- Sáng Hội Rafto kỷ niệm 30 năm hoạt động cho Nhân quyền Thế giới
- Danh xưng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đến từ đâu, cùng những hệ luỵ chụp mũ tuỳ tiện
Hoặc từ nguồn Đai Á Châu Tự Do :
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/rafto-foundation-for-hr-yl-11282016074236.html | |
Câu Chuyện Cuối Tuần – Bai 3 về Danh xưng GHPGVNTN đến từ đâu, cùng những hệ luỵ chụp mũ tuỳ tiện — Xin xem văn bản dưới đây :
|
THÔNG CÁO BÁO CHÍ LÀM TẠI PARIS NGÀY 29-11-2016
PARIS, ngày 29.11.2016 (PTTPGQT) - “Câu Chuyện Cuối Tuần” là một đề mục của Đài Phật giáo Việt Nam phát thanh về trong nước, trình bày vấn đề Phật Pháp & Thời luận phát thanh mỗi thứ sáu hàng tuần, do ký giả Triều Thanh phụ trách.
Hôm nay xin mời bạn đọc theo dõi bài 3 và cũng là bài kết thúc, Cư sĩ Võ Văn Ái nói về“Danh xưng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đến từ đâu, cùng những hệ luỵ chụp mũ tuỳ tiện”, chép lại và bổ sung từ cuộc phỏng vấn của Triều Thanh qua chương trình Đài hôm thứ sáu 18-11-2016. Bài 1 và Bài 2 đã phát thanh trên chương trình thừ sáu 28-10-2016, và thứ sáu 4-11-2016 và đăng tải trên Thông cáo Báo chí phát hành ngày 4-11-2016 :
Danh xưng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
đến từ đâu, cùng những hệ luỵ chụp mũ tuỳ tiện
Bài 3
Triều Thanh : Thưa ông Võ Văn Ái, trong những năm gần đây, cứ vào khoảng tháng 10 người ta thấy trên mạng rất nhiều bài tôn vinh Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Không chỉ tôn vinh, nhớ tiếc hay cầu hồn cho vị tổng thống, mà nhắm chỉ vào Phật giáo để hạch tội, xem như kẻ thù truyền kiếp của chế độ Đệ nhất Cộng hòa. Ông nghĩ sao về hiện tượng này ? So chiếu trên phương diện lịch sử những phê phán như vậy có đúng không ?
Võ Văn Ái : Tôi nghĩ rằng người dân thuộc bất cứ chính kiến hay tôn giáo nào đều được quyền tưởng niệm, tôn vinh các nhân vật lãnh đạo đất nước. Nhưng lợi dụng tôn vinh một người, rồi đem cả hàng triệu Phật giáo đồ ra xỉ vả, xử tội, kết án thì đấy là chuyện bất thường, nếu không nói phi pháp.
Võ Văn Ái : Chúng ta là người Việt theo chế độ dân chủ, thì mọi sự phải xử lý thông qua pháp luật, chứ không thể đem tư ý vào việc luận tội. Nay không còn quốc gia như trước, thì các nhà khảo cứu có thể góp công suy tìm sự thật, viết thành sách chứng minh. Tiếc thay, hiện tình cộng đồng không theo hướng đó, mà có số người nghiêng về phía phục thù, tố giác thiếu bằng chứng. Không thể đem ý kiến chủ quan hồ đồ phán xét. Vụ tranh đấu Phật giáo năm 1963, không còn là chuyện mới xẩy ra hôm qua. Tính đến nay là đã 53 năm. Thời gian khá đủ, tư liệu ngày càng dồi dào với những nhân chứng, đặc biệt các tài liệu của Hoa Kỳ được giải mật mang lại nguồn sáng soi rọi vào một giai đoạn lịch sử tối tăm của đất nước ta.
Thiển kiến tôi một người có lương tri, chịu nghiên cứu, tìm hiểu, chịu khó đọc các tài liệu dồi dào như thế, không thể nào lên tiếng tố cáo những điều chỉ có thật trong khối óc tưởng tượng của họ, nhưng không hề có trong thực tế.
Triều Thanh : Đa số những bài viết còn tố giác một số chư Tăng lãnh đạo và phong trào tranh đấu Phật giáo năm 1963 là Cộng sản. Là người trong cuộc, ông phân tích như thế nào lời tố giác ấy ?
