PARIS, 15 tháng 6 năm 2018 (PTTPGQT) – Sáng thứ năm 14-6-2018, Tân Đại sứ Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink đã đến Thanh Minh Thiền Viện ở Saigon vấn an Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) Thích Quảng Độ, nơi ngài bị quản chế từ nhiều năm qua. Tháp tùng Đại sứ có bà Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ Mary Tarnowka, Tham tán Chính trị toà Tổng Lãnh sựJustin Brown, và hai nhân viên Sứ quán. Đây là cuộc viếng thăm GHPGVNTN đầu tiên của ông Tân Đại sứ từ khi ông đến Hà Nội nhận nhiệm sở tháng 11 năm 2017.
Qua cuộc điện đàm Saigon – Paris chiều thứ năm với ông Võ Văn Ái, Đức Tăng Thống cho biết cuộc gặp gỡ rất thân tình, cởi mở. Nhân dịp này Đức Tăng Thống đã gửi ông Tân Đại sứ và phái đoàn bản Ghi nhớ (Memorandum) về tình hình GHPGVNTN bị đàn áp, phong toả suốt mấy chục năm qua, về chính sách tôn giáo ngày càng thắt chặt, khắc khe, quan hệ Việt – Trung căn thẳng trong dư luận quần chúng vì Dự luật ba Đặc khu kinh tế – Hành chính, cũng như Dự luật An Ninh Mạng vừa thông qua.
Trong bản Bình luận về hiện tình Việt Nam trao ông Đại sứ, Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ viết rằng :
“Tôi rất hân hạnh chào mừng ngài Đại sứ và Bà Tổng Lãnh sự đến Thanh Minh Thiền viện hôm nay. Xin cảm tạ cuộc viếng thăm thân ái, và cảm kích mối quan tâm quý vị dành cho tôi cũng như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN).
“Như quý vị chứng kiến liêu phòng tôi đang cư trú. Tuy nhỏ hẹp nhưng đây là không gian tôi sống suốt 15 năm qua. Nhà cầm quyền chẳng hề xét xử tôi mắc tội gì – họ còn tuyên bố tôi hoàn toàn được tự do. Thế nhưng tự do tôi giới hạn trong bốn bức tường. Tôi mất quyền tư do đi lại, mọi liên lạc của tôi bị theo dõi, công an canh gác tôi ngày đêm.
“Nhà cầm quyền mưu tính giam hãm tôi ở đây để biến tôi thành người câm. Y hệt như công an bạo hành trong mấy ngày qua để ngăn cấm tiếng nói của nhân dân qua các cuộc biểu tình trên toàn quốc chống lại những luật mới cho phép bán rẻ quyền lợi đất nước và kiềm toả quyền biểu đạt của người dân.
“Như quý vị đã biết, Quốc hội đang thảo bàn để thông qua Luật Đặc khu Kinh tế – Hành chính cho phép nước ngoài thuê đất trong vòng 99 năm, khởi sự với 3 Đặc khu Vân Đồn (gần Quảng Ninh cạnh biên giới Việt-Trung), Bắc Vân phong (gần tỉnh Khánh Hoà), và đảo Phú Quốc. Người Việt Nam chúng tôi biết quá rõ tham vọng của người láng giềng phương Bắc, vì Việt Nam đã từng bị Trung quốc đô hộ một nghìn năm. Những cuộc biểu tình nổ ra cuối tuần qua là phản ứng tự phát chống lại sự nhường đất và tài sản quốc gia.
“Các phản kháng chống đối này không chỉ là những tia lửa biểu hiện tình cảm dân tộc. Nhiều cuộc biểu tình còn chống đối Luật An Ninh Mạng vừa được Quốc hội thông qua. Luật này vi phạm nghiêm trọng tự do biểu đạt trực tuyến, cho phép nhà cầm quyền Hà Nội sử dụng những dụng cụ mới kiểm soát Internet, bỏ tù những ai phê phán, bóp họng giới bất đồng chính kiến. Tôi cám ơn Hoa Kỳ đã mạnh mẽ thúc giục Việt Nam tuân thủ luật quốc gia tương đồng với những cam kết quốc tế.
“Mặc dù bị giam nhốt trong Thiền viện này, tôi vẫn cảm thấy liên hiệp với những ai xuống đường, hy sinh cá nhân mình để bảo vệ lý tưởng. Sự phản kháng của họ là lời cảnh cáo chính quyền – cảnh cáo rằng phải bảo vệ chủ quyền, tổ quốc, nhưng cũng là lời cảnh cáo phải chuyển bước sang thể chế đa nguyên, dân chủ và tôn trọng nhân quyền.
“Kể từ năm 1975, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) và tôi luôn nhấn mạnh Việt Nam không thể phát triển và tiến bộ khi chưa có dân chủ và nhân quyền. Trong nhiều lần kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam và Đảng Cộng sản, tôi khăng khăng nhấn mạnh chẳng sao bảo vệ đất nước, nếu chối từ quyền bình đẳng tham gia quốc vụ của người dân.
