Wednesday, January 8, 2014

TT Giác Đẳng : Chúng ta áp dụng 37 Pháp Bồ Đề Phần trong đời sống hàng ngày như thế nào? - Làm như thế nào để chúng ta có thể duy trì được một trạng thái tâm đã thanh tịnh càng thanh tịnh?

 photo Untitled_zps531f6dfb.jpg

Hỏi: Chúng ta áp dụng 37 Pháp Bồ Đề Phần  trong đời sống hàng ngày như thế nào?
(Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buđđhadhamma – 19-12-2013, Minh Hạnh chuyển biên)
TT Giác Đẳng: Đa phần khi nói về 37 Pháp Bồ Đề Phần thì chúng ta nghe cái gì rất là bác học, nghe cái gì rất là chuyên môn, rất là xa xôi. Đôi khi những vị Tăng sĩ tu trong chùa cũng cảm thấy  những pháp này dành cho những vị tu thiền hay ở thế giới nào đó chứ không phải liên quan đến mình. Vì vậy chúng tôi xin chia sẻ ở đây một vài điểm. Thực ra ngay trong đời sống hàng ngày đời sống thường thức chúng ta cũng có thể áp dụng được.
Trước nhất, Phật tử hỏi là mình đem áp dụng pháp Tứ Niệm Xứ vào trong đời sống hàng ngày như thế nào?
Chữ Niệm ở đây có nghĩa là chúng ta chú ý, để tâm đến. Lấy ví dụ như mình đang làm việc gì thì mình để trọn tâm tư ở đó, mình biết rõ mình đang làm, biết rõ trong tâm mình đang làm. Thì bốn pháp Niệm Xứ là:
Có Chánh Niệm về thân. Hơi thở ra vào cũng là thân hay đi đứng nằm ngồi cũng là thân, hoặc giả là những hiện tượng xảy ra trên thân của mình như một người khỏe người bịnh hay người chết, tử thi cũng là thân, chúng ta hướng tâm của chúng ta trên đó.
Khi nói đến Niệm Thọ là chúng ta hướng sự chú ý lên cảm giác của mình. Ví dụ, thường xuyên hoặc lâu lâu mình nên biết rõ hướng của mình, cảm thọ của mình trong lúc này nó vui nó buồn, nó thản nhiên, lâu lâu mình thấy tâm mình buồn bực, tâm mình hơi khó chịu hay tâm hoan hỉ hay tâm mình thanh thản mình nên biết . Cái biết đó quan trọng như Ngài Xá Lợi Phất Ngài dạy “hễ tâm này có phiền não mình biết nó phiền não thì nó tốt hơn là không biết mình đang phiền não“.
Tâm Quán Niệm Xứ là, mình nên biết tâm của mình ở giai đoạn ích kỷ, hoặc tâm mình có nhiều đam mê, tâm của mình hướng thượng, lúc này tâm mình ở tâm trạng nào thì mình phải biết. Một người tu là một người thường tỉnh táo biết tâm của mình.
Pháp Quán Niệm xứ là, chúng ta nhìn thân tâm của mình qua pháp như Tứ Đế, Thất Giác Chi, hay Năm Uẩn.   
- Áp dụng, Pháp Quán Niệm Xứ:
Lấy ví dụ, mình lo cái gì quá, mình muốn cái đó mà sợ người ta lấy mất của mình, mình lo quá. Thì bây giờ mình thấy lo lắng đó là Khổ Đế  từ cái muốn là Tập Đế chẳng hạn. Thì mình thấy những sự kiện ở trong đời sống liên quan đến pháp Quán Niệm Xứ. Thì bốn pháp này mình thấy rằng có thể áp dụng trong đời sống hàng ngày của mình được.
Áp dụng, Tứ Chánh Cần
Bây giờ áp dụng Tứ Chánh Cần như thế nào ở mức độ gần trong đời sống. Tứ Chánh Cần là một nỗ lực để ngăn ngừa hoặc diệt trừ bất thiện pháp và gây nỗ lực để làm tăng trưởng và duy trì thiện pháp.
- Ví dụ, cuối tuần mình thích đi chơi nhưng lại đi chùa và nghĩ rằng nếu mình không đi chùa gia đình mình không đi chùa lâu ngày Phật Pháp trong lòng mình bị mai một nên mình đi chùa, thì sự cố gắng đó đạo Phật gọi là Chánh Cần, Chánh Tinh Tấn.
-Hay hoặc giả mọi ngày không muốn nghe pháp nhưng mình nghĩ rằng mình nghe pháp thì tâm mình dầu sao đi nữa cũng có phước đức, có chút thiện pháp, cái đó gọi là Chánh Tinh Tấn.
- Và cái  gì đó làm cho mình phiền não thì mình tránh, chỗ ở phiền não, người thân cận phiền não, việc làm làm mình phiền não, thú giải trí gì làm mình phiền não thì mình tránh đi. Sự tránh để cho phiền não đừng sanh hay phiền não bị diệt hay là thiện pháp được sanh trưởng cái đó gọi là Chánh Cần.
Thật ra Tứ Chánh Cần được áp dụng trong đời sống chứ không phải xa vời.
Áp dụng, Bốn Thần Túc -
Dục Thần Túc là, ý muốn phải mạnh thì mới thành tựu được, sự tinh tấn phải đủ, phải mạnh thì chúng ta mới thành tựu được, rồi tâm mình phải ở trong điều kiện thích hợp thì mình mới đạt được và trí tuệ mình phải sáng suốt thì mình mới nghĩ ra cách thế để mình đạt được.
Thì bây giờ, nhiều vị Phật tử vào trong rơom nghe pháp từ ngày này qua ngày khác, không phải vì ai bắt mình làm mà là do ý mình muốn, ý mình thích. Thành ra mình muốn cái gì ở trong đời sống của mình, mình muốn cái gì là cái quan trọng với mình, mình muốn đẹp, mình muốn có tài sản, hay là mình muốn chuyện thị phi, hay là mình muốn thế này thế kia.
