Hỏi. Tại sao có người bình sinh không có nhiều thiện tâm nhưng giờ phút cuối đời lại có tâm trong sạch?
(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 21-5-2014, Minh Hạnh chuyển biên)
TT Giác Đẳng: Chúng tôi xin chia sẻ 3 điểm:
- 1. Thứ nhất, trong cuộc sống chúng ta cố gắng bỏ những oan kết với chúng sanh khác. Oan kết ở đây là hiềm hận, oan trái, bực bội. Bởi vì hại tư duy hay oan trái làm cho đầu óc của chúng ta cứ nghĩ hoài sự hận thù. Ở trong thế giới chúng ta sống lúc nào buổi sáng thức dạy hay buổi tối đi ngủ mà mình cứ nghĩ đến oan kết của mình nghĩ đến người khác thì thật sự không biết mình được cái gì nhưng chắc chắn một điều rất phiền não. Trong lúc mình còn oan kết với người khác mà nếu lỡ lúc đó mình nhắm mắt ra đi hoặc như mình bị tai nạn xe cộ thì thật sự buồn lắm. Tại vì sao vậy? Tại vì không có cái oan kết nào không có hận thù. Do vậy khi nào tâm của mình có phiền não về người khác mình không phải là thánh nhân, mình không thể nào nói là tâm mình không phiền não. Nhưng bây giờ mình tập cởi bỏ oan trái. Và lâu lâu chúng ta cũng nên nguyện: “Nguyện cho con dứt trừ mọi phiền não oan trái”, buổi sáng buổi chiều nguyện như vậy. Mình oan kết không được cái gì hết nhất là mình có phiền não đụng chạm người này đụng chạm người kia, mình nên cởi bỏ những oan kết đó. Mình nhớ như vầy là oan kết với người tức là thiệt thòi cho mình, hại cho mình, tại sao mình phải làm chuyện hại cho mình, để làm cái gì.
-2. Việc thứ hai, điều mình nên nhớ đó là đừng tin vào phiền não. Có một điểm rất là lạ. Ngay cả những người tu Phật học Phật như chúng ta khi ở trong đời sống hàng ngày chúng ta vẫn tin vào những phiền não trong đời sống. Thí dụ như chúng tôi thấy có những người sống suốt ngày cứ tính toán những chuyện hơn thua với người khác, tính toán chuyện dùng thủ đoạn này mưu chước khác mà nghĩ đó là sự khôn ngoan. Thật ra không khôn ngoan gì hết, hễ tâm mình chất chứa bao nhiên sự mưu mô thủ đoạn toan tính hại người tâm mình không an lạc. Thì giờ đó mình đọc Phật ngôn, thì giờ đó để mình chiêm nghiệm Phật ngôn, thì giờ đó để mình ngồi niệm hơi thở có ích hơn là mình ngồi đó tính toán, nhưng có nhiều người rất tin vào chuyện đó, giống như mình đi làm ăn mình tin vào chuyện tính toán thì đối với người sống lúc nào cũng nghĩ chuyện ăn thua đủ với người khác. Cái đó chẳng lợi ích gì hết. Chúng ta nhớ rằng đừng tin vào phiền não. Ngài Ajahn Chah nói là sức thuyết phục của phiền não rất dễ sợ nó làm cho mình thấy rằng mình nên có phiền não mình nên tin vào phiền não mình sống với phiền não và người tu phải là người đừng tin vào phiền não. Giống như trong nhà mình có người bạn tốt bạn xấu nhưng nếu mình tin vào bạn xấu thì mình chết, mình đừng tin vào phiền não. Phiền não thì ai cũng có nhưng mình ngồi xuống mình nghĩ rằng đây là tham, đây là sân, đây là phiền não, đừng có tin nó, chẳng có gì tốt đẹp ở phiền não để mà tin được.
3. Sau cùng, trong đời sống chúng ta có rất nhiều việc làm tốt việc làm thiện thì chúng ta nên nhớ dù đó là một chuyến đi hành hương, dù đó là bộ lễ dâng y mà mình làm, dù đó là công việc làm thiện tốt việc hoan hỉ. Có nhiều người trong cuộc sống họ thích có những món đồ mà họ hoan hỉ như một cái áo đẹp làm họ hoan hỉ, một cái xe làm họ hoan hỉ. Nhưng họ không nghĩ đến là mình nên nhớ chuyện phước mình làm hoan hỉ. Chuyện phước mình làm hoan hỉ rất là quan trọng, cái đó là tư lương, cái đó là hành trang của chúng ta để mình đi vào cuối đời và do vậy khi lâu lâu mình làm được việc gì đó thì mình nhớ, giả xử như mình sang Ấn Độ hành hương có những lần ngồi dưới cội Bồ Đề nơi Đức Thế Tôn thành đạo, đến chỗ Đức Thế Tôn chuyển Pháp Luân, đến chỗ Đức Thế Tôn nhập Niết-bàn, đến chỗ Đức Thế Tôn ra đời tại vườn Lâm Tỳ Ni, nhớ in sâu khắc kín vào trong lòng làm sao để chúng ta đừng quên rằng mình có đi hành hương có về những nơi liên quan đến những sự kiện quan trọng về cuộc đời của Đức Phật. Hay lần nào đó chúng ta làm được chuyện gì cảm thấy vui trong việc tạo phước thì nên nhớ, cố nhớ và nhớ một cách rất rõ nhớ một cách hoan hỉ với điều thiện mình làm thì điều đó vẫn tốt hơn là nhớ những chuyện phiền não khác.
Thành ra trong cuộc sống rất đơn giản, hễ mình sống tích cực thì đời sống mình vui. Mình sống tiêu cực thì đời sống mình buồn. Buổi sáng chúng ta thức dạy buổi tối chúng ta đi ngủ mà trong lòng chúng ta cứ luẩn quẩn chuyện phiền não thì có lẽ chúng ta không an lạc được. Và không ai có thể giúp chúng ta được điều đó.
Đức Phật dạy rằng có một chuyện những người thân của mình ngay cả cha mẹ quyến thuộc không làm được cho mình đó là tâm hướng chánh, mình phải tự làm cho mình việc đó, không ai có thể nhồi nhét trong đầu mình để tâm mình được chánh. Tâm mình hướng thượng, hướng chánh đó là điều tất cả chúng ta thường nhắc nhở chính mình và bài học ngày hôm nay là bài học rất quan trọng, bài học đó quan trọng đối với chúng ta hơn nhiều bài học mà chúng ta thường thấy bởi vì cảnh giới tương lai của chúng ta thật sự là quyết định bởi chính mình, nó quyết định bởi chính mình là chúng ta nên đặc biệt quan tâm đến tâm thái của mình, chúng ta thường sống với phiền não hay chúng ta thường sống với thiện pháp. Chúng ta hãy mong cho bản thân của mình và mong cho tất cả chúng sanh dứt trừ mọi oan kết, xin cho tâm của chúng ta được an lạc và xin cho trí của chúng ta được sáng suốt ./.
No comments:
Post a Comment