Tuesday, January 17, 2012

Phiên tòa và hành trình đi tìm công lý - Nghìn bước chân, nghìn tiếng kêu liệu có thấu đến trời cao?












Trịnh Kim Tiến - Đây là lần đầu tiên tôi tham dự một phiên tòa, nên cũng chưa hình dung ra được là phiên tòa sẽ như thế nào. Tôi cứ tưởng rằng ở một phiên tòa xét xử công khai thì ai cũng có thể vào dự, chỉ cần mang theo thẻ CMND, nhưng sự thật không phải vậy.

Hôm qua, chỉ có những người thân của tôi, những người bà con ruột thịt của bố tôi có quấn vòng tang trắng thì mới được bước vào bên trong cái cổng công lý cao vời vợi. Còn bạn bè, hàng xóm, hay những người dân quan tâm đến sự việc, thậm chí một nhân chứng tên Nguyễn Đức Minh đã từng lên làm việc với cơ quan công an về việc hành xử dã man của công an trực ban ngày hôm đó cũng không được vào bên trong tham dự phiên tòa, vì lý do không được triệu tập.


Lúc đứng ở trước cổng tòa án, tôi còn sợ rằng hai nhân chứng chính còn lại sẽ bỏ về, khi mà ông Bạch Chí Cường là một trong hai người chứng kiến toàn bộ sự việc lại không nhận được giấy thông báo triệu tập của Tòa án bị một số anh công an gác cổng cản trở việc vào Tòa, mặc dù lúc đó trong phòng xét xử đang đọc danh sách những người liên quan có tên của ông. Sau khi luật sư của gia đình tôi hỏi rõ vấn đề với Tòa, thư kí Tòa có xuống mời hai nhân chứng là ông Phạm Quang Hùng và ông Bạch Chí Cường vào tham gia phiên xử.

Thoạt tiên tôi thấy ngạc nhiên khi phiên tòa không sử dụng đến loa, mic có sẵn. Tất cả những gì đang diễn ra xung quanh với tôi thật lạ lẫm.

Tôi đem lên nộp cho thư kí Tòa một phần chứng cứ mới là lời của những người dân tại nơi xảy ra sự việc mà tôi ghi âm được ngay sau khi sự việc xảy ra.

Luật sư cùng gia đình tôi có yêu cầu tòa hoãn xử vì lý do vắng mặt ba nhân chứng khác - là những người dân tại bến xe Giáp Bát đã khai với cơ quan công an điều tra rằng họ thấy bố tôi chửi bới và ra tay đánh ông Ninh. Luật sư của tôi muốn Tòa triệu tập họ tham gia phiên xử để mọi thứ công khai minh bạch trong quá trình tranh tụng nhưng Tòa không chấp thuận vì lý do là lời khai của họ đã rất rõ ràng trên giấy tờ hồ sơ. Đồng thời tôi cũng đề nghị triệu tập thêm nhân chứng Nguyễn Đức Minh (người đầu tiên đề nghị đưa bố tôi đi bệnh viện khi thấy bố tôi bị đánh) nhưng cũng bị Tòa bác bỏ.

Phiên tòa diễn ra rất nhanh, nhanh hơn rất nhiều so với những gì tôi và luật sư đã nghĩ. Tòa bỏ sót nhiều thứ, khiến luật sư của gia đình tôi không thể tranh luận đầy đủ. Khi chúng tôi yêu cầu đọc phần chứng cứ mới trước phiên xử, hội đồng xét xử cho rằng đã nộp lên đây thì để xem xét, không đồng ý cho tôi được đọc trong phiên tòa. Luật sư phải đề nghị để Tòa cho tôi được tóm tắt sơ qua. Tôi có cảm giác như phiên tòa đang được dẫn dắt một cách kì cục.


Tại phiên tòa tôi đã đưa ra ý kiến rất rõ ràng theo quan điểm của gia đình người bị hại :

"Chúng tôi không chấp nhận tội danh "làm chết người trong khi thi hành công vụ" đối với bị cáo Nguyễn Văn Ninh và những điểm mà cáo trạng nêu ra. Chúng tôi cho rằng hành động của ông ta là hành vi cố ý giết người, lạm dụng chức vụ và nghề nghiệp của mình để gây ra cái chết tức tưởi của bố tôi

Ông Ninh không phải là một người dân bình thường, ông ta là một chiến sĩ CAND, được đào tạo và huấn luyện, có nghiệp vụ và có kĩ thuật chuyên ngành đủ để hiểu lực đánh của mình sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng thế nào, nhưng ông ta vẫn hành động bất chấp, trong khi bố tôi chỉ có một mình và hoàn toàn ko hề có vũ khí trong tay.