Võ Văn Ái : Phật giáo bị chụp mũ, không còn là chuyện lạ. Lạ là chụp hai ba thứ mũ khác nhau lên một đầu người ! Phía Cộng sản, như tôi trình bày ở các bài trước, đã gán cho Phong trào Chấn hưng Phật giáo từ những năm 20 thế kỷ trước là “âm mưu của chính phủ Pháp”. Họ làm như Phật giáo đồ, theo nền tín ngưỡng trí tuệ chẳng biết làm gì khác để phát huy đạo Phật của mình, ngoài việc làm đầy tớ cho thực dân Pháp !
Sang thời đệ nhất và đệ nhị Cộng hòa, thì ông Trần Bạch Đằng, biệt danh Tư Ánh, thuộc Trung ương Cục Miền Nam và chỉ huy vùng Saigon – Chợ Lớn dưới thời chiến tranh Mỹ Việt, thì báo cáo cấp trên rằng Hòa thượng Trí Quang, linh hồn của Phật giáo miền Trung, là “loại CIA chiến lược”. Ông Trần Bạch Đằng nêu một số sự kiện minh chứng Hòa thượng Trí Quang làm tay sai cho Mỹ như sau :
“Năm 1964 nhân trận lụt lớn ở miền Trung, quân Giải phóng chuẩn bị nhổ các đồn bót ngụy, Thượng tọa Trí Quang nêu khẩu hiệu “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Cứu lụt”. Cờ 5 màu dựng trên các canô, tàu máy bay trực thăng cứu sạch bọn ngụy quân. Cũng năm 1964 nhân dân phẫn nộ chính quyền quân phiệt ngụy, Mặt trận Giải phóng Miền Nam nêu khẩu hiệu chống quân phiệt để đẩy mạnh Phong trào đô thị, Thượng tọa Trí Quang lập Hội đồng Nhân dân Cứu quốc miền Trung đòi Chính phủ Dân sự, gom hết quần chúng về phía mình và đạp xẹp khẩu hiệu của ta. Năm 1965 Mỹ đổ quân trắng trợn xâm lược miền Nam Việt Nam, Mặt trận Giải phóng Miền Nam đẩy mạnh phong trào Chiến tranh Cách mạng chống Mỹ xâm lược, Thượng tọa Trí Quang nêu khẩu hiệu “Cầu nguyện Hòa bình” làm hạn chế cuộc đấu tranh chống Mỹ của ta”.
Đọc các hành động thù ứng cứu người của Phật giáo trên đây, mới thấy lòng từ bi cứu khổ thể hiện sự đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo trong những nghĩa cử trải dài hai nghìn năm lịch sử.
Và nay, một số người tự nhận là “quốc gia” lại quay đi quay lại một dĩa hát cũ thời tranh chấp đã qua do những nhân vật lãnh đạo cao cấp như ông bà Ngô Đình Nhu “chụp mũ” phong trào Phật giáo tranh đấu 1963 là “Cộng sản”.
Không gì nghịch lý hơn, khi ta biết rằng, từ mùa hè năm 1955, chính phủ Ngô Đình Diệm phát động chiến dịch “Tố Cộng và Diệt Cộng”. Điều 7 của Hiến pháp năm 1956 ghi rõ “những hành vi có mục đích phổ biến hoặc thực hiện một cách trực tiếp hay gián tiếp chủ nghĩa cộng sản dưới mọi hình thái đều trái với nguyên tắc ghi trong Hiến pháp”. Rồi tiếp tới Đạo luật 10/59 ban hành tháng 5 năm 1959 tăng mức hình phạt cho những ai liên hệ đến chủ nghĩa Cộng sản, đồng thời mở thêm một hệ thống Tòa án Quân sự Lưu động để xử bị cáo. Trong thời gian từ năm 1954 đến năm 1960 có 48,250 người bị bắt giam vì tội danh “cộng sản”.
Đã có một hệ thống diệt cộng bằng pháp luật như thế, thì tại sao không đưa phong trào tranh đấu Phật giáo năm 1963 ra pháp đình xử tội Cộng sản, nếu sự “chụp mũ” Phật giáo là Cộng sản có thật ?
Một số người viết bài hay trả lời phỏng vấn truyền hình ngày nay vẫn ung dung tố giác Phật giáo là Cộng sản, họ không ngờ rằng chính họ đang tố cáo lãnh đạo Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hòa là Cộng sản, nếu không là dung dưỡng Cộng sản ? Pháp luật cả hai trào Cộng hòa đều đặt Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, thì sao không mang chư Tăng giáo phẩm lãnh đạo Phật giáo hay toàn phong trào Phật giáo ra tòa kết án ?
