Lớn lên tôi nghe người lớn căn dặn, “Hãy cẩn thận, đừng để đồng tiền giết chết tình cảm nghe chưa”. Tôi nghe mà không hiểu. Thật tình là thế. Làm sao mà tiền có thể giết chết cái tình? Nhưng giờ đây, từng tuổi này, không những một lần mà đã 3 lần tôi chứng kiến sự vụ “dâu bể, bể dâu”, tang thương đau đớn đến chết người do đồng tiền gây nên.
Một vụ khiến một người thân của tôi, từ một người bình thường trở nên tàn phế vì tai biến vỡ mạch máu đầu (stroke). Cá nhân tôi bị một vố chết liệm tâm tư, tình chị em đoạn lìa, sầu ưu khổ nảo, thối ruột, loét bao tử, suýt chết nhưng may mắn qua khỏi. Còn vụ thứ 3 thì kết quả đang trông chờ ở sự phán quyết của tòa án. Đó là vụ bán Chùa Phật Quang. Tuy không là nhà tiên tri, nhưng tôi cam đoan là kết quả của nó sẽ là nỗi đau thương ngút ngàn cho những ai thiếu chánh niệm, những ai vẫn chưa hiểu thâm ý của câu, “tiền sẽ giết chết cái tình”. Một khi con người nỡ nhẫn tâm bất chấp các quan hệ tình cảm, tâm tư, nguyện vọng của người khác mà chỉ biết có tiền, dùng tiền như phương tiện tối ưu để giải quyết mọi việc là lúc họ đã chà đạp lên nhân phẩm của người khác, dù vô tình hay cố ý, nhưng thường là có dụng ý. Hành xử này theo kinh nghiệm cho thấy, sẽ dẫn đến sự đau thương ngút ngàn, là nỗi đau xé lòng. Nếu không khéo, hậu quả của thương đau sẽ đưa người đến điên loạn, chết trong sầu bi khổ não, thật ghê gớm và nghiêm trọng khôn lường.
Một thời Đức Phật ở nước La-duyệt-Kỳ tại núi Kỳ-xà-Quật, lúc bấy giờ vua A-Xà-Thế thỉnh Đức Phật dự lễ trai tăng trong hoàng cung. Rồi muốn cúng dường đèn lên Đức Phật, Nhà Vua liền sai chở một trăm thùng dầu về Tinh Xá Kỳ-Hoàn, nơi Đức Phật ngự. Bà Cụ trong thành nghe thế rất cảm kích tấm lòng của Vua và bà cũng phát tâm chí thành muốn cúng dường lên Đức Phật, nhưng nhà quá nghèo không có tiền cúng. Bà đi xin được 5 xu hào rồi đem hết số tiền mua dầu cúng đèn lên Đức Phật. Nhờ ở tấm lòng chí thành chí kính của Cụ bà đối với Đức Phật mà ngọn đèn của Cụ đỏ sáng hơn cả các ngọn đèn của Nhà Vua và đỏ suốt cả đêm mà dầu vẫn không hao. Sáng lại, Đức Phật sai Ngài Mục-Kiền-Liên đi tắt các ngọn đèn, duy ngọn đèn của Bà Cụ thổi 3 lần không tắt. Ngài lấy áo cà sa mà quạt, thì ngọn đèn lại đỏ rực rỡ hơn. Đức Phật bảo rằng: “Hãy dừng lại, ngọn đèn ấy là hào quang công đức của một vị Phật tương lai, không thể lấy thần thông của người mà trừ diệt được.”
Chúng ta thấy công đức cúng dường Đức Phật do tâm chí thành chí kính sẽ là vô lượng vô biên, không thể nghĩ bàn, không thể đo lường được.
Đấy là chuyện xảy ra ở vào thời đức Phật còn tại thế. Có nhiều bậc vương tôn công tử, vua chúa, trưởng giả, đại gia thí chủ giàu có, luôn hộ pháp cúng dường tăng đoàn của Đức Phật, nhưng cùng lúc cũng có những người cơ hàn khố rách áo ôm, cũng đem hết lòng chí thành chí kính cúng dường lên Đức Phật. Và Ngài đã hoan hỷ chứng tri như qua câu chuyện kể trên. Thế thời nay thì sao, có gì khác biệt? Không khác gì mấy. Vẫn hai giới giàu nghèo, mà công đức cúng dường thì không phân biệt, vẫn tùy thuộc nơi cung cách cúng dường và tấm lòng chí thành chí kính của người thí chủ.