Hành động của ông ta vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp của người chiễn sĩ CAND.

Một điểm nữa để chứng minh hành vi của ông ta là cố ý khi ông ta cùng những người trực ban tại đồn Ca Thịnh Liệt ngày hôm đó đã cố tình cản trở việc được cứu chữa kịp thời của bố tôi, không cho bố tôi đi cấp cứu, giam giữ trái pháp luật bố tôi gần 6 tiếng.

Chúng tôi không biết bố tôi phạm tội gì và nghiêm trọng đến đâu mà họ không cho gia đình tôi được tiếp xúc chăm sóc và cho bố tôi ăn uống, thậm chí còn còng tay bố tôi đến tận phòng cấp cứu của bênh viện Bạch Mai.

Là những người bảo vệ pháp luật, hiểu biết luật pháp nhưng lại lợi dụng điều đó để gây ra cái chết cho bố tôi. Là những con người nhưng lại hành xử dã man, mất hết lương tri. Ông Ninh là người đánh, là người trực tiếp gây ra cái chết đó, còn những người trực ban và dân phòng cũng là những kẻ tiếp tay, đồng lõa cùng ông ta.

Gia đình chúng tôi đề nghị Tòa làm rõ thêm hành vi và trách nhiệm liên can của những người dân phòng tham gia ngày hôm đó. Bởi theo như trong cáo trạng thì họ ko có tham gia đánh đập bố tôi mà chỉ giúp ông Ninh khống chế bố tôi, nhưng trong biên bản khám nghiệm tử thi và gia đình tôi thấy, trên người bố tôi lại có những vết tích, vết thương xây sát, và những vết tụ máu. Vậy những vết tích này từ đâu mà ra? Chiếc áo bố tôi mặc trong ngày hôm đó tại sao lại bị đứt hết khuy áo và rách dài trước ngực?

 

Gia đình tôi đồng ý với giải pháp khắc phục hậu quả của gia đình ông Ninh là 500 triệu đồng để lo ma chay, tang phí và các chi phí trong khi bố tôi nằm viện và gia đình tôi không có thêm bất cứ yêu cầu gì về việc bồi thường dân sự. Nhưng việc này chỉ có giá trị giải quyết về mặt dân sự của một vụ án hình sự, còn ông Ninh phải chịu truy cứu hình sự trước pháp luật đúng người đúng tội.Việc đồng ý với giải pháp khắc phục hậu quả trên, không thể xem là một hình thức đền bù, bởi mạng sống của bố tôi là vô giá.

Bố tôi là một người khỏe mạnh, là trụ cột của gia đình, tự nhiên bị đánh chết một cách oan ức. Bà tôi mất đi một người con, mẹ tôi mất đi người chồng và chúng tôi mất đi người cha.Đó là nỗi đau không gì có thể lấy lại được.

Vì vậy tôi kính mong pháp luật công bằng, xử lý nghiêm minh, trừng trị thích đáng những kẻ đã gây ra cái chết oan khất của bố tôi, để lấy lại công bằng cho bố tôi và củng cố niềm tin của gia đình chúng tôi vào pháp luật".

Với vai trò là luật sư của gia đình người bị hại, luật sư của chúng tôi cũng phản đối tội danh mà viện kiểm sát đã đưa ra. Luật sư đề nghị truy tố đúng người đúng tội với tội danh “cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người". Bản thân ông Ninh đã làm sai quy trình pháp luật ngay từ việc xử phạt hành chính bố tôi. Đồng thời, đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự của những người trực ban ngày hôm đó. Họ cũng đã xử lý sai luật, giữ người trái phép trong trường hợp của bố tôi. Ngoài ra, Ls còn đề nghị tòa làm rõ hành vi tham gia đánh đập bố tôi của những dân phòng ngày hôm đó. Cụ thể nhất là trường hợp của dân phòng Đặng Hoàng Anh. Tất cả đã được nêu rõ trong phần luận cứ của luật sư, nhưng Tòa cũng đã không để ý tới những phần luận cứ này.

