Huệ Lộc - Trong lịch sử Việt Nam, mỗi lần giặc Tàu trước khi muốn xâm lấn nước Nam thì chúng luôn luôn cho người sang tìm hiểu rằng nước Nam có nhân tài hay không. Nếu ViệtNam có những nhân tài ...giỏi thì chúng không khi nào dám tấn công. Hôm nay đảng cộng sản Việt Nam chẳng những không biết quí trọng nhân tài, trái lại còn bắt bớ, giam cầm, khủng bố toàn thể nhân tài của nước Việt Nam, thảo nào giặc Tàu Cộng thèm muốn chiếm cho bằng được nước Việt Nam từng ngày, trước thì lấn đất lấn biển, tìm cách phá hoại cho tiệt chủng mầm non, sau len lỏi vào bộ máy chức quyền, chỉ thị ra lệnh cho ký những luật lệ, hiệp định có lợi cho chúng, rồi dần dần nuốt hết cả nước Việt Nam. Các "nhân tài " mà đảng cộng sản Việt Nam dùng chỉ toàn là loại nghị gật, tham quyền cố vị, vơ vét tài sản quốc gia rồi bỏ chạy (xem báo Người Việt, nghị sĩ Ed Royce đang đề nghị một dự luật về việc ngăn chận những chức quyền bên Việt Nam đang tẩu tán tài sản qua Hoa Kỳ dưới tên của nhiều thân nhân khác nhau); còn Tăng Ni quốc doanh được dùng phần đông là những loại dâm ô, thất học có những bằng cấp tiến sĩ Phật Học không xứng đáng và dốt nát. Cho nên nhân tài cạn kiệt, còn đâu là ý chí và sức mạnh của dân tộc? Nước Nga là nước phát sinh ra chủ nghĩa Mác Lê, nay trên thế giới kể cả dân Nga, không ai muốn nhìn tới chủ nghĩa cộng sản ở Nga nữa. Tượng của Lê Nin và Kark Max bị dân Nga kéo đổ và bị đánh tan ra từng mảnh vụn. Còn nước Tàu đáng lẽ đã bị suy xụp từ nhiều năm qua nhưng nhờ Tư Bản Mỹ nâng cao trở lại, giờ đây bên Tàu là chế độ độc tài bành trướng chuyên môn lấn đất chiếm nước người khác, nào có thương xót gì người em cộng sản Việt Nam, hể nếu có dịp thì họ giết hết dân tộc Việt Nam bằng bom nguyên tử một lần mà cũng chẳng tiếc thương gì. Như thế chủ nghĩa cộng sản đâu còn có nghĩa gì nữa, và theo chủ nghĩa cộng sản để làm gì vì không có một điều gì ích lợi cho dân tộc cả. Hôm nay chánh quyền cộng sản Việt Nam ỷ có lực lượng công an chuyên bắt bớ, khủng bố, giam cầm các trí thức sĩ phu, mai kia khi số trí thức sĩ phu nầy không còn nữa thì bọn Tàu sẽ cho người của họ đang sống ở Việt Nam tố cáo quậy phá chánh quyền, hể đụng vào đám quậy phá nầy thì Tàu có cớ mang quân đến đánh, còn nếu để cho chúng tự do giăng biểu chương, căng biểu ngữ thì xem như chánh quyền bất lực bị nhân dân "Trung Hoa" tại Việt Nam cướp lấy và lật đổ luôn. Còn nếu có quốc gia nào khác đến giúp VN để lấy lại đất nước từ tay "Tàu" thì chánh quyền Trung Quốc nầy lại có cớ cho trưng cầu dân ý, như Nga đang làm và thành công ở Crimea, vì họ biết rằng dân Tàu ở Việt Nam rất đông. Nhìn đó mà biết người Việt Nam có khuynh hướng mất nước về tay người Tàu. Tốt hơn, các lãnh đạo của Cộng Sản Việt Nam hôm nay phải dùng lại nguồn lợi và sức mạnh của nhân tài trong nước và chuyển qua chế độ tự do đa đảng thì lũ tàu Cộng mới kinh sợ. Những nhân tài hiếm có chính là những lãnh tụ tôn giáo, trí thức đang bị giam cầm, quản chế, hay đang lưu vong. Hãy nhìn tinh thần anh dũng của người Nhật, diện tích nước Nhật tương đương bằng diện tích nước Việt Nam, nhưng người Nhật chưa hề khiếp sợ Trung Cộng mặc dù nước Tàu rộng lớn hơn nhiều, trong khi đó thì chính quyền đảng cộng sản Việt Nam lại tỏ ra khiếp nhược và sợ sệt giặc Tàu, thật là một chuyện nhục nhã cho dân tộc Việt vậy. Hiện nay Ngài Quảng Độ đã được sự ủng hộ của nhân dân, nhiều dân biểu, nhiều đoàn thể, cũng như các giới chức trên thế giới; Ngài là người có nhiều uy tín cũng như trí tuệ có thể mang đến một sự hùng cường và mạnh tiến cho dân tộc Việt Nam trong tương lai. Muốn được đất nước tránh được nạn diệt chủng và mất nước qua các thủ đoạn thâm hiểm và tàn ác của giặc Tàu thì chánh quyền cộng sản Việt Nam cần thiết phải trả tự do lại cho Ngài Quảng Độ và phải lắng nghe Ngài khuyến cáo tất sẽ có được những sách lược thích hợp cho việc đối nội và đối ngoại.