Miệng thì đồn thổi Phật giáo là Cộng sản, nhưng hành động thì không dám áp dụng Đạo luật 10/59 để chứng minh lời tố cáo của mình là đúng ? Chẳng những thế, còn mở cửa Hội trường Diên Hồng tại Saigon ngày 26-6-1963 đón tiếp Phái đoàn Phật giáo do Cố Thượng tọa Thích Thiện Minh dẫn đầu. Phía chính quyền tiếp đón là Ủy ban Liên Bộ gồm có Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ, Bộ trưởng Phủ Tổng Thống Nguyễn Đình Thuần, và Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Bùi Văn Lương. Kết quả sau 3 ngày thương thảo là Bản Thông cáo chung giữa Chính quyền và Phật giáo, nhằm giải quyết vấn đề Phật giáo. Thế nhưng chính quyền đã nuốt lời không thực hiện cam kết. Nên cuộc tranh đấu tiếp diễn đưa tới sự sụp đổ của nền Đệ nhất Cộng hòa.
Đọc kho tài lệu giải mật của Hoa Kỳ chẳng thấy dấu vết gì trong các báo cáo mật về chư Tăng và Phong trào Phật giáo là Cộng sản, hay thi hành chỉ thị Cộng sản.
Những người viết bài hạ nhục, mạ lỵ Phật giáo là Cộng sản lấy chứng cớ đâu làm luận điểm vu cáo ?
Tôi thấy rất thương tâm khi nghe trên Youtube lời ông Huỳnh Văn Lang tố cáo Phật giáo là Cộng sản. Tôi nghĩ một người như ông không nên tố bậy như thế. Ông là một nhân sĩ miền Nam, ông có đủ tất cả những chi người đời ao ước, như tiền bạc, hạnh phúc, học hành, địa vị, chức tước. Có lúc ông là Bí thư cho Tổng Thống Ngô Đình Điệm, từng giữ chức Bí thư Liên Kỳ Bộ Nam Bắc Việt Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng. Quá đủ cho tham vọng một đời người. Nay ông chụp mũ Phật giáo một cách vu vơ, không bằng chứng, thì sự ác khẩu này chẳng mang lại thêm chút danh giá gì cho ông Lang.
Ông vu hãm theo điệu gia trưởng, rằng “Tôi ghét nhứt là cái láo” bởi vì Cộng sản là chúa láo. Tại sao các Thầy bắt chước láo như Cộng sản ? Tại sao Phật giáo bắt chước láo như Cộng sản ?
Tam đoạn luận của ông quá thô thiển và hỏng từ trứng nước.
Từ một nhận xét chủ quan, ông Huỳnh Văn Lang biến thành một nhận định có tính phán xét. Do cung cách hoạt động tài chính và chính trị của ông, thì ngoài chuyện đi săn, ông không còn thì giờ tìm hiểu lịch sử Việt Nam và văn hóa dân tộc. Ông thuộc số người mà lịch sử Việt Nam chỉ bắt đầu từ thế kỷ XVI, XVII. Nghĩa là không có các Vua Hùng cho đến các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê về sau.
Cách ăn nói và vận dụng “triết học” mà ông khá tự hào, cho thấy ông thù ghét Phật giáo như một bệnh lý, mà ta thấy qua cuộc phỏng vấn của ký giả Ngô Đình Vận trong Chương trình Văn hóa Nhân bản Lạc Việt. Nhân nhắc lại Phong trào người Vượt Biển, ông Huỳnh Văn Lang tố cáo Thái Lan là một nước “vô cảm”. Ông Lang khẳng định :
“Phong trào Vượt Biển gồm có một triệu hai trăm nghìn người, 1/3 chết. Chết ở đâu ? Chết nhiều nhất là Vịnh Thái Lan. Tại sao Thái Lan là nước 100% Phật giáo mà chỉ sản xuất ra những tên cướp, tên hãm hiếp, giết người ? Tại sao một nước xa xôi như Pháp sản xuất một tàu đi cứu ? Một nước ở kế bên lại vô cảm. Vậy mấy ông thầy chùa ở đâu ? Nước Thái vô cảm !”
Đánh giá hàm hồ cho một quốc gia, một dân tộc theo Phật giáo như thế, có còn là tư cách của một người Thiên chúa giáo đầy lòng bác ái và công chính hay không ?
