Friday, March 7, 2014

Xuân Vũ: Cầm bút viết ngay khi đọc xong “Luận chiến nước ngoài” của Võ Văn Ái

 photo Untitled_zps995d8d64.jpg

Hàng mấy chục năm đọc báo Cộng sản trong nước xuyên tạc cuộc đấu tranh cho Văn hóa, Nhân quyền, Dân chủ của Cơ sở Quê Mẹ ở Paris, hay bôi nhọ, vu khống ông Võ Văn Ái, người điều hành cơ sở này. Chẳng lạ chi sự kiện ấy, vì bất cứ ai đánh vào tử huyệt Cộng sản chúng liền xuyên tạc và mạ lỵ.
Nhưng gần đây, hoát nhiên trong Cộng đồng hải ngoại bỗng xuất hiện vài cây bút, vài tiếng nói lạc lõng nổi lên xuyên tạc cá nhân ông Võ Văn Ái và những sách ông Ái trước tác.
Chúng tôi đánh máy lại bài viết sau đây của tác giả Xuân Vũ phê bình cuốn sách “Luận Chiến Nước Ngoài” của Võ Văn Ái phát hành lần đầu tại Paris năm 1990 và tái bản năm 1991. Bài viết của Xuân Vũ ghi ngày 30.4.1991 đăng trên Tạp chí Quê Mẹ số 117, tháng 7.1991.
 Nhà văn Xuân Vũ, tên thật Bùi Quang Triết, qua đời vào năm 73 tuổi. Ông là tác giả nổi danh của 5 tập truyện nói lên tội ác và bộ mặt thật của Cộng sản Việt Nam sau khi vượt Trường Sơn trở về với VNCH năm 1971 : Đường Đi Không Đến, Sương Trắng Trường Sơn, Mạng Người Lá Rụng, Đến Mà Không Đến,Đồng Bằng Gai Góc. Ông được trao Giải Văn Học Quốc Gia năm 1973 về các trước tác nói trên.
—————————————-
 Cầm bút viết ngay khi đọc xong “Luận chiến nước ngoài” của Võ Văn Ái
Xuân Vũ
Tôi lấy làm lạ sao chúng ta có được một Võ Văn  Ái ? Một con người tổng hợp của Thi ca, chính trị, xã hội… Tôi đã dành cho  anh một địa vị cao nhất trong tôi. Đó là sự thực, sự chân thành không chút  khách sáo. Về chữ nghĩa, ngoài bàn tay nở hoa trong thi phú văn chương, anh  còn là nhà ngôn ngữ. Đọc Võ Văn Ái mà xem. Chữ của anh rất sáng tạo. Trong một  bài viết có ít nhất 5, 7 chữ thấy không ai có, chỉ riêng anh. Tôi đã định viết  một bài : “Bốn nhà ngôn ngữ học Việt Nam : Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Phạm  Duy, Võ Văn Ái”, nhưng cứ lu bu mãi rồi chưa viết được. Võ Văn Ái viết nhẹ   lắm. Tay như chỉ lướt sơ, nhưng đọc thấy nặng như núi. Cái cảm giác này tôi có  khi đọc « Gọi thầm giữa Paris ».
Hôm nay, sau khi đọc hết « Luận chiến nước  ngoài », tôi thấy Võ Văn Ái là một nhà chiến lược. Muốn hoạch định một  quốc sách ngắn hoặc dài, người ta phải có con mắt của Thiên Lý Nhãn và phải có  trái tim đập chung nhịp với trái tim dân tộc. Tôi chắc chắn không lầm khi nói  : Võ Văn Ái có cặp mắt và trái tim đó.
Tôi nói Võ Văn Ái là nhà chiến lược vì kể từ   sau khi Đông Âu sụp đổ, Tường Ô Nhục bị san phẳng, Thiên An Môn đẫm máu, Liên  Xô lung lay,… Võ Văn Ái có những chương trình hoạt động cụ thế, những đề   nghị được nhiều người hưởng ứng nhất và nhiều phương cách đấu tranh làm cho Hà  Nội sợ.