Trong lịch sử các Thiền Sư Việt Nam, có ghi lại rất nhiều thiền sư đã từng giúp vua Nam đối ngoại chống đuổi giặc Tàu về Tàu làm cho người Tàu phải kính phục bỏ mộng xâm lăng. Sau đây là một ít chứng cứ lịch sử từ quyển Các Thiền Sư Việt Nam của Hoà Thượng Thích Thanh Từ soạn:
1. Sư Khuông Việt thời vua Đinh Tiên Hoàng: Năm thứ bảy niên hiệu Thiên Phước (986), nhà Tống muốn xâm lấn bờ cõi nước Nam mới cho sứ là Lý Giác sang nước ta để dọ thám tình hình. Bấy giờ vua Đại Hành sắc cho Thiền Sư Khuông Việt ra đón sứ. Do tài ứng đối rành rẽ với sứ thần Trung quốc, nên trước khi ra về, Lý Giác có để lại một bài thơ:
Hạnh ngộ minh thời tán thạnh du,
Nhất thần lưỡng độ sứ Giao Châu.
Đông đô tái biệt tâm lưu luyến,
Nam Việt thiên trùng vọng vị hưu.
Mã đạp yên vân xuyên lãng thạch,
Xa từ thanh chướng phiếm trường lưu.
Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu,
Khê đàm ba tịnh kiến thiềm thu.
T.T. Mật Thể dịch
May gặp minh quân giúp việc làm,
Một mình hai lượt sứ miền Nam.
Mấy phen qua lại lòng thêm nhớ,
Muôn dặm non sông mắt chửa nhàm.
Ngựa đạp mây bay qua suối đá,
Xe vòng núi chạy tới dòng Lam.
Ngoài trời lại có trời soi rạng,
Vừng nguyệt trong in ngọn sóng đầm.
Vua Đại Hành đưa bài thơ ấy cho Sư xem và hỏi sứ giả Tàu có ý gì.
Sư tâu:
- Câu thứ bảy sứ Tống có ý tôn bệ hạ ngang hàng với vua của họ. Vua Đại Hành mới nhờ Sư làm một bài từ theo điệu "Tống vương lang qui"
Tường quang phong hảo cẫm phàm trương,
Thần tiên phục đế hương.
Thiên lý vạn lý thiệp thương lương,
Cửu thiên qui lộ trường.
Nhân tình thảm thiết đối ly thương,
Phan luyến sứ tình lang.
Nguyện tương thâm ý vị nam cương,
Phân minh tấu ngã hoàng.
T.T.Mật Thể dịch
Gió hoà phấp phới chiếc buồm hoa,
Thần tiên trở lại nhà.
Đường muôn nghìn dậm trải phong ba,
Cửa trời nhắm đường xa.
Một chén quan hà dạ thiết tha,
Thương nhớ biết bao là.
Nỗi niềm xin nhớ cõi Nam hà,
Bầy tỏ với vua ta.
Sứ Tống vui lòng, trở về tâu lên vua Tống rằng nước Nam còn có nhiều trang tuấn kiệt, nên đình hoãn việc ra quân. Vua Tống nghe xong liền ra lịnh làm hoà với nước Nam.
