PARIS, ngày 29.08.2017 (PTTPGQT) - “Câu Chuyện Cuối Tuần” là một đề mục của Đài Phật giáo Việt Nam phát thanh về trong nước mỗi thứ sáu hàng tuần, trình bày vấn đề Phật Pháp & Thời luận do ký giả Triều Thanh phụ trách.
Hôm nay xin mời bạn đọc theo dõi bài “Dân chủ có phù hợp với Phật giáo không ?”,chép lại từ chương trình Đài Phật giáo Việt Nam phát thanh hôm thứ sáu 28 tháng 7 vừa qua :
Dân chủ có phù hợp với Phật giáo không ?
Triều Thanh : Thưa ông Võ Văn Ái, không hiểu dân chủ có là mốt thời thượng hay không, mà ngày nay ai cũng nói đầu môi chuyện dân chủ. Những quốc gia văn minh, cường quốc dân chủ chẳng nói làm gì. Ngay những nước độc tài toàn trị như Việt Nam Cộng sản cũng tuyên bố Xã hội Chủ nghĩa, tức Cộng sản, dân chủ nhất thế giới, dân chủ gấp mười lần dân chủ Tây phương. Vậy dân chủ có thích hợp với Phật giáo không ?
Võ Văn Ái : Tuỳ theo dân chủ là gì, dân chủ thực hiện cho ai. Cho nhà cầm quyền hay cho dân ? Dân chủ mà người ta nói đến ngày nay là mô thức quản lý đô thị có tính quốc gia (Polis) ở Hy lạp vào thế kỷ thứ VII trước Tây lịch. Danh nhân Winston Churchill từng định nghĩa : “Dân chủ là thể chế chính trị xấu nhất. Nhưng tất cả các thể chế khác còn tệ hơn” (Democracy is the worst form government, except for all the others).
Chúng ta cần phân biệt tính đặc thù giữa Phật giáo và chính trị. Phật giáo là con đường dẫn người đến giác ngộ. Giác ngộ là giải trừ vô minh và chấm dứt trầm luân đau khổ. Một phương pháp đổi thay triệt để con người với thế phận bất toàn của nó. Còn chính trị là công thức quản lý xã hội loài người.
Khi bản thân từng cá nhân chưa được đổi thay triệt để, thì việc quản lý trở thành cam go thực hiện. Nhất là khi chủ thuyết quản lý tồi tệ, gian ác, độc tài. Đặc biệt hơn nữa, khi người điều hành quản lý chưa được đổi thay tâm thức triệt để, vì những thói hư tật xấu tồn hữu trong người y.
Đây chính là sự tranh chấp của hai khái niệm đưa tới hai hành động trong thực tiễn : Cải thiện xã hội trước hay cải thiện con người trước ?
Võ Văn Ái : Duyên khởi là giáo lý căn bản của đạo Phật. Cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không. Cho nên cải thiện xã hội và cải thiện con người bổ sung nhau, tương tác đồng hành. Điều lịch sử đã chứng minh, là khi chưa cải thiện từng cá nhân một, mọi cải thiện khác khó thực hiện, vì bối cảnh thực hiện thiếu thuận duyên.
Ta cải thiện con người, nhưng xã hội đầy tệ nạn, ngu dốt, cuồng bạo, tất nhiên sự phát triển và phát huy con người khó bền vững. Trái lại, xã hội an lạc, tự do, nhưng con người tham, sân, si, thì xã hội chẳng giúp gì cho sự thăng tiến con người.
Cho nên cần có sự phát triển song hành, tương tác, và tôn kính nhau.
Triều Thanh : Nếu có sự tôn trọng lẫn nhau trong tương tác, thì Phật giáo có thiên trọng dân chủ không ?
Võ Văn Ái : Chúng ta vừa nghe nhận thức dân chủ của bậc danh nhân Winston Churchill. Như vậy thì dân chủ chưa là một thể chế vẹn toàn, mà cần thăng tiến để thích nghi nhu cầu và đòi hỏi của con người xã hội.
Tức dân chủ là một tiến trình, chứ chưa là mẫu mực độc nhất vô song.
Trước nhất, dân chủ là ý thức, là đạo đức ; cơ bản đưa tới tính khoan dung, chấp nhận và tôn trọng người khác. Dân chủ đối nghịch với vị kỷ, cuồng tín, giáo điều, bản năng thú tính.
Ý thức làm nền tảng đạo đức học cho kẻ thiện tâm. Nhưng để phát triển dân chủ, cần có những thiết chế bảo vệ, bảo đảm cho dân chủ phát huy. Chẳng hạn như Tam quyền phân lập, là cơ chế độc lập giữa lập pháp, hành pháp, và tư pháp, hầu chận đứng sự xâm lấn, đôc tài của các quyền lực.