Cái muốn của người tu tập là gì? là muốn lớn mạnh ở trong thiện pháp thấy chánh pháp là hoan hỉ. Khi đi hành hương thấy rõ lắm, có nhiều người đi hành hương đến đó thì đi shopping hay đi dạo cảnh chứ không biết làm phước, nhưng có những người muốn qua đó để được dịp làm phước, được để bát vào buổi sáng hay cúng dường Chư Tăng hay đi lễ các đền tháp. Cái đó là cái ý muốn, cái ý muốn phải mạnh, cái ý muốn mạnh thì chúng ta thành tựu thì gọi là Dục Thần Túc.
Cần Thần Túc là mình phải siêng, cái gì mình làm thì mình phải siêng với việc đó. Giả sử như mình có điều kiện học Phật Pháp thì học Phật Pháp, có điều kiện dự các khóa tu học thì dự khóa tu học, có điều kiện tụng kinh thì tụng kinh, thì mình siêng thì cái siêng đó nó cũng cho kết quả. Rồi tâm mình phải thích hợp tương ứng với thiện pháp, tâm mình phải thành, tâm mình phải thanh tịnh. Bây giờ mình muốn lớn mạnh trong thiện pháp mà tâm mình chứa đầy hận thù thì không bao giờ lớn mạnh trong thiện pháp. Mình muốn tâm mình có hạt giống bồ đề được trưởng dưỡng mà tâm đầy những hoang vu, hoài nghi, tham, sân, si, mạn, nghi thì tâm không bao giờ phát triển được.  Thành ra người ở các xứ Phật giáo thường trọng tâm thành, lúc mình lễ Phật hay đảnh lễ vị trưởng lão hoặc giả là đi đâu làm cái gì tâm mình cho tốt chân thật.
Thẩm Thần Túc là trí tuệ mình phải dồi mài, mình phải dũa nó mới tăng trưởng được. Thí dụ bữa nay mình nghe nói về nghiệp mình không hiểu nhưng mình ráng nghe vị giảng sư giảng mình ráng lắng ta nghe rồi mình có câu hỏi gì để cho trí tuệ mình được tăng trưởng.
Quán Thần Túc: Nhờ trí tuệ tăng trưởng mình càng ngày càng đào sâu. Nói cách khác là mình phải được học, phải được hấp thụ mình mới trưởng dưỡng được Phật Pháp. Cũng vậy, trí tuệ có sanh khởi do nghe pháp, thính pháp, đàm luận pháp, thì những thứ đó nó làm cho trí tuệ tăng trưởng.
Thì , ý muốn đủ mạnh, sự tinh tấn đủ có, tâm đủ chân thành, và cái trí đủ sáng suốt thì cái đó là cái dẫn chúng ta đến cái hướng tu tập Tứ Thần Túc. 
Áp dụng Ngũ Căn. Ngũ Lực.
Bây giờ chúng ta nói Ngũ Căn Ngũ Lực là năm nền tảng của đức tin (Tín Căn), nền tảng của sự tin tấn (Tấn Căn), nền tảng của tỉnh giác chánh niệm (Niệm Căn), nền tảng của tập trung tư tưởng là của định (Định Căn), nền tảng của trí tuệ (Huệ Căn) và năm nền tảng đó mình biết mình mạnh cái gì mình yếu cái gì.
Tín Căn, Tín Lực: Thường thường qúi Phật tử nhất là Phật tử nữ thì đức tin mạnh, đi chùa lạy Phật thành tâm, làm phước cũng thành tâm. Người nam đôi khi niềm tin không mạnh, người nam nhiều khi niềm tin gọi là hụ hợ mà thôi, nhưng dĩ nhiên cũng có những người nam có đức tin mạnh. Ở trong đời sống mình, mình thể hiện đức tin, mình làm sao mình thấy hoan hỉ với thiện pháp, mình thấy chùa tháp mình lễ bái, rồi hàng ngày khi nói chuyện chơi chuyện đùa mình không đem Phật Pháp ra đùa giỡn thì đó là thể hiện niềm tin. Niềm tin của mình có căn bản thì mới là yếu tố mình thành tựu.
Tấn Căn, Tấn Lực:  Là Nghị lực. Mình làm chuyện gì đi nữa thì mình phải có sức mạnh của nghị lực. Nghị lực ở đây là một người dám làm dám dấn thân. Với Phật Pháp không phải lâu lâu nói cho suông mà mình phải có nghị lực đầu tư vào trong đó, và mình cố gắng làm thì là mình có tinh tấn.
Niệm Căn, Niệm Lực. Niệm ở đây tức là mình biết mình, mình thường để ý đến thân và tâm của mình, khi nào mình nói lỡ lời, khi nào mình phóng túng, khi mình phóng dật mình không nhớ không biết mình đang làm cái gì, lúc đó mình sống trong thất niệm, thì mình phải phải nhớ.
Định Căn, Định Lực là:  khả năng tập trung tư tưởng, lúc nào tâm mình tán loạn thiếu khả năng tập trung mình làm việc gì không bền bỉ, làm cái gì không kiên tâm khi làm một chút rồi bỏ v.v… thì đó là thiếu định.
Tuệ Căn, Tuệ Lực: Một lần nữa chúng tôi nhắc lại là trí tuệ quan trọng lắm. Ở trong rất nhiều trường hợp trí tuệ được nhắc đến rất là quan trọng.
Thì năm thứ này là năm căn bản là năm sức mạnh của mình, gọi là năm nền tảng tức là hễ mình thiếu cái nào thì mình cố gắng gia cố cái đó, cố làm tăng trưởng cái đó. Thí dụ như mình học thì giỏi, học kinh điển hay học cái gì mình cũng nhớ giỏi nhưng mà con người hay thất niệm, thất niệm ở đây là nói năng bừa bãi, mình không nhớ đến thân tâm của mình, thì cho dù mình có kiến thức nhưng mình thất niệm thì mình phải bổ túc cái niệm của mình. Hay là một người học rất giỏi nhưng làm biếng tức là kinh điển cái gì mình nói cũng có thể nghĩ cũng có thể biết được mà trong đời sống thì vị này làm biếng không siêng năng, đó là thiếu nền tảng của tấn lực.