Năm thứ hai niên hiệu Thuận Thiên triều Lý (1011), ngày rằm tháng hai, sư gọi môn đệ là sư Đa Bảo lại nói kệ:
Mộc trung nguyên hữu hoả,
Hữu hoả, hoả hoàn sanh.
Nhược vị mộc vô hoả,
Toản toại hà do manh.
dịch:
Trong cây, sẳn có lửa,
Có lửa, lửa tái sanh.
Nếu bảo cây không lửa,
Cọ xát làm gì sanh.
Chú thích 1, Huệ Lộc:
Trong cây sẳn có lửa: Trong cây làm sao mà có lửa được? Tuy nhiên Kinh Lăng Nghiêm nói tánh tứ đại (đất, nước, lửa, gió) chu biến khắp pháp giới. Điều đó có nghĩa là khắp cả mọi nơi trong pháp giới vi trần nầy, chỗ nào có tướng thể duyên sinh thì nơi đó có tứ đại, có một đại thì có đủ bốn đại. Mỗi một đại luôn luôn có kích thước, độ ẩm, di chuyển, nhiệt độ là tánh của đất, nước, lửa, gió. Vì vậy mà nói tứ đại chu biến khắp pháp giới. Trong cây sẵn có lửa là nói nơi đất có sẵn lửa ví như trong mọi chúng sanh đã có sẵn tánh Phật, nên mới có chuyện thành Phật.
Có lửa, lửa tái sanh: Tái sanh là sanh trở lại hay được tạo lại. Nếu đã biết trong cây có lửa, nhờ cây mà tạo ra lửa, chớ không thể nhờ vào vật khác được. Ví như đã biết trong tâm nầy có Phật tánh, thì tìm Phật cũng chẳng phải là việc ngoài tâm của mình.
Nếu bảo cây không lửa, cọ xát làm gì sanh: Nếu thật sự trong cây không có sẵn tánh lửa, thì cọ xát muôn đời cũng chẳng được một chút ít lửa nào cũng như hai vật cách nhiệt dù có chạm mãi vào nhau thì chỉ tan vở, chớ không thể nào làm ra được một đám cháy nào. Cũng vậy, nếu trong tâm không chứa sẵn tánh Phật, thì dù tu hành muôn kiếp chỉ vô dụng, chẳng thấy ông Phật nào của mình cả.
Bốn câu thơ nầy xác nhận lại trong tâm mình có Phật, tâm mình là Phật, đừng chạy tìm kiếm cầu cạnh bên ngoài vì đó không phải là Phật. Kiên trì tu tâm dưỡng tánh, gạn bỏ phiền não ắt có ngày thấy Phật.
Dạy kệ xong, Sư ngồi kiết già thị tịch, thọ 79 tuổi.
2. Sư Vạn Hạnh thời vua Lê Đại Hành: Sư họ Nguyễn, quê ở làng Cổ Pháp, thuở nhỏ thường nghiên cứu Tam Học và Bách Luận. Đến năm 21 tuổi thì xuất gia, cùng Thiền Sư Định Huệ thọ học với Thiền Ông Đạo Giả ở chùa Lục Tổ làng Địch Bảng, phủ Thiên Đức. Sau khi Thiền Ông tịch, Sư kế tiếp trụ trì chùa nầy, và chuyên tập pháp "Tổng Trì Tam Ma Địa" (Pháp Chơn Ngôn Mật Tông) lấy đó làm sự nghiệp. Bấy giờ Sư có nói lời gì, dân chúng đều cho là lời sấm ký. Vua Lê Đại Hành rất tôn kính Sư.
Niên hiệu Thiên Phúc năm thứ nhất (980), tướng Tống là Hầu Nhân Bảo kéo quân sang đánh nước ta, đóng binh ở Cương Giáp, Lạng Sơn, vua Lê Đại Hành mời Sư đến hỏi:
- Quân ta thắng bại thế nào?
Sư đáp:
- Trong ba, bảy ngày thì giặc ắt lui.
Quả đúng như lời Sư đoán.
Có kẻ gian tên Đỗ Ngân âm mưu hại Sư. Biết trước sự việc, Sư đưa cho y một bài thơ:
Thổ mộc tương sanh Cấn bạn Câm (Kim),
Vân hà mưu ngã uẩn linh khâm ?