Ký giả Ngô Đình Vận là người rất mực cung kính ông Lang, có phần xem ông Lang như thần tượng. Nhưng trước lời bình phẩm sai sự thật, Ông Vận phải giải thích ngay :
“Cháu xin góp ý kiến vì cháu là người tị nạn. Cướp là ở các tỉnh phía Nam Thái Lan giáp Mã Lai, họ theo Hồi giáo không theo Phật giáo. Phật giáo chỉ ở các tỉnh phía Bắc, cách đối xử cũng khác qua lại giữa dân chúng. Cháu nghĩ khi Bác nói tổng quát về nước Thái Lan như vậy cần nghiên cứu kỹ dân số họ”.
Mỗi khi đề cập tới Phật giáo, ông Huỳnh Văn Lang tỏ ra mất hẳn lý trí phân tích khoa học để sa đà theo thành kiến kỳ thị tôn giáo. Thử hỏi một lãnh tụ Cần Lao như ông khi có chính quyền trong tay, thì quan điểm tôn giáo của Nhà nước ấy sẽ tai hại như thế nào cho sự hòa hợp dân tộc ?
Công đồng Vatican là nỗ lực bao dung tôn giáo của Giáo triều La Mã đầu thập niên 60. Nhưng ông Huỳnh Văn Lang vẫn chưa theo kịp, nên ông tiếp tục nhìn Phật giáo theo luận điểm của Cố Alexandre de Rhodes qua sách “Phép giảng Tám ngày”, gọi đức Phật là “tên Mọi đen”, một “thằng nói láo”.
Cách đánh giá tuỳ tiện về Thái Lan của ông Huỳnh Văn Lang vô tình ông đã bội ơn với chính người đồng bào của ông. Sau Hội nghị về Người Vượt Biển của LHQ tại Genève năm 1979 mà chúng tôi (Cơ sở Quê Mẹ và Ủy Ban Cứu Sống Người Vượt Biển) có tham dự, Thái Lan chấp nhận đón người Vượt Biển trên lãnh thổ mình và cho phép tiếp xúc với Cao Ủy Nhân quyền LHQ để làm thủ tục tới nước thứ ba. Thái Lan đã đón tiếp 159,975 (một trăm năm mươi chín nghìn chín trăm bảy mươi lăm) người Vượt Biển. Trong khi ấy, Singapore không đón tiếp người Vượt Biển. Mã Lai đuổi ra khỏi lãnh thổ mình 58 nghìn người Vượt Biển.
Quốc gia Phật giáo Thái Lan “vô cảm” ở chỗ nào, thưa ông Huỳnh Văn Lang ?!
Điều ông Lang khen nước Pháp xa xôi đưa tàu ra Biển Đông vớt người càng chứng tỏ ông không đọc báo hay theo dõi sự sống chết của người đồng bào ông vào thập niên 70, 80. Phải chăng nước Pháp trong đầu óc ông là Trưởng Nữ của Giáo triều Vatican nên được ông khen ?
Ông Huỳnh Văn Lang đã sai lầm vì thiếu hiểu biết và thông tin thời sự. Con Tàu “Đảo Ánh Sáng” đi vớt người ấy đã do sự xướng xuất và vận động của một Phật tử Việt Nam sống tại Paris, thành viên của Cơ sở Quê Mẹ và Ủy ban Cứu Sống Người Vượt Biển, với sự hậu thuẫn của gần 200 nhân sĩ, trí thức, chính giới, nhà văn Pháp và quốc tế.
Nói chung, các bài đánh phá Phật giáo thường do thiếu hiểu biết, có tiêu đích phục thù, hoặc nhẹ lòng bác ái. Theo kiểu bất chấp sự thực hay lý luận, ông Huỳnh Văn Lang xem thường tha nhân khi phát ngôn tự thị qua các cuộc phỏng vấn, còn có ông Tú Gàn, ba bốn chục năm qua, không ngừng viết bài bôi nhọ Phật giáo. Ông Tú Gàn là cha đẻ hai chữ “Phịa sử” để gán cho những ai không tin vào cách viết sử hồ đồ và tự thị của ông. Cách viết sử tố cáo Phật giáo là Cộng sản của ông Tú Gàn chứng tỏ ông là Chúa Phịa. Bởi ông chẳng có luận chứng, tư liệu gì chứng minh. Toàn những lời nói hớt và dọa hơi. Ba, bốn chục năm viết lách, mà tài liệu minh chứng chỉ được ông hứa cuội là sẽ công bố những tài liệu của “Phòng Nhì Pháp”, của “tình báo Việt Nam Cộng hòa”. Nhưng chẳng bao giờ được ông trưng dẫn. Như con nợ không tiền, hứa lèo để thoát thân.