Nguyễn Văn Ninh
Một điều khiến tôi cùng gia đình không thể chấp nhận và vô cùng bức xúc, đó là thái độ không biết hối lỗi, ăn năn vì hành động đã gây ra cho bố tôi của ông Nguyễn Văn Ninh. Ông ta không hề xin lỗi gia đình tôi, ông ta cho rằng mình làm đúng chức trách, và chuyện xảy ra là điều không mong muốn. Cái cách ông ta bày tỏ chia sẻ nỗi đau mất mát với gia đình tôi trước tòa cứ như là một người không liên quan gì đến cái chết của bố tôi.

Khi Tòa hỏi đến những tấm bằng khen trong 36 năm công tác tại ngành công an thì ông ta thản nhiên trả lời rằng vì sắp về hưu nên ông ta không nhớ là đã để đâu mất rồi. Vậy mà những tấm bằng khen thất lạc trong nhiều năm công tác ấy lại trở thành một yếu tố để cấu thành việc giảm nhẹ tội trạng và xin khoan hồng của ông ta.

Sau khi chuông khoảng mười phút thì cũng là lúc Tòa quyết định kết thúc phiên xử buổi sáng để Tòa nghị án.

Vừa bức xúc và vừa thất vọng, lại nhen nhóm thêm hy vọng vào bản kết án trong buổi chiều, quay lại phía sau hàng ghế trong phiên xử thì thấy các anh công an đang lôi kéo một người bạn của tôi chỉ vì anh này giơ điện thoại lên chụp ảnh ông Ninh từ xa. Họ bắt anh phải xóa bức ảnh đó đi. Cũng bất ngờ, vì tự nhiên thấy mấy người bạn của mình đã ngồi ở hàng ghế dưới rồi, còn cảm động nữa chứ.

Hóa ra khi chuông reo hết giờ làm việc, mọi người cố xin vào để được ở trong phiên xử mấy phút cuối cùng tôi. Đến buổi chiều với lý do là sự cố xe đưa phạm nhân từ Hòa Lò quay lại bị tắc đường, không như dự kiến 2h bắt đầu phiên xử, đến tận hơn 3h phiên xử mới tiếp tục diễn ra. Và Tòa nhận thấy hồ sơ cơ quan điều tra cùng viện kiểm sát đã rõ ràng đầy đủ nên tuyên án 4 năm tù giam đối với Nguyễn Văn Ninh, còn những người khác không phải chịu truy cứu trách nhiệm hình sự nào khác.

Thất vọng xen lẫn với phẫn uất là cảm giác của tôi trong suốt phiên tòa cho đến khi kêt thúc.

Nhưng lấn át tất cả những cảm xúc đó là sự xúc động và niềm tin vào sự thật khi tôi nhận ra rằng, giữa buổi sáng mùa đông lạnh lẽo đến tái da tái thịt, vậy mà mọi người vẫn bên cạnh tôi, cùng chờ đợi và ủng hộ tôi bên ngoài cánh cổng sắt của Tòa án khi không được tham dự phiên tòa. Tôi không biết nói sao để cám ơn tất cả bạn bè, những người quan tâm đến vụ việc của gia đình tôi ở khắp nơi.

Tôi nghĩ rằng, đường đi tìm lại công lý cho bố tôi chắc hẳn sẽ rất còn xa, nhưng tôi không hề run sợ vì tôi biết rằng,ở ngoài kia đang có rất nhiều người đứng bên tôi, ủng hộ tôi.

Tôi thấy mình có thêm sức mạnh và cảm thấy vô cùng ấm áp bởi cái tình người ấy. Cám ơn tất cả mọi người nhiều lắm.

Cả chặng đường dài từ tòa án về nhà, vừa cầm di ảnh bố vừa nghe tiếng gào khóc của người thân, tiếng khóc đau đớn của bà nội, nhìn đứa em gái nấc trong nghẹn ngào, tôi hiểu rằng mình không thể dừng lại khi công lý chưa được thực thi một cách hoàn chỉnh và đúng nghĩa của nó. Một mạng người không thể được đánh đổi bằng một bản án 4 năm tù. Nhất định, tôi sẽ không bỏ cuộc !

Trịnh Kim Tiến

Có hay không hành vi đánh đập?












Trịnh Kim Tiến - Trong vụ án liên quan đến cái chết của bố tôi, gia đình tôi đã đề nghị cơ quan pháp luật xử lý công minh, đúng người đúng tội hành vi của Nguyễn Văn Ninh, yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự của những người trực ban giam giữ trái pháp luật bố tôi gần 6 tiếng đồng hồ, đồng thời xem xét xử lý đối với hành vi tham gia đánh đập bố tôi của số dân phòng trong tổ công tác và trực ban công an phường Thịnh Liệt ngày 28/2/2011.

