Ngày 4 tháng 10 năm 2015, Đức Tăng Thống ra Quyết Định số 21 chính thức lên tiếng khai trừ sáu thành viên của GHPGVNTN ra khỏi Giáo Hội vĩnh viễn. Đúng ra sự khai trừ sáu thành viên này nên có từ sau khi Quyết Định số 20, họ ra bản tuyên bố chung lên tiếng chống lại Hiến Chương, phá vở Giáo Chỉ số 9, đòi quyền có nhân sự độc lập với Viện Hoá Đạo và Viện Tăng Thống. Tuy nhiên trong quá khứ với lòng bao dung, ngày 18 tháng 5, năm 2015 VHĐ cho ra Bản Thông Bạch nhằm cảnh cáo nhóm "ly khai", nhưng các vị này không hề thay đổi vẫn cứ tiếp tục chống đối có tính cách phá hoại lại Giáo Hội, vì thế mà cuối cùng Đức Tăng Thống phải buộc lòng ra Quyết Định số 21 khai trừ 6 thành viên này ra khỏi GHPGVNTN vĩnh viễn. Thôi thì tình thế chẳng đặng đừng, mong quý vị đó ra đi bình an.
1. Không phải sự khủng hoảng nào cũng cho thấy cơ cấu tổ chức Giáo hội có vấn đề
Nhìn vào Quyết Định số 20 trước kia và thư từ chức của vị quyền chủ tịch VPII thì ai cũng biết những xáo trộn và bế tắc trong thời gian đã qua là do sự thất trách từ VPII. Thay vì báo cáo và trình bày sổ sách sự sinh hoạt cứu trợ các nơi thiên tai động đất ở Phillipines và Nepal, cũng như việc đăng bạ chùa chiền thì người có trách nhiệm VPII lại "trốn tránh" nhiều lần không trực tiếp ra giải quyết vấn đề với VHĐ vốn là nơi chỉ đạo cho VPII. Cuối cùng người có trách nhiệm VPII này không thương lượng với VHĐ mà lại nộp đơn từ chức với Viện Tăng Thống, hy vọng không ai truy cứu vấn đề liên quan đến tiền bạc của GH nữa. Chính vì thế mới có sự bế tắc. Như thế thì sự bế tắc bắt đầu từ một cá nhân sau đó ảnh hưởng đến nhiều người khác, tạo ra một sự xáo trộn ngày thêm phức tạp. Cái lỗi đầu tiên là sự từ chức tránh trách nhiệm của mình thì đâu thể nào đổ thừa cho bộ máy hành chánh của Giáo Hội. Rõ ràng ai cũng biết rằng VHĐ đã gởi thư hai lần đến VPII, mà người đại diện VPII có khi nào muốn thảo luận hay bàn bạc gì đâu? Thì đây là lỗi của cá nhân chớ không có dính líu gì đến guồng máy hành chánh cả.
Hơn nữa trong Giáo Hội mẹ không có gì gọi là bế tắc, từ trên xuống dưới mọi sự sinh hoạt rất điều hoà, tuy có thiếu thốn chật vật về mặt vật chất nhưng căn bản đời sống tu hành các vị trong Viện Hoá Đạo cũng ổn định. Trong giới luật Nhà Phật những ai đã phạm tội Ba La Di như nói dối, trộm cắp của người khác, trộm cắp của Thường Trụ là phạm đại trọng giới. Kẻ đó không được sinh hoạt chung trong Tăng Đoàn, không được tu chung hay cư trú chung với những vị tu sĩ chưa phạm tội. Còn những vị tu sĩ nào bênh vực hoặc bao che những ai đã phạm giới Ba La Di thì bị phạm tội Tăng Tàn. Những tội như thế nếu cứ cố tình phạm mãi thì vị Tăng hay Ni đó có thể bị thu hồi giới luật và mời về thế tục. Đạo Phật không phải như các hiệp hội trong thế gian, mà Đạo Phật lấy giới luật làm huệ mạng cho người thọ giới. Đạo Phật là nơi thanh tịnh đào tạo các bậc tu hành giải thoát, nên từ lời nói đến việc làm đều phải chân thật và thanh tịnh thì mới được nhập vào hàng ngũ xuất gia. Nếu đã phạm trọng giới thì vị tăng sĩ phạm giới kia phải bị trả về thế tục chớ đâu còn tư cách chi để thảo luận hay bàn bạc bất kỳ việc Phật sự nào với các bậc Hoà Thượng hay Trưởng Lão.