Triều Thanh : Xin ông cho biết mục tiêu tranh đấu của Phật giáo năm 1963 là gì ? Nó có là mục tiêu chính trị hay lật đổ chính quyền ?
Võ Văn Ái : Cần hiểu một điều quan yếu, là cho đến nay, Phật giáo chỉ đặt vấn đề tôn giáo với chính quyền. Chưa bao giờ đặt vấn đề chính trị với chính quyền. Cho nên, mục tiêu tranh đấu của Phật giáo năm 1963 là mục tiêu thuần túy tôn giáo. Sau vụ chính quyền cấm treo cờ Phật giáo, rổi nổ súng tại Đài Phát thanh Huế gây chết chóc cho 8 Phật tử, ngày 10-5-1963 các cấp lãnh đạo Phật giáo họp bàn tại Chùa Từ Đàm, và đưa ra Tuyên cáo 5 nguyện vọng bào tồn Phật Pháp :
1. Yêu cầu Chánh phủ VNCH thu hồi vĩnh viễn công điện triệt hạ Giáo kỳ của Phật giáo.
2. Yêu cầu Phật giáo phải được hưởng một qui chế đặc biệt như các Hội Truyền giáo Thiên chúa đã ghi trong Dụ số 10.
3. Yêu cầu Chánh phủ chấm dứt tình trạng bắt bớ, khủng bố tín đồ Phật giáo.
4. Yêu cầu cho Tăng Ni Phật giáo được tự do truyền đạo và hành đạo.
5. Yêu cầu chánh phủ đền bồi xứng đáng cho những kẻ bị chết oan vô tội trong đêm 15-4 Lễ Phật Đản và kẻ chủ mưu giết hại phải đền bồi xứng đáng.
Năm yêu sách cho cuộc tranh đấu bất bạo động của Phật giáo như ta vừa đọc, thử hỏi có gì là chính trị hay âm mưu lật đổ chính quyền ?
Triều Thanh : Chính quyền giải quyết ra sao Năm Nguyện Vọng này ?
Võ Văn Ái : Giải quyết bằng sự cò ke, trì hoãn, bằng sự gặp gỡ, thương thảo, ký thông cáo chung, rồi xé bỏ không thi hành, khiến tình hình ngày càng thêm trầm trọng. Sau khi ông Ngô Đình Nhu tung chiến dịch nước lũ vào đêm 20 tháng 8, tấn công các chùa trên toàn quốc, bắt bớ Tăng Ni, thì coi như Phong trào tranh đấu Phật giáo tạm thời chấm dứt. Từ đây, một sinh lực quần chúng mới xuất hiện, từ phong trào học sinh, sinh viên các Đại học, và đặc biệt, là giới Tướng lĩnh Quân lực VNCH làm cuộc đảo chính chấm dứt chế độ Đệ nhất Cộng hòa, thảm sát hai ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu.
Triều Thanh : Có thể nói Phật giáo là động lực cho cuộc đảo chánh ngày 1 tháng 11 năm 1963 ?
Võ Văn Ái : Không. Như đã nói cuộc tranh đấu Phật giáo năm 1963 thuần túy tôn giáo. Việc lật đổ chế độ nhà Ngô là chủ trương “thay ngựa giữa dòng” của Hoa Kỳ qua sự thừa hành của giới Tướng lĩnh quân lực VNCH.
Triều Thanh : Sự thật ấy ai cũng biết. Nhưng tại sao lại trở thành một chiến dịch dai dẳng đánh phá Phật giáo, đổ lên đầu Phật giáo trách nhiệm lật đổ chế độ nhà Ngô, thảm sát hai ông Nhu Diệm, và tố giác Phật giáo là Cộng sản ? Ông có thể giái thích bí ẩn lịch sử này ?
Võ Văn Ái : Thói đời ai cũng muốn vơ hết hào quang và công lao về cho phe mình khi thành công. Gặp lúc thất bại, thì họ lại mất khí tiết để nhận lỗi, nên tìm những con dê tế thần đỡ đòn thay. Phật giáo chính là con dê tế thần được lôi ra che giấu sự thất bại chính trị của tầng lớp Nhà Nho Thiên Chúa giáo sau 9 năm cai trị.
Nay trong cơn thất thế, tha hương, có số người tiếc thương thời vàng son những năm đầu của chế độ Đệ nhất Cộng hòa. Sự thật như thế nào ?