Đương thời ngũ khẩu thu tâm tuyệt,
Chân chí vị lai bất hận tâm.
dịch
Thổ mộc sanh nhau Cấn với Kim,
Vì sao ôm ấp lòng hận phiền?
Bây giờ tôi biết lòng buồn dứt,
Thật đến sau nầy chẳng bận tâm.
Chú thích 2, Huệ Lộc: Chuyện đời là lý tương sanh, như đất sanh cây rồi cây trở về đất. Có những chuyện sai nên mới có đối trị; có những chuyện thuận lý nên mới hoà sanh (Ngũ hành tương sanh tương khắc) để cho mọi việc được trật tự, ngay thẳng, và điều hoà hợp Đạo. Khi mọi việc được ngay thẳng lại là lý pháp tánh tự nhiên của Đạo. Lý vận hành trong vũ trụ xưa nay, vốn rời xa mọi nhân, ngã. Hiểu vậy thì có gì khởi tâm hận phiền. Tuy nhiên, Sư cũng chẳng bao giờ bận tâm về chuyện nầy nữa.
Được thư nầy, Đỗ Ngân giác ngộ và kính phục Sư, nên không tiến hành âm mưu để hại Sư nữa.
Những thiền sư nầy vốn đã đắc đạo, xem thường công danh phú quí, cho nên có một đầu óc cực kỳ thông minh sáng suốt làm cho giặc Tống phải sợ hãi thu binh. Ngoài ra còn một câu chuyện hết sức đặc biệt về một vị thiền sư chuyển hoá được một ông vua diệt đạo, và mang đất nước Việt Nam đến một thời thịnh trị. Trong thời vua Lê Hy Tông (1678), Thiền sư Tông Diễn hiệu Chân Dung (1640-1711) đời pháp thứ 37, tông Tào Động, quê ở thôn Phú Quân, huyện Cẩm Giang. Khi Sư được 12 tuổi, một hôm bà mẹ chuẩn bị gánh hàng ra chợ bán, dặn con: "Mẹ có mua sẵn một giỏ cua để sẵn ở ao, trưa nay con giã cua nấu canh, trưa về mẹ con mình dùng". Sư ra ao xách giỏ cua lên định giã nấu canh như lời mẹ dặn, song nhìn thấy những con cua tuôn ra những hạt bọt, dường như khóc rơi từng giọt nước. Xót thương quá, Sư không đành đem giã, lại đem đến ao giở nắp giỏ thả hết.
Trưa bà mẹ đi bán về, vừa nhọc nhằn vừa đói bụng, hai mẹ con lên mâm cơm ngồi ăn, bà không thấy món canh cua liền hỏi lý do. Sư thưa :" Con định đem giã, thấy chúng nó khóc, con thương quá đem thả hết" Bà mẹ nổi trận lôi đình, không ăn cơm, chạy lấy roi đánh Sư. Sư sợ quá, chạy một mạch, không dám ngó lại. Bà mẹ đuổi theo không kịp, mệt lả đi trở về. Từ đây đứa con trai bà đi mất luôn.
Khoảng hơn 30 năm sau, đã thành hoà thượng trụ trì, Sư nhớ đến mẹ liền về quê xưa tìm kiếm. Đến một cái quán bán nước trà, một bà lão đầu tóc bạc phơ đang châm trà cho khách. Sư vào quán ngồi, chờ bà lão rảnh, hỏi thăm lai lịch bà lão. Bà thở dài than:
- Tôi, chồng mất sớm, có một đứa con trai mà nó bỏ đi từ lúc 12 tuổi. Thân già hôm sớm không ai, tôi phải lập quán nước trà, kiếm chút ít tiền sống lây lất qua ngày.
Sư hỏi:
- Bà lão ưng ở chùa không, chúng tôi thỉnh bà về chùa để nương bóng từ bi trong những ngày già yếu bệnh hoạn.
Bà nói:
- Tôi già rồi đâu làm gì nổi mà vào chùa công quả, không làm mà ăn cơm chùa tội lắm.
Sư nói:
- Bà đừng ngại, ở chùa có nhiều việc, người mạnh gánh nước bửa củi, nấu cơm, người yếu quét sân, nhổ cỏ. Miễn có làm chút ít, còn thì giờ tụng kinh, niệm Phật là tốt.
