Friday, February 14, 2014

Thượng Tọa Thích Giác Đẳng – Ý nghĩa từ ngữ bất khả tư nghì trong Phật giáo

 photo b6208b10-e621-45a8-957c-f091e6ed613a_zpsd1b41578.jpg
 
Hỏi: Từ ngữ bất khả tư nghì trong Phật giáo, phải chăng những pháp được nêu ra đây nghĩa là không thể hiểu được hay bất cứ ai kể cả Đức Phật cũng không có thể hiểu hết được những pháp này, có phải như vậy không?
(Câu hỏi được hỏi trong room Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên)
TT Giác Đẳng: Trong Phật giáo chữ Acinteyya tức là bất khả tư nghì là không thể nghĩ bàn. Chúng ta có bốn điều không thể nghĩ bàn: Như chúng ta nói về quả của nghiệp (Kammavipāko) là bất khả tư nghì, Phật trí (Buddhavisayo) là bất khả tư nghì, tâm (Lokacintā), là bất khả tư nghì
 Bất khả tư nghì là không thể nghĩ bàn, trong kinh điển của Phật giáo Bắc Truyền và đặc biệt Phật giáo Mật Tông thì mang tánh cách hơi khác hơn bên Phật giáo Nam Truyền một chút, và chúng ta phải phân biệt về điều này. Ở bên Nam Tông, ví dụ như chúng ta nói quả của nghiệp là bất khả tư nghì không có nghĩa điều đó không thể nghĩ được hay không nên nghĩ, chúng ta cũng có thể biết về quả của nghiệp nhưng chúng ta nên hiểu một cách khiêm tốn rằng chúng ta chỉ biết ở một phần nào đó thôi chứ chúng ta không thể biết hết được.
Chúng tôi ví dụ là một người viết một quyển sách, và quyển sách đó cho một số đông vài ba trăm ngàn người đọc, thì chúng ta chỉ có thể biết rằng những quyển sách đó có ảnh hưởng lớn ảnh hưởng tốt. Nhưng rồi trong hàng trăm hàng ngàn người đọc đó họ đem vào trong tâm tư của họ, rồi khi họ đem vào trong tâm tư của họ nó thay đổi đời sống của họ, và từ sự thay đổi đời sống của họ thì nó lại thay đổi con cháu, thay đổi những người chung quanh, và thay đổi cả một thế hệ. Chúng ta đọc lịch sử của các vị danh nhân chẳng hạn, thì hiểu rằng có nhiều câu nói, nhiều quyển sách ảnh hưởng từ tâm hồn của vị này, thì câu nói và cuốn sách đó có thể là được viết từ thời xưa chẳng hạn như chúng ta nghe những phẩm của những triết gia Hy Lạp để lại, có lẽ là khi những vị đó viết ra các vị không hiểu rằng cả hàng ngàn năm sau vẫn còn có ảnh hưởng lớn. Hay hoặc giả Ngài Buddhaghosa, Ngài viết quyển Thanh Tịnh Đạo, ngày hôm nay khó ai có thể đo lường được hết ảnh hưởng của tập sách này đối với giòng lịch sử Phật giáo ra sao, bởi vì chúng ta biết rằng khi một ảnh hưởng gì liên quan đến tâm tư, sự suy nghĩ của một người thì lại có một bề rộng rất lớn về phương diện xã hội, về phương diện đời sống đời này và đời sau, kể cả sự nghiệp tu tập giác ngộ của người Phật tử.
Nên chi nói về ảnh hưởng của quả của nghiệp thì chúng ta nói đến vô cùng vô tận, một nhà văn Trung Hoa họ nói rằng: Một buổi chiều, một người ôm cây đàn ngồi ở trong nhà của mình để khảy đàn, có thể chỉ là một lần khảy đàn để giải trí như thường ngày thôi, nhưng không ngờ tiếng đàn lọt qua nhà hàng xóm và một thi nhân nào đó là một người tài hoa nghe tiếng đàn đó xuất cảnh sanh tình và viết một bài thơ, bài thơ đó có thể có một địa vị lớn trên văn đàn trong nền văn học nghệ thuật và trong nhiều thế hệ. Thì đâu ai biết rằng cả một ảnh hưởng lớn như vậy phát xuất từ một tiếng đàn rất vô tình. Như Tô Đông Pha có lần ông viết rằng một tao nhân đi ngoài đường nghe một tiếng cười thánh thót hồn nhiên ở bên kia hàng rào, không biết tiếng cười đó là của ai nhưng lại tạo ra một cảm xúc kỳ thú, và cảm xúc đó lại ảnh hưởng vô cùng đến tâm hồn của vị thi nhân này, ông đã viết ra những bài từ rất nổi tiếng như bộ Tống Lưu chẳng hạn. Những ảnh hưởng như vậy không có thước nào đo hết, không có ai có thể nói đầy đủ nên chúng ta gọi đó là bất khả tư nghi không thể nghĩ bàn nghĩa, là chúng ta không thể đi vào sâu tận cùng của nó.
Trí của Đức Phật cũng vậy, một trí tuệ của vị thành tựu Nhất thiết chủng trí, đoạn tận các phiền não, và trên phương diện thần thông, trên phương diện Phật nhãn thì Ngài là siêu việt hơn tất cả, do vậy không ai có thể lấy cây thước nào đo được. Nhưng không có nghĩa vì vậy chúng ta không được biết hay không nên biết. Ví dụ như quả của nghiệp có thể chúng ta không thể biết hết được nhưng chúng ta cũng biết đến một chừng mực nào đó, và cũng có những phần quả của nghiệp rất nên biết. Ví dụ Đức Phật cũng đã dạy trong Trung Bộ Kinh bài Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt, Ngài dạy cho thanh niên Subha về tại sao có người giàu, tại sao có người nghèo, có người sang, có người hèn, có người ngu, có người trí. Và rất nhiều trường hợp Đức Phật Ngài nói về quả của nghiệp thì như vậy không có nghĩa là nói rằng bất khả tư nghì có nghĩa là những điều đó hoàn toàn không thể nghĩ được hay không nên nghĩ được. Nên thì có nên, nghĩ và biết được thì có biết được, nhưng nó không có nghĩa chúng ta có thể thấu đáo đo đạt được hết, và có thể xem như chúng ta hiểu trọn vấn đề. Về điểm này chúng ta cần phải phân biệt.
Dĩ nhiên đối với Đức Phật thì Ngài ở trong một cách thế hoàn toàn khác với chúng ta, cái gì cần hiểu, cần biết, cần nhớ, thì Ngài có thể nhớ đến khi nào Ngài muốn, hàng trăm hàng ngàn hàng triệu hàng tỉ kiếp nếu Ngài muốn Ngài đều có thể nhớ lại được hết, và tuệ giác của Ngài có thể soi sáng thấu đáo ở bất cứ tầm xa nào Ngài muốn, chiều sâu nào mà Ngài muốn, thì như vậy trí của Ngài đúng là bất khả tư nghì. Chúng ta có thể biết một phần do sự suy tưởng của chúng ta, nhưng những điều gọi là bất khả tư nghì không có nghĩa là điều đó không thể hiểu và cũng không có nghĩ là điều đó không nên hiểu, mà điều đó có thể nói rằng với tâm tư bình thường của chúng ta những pháp Acinteyya chỉ có thể hiểu mà không thể hiểu trọn vẹn hết ./.
 
Thượng Tọa Thích Giác Đẳng .

No comments:

Post a Comment