Gia đình chúng tôi đã đến trụ sở phường rất nhiều lần trong ngày hôm đó, từ 5 giờ chiều cho đến 9 rưỡi – 10 giờ tối để xin cho bố tôi được đi cấp cứu nhưng đều bị làm ngơ. Thậm chí những người trực ban ngày hôm đó không cho gia đình chúng tôi được tiếp xúc và cho bố tôi ăn uống. Họ còn còng tay bố tôi đến tận phòng cấp cứu của bệnh viện Bạch Mai. Việc giam giữ trái pháp luật này cũng là nguyên nhân gây ra cái chết của bố tôi.

Trong phiên tòa ngày 13/01/2012 vừa qua, gia đình tôi có đề nghị Tòa triệu tập thêm một nhân chứng là ông Nguyễn Đức Minh nhưng đã bị Tòa bác bỏ. Ông Minh là người đến ngay sau lúc bố tôi bị đưa về trụ sở công an phường Thịnh Liệt để xin cho bố tôi được đi cấp cứu nhưng không được. Và ông cũng chính là người lúc 9h30 tối đã quay lại công an phường Thịnh Liệt để yêu cầu họ phải đưa bố tôi đi cứu chữa khẩn cấp khi chứng kiến tình trạng nguy kịch của bố tôi.

Trước tình trạng ngày càng trở nặng, mỗi lúc một đau đớn hơn của bố tôi, gần 10 giờ tối công an phường Thịnh Liệt buộc phải cho bố tôi lên xe thùng của phường đi cấp cứu theo yêu cầu của ông Minh và gia đình tôi.

Gia đình chúng tôi phản đối hoàn toàn với những gì đã nêu ra trong cáo trạng:

“Đối với ông Nguyễn Mạnh Cường - Trưởng CAP Thịnh Liệt, ông Hồ Văn Phú, Phạm Đình Ký - các Phó trưởng CAP, ông Nguyễn Văn Lưu - Cán bộ trực ban - khi nghe ông Tùng kêu đau đã đưa ông Tùng đến BV Bạch Mai cấp cứu, không có căn cứ để xác dịnh số người nêu trên có hành vi vi phạm pháp luật nên CQĐT không đề cập xử lý.

Còn phía Tòa án, HĐXX đồng tình với những gì đã nêu trong bản cáo trạng và cho rằng những điều đó là phù hợp .

“Sau khi xem xét các hồ sơ của bệnh viện, xét thấy trên người ông Tùng không hề có có các dấu hiệu bị thương tích, bị xây sát và tụ máu trên cơ thể. Bản Giám định pháp y của Viện pháp y Quân đội kết luận: Nguyên nhân trực tiếp gây tử vong của ông Tùng là tình trạng suy hô hấp, suy tuần hoàn sau chấn thương cột sống cổ, gây trật đốt C4 kèm theo liệt tuỷ.

Tòa nhận thấy những điều trong cáo trạng của cơ quan điều tra là khách quan và chuẩn xác:

“Cơ quan tiến hành tố tụng đã kết luận, khi sự việc xảy ra, Đặng Hoàng Anh là người hỗ trợ Nguyễn Văn Ninh trong việc bắt giữ ông Tùng. Việc hỗ trợ của Hoàng Anh là đúng chức trách, nhiệm vụ được giao và không trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra cái chết của ông Tùng. Do đó, CQĐT không đề cập xử lý.

Đối với ông Nguyễn Đăng Hải, Nguyễn Đức Thành, Nguyễn Đức Quang là dân phòng cùng tổ công tác với Ninh đều có mặt tại hiện trường. Xét thấy những người trên đã thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, không có hành vi đánh ông Tùng.”

Vì vậy ,không ai bị truy cứu trách nhiệm hình sự trước pháp luật ngoài ông Nguyễn Văn Ninh.

Nhưng trong lời của một nhân chứng là người dân tại nơi xảy ra sự việc ngày hôm đó mà gia đình tôi thu âm được nói : “nó không còn sức kháng cự nữa, bất khả kháng rồi, khống chế đánh cho tung lên rồi thì còn gì nữa”.