Qua câu chuyện trên chúng ta liên tưởng thế nào đến Chùa Phật Quang? Câu chuyện Chùa Phật Quang được biết có nhiều trưởng giả, đại gia thí chủ cúng dường chùa, không khác chi đại gia thí chủ ngày xưa, có khi cúng lên đến hàng chục ngàn, hàng trăm nghìn USD là chuyện có thật. Thế nhưng cũng không thiếu những người tuy nghèo khó tiền bạc nhưng rất rộng rãi ở tấm lòng vì đạo. Hãy nghe chính Thượng Tọa Giác Đẳng kể qua lá thư kêu gọi hàng tuần, tuần số 8: “Có cụ già trên 80 tuổi ngày ngày ra các khu chợ để xin tiền mua chùa. Có một Phật tử cao niên cầm 500 Mỹ kim nói trong nước mắt là chỉ giữ cháu nên không có tiền nhiều chỉ xin góp chút nầy vì thương Giáo Hội quá.” Đấy, đây có khác chi là hình ảnh Cụ Già Cúng Đèn Đức Phật năm xưa? Thượng Tọa muốn nhắc đến câu chuyện này làm chi, nếu không cố ý để nhắn gởi đến Phật tử về câu chuyện công đức cúng dường Phật, hầu mong đẩy mạnh sự phát tâm cúng dường để việc tạo mãi Chùa Phật Quang chóng mau hoàn tất?
Nhưng rồi sao? Chùa thì nay đã bán. Tiền sẽ hoàn trả bằng tiền. Còn công đức thì sao? Thượng Tọa Giác Đẳng lấy gì để định đoạt công đức của các Bà Cụ mà hoàn trả cho xứng đáng? Còn nếu không đo lường được công đức để trả lại, té ra Thượng Tọa Giác Đẳng đánh giá công đức cúng dường tạo mãi Chùa Phật Quang dựa hoàn toàn trên số tiền cúng vô? Ông A cúng $100K chắc chắn được công đức nhiều hơn so với ông B chỉ có $1K, nhưng vẫn nhiều hơn gấp bội lần các Cụ Già Cúng Đèn, mỗi người chỉ 5 xu hào? Thực tế thì đâu phải vậy. Công đức đâu thể đo bằng tiền đã cúng. Những đại gia thí chủ sẽ nhận lại hàng chục, hàng trăm nghìn xem ra cũng còn được. Nhưng các cụ già nghèo thì sao? Hãy tưởng tượng từ năm xu hào, mà do tâm nguyện chí thành chí kính dâng lên cúng dường Đức Phật và được Đức Phật chứng tri, thì công đức đã hóa thành vô lượng vô biên, mà nay bị hoàn trả lại chỉ bằng 5 xu hào, dù bà cụ có muốn hay không muốn sự hoàn trả đó. Thế có chết không? Có cuộc đổi chác nào bất công hơn thế nữa chứ? Một bên là vì tình, là tâm nguyện, là tấm lòng dâng lên Đức Phật. Một bên là vì tiền, lấy tiền để giải quyết cái tình cảm thiêng liêng đã dâng cúng. Thử hỏi như vậy làm sao giải quyết được? Bởi nói tiền giết chết tình là vậy, có chi khó hiểu?
“Giáo Hội 1, 2, 3”, phát ngôn của 2 tên Điêu và Xạo
Mấy lần phỏng vấn trên đài truyền hình, radio, cũng như trong Đại Hội San Jose, ông Steven Điêu, và ông Minh Huy (nick name “bảy xạo”bayxao@yahoo.com ) có lối ăn nói to tiếng, hằn học, gọi Giáo Hội Mẹ một cách xách mé là “Giáo Hội 1,2,3”. Rồi giải thích lòng vòng, rằng Giáo Hội Mẹ giờ chỉ còn 6 người, tức chỉ còn Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ, Ngài Hòa Thượng Thanh Quang, ông Cư Sĩ Lê Công Cầu, ngoài nước có Hòa Thượng Thích Huyền Việt, Giáo Sư Võ Văn Ái, và Nữ Sĩ Ỷ Lan tức “Giáo Hội 1,2,3”. Đấy, đây là cung cách xử sự của 2 ông thủ hạ đắc lực của Thượng Tọa Giác Đẳng.
Lối gọi xách mé, giễu cợt, xấc láo về Giáo Hội Mẹ, tin chắc không chỉ xảy ra ở các lần phỏng vấn trên đài, mà đã nhiều lần trước đó và ngay trong các phiên khoáng đại của Đại Hội San Jose. Thế nhưng ngồi ngay ở bàn chủ tọa, Thượng Tọa có thể để cho các thủ hạ của mình phát biểu như thế, không một lời đính chính, còn đắc chí cười hả hê, tức là đã “kiến sát tùy hỷ” rồi còn đâu? Thế thì còn ai tin nữa khi Thượng Tọa bảo rằng, qua sự việc bán chùa, Thượng Tọa rất “kiệm lời”, không hề lên tiếng phân bua dù chỉ một lời. Chỗ này xin chào thua.