Bà lão thấy Sư có lòng tốt bèn nói:
- Nếu Thầy thương giúp kẻ cô quả này, tôi rất mang ơn.
Sư hẹn ít hôm sau sẽ có người đến đón bà về chùa. Về chùa Sư họp tăng chúng hỏi ý kiến có thuận cho bà lão cô quả ấy ở chùa không. Toàn chúng đều động lòng từ bi đồng ý mời bà lão về. Sư cho cất một am tranh gần chùa rồi cho người mời bà lão về ở đây. Mỗi ngày, Sư phân công bà lão quét sân chùa hay nhổ cỏ, tùy sức khoẻ của bà. Sư luôn luôn nhắc nhở Bà tu hành.
Thời gian sau, bà lão có bệnh. Sư cảm biết bà không sống được bao lâu, song vì có duyên sự phải đi vắng năm bảy hôm. Trước khi đi Sư dặn dò trong chúng : "Nếu bà lão có mệnh hệ gì thì chúng Tăng cứ để bà trong áo quan nhưng đừng đậy nắp, đợi tôi về sẽ đậy sau." Đúng như lời sư đoán, bốn năm hôm sau bà lão tắt thở, Tăng chúng làm đúng như lời Sư dặn, chỉ để bà trong áo quan mà không đậy nắp. Vài hôm sau Sư về, nghe bà lão mất còn để trong áo quan. Sư nhìn mặt lần cuối rồi đậy nắp quan lại. Sư lại nói to:
- Như lời Phật dạy: Một người tu hành ngộ đạo thì cha mẹ sanh thiên. Nếu lời ấy không ngoa xin cho quan tài bay lên hư không để chứng minh lời Phật.
Sư liền cầm tích trượng gõ ba cái, quan tài từ từ bay lên hư không, rồi hạ xuống. Ngang đây mọi người mới biết bà lão là mẹ của Sư.
Trong quyển Hồng Phúc Phổ Hệ có đoạn tán thán công đức của sư:
"Diêu Văn Đại Thánh Sư
Thần đức nan tuyên giả
Chỉ tích mẫu quan phi
Niệm kinh Bảo Liên Hoa
Đầu đơn đế nhãn minh
Tiến ngọc quân vương tạ...."
dịch
"Xa nghe thấy Đại Thánh
Thần đức khó nói hết
Gậy chỉ quan (tài) mẹ bay
Tụng kinh Bảo Liên Hoa
Nạp đơn vua mắt sáng
Dâng ngọc quân vương tạ (ơn)...." (sẽ giải thích phần Dâng ngọc cho vua ở đoạn sau)
Sau nầy, chổ quán trà của mẹ, Sư lập một ngôi chùa tên "Mại Trà Lai Tự" ở thôn Phú Quân, huyện Cẩm Giang. Am bà ở để tên là "Dưỡng Mẫu Đường" ở phủ Vĩnh An.
Lại một đoạn khác cũng tán thán lòng hiếu thảo của Sư có hai câu:
" Dưỡng Mẫu Đường linh thế thái vĩnh trường khan
Vọng mẫu tháp trí trà lai nhân tịnh đổ"
dịch
"Dưỡng Mẫu Đường khiến người đời mãi nhớ
Vọng mẫu tháp trí trà lai mọi người thấy"
Năm niên hiệu Vĩnh Trị (1678) vua Lê Hy Tông ra lệnh cho các quan khắp nước bất cứ ở đâu Tăng Ni hoặc già hoặc trẻ đều đuổi hết về rừng núi. Sư biết được tin nầy rất đau lòng, tự nghĩ:
- Tại sao nhà vua đối với đạo Phật lại cho là vô dụng? Nếu ở núi rừng, dù thuyết pháp đá phải gật đầu, giảng kinh được hoa trời rơi loạn, cũng chẳng có lợi ích gì cho chúng sanh. Nếu không hoằng dương được chánh pháp thì làm sao đáp đền ơn Phật, Tổ được! Chỉ riêng tốt cho mình thì làm sao độ được hàm linh trong bể khổ, thật uổng công vào cửa Phật, luống trôi qua một đời.