“Ngay cả quyền tự do tôn giáo cũng không thể hiện hữu khi chưa có dân chủ và nhân quyền. Luật Tín ngưỡng Tôn giáo mới chỉ cho phép chúng tôi chút đỉnh quyền cúng kiến, nhưng tự do tôn giáo thưc sự vẫn còn là điều cấm kỵ.
“Tôi tin rằng bất cứ ở đâu, tự do tôn giáo là xương sống, đặc biệt rất hệ trọng cho Việt Nam,. Các cộng đồng tôn giáo, đặc biệt Phật giáo với 2000 năm lịch sử có mặt tại Việt Nam, là một trong những tổ chức xã hội dân sự duy nhất tại Việt Nam hôm nay, có thể đóng góp chính yếu trong vai trò đối thoại và phát triển. Không riêng tại Việt Nam mà cho toàn khu vực Thái Bình dương. Ở thời đại khủng bố toàn cầu mà một số tôn giáo cực đoan làm nền tảng cho những tranh chấp, thì sự hiện hữu của minh triết hoà bình, khoan dung như Phật giáo có thể đóng góp to lớn cho sự ổn định, hài hoà và an ninh trong vùng. Phật giáo có thể mang lại đời sống tâm linh và uy thế đạo đức để giải quyết các vấn nạn như tội ác, ma tuý, mại dâm và bạo hành xã hội, hiện đang là tai hoạ cho xã hội Việt Nam hôm nay.
“Thưa Ngài Đại sứ, tôi hy vọng ngài sẽ tìm đủ cách bảo đảm cho Hoa Kỳ đặt tự do tôn giáo và nhân quyền vào trung tâm quan hệ với Việt Nam. Xin Ngài hãy quan tâm thúc đẩy trong riêng tư hay công khai để Việt Nam chấm dứt cuộc bách hại GHPGVNTN, cũng như các cộng đồng tôn giáo không được thừa nhận, được phục hồi quyền sinh hoạt pháp 1ý và trả lại cho chúng tôi quyền tự do sinh hoạt tôn giáo.
“Một lần nữa xin cảm tạ Ngài Đại sứ cuộc thăm viếng hôm nay, cầu chúc Ngài Đại sứ mọi thành công như ý trong thời gian công tác tại Việt Nam”.
“Sa Môn Thích Quảng Độ
Đệ Ngũ Tăng Thống GHPGVNTN” (1)
Đệ Ngũ Tăng Thống GHPGVNTN” (1)
Trong bản Ghi chú 12 trang về tình hình GHPGVNTN, ĐứcTăng Thống cũng đưa ra 8 điều thỉnh cầu :
- Thứ nhất, Việt Nam phải công nhận quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) cũng như các cộng đồng tôn giáo “không được thừa nhận”, và để cho các tôn giáo toàn quyền sinh hoạt tôn giáo;
- Thứ hai, Trả tự do cho tất cả Tăng Ni, Phật tử bị quản chế hay bị giam tù vì đã hành xử bất bạo động hay biểu đạt lòng tin tôn giáo của họ;
- Thứ ba, Chấm dứt mọi sách nhiễu, hăm doạ các thành viên thuộc GHPGVNTN, kể cả các đoàn sinh tổ chức Gia Đình Phật tử Việt Nam, và trả lại họ quyền tự do sinh hoạt trên các lĩnh vực giáo dục, tâm linh, nhân đạo, xã hội cho sự phát triển đất nước;
- Thứ tư, Hoàn trả GHPGVNTN mọi cơ sở bị nhà nước cưỡng chiếm sau năm 1945 ở miền Bắc, và sau năm 1975 tại miền Nam;
- Thứ năm, Bãi bỏ hoặc sửa đổi các sắc luật tôn giáo giới hạn các sinh hoạt tôn giáo hoặc bị Đảng Cộng sản kiểm soát; sửa đổi Luật Tín ngưỡng Tôn giáo mới tương hợp với Điều 18 của Công ước quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị (ICCPR);
- Thứ sáu, Bãi bỏ các điều luật mơ hồ trong Bộ Luật Hình sự đang phạm-tội-hoá các hành xử tự do tôn giáo hay tín ngưỡng;
- Thứ bảy, Bãi bỏ Luật An Ninh Mạng và các luật vi phạm tự do biểu đạt trực tuyến hay ngoài luồng để tuân thủ các quyền nêu tại Điều 19 của Công ước quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị (ICCPR);
- Thứ tám, Bảo đảm các quyền cơ bản về tự do tư tưởng, biểu đạt, hội họp, và lập hội, như đã được bảo đảm trong Công ước LHQ về Các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) mà Việt Nam đã tham gia ký kết.