bầu làm chủ tịch Liên bang Tiệp Khắc. 

Tháng 6-1990 Tiệp Khắc mở cuộc tuyển cử dân chủ đa đảng đầu tiên kể từ 1946, hợp pháp hoá chính phủ Havel. Qua năm 1992 ông Havel không được khối dân cử người Slovak ủng hộ bầu lại làm Tổng thống vì ông cố duy trì Liên Bang Tiệp Khắc, chống lại sự tách đôi làm hai nước Tiệp và Slovakia. Khi người Slovak tuyên bố tách khỏi liên bang, ông tuyên bố không làm lãnh đạo một quốc gia chia rẽ, và từ chức ngày 20 tháng 7, 1992. 

Tuy nhiên, sau khi Cộng Hoà Tiệp thành hình, ông lại ra tranh cử vào ngày 26 tháng 1 năm 1993, lại được bầu làm Tổng thống Cộng Hoà Tiệp, một chức vụ nặng về nghi thức hơn thực quyền, nhưng biểu trưng cho tinh thần dân chủ và nền văn hoá khai phóng lâu đời của người dân Tiệp. 

Tổng thống Obama và Tổng thống Havel hội kiến tại Prague năm 2009- AFP photo

Ngày 2 tháng 2-2003, Václav Havel hoàn tất nhiệm kỳ Tổng thống thứ nhì, rời sân khấu chính trị. Từ đó ông vẫn không ngừng hoạt động văn hóa, trở thành một khuôn mặt được ngưỡng mộ tại các trường đại học và học viện nổi tiếng tại Hoa Kỳ, châu Âu, trong vai trò diễn giả, thỉnh giảng và nghiên cứu. Ông cũng được mời hội kiến với nhiều nguyên thủ quốc gia, trong số đó có hai Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Barrack Obama. 

Biểu tượng thân yêu

Hình ảnh của Vaclav Havel có vẻ như rụt rè, với bộ ria lưa thưa và điếu thuốc lá liền miệng suốt ngày, đầy vẻ kịch sĩ và trí thức, đã trở thành hình ảnh thân yêu đối với người dân Tiệp và biểu tượng dân chủ của Đông Âu từ thập niên 1960 đến mãi sau này. Ông qua đời ngày chủ nhật 18 tháng 12 năm 2011, vì ung thư phổi lâu năm tái phát. 

Với tài hùng biện và tài năng văn học nghệ thuật hiếm có, với đức hy sinh quên mình cho lý tưởng cách mạng bất bạo động, Vásclav Havel từng được Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton so sánh với thuỷ tổ của lý tưởng bất bạo động, "Thánh” Mohandas Karamchand Gandhi của Ấn Độ, và lãnh tụ nhân quyền Martin Luther King Jr. của Mỹ. Thủ tướng Anh Margaret Thatcher từ thế kỷ trước đã ca ngợi ông như một nhân vật nổi bật của thế kỷ 20. 

Tổng thống Barrack Obama tuyên bố từ Washington: “Cuộc đối kháng bất bạo động của ông Václav Havel đã làm rung chuyển nền móng của một đế quốc, phơi bày sự trống rỗng của ý thức hệ hà khắc, đồng thời chứng minh rằng đức lãnh đạo tinh thần công chính có sức mạnh vượt trội hơn bất kỳ loại vũ khí nào"

12 comments:

  1. Xin chia buồn với nhân loại vì một người tốt đã ra đi.

    ReplyDelete
  2. Nếu ko có cựu tổng thống HAVEL thì những người VN bị cuốn gói khỏi Tiệp Khắc lâu rồi làm gì đc tồn tại đến bây giờ , làm gì có thời mưa vàng để bây giờ họ những ng VN sống tại Tiệp sau cách mạng nhungtrowr thành đại gia hoặc những doanh nhân thành đạt , họ nên dựng tượng Vaslav Havel để tỏ lòng biết ơn cựu tổng thống XIN VĨNH BIỆT ÔNG VACLAV HAVEL

    ReplyDelete
  3. Kính chào và vĩnh biệt ông Vaclav Havel. Cám ơn ông vì những điều tốt lành ông đã làm cho nước ông, và cũng cám ơn ông đã mang lại nguồn cảm hứng cho nhiều người yêu chuộng tự do và dân chủ khác.

    ReplyDelete
  4. Một con người suốt đời đấu tranh cho tự do , xin cầu chúc cho hương hồn ông về cõi niết bàn .

    ReplyDelete
  5. donlinhduy_thieugia@yahoo.comDecember 21, 2011 at 9:54 AM

    Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của Vaclav Havel, người con ưu tú của Công hòa Czech. Cuộc đời ông là một tấm gương về một trí thức dấn thân cho tự do, dân chủ. Người Việt Nam biết đến ông từ cuộc cách mạng nhung, cuộc cách mạng đã đem lại dân chủ, nhân quyền và hạnh phúc cho người dân Tiệp Khắc. Những kẻ đã từng bắt bỏ tù ông nếu còn sống hãy tự vấn lương tâm trước anh linh người quá cố.

    ReplyDelete
  6. Thành thật chia buồn với nhân dân Tiệp Khắc.
    VĨNH BIỆT ÔNG Vaslav Havel

    ReplyDelete
  7. Hiến chương nhân quyền 77 luôn gắn với tên tuổi của Ông. Dưới chế độ cộng sản Đông âu cũ, Ông đã bị đày đọa nhiều ngày nơi chốn lao tù cộng sản. Sau cách mạng văn minh đa đảng, Ông được dân bầu là Tổng thống.
    XIN SÂU SẮC CHIA BUỒN !

    ReplyDelete
  8. Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của Vaclav Havel, người con ưu tú của Công hòa Czech.

    ReplyDelete
  9. Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh ông Vaclav Havel. Ông đã cống hiến cả đời mình, cho sự nghiệp nhân quyền, cho nhân dân của ông, cho nhân loại, ông là vĩ nhân. Ông chính là nguồn động viên, hứng khởi cho nhân dân các nước đang bị các chế độ độc tài ( trong đó có cộng sản )thống trị. Ông chính là tấm gương, nguồn hy vọng cho nhân quyền Việt nam, những gì đã diễn ra trên quê hương của ông, đang lặp lại trên tổ quốc Việt nam yêu quí của chúng tôi. Nhân quyền nhất định sẽ đến với Việt Nam, điều không thể tránh khỏi, chỉ khác hoà bình hay đổ máu ......!

    ReplyDelete
  10. Lê huy Cường ( Đồng Tháp )December 21, 2011 at 2:56 PM

    Ai rồi cũng phải chết. Họ là những vĩ nhân. Gia tài của họ là giá trị thăng hoa của nhân cách con người.
    Vaclav Havel là biểu tượng của Nhân Quyền đã thành công. Trước ông đã có biết bao người hy sinh. Đất nước ta đang trong tiến trình của Đông Âu hàng chục năm trước. Hãy giữ vững niềm tin, ngày tự do sẽ đến.

    ReplyDelete
  11. Xin nghiêng mình vĩnh biệt một bậc vỉ nhân đã vĩnh viễn ra đi vào cỏi vĩnh hằng ,nhưng tên tuổi của và sự nghiệp của người sẽ lưu danh muôn thuở .

    ReplyDelete
  12. Ông là người ký vào hiến chương 77, phản đối các loại độc quyền, độc tài . Ông là nghệ sỹ, nhà chính trị có tâm thiện , một lảnh đạo có tài của Âu châu đã ra đi vĩnh viễn.
    Vĩnh biệt ông Vaclav Havel.

    ReplyDelete