Sư quyết tâm rời chốn núi hoang về đất thần kinh, mong cảnh tỉnh nhà vua, cứu vãn Phật Pháp trong khi tai nạn. Sư trở về trình thầy là ngài Thông Giác thiền sư để xin phép đến kinh đô. Thiền sư Thông Giác hoan hỉ. Sư đi mấy hôm đến chùa Cổ Pháp, xin phép nghỉ lại trong chùa, vị trụ trì ở đây, tiếp đãi rất ân cần. Suốt đêm Sư toạ thiền đến khi nghe tiếng chuông sáng mới xả thiền, lên điện lễ Phật. Khi lễ, sư nhìn lên thấy tượng Điều Ngự Giác Hoàng (Vua Trần Nhân Tông), sư liền viết bài thơ dâng lên như sau:
Trước là vua sau cũng là vua
Xưa sao kính mộ nay chẳng ưa?
Có linh xin nguyện phen nầy đến
Cửa Khuyết ra vào được tự do
nguyên văn
Tiền quốc vương hề hậu quốc vương
Tiền hà kỉnh mộ hậu hà mang?
Hữu linh tương nguyện kim phiên xuất
Ư cửu trùng môn nhật bất phương.
Ba hôm sau, Sư đến kinh đô vào cửa Đông thì trời đã tối, nghe tiếng mõ ở gần khám đường, ngỡ đây là nhà Phật Tử, bèn gõ cửa. Chủ nhân mở cửa trông thấy Sư liền thỉnh vào nhà. Vào nhà, Sư thấy trên bàn thờ Phật hương đèn trang nghiêm, bèn hỏi:
- Tượng Phật thờ là từ đâu có?
Chủ nhà đáp:
- Tôi là cai ngục, nhân đào đất được tượng đồng nên đem về thờ.
Sư bảo chủ nhà:
- Tượng Phật quí như thế, lẽ nào lại thờ nơi thấp bé thế nầy, tôi muốn cùng anh mai ra phố quyên tải những nhà hảo tâm để mua cây gỗ cất một ngôi chùa nhỏ thờ Phật mới xứng đáng.
Chủ nhà liền bằng lòng.
Sáng hôm sau, Sư ra phố phường quyên tiền, gặp một quan Đề Lĩnh bắt đem về dinh chất vấn:
- Hiện nay lịnh vua truyền khắp nước, tất cả Tăng Ni già trẻ đều phải vào ở trong rừng núi. Ông là người thế nào dám bỏ núi rừng về kinh kỳ đi lại tự nhiên như thế nầy? Có phải khinh thường pháp luật của vua không?
Sư trả lời:
- Mệnh lệnh của vua mà có ai dám trái phạm, chỉ vì kẻ tăng quê mùa nầy ở trong núi sâu được một viên ngọc quí, mang đến đây để dâng hiến nhà vua, xin ông đạo đạt lên vua cho tôi dâng ngọc, dâng xong tôi sẽ trở về núi.
Quan Đề Lĩnh nghe xong liền vào triều tâu lên vua. Vua sai quan Đề Lĩnh ra nhận ngọc đem vào vua xem. Đề Lĩnh về thuật lại Sư nghe.
Sư nói:
- Viên ngọc quí thiêng liêng vô giá, người ăn cá thịt hôi tanh không thể cầm giữ được, dám phiền ông trình lên cho nhà vua cho tự tay kẻ hèn nầy dâng lên cho nhà vua, cho mãn nguyện của kẻ trung thành ở nơi hoang vắng.
Quan Đề Lĩnh vào tâu lại, nhà vua không bằng lòng. Sư than:
- Mặt trời tuy sáng tỏ, không khỏi bị mây che. Mặt trăng dù rạng ngời, khó khỏi đám mây phủ, việc nầy như thế ta biết làm sao?
Sư ở đây ba tháng mà không vào được triều đình, bèn suy nghĩ viết một tờ biểu, nói rõ việc tu hành cách thức làm yên nhà lợi nước một cách rành mạch rõ ràng. Thí dụ đạo Phật như là hòn ngọc quí soi sáng mười phương, phá dẹp mọi mây mờ u tối. Viết xong, Sư để trong một cái hộp đem dán kín cẩn mật, xin cầu quan Đề Lĩnh vào triều tâu lên Vua một lần nữa rằng: "Xin nhà vua chọn lấy một ông quan văn trung trực thanh liêm, tắm gội và trai giới ba ngày, rồi đến chổ vị tăng quê nhận lấy hòn ngọc dâng lên vua." Vị quan văn được đề cử đúng trai giới ba ngày xong, liền đến dinh quan Đề Lĩnh hỏi vị tăng để nhận ngọc. Sư trao cái hộp dặn dò cẩn thận dâng lên tận tay vua. Vị quan văn bưng hộp ngọc đến trước triều dâng lên cho vua, khi mở ra xem chỉ là một tờ biểu, chớ không có hòn ngọc nào. Vua cả giận, phán quan văn đọc tờ biểu cho vua nghe. Vị quan quì đọc xong, vua nghe qua thấy lý lẽ rõ ràng, sự tình đầy đủ, lời văn sáng suốt, ý tứ thâm trầm, bèn ra lịnh quan Đề Lĩnh dẫn vị tăng nầy vào triều.