Thì Tín, Tấn, Định, Niệm, Huệ mình phải làm sao cho có cho nó quân bình. Có nhiều vị lạ lắm, tu ở trong chùa lâu có trí tuệ học hành nhưng đức tin không có nhiều. Chuyện này mình phải bổ túc. Bởi vì các vị tôn túc thường dạy rằng: tại sao mình nhìn thấy các vị lớn đi đâu gặp Phật cũng lễ bái và lễ bái thành tâm chân chính. Cũng như niềm tin của mình, đời sống con người mình phải có đức tin. Thì nói chung là tín, tấn, niệm, định, huệ cái nào cũng cần, đó là nền tảng là sức mạnh. Và khi nào mình thấy rằng đời sống tu của mình yếu không đi tới là tại vì những lực này không có. Không có ai tu tập mà không có 5 thứ Tín, Tấn, Niệm, Định, Huệ mà có sức để đi tới, thì mình phải để ý.
- Áp dụng Bảy Pháp Giác Chi
Bảy Pháp Giác Chi là bảy pháp này làm cho chúng ta tăng trưởng tuệ giác, thắp sáng được tuệ giác.
Niệm Giác Chi: Con người của mình  không phải lúc nào cũng mẫn tiệp, có khi mình mẫn tiệp có khi mình sáng dạ và có khi mình mê mờ, nhưng mình nói đó là hên sui, đạo Phật không nói là hên xui mà Đạo Phật nói là nó không có yếu tố thì làm sao cho nó sanh khởi cái tuệ giác được. Ở đây, chúng ta lấy ví dụ như là, một người thường quán sát về thân và tâm của mình, thân mình ra sao tâm mình thế nào như là niệm về hơi thở, niệm tiểu oai nghi, hoặc giả niệm về tâm giống như lúc nãy chúng tôi nói về  Tứ Niệm Xứ cái đó chúng ta gọi là Niệm Giác Chi.
Trạch Pháp Giác Chi: Khi mình để ý thì mình thấy rằng cái này tốt cái kia xấu, cái này nên tránh cái kia nên bỏ, đó là Trạch Pháp Giác Chi tức là khả năng để phân biệt. Giống như là qúi Phật tử mới uống trà thì không biết trà ngon trà dở nhưng mình uống trà thường thì mình phân biệt được trà nào ngon trà nào dở. Chúng tôi có quen một người bạn Hoa Kỳ, có một lần đi ăn với một người Phật tử, người Phật tử nói rằng cơm ở nhà hàng nấu dở quá thì anh cười nói là “không biết sao chứ tôi thấy cơm nào cũng giống nhau”, thật ra mình ăn cơm lâu thì biết là cơm có ngon có dở. Thì chánh niệm dẫn mình đến khả năng phân biệt gọi là Trạch Pháp. Trạch Pháp ở đây là gọi là sự tinh tế là thấy cái này tốt cái kia xấu, cái này đáng thân cận cái kia không đáng thân cận, đó gọi là Trạch Pháp .
Cần Giác Chi: Khi mình có sự lựa chọn như vậy thì mình mới có sự tinh tấn dõng mạnh quyết tâm, mình đã nhận ra mặt mũi cái này tốt cái kia xấu, thì mình mới có quyết tâm.
Hỉ Giác Chi:  và nhờ có sự quyết tâm đó mà mình mới hoan hỉ, một người mà không có quyết tâm tức là không có cần giác chi thì không có hoan hỉ
Khinh An Giác Chi: do có hoan hỉ thì Đức Phật nói dẫn đến khinh an, tức là hỉ sẽ sanh ra Tịnh Giác Chi hay Khinh An Giác Chi.
Định Giác Chi: Do có khinh an thì mình mới bền bỉ được. Khinh an là nhẹ nhàng bền bỉ tức là mình có thể tiếp tục làm đi làm lại, chúng ta gọi là Định Giác Chi.
 Xả Giác Chi. Và do có sự bền bỉ đó thì lâu ngày chúng ta hiểu được cái gì quân bình vừa phải không quá đáng. Quân bình đó gọi là Xả Giác Chi.
Thì qúi vị thấy rằng, cái gọi là tuệ giác, cái gọi là minh mẫn, cái gọi là ánh sáng của trí tuệ không phải tự nhiên mà đến, nó phải do từ chánh niệm tạo ra trạch pháp,
tức là do sự tỉnh giác tạo ra sự phân biệt tinh tế,
 có sự phân biệt tinh tế thì chúng ta mới thấy rõ và phát tâm dõng mãnh,
 do sự dõng mãnh đó thì chúng ta mới an lạc hoan hỉ,
 do sự hoan hỉ chúng ta mới nhẹ nhàng khinh an,
 rồi do khinh an chúng ta mới có thể bền bỉ,
 do sự bền bỉ đó chúng ta mới có sự quân bình phải chăng để sống với thế giới đó.
Thì qúi vị thấy rằng Niệm, Trạch pháp, Cần, Hỉ, Tịnh (Khinh An), Định và Xả là 7 giác chi rất là quan trọng để chúng ta cũng có thể tu tập được trong đời sống.
Áp dụng Bát Chánh Đạo
Rồi nói đến Bát Chánh Đạo. Bát Chánh Đạo không phải là Pháp mình chỉ nói nghe lý thuyết, mà không áp dụng trong đời sống hàng ngày. Người có Chánh Kiến là người thấy nhân và quả. Thí dụ, mình thấy mình buồn, rồi hỏi tại sao mình buồn, mình buồn là tại vì mình đọc tin buồn nên mình buồn, mình thấy chuyện gì thương cảm mình buồn, hay là ai chọc mình giận mình buồn. Nhưng người Phật tử thì thấy rằng cái khổ nó có nhân sanh khổ.