Cũng theo như trong biên bản kết quả khám nghiệm pháp y:

"Nhiều vết sượt và tụ máu trên thi thể (Dưới xương đòn phải, trên xương đòn trái, cánh tay phải, cẳng tay trái, mông phải ) “ là những tổn thương phần mềm thường gặp trong các trường hợp xô xát được hình thành khi nạn nhân còn sống..."

Không biết, HĐXX có xem qua biên bản này chưa?




Nghìn bước chân, nghìn tiếng kêu liệu có thấu đến trời cao?












Phương Bích - Tôi tính quãng đường từ tòa án ở giữa phố Hai Bà Trưng, đi đến phố Tràng Thi, rồi phố Huế để về đến ngã tư Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt phải đến hàng nghìn bước chân. Mỗi bước chân là một tiếng kêu. Tiếng kêu có lúc khản đi, nhưng nó vẫn đều đặn vang lên không hề ngưng nghỉ. Tôi rưng rưng nước mắt nhìn hai chị em Kim Tiến đi bên nhau, trông chúng bé nhỏ và cô đơn quá trong dòng đời tấp nập đang hối hả trôi đi trên đường. Mặc dầu có nhiều người đứng lại hỏi han, bày tỏ và chia sẻ sự phẫn nộ, nhưng rồi ai sẽ lại trở về nhà nấy, ai nấy sẽ lại quên đi cái vụ án từ năm ngoái, vì bây giờ còn nhiều vụ án mới cứ ngày một nhiều lên....

*

Hôm xử trung tá công an đánh gãy cổ ông Trịnh Xuân Tùng dẫn đến việc ông Tùng tử vong, tôi đến muộn vì mắc chút việc. Ngoài cổng tòa vắng hoe vắng hoét. Gọi điện hỏi bạn bè thì mọi người nói tất cả đang ở cà phê 52 Hai Bà Trưng vì không được vào. Ngay cả người có giấy mời đến muộn, họ cũng hoạnh họe gây khó dễ. Có lẽ vụ án xảy ra đã lâu, có lẽ bây giờ xã hội còn nhiều những mối bận tâm khác như vụ án Đoàn Văn Luyện ra tay sát hại cả nhà chủ tiệm vàng, vụ bắt nhà báo Hoàng Khương, vụ ông Vươn nổ súng vào công an và quân đội khi bị cưỡng chế tài sản, tất cả còn đang nóng hổi nên vụ xét xử kẻ đánh chết ông Tùng người ta đã lãng quên đi ít nhiều?

Ngồi uống cà phê thì ít, nói chuyện trên giời dưới bể thì nhiều. Buổi trưa thì kéo nhau ra cổng tòa chờ đợi gia đình Kim Tiến. Đến lúc tòa giải lao, nghe Kim Tiến thuật lại vắn tắt cho mọi người, chẳng ai còn lòng dạ nào nghĩ đến kết quả xử án. Bởi gần như đã dự đoán trước được kết quả phiên tòa nên ai nấy đều nghĩ đến chặng đường dài tiếp theo. Kim Tiến ấm ức nói tất cả những chứng cớ bổ sung đều không được đưa ra, mỗi lần luật sư bên nguyên lên tiếng đều bị tòa ngắt lời. Ừ! Đã bảo là chúng tôi chẳng còn khả năng ngạc nhiên nữa mà. Tôi nói với cô an ninh quen biết, rằng chắc chưa có nơi nào trong thế giới văn minh người ta lại xử án nhanh như ở ta. Tài thật hay là ngược lại?

Có người hỏi tôi quan hệ thế nào mà lại can dự đến việc xử vụ này. Tôi chỉ muốn kể rằng, khi gặp lại Trí Đức ở trước cổng tòa án, người đảng viên trung thành của đảng, người bị kết án vui là dám lấy mặt đạp vào giày công an Minh, người bị tôi kê kích trong một bài gần đây về cái sự “hồng và chuyên” của cậu ấy trông thấy tôi vẫn cười toe toét và hồn hậu: Em nói thật, lúc đầu ra đây không thấy ai, em nhất định về là em sẽ chửi um lên đấy. Bạn bè cần nhau là ở lúc này chứ lúc nào.

