Tuesday, March 20, 2012

Miến Điện: Cơ duyên của thay đổi kỳ thú














Bùi Tín (VOA) - Báo the Economist số ra tháng 2-2012 có bài bình luận khá sinh động và bổ ích về tình hình mới đây ở Miến Điện. Báo này thường có bài viết của một nhóm nhà bình luận chuyên sâu có mặt ở Rangoon Miến Điện và trong khu vực, chung sức tạo nên những bài viết có giá trị.

Bài báo đặt vấn đề vì sao tình hình Miến Điện lại có thể thay đổi đột ngột sâu sắc đến vậy, làm cho một số nhà bình luận quốc tế ngỡ ngàng, làm cho một số trí thức trong cộng đồng người Miến Điện sống tỵ nạn ở phương Tây bán tín bán nghi.

Trước đây, ai có thể nghĩ đến chuyện bà Aung San Suu Kyi bị tù, quản thúc, giam lỏng, không được ra nước ngoài thăm chồng con, kể cả khi chồng bà hấp hối, rồi tổ chức chính trị của bà là Tập họp quốc gia vì Dân chủ bị khủng bố, đặt ra ngoài vòng pháp luật, vậy mà bỗng nhiên nay bà được đi khắp nơi để vận động bầu cử cho mình và cho đảng của mình, và đảng của bà nay lại có đầy đủ quy chế hợp pháp như mọi chính đảng khác để ra ứng cử trong cuộc bầu cử bổ sung tháng 4-2012.

Điều gì đã xảy ra để suốt 22 năm qua tên của bà không hề được nêu lên trên báo chí công khai, trừ khi để chỉ tên một kẻ tội phạm nguy hiểm cho nền an ninh quốc gia, một kẻ cầm đầu âm mưu lật đổ chính quyền, đang bị trừng phạt như một kẻ thù của nhân dân, nay bỗng nhiên xuất hiện trên trang nhất các báo lớn, trên đài phát thanh và truyền hình toàn quốc, với ảnh màu trang trọng, trong tư thế một nhà lãnh đạo chính trị hợp pháp đàng hoàng.

Báo ‘the Economist’ giải thích cặn kẽ rằng sở dĩ có sự đổi thay kỳ thú như thế là do sự trùng hợp của nhiều nguyên nhân, nhiều cơ duyên hiếm có. Một số trí thức người Miến tỵ nạn ở Pháp cũng có ý kiến tương tự.

Trước hết, về phía bà Aung San Suu Kyi và Tập họp quốc gia vì Dân chủ của bà đã tự tin giữ vững hàng ngũ, có uy tín lớn trong và ngoài nước, được xã hội và giới Phật giáo thật sự quý trọng suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Về phía các tướng cầm quyền, họ gặp những khó khăn chồng chất nan giải, dẫn đến bế tắc kinh tế xã hội, nhất thiết phải tìm cách thoát khỏi khủng hoàng nặng nề kéo dài. Kinh tế đình trệ. Nợ nước ngoài của nhà nước đã vượt qua 11 tỷ đôla; y tế và giáo dục xuống cấp nặng nề; chiến tranh với các bộ tộc Shan và Karen do Trung Quốc sách động vẫn dai dẳng. Cuộc phong tỏa của phương Tây kéo dài gần 20 năm ngày càng ngấm sâu. Họ buộc phải tìm ra con đường sống.

Tình hình quốc tế thời gian qua mang lại nhiều tác động sâu sắc. Các ông tướng cầm quyền theo dõi sát tình hình Tunisia, Ai Cập, Libya …rất lo nếu có đông đảo dân chúng xuống đường như hồi năm 1988 hay năm 2007, sẽ rất dễ đụng độ với cảnh sát và quân đội, xô xát, bắn giết dễ xảy ra và leo thang, khó ngăn chặn những điều tệ hại như ở Ai Cập và Libya, dẫn đến sự can thiệp và trừng phạt của quốc tế, đưa đất nước đến nội chiến đẫm máu mờ mịt.