Thực tế lịch sử là Hoa Kỳ đổ tiền rừng bạc bể cho ông Diệm Chống Cộng thông qua “Kế hoạch Năm năm” do Phái bộ Michigan State University (MSU) điều hành từ năm 1955.
Năm 1960 là năm bản lề sinh tử cho chế độ. Vì đó là năm kết toán chính sách Chống Cộng theo “Kế hoạch 5 năm” của ông Diệm thành công hay thất bại.
Cần nhớ trong năm năm đầu (1955-1960) Việt Cộng chưa có kế hoạch quy mô đánh phá Miền Nam bằng vũ lực. Đó là giai đoạn người dân cảm thấy thoải mái, mà 9 năm Kháng chiến chống Pháp vừa kết thúc với trận Điện Biên Phủ đưa tới sự chia cắt tổ quốc thành hai miền Nam Bắc tại Genève năm 1954.
Đến giữa năm 1959, Đại hội Đảng Lao Động Việt Nam thông qua Nghị Quyết 15 thống nhất đất nước, tức chủ trương dùng vũ lực xâm chiếm Miền Nam, thì những khó khăn dồn dập đẩy chế độ Đệ Nhất Cộng hòa vào chân tường với tất cả nhược điểm chính trị của nó. Và cũng là lúc, Hoa kỳ bắt đầu thấy ra sự bất lực của chế độ trong công cuộc đấu tranh Chống Cộng, nhất là Tổng Thống Diệm đã thất bại trong việc kết hợp nhân dân Miền Nam.
Ông Cố vấn Ngô Đình Nhu thường than “Một thằng rất hiểu mình thì chỉ tính xỏ mình, một thằng muốn giúp mình thì chẳng hiểu mô tê chi cả”, theo lời dẫn của ông Đoàn Thêm, cựu Phụ tá Đổng lý Văn phòng Phủ Tổng Thống, viết trong sách “Những Ngày Chưa Quên 1954 – 1963” xuất bản tại Saigon năm 1969. Thằng này thằng kia nói đây là Pháp và Mỹ, ý ông Nhu phê phán hai quốc gia từng viện trợ Việt Nam trong cuộc chiến tranh Đông Dương.
Sự khôn khéo của tiền nhân chúng ta qua chính sách ngoại giao trung thuận (allégeance/allegiance) đối với Trung quốc đã giữ vững thế độc lập chính trị hằng bao thế kỷ, tránh xa thế ngoại thuộc. Nhưng chính sách ngoại giao thời Đệ nhất Cộng hoà thì lại gặp khó từ Pháp cho đến Mỹ, khiến Mỹ đã bất bình, chuyển từ bạn sang thù. Những chuyến đi đêm với Bắc Việt ở giai đoạn cuối, qua việc ông Nhu gặp gỡ bí mật với Phạm Hùng, hay tiếp tướng Trần Độ ngay tại Dinh Độc lập ở Saigon đã đẩy chế độ từ vị trí được Hoa Kỳ đỡ đầu thành đối địch vào ngày 1 tháng 11 năm 1963.
Còn đối với nhân dân Miền Nam, bản chất lý luận của Cần Lao Nhân vị không thích hợp với tì tạng văn hóa truyền thống người Việt. Chính sách Chống Cộng giao phó cho một tôn giáo Nhà nước, thay vì ra công trọng đãi nhân tài Miền Nam cùng các giáo phái đã bám rễ vào đất đai Nam bộ, để tiến hành kết hợp, khai triển thành liên minh dân tộc chống độc tài.
Lịch sử cho thấy chẳng ai nắm độc quyền nhân dân, khi chưa có chính sách, kế hoạch mang lại ấm no, hạnh phúc, tự do và thanh bình cho họ.
