Hỏi : Chánh niệm đối với người cư sĩ.
(Câu hỏi trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên)
TT Giác Đẳng: Khi đề cập đến chánh niệm đa phần chúng ta nói đến một bối cảnh thiền định mà bối cảnh thiền định đó thì không hợp với đời sống tại gia, thì điều đó nó chỉ có mang phân nửa ý nghĩa như vậy thôi. Thật ra khi đã thiền định thì người xuất gia và tại gia đều có thể tu tập chánh niệm được hết. Ngày xưa Đức Phật còn tại thế có một xứ tên là Guru, ở đây dân chúng dầu lớn dầu nhỏ họ hay hướng dẫn nhau phương pháp tu thiền Tứ Niệm Xứ, tức là tu tập chánh niệm. Những lần chúng tôi hành hương bên Ấn Độ có dịp thì chúng tôi vẫn đến đây để đọc lại phiến đá ghi dấu rằng khu làng này ngày xưa những người ở đây họ dành rất nhiều thì giờ để thực hành môn thiền định Vipassana mà Đức Phật đã giảng dậy, mặc dù đứng trước bia ký rất là đơn giản như vậy nhưng chúng tôi thật sự rất xúc động, bởi vì thưa qúi vị Phật tử, cái bia ký đó nhắc lại một thời kỳ hoàng kim của chánh pháp, thời kỳ Đức Tôn Sư còn tại thế và đã có một thị trấn một quốc độ lớn như vậy mà người ta bảo nhau để tu tập thiền định, tu tập chánh niệm.
Trong A Tỳ Đàm nói riêng và trong Phật Pháp nói chung thì có rất nhiều khả năng ở trong thiện pháp, những khả năng đó vốn dĩ là một tiềm lực, nó là một phần của đời sống của chúng ta như là tín, niệm, tàm, qúi, vô tham, vô sân, vô si, hành xả v.v… những thứ này đã có mặt ở trong nhiều tâm thiện ở trong đời sống hàng ngày của mình. Chúng tôi lấy một ví dụ như khả năng chánh niệm có thể hiểu được là không có quên mình, là khả năng biết mình, biết mình đang làm cái gì, thì cái khả năng đó vốn đã có sẵn trong đời sống của chúng ta. Qúi vị làm một việc gì đó mà đem hết tâm trí để làm, làm một việc gì đó mà chúng ta có để ý, không có quên mình, chúng ta sống trọn vẹn với công việc mà chúng ta làm, thì ở đó được hiểu như là chánh niệm.
Nhưng có những thứ chánh niệm là do thói quen của chúng ta, ví dụ như qúi vị thích làm một việc thiện, trong lúc thích làm việc thiện qúi vị để hết tâm làm. Một người mỗi lần đến chùa họ cầm cái chổi quét chùa thật là hoan hỉ, thì khi họ cầm cái chổi lên quét mà nếu họ là một người giỏi quét nhà, họ quét rất sạch, thì trong lúc họ quét họ biết cái gì mà họ quét, họ để hết tâm để quét thì như vậy là họ quét không có quên mình. Nhưng có những người khác trong lúc cầm chổi quét nhà đầu óc lại nghĩ vẩn vơ đến chuyện khác, và đôi lúc họ đạp phải miểng trai, có đôi lúc họ làm đổ vỡ những thứ này thứ khác. Thì thưa qúi vị ở đó nói lên một trạng thái gọi là quên mình.
Như khi chúng ta nói chuyện cũng vậy, một cuộc nói chuyện có chánh niệm là cuộc nói chuyện có tri nhân, tri quả, tức là biết nhân biết qủa, biết cái gì đã tạo ra cái này, và biết cái này sẽ tạo ra cái gì. Tri kỷ tri bỉ là biết người biết ta. Tri thời, tri hội, tri độ. Tri thời tức là chúng ta biết là thời gian nào thích hợp để nói cái gì. Tri hội là chúng ta biết đám đông nói cái gì. Tri độ là chúng ta biết chừng mực nào. Thì những cái biết đó, tri nhân, tri quả, tri kỷ, tri bỉ, tri thời, tri hội, tri độ, là những cái biết có thể nói rằng cần đến chánh niệm, cần đến một sự tỉnh táo, thì điều đó vẫn có trong đời sống. Tuy nhiên những tiềm lực này lại không phát triển mạnh và lại không thuần thục, do nó không thuần thục nên những lúc chúng ta muốn xử dụng đến nó thì nó lại không có.
