TƯỞNG NIỆM BỒ TÁT THÍCH QUẢNG ĐỨC
CÙNG TĂNG TÍN ĐỒ PHẬT GIÁO VỊ PHÁP VONG THÂN
Tổng Hội Cư Sĩ Phật Giáo Việt Nam Tại Hoa Kỳ tổ chức ngày 23-6-2013
tại Hội trường Jerome Center, Santa Ana, California)
Kính thưa Hòa Thượng Đại Diện các Chư tôn Giáo Phẩm,
Kính thưa các Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng, Ni
Kính thưa quí quan khách và các đạo hữu,
Trước hết tôi xin cám ơn Tiến sĩ Huỳnh Tấn Lê và Tổng Hội Cư Sĩ Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ đã cho tôi một cơ hội thuận tiện để có đôi lời trình bày trước một cử tọa gồm những nhân sĩ trí thức Phật giáo đã từng có một quá khứ tu tập, nghiên cứu, đã từng có những nỗ lực phổ biến Phật học, đã từng trình bày những luận cứ uyên bác trong những tác phẩm, những bài lai cảo viết về Phật giáo cũng như về một biến chuyển cách đây nửa thế kỷ: ngày Hòa Thượng Thích Quảng Đức dùng ngọn lửa của trái tim mình, biến thân xác Ngài thành một ngọn đuốc để xua hết những bóng tối của cường quyền đang trùm phủ lên Phật giáo Việt Nam mùa Pháp nạn 1963.
Thưa quí vị, thưa các Đạo Hữu,
Trước khi đến diễn đàn này, tôi nhận được khá nhiều cú điện thoại và e-mail phần lớn của những người bạn hay những người quen biết tôi, trong đó họ đưa ra thắc mắc: “Này ông, tôi thấy cái đám đó có vài thằng Việt cộng đã từng tẩm xăng để thiêu sống ông Thích Quảng Đức, sao ông còn ngồi chung với họ”. Tôi mạn phép quí vị trích dẫn nguyên văn một trong những câu hỏi của họ. Tôi không giận, không tức tối không phải chỉ vì họ là bạn hay quen tôi mà vì dư luận này tôi nghe thấy từ Mùa Pháp Nạn 1963 lúc tôi đang còn là một sinh viên. Tôi chỉ nói với những người bạn này: “Tôi hiểu tại sao ông nói như thế, nhưng điều đáng làm nhất là ông cung cấp ngay cho tôi những bằng chứng ai là Việt cộng tẩm xăng đốt vị tu sĩ này. Tôi sẽ có mặt ở buổi tưởng niệm để chỉ đích danh những tên Việt cộng đó ngay trong hội trường. Ông bảo họ gởi ngay cho tôi, còn kịp mà”.
Nhưng cho tới lúc tôi đang thưa chuyện với quí vị đây thì lời nhục mạ của 50 năm trước vẫn còn tồn tại là những lời nhục mạ không có bất cứ một căn cứ nào cả. Họ mang theo những lời nhục mạ một cao tăng Phật giáo đã lấy thân xác mình làm ngọn đuốc soi đường cho một khối thiểu số người u mê, cực đoan, sống bám vào chủ nghĩa phân biệt tôn giáo vượt cả đại dương trong hoàn cảnh nước mất nhà tan để rồi tiếp tục nuôi dưỡng nó trong cộng đồng tị nạn đang cần có sự đoàn kết về mọi mặt để đòi hỏi nhân quyền cho người Việt Nam ở cố quốc, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng. Đứng ở đây, trên diễn đàn này trong không khí thiêng liêng của ngày chúng ta, những người con Phật tổ chức Tưởng Niệm 50 Năm Trái Tim Bồ Tát Thích Quảng Đức và Tăng Tín đồ Phật giáo Vị Pháp Vong Thân, nhưng tôi không thưa chuyện cùng quí vị với tư cách của người Phật tử mà với tư cách của một nhà báo sau một thời gian dài lục lọi tìm kiếm các dữ kiện được xác nhận trong đống trên 4,000 trang tài liệu được Ngũ Giác Đài giải mật và những tài liệu rải rác khác trong các tác phẩm lịch sử chiến tranh Việt Nam của các sử gia Mỹ mà tôi may mắn mua được trong các tiệm sách cũ ở Hoa Kỳ.
