Monday, September 12, 2016

(Hùng Nguyễn) Chơn Tâm - Vọng Tâm


Một hôm đức Phật cùng các đệ tử mang bình bát vào thành Xá Vệ, theo thứ lớp khất thực về thọ trai.
Sau khi thọ trai xong, Phật xếp y, cất bình bát và rửa chơn, rồi trãi tọa cụ ngồi tĩnh lặng.
******
Trong hàng đệ tử, Trưởng lão Tu Bồ Đề quỳ xuống, chấp tay cung kính bạch Phật rằng:

- Bạch đức Thế Tôn, muốn cầu quả vị Phật thì:

Làm sao hàng phục Vọng Tâm? Làm sao An trụ Chơn Tâm?

Phật khen câu hỏi của Trưởng lão và dạy rằng:

- Nếu muốn cầu quả vị Phật thì: Đừng sanh Vọng Tâm trụ chấp một nơi nào.
(Kinh Kim Cang)

Lời dạy của đức Thế Tôn ẩn chứa toàn bộ giáo lý Giải thoát nếu chúng ta thực hành rốt ráo "Đừng sanh Vọng Tâm trụ chấp một nơi nào".
******
Chơn Tâm lúc nào cũng hiện hữu, sẵn có trong mỗi chúng sanh nhưng vì chỉ lo hướng ngoại, nhìn ra bên ngoài, mà dần dà quên đi mất Chơn Tâm nằm sẵn bên trong. Chơn Tâm là Tâm Chơn thật, cũng còn gọi là Tâm Như lai, là Như lai tạng, là Bản lai diện mục, là Phật tánh. Tâm Thật này luôn Bình Đẵng, Thanh Tịnh.

Đời là nơi lắm thị phi, đầy ô trược, nên khi chúng ta sống trong đời ô trược này thì toàn thân, tâm chúng ta nhiễm lắm nhiều hôi thúi.

Ngược lại sen sanh ra, lớn lên, trưởng thành từ bùn cũng lắm mùi nhưng không bị hôi nhiễm, mà tõa hương sen ngọt ngào.
Chúng ta sống tiếp xúc với ô trược, tức ngoại cảnh chung quanh, qua Mắt, Mũi, Tai, Lưỡi, Bàn tay (sờ mó). Nhờ những tiếp xúc đó cho chúng ta BIẾT thế giới và BIẾT trở thành Ý thức. Nếu chỉ BIẾT thôi thì cái BIẾT đó chơn thật "y như nó đang là như vậy", chính là Chơn Tâm. Biết trong tĩnh lặng. Khi đức Bổn sư đi khất thực, Ngài BIẾT tất cả chung quanh mọi sự đang xảy ra (tốt, xấu, khen, chê,....) nhưng Ngài vẫn nhẹ nhàng từng bước chơn trong Thanh tịnh, TÂM Ngài lúc nào cũng An trụ, không nhiễm bụi trần như sen toả hương thơm.

Còn ta, khi Mắt ta thấy đóa hoa, cái sự nhìn thấy đó là Chơn Tâm (ai có mắt cũng thấy là hoa, không có tranh cãi). Cái thấy đó là Chơn thật. Nhưng khi ta khen cái hoa đẹp quý phái, thơm và có ý muốn, là ta bị đóa hoa thu hút, lung lạc làm Tâm ta giao động. Tâm khi đó là Tâm Vọng, Tâm ước ao, Tâm hướng ngoại. Còn người khác cũng vì Tâm Vọng nhưng không giống ta. Hoa quê mùa, thơm gắt,...thế là có tranh cãi, có ước vọng không như nhau. Phiền não từ đó xin ra làm ta khổ.

Cũng tương tự như Mắt thấy, Tai nghe tiếng, Lưỡi nếm, Mũi ngửi, Tay sờ biết là Chơn Tâm. Nhưng nếu những việc này bị đối tác lôi cuốn thì Tâm Chơn biết mất và Tâm Vọng hiện ra cùng lúc với thị phi, phiền não. Tâm Vọng tạo ra nhiều Tạp Niệm phiền não. Tâm náo động như khỉ (Tâm viên), Ý  như ngựa chạy tám phương (Ý mã) trong nhà Phật để chỉ Tâm vọng này.

Vậy Phật dạy chúng ta "đừng sanh Vọng tâm trụ chấp" (ưng vô sở trụ) tức là đừng để ngoại cảnh chi phối, lôi kéo vào vòng thị phi. Có vậy thì Tâm chúng ta mới không giao động, là Thanh Tịnh, là Chân Tâm được An trụ, không phát sanh phiền não vậy.

Là Phật tử chúng ta phải thực hành lời Phật dạy. Sống trong đời nhưng không nhiễm bụi đời, không bị ngoại cảnh chi phối, lôi cuốn. Hơn nữa Phật cũng dạy Vạn vật là Vô thường, là giả tạm, thì quan trọng hóa làm gì. Có thực hành được như vậy thì Tâm chúng ta được An trụ (tự tại), không bị phiền não, không khổ Tâm. Tâm chúng ta như hoa sen không bị ô nhiễm hồng trần.

Còn nếu chúng ta bị thu hút bởi ngoại giới thì phiền não khởi dậy, mất Tâm thanh tịnh thì trái lời Phật dạy, đâu xứng danh là con Phật.

Tóm lại, nếu biết Tâm ta Chơn thật, Tâm ta là chủcủa Mắt, Tai, Mũi, Lưởi, Da, Ý, giữ không để chúng nó bị cám dỗ, bị lôi cuốn bởi ngoại cảnh thì Tâm Chơn thật của ta An trụ. Còn nếu để chúng tự tung tự tác chạy lung tung ra ngoài thì đừng than sao đời tôi khổ thế này.

Học Phật là để hành (hành giả), không phải để thuyết (thuyết giảng), để kiếm cơm như mấy ông Tiến sỹ Phật học, cuối tuần đi biển câu cá hay vào rừng săn thú. Thà biết ít mà hành. Mục đích của người tu Phật là Giác Ngộ để Giải Thoát. Bố thí cũng chỉ là một hành trì trên đường hành đạo đến quả vị Phật.

Trên đây là những hiểu biết thô thiển về đạo Phật. Có điểm nào thiếu sót hay sơ xuất xin quý đạo hữu chỉ điểm thêm.

Hùng Nguyễn

No comments:

Post a Comment