Monday, June 30, 2014

Thượng Toạ Thích Giác Đẳng - Một người muốn xuất gia đi tu hoặc tìm đến đạo giải thoát của Đức Phật thì bắt đầu từ đâu?

 photo 595c9172-83fa-4d36-8bae-d7b89275dce1.jpg
 
Hỏi: Một người muốn xuất gia đi tu hoặc tìm đến đạo giải thoát của Đức Phật thì bắt đầu từ đâu? Làm thế nào để đi đến cái gọi là giải thoát sanh tử?  Làm sao để đạt đến đạo quả giải thoát?
(Câu hỏi trong lớp Diệu Pháp, thời giảng kinh Pháp Cú, Minh Hạnh chuyển biên
TT Giác Đẳng: Đối với chúng ta cuộc tu là một hành trình mà duyên của cuộc hành trình đó chúng ta không thể nói là A là B là C được, có rất nhiều nẻo đến với đạo và không may cho chúng ta thường chúng ta đóng khung với quan niệm nào đó.  Thật ra quan niệm đi xuất gia hay tìm đến một vị Thầy hoặc giả là đọc một quyển sách bất cứ sinh hoạt nào thì cũng chỉ là một trong những cơ may mà qua đó chúng ta có thể khám phá ra một con đường.
Chúng tôi nhớ có một quyển sách “Câu chuyện giòng sông” khi Tất Đạt những tháng ngày sống với Kiều Lan, Tất Đạt có nói lên một tâm tư giống như một hòn sỏi khi đã bỏ vào trong mặt nước thì tự nó sẽ tìm xuống đáy hồ, khi nó tìm đến đáy hồ, tại vì hạt sỏi đó nó có trọng lực nhất định và nó ở trong thể loảng của hồ nước tự nhiên nó phải tìm đến đáy hồ, chắc chắn như vậy.  Chúng ta cứ nhìn thấy một điều, cái gì mình thích ở trong đời sống này, cho dù mình có bị ngăn cấm đi nữa thì cuối cùng mình cũng sẽ đạt đến nếu mình thấy giá trị của nó.
Qúi đạo hữu cứ tin tưởng một điều, vấn đề chính không phải vì mình bị chướng duyên, không phải mình bị trở ngại, không phải mình gặp khó khăn, và không phải là mình không biết cách mà vấn đề là mình thật sự mình có tha thiết với nó hay chưa? Và khi mình tha thiết rồi thì thế nào mình cũng tìm cách để đạt đến nó.
Chúng ta quen theo cái nhìn về cuộc sống giống như người đi học võ học theo đường quyền có bài bản có thứ lớp nhưng khi ra đánh trận khi nhập cuộc thì cuộc đời không thứ lớp, không lớp lang như vậy và chúng ta rất dễ bị những thứ mình học chi phối bản thân mình. Do vậy thỉnh thoảng ở trong các giảng đường chúng tôi bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến một điều là đạo Phật ngày nay người ta học rất dễ để định nghĩa một cách khuôn sáo về một thứ gì đó.
 Bây giờ, chúng tôi nói với qúi vị: một bản nhạc phải như vầy mới là bản nhạc hay, như vầy mới là bài thơ hay thì thật sự chúng tôi có thể trình bày quan niệm của mình nhưng nếu qúi vị hiểu rằng chỉ có chừng đó mới là bài thơ hay, chỉ có cách đó mới là bản nhạc hay thì thật sự điều đó rất là thiển cận. Tại vì khi nói một bài thơ hay cảm nhận của chúng ta có nhiều phương diện, có người cảm nhận bài thơ hay tại vì cách dùng từ xuất sắc, có nhiều người cảm nhận bài thơ hay là tại vì ý tứ của bài thơ đó có một giá trị, có nhiều người cảm nhận bài thơ hay bởi vì nghĩa rất  sâu xa mà vị thi sĩ đã có thể dùng những ngôn từ giản dị nhất để trình bày, có những người nói một bài thơ hay tại vì ngôn ngữ diễm lệ. Thì chúng tôi nói với qúi vị rằng phải như vậy mới là bài thơ hay, phải như vậy mới là bản nhạc hay thì cách nói đó rất phiến diện.  Thành ra chúng ta phải coi chừng, đặc biệt là phải coi chừng đối với cuộc tu của mình.