Phật tử chúng ta gọi những biến động mang tính chất lịch sử của Phật giáo vào năm 1963 là mùa Pháp Nạn trong đó có thời điểm diễn ra cuộc tự thiêu của Hòa Thượng Thích Quảng Đức ở ngã tư đường Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt ngày 11-6 cách đây đúng nửa thế kỷ. Dân chúng Việt Nam và người Phật tử nhìn biến cố này như một điểm mốc quan trọng làm rung rinh chế độ như thế nào thì đã có nhiều tác giả phân tích rất chi tiết, tôi xin không đề cập tới. Nhưng người Mỹ, gồm cả chính phủ lẫn dân chúng Hoa Kỳ, các viên chức Hoa Kỳ có trách nhiệm tại Việt Nam và Washington nhìn cuộc tự thiêu này như thế nào? Tôi nghĩ đó là một điều mới và tôi cần phải trình bày. Nhưng vì thời lượng giới hạn của bài thuyết trình, tôi chỉ xin trích một đoạn ngắn trong hàng chục đoạn văn nằm trong các phản phúc trình và lời khuyến cáo của ông Truehart, Đại Lý Đại sứ Mỹ tại Saigon gởi cho Washington ngay sau khi nội vụ xảy ra, xin trích:
“Vào buổi trưa ngày này, tại một ngã tư (Phan Đình Phùng-Lê Văn Duyệt), một tu sĩ Phật giáo là Hòa Thượng Thích Quảng Đức tẩm xăng và nổi lửa tự thiêu. Ngọn lửa bừng cháy và đã được một phóng viên ngoại quốc chụp hình và xuất hiện trên trang nhất của báo chí trên thế giới (Phóng viên chụp bức hình này là Malcom Browne của hãng thông tấn AP, ông cũng vừa qua đời cách đây một tuần, 2013-TG). Rúng động và căm phẫn khắp nơi trên trái đất, nhưng bà Ngô Đình Nhu vẫn thách thức bằng cách gọi đây là một vụ nướng thịt”.
Vẫn theo các tài liệu được giải mật của Ngũ Giác Đài thì ngay ngày 12-6, Đại lý đại sứ Mỹ Truehart, người tạm thay thế Đại sứ Frederic Nolting mãn nhiệm trở về Hoa Kỳ trong khi chờ đợi bổ nhiệm Đại sứ Cabot Lodge, đã gặp Tổng Thống Diệm một lần nữa để phản đối ông ta đã không hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng với Phật giáo và nói vụ tự thiêu của Hòa Thượng Thích Quảng Đức đã gây sốc cho toàn thế giới. Nếu ông Diệm không hành động thì bắt buộc chính phủ Mỹ phải cắt đứt liên lạc với ông ta. Dựa trên các bản phúc trình của những viên chức trong phái bộ Phái Bộ Ngoại Giao và Cơ quan MACV tại Saigon, các phân tích viên của chính phủ Hoa Kỳ cho rằng đây là một giọt nước đã làm tràn ly nước đã quá đầy.
Ngôn ngữ về đấu tranh bất bạo động cũng là thứ ngôn ngữ “tĩnh” phù hợp với giáo lý Phật giáo, nhưng đồng thời trong cái tĩnh ấy chứa đựng những cơn bão có sức tàn phá những bức tường bưng bít, che đậy và coi thường sự phẫn nộ của dân chúng của những nhà độc tài. Người Mỹ đã có những sai lầm khi dồn sự ủng hộ và hậu thuẫn của họ vào một ông quan muốn giữ thể diện cũng như dùng mọi cách không chính đáng chỉ để bảo vệ gia đình mình, đẩy quyền lợi quốc gia xuống hàng thứ yếu. Con bài chính trong sách lược “tiền đồn của thế giới tự do”, dưới con mắt của chính quyền Eisenhower và chính quyền Kennedy, Tổng Thống Ngô Đình Diệm được Hoa Kỳ coi là một người duy nhất có khả năng ngăn được Cộng sản. Nhưng thực tế con bài ấy đã phản lại những suy nghĩ của những chiến lược Hoa Kỳ trong một tổ chức liên bộ ngoại giao và quốc phòng đặc trách vấn đề Việt Nam với danh xưng Lực Lượng Đặc Nhiệm.