Báo ’the Economist’ cho biết nhiều ông tướng thực sự lo âu khi được tin cha con Mubarak nếu bị bắt sống sẽ bị giải sang Tòa án Hình sự Quốc tế ICC ở La Haye, và rất sợ viễn cảnh như thế đối với bản thân. Cộng đồng Miến Điện ở Anh và Pháp cũng cho biết đã sưu tầm khá nhiều tài liệu về tài sản bất minh của một số tướng lĩnh đương quyền cũng như những cuộc bắn giết, tra tấn, hành hạ dân thường, trí thức, nhà báo, nhà tu hành, và đã công bố trước thế giới, đồng thời gửi cho Tòa án Hình sự Quốc tế.

Các tướng lĩnh cầm quyền không đồng nhất. Có những nhóm rất xấu, tham ô, quân phiệt, mê tín dị đoan, kinh doanh đủ thứ, đã thành nhóm tài phiệt quân sự như tướng Than Shwe; ngược lại có những tướng sống giản dị, có lòng yêu nước, thương dân, thấm nhuần bản chất hòa bình vị tha của đạo Phật, tin ở kiếp luân hồi - sống là gửi, thác là về - như Tướng Thein Sein, đã từ bỏ quân phục, quân hàm, là tổng thống dân sự hiện tại. Họ thiên về cuộc sống nội tâm hơn là thụ hưởng vật chất. Tổng thống Thein Sein tỏ ra quả đoán và cương trực, đang cùng nhóm tin cẩn của ông chèo lái cuộc đổi mới đầy khó khăn, là một người như thế..

Bà Aung San Suu Kyi đóng một vai trò đặc biệt hệ trọng trong sự chuyển biến kỳ thú của Miến Điện. Thời gian qua bà không phải chỉ là một nhà lãnh đạo gương mẫu, kiên cường, chịu đựng mọi hy sinh cá nhân vì dân, vì nước, bà còn là một nhà ngoại giao sắc sảo, luôn nụ cười lạc quan trên môi, am hiểu sâu sắc tâm lý của đối phương và luôn tìm ra giải pháp có lợi cho sự nghiệp đổi mới. Bà sống giản dị tại ngôi nhà nhỏ ven hồ, ăn chay trường.

Sau khi bà được tự do ngày 11 tháng 10 năm 2010, bà đã tập trung trí tuệ và tâm huyết cho sự nghiệp đổi mới mà nội dung cốt lõi được bà và nhóm cố vấn của bà xác định là: hòa giải dân tộc, hòa bình vững chắc, chấm dứt chiến sự, sớm chấm dứt phong tỏa và trừng phạt của quốc tế, nâng cao uy tín của Miến Điện ở trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới, chuẩn bị tốt cho sự nghiệp khôi phục và phát triển đất nước với tốc độ khá, bù lại thời gian đã phí phạm do chia rẽ xung đột.

Tranh thủ sự trợ giúp, tiếp sức của quốc tế là một hướng nỗ lực đạt kết quả cao của bà. Bà tin ở Liên Hợp Quốc, ở các tổ chức dân chủ, ở chính quyền các nước dân chủ, tin ở Hoa Kỳ, ở các nước Liên minh châu Âu và được các nước này tin cậy trở lại. Nhiều phái viên của bộ ngoại giao, ngành an ninh Hoa Kỳ đến gặp bà. Ngoại trưởng Hillary Clinton nhiều lần đến gặp bà trong thời gian dài để trao đổi mọi vấn đề cần thiết. Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama trên đường thăm Úc cũng gọi điện thoại từ trên máy bay Air Force One để nói chuyện trao đổi với bà.

Từ đó, có tin thuật lại là khi Tổng thống Thein Sein và quan chức thân cận từng hỏi bà rằng theo bà nghĩ, sau khi phía Miến Điện đã thực hiện tự do báo chí rộng rãi, cho công đoàn tự do hoạt động, trả hơn 600 tù chính trị thì phía Hoa Kỳ có thật sự chấm dứt phong tỏa, viện trợ trở lại như trước không. Bà đã trả lời dứt khoát là những điều ấy đã và sẽ chắc chắn được thực hiện. Không những vậy bà còn bảo đảm rằng Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF và Ngân hàng Thế giới WB cùng một số tổ chức tài chính quốc tế cũng sắp viện trợ trở lại và cho vay với lãi xuất thấp.