Triều Thanh : Thiết chế, cơ chế, hay phương pháp gì trong đạo Phật bảo đảm cho dân chủ phát triển ?
Võ Văn Ái : Đó là sáu phương pháp sống trong sự hoà kính. Thuật ngữ Phật giáo gọi là Lục hoà. Lục hoà phá đổ từ cơ bản sự lục đục, tranh chấp trong gia đình cũng như giữa xã hội. Sáu phương pháp ấy là :
Thứ nhất, chung sống trong sự hoà kính lẫn nhau
Thứ hai, ăn nói lịch sự, hoà nhã, không tranh cãi, tố khổ, chửi mắng thô ác
Thứ ba, dung hoà trao đổi các ý kiến, không áp chế ý kiến mình lên ý kiến người khác
Thú tư, cùng chung bảo vệ các giới hạnh trên đường tu học, tiến thân
Thứ năm, hoà đồng chia đều các lợi quyền, và
Thứ sáu, cùng nhau chia sẻ mọi kiến thức, hiểu biết
Như thế, tất cả cuộc sống được thể hiện trong sự hoà kính, tương tác, tương thân. Trong 6 phép Lục hoà nói trên, ba điều quan trọng giải quyết tranh chấp hay chiến tranh, bất bình đẳng xã hội và giới tính :
Một là, ý kiến dung hoà trao đổi để hoà đồng trong hành động làm đẹp con người và trái đất ;
Hai là, ăn nói hoà nhã, ưu ái, tránh mọi tranh cãi, đấu khẩu đưa tới sự thảm sát người, không bằng gươm súng, mà bằng lời nói châm biếm, ác độc, vu hãm ;
Ba là, quyền lợi cũng như kiến thức được san sẻ đồng đều.
Triều Thanh : Như vậy Lục hoà do Phật chế từ lâu, tại sao không hình thành nên dân chủ trong các quốc gia theo Phật giáo ?
Võ Văn Ái : Như đã nói lúc nãy, Phật giáo lo việc cải thiện con người thành con người giác ngộ. Phật giáo không đóng vai trò quản lý xã hội như các nhà chính trị.
Trái lại, phương thức Lục hoà đã áp dụng trong đời sống thường nhật của chư Tăng Ni hay cộng đồng Cư sĩ. Cách sống ấy khiến cho đạo Phật là đạo khoan dung, hoà bình.
Hẳn nhiên, con bệnh khó lành khi từ chối thuốc. Khi một tập thể không áp dụng sáu phương thức hoà kính, tất nhiên hoá thành lục đục, tranh chấp, cãi mắng, có khi bức hại nhau nếu không là giết nhau. Nhất là khi sự lục đục được nền Văn Hoá Chửi của chủ nghĩa Cộng sản tiếp trợ. Nhìn vào thế cuộc hôm nay, ta thấy sự cư xử chửi bới chẳng nương tay giữa một sốNgười-mặc-áo-Tăng-nhưng-không-sống-Phật hay giới Phật-tử-không-áp-dụng-Phật-Pháp-trong-đời-sống, chẳng còn là chuyện hiếm, mà tràn lan trong xã hội, trên báo, đài, trên các ống loa của nhà nước, hay trên các mạng xã hội.
Vấn đề là áp dụng và phát huy các phương thức giáo dục thân tâm theo phương thức Lục hoà.
Triều Thanh : Tại sao Văn Hoá Chửi của Cộng sản lại làm phân hoá nhân tâm như vậy ?
Võ Văn Ái : Văn Hoá Chửi của Cộng sản đứng từ lập trường giai cấp, nghĩa là bạn thù phân minh. Công tác thường nhật suốt đời của người chửi bới là đi tìm kẻ thù. Không có kẻ thù thì phải dựng lên kẻ thù, bằng sự vu khống, bôi nhọ, tố khổ. Kẻ thù là động lực đấu tranh để người Cộng sản cướp đoạt của cải, chất xám, cướp đoạt quyền lực hầu đại-đồng-hoá ý thức hệ cộng sản.
Từ ý thức hệ Nhị nguyên độc đoán này, Văn hoá Chửi đóng vai trò ru ngủ, ly gián Đại Bi Tâm trong lòng người Phật tử sơ cơ, chưa được tu học ; biến họ thành những đệ tử bất trí cho chủ nghĩa sát hại người và thần trí con người, thành những tên xung kích cho chủ nghĩa Văn Hoá Chửi, những tên nô lệ hành nghề viết thuê chửi mướn trong vai trò Dư luận viên mà mục tiêu gây hoang mang dư luận, gây sợ hãi cộng đồng để đưa tới một xã hội không có con người, vì chỉ có những chủ thể thống trị.