Đấy, đi biểu tình với nhau có hơn 10 bận, vậy mà những người xa lạ chúng tôi bây giờ trở nên nặng tình nặng nghĩa với nhau như thế đấy. Gạt bỏ mọi bất đồng cá nhân, bận mấy cũng phải đến hỗ trợ nhau về mặt tinh thần là chính. Tôi vỗ vỗ vào vai Trí Đức, cảm thấy rất thương mến con người to lớn kềnh càng như hộ pháp này:

- Thực ra chị vẫn ngường mộ em lắm. Năm 2007, khi đó chị vẫn còn chìm đắm trong báo chí “lề phải”, hoàn toàn không biết tý gì về chuyện thanh niên bọn em đã đi biểu tình phản đối Trung Quốc thành lập huyện đảo Tam Sa. Mà ngày ấy đi biểu tình còn nguy hiểm hơn bây giờ nhiều ấy chứ.

Mọi người nói chiều 2 giờ chắc tòa sẽ tuyên án luôn. Trong khi chờ đợi, chị Hiền Giang bảo nghe lỏm được mấy cậu cảnh sát trẻ nói chuyện với nhau:

- Lúc nãy cho mấy đứa chúng nó vào, bị lãnh đạo phê bình đấy. 

- Mấy đứa chúng nó ấy là bọn mình đấy. Cảnh sát bây giờ láo thế. Mấy thằng ranh con chỉ bằng tuổi con mình, phải thằng con mình thì mình vả cho phải gãy mấy cái răng. Ai đời cảnh sát công an bây giờ với nhân dân toàn gọi nhau bằng “chúng nó”, cứ như là địch với ta ấy,

Tôi cười rũ, cứ hình dung một cậu cảnh sát trẻ bị mẹ vả gãy cả răng vì tội láo với mẹ “nhân dân”. Cười xong lại thấy buồn rười rượi.

Hơn 1 giờ chiều, chúng tôi theo gia đình Kim Tiến đi vào tòa. Không thấy ai đứng ra ngăn cản. Lần đầu tiên tôi ngồi trong một phòng xử án, thấy nó là lạ sao đó. Hay tôi quen nhìn thấy mấy cảnh trên phim ảnh nước ngoài rồi. Có lúc cảm thấy cảnh sát còn đông hơn cả người đến dự. Hơn 2 giờ, rồi 3 giờ, vẫn chẳng thấy có dấu hiệu làm việc của tòa. Bà cụ 90 tuổi, mẹ ông Tùng mệt mỏi quá bèn đi xuống cuối phòng, nằm còng queo ở cái ghế dài thiếp đi. Tôi ngồi cạnh chị Hiền Giang, chia sẻ về cái sự đau nhức của tuổi ngoại 50. Tôi còn bảo em tự tập Pháp Luân Công tại nhà đấy, mới có 5 buổi đã cảm thấy đỡ khá nhiều. Cái món này thằng Trung Quốc nó cấm vì sợ cái “Chân, Thiện, Nhẫn” của Pháp Luân Công. Em thì em cóc quan tâm, tao đau thì tao phải tập. 

Thật buồn cười là ngay trong phòng xử án, trước cảnh kẻ nằm người ngồi ngổn ngang vì chờ đợi lâu quá, tôi đứng dậy biểu diễn cách tập mấy bài Pháp Luân Công cơ bản cho chị Hiền Giang xem. Mỗi khi dãn được các cơ bắp đang nhức mỏi, tôi lại nhăn nhó kêu lên nho nhỏ với vẻ khoái trá.

Khoảng 4 giờ chiều người ta mới đưa tay Ninh vào. Bà cụ 90 tuổi bắt đầu khóc ầm lên, gọi con trai ời ời. Tòa dọa nếu cụ không im lặng thì sẽ bị đưa ra ngoài. Dọa mấy lần bà cụ mới nín khóc được. Tôi lắng nghe bà chủ tọa đọc bản án, ngạc nhiên khi thấy tình tiết vụ án khác hẳn với những gì báo chí “lề phải” đã đăng trước đây. Chỉ có đọc thôi mà thấy bà chủ tọa cũng có lúc ngắc nga ngắc ngứ, cứ như vừa đọc vừa nghĩ vậy. Tuyên án xong thì mọi người lục tục ra về, bà mẹ già lại khóc hờ con trai, cứ một hai kêu ới ông đảng và chính phủ ơi...Mọi người mới ra khỏi phòng xử có một nửa thì đèn đóm đã tắt phụt khiến gian phòng tối om. 