Ví dụ như là chúng ta học tiếng Anh mà học một cách nhuần nhiễn, thì khi chúng ta muốn nói chúng ta nói không cần suy nghĩ, nhưng nếu chúng ta học chỉ ở giai đoạn đầu chưa có căn bản, mặc dầu chúng ta có một số vốn liếng khá về ngữ vựng về văn phạm, nhưng mỗi lần nói chúng ta phải suy nghĩ và sự suy nghĩ ở đây nó còn đỡ hơn là có những người không có căn bản, học một lần ở lớp học trở về và lúc nhớ thì nhớ lại không được.
Thì những thiện pháp ở trong của chúng ta tuy rằng có sẵn nhưng nếu không được huấn luyện, không được tu tập, thì nó không có thể nào thể hiện một cách thuần thục được.
Ở đây chúng tôi lại phải nói một câu chuyện mà có lẽ là qúi vị nghe thấy hơi tiểu thuyết một chút, đó là vị nào đã đọc bộ Lục Mạch Thần Kiếm của Kim Dung thì qúi vị nhớ rằng Đoàn Dự của nước Đại Lý có được chân truyền về pháp Lục Mạch Thần Kiếm, nhưng anh ta không thể xử dụng như ý mình muốn được là bởi vì chỉ có khi nào mà anh cảm thấy có chuyện gì hết sức búc xúc bất ngờ thì anh mới có thể xuất chiêu được, còn bình thường anh không thể xử dụng như ý được. Cái ví dụ hình ảnh Kim Dung viết lại nói thêm một cái có thể dùng để làm một ví dụ một chuyện rất đặc biệt trong đời sống của mình là những thiện pháp như: tín, niệm, tàm, qúi, vô tham, vô sân, vô si, hành xả, hay những thiện pháp khác chúng ta có thể kể một danh sách rất dài. Những thiện pháp này vốn có sẵn ở trong đời sống nội tâm của chúng ta, nhưng khả năng khai triển được và khai triển để đáp ứng với một tình thế, với một hoàn cảnh mà cần thiết chúng ta có qui động được nó hay không, thì ở đây nó nói lên sự khác biệt giữa người có tu và người không có tu. Nếu chúng ta nói đến kiến thức chẳng hạn, mà cái kiến thức đó là kiến thức của trí nhớ, có đôi khi chúng ta không huy động được nó, hay là kiến thức nằm ở trong sách vở, qúi vị có thể đọc sách mà hiểu thì kiến thức đó không phải là kiến thức thật sự của mình, khi nào kiến thức đó có thể thấm nhuần vào trong đầu của mình và thảng thốt thì chúng ta có thể đem ra, có thể vận dụng được kiến thức đó trong lúc nhất thời để đáp ứng với việc gì đó, thì cái đó mới thật sự là của mình. Một người học võ cũng vậy họ học bài bản, nhưng khi ra trận đánh thì người ta đánh thế nào thì mình tùy theo tình thế mà ứng phó, chứ không phải đi theo bài bản mà chúng ta học nữa.
Thì ở đây chánh niệm nói lên rằng chúng ta cần sự tu tập. Bây giờ hỏi thêm một việc nữa là việc đó có cần cho người Phật tử hay không? Chánh niệm cần cho tất cả mọi người, nhưng câu hỏi nên đặt ra tại đây là chúng ta có thể dành thì giờ để tu tập và để khai triển theo chánh niệm này hay không? Thì điều đó đôi khi người cư sĩ gặp trở ngại khó khăn hơn là tại vì dù sao đi nữa thì đời sống của một vị cư sĩ thường gặp rất nhiều công việc tùng sự, mà qúi vị không có được thì giờ để dành cho việc tu tập như những vị tăng sĩ.
Hiện tại bây giờ có một hình ảnh rất đáng vui mừng đáng khích lệ là ngày hôm nay có rất nhiều vị cư sĩ, và thậm chí chúng tôi mừng là con số không nhỏ là những vị có thể nghỉ hè đi về các khoá thiền, và nếu những khoá thiền này mà các vị ở nguyên ngày thực hành thiền định, và trở về thì sau những khoá thiền đó thì qúi vị khả dĩ có thể thực hành được rất nhiều phương pháp đã được hướng dẫn bởi các vị thiền sư. Như vậy những người cư sĩ có thể tu tập chánh niệm và nên tu tập chánh niệm. Một câu trả lời tóm tắt là tất cả mọi người dù xuất gia hay tại gia đều nên tu tập chánh niệm và nếu chúng ta chịu khó thì chúng ta đều có thể tu tập được./.
Con xin kính đãnh lễ và vấn an Thầy TT Thích Giác Đẳng thân tâm luôn an lạc, Đạo Pháp viên thông.
ReplyDelete