Theo tin trong nước, chính bà Aung San Suu Kyi đã chấp nhận để một số tướng lãnh ở lại cầm quyền nhưng phải từ bỏ quân phục và phải cai trị như một chính quyền dân sự, dựa vào hiến pháp, luật pháp chứ không dựa vào quân đội như cũ. Bà đã biết uyển chuyển từ bỏ yêu sách cũ là tất cả tướng lãnh phải ra đi, thậm chí phải bị truy tố về tội ác và tham nhũng. Theo tiết lộ, bà còn ngỏ ý bảo đảm tài sản riêng của các tướng lãnh cũ nói chung sẽ được tôn trọng, trừ những trường hợp phạm pháp rõ rệt phải trả lại công quỹ mà không phải qua truy tố. Điều này giải tỏa nỗi lo lắng và sự chống đối của một bộ phận tướng lãnh từng cầm quyền. Họ chỉ mong được hạ cánh an toàn.

Cũng cần phải nói Miến Điện từng trải nghiệm một thời gian về một kiểu xã hội chủ nghĩa - kinh tế tập trung theo kế hoạch - rầt gần với Bắc Kinh và Moscow, dưới thời thủ tướng U Nu, nhưng đẫ bị thất bại nặng nề. Khái niệm ‘xã hội chủ nghĩa’ đã bị chính chế độ quân phiệt khai tử.

Mặt khác sự trở lại lâu dài của Hoa Kỳ ở châu Á với những trục liên minh Hoa Kỳ - Indonesia, Hoa Kỳ - Philippines, Hoa Kỳ - Ấn Độ, Hoa Kỳ - Đài Loan, Hoa Kỳ - Úc…nhằm ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc đi cùng với tệ ngạo mạn nước lớn của Bắc Kinh ở vùng biển Đông Việt Nam cũng làm cho Miến Điện cảnh giác và lặng lẽ tự tách dần khỏi Bắc Kinh.

Các tướng từng phụ trách các bộ giáo dục, y tế, khoa học kỹ thuật đều phát biểu là Trung Quốc không có trình độ để giúp phát triển khoa học - kỹ thuật, giáo dục, các công ty Trung Quốc tràn vào Miến Điện mấy năm qua gây tổn hại cho nền kinh tế và phá hại môi trường hơn là giúp cho sự phát triển. Họ chỉ lợi dụng Miến Điện để mở đường bành trướng xuống Ấn Độ Dương.

Có thể nói cuộc gặp gỡ giữa tổng thống Thein Sein và bà Aung San Suu Kyi ở thủ đô Naypidaw tháng 8 năm 2011 thẳng thắn, chân thành đã tạo nên niềm tin giữa 2 nhà lãnh đạo quốc gia. Hai người không chỉ cùng tuổi Ất Dậu – sinh năm 1945 – còn chung một niềm tin triết lý và tôn giáo của đạo Phật, còn chung lòng nhân hậu yêu nước thương dân, bằng những sáng kiến và việc làm cụ thể có hiệu quả.

Rồi đây Miến Điện sẽ có thể là quốc gia nổi lên trong cộng đồng các nước Đông Nam Á, vừa có hòa hợp dân tộc, vừa có hòa bình, phát triển, như một tấm gương chính trị đẹp đẽ của thời đại mới, của hòa hợp dân tộc, của hòa bình, dân chủ, tự do và phát triển cho toàn dân cùng hưởng.

Gần đây quan hệ giữa Việt Nam và Miến Điện có nhiều nét phát triển về kinh tế, chính trị và cả về quân sự, qua sự thăm viếng của các nhà lãnh đạo, ngoại giao và quân sự. Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam thăm Miến Điện; tàu hải quân Miến ghé thăm cảng Đà Nẵng. Ngày 20-3 này tổng thống Thein Sein sang thăm Việt Nam.

Năm ngoái khi Việt Nam là chủ tịch Đông Nam Á, ông Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Miến Điện thực hiện bàu cử dân chủ đa đảng và hòa hợp dân tộc. Nay phía Miến Điện đã thực hiện đúng yêu cầu ấy, nhưng mỉa mai thấy 2 điều đó vẫn còn là món nợ của đảng CS Việt Nam đối với nhân dân Việt Nam và cả với các nước Đông Nam Á. Gặp ông Thein Sein, ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ ăn nói ra sao đây?