Cho nên còn giữ giới thì còn thương lượng việc Phật sự. Nếu một tăng sĩ đã phá giới mà không sám hối thì phải bị đuổi rời khỏi Tăng Đoàn hay Giáo Hội là việc đúng luật nhất. Trong quyển Con Đường Thành Phật, trang 221, Pháp Sư Ấn Thuận có một di bút quan trọng để làm khuôn mẫu cho các Tăng Ni như sau: "Trong quy chế Tăng Đoàn, do Phật quy định, nếu có người phạm trọng giới thì bị trục xuất khỏi Tăng Đoàn, thủ tiêu tư cách xuất gia của người ấy. Không những không xứng đáng là Tỳ Kheo, ngay đến Sa Di cũng không xứng đáng."
2. Không phải lúc nào cũng có sự ủng hộ của quần chúng
Trong Kinh Đại Niết Bàn, Phẩm Tứ Y, Đức Phật có nói với Ngài Ca Diếp Bồ Tát:
"Này Ca Diếp! Nếu Ưu Bà Tắc biết rõ là Tỳ kheo phá giới thời chẳng nên cung cấp lễ bái cúng dường. Nếu trong chư Tăng có người phá giới chẳng nên vì họ mặc áo cà sa mà cung kính lễ bái"
Người xuất gia đối với việc nhận của thí xả từ thập phương bá tánh cần nên cân nhắc. Đồng tiền bát gạo của thập phương bá tánh cúng dường chứa nhiều sự nguyện cầu, kẻ cầu hết bịnh ung thư, người cầu xin tai qua nạn khỏi, hoặc có người bố thí cho kẻ không nhà, kẻ bị tại nạn động đất như ở Nepal... ngàn muôn trăm thứ lời khổ đau cầu nguyện trong tâm linh đều được dồn về của cúng dường. Đã mặc áo cà sa mà nở lòng nào ăn chận của cúng dường, không cho hết vật cúng đến trăm ngàn nạn nhân đau khổ, không kể gì đến bao nhiêu gia đình nạn nhân đang ở cảnh tang tóc đau thương. Tu như vậy có ích gì cho ai chăng? Mặc áo cà sa mà làm chuyện mất đức như thế, thì có đáng mặc áo cà sa không? Vì thế các vị cổ đức thường khuyên các tu sĩ:
"Tham lam vị liễu thuỷ nan tiêu
Nhất niệm bất sanh kim dị hoá"
dịch
Người tu hành còn lòng tham thì dù uống nước lã cúng dường cũng không tiêu. Nhưng nếu tu hành tâm địa thanh tịnh dù ăn vàng cũng tiêu hoá dễ dàng.
Vì thế tu sĩ nào mà có tâm gian xảo vơ vét thì người ta cũng moi móc lấy lại. Ngược lại cũng có các thầy tu dùng tiền cúng dường xây tịnh xá bạc chục triệu mà vẫn trôi chảy vì họ không tham. Lại còn có một bài kệ tương tự như sau:
"Thí chủ nhất liệp mễ,
Đại như Tu Di sơn,
Kim sanh bất liễu đạo,
Phi mao đới giác hoàn"
nghĩa là:
" Một hạt gạo của người thí chủ,
Lớn như núi Tu Di.