Lần mò vào trong nội dung của khoảng từ 200 đến 300 trang trong số 4,000 trang tài liệu được giải mật liên quan trực tiếp đến cuộc khủng hoảng Phật giáo, tôi đã có thể tìm được quan điểm của chính phủ Mỹ vào thời gian đó được tóm tắt bằng những dòng chữ như thế này, xin trích:
“Biến cố tại thành phố Huế vào ngày 8 tháng 5 năm 1963 đã là chất kết tủa tạo ra điều mà chúng ta (tức là Mỹ) gọi là cuộc “Khủng hoảng Phật Giáo” và khởi đầu cho một chuỗi những biến cố tối thượng dẫn đến những nỗ lực lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm và cái chết của ba anh em Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Cẩn. Vào thời điểm đó, không một người nào nhìn thấy trước được biến có vừa kể lại có thể tạo ra một phong trào chống đối trên toàn quốc có khả năng tập họp tất cả lực lượng đối kháng không-Cộng sản tại Miền Nam Việt Nam.
“Quan trọng hơn nữa, vào lúc đó không ai có thể đánh giá đúng mức sự khinh ghét của quần chúng ở Miền Nam Việt nam đối với chính quyền hoặc tình hình suy sụp về chính trị lan rộng trong chế độ, một chế độ không còn khả năng đối phó với những bất mãn của quần chúng. Nguồn gốc tôn giáo của những biến cố trong giai đoạn này có thể nhận ra được qua khối người Công giáo di cư từ Miền Bắc Việt Nam sau khi người Pháp bị đánh bại năm 1954.
“Ước lượng có khoảng độ 1 triệu người rời bỏ quê hương Miền Bắc của họ để tái định cư ở Miền Nam, ông Ngô Đình Diệm rõ ràng để được ủng hộ bởi tôn giáo cũng như sự đồng cảm mang tính nhân đạo và để tạo được sự hậu thuẫn chính trị qua những đồng đạo, ông cung cấp cho những người tị nạn Công giáo những đối xử đầy ưu quyền về tái phân phối đất đai, cứu trợ và giúp đỡ, cấp giấy phép thương mại, xuất nhập cảng, cung cấp công việc trong chính quyền và những trợ giúp hào phóng khác. Do ông Diệm cần phải dựa vào sự trung thành của họ nên ông ta đã đưa những người Công giáo vào nắm giữ hết các vị trí then chốt trong chính quyền của ông, cả trong lãnh vực dân sự lẫn quân sự. Giống như một định chế, nhà thờ Công giáo đã được hưởng một qui chế pháp lý đặc biệt.