Nhân sanh khổ là gì? Là, mình muốn nó như thế này đừng như thế kia nhưng không được như vậy thì khổ. Trong đời sống hàng ngày, thí dụ như mình có kỳ vọng ở ai, mình có đòi hỏi cái gì đó, hay mình mong mỏi cái gì đó. Trong đời sống chúng ta thường là đòi hỏi,  kỳ vọng, yêu cầu của chúng ta nếu không đạt được thì chúng ta khổ. Chúng ta thấy, đây là Khổ, đây là Nhân Sanh Khổ và khi nào mà  sự kỳ vọng đó, tâm tư đó mà nó được ở trạng thái an hoà không đòi hỏi phải thế này phải thế kia thì chúng ta Diệt Khổ mà muốn được như vậy thì phải có Con Đường Dẫn Đến Sự Diệt Khổ. Đó là cái khả năng tu tập tâm trí.
Chánh Kiến: Thật ra nếu nhìn mọi sự việc bốn cái Khổ, Tập, Diệt, Đạo, nhìn ở cái gì mình khổ đích thật, cái gì là nhân sanh khổ, cái gì là làm cho niềm vui, cái gì là nhân dẫn đến niềm vui, nhìn thấy có nhân quả, nhìn thấy vui khổ cái đó gọi làChánh Kiến.
Chánh Tư Duy là, ở trong đời sống chúng ta mình sống làm sao mà mình đối với những người chung quanh là mình nhìn ở một cách không có dục, không sân, không có hại. Dục ở đây tức là nhìn ở đối tượng của dục vọng.
Sân Tư Duy, tức là mình nhìn thấy có sự bực bội.
Hại Tư Duy, tức là hận thù.
Chúng tôi lấy một ví dụ là, tâm của mình mà khi nào mình nhìn những người chung quanh mình nhìn họ là đối tượng của dục vọng thì tự nhiên tâm mình không được an lạc nhẹ nhàng, hay là mình nhìn ở chung quanh mà cảm thấy lúc nào mình cũng bực bội chỉ trích người này phê bình người kia, khó chịu cằn nhằn rồi than phiền người này người kia, đó là Sân Tư Duy.
Và Hại Tư Duy là, những lúc mình chỉ mong muốn trả đũa, mình phải thế này thế kia, cái đó là Hại Tư Duy.
Thì những thứ đó, thật ra mình phải thấy tâm của mình đối với những người chung quanh trong đời sống hàng ngày. Bởi vậy, có nhiều khi người tu cái mình sợ không phải là người ta đối với mình ra sao mà cái mình sợ là mình đối với cuộc đời ra sao. Thông thường, mình sợ người ta chơi xấu mình, người ta nói xấu mình, mình sợ thế này thế kia, nhưng thật ra người tu tập nó quan trọng là cái tâm của mình đối với người khác có chấp chứa dục tư duy, sân tư duy, và hận tư duy hay không. Nên mình tu thì mình bớt chỉ trích một chút, bớt phê bình một chút, bớt hận thù một chút. Càng bớt đi thì tâm mình nó an lạc hơn. Còn mình nuôi những thứ đó thật ra không lợi gì hết. Đó là mình tu tập về tư duy.
Chánh Ngữ là, làm sao cho lời nói của mình được chân chánh. Không ai mà hoàn hảo nhưng từ từ mình bớt đi lời nói nào mà nói sai sự thật, bớt đi lời nói nói nào có tánh cách độc ác hay lời nói chia rẽ hay lời nói nhảm nhí thì mình bớt đi, đó là Chánh Ngữ.
Chánh Nghiệp là, thân mình không tạo ác nghiệp như sát sanh trộm cướp v. v….
Chánh Mạng là, sự nuôi mạng mình làm sao cho được chân chánh, mình cố gắng nếu mà mình muốn tu thì nên chọn nghề nào thích hợp với sự tu tập, ví dụ mình muốn tu mà cái nghề của mình là nghề ăn gian nói dối hay là nghề sát sanh thì mình nên thay đổi, đó là chánh mạng.
Một lần nữa chúng ta trở lại với Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định.
Qúi vị thấy rằng ở trong đời sống mình thấy có nhiều pháp nhưng mà  có 15 pháp thì Tinh Tấn được đề cập đến rất là nhiều. Tinh tấn được đề cập đến trong Tứ Chánh Cần, trọn vẹn ở trong Tứ Thần Túc là một phần của bốn Thần Túc, rồi trong Ngũ Căn Ngũ Lực thuộc về Tấn Căn Tấn lực, trong Thất Giác Chi thuộc về Cần Giác Chi, ở trong Bát Chánh Đạo thì là Chánh Tinh Tấn.
Thì yếu tố Nghị lực ở đâu cũng phải cần, mình tu tập mà mình không có cố gắng không có nỗ lực, ví dụ chúng tôi tu tập ở trong chùa thấy có một sự việc là vị nào có cố gắng để học cố gắng để tu cố gắng để phục sự cố gắng để làm việc này việc kia thì mình thấy rằng thiện pháp sanh khởi nhiều lắm. Còn vị nào sống hụ hợ cầu an qua ngày, sống cho qua ngày, thì thường thường là thiện pháp đi xuống. Bởi vậy sự siêng năng rất quan trọng, cái nghị lực rất là quan trọng, cái nỗ lực quan trọng trong đời sống của chúng ta.
Trở lại lần nữa là Chánh Niệm. Cho dù mình bận rộn tới đâu, cho dù mình làm việc gì, lâu lâu trong ngày mình ngồi nhìn mình đang thở ra hay đang thở vào, mình đi ngủ mình nhìn thân tâm mình ra sao, và mình cố gắng để ý đến thân tâm mình thay vì để ý đến chuyện thiên hạ thì để ý đến chuyện của mình tốt hơn, để ý đến cái gì xảy ra trên thân và tâm tốt hơn là mình lo chuyện thiên hạ.