Đời nay thọ nhận mà không tinh tấn tu hành,
Thì đời sau sẽ làm thân thú vật để trả nợ"
Chùa Phật Quang là một thí dụ điển hình cho sự lường gạt của bá tánh. Có người lén lút mang căn chùa này bán cho kẻ khác mà không hỏi qua các chủ nợ, tiền bán được nhiều thì nói ít lại. Như vậy là phạm tội trộm cắp của Thường Trụ Tam Bảo mà cũng là phạm trộm cắp tài sản của người khác. Trong Bồ Tát Giới Kinh, Đức Phật có dạy: "Lấy vật của người khác mà không được cho phép tức phạm giới Trộm Cắp". Giới Trộm Cắp là đại giới. Cái gốc hư đốn của các tu sĩ đời nay chính là sự phá hoại giới luật. Ngôi chùa Phật Quang sở dĩ có được là do các Phật tử hướng về Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ và cố Hoà Thượng Thích Như Đạt mà cúng dường. Nếu có ai đại diện cho Giáo Hội để quyên tiền xây cất thì bất quá họ là người làm việc cho Giáo Hội mà thôi chớ không thể thu cất tài sản của Giáo Hội làm của riêng được. Tất cả những tiền bạc hay đăng bạ chủ quyền chùa Phật Quang thì phải thuộc vào chủ quyền của Giáo Hội. Vì vậy nếu người đại diện cho Giáo Hội dùng chỉ riêng tên mình đăng ký chủ quyền chùa Phật Quang, tức phạm luật trộm cắp của Thường Trụ. Tội trộm cắp của Chúng Tăng, đây là Chúng Tăng hiện tiền. Trong Sa Di Luật Giải, trang 55, Ngài Hoa Tụ Bồ Tát nói: "Tội ngũ nghịch (giết cha, giết mẹ, giết A La hán, làm thân Phật chảy máu, và phá hoại hoà hợp Tăng Đoàn) và tội Tứ Trọng (sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối) ta có thể cứu đặng; còn tội trộm lấy vật của Chúng Tăng, thì ta không thể cứu đặng" Như thế mà biết tội trộm của Chúng Tăng rất lớn. Cho nên phải biết tội sang đoạt tài sản chùa Phật Quang từ Giáo Hội vào tay cá nhân mình tức là phạm tội Ba La Di, là một đại tội.
Kinh Tăng Nhất A Hàm nói, Phật dạy các Tỳ kheo: "Nếu ai trộm cắp vật của người ta, bị người chủ bắt được giao cho quan trị tội, cầm giam trong lao ngục chịu hành phạt, sau khi mạng chung, sanh trong "Địa ngục " lửa dữ thiêu thân, nước đồng sôi rót vào miệng, hoặc trụng chảo dầu, quăng vào lò lửa, gươm đao đâm lụi, cối xay nghiền nát... đau nhức đủ cách cả trăm nghìn năm, không ngày nào ra khỏi. Tội "Địa Ngục" vừa mãn, kế sanh trong loại "súc sanh" làm voi, ngựa, trâu, dê, lạc đà, lừa, chó...trải trăm nghìn năm, ra sức đền bù nợ người. Tội "súc sanh" vừa mãn, lại sanh trong loài "quỉ đói" đói khát, khổ ngặt không thể nói đủ, trải trăm nghìn năm chịu khổ như thế. Hết đời "quỉ đói" mới được làm người, lại mắc hai món quả báo:
1. Nghèo cùng, áo chẳng kín thân, cơm không no miệng
2. Thường bị nước trôi, lửa cháy, hoặc bị bắt vì phạm luật nước, hay bị cướp đoạt bởi kẻ xấu.
Vì thế mà Quyết Định số 20 và số 21 nhằm ngăn chận và vạch trần các âm mưu của những ai có tâm niệm xằng bậy cũng đồng thời giúp cho kẻ xấu ngăn bớt đi những tội lỗi có thể xảy ra nhiều hơn. Những vị đã phạm tội Ba La Di và tội Tăng Tàn cần nên tu pháp sám hối Đại Thừa sau khi chịu phép Yết Ma để tránh đi những nghiệp tội kinh khủng xảy ra trong đời này và vô lượng kiếp sau. Các vị đó đừng nên cố gắng bào chửa lấy mình nữa mà hãy nhìn vào sự thật, xem rằng mình đã làm gì, đã phạm vào những tội danh nào, thì đó là điều tốt nhất nên làm.
3. Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần tự xét lấy mình trước rồi mới xét lỗi người
Phật giáo không chủ trương đảng phái hay chánh trị, và không bao giờ dùng luật gia thế gian vào Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội, nhất là không bao giờ dùng luật sư hay quan chức để xen vào các sinh hoạt của chùa chiền. Những ai làm ngược lại tức là đã phá hoại sự hoà hợp Tăng Đoàn. Tội phá hoại sự hoà hợp Tăng Đoàn thuộc vào tội Ngũ Nghịch. Trong bất cứ hoàn cảnh nào người tu hành phải luôn luôn giữ gìn giới luật do Phật dạy, không nên dùng thủ đoạn hay mưu mẹo để lừa gạt sang đoạt tài sản của người khác dù là là hợp pháp hay bất hợp pháp, vì làm như vậy tức phạm tội trộm cắp của người khác qua thủ đoạn tinh vi. Tội trộm cắp Ba La Di thuộc về tâm tội, cho nên dù dùng pháp luật hợp lệ để chiếm đoạt tài sản của người cũng vẫn phạm tội Ba La Di quyết không sai trật. Giữ tâm trong sạch đối với giới luật mà Phật qui định mới có thể gọi là hành xử có tánh cách thiêng liêng của tôn giáo. Dĩ nhiên mình có xâm phạm tài sản của người ta thì người ta mới tức tối nói tiếng nặng nề lại mình là chuyện đúng rồi có gì mà phàn nàn? "Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân" nghĩa là nếu mình không muốn người ta làm điều gì cho mình thì đừng làm điều đó cho họ vậy. Nay nếu mình có những thủ đoạn thâm hiểm cướp đoạt tài sản người, rồi lại bắt họ phải im miệng thì té ra mình đã hiếp đáp người thêm nhiều nữa.
4. Không phải lúc nào cũng cần có một lời thống hối
Lịch sử Thiền Tông gồm có 28 vị Tổ bên Ấn Độ và 5 vị Tổ bên Trung Hoa. Vị Tổ đầu tiên là Ngài Ma ha Ca Diếp nhận lãnh y bát từ Đức Phật, rồi truyền y bát xuống nhị Tổ A Nan. Sau đó y bát được lần lượt truyền đến Ngài Huệ Năng là vị Tổ cuối cùng. Khi đến đời Ngài Huệ Năng thì Ngài Huệ Năng tuyên bố chấm dứt truyền y bát. Như vậy đạo Phật có mai một hay mất mát gì không? Dĩ nhiên là không. Tại sao? Vì tâm ấn của chư Phật được truyền qua Kinh Kim Cang đến đời Ngài Huệ Năng thì trở thành dấu ấn trong tâm của mọi hành giả tu Phật. Mọi người đều lấy pháp Vô Tướng trong kinh Kim Cang làm phương tiện chỉ nam tu học cho đến ngày nay. GHPGVNTN trải qua năm đời Tăng Thống thì thành tựu được ba món công đức quan trọng cho nhân loại:
1. Tự do tôn giáo
2. Bình đẳng nhân quyền
3. Nhiều Phật tử mở ra tuệ nhãn biết phân biệt đâu là chơn tăng đâu là tổn hữu ác đảng.
Những điều này trước kia đã có trong các vị tu hành nhưng không thể hiện đầy đủ trong khối Phật tử quần chúng. Cho mãi đến đời vị Tăng Thống thứ năm là Ngài Quảng Độ thì khối Phật tử cũng như quần chúng mở ra tâm nhãn phân biệt đâu nguỵ, đâu chân, đâu tà sư, đâu minh sư trong giới tu hành. Ba điều này sẽ vĩnh viễn ấn vào tâm hồn của quần chúng và Phật tử mãi mãi cho đến khi họ thành Phật. Trong tương lai dù GHPGVNTN có tồn tại hay không tồn tại, ba điều ích lợi trên lưu hành tiếp tục trong mọi giáo phái Phật giáo trở thành tôn chỉ lãnh đạo và tu học cho các Tăng sĩ chân chính.