Ba năm trước vụ Phật giáo bùng nổ, thì từ năm 1960, nỗi bất bình và chống đối chế độ tràn lan trong các giới quần chúng Miền Nam. Những biểu hiện báo hiệu ngày tàn của chế độ ngày càng lung lay, mà ta có thể thấy qua vài ví dụ tiêu biểu sau đây :
- Ngày 9.1.1960, trong cuộc tiếp tân đầu năm Tổng Thống Diệm tiếp kiến riêng Đại sứ Pháp chứng tỏ sự lạnh nhạt với Hoa Kỳ theo chính sách mới ve vãn Cộng sản Bắc Việt ;
- Tết Canh Tý, nhật báo Tự Do của chế độ bỗng dưng đăng trên trang bìa bức vẽ 6 con Chuột (mà độc giả dễ nhận ra các ông Diệm, Thục, ông bà Nhu, Cẩn, Luyện) gặm nhắm trái Dưa Hấu Việt Nam. Toà soạn bị đập phá, nhân viên toà soạn bị bắt ;
- Ngày 24.2.1960, Cố vấn Mỹ cho Tổng Thống Diệm về Cải Cách Điền Địa, ông Wolf Ladejinsky, thảo luận với Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ về tình trạng thiếu an ninh, Đảng Cần Lao lộng hành, và nạn tham nhũng ;
- Ngày 6.4.1960, Đại sứ Hoa Kỳ, ông Elbridge Durbrow than phiền với Tổng Thống Diệm về sự lộng hành của Đảng Cần Lao ;
- Ngày 26.4.1960, 18 Nhân sĩ Miền Nam họp báo tại Khách sạn Caravelle ở Saigon công bố Kháng Thư phản đối chế độ độc tài và yêu sách mở cửa chính trị. Những nhân sĩ như các ông Phan Khắc Sửu, Trần Văn Hương, Phan Huy Quát, Trần Văn Đỗ, Trần Văn Tuyên, v.v… 11 người trong số họ từng giữ chức Tổng trưởng hay Bộ trưởng thuộc Đệ Nhất Cộng hòa ;
- Ngày 30.5.1960, Đại sứ Hoa Kỳ Elbridge Durbrow yêu cầu Tổng Thống Diệm thay đổi đường lối chính trị, nếu không sẽ cắt giảm viện trợ ;
- Ngày 1.8.1960, Ông Phan Khắc Sửu và một số nhân sĩ thuộc Mặt Trận Quốc gia Đoàn kết yêu cầu bãi bỏ quốc sách Khu Trù Mật ;
- Ngày 21.9.1960, Hội đồng An Ninh Quốc gia Hoa Kỳ họp phiên họp thứ 460, lấy quyết định yêu sách Tổng Thống Diệm mở rộng chính phủ ;
- Ngày 14.10.1960, Đại sứ Hoa Kỳ Elbridge Durbrow trao văn thư yêu cầu Tổng Thống Diệm thi hành chính sách cởi mở chính trị ;
- Ngày 11.11.1960, nhóm Đại tá Nguyễn Chánh Thi, Trung tá Nguyễn Triệu Hồng và Vương Văn Đông làm cuộc đảo chính. Nhưng thất bại. Đến như ông Đại sứ VNCH Trần Văn Chương tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, bố vợ ông Nhu, cũng phải nhận định với Hoa Kỳ rằng chế độ Nhà Ngô là một chế độ độc tài toàn trị.
Rồi còn cả vụ Sĩ quan Quân lực VCNCH thả bom Dinh Độc Lập. Nhưng mười dẫn chứng tiêu biểu nhất vừa trình bày trên đây cho thấy Phật giáo chẳng dính líu gì vào sự sụp đổ của nền Đệ nhất Cộng hoà. Mà chính bản chất chế độ, đường lối và chính sách của hai ông Diệm Nhu đã đánh mất lòng dân, khiến cho công cuộc Chống Cộng được Hoa Kỳ viện trợ thất bại. Dân chán nản, mất lòng tin vì nạn hà khắc, lộng quyền và kỳ thị của chế độ Nhà Ngô. Người bạn quốc tế bỏ tiền cho ông Diệm Chống Cộng, là Hoa Kỳ, nay cũng thấy ông bất lực, nên đành kiếm người hữu hiệu thay thế. Được hay không, lịch sử đã chứng minh.
Sau này, trong năm 1963, Hoa Kỳ đã từng kêu gọi Tổng Thống Diệm giải quyết ôn hoà vấn đề Phật giáo. Nhưng Tổng Thống Diệm không đáp ứng, và vẫn cho tiến hành vũ lực nhằm dập tắt yêu sách bình đẳng tôn giáo của Tổng hội Phật giáo Việt Nam.
Cuộc kết toán “Kế hoạch 5 năm” của Phái bộ Michigan State University xác nhận sự thất bại chính trị trong công cuộc Chống Cộng của Tổng Thống Diệm và ông Cố vấn Ngô Đình Nhu. Những người trung thành và ủng hộ ông Diệm như Thượng Nghị sĩ Mansfield, nhưng khi được Tổng Thống Kennedy gửi sang Việt Nam quan sát tình hình đầu tháng 12 năm 1962 cũng phải thất vọng với ông Diệm khi viết bản Phúc trình Mansfield bằng câu hỏi tuyệt vọng là “Liệu ta có thể thắng Cộng sản với Diệm không ?”