Và sau cùng thì, Chánh Định, tức là sự tập trung, mình làm cái gì muốn có kết quả thì mình phải tập trung, mình làm cái gì muốn có kết quả thì mình phải kiên trì, làm cái gì muốn có kết quả thì phải bền bỉ, nếu làm một chút rồi bỏ thì nó không tới đâu hết, việc tu tập là phải như vậy.
Ở một phương diện nào đó 37 Pháp Trợ Bồ Đề thật sự mình có thể áp dụng nhiều trong đời sống. Đừng nghĩ đến xa xôi quá. Và qúi vị biết là đó là gia tài của Đức Phật để lại cho chúng ta, chúng ta phải nghiệm nhiều. Chúng tôi đã gặp những vị tiền bối những vị Tam Tạng Pháp Sư những vị học rất nhiều thì các vị đó cũng dặn là làm gì thì làm đừng quên 37 Pháp Trợ Bồ Đề. Cái không may của chúng ta ngày nay là, chúng ta là người Phật tử thường hay để ý đến nghi lễ hay để ý đến tranh luận tông này phái kia, chúng ta để ý đến hình thức, mà chúng ta không để ý đến những Pháp này Đức Phật dạy. Thật ra, chúng ta phải hỏi rằng mình có thừa tự được gia tài của Đức Phật để lại cho mình hay không. Chính những sự thực hành ở trong đời sống như vậy là  gia tài của Đức Phật dành cho mình. Còn những cái kia thì thực sự nó là hoa lá cành thôi, cái chính yếu đời sống của người Phật tử là Phật Pháp phải được áp dụng và mỗi khi áp dụng Phật Pháp thì phải nói rằng chánh pháp được áp dụng có mục đích là dẫn đến Giác Ngộ Giải Thoát và mình cũng phải nói một điểm là công năng của chánh pháp lợi chỗ nào và Phật Pháp có thay đổi được đời sống chúng ta hay không. Mình nói mình là Phật tử, mình học Phật Pháp, mình đi chùa lâu mà Phật Pháp không thấm trong người chúng ta, Phật Pháp không thay đổi chúng ta, thì thật ra cái đó là chúng ta giống như là nói cho có chứ thật sự mình không thấy được giá trị của Phật Pháp.
Khi nào đọc kỹ về 37 phẩm Trợ Đạo này, đọc kỹ về những pháp như là Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Giác Chi, Bát Chánh Đạo mình mà thấy thấm thía, thấy lợi lạc trong đời sống và thấy những pháp này hữu dụng, những pháp này là pháp tùy thân, pháp này là hành trang của mình thì lúc đó mình mới hoạ may đến gần với Phật Pháp. Còn nếu mình học mà chỉ đi chùa rồi có được pháp danh, rồi đi chùa thắp ba nén nhang, rồi lâu lâu làm phước thì thật sự cũng được, nhưng chỉ tội nghiệp lắm. Mình phải hiểu trọng tâm của Phật Pháp ở chỗ nào, mình ngồi nghĩ đến Đức Phật còn tại thế Ngài đâu phải Ngài lập ra cái đạo cho mình đi chùa hàng ngày lễ bái tụng kinh không. Đức Phật khi còn tại thế là Ngài dạy cho người xuất gia, người tại hành trì như thế nào sống như thế nào, và Đạo Phật là một phương thức sống chứ không phải Đạo Phật chỉ là tín ngưỡng. Nên chúng ta phải đặt lại vấn đề.
Khi Nigantha Nàtaputta – Liên Kiền Tử là vị giáo chủ ngoại đạo mất đi thì những đệ tử họ tranh luận với nhau thì Đức Phật Ngài có dặn Ngài Cunda, Ngài dặn rằng:
 “Sau này Như Lai tịch thì các con phải lấy 37 Pháp Trợ Đạo này là Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Giác Chi, Bát Chánh Đạo để làm một cái mẫu số chung để làm cái nền tảng và do nếu các con dùng những pháp này làm nền tảng thì không có phân hoá không có chia rẽ”.
Bây giờ mình chia rẽ là tại vì mình toàn là nói chuyện trên trời chứ không chịu tu, chứ nếu mình chịu khó tu và nếu mình chịu khó học và thực tập 37 Pháp Trợ Bồ Đề thì có lẽ mình không có cãi với nhau nhiều. Không may cho chúng ta là đạo của chúng ta bây giờ pha loãng nhiều, mình nói mình thích tông phái này hay không thích tông phái kia, mình nói chuyện triết lý này kia nhưng những pháp trợ Bồ Đề thì chúng ta không để ý tu tập. Có nhiều khi Phật tử đi chùa không bao giờ nghe nói đến, chuyện đó rất là buồn là thấy tội nghiệp cho chúng ta quá, Đức Phật Ngài để cho chúng ta cái gia tài chúng ta không có hưởng dụng được mà mình cứ nghĩ mình là con Phật mình lạy Phật là được, phải đặt lại vấn đề. Mình phải tu tập những pháp này mình mới thấy là nó vốn là di chỉ mà Đức Phật để lại. Đó là vài điều mà chúng tôi muốn chia sẻ./.
 
 photo 1c3db84a-f7b7-4520-b41e-c061d1c1b5fe.jpg



Làm như thế nào để chúng ta có thể duy trì được một trạng thái tâm đã thanh tịnh càng thanh tịnh?

Hỏi: Làm như thế nào để chúng ta có thể duy trì được một trạng thái tâm đã thanh tịnh càng thanh tịnh?
(Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, Minh Hạnh chuyển biên)
TT Tuệ Siêu: Làm như thế nào để chúng ta có thể duy trì được một trạng thái tâm đã thanh tịnh càng thanh tịnh và một trạng thái tâm đã bị cấu uế trở lên thanh tịnh để đem lợi ích cho mình và cho người khác? Có những pháp môn tu tập sẽ giúp cho chúng ta gột rửa được những trạng thái tâm. Những sự tu tập đó là gì? Chúng ta có ba việc tu tập:
1- Pháp tu tập thứ nhất là: Giới, tính chất của giới giống như hàng rào để ngăn chận sự xâm nhập của kẻ trộm như thế nào thì giới sẽ ngăn chặn sự xâm nhập của phiền não tạo nên những điều quấy ác.