Vì thế những vị nào đã thấy mình có tư tưởng phá hoại GHPGVNTN và ngày nay phải ra đi cũng nên thành tâm sám hối về năm chuyện dưới đây để tâm hồn được yên ổn:
1. Trộm cắp tài sản của Giáo Hội- Ba La Di
2. Trộm cắp của Chúng Tăng- Ba la Di
3. Tội vọng ngữ - Ba La Di
4. Âm thầm phạm giới nặng nề mà lại ưa giảng điều đạo đức dối người
5. Tội Tăng Tàn- Bao che kẻ phạm giới Ba la di
5. Hoà hợp Tăng Đoàn là điều trọng yếu của sinh hoạt Phật sự
GHPGVNTN đã đặt nặng tinh thần hoà họp Tăng Đoàn từ lúc ban đầu. Các thành viên của GHPGVNTN là toàn thể Tứ Chúng bao gồm Nam Tông và Bắc Tông cùng những người tôn trọng Hiến Chương và yêu mến các vị Tăng Thống, do đó đã có nhiều lần các tu sĩ Tiểu Thừa được giữ các chức vị quan trọng trong Giáo Hội như cố Hoà Thượng Thích Hộ Giác làm Phó Tăng Thống, hay gần đây thì có Hoà Thượng Thích Huyền Việt làm Phó Chủ Tịch Văn Phòng II.
6. Đặt nặng thực chất hoạt động cứu khổ hơn chức vị
GHPGVNTN có tiêu chuẩn hoạt động và đường hướng cứu khổ cho chúng sanh một cách tích cực, mà không cần chức vị. Điều đó đã được thể hiện qua các điều khoản Hiến Chương, Ba Điều Công Đức, và những cuộc lạc quyên cứu trợ ở Phillipines và Nepal do Ngài Tăng Thống chỉ thị. Nhưng tiếc thay tiền bạc cúng dường của thập phương bá tánh rơi vào túi những kẻ tham tiền, cho đến giờ phút này những tịnh tài cúng dường từ hai cuộc lạc quyên trên cũng không biết về đâu?
7. Muốn tiến hoá phải chấp nhận thay đổi từ xấu thành tốt:
Bất cứ mọi việc trên đời đều chịu luật vô thường - sanh, trụ, dị, diệt cho nên phải biến đổi để tiến hoá chớ không phải biến đổi để tồn tại. Thời gian trước khác với thời gian sau, vật và việc đã khác rồi thì đâu có cơ sở nào mà tồn tại với thời gian? Cho nên nói thay đổi để tiến hoá. Tuy nhiên nếu thay đổi tốt thì tiến hoá tốt; còn thay đổi xấu tất tiến hoá phải xấu. Thay đổi tốt là nhân duyên tốt đầy đủ, bỏ cái xấu mà chỉ duy trì cái tốt thì kết quả sẽ tốt, điều này giống như người xấu mà biết tu tâm sửa tánh thì trở thành người tốt. Thay đổi xấu là bỏ cái tốt mà duy trì cái xấu thì kết quả xấu; điều này giống như người đã xấu mà còn làm thêm việc xấu thì kết quả sẽ thành xấu hơn. Vì vậy trước khi muốn thay đổi một chuyện gì, cần phải cân nhắc điều kiện thay đổi có lợi không, nếu thấy không có lợi cho mọi người thì đừng nên thay đổi gì cả là tốt nhất.
Chính do sự biến dịch vô thường mà Hiến Chương VHĐ được tu chính nhiều lần cho hợp với tình thế trong và ngoài nước. GHPGVNTN qua nhiều phen thăng trầm thay đổi nhưng bản chất về Tự Do Tôn Giáo, Bình Đẳng Nhân Quyền, và tuệ nhãn phân biệt tà chánh luôn luôn tăng tiến càng lúc càng ảnh hưởng sâu đậm vào tâm khảm chư Phật Tử và đồng bào trong và ngoài nước khiến cho nhiều quốc gia trên thế giới vô cùng khâm phục, và thường xuyên gởi các Dân Biểu Quốc Tế đến vấn an Ngài Quảng Độ nơi Thanh Minh Thiền Viện. Ngài Quảng Độ là một tấm gương sáng cho các bậc chân tu sau này, và GHPGVNTN sẽ là một mô hình của mọi Giáo Hội trong tương lai vì có khả năng thu hút quần chúng do sự lãnh đạo đúng đắn thoả mãn tâm nguyện của mọi người yêu thích hoà bình tự do dân chủ, nhất là tự do tôn giáo và bình đẳng nhân quyền.