Ra khỏi cổng tòa, gia đình Kim Tiến đi bộ về nhà, trên tay ôm di ảnh của ông Tùng và những tờ giấy A4 in những lời tố cáo trung tá công an đánh chết người vì không đội mũ bảo hiểm. Kim Tiến vừa đi vừa nói to:
- Một mạng người chỉ có 4 năm tù. Một mạng người chỉ có 4 năm tù....

Đoàn người đi bộ từ cổng tòa án về nhà Trịnh Kim Tiến. Chúng tôi chỉ định đi theo một quãng, nhưng rốt cục thấy gia đình họ đơn độc quá nên lại tiếp tục đi theo. Cứ mỗi bước chân Kim Tiến lại hô một câu duy nhất ở phia trên. Thoạt đầu tôi không để ý, chỉ mải miết đi theo, lòng dạ còn đang ngổn ngang lo nghĩ về ông bố già đang nằm một mình ở nhà từ sáng đến giờ. Rồi thấy cái tiếng kêu của Kim Tiến vẫn đều đặn vang lên, tôi bắt đầu hiểu cái ý định của nó. Lần đầu tiên tôi thấy thương con bé vô cùng. Tôi vốn hơi khắt khe với nó, luôn cho rằng 22 tuổi là không còn bé bỏng. Nhưng bây giờ nhìn cái gánh nặng trên vai nó, tôi mới thấy quả là nó còn quá trẻ để gánh vác. Trong khi bà nội quá già yếu, em gái còn nhỏ, mẹ thì chỉ là người đàn bà buôn bán nội trợ, cô gái mới 22 tuổi bỗng trở thành người đại diện duy nhất của gia đình. Tôi xót xa nhìn gương mặt xinh xắn đanh lại của Kim Tiến, nó ráo hoảnh không một giọt nước mắt trong khi cô em gái mếu máo khóc bố. Có lẽ lúc này, Kim Tiến cố phải trở nên mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho bà, cho mẹ và em, nên nó không cho phép mình khóc chăng?

Tôi tính quãng đường từ tòa án ở giữa phố Hai Bà Trưng, đi đến phố Tràng Thi, rồi phố Huế để về đến ngã tư Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt phải đến hàng nghìn bước chân. Mỗi bước chân là một tiếng kêu. Tiếng kêu có lúc khản đi, nhưng nó vẫn đều đặn vang lên không hề ngưng nghỉ. Tôi rưng rưng nước mắt nhìn hai chị em Kim Tiến đi bên nhau, trông chúng bé nhỏ và cô đơn quá trong dòng đời tấp nập đang hối hả trôi đi trên đường. Mặc dầu có nhiều người đứng lại hỏi han, bày tỏ và chia sẻ sự phẫn nộ, nhưng rồi ai sẽ lại trở về nhà nấy, ai nấy sẽ lại quên đi cái vụ án từ năm ngoái, vì bây giờ còn nhiều vụ án mới cứ ngày một nhiều lên.

Nước mắt chảy dài theo những bước chân. Tôi muốn dừng lại lắm mà không nỡ. Cùng với tôi là chị Hiền Giang, Thúy Hạnh, Trí Đức, bác Trâm (bà còng) vẫn đi theo sau gia đình Kim Tiến cho đến đầu đường Trần Khát Chân mới dừng bước. Tạm biệt Kim Tiến, chúng tôi ra về trong lúc trời đã nhập nhoạng tối. Trở về chỗ gửi xe thì thành phố đã lên đèn. Trong khi phóng như bay về nhà, trong tâm trí tôi vẫn văng vẳng tiếng kêu của Trịnh Kim Tiến. Nghìn bước chân, nghìn tiếng kêu! Liệu có thấu đến trời cao?

10 comments:

  1. donlinhduy_thieugia@yahoo.comJanuary 17, 2012 at 9:18 AM

    Đảng cướp mafia CSVN đã cướp của, giết hại hàng triệu sinh linh từ 1932 đến nay. Chẳnng lẽ chúng lại truy tố đồng bọn và bộ hạ vì cái tội mà đảng cướp đã thường xuyên thi hành hay ra lệnh giết, thủ tiêu v.v... Do đó việc ra tòa chỉ là hình thức my dân và bịp bợm để bao che cho đồng bọn mà thôi. Công lý không bao giờ có trong chế độ bạo quyền Hà nội. Biết rõ thế nhưng không lẽ ngồi yên để mặc bọn chúng tung hoành.