- Giữ giới: Như vậy, việc tu tập trước tiên là chúng ta phải giữ giới, chúng ta phải sống phản tỉnh phải xét lại thường xuyên về giới trong ngày mà chúng ta có thân hành, có khẩu hành, có ý hành. Những thân hành nào thuộc về thiện pháp có lợi ích được bậc thiện trí tán thán thì chúng ta duy trì hành động đó, còn thân hành nào bị bậc trí chỉ trích thì thuộc bất thiện pháp hại mình hại người, đưa đến khổ đau, chúng ta ngưng ngay hành động đó bằng giới.
 - Lời nói (khẩu hành). Cũng vậy nếu chúng ta thường xuyên cảnh tỉnh suy xét về lời nói của mình đã nói đang nói và sẽ nói xem coi lời nói đó có lợi hay bất lợi, đưa đến hạnh phúc hay đau khổ được người trí tán thán hay chỉ trích. Có suy xét như vậy chúng ta mới áp dụng lời nói, lời nói nào có lợi mình lợi người, lời nói nào đưa đến sự an lạc, lời nói nào mà được bậc thiện trí thức tán thán thì chúng ta nên nói lời nói đó, còn lời nói nào quấy-bất thiện thì chúng ta nên từ bỏ.
 Chúng ta giữ giới tức là phải phản tỉnh tam nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp. Sự giữ giới đó mới giúp cho chúng ta gột rửa được những ác bất thiện pháp đã sanh và làm cho những thiện pháp đã sanh được duy trì. Đó là cách tu tập thứ nhất để giúp cho chúng ta tâm ý thanh tịnh.
2 – Pháp tu tập thứ hai là: Định. Tu tập về định có ba trường hợp:
a) Tu tập về định thuộc chánh tinh tấn là luôn luôn phải biết khích lệ sách tấn nội tâm đừng để sự biếng nhác sanh khởi. Sự biếng nhác ở đây là hôn trầm thụy miên tức là sự buồn ngủ dã dượi. Khi trạng thái tâm buồn ngủ dã dượi thuộc về hôn trầm triền cái, cũng giống như nước đóng rong, nước ao tù lâu ngày sẽ đóng rong làm cho nước trở bẩn đục, đó là trạng thái tâm thụ động biếng nhác. Tâm thụ động biếng nhác là điều nguy hại cho trí tuệ và trí nhớ phát triển. Hãy xem như là một sự cấu uế chúng ta phải cần đến Chánh Tinh Tấn trong phần định học, hãy tu tập. Trong cuộc sống của chúng ta có đôi khi chúng ta nghĩ rằng mình siêng làm việc thì như vậy được gọi là tinh tấn, không phải như vậy, sự tinh tấn để làm cho tâm thanh tịnh tức là chúng ta phải làm sao có sự tinh tấn nỗ lực ở tâm, trạng thái tâm không bao giờ thụ động tiêu cực, không bao giờ chùng lại giống như lông chim gặp lửa thì bị quéo lại, chúng ta đừng nghĩ rằng trạng thái uể oải biếng nhác đó chỉ là một hiện tượng tâm sinh lý bình thường của một người khi làm việc quá nhiều rồi cơ thể sinh học có dấu hiệu để báo cho biết để nghỉ ngơi. Chúng ta cứ nghĩ như vậy thì xem chừng lâu ngày tâm của chúng ta sẽ muội lượt, trí nhớ và trí tuệ chúng ta sẽ bị cục bộ. Cho nên tu tập về định chi phần thuộc Chánh tinh tấn rất quan trọng.
b) Tu tập về định chi phần thứ hai là tu tập Chánh Niệm-Sammasati. Nếu mỗi ngày chúng ta đều trao dồi trí tuệ, trao dồi chánh niệm cho bén nhạy, khi đi, đứng, nằm, ngồi, đều có sự tỉnh táo nhận biết ý thức được hành động đang làm, trạng thái tâm hay cảm thọ đang sanh khởi như thế nào ghi nhận như thế đó, thậm chí hơi thở ra, hơi thở vào chúng ta cũng biết rõ đây là hơi thở đang thở ra, đây là hơi thở đang thở vào, chúng ta có chánh niệm như vậy. Chánh niệm được tu tập lâu ngày sẽ giúp cho trí nhớ của chúng ta bén nhạy. Những bậc thánh nhân những bậc đại nhân khi chánh niệm thuần thục bén nhạy vị đó có thể đạt đến một trí nhớ siêu nhân. Trí nhớ không phải nhớ những gì đã xảy ra trước đây trong kiếp sống này mà nhớ luôn cả những kiếp sống trong quá khứ gọi là Túc Mạng Minh v.v…
Trí nhớ rất quan trọng, chúng ta duy trì trí nhớ bằng chánh niệm. Bây giờ chúng ta tu tập chánh niệm là vừa, đừng để tâm bị phóng dật lâu ngày, mơ mộng suy nghĩ miên man. Chúng ta không kéo tâm trở về chánh niệm thì có thể là giờ về già sẽ bị lẫn, quên trước quên sau. Thường thường trong cuộc sống đôi khi chúng ta lại biện hộ binh vực và ca tụng về trạng thái chúng ta mất trí nhớ lãng trí. Thí dụ như trong tay cầm cái chìa khóa cửa mà chúng ta không hề nhớ biết cứ loay hoay đi tìm cái chìa khóa, rồi có người chỉ lúc bấy giờ mình mới nhận ra là cái chìa khóa đang cầm trong tay, rồi cười xòa bỏ qua. Chúng ta cười như vậy có đôi lúc cảm thấy hãnh diện vì bận công việc nhiều quá cho nên quên trước quên sau, chúng ta hãnh diện về điều đó, nhưng, chính cái hãnh diện đó là chúng ta dung túng cho trạng thái tâm cấu uế mất chánh niệm. Mất chánh niệm thì trí tuệ và trí nhớ của chúng ta sẽ giảm. Có những vị xuất gia thoạt đầu khi còn trẻ thì tâm của vị đó còn chánh nhiệm, còn có sự chú ý nhiều, nghĩa là không màn đến Phật tử đến cúng dường trai tăng lợi lộc phát sanh hay không nghĩ đến chức sắc ở trong giáo hội v.v… thì lúc đó học kinh kệ rất nhiều rất sâu sắc, thuộc rất nhiều kinh điển nhưng rồi một thời gian sau lo làm công việc này công việc khác, bận rộn với việc trụ trì hay việc đi lễ hội chỗ này chỗ kia v.v… sắp xếp công việc bỏ quên cái hiện tại rồi lâu ngày bắt đầu quên chi pháp, có những câu chuyện những câu Phật ngôn mà mình đọc được trong Tăng Chi Bộ hay là Tương Ưng bộ kinh Trường bộ kinh v.v… hồi lúc còn nhỏ thì chúng ta nhớ kỹ lắm, nhưng đến khi chúng ta lớn tuổi rồi chúng ta quên mất. Cái quên đó chúng ta thường hay đổ thừa là tại vì cái thân già rồi cho nên bộ óc không được minh mẫn không được sáng suốt nhạy bén như hồi còn trẻ. Chúng ta đổ thừa cho cái thân bị già nhưng thực ra chính do vì chúng ta bỏ quên chánh niệm không chịu thường xuyên trao dồi chánh niệm cho nên chúng ta bị như vậy.