Đức Phật đã dạy :" Nước mắt của chúng sanh trong ba ngàn thế giới còn nhiều hơn nước ở bốn biển đại dương". GHPGVNTN đã chịu quá nhiều đau khổ cho dân tộc Việt Nam. Sự đau khổ đó dồn lại hết cho vị Tăng Thống hiện thời chịu đựng. Dù sau này tình thế Giáo Hội có xảy ra thế nào đi nữa, nhưng ba điều tâm ấn của Giáo Hội để lại là: Tự Do Tôn Giáo, Tranh Đấu Nhân Quyền, và Tuệ Nhãn phân biệt tà, chánh, chơn, nguỵ trong lòng Phật tử sẽ ảnh hưởng mãi mãi về sau cho đến khi mọi người thành Phật, là điều đáng lưu ý. Quí vị ra đi có thể cùng nhau thành lập một tăng đoàn mới để làm lợi ích cho chúng sanh cùng nhau chung sức thượng cầu hạ tế, thì cũng xin đừng nhận chìm con thuyền Giáo Hội thì tuy quí vị không có làm gì nhưng công đức cũng lớn. Thân người khó được, Phật Pháp khó tìm, nay được nhân thân quí tướng là phước xưa kết tụ triệu ức ngàn đời, nay hiểu biết được Phật Pháp thì biết rừng công đức quả thật vô biên, nay nếu chỉ vì một giây phút tham sân nổi lên ngắn ngủi mà châm một ngọn lửa nhỏ đốt tiêu rừng công đức của mình thì uổng vô cùng. Rồi đây tâm tình nương tựa về đâu trong những ngày tháng còn lại, phải chăng đó chỉ là những tiếng nghẹn ngào thở dài hối hận trong những đêm khuya khó ngủ. Quí vị hãy suy nghĩ lại mà thương xót cho sự cực khổ tu hành của chính bản thân mình, dừng tay oan nghiệt tức "buông dao đồ tể" thì Phật Tánh tự lộ. Trong cái quyết định khó khăn nhất, chiến thắng lấy mình chính là lúc ông Chủ Nhân Ông bên trong đang vùng vẫy mãnh liệt để thoát khỏi sự kìm chế của Tham Sân Si, mà trở về Phật vị. Trên đường tu hành không phải lúc nào cũng có đại nhân duyên phá trừ bản ngã như thế. Quí vị hãy ngừng tay, đừng tiếp tục nhận chìm con thuyền Giáo Hội nữa, tuy chưa có ít lợi trực tiếp cho Giáo Hội, nhưng cũng giúp cho chúng sanh hưởng phước lâu dài, cũng làm ấm lòng những kẻ ở lại, và chính quí vị cũng tự tạo ra công đức lớn.
Mờ mờ khói toả miên man,
Hồn đi không biết con đàng về đâu?
Ngẩn ngơ nhìn lại bên cầu,
Vợ con, tâm sự, một bầu riêng mang.
Bạc tiền bỏ lại muôn ngàn,
Cho người khác hưởng, lòng tràn tội riêng.
Ích gì danh lợi oan khiên,
Mà tâm trường khổ tận miền U Minh.
Ngày nay ngưng kết tội tình
Sau này công đức tạo sinh vô vàn.
Con đường sanh tử mênh mang,
Phước duyên đầy đủ, Lạc Bang có ngày.
Thế gian đâu có lâu dài,
Niết Bàn an dưỡng tháng ngày tiêu dao. (Huệ Lộc)
Huệ Lộc
Tôn Thắng Đạo Tràng
Ngày 6 tháng 10, 2015
No comments:
Post a Comment