Nhưng thôi, vấn đề chính muốn nói là về con số lớn nhỏ, giữa Giáo Hội Mẹ (tức GHPGVNTN Chính Thống) nay bị gọi xách mé là “Giáo Hội 1,2,3”, đem so với “giáo hội quốc doanh” của đảng có 40,000 tăng ni phật tử. Thực tế thì Giáo Hội nào lớn, giáo hội nào nhỏ? Xin mượn câu chuyện kể sau đây để giải thích.
Một hôm, đứa con gái tôi mang cuốn sách giáo khoa từ trường tiểu học về nhà, dỡ ra làm homework. Trong phần địa lý có ghi nước Việt Nam có lá cờ đỏ sao vàng, cư dân 90 triệu… Sau mấy mươi năm xa quê lần đầu tiên thấy lại lá cờ đỏ sao vàng in trên sách giáo khoa của học đường Mỹ, thú thật, tôi giật mình, nhưng rồi hiểu ngay đó chỉ là “protocol”, trên phương diện hành chánh, ngoại giao, chính trị, bắt buộc học đường Mỹ phải làm vậy thôi. Nhưng vấn đề là phải giải thích sao cho đứa con gái tôi hiểu được, có sự hiện diện của một lá cờ khác, biểu tượng của linh hồn đất nước Việt Nam, mang nền vàng 3 sọc đỏ. Tuy con số 3 hoặc 4 triệu ít hơn con số 90 triệu, nhưng thật sự nó có “nhỏ hơn” đứng về phương diện “tinh thần quốc gia dân tộc” hay không? Tôi phải giải thích sao đây?
Trên mặt hiện tượng, và xét về số lượng thì đã quá rõ, con số 90 triệu quá lớn so với con số 3 hoặc 4 triệu dân tỵ nạn ở hải ngoại? Nhưng nếu xét ở mặt phẩm, tức mặt tinh thần, sự ủng hộ bên trong của mỗi người con dân nước Việt, thì vấn đề này lại là một việc khác. Nghiệt nỗi có những cái vô lượng thì không thể đo lường; những cái vô giá thì không thể đánh giá. Nếu để cho người dân Việt trong nước hoàn toàn “tự do” chọn lựa lá cờ làm biểu tượng cho “quốc hồn”, “quốc túy” của mình thì tôi tin chắc rằng con số đứng dưới lá cờ đỏ sao vàng chỉ vỏn vẹn còn lại cái đám tham ô gian ác gia đình trị và đảng trị chứ không còn ai khác; quá lắm lên tới 4 triệu đảng viên là cùng. Số người dân còn lại cọng thêm 4 triệu người Việt Nam Hải Ngoại thì con số đứng dưới lá cờ nào lớn hơn? Hỏi tức đã trả lời.
Cũng vậy, GHPGVNTN tuy trên mặt hiện tượng thấy dường như chỉ còn vài mươi người trong hàng giáo phẩm lãnh đạo so với hàng chục nghìn người trong giáo hội quốc doanh nhà nước. Nhưng nếu để cho Tăng Ni tín đồ Phật tử được hoàn toàn “tự do” chọn lựa giáo hội mình theo, tôi tin chắc rằng GHPGVNTN không là con số “1,2,3” như có người đã gọi xách mé. Mà GHPGVNTN mới là giáo hội đích thực và chính thống, đứng trên phương diện số lượng cũng như phẩm lượng. Những gì không nắm bắt được, không thể đếm được mới là vô cùng vô hạn, như tấm lòng người Phật tử dành cho cái chính thống, chính truyền, cái chánh đạo của Đạo Phật Việt Nam mà biểu trưng của nó không ai khác hơn là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, dưới sự lãnh đạo của bao đời Tăng Thống cho đến nay là Đức Đương Kim Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ đang truyền thừa, gìn giữ và lãnh đạo. Đừng lấy cái hữu hạn để đo cái vô hạn. Đừng gọi Giáo Hội một cách xách mé nữa nhé hỡi 2 tên Điêu và Xạo.
Nhật Liên Dũng
27.Nov.2015
Nguyện khâm tuân sự lãnh đạo của Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ . Đồng quyết tâm bảo vệ Hiến Chương mạng mạch của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất http://www.queme.net/vie/index.php http://pttpgqt.org/ https://tienglongta.wordpress.com/ http://www.voicesofaolam.org/Index.aspx?mnu=00000000 http://www.baoveghpgvntn.com/article.php?&L=vi&M=1&type=0 http://tuoitre-phatgiao.blogspot.com/ http://dautranhdanchuchovn.blogspot.com/ http://thanhnienphatgiao.blogspot.com/ http://timhaokiet.blogspot.com/
ReplyDelete