Ông Diệm và ông Nhu đã vô cùng phẫn nộ bản Phúc trình này. Từ tháng 2 năm 1963 Hoa Kỳ gợi ý cho Đại sứ Nolting tiếp cận giới đối lập ở Saigon để mở đầu chính sách độc lập với ông Diệm. Tiếp tới là Phúc trình McNamara-Taylor, ngày càng cho thấy những dự án mà chế độ đề cao, tán dương, như Ấp Chiến Lược, Khu Trù Mật, Dinh Điền, v.v... là những sự thất bại phũ phàng.
Theo báo cáo của Đại sứ Cabot Lodge gửi Bộ Ngoại giao ngày 30 tháng 9 năm 1963 về cuộc gặp gỡ với Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ. Ông Thơ cho biết tình hình Miền Nam đã quá trầm trọng. Từ thành thị tới nông thôn dân chúng quá bất mãn. Ông Đại sứ muốn tham khảo thêm những người Việt Nam tài giỏi, thì Phó Tổng thống cho biết những người tài giỏi đã trốn ra nước ngoài hết rồi. Bàn sâu vấn đề chính trị, thì ông Thơ từ chối vì ông không có tự do để nói thêm gì khác với ông Đại sứ.
Trên đe là áp lực Hoa Kỳ muốn thay đổi chính sách vô hiệu và sai lầm của ông Diệm. Dưới búa là sự chống đối quyết liệt của toàn dân. Vụ Phật giáo nổ ra chỉ vì chính sách kỳ thị và bất bình đẳng tôn giáo suốt 9 năm trời. Nếu chế độ biết thương dân, và có chút khôn ngoan giải quyết yên thắm theo cung cách dân chủ, thì đâu đến nỗi nào phải sa lầy và vong thân ? Thế nhưng chế độ đã để cơ hội tuột khỏi tay mình, làm cho bi kịch trở thành thảm kịch kết liễu vừa chế độ, vừa bản thân lãnh đạo chế độ đó.
Ta có thể nói mà không sợ sai, là không vì Phật giáo mà Đệ nhất Cộng hòa sụp đổ đưa tới cái chết thảm thương của ông Diệm và ông Nhu. Sự thất bại đến từ bản thân một chế độ Gia Đình Trị, độc tài, tàn bạo với những ai không tuân thủ ý thức hệ Cần Lao Nhân vị.
Bi kịch của chế độ là hệ quả thất bại trong cuộc bảo vệ tự do cho nhân dân Miền Nam, dù đã tiếp nhận đầy đủ viện trợ Hoa Kỳ.
Trong sách “Những ngày chưa quên 1954 – 1963” ông Đoàn Thêm, vị Phụ tá Đổng lý Văn phòng của Tổng Thống Diệm, viết trong đoạn cuối sách mấy dòng buồn thảm sau đây :
“Ngày Quốc khánh 26 tháng 10 năm 1963, khi ông [Diệm] tiếp các đoàn thể, mặt ông thoáng buồn ; bằng một giọng ai oán, ông nói mấy lời mà nhiều người cho là gở :
“Chế độ này tuy còn nhiều khiếm khuyết cũng còn hơn nhiếu chế độ khác. Người ta chê là độc tài, nhưng chỉ ngại còn nhũng thứ độc tài khủng khiếp hơn... Tôi tiến thì theo tôi, tôi lùi thì bắn tôi, tôi chết thì trả thù cho tôi.
(...) “Nhiều bạn và tôi nghe hơi rợn. Tôi thấy như tinh thần ông bị dao động quá nhiều vì sự rối ren, nên hóa ra ảm đạm. Người ta thường nói : họa lai thần ám, hay cũng đúng nếu nói ngược lại : thần ám thì họa lai ?”
Phải chi ông Diệm đừng nói một câu như thế, dù ông chỉ lập lại câu nói của một người Âu ở Phương Tây, chứ không là lòng dạ phát ngôn của tổ tiên con Hồng cháu Lạc. Khiến cho thù hận chất chồng, máu xương thêm đổ trên dải đất đã quá thương đau.
Triều Thanh : Xin cám ơn Cư sĩ Võ Văn Ái và xin hẹn quý thính giả ở Câu Chuyện Cuối Tuần vào thứ Sáu tuần tới, cũng vào giờ phát thanh này.
No comments:
Post a Comment