“Tổng Giám Mục giáo hội Công giáo Ngô Đình Thục, người anh lớn của Tổng Thống Ngô Đình Diệm trở thành cố vấn của tổng thống. Nhưng từ lúc ông Diệm về nước cho tới năm 1962, chính quyền Diệm chưa có sự phân biệt đối xử gay gắt nào đối với Phật giáo. Tuy nhiên, trong số khoảng từ 3 đến 4 triệu tín đồ Phật giáo đang hành đạo và 80% dân số Miền Nam Việt Nam mang danh nghĩa là những người theo Phật giáo, những ưu đãi, sự độc đoán và phân biệt đã tạo nên một sự căm ghét âm ỉ trong khối quần chúng”. (hết trích)
Và đây là lăng kính mà các viên chức Hoa Kỳ có trọng trách thì hành chính sách của Hoa Kỳ đối với VNCH dùng để soi rọi vào cái ngòi nổ dẫn đến cuộc tranh đấu chống phân biệt đối xử với Phật giá, xin trích:
“Vào Tháng 4 năm 1963 chính quyền của Tổng Thống Diệm ra lệnh cho các viên chức thành phố phải cưỡng chế một lệnh cấm đã có từ lâu nhưng mọi người đã tảng lờ, đó là lệnh cấm treo cờ tôn giáo tại nơi công cộng. Lệnh này được ban ra chỉ một ngày sau khi chính quyền chính thức khuyến khích dân chúng ăn mừng lần thứ 25 ngày Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục thuộc địa phận Huế được thụ phong và trong lễ mừng, cờ của Tòa Thánh Vatican được treo khắp nơi. Lệnh này cũng được đưa ra chỉ một ngày trước Lễ Phật Đản vào ngày 8 tháng 5, một lễ quan trọng của Phật giáo. Huế, cố đô của Việt Nam vốn là một trung tâm hoằng pháp và tu tập quan trọng của Phật giáo Việt Nam, trong khi các trường đại học ở Huế từ lâu đã trở thành nơi tập trung những sinh viên bất đồng chính kiến. Cho nên, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi những tín đồ Phật giáo vẫn cứ treo cờ tôn giáo của họ bất chấp lệnh cấm và khi chính quyền địa phương xuất hiện để hạ cờ Phật giáo theo lệnh cấm thì hành động này đã trở thành một hành động khuyến khích các tín đồ Phật giáo ở Huế và vùng phụ cận tập trung rất đông vào ngày 8 tháng 5 để tham dự ngày Khánh Đản. Coi cuộc biểu tình như một thách thức đối với uy tín của gia đình ông Ngô Đình Diệm và chính quyền. Huế cũng còn được coi là một thái ấp chính trị của một người em khác của ông Diệm là ông Ngô Đình Cẩn, nên các viên chức địa phương phải cố gắng giải tán đám đông.
“Tuy nhiên, khi những cố gắng nói trên không mang lại kết quả, viên Phó Tỉnh Trưởng người Công giáo đã ra lệnh cho lính của ông nổ súng. Trong cảnh hỗn loạn xảy ra sau đó, 9 người đã bị giết, trong số này có cả trẻ em và 14 người khác bị thương. Những xe bọc thép được nói là đã cán lên người các nạn nhân. Chính quyền của Tổng Thống Diệm đã mau chóng đưa ra một câu chuyện hoàn toàn khác nói rằng Việt Cộng đã ném một trái lựu đạn vào đám đông và rằng các nạn nhân đã bị dẫm lên người trong cơn hỗn loạn (chứ không phải xe bọc thép cán). Chính quyền của Tổng Thống Diệm vẫn cứng rắn không nhận trách nhiệm ngay cả khi những quan sát viên trung lập cung cấp những đoạn phim cho thấy quân đội của chính phủ bắn vào đám đông.
“Bản chất quan lại của ông Diệm không cho phép ông ta giải quyết vụ khủng hoảng này với thái độ mềm dẻo, phù hợp với hoàn cảnh. Ông không thể công khai thừa nhận trách nhiệm của một nguyên thủ trước một thảm kịch để tìm cách hòa giải với những tín đồ Phật giáo. Tổng Thống Diệm cũng từng được thuyết phục rằng một sự mất mặt trước công chúng như thế có thể phá hỏng sự cầm quyền của ông ta và rằng ông đã quên hẳn một thực tế là không một người cầm quyền nào có thể phớt lờ lâu dài sự bất mãn của khối quần chúng lớn lao, bất kể đạo đức của ông như thế nào. Nhưng chính phủ vẫn bám vào những những sự việc như đã xảy ra (có nghĩa là cứ đổ cho Việt Cộng mà không cần điều tra gì nữa cả).
Những ngày tiếp theo đó tại thành phố Huế hơn 10,000 người đã biểu tình phản đối vụ giết người này. Đây là một trong nhiều hoạt động biểu tình mà Phật giáo dùng để tạo áp lực với chính quyền của Tổng Thống Diệm trong 4 tháng kế tiếp. Những Phật tử mau chóng tự tổ chức và ngày 10 tháng 5, một bản tuyên bố của các tu sĩ Phật giáo được chuyển đến chính quyền đòi tự do treo cờ Phật giáo và công bằng pháp lý như các nhà thờ Công giáo, chấm dứt việc bắt bớ và tự do hành đạo, bồi thường cho những nạn nhân vụ nổ súng ngày 8 tháng 5 và trừng phạt những người đã gây ra vụ này. Tất cả 5 đòi hỏi này được chính thức đưa cho Tổng Thống Diệm và ngày 15 tháng 5 và Phật giáo tổ chức cuộc họp báo đầu tiên sau một cuộc họp nội bộ. Những cuộc tuyệt thực trước nơi công cộng và các cuộc biểu tình tiếp tục suốt tháng 5 năm 1963, nhưng Tổng Thống Diệm vẫn chậm chạp trong việc xoa dịu những người bất mãn và giải quyết vấn đề.