Triều Thanh : Ông có tin rằng biết áp dụng và phát huy Sáu phương pháp sống hoà kính, thì một xã hội hoà ái, huynh đệ sẽ hiện ra ? Đã có Cộng đồng hay quốc gia Phật giáo nào biết áp dụng và phát huy Lục hoà như ông nói ? Xin ông một ví dụ cụ thể.
Võ Văn Ái : Có chứ, nước Bhutan là một ví dụ.
Bhutan là một tiểu quốc Phật giáo nằm giữa hai đại quốc Ấn Dộ và Trung quốc. Rộng chừng 40 nghìn cây số vuông, với dân số 750.000 người (theo thống kê năm 2016). 75% dân số theo đạo Phật.
Vương quốc Bhutan thành lập năm 1907 dưới vương triều Wangchuck theo chế độ Quân chủ chuyên chế. Đầu thập niên 50 Bhutan khởi sự tiến trình dân chủ hoá. Quốc hội thành lập năm 1953. Gia nhập LHQ năm 1971.
Bhutan công nhận Tam quyền phân lập năm 1968. Nhà vua tuyên bố Bhutan là quốc gia Quân chủ lập hiến. Bốn mươi năm sau, đầu năm 2008, Bhutan cho ra đời một Chính phủ, đứng đầu là Thủ tướng, theo thể chế Dân chủ đại nghị. Đánh giá sự kiện hy hữu này, nhà Ngôn ngữ học nổi danh Trung quốc, Châu Hữu Quảng, cha đẻ phương án Hán ngữ Pinyin, đã phải tán thán trong tạp chí Quần Ngôn số 5 : “Đây là tin lớn của một nước nhỏ”. Thật ý vị sự ẩn áo của một nhà ngôn ngữ khi phát ngôn, lời kiệm mà ý nghĩa thâm sâu, hùng tráng. Nước nhỏ là Bhutan, vừa thực hiện dân chủ toàn vẹn chưa nơi nào thực hiện được trên thế giới, còn nước lớn vĩ đại của ông, như Trung quốc, thì dân chủ còn mịt mờ nơi chân biển !
Triều Thanh : Bhutan thực hiện dân chủ như tại các nước Âu Mỹ, hay có gì đặc thù hơn trong nền dân chủ Bhutan, thưa ông ?
Võ Văn Ái : Hiển nhiên là có sự đặc thù. Đó là Phật giáo, là Lục hoà đã được áp dụng và cụ thể hoá trong đời sống người dân Bhutan. Năm 1979, vị vua thứ tư, Jigme Singye Wangchuck, đưa ra sáng kiến cực kỳ tiên tiến trong lịch sử loài người, gọi là Tổng Giá Trị Hạnh phúc Quốc dân (GNH, Gross National Happiness) để đo mức sống an lạc của một quốc gia.
Các quốc gia trên thế giới chỉ sử dụng Tổng Sản Phẩm Quốc dân (GNP,Gross National Product) để đo mức lợi tức của người dân, túc mức độ giàu nghèo của con người căn cứ vào đồng tiền. Có tiền mua tiên cũng được, như ta thường nghe nói. Nhưng có chắc thế không ? Có chắc kẻ triệu phú hay giàu tiền được yên vui, hạnh phúc trong đời ?
Với tư tưởng Phật giáo, lấy con người làm trọng quý, xem con người là niềm may mắn độc nhất để giác ngộ so với chư thiên ở các cõi Trời hay các loài ở địa ngục súc sinh. Người là trung tâm giữa đất và trời. Cho nên phải lo cho con người như mục tiêu xã hội chính yếu. Các nước Bắc Âu cũng theo quan điểm này.
Cho nên vua xứ Bhutan xem hạnh phúc, an lạc là quý nhất, quý hơn đồng tiền. Vua cho rằng hạnh phúc quốc dân chỉ hiện ra khi 4 điểm trọng yếu được thưc hiện trong chính trị :
Thứ nhất, Phát triển bền vững
Thứ hai, Bảo vệ môi trường và sinh thái
Thứ ba, Bảo vệ Văn hoá, và
Thứ tư, Lãnh đạo tốt (Good governance)
Vua và chính quyền Bhutan đã thực hiện được cả 4 điều.
