Monday, November 9, 2015

(Nhật Liên Dũng) Chuyện Bán Chùa, Cái Nhìn từ Một Phật Tử — (bài 2) Hệ quả của 4 chữ “Độc lập nhân sự”

Mọi sự mọi việc trên đời đều có hai mặt tùy theo cách nhìn, như con dao hai lưỡi, có thể giúp người nhưng cũng có thể giết người. Ngay cả giáo Pháp của Đức Thế Tôn cũng thế, như liều thuốc hay chuyên trị cho người biết cách sử dụng, ngược lại, thuốc có hay nhưng dùng sai thuốc vẫn bị hại như thường. Vì vậy, Đức Phật thường khuyên các đệ tử, “Tin ta mà không hiểu ta tức phỉ báng Ta.” Lời nói ấy của Ngài cho thấy yếu tố quyết định nằm ở chữ “hiểu”, tức trí tuệ là yếu tố quyết định cho mọi nhận thức. Nghĩa là mọi sự việc cần phải vận dụng trí tuệ sáng suốt mới đưa đến một hiểu biết đích thực trước khi hành động. Cũng thế, hệ quả dẫn đến bao tan tác cho Giáo Hội hôm nay xuất sinh từ cái không thấu suốt phương cách làm việc, hay nói đúng hơn, không đồng quan điểm ở một vài điều trong bản Hiến Chương GHPGVNTN.
Xin bắt đầu câu chuyện bằng cách nghe lại lời phát biểu của Thượng Tọa Giác Đẳng (TTGĐ) ngay sau khi hoàn tất Đại Hội San Jose 2015 do ký giả Đoàn Trọng, Little Saigon TV, phỏng vấn. https://www.youtube.com/watch?v=5p1wQWGLVkg&sns=em
Hỏi : TT nghĩ gì về thành quả của Đại Hội ?
TTGĐ : Cái guồng máy làm việc của GH [Mẹ ?] đang có nhiều vấn đề quan trọng, ảnh hướng rất nặng nề, chi phối toàn bộ sự tồn tại của GH [UBCV ?]. Ý thức cái hiểm họa có thể dẫn đến sự tự hủy của GHPGVNTN [UBCV ?]. Do vậy tất cả Đại biểu đã có sự đồng thuận rằng, sẽ đồng hành đi tới trong ý thức trách nhiệm của mình đối với Đạo Pháp và Dân Tộc… Và cái tổ chức UBCV… tất cả đại biểu đồng thuận tiếp tục duy trì cơ chế đó. Trong cơ chế đó thì lại tạo nên một guồng máy sinh hoạt mang tính cách dân chủ hơn, làm thế nào để tránh vết xe cũ.
Hỏi : Đức Tăng Thống sẽ nghĩ gì về Đại Hội UBCV 2015 này ?
TTGĐ : Đức Tăng Thống Ngài