    ReplyDelete
  2. Tin làm sao kẻ cướp,vừa cướp vừa tìm cách bịt mồm người ta.Tội giết người diệt khẩu là tội của đảng cộng ta.
    Chúc cô Tiến nhiều sức khỏe đấu tranh cho công lý

    ReplyDelete
  3. Hồ Nguyễn ( Bảo Lộc )January 17, 2012 at 11:10 AM

    Kim Tiến hãy cố lên!
    Tôi cảm thông và ủng hộ bạn

    ReplyDelete
  4. Những người bị áp bức hãy đoàn kết lại! Chúng ta phải giành lấy vận mạng của mình. Nếu chúng ta không làm thì ai làm???

    ReplyDelete
  5. Một đất nước không có nhân quyền thì luật lệ chỉ phục vụ cho những kẻ cầm quyền. Muốn có nhân quyền thì phải đấu tranh cho dù phải hy sinh một đời, hoặc một hai thế hệ.
    Người dân trên đất nước mình ai ai cũng có thể là nạn nhân của chủ nghĩa độc tài, có điều sự việc đó chưa xẩy ra đến mình hoặc gia đình mình. Không sớm thì muộn!

    ReplyDelete
  6. Toà tuyên án 4 năm tù đối với ông Ninh chẳng qua là hình thức kỷ luật đảng , ngành vì ông Ninh đánh người giữa ban ngày ban mặt , mọi người ai cũng thấy nên không thể chối tội (Sai nghiệp vụ , tai nạn nghề nghiệp ). Nếu ông Ninh bắt anh Trịnh Xuân Tùng về đồn công an rồi đánh chết ! Không những ông Ninh có tội mà còn có công với đảng không chừng còn được thăng quan tiến chức như bao vụ án đã từng xãy ra trong cà nước ( Công an đánh chết người trong dồn đâu có ai bị tù )

    ReplyDelete
  7. Chúc Kim Tiến và gia đình mạnh khỏe để tiếp tục hành trình tìm lại công lý cho Bố. Biết rằng nó lắm chông gai

    ReplyDelete
  8. Dân Miền Tây nói thậtJanuary 18, 2012 at 12:55 PM

    Thượng bất chính hạ tắc loạn.Cả một cái băng đảng bảo vệ nồi niêu soong chảo cho nhau từ phủ Ba Đình trở xuống.To đầu ác độc với nhân dân có 700 tờ báo bao che tấn công nạn nhân .Còn dùng bao cao su để gán tội.Những con chó săn đảng nuôi để hà hiếp áp bức xâm hại dân đen luôn luôn được đảng đãi ngộ xứng đáng vì làm đúng năng chức còn đảng còn mình.Ngư dân hoạt động trong biển đảo mình bị tàu Trung quốc bắn giết đảng im re ,công an quân đội vác súng đứng nhìn.Người dân khác quan điểm chính kiến với đảng bị bỏ tù . Đi biểu tình yêu nước đòi Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam bị cho vào khám bóc lịch .
    Thế cho nên vác chiếu đi kiện cái đảng cướp chính quyền ,danh bất chánh ngôn bất thuận chỉ có chuốc thêm công sức phí bỏ.
    May ra có một mùa Xuân Á Rập mới có cơ hội tìm công lý trong một chính quyền do tự tay dân chọn .

    ReplyDelete
  9. HÃy vững bước lên KIM TIẾN và gia đình cũa em ,BỠI VÌ CÔNG LÝ CHĨ CÓ MỘT THÔI -Xưa kia có tiếng bom phạm hồng thái và thời nay có tiếng mìn cũa anh Doàn văn Vươn oan trái đã ngút trời cao , BÀ CON ƠI hãy biễu hiện hành động cũa mình cho lũ mọt DÀN hại nước này biết chúng ta cần tự do và công bằng cho tất cã ĐỒNG BÀO VN

    ReplyDelete
  10. "...Một mạng người không thể được đánh đổi bằng một bản án 4 năm tù. Nhất định tôi sẽ không bỏ cuộc !" Trịnh Kim Tiến.--- Chị không thể bỏ cuộc. Mọi người đứng bên cạnh chị và dồn sinh lực cho chị. Bác Tùng sẽ gia hộ cho chị. VOng hồ của bác Tùng cùng với hàng triệu triệu vong linh của những nạn nhân cs gia hộ cho chị, và đồng hành với chị. Dân Tộc VIỆT NAM đồng hành với chị. Chị KIM TIẾN thân yêu.

    ReplyDelete