Khi vào triều, vua cho Sư ngồi một bên trước mặt vua. Vua hỏi những sách lược trị dân. Sư ứng đối sự lý rất dung thông. Khi ấy, vua phán:
- Đạo Phật là viên ngọc quí, chẳng lẽ trong nước chúng ta không dùng Tăng Ni hay khuyên người là thiện, tại sao lại vất bỏ đi? Người tu đem Phật pháp khai hoá dân chúng cũng là phương pháp tốt giúp cho triều đình trị dân.
Vua liền mời Sư ở lại chùa Báo Thiên để bàn luận đạo lý. Thượng hoàng nghe tiếng sai Trung sứ đến nói với vua thỉnh Sư vào cung diễn giảng kinh pháp. Vua cũng đến dự nghe thấu hiểu đạo lý, liền ban cho Sư được quyền ra vào nội cung để tuyên dương chánh pháp, đồng thời ra lịnh thu hồi lệnh trước, để Tăng Ni tự ý trở về chùa mình ở đâu tuỳ duyên giáo hoá. Rõ ràng chuyện ứng với câu mà sư nguyện trước kia ở bàn Phật:
Có linh xin nguyện phen nầy đến
Cửa khuyết ra vào được tự do
nguyên văn
Hữu linh tương nguyện kim phiên xuất
Ư cửu trùng môn nhập bất phương
Vua Lê Hy Tông đã thấm nhuần đạo lý, thành tâm sám lỗi trước của mình, nên tạc hình vua quì mọp để tượng Phật lên lưng để tỏ lòng thành sám hối. Tượng nầy hiện còn thờ ở chùa Hồng Phúc sau gọi là chùa Hoè Nhai, số 19 phố Hàng Thau trung tâm thành phố Hà Nội.
Người Việt Nam trước sau gì cũng mất nước trước sự xâm lăng của Tàu Cộng, đó là một hiểm hoạ to lớn và có thể kéo dài nô lệ hơn cả ngàn năm sau, và hậu quả khổ đau không thể lường được. Hãy nhìn vào dân tộc Tây Tạng hiện nay thì rõ. Chánh quyền cộng sản Việt Nam cần phải nên trả tự do cho Ngài Quảng Độ và các tù nhân đòi hỏi nhân quyền, và lắng nghe những khuyến cáo của Ngài từ lúc nầy và làm theo thì may ra hoạ mất nước có thể thay đổi. Theo thế lực nước ngoài đâu bằng trong nước chiêu hiền đãi sĩ, củng cố lực lượng của mình, thì kẻ thù tất sợ. Do đó mà tránh được hoạ xâm lược, mà còn thịnh trị lâu dài.
Trong Đông Châu Liệt Quốc có ghi lại một câu chuyện Giữa Hai Thế Lực như sau. Vua Văn Công nước Đằng hỏi thầy Mạnh Tử:
- Đằng là nước nhỏ hẹp lại ở giữa hai nước Tề và Sở là hai nước lớn. Vì vậy nên phải chiều cả hai nước, nhưng sức yếu kém làm sao mà chiều được. Chiều một nước thì không ổn, nên dựa vào nước nào để được an vui?
Ngài Mạnh Tử mới trả lời:" Thường việc mình mà cứ cậy người không bao giờ chắc chắn. Chiều Tề thì Sở giận; chiều Sở thì Tề đánh. Vì vậy tôi không nghĩ mưu được. Chỉ còn một cách là tự giữ lấy nước. Muốn tự giữ lấy nước thì đào hào thật sâu, đấp thành thật cao, cai trị cho dân chúng đoàn kết cùng nhau giữ nước. Điều đó có nghĩa là phải trọng hiền đãi sĩ, chiêu mộ nhân tài, dùng tất cả người tài cao đức trọng cùng nhau bàn kế sách gìn giữ quốc gia chống lại giặc thù. Như vậy nếu có biến, chắc dân chúng sẽ liều chết giữ nước với vua.