 Các vị A la hán hoặc như Đức Phật ở trong kinh điển giải thích rằng dầu cho Ngài đã lớn tuổi nhưng đối với các vị như Đức Phật lúc ấy tinh thần Ngài vẫn minh mẫn, đặc biệt Ngài còn minh mẫn đến độ mà Ngài thuyết pháp độ cho vị đệ tử cuối cùng là du sĩ Subhadda chứng Alahan quả và những gì mà Đức Thế Tôn Ngài đã truyền giảng trong ngày giờ cuối cùng những giây phút tối hậu đó cho đến ngày hôm nay chúng ta đọc qua chúng ta thấy vẫn mang một giá trị giải thoát như khi Đức Thế Tôn ở lúc tuổi đương thời. Ngài giác ngộ năm 35 tuổi và trong thời gian đó Ngài thuyết pháp cao siêu và hướng thượng như thế nào, khéo thuyết như thế nào thì khi tuổi về già 80 tuổi rồi pháp đó vẫn là pháp đó chứ không sai suyển không quên được, không có thể quên trước quên sau nói rồi mà quên đi lập lại lập lại như chúng ta. Người già của kẻ phàm phu chúng ta hay bị tình trạng nhiều khi có câu chuyện chúng ta mới nói ngày hôm qua với người ấy bữa nay gặp lại chúng ta nói nữa chúng ta kể nữa, chúng tôi gặp những người như vậy chúng tôi cũng sợ lắm. Và chúng ta nghĩ rằng khi chúng ta về già chắc chắn là phải bị như vậy nếu chúng ta bỏ quên chánh niệm. Cho nên người xưa có một danh nhân nói: “Tôi không sợ già mà tôi sợ cái tật của người già.” Chúng ta đừng có sợ già, chỉ sợ chúng ta bỏ quên chánh niệm thôi, chúng ta hãy tu tập như thế.
c) Chánh định cũng là chi phần của định. Chúng ta cố gắng làm sao tập trung tư tưởng, mỗi ngày chúng ta phải dành ra 5 phút để tập trung tư tưởng, 5 phút, 10 phút cũng được. Sự tập trung tư tưởng đó theo cách thiền chỉ cũng được và thiền quán cũng được. Nghĩa là chúng ta phải có sự định tâm, nhờ sự định tâm đó chúng ta sẽ làm việc sáng suốt minh mẫn. Nếu để cho tâm tán loạn lao chao phóng dật như vậy tâm không có được thanh tịnh. Cũng giống như ngọn đèn nến nếu đứng yên thì ngọn đèn đó sẽ toả ra ánh sáng, còn khi ngọn đèn trước gió nó cứ chập chờn chập chờn ngả bên đây ngả bên kia làm cho ánh sáng không được tỏ rõ. Thì định tâm cũng giống như ngọn đèn được giữ yên ánh sáng tỏa rõ ràng. Còn khi ánh sáng chập chờn ngọn đèn mà leo lét chập chờn thì cũng giống như trạng thái tâm phóng dật.
Cho nên, ở đây cách chúng ta tu tập về định để trí tuệ và trí nhớ của chúng ta duy trì và phát triển tốt là chúng ta phải có Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định.
3 – Pháp thứ ba là tu tập về tuệ.
Trí tuệ không phát sanh đến những người không suy luận. Chúng ta phải thường xuyên trao dồi. Trí tuệ chúng ta không phải là một đặc ân của trời cho mà cũng không phải là bẩm sinh người có trí tuệ rồi trí tuệ đó giữ vững mãi, không phải là như thế, trừ ra đối với một bậc giác ngộ bậc đã chứng đạo quả thì trí tuệ của vị đó là bất động trí, còn trí tuệ của phàm phu chúng ta thì luôn luôn bị giao động cho nên chúng ta phải tu tập về trí. Chúng ta tu tập về trí là tu tập về GIỚI, ĐỊNH  và TUỆ.