Vấn đề nào, Võ Văn Ái nhận định cũng rất rõ  khiến cho con mắt thường, trong một cuộn tơ vò nhận ra ngay cái mới. Ví dụ như   Võ Văn Ái tổng quát hóa cái Xã nghĩa Việt Nam là « một nồi cơm khét ».   Là người viết văn, tôi chuộng hình tượng, nên cái « nồi cơm khét » hay vô  cùng. Bạn thử tưởng tượng, cơm có 3 loại : chín, sống và khét. Chín thì ăn.  Sống thì sửa lại được. Còn khét thì vô phương. Thực vậy, không tài nào sửa một  nồi cơm khét ra nồi cơm ăn được. Xin lỗi, cơm khét ném chó cũng không   ăn.
Về bang giao giữa Hoa Kỳ và Hà nội, Võ Văn Ái  nhận định có hai đường : chống bang giao và hoang mang trước bang giao sắp  tới. Võ Văn Ái rất trầm tĩnh nhắn hỏi : bang giao để làm gì ?… Tiếp tục đầu  hàng hay nắm lấy thời cơ mà thay đổi cơ đồ ? Nói thời cơ, vì từ cuộc bang giao  này chúng ta có hai điểm lợi… (tr. 98) v.v… Đọc xong, thấy lòng thanh  thoát thấy cần xúc tiến đấu tranh hơn xuôi tay cho chằng nuốt. Đọc mấy chục  bài trong Luận chiến, thấy Võ Văn Ái là một chiến sĩ, hơn nữa một nhà tư tưởng  có những suy nghĩ và hành động rất kịp thời với tình hình biến chuyển. Những  tiểu luận ngắn gọn, sắc sảo ở đầu mỗi tờ Quê Mẹ (phần lớn được in lại trong  tập này) là những phá vỡ định kiến, những uốn nắn sai lầm, những thúc đẩy đi  tới, những điều làm cho Hà nội phải suy nghĩ về dân tộc và chủ nghĩa. Đây tôi  xin nêu một câu hỏi của Võ Văn Ái, không biết ở bài nào :
« Dân tộc Việt lớn hay chủ nghĩa Mác lớn  ?
Đất nước Việt lớn hay Hồ Chí Minh lớn ?   »
Trả lời được câu đó một cách đàng hoàng, người  cộng sản sẽ tìm đến những người yêu nước Việt Nam và bắt tay họ một cách chân  thành ngay. Bởi đặt chủ nghĩa cao hơn dân tộc nên người cộng sản hy sinh dân  tộc cho chủ nghĩa của mình.
Trong bài « Hãy phá vỡ 3 điều nghịch lý   » (tr. 113), hãy nghe Võ Văn Ái tổng kết một tiến trình 42 năm của dân tộc  Việt Nam trong một đoạn rất ngắn mà rõ nét vô cùng, hơn nữa nhận định chính  trị mà lại rất tùy bút. Đọc rất thích vì thấy 3 nghịch lý đó là : 1- Gánh củi  vào rừng, 2- Đồng sàng dị mộng, 3-Liên minh với kẻ thù.
Đọc tới đây mới giật mình :
« Bây giờ ở hải ngoại cộng sản đâu cần ta theo  chúng. Chúng chỉ mong ta chí thú làm ăn, chí thú học hành, chí thú xỉ móc  nhau, chí thủ viết văn ru ngủ, chí thú gửi tiền quà về gia đình, chí thú nhớ   nhung đại khái để xin về nước thăm nhà… »
Phải giật mình mới được. Võ Văn Ái nói lên một  sự gần sự thực và ghì ta lại trước miệng hố của các cái chí thú   đó.
Bạn hãy đọc vài bài, chục bài rồi bạn sẽ thấy  Võ Văn Ái có ý kiến chính xác trong mọi lĩnh vực, trong mọi vấn đề nóng bỏng  hiện nay.
Đây, xin bạn hãy đọc một chân lý :
« Đông Âu không có thần tượng. Mọi thần tượng  dựng lên cốt để ngu dân. Nếu mỗi quốc gia chỉ có một người vĩ đại, thì toàn  dân nước ấy khó trở thành thiên tài…