Như thế là ta dùng lòng dân mà giữ nước, tự sức mà giữ nước. Nếu chiều Tề hay Sở thì không có cách nào được cả" (Mưu Lược Chánh Trị Đông Phương, trang 276)
Trần Hưng Đạo và Trần Quốc Toản tiêu diệt quân Nguyên; Vua Quang Trung đại phá quân Thanh; Nguyễn Trãi với bài Bình Ngô Đại Cáo; Lý Thường Kiệt phá Tống với bài thơ:
Nam quốc sơn hà Nam Đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư,
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!
Ngô Linh Ngọc dịch:
Đất nước Đại Nam, Nam Đế ngự,
Sách trời định phận rõ non sông.
Cớ sao nghịch tặc sang xâm phạm,
Bay hãy chờ coi chuốc bại vong!
làm bọn quân Tàu vở mặt bỏ chạy về Tàu như Tào Tháo thua trận hoả công của Chu Do. Nguyên nhân của mọi việc thắng Tàu là do từ đâu? Đó là lòng dân quân nhất trí kết hợp. Còn nếu chánh quyền không được sự ủng hộ của toàn dân, thì lịch sử còn minh chứng cha con Hồ Quí Ly cướp ngôi nhà Trần không bao lâu thì quân Tàu tràn sang xâm chiếm. Cha con họ Hồ không có lòng dân ủng hộ nên phải tự trói quy hàng, bọn Tàu bắt cả cha con họ Hồ cùng toàn thể gia quyến mang về Tàu giết sạch y như kế gian của Tào Tháo giải gia đình kẻ quy hàng về kinh đô, dọc đường cho người ám sát. Đừng bao giờ nghĩ rằng nịnh nọt trung thành với Trung Cộng, sau nầy hưởng được bổng lộc của chúng. Điều đó không bao giờ xảy ra, đến chừng bọn Tàu thành công thì mạng sống của những kẻ gian nịnh đó cũng không thể giữ được huống chi là có được quyền lợi gì? Tại sao ? Vì "Giết người bịt miệng" là thủ đoạn xưa nay của kẻ ác. Hãy nhìn gương Pol Pot và Ieng Sary bên Campuchia thì rõ. Để lại tiếng xủ ngàn năm.
Đây là lúc mà toàn dân có thể tập trung đoàn kết cứu nước, người cộng sản Việt Nam nên rời bỏ vương quyền, và để cho toàn dân quyết định số phận của đất nước mình. Ngài Quảng Độ là bậc hiền tài có tiếng nói giá trị trên thế giới hiện nay, nhất là trong Việt Nam, mà mọi thành phần trí thức và các giới chức cầm quyền trong các nước dân chủ tự do đều chú ý lắng nghe về trí lực và đức độ của nhân vật tôn giáo nầy, là biểu tượng cho Phật giáo nhập thế mang tính chất trí tuệ, từ bi, cứu khổ, hy sinh, nhẫn nhục vì chúng sanh. Cũng như đức Đạt Lai Lạt Ma, ngài Quảng Độ là một trong những người đã xem nhẹ thân mạng mà coi trọng hạnh phúc và tự do cho chúng sanh, có nhiều tài năng an bang tế thế.
Tây Tạng hiện Bồ tát
Việt nam xuất Kim Cang
Trời cao vầng nguyệt sáng
Ảnh hiện khắp muôn ngàn
Lòng Từ như mây phủ
Tâm Bi tợ sấm vang
Dharlailama cùng Quảng Độ
Siêu xuất bước lên đàng
Quân ma nắm tay chạy
Lũ quỷ phải kinh hoàng
Phật pháp tánh thường trụ
Khuấy mãi chẳng hề tan
Tát biển còn lúc cạn
Không thể phá tâm an
Thế gian dù tận diệt
Tâm Quảng Độ thanh nhàn
(Huệ Lộc)
Huệ Lộc
Tôn Thắng Đạo Tràng
Cẩn Bút
Ngày 22 tháng 6 , 2014 See More
No comments:
Post a Comment