Tu tập về TUỆ ở đây chúng ta tu tập theo hai chi phần:
1 – Chi phần thứ nhất của Tuệ – chúng ta phải có chánh kiến. Chánh kiến là chúng ta phải suy xét đúng, chỗ nào có sự hoài nghi thì chúng ta nên hỏi lại, những gì chúng ta hiểu còn cạn thì cố gắng suy luận để hiểu cho sâu và hiểu theo hướng chân chánh, đúng pháp, đúng lý nhân quả. Và kinh điển Đức Thế Tôn đã thuyết giảng là kim chỉ nam cho chúng ta để chúng ta suy luận một cách chính xác. Thường thường thì chúng ta có một quan niệm rất sai lệch, chúng ta nghĩ rằng người tu tập theo pháp môn này theo hệ phái kia, hay người có chánh kiến nếu đi theo hệ phái môn phái tông phái khác là người tà kiến. Điều đó không phải. Tà kiến và Chánh Kiến không phải dựa vào hình thức đó. Dầu cho người này đang ở trong phòng có tủ kinh điển Tam Tạng nhưng không chịu đọc và không chịu suy luận thì người này vẫn có tà kiến như thường. Chứ không phải nói rằng ở trong thư viện của chùa chúng tôi có đầy đủ Tam Tạng và chú giải thì chúng tôi sẽ là người có Chánh Kiến. Không phải như vậy. Mà là do chúng ta suy luận hoặc là do chúng ta nghe người khác giảng giải.
Nguyên nhân phát sanh lên Chánh Kiến có ba:
a) Một, chúng ta nghe pháp từ nơi người khác, nghe người khác giảng giải phân tích, chúng ta hiểu rồi phát sanh ra Chánh Kiến.
b) Thứ hai, khéo tác ý mà phát sanh ra Chánh Kiến tức là khéo suy luận và khi chúng ta có được cái nhìn chân chánh lúc bấy giờ sẽ giúp chúng ta duy trì được trí nhớ và trí tuệ.
Ở đây, có một loại Chánh Kiến đó là, hễ ở trong cuộc sống cái gì xảy ra chúng ta đều suy xét pháp hữu vi là vô thường, có sanh thì có diệt, cái gì có sanh khởi thì cái đó phải bị hoại diệt. Chúng ta suy xét về tánh chất Vô Thường thì đó cũng là một yếu tố phát sanh lên Chánh Kiến. Rồi chúng ta suy xét về sự khổ ở trong cuộc đời, cái gì vô thường biến hoại thì cái đó mang tánh chất khổ, thương phải xa ghét phải gần, hay già bị bệnh, bị chết, bị người khác đánh đập v.v… thì cái nào cũng phải khổ cả. Khi chúng ta đang dự tiệc vui, trong tiệc vui đó chúng ta phải biết có cái mầm đau khổ là bởi vì cuộc vui nào cũng tàn, cuộc họp nào rồi cũng tan. Chúng ta cứ tập suy xét. Hoàn cảnh nào chúng ta cũng thấy có cái khổ ở trong đó, tế nhị nhất là cái khổ trong pháp vô thường chúng ta cũng phải thấy như vậy thì phát sanh lên Chánh Kiến.
c) Điều thứ ba là, muốn phát sanh Chánh Kiến thì chúng ta phải thường xuyên tu tập quán thấy sự Vô Ngã. Quán thấy Vô Ngã là chúng ta nên biết rằng không có pháp hữu vi nào mà không có duyên trợ tạo tác. Hễ là pháp hữu vi thì đó là pháp hữu duyên. Mà hễ là pháp hữu duyên thì nó theo định lý, do cái này có mặt cái kia mới có mặt, do cái kia có mặt thì cái nọ mới có mặt, hễ cái này diệt thì cái kia diệt, cái kia diệt thì cái nọ diệt, duyên hệ và duyên sinh như thế. Như vậy tất cả đều là rỗng không. Pháp hữu vi cũng giống như một đống cát thấy một đống cát vụn, với thân ngũ uẩn này chúng ta tập suy xét về Vô Thường, Khổ Não, và Vô Ngã thường xuyên như thế thì chúng ta sẽ phát sanh Chánh Kiến.
2 – Chi phần thứ hai của tuệ – là chúng ta tu tập Chánh Tư duy, hễ mỗi lần suy nghĩ cái gì thì phải là suy nghĩ với tư tưởng ly dục không đắm nhiễm, mỗi lần suy nghĩ là suy nghĩ bằng tâm mát mẻ bằng trạng thái không sân hận, rồi chúng ta phải suy nghĩ với tư tưởng bất hại, không nên tối ngày từ sáng đến chiều lo suy nghĩ thù hận người này ghét người kia, tìm mưu này kế nọ làm cho chúng sanh khác đau khổ để trả thù để cho hả giận v.v… Tư Duy của chúng ta hàng ngày là phải Ly Dục Tư Duy, Vô Sân Tư Duy, và Bất Hại Tư Duy, chúng ta tu tập như thế thì thử hỏi làm sao tâm chúng ta lâu ngày không được thanh tịnh, với một người mà Tư Duy Vô Tham, Tư Duy Ly Dục, Tư Duy Vô Sân, và Tư Duy Bất Hại thì trí tuệ càng lúc càng sáng lên bởi vì đó là mảnh đất phong phú màu mở là một giòng nước trong suốt có thể thấy được tới đáy hồ, hay đáy suối, đáy sông.
Ở đây, chúng ta cần phải hiểu giá trị của tâm thanh tịnh đem đến nhiều lợi lạc cho mình và cho người khác: trước nhất là để duy trì trí nhớ, hai là để làm sao duy trì trí nhớ và trí tuệ tốt để chúng ta có trí tuệ sáng suốt minh mẫn, từ lúc còn trẻ cho đến khi trung niên cho đến khi lão niên lúc nào trí tuệ trí nhớ của chúng ta cũng sáng suốt minh mẫn tỉnh táo thì đó là một điều tốt. Còn nếu chúng ta không tu tập theo giới, theo định, theo tuệ, bằng cách này thì như vậy là đã khuấy đục nội tâm này làm cho trí nhớ trước đây bị giảm thiểu xuống và mất đi, thì nó sẽ đưa đến hại mình hại người./.

No comments:

Post a Comment