Người xưa gặp chỗ cùng đường liền linh hoạt  sáng kiến, biến hỏa mở lối thoát (dĩ cùng tắc biến). Chúng ta không nên bắt  chước lối nghĩ lối làm của người cộng sản ở Hà nội. Thấy chỗ cùng liền thối  lui (dĩ cùng tắc thối). Chưa có nhà nước XHCN nào vừa hãnh tiến vừa tụt hậu  như tập đoàn lãnh đạo ở Hà nội. Chúng kìm hãm ngay sức đi lên và đòi hỏi tiến  bộ của một bộ phận trẻ những người đảng viên cộng sản. Những người đang muốn  vươn mình vượt khỏi giới hạn của một đảng phái để hòa thân vào dòng sinh lực  Việt của dân tộc. Phản đối các cơ chế lỗi thời hủ hóa. Dẹp phăng nỗi sợ hãi  trước chính quyền lưu manh. Việc ấy, tiền nhân nước ta vẫn thực hiện ở bất cứ   hoàn cảnh nào. Thuở Lê Lợi và Nguyễn Trãi cầm quân chống xâm lược, một chọi 15  lính Minh. Há ngày nay ta sợ ? 65 triệu chọi 2 triệu đảng viên cộng sản quan  liêu tham nhũng… Nói khái quát chứ trong 2 triệu đảng viên có biết bao nhiêu  người đảng viên mang tâm hồn Việt… » (tr. 268-269).
Sắc bén, sáng suốt, cụ thể và khí phách vô  cùng một Võ Văn Ái. 16 năm lưu vong tôi chưa đọc được một câu bình luận chính  trị nào đáng giá như thế. Định chép lại một câu rồi chép luôn cả đoạn mà vẫn  còn muốn chép thêm. Đọc các bài khác ta vẫn gặp những câu không hiếm như trên.   Đọc Võ Văn Ái thấy gần dân tộc hơn, yêu dân tộc hơn và tin tưởng ở dân tộc  hơn.
Võ Văn Ái nhắc lại lịch sử nhưng không chỉ   nhắc mà còn phân tích, gạt đi những phần không còn hợp thời với trào lưu, chỉ   dùng những gì bất tử.
Đây, bạn hãy đọc « Chiếu dời đô » (tr. 277)  :
« Một mùa xuân lo toan sẽ đem tới một mùa thu  kết trái. Đó là bối cảnh tinh thần dựng thành quốc gia và nhà nước Việt Nam   đầu tiên và rực rỡ của dân tộc : triều Lý cuối thế kỷ thứ X sang đầu thế kỷ   XI… »
Xin hãy đọc toàn bộ bài này, bạn sẽ thấy Võ  Văn Ái là một nhà tư tưởng của dân tộc, thấm nhuần tinh thần đạo lý dân tộc.  Võ Văn Ái làm cho trang sử dân tộc sáng ngời lên chất hiện đại và tiên phong  với con Rồng Vàng của thời Phong kiến. Xin đọc ! Xin hãy đọc Võ Văn Ái tác giả   của “Nguyễn Trãi, Sinh thức và Hành động”, tác giả của   “Gọi thầm giữa Paris” để yêu dân tộc ta hơn và tin ở tiền đồ xán  lạn của dân tộc. Sau đây là một đoạn về Lý Thái Tổ :
« Xưa cuối đời Đinh Lê, đất nước nguy cơ diệt  vong, vì hôn quân mê muội. Quan lại toàn một lũ nịnh thần, lo vinh thân phì  gia, riêng tư vị kỷ chẳng đoái hoài tới sinh dân.
Du dú ở Hoa Lư, cõi hẹp, đất không thuận thế    liên châu, muôn vật khó thích nghi, do đó Lý Thái Tổ đã dời đô về Thăng  Long… »
Võ Văn Ái như thấu suốt lịch sử để kết nhặt  tinh hoa dân tộc dâng lại cho dân tộc và chúng ta ở thế kỷ này như một bó hoa  tư tưởng thắm sắc, như một thanh kiếm cứu non sông, như một bài thơ trăm vần,  nghìn ý.
Xưa Nay kếp hợp, Đông Tây bổ túc, Trong Ngoài  bắt tay. Văn võ thành thế trận, kháng chiến cũ đấu tranh mới tìm nhau để cứu  nước ra khỏi suy vong. Đó là tư tưởng sáng ngời của Luận chiến nước  ngoài. Đó là ngọn lửa lớn mà người chuyển về Quê Hương là tạp chí Quê  Mẹ. Vì thế đọc Võ Văn Ái cả quyển sách 400 trang, không mệt mà thấy khỏe vô  cùng, một cái khoẻ thiên thần của một người vừa ốm dậy.
 photo bongsen.gif
XUÂN  VŨ
30.4.1991
(trích Tạp chí Quê Mẹ số 117, Paris tháng  7.1991

No comments:

Post a Comment