Ở Bhutan, kẻ nào đốn một cây xanh phải trồng bù 3 cây. Trong nước không có nạn trộm cướp, giết người, ma tuý. Y tế miễn phí. Giáo dục miễn phí, trẻ em đi học còn được phụ cấp sách vở và ăn uống.
Trong cuộc khảo sát năm 2005, 45% dân chúng cho rằng họ rất hạnh phúc, 52% cảm thấy hạnh phúc. Chỉ 3% chưa thấy hài lòng.
Điểm đặc thù của Bhutan là dân chủ do một cá nhân, là Vua, mang đến, chứ không do dân làm ra. Khi vua Bhutan Đệ tứ, Jigme Singye Wangchuck, đề xuất tiến trình dân chủ bằng sư chuyển đổi chế độ quân chủ chuyên chế sang nền quân chủ lập hiến, thì dân chúng rất bất mãn, không đồng tình, Vì họ quen và thích sự lãnh đạo nhân từ của nhà vua. Họ cho vậy là đủ rồi. Nhưng nay thì dân chúng mới thấy sự sáng suốt của một Nhà Vua thấm nhuần và thực hiện nguyên tắc dân chủ Phật giáo “Lợi mình lợi người để mang lại sự an lạc, hạnh phúc”.
Nhận xét của Nhà Ngôn ngữ học đệ nhất Trung quốc, ông Châu Hữu Quang, qua bài viết đăng trên tạp chí Quần Ngôn năm 2008, năm ông 103 tuổi (ông thọ tới 111 tuổi), có phải là chân lý thời đại chăng ? Ông viết :
“Một người Cộng sản có thể có khuynh hướng chuyên chế, còn một vị vua cũng có thể có khuynh hướng dân chủ”.
Rồi ông nhận định tiếp khi so sánh Trung quốc của ông trong cùng bài viết :
“Trước khi giành được chính quyền vào năm 1949 chúng ta cũng luôn miệng nói phản đối chuyên chế, yêu cầu thực hành dân chủ.
“Nhưng sau khi giành đươc chính quyền thì chúng ta đã quên sạch “mục tiêu” của mình, và ngược lại, bóp chết mọi lời nói việc làm đòi dân chủ, áp chế mọi nhân sĩ đòi dân chủ. Về mặt chế độ lại càng trở về thời kỳ trước “giải phóng”, hơn nữa còn chuyên chế hơn, tàn khốc hơn”.
Triều Thanh : Xin cám ơn Cư sĩ Võ Văn Ái và xin hẹn quý thính giả ở Câu Chuyện Cuối Tuần vào thứ Sáu tuần tới, cũng vào giờ phát thanh này.
----------------------------------------
Sự Đào Tạo Một Sư Quốc Doanh
Xuân Hàn
Năm 2016 là kỷ niệm 35 năm thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, thường được gọi là Phật Giáo Quốc Doanh. Ngày 10/11/2016, Học viện Phật Giáo Việt Nam tại Hà Nội tổ chức buổi kỷ niệm với tựa đề “Học Viện PGVN - 35 năm hội tụ và lan tỏa.” Trong buổi lễ kỷ niệm,HT Thích Thiện Pháp - Phó Chủ tịch Thường Trực Hội Đồng Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, nhắc nhở Giáo hội “phát huy hơn nữa truyền thống hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam, không ngừng tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại văn hóa tôn giáo, chăm lo đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.”
Có lẽ để một phần đáp ứng mục tiêu “chăm lo đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài” đó mà Giáo Hội Phật Giáo Quốc Doanh đã khánh thành bốn Học Viện Phật Giáo trong 35 năm qua. Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội là một trong bốn Học viện Phật giáo (Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, Học viện Phật giáo Nam tông Khơ me tại Cần Thơ) trực thuộc Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ngoài ra còn có 8 lớp Cao đẳng Phật học và 28 trường Trung cấp Phật học ở các tỉnh thành khác nhau trên cả nước.
Học viện Phật giáo Việt Nam tại Sài Gòn gần đây đăng thông báo tuyển sinh thạc sĩ Phật học khóa 2 dự kiến tổ chức vào tháng 3/2017. “Ba môn thi gồm : Phật học, Triết học Phật giáo và Mác-Lênin, Ngoại ngữ (Anh văn hoặc Hoa văn) trình độ B,” thông báo ghi. Thông báo nầy gây sự chú ý vì việc đem một lý thuyết chính trị duy vật vào chương trình thi cử của một học viện Phật Giáo. Thật ra, việc giảng dạy lý thuyết cộng sản trong giáo trình đào tạo tu sĩ Phật Giáo ở Việt Nam không phải là mới mẻ. Theo Đại đức Thích Quang Thạnh, Tổng thư ký Hội đồng Điều hành Học viện và cũng là người ký thông báo, “Trong đợt tuyển sinh thạc sĩ Phật học lần trước [năm 2012] có môn Mác-Lênin mà không thấy ai phản ứng gì.”