“Vào ngày 30 tháng 5, khoảng 350 nhà sư Phật giáo biểu tình trước trụ sở Hạ Nghị Viện ở Saigon và tuyên bố tuyệt thực trong 48 giờ đồng hồ. Vào ngày 3 tháng 6, một cuộc biểu tình ở Huế đã bị đàn áp với hơi cay và một vài người bị phỏng khiến cho Phật giáo mau chóng đưa ra những lời cáo buộc quân đội chính phủ đã sử dụng hơi cay để đàn áp biểu tình. Ngày 4 tháng 6, chính phủ loan báo thành lập một ủy ban liên bộ do Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ cầm đầu để giải quyết cuộc khủng hoảng tôn giáo, nhưng hành động này của chính phủ có thể đã quá muộn. Một khối lớn thị dân đã đứng sau lưng Phật giáo và bắt đầu chống lại Tổng Thống Diệm. Vào ngày 8 tháng 6, bà Ngô Đình Nhu làm nghiêm trọng thêm tình hình vốn đã hết sức nghiêm trọng bằng một lời tuyên bố những phần tử Cộng sản đã thẩm nhập vào hàng ngũ Phật giáo…”.(Hết trích)
Tuy thế, qua sự trung gian và áp lực của Hoa Kỳ, ủy ban tranh đấu Phật giáo và chính quyền đã ký kết được một bản thông cáo chung để giải quyết toàn bộ vấn đề, nhưng hiệu quả của nó chẳng đi đến đâu. Vào đêm 21-8-1963, chỉ mấy ngày sau khi chính quyền của Tổng Thống Diệm hứa với Đại sứ Frederic Nolting đi nghỉ phép ở Hawaii rằng họ sẽ giải quyết toàn bộ cuộc khủng hoảng Phật giáo để tìm lại sự ủng hộ của dân chúng, Cố vấn Ngô Đình Nhu đã ra lệnh cho lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia và Lực Lượng Đặc Biệt của Đại Tá Lê Quang Tung do Mỹ huấn luyện và tài trợ để thực hiện cuộc chiến bí mật vào cuộc tấn công các chùa Phật Giáo bắt giữ hàng ngàn tăng tín đồ Phật giáo. Và đây là hành động lộng quyền cuối cùng của cố vấn chính trị Ngô Đình Nhu làm tai tiếng toàn thể quân đội VNCH và hành động cuối cùng này cũng đã dẫn đến một cuộc đảo chánh vào ngày 1-11-1963 kết thúc chế độ Ngô Đình Diệm. Trong những bản phúc trình trực tiếp với Tổng Thống Kennedy khi trở về Hoa Kỳ, Đại sứ Cabot Lodge đã mô tả “Mỹ muốn cứu vãn chế độ cho tới giờ phút chót, nhưng lỗi lầm của một người thay vai trò Tổng Tư Lệnh của cố vấn chính trị Ngô Đình Nhu đã khiến cho tình thế tuyệt vọng không còn cứu vãn nổi nữa…”.