Nếu chúng ta đọc vào trong kinh Pháp Cú, thì chúng ta thấy được nhiều câu chuyện về những cá nhân, có những cá nhân rất may mắn như sa-di Tissa, có những cá nhân mà số phận rất là hẩm hiu ở thời gian đầu như  tỳ kheo Radhà, có những cá nhân như Sudhamma là một con người làm nhiều lầm lỗi nhưng rốt cuộc được Đức Phật soi sáng trở về.
Người xưa có câu “Hoa khai bất chợt bừng gia địa tiết trúng lai thời viên mãn khai”, hoa nở không lựa đất nhà nghèo và chúng tôi không bao giờ tin rằng có một khuôn mặt nào đó có một lối sống nào đó, có một nhân duyên nào đó mà nhất định là phải có nhân duyên đó phải có những người đó mới thấy được đạo, cũng giống như là hoa nở không chọn đất nhà nghèo nhà giàu gì hễ đúng mùa đúng tiết thì hoa nở thôi.
Do vậy cuộc tu của chúng ta là một thứ gì rất tế nhị. Điều quan trọng là chúng ta đừng đặt để cho mình những khuôn sáo và những khuôn sáo đó làm cho chúng ta phải nhìn về một cách hết sức cục bộ hết sức hạn hẹp.
 Cũng như, chúng ta biết một người muốn có công ăn việc làm tốt thì phải có bằng cấp tốt, bằng cấp đó bảo đảm một cái gì đó về nghề nghiệp của mình. Nhưng mà rồi, cũng không có nghĩa nhất thiết những người thành công lớn ở trong đời này đều dựa trên bằng cấp học vị hết, ví dụ như ông Bill Gate,một người được xem giàu nhất thế giới hiện nay, ông chỉ là một người bỏ học nửa chừng. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta đang đi học rồi nên bỏ học nửa chừng rồi mai mốt chúng ta làm giàu, không phải như vậy. Điều đó chỉ nói lên cái bất định của thế gian này và không may cho chúng ta trên con đường tìm về với đạo chúng ta thường đóng khung trong cái nhìn của chúng ta nên nó tạo ra vấn đề.
Bây giờ, khi đạo hữu  hỏi làm sao để giải thoát sanh tử? Làm sao để đạt đến đạo quả giải thoát?
Chúng tôi một lần nữa nhắc không riêng gì đạo hữu mà tất cả qúi Phật tử có câu hỏi tương tựa, đây là một câu hỏi lớn ở trong đời sống của chúng ta, nếu chúng ta thấy được giá trị của đạo và nếu chúng ta tha thiết thì  người trả lời câu hỏi đó là chúng ta chứ không ai khác.
Bởi vì sao?
Bởi vì không ai có thể có một cái mô tả tường tận cho người khác được và bất cứ cái gì chúng ta diễn tả ở đây về những pháp tu nó chỉ như một người đưa ra rất nhiều toa thuốc và nếu may thì trúng bệnh mà nếu  không may thì không trúng bệnh:
 Có  những người họ giác ngộ là bởi vì họ nhìn thấy được sự vô thường của một đóa hoa.
Có người họ giác ngộ là vì họ nhìn thấy được  bản chất lầm lỗi của mình là sai quấy.
Có người họ giác ngộ là bởi vì họ nghe một buổi pháp thoại có ý nghĩa sâu xa.
Chúng tôi hoàn toàn không có muốn là chúng ta phải có một câu trả lời rất nghèo nàn cho câu hỏi đó. Và câu hỏi đạo hữu đặt ra là một câu hỏi rất lớn, có thể rằng mỗi chúng ta phải tự trả lời cho mình. Tuy vậy nếu chúng ta tha thiết với đạo chúng ta sẽ đặt mình ở trong những hoàn cảnh mà qua hoàn cảnh đó mình có rất nhiều duyên để đến với đạo. Và có thể là từ phước báu của những kiếp quá khứ từ sự thành tâm của kiếp này và từ cái may mắn nào đó mà chúng ta có được. Chúng ta nói trên ngôn ngữ thường thức thì chúng ta có thể tìm thấy được ánh sáng. Nhưng để có một câu trả lời hoàn toàn thoả đáng thì không. Và đạo hữu đừng nghĩ rằng chỉ riêng về đạo hữu mới thắc mắc việc đó mà ngay cả Chư Tăng, ngay cả tất cả những hành giả đang tu tập đều có một câu hỏi tương tựa như vậy và câu hỏi đó là một câu hỏi rất lớn trong đời sống của mình, sự khai tâm của chúng ta nó là một điểm rất tế nhị

No comments:

Post a Comment