Trong chương trình Cử nhân Phật học, gần 10% chương trình học (6 tín chỉ) là dành cho triết lý Mác-Lênin. Ngoài ra còn có 33 tín chỉ là tiếng Anh (Conversations, Grammar and Exercises, Terminology), gần 50% chương trình dạy. Chương trình Anh ngữ nhấn mạnh vào cách phát âm, đối thoại và văn phạm, không liên quan đến Phật pháp. Đặc biệt, chương trình dạy còn có các môn Tâm Lý Học/Xã Hội Học (3 tín chỉ) và Quản Lý Hành Chánh (3 tín chỉ) cũng như Thuật Diễn Thuyết và Xướng Ngôn (3 tín chỉ). Tổng cộng các môn không liên quan trực tiếp đến Phật Giáo chiếm 62.5% của chương trình. Chúng tôi không có tài liệu cho các chương trình dạy cấp thạc sĩ hay tiến sĩ. Rất có thể là với thành phần ưu tú hơn, tỉ lệ giáo dục các “ngoại môn” cũng tăng lên.
Như vậy một tu sĩ với bằng cử nhân Phật giáo là một người có khả năng về Anh ngữ, biết về tâm lý và xã hội và có kiến thức về quản lý. Đây là mô hình của một người cán bộ tuyên huấn với lý thuyết cộng sản bổ sung với kiến thức Phật pháp, không phải là của một tu sĩ Phật giáo đạo đức và vị tha. Người cán bộ tuyên huấn này có đủ rèn luyện để đáp ứng mục tiêu “chăm lo đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài” do Mặt Trận Tổ Quốc chỉ đạo.
Cũng xin công bằng mà thưa rằng việc được (bị) giáo dục triết lý Mác-Lênin không khiến người đó thành cộng sản. Vì được đào tạo ở một học viện Phật giáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo không có nghĩa là người tu sĩ Phật giáo đó không có căn cơ với đạo. Ở đây, chúng tôi chỉ bàn luận chi tiết của sự huấn luyện tăng ni do sự chỉ đạo của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Cũng xin nêu ra ở đây một vấn đề để chúng ta suy nghĩ. Sau hơn 40 năm, cộng đồng Việt Nam khắp nơi thi nhau xây hàng trăm ngôi chùa. Tại sao chúng ta không xây ít nhất là một Học viện Phật giáo làm nơi tu học và đào tạo những bậc lãnh đạo tinh thần cho các chùa ? Chúng ta có là vô can chăng trong hoàn cảnh hiện tại ?
Để kết thúc, chúng tôi xin trích một đoạn trong Giáo trình Triết học Mác – Lênin được dùng trong các trường đại học, cao đẳng, trong đó có các học viện Phật Giáo, phát hành bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo :
“Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta “Đạo” được xem như quốc hồn, quốc tuý, được biến thành biểu tượng của truyền thống yêu nước, thương nòi. Yêu “đạo” được xem là yêu nước, vì đạo mà chiến đấu, mà hy sinh. Đã có biết bao tấm gương tử vì đạo, tức là hy sinh để bảo vệ độc lập cho đất nước. Nhưng vì “đạo” đó là thế giới quan cũ, không giúp hiểu được xu thế của thời đại, không hiểu rõ được kẻ thù của dân tộc, không chỉ ra được con đường hữu hiệu để cứu nước, vì vậy lúc bấy giờ yêu “đạo” bao nhiêu thì càng ngậm ngùi bấy nhiêu. Vấn đề đặt ra cho thời kỳ này là phải có một “đạo” khác ngang tầm với thời đại. Đó là một trong những điều kiện để chủ nghĩa Mác - Lênin du nhập vào Việt Nam.”
Tóm lại, chủ nghĩa Mác-Lênin mới chính là “đạo ngang tầm với thời đại” để các cán bộ tuyên giáo này “hoằng dương”, chứ không phải là đạo Phật hay một tôn giáo nào khác.
-------------------------
Tài Liệu Nghiên Cứu
2. Chương Trình Giảng Dạy Khóa IX (2011 – 2013), Học Viện Phật Giáo tại TP Hồ Chí Minh
3. Giáo trình Triết học Mác – Lênin (Dùng trong các trường đại học, cao đẳng), Tái bản lần thứ ba có sửa chữa, bổ sung. Bộ giáo dục và đào tạo.
No comments:
Post a Comment