Tôi không đi sâu vào chi tiết của cuộc tranh đấu của Phật giáo chống sự kỳ thị tôn giáo của chính quyền Tổng Thống Ngô Đình Diệm dẫn đến cuộc đảo chánh lật đổ ông vào ngày 1-11-1963 vì tôi biết rằng thời giờ rất eo hẹp. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh ở đây rằng, những tài liệu này được giải mật sau 30 năm nằm im trong văn khố quốc gia Hoa Kỳ tự chúng không bao giờ có tác dụng gây chia rẽ giữa Phật giáo và Công giáo mà ngược lại chỉ có tác dụng đánh tan những ngộ nhận do một thiểu số những người trung thành với chế độ Ngô Đình Diệm loan truyền với ác ý, nào là hàng ngũ Phật giáo bị Cộng sản xâm nhập giựt giây, nào là người Mỹ làm lơ cho những tướng lãnh lật đổ và giết hai anh em ông Diệm Nhu chỉ vì ông Diệm không cho Mỹ đổ bộ binh vào Miền Nam Việt Nam, nào là Hòa Thượng Thích Quảng Đức bị Việt cộng tẩm xăng và đốt, nào nếu Tổng Thống Ngô Đình Diệm không bị giết thì Miền Nam Việt Nam không mất trong ngày 30-4-1975. Tôi lại nhắc lại một lần nữa, những người nào còn bày tỏ lòng trung thành với Tổng Thống Ngô Đình Diệm bằng cách sửa chữa lịch sử nếu có cơ hội đọc tài liệu “The Pentagon Papers” và những tài liệu khác đầy ắp trong các thư viện Hoa Kỳ thì sẽ thấy rằng những thông tin kiểu “nghe nói, người ta đồn” hay kiểu thông tin “trộn hư cấu với dữ kiện được xác nhận” chắc chắn sẽ bị phản bội.
Ở đất nước tự do này, người ta có quyền bày tỏ lòng trung thành, vinh danh, dựng tượng bất cứ nhân vật nào mà họ coi là lịch sử, không ai cấm cản, nhưng đừng có dùng những lời lẽ khiếm nhã để lăng nhục một tôn giáo hay tạo những ngộ nhận để vu cáo trong dư luận nhằm đánh bóng một một nhân vật mà thực tế đằng sau lớp sơn giả tạo không có một điều nào có thể hậu thuẫn việc làm của những nhân vật ấy.
Trong những năm tháng cuối của cuộc đời mình, khi gánh nặng áo cơm đã nhẹ, tôi đã dành nhiều thời giờ để truy cứu, tìm hiểu vào những tài liệu mà một số người vẫn còn tơ tưởng đến thời được chế độ sủng ái cách đây nửa thế kỷ sợ hãi, không dám mạnh dạn phủi lớp bụi thời gian đi để nhìn vào hay tìm sự thật. Họ quên mất một điều là chửi rủa, bịa chuyện, phê phán không có chứng cớ hậu thuẫn, vu cáo cho người ta là Cộng sản, là tay sai, là bị Cộng sản lợi dụng không thể át đi được tiếng nói vô địch của những dữ kiện lịch sử, những biến cố chính trị, quân sự hay kinh tế.
Tôi tin rằng chúng ta, tất cả quí vị đến dự Lễ Tưởng Niệm 50 Năm ngày Bồ Tát Quảng Đức và Tăng tín đồ Phật Giáo Vị Pháp Vong Thân đều là những người đã từng phải trải qua những thử thách đến từ Mùa Pháp Nạn 1963. Và với lòng rộng mở theo tinh thần hỷ xả của nhà Phật, chúng ta không bao giờ coi những “nạn” trong Mùa Phật Đản 50 năm trước đây là cái cớ để nuôi thù oán, nhưng chúng ta cương quyết không để cho bất cứ một người nào sửa chữa lịch sử một cách vu vơ. Tôi quan niệm đó là phương thức tốt nhất để hiển dương sự thật và góp phần bảo vệ Đạo pháp. Cuối cùng, tôi hy vọng được học hỏi thêm từ những nhân sĩ, trí thức Phật giáo và các Đạo Hữu cũng như sẽ cố gắng đóng góp cùng quí vị những gì mà tôi hiểu và biết về Mùa Pháp Nạn cách đây 50 năm. Hy vọng ánh hào quang của Phật giáo nói chung và Trái Tim Thích Quảng Đức sẽ hướng dẫn chúng ta.
Xin cám ơn tất cả quí vị đã kiên nhẫn lắng nghe lời trình bày của tôi./.
Vũ Ánh (nhà báo)
No comments:
Post a Comment