Xem ra phía Việt Nam đang ở thế rất khó xử, vì chưa sẵn sàng thay đổi hẳn hệ thống cầm quyền như Miến Điện, chưa chịu chuyển từ độc đoán sang dân chủ đa đảng trong luật pháp và trật tự, chưa chịu thông qua luật tự do báo chí, luật tự do công đoàn, chưa chịu công nhận quyền tư hữu tư nhân về ruộng đất của nông dân, chưa chịu thành thực hòa giải và hòa hợp dân tộc.

Trông người lại nghĩ đến ta. Bao giờ ta sẽ bằng người.

Để cả nước sống hòa thuận tử tế với nhau trong thương yêu tin cậy nhau, tỉnh ngộ sâu sắc sau một thời gian dài xung đột và chia rẽ. Miến Điện đang cho ta một kinh nghiệm, một hy vọng, một gợi ý và niềm tin. Xin chớ bỏ qua bài học hiếm và quý này.

Bùi Tín


Miến Điện ngày nay



Nguồn: Youtube RFAVietnamese 

6 comments:

  1. Nhìn mặt Bà Aung San Suu Kyi thấy rất phúc hậu và thông minh,còn mụ Doan ta ngu dốt và ăn nói hồ đồ, trông thấy mặt là muốn tắt TV.Sao ông Tổng Bí Trọng không đốn quách con mụ này đi, để cho VN khỏi xấu hổ với thế giới và chị em phụ nử chúng ta.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Mụ Doan ngu dốt và lão Tổng Bí Trọng Lú cá mè một lứa mà --- > đầu người óc heo hay đầu to óc trái nho khô Hô Hô Hô

      Delete
  2. Nguyễn Lưu TùngMarch 20, 2012 at 10:32 AM

    Đây là một đề tài không kém quan trọng : kinh tế và chính trị .Việt Nam mở cửa và đổi mớ kinh tế trước Miến Điện , là tấm gương cho các nước Cộng Sản noi theo .Nhưng nay Miến Điện đang đổi mới chính trị , liệu có cần thiết là gương cho Việt Nam noi theo không ?Chỉ đổi mới kinh tế mà không đổi mới chính trị có hoàn hảo không ? sẽ gặp bế tắc không ?

    ReplyDelete
  3. Ơi Răng Goon đất trời thơ mộng
    nắng tháng ba ấm áp tình người
    vi vu mơ màng tiếng sáo thổi
    đêm thức dậy bỗng hoá khổng lồ .
    Sài Gòn ơi khi về một mối
    nắm tay Em nối tiếp đường xưa
    tạm cắt ngang bởi cộng lên ngôi
    thời tăm tối ta bị cộng cỡi.
    Đất Tự Do sinh trái Tự Do
    Đất Dân Chủ sinh trái Dân Chủ
    Đất nô lệ sinh loài thổ phỉ
    Hỡi Tiên Nữ Aung San Syu Ki
    cùng các vị sư đầy kính mến
    máu tuôn đổ trên mỗi bước đi
    làm đổi thay thịt da xứ Miến
    đạt ước mơ dân tộc mơ ước

    nhưng Sài Gòn Em ơi sao khóc
    các Anh Thư khổ đến bao giờ .

    ReplyDelete
  4. Thảo Dân Thức TỉnhMarch 20, 2012 at 2:26 PM

    Sự thay đổi của Miến Điện làm cho Nguyễn tấn Dũng dù mặt có dầy đến mấy cũng phải hỗ thẹn .
    Nhà mình thì đầy rác rưởi mà đi khuyên người ta dọn nhà cho sạch. Thật tức cười !!

    ReplyDelete
  5. Đến bao giờ việt nam mới có mùa xuân các bạn có biết tại sao miến điện lại thay đổi gấp như vậy kg theo tôi chỉ có ba nguyên nhân chính mà thôi ,thứ nhất là có lượng chống đối ra mặt và có những nhóm du kích có vũ khí ,thứ hailà sức ép từ quốc tế ,thứ ba là trong nội bộ tự diễn biến hòa bình tại sao chúng ta kg học cách này nhỉ chỉ có cách này dẫn đến con đường thành công nhanh nhất cho Việt Nam và chỉ có cách này Việt Nam mới có đa đảng và tự do còn các đảng phái trong và ngoài nước (sợ chết )thì đừng bao giờ lên tiếng và chống đối chế độ cộng sản vì chống đối mà kg thành công càng làm cho người dân chán ngán vì kg còn niềm tin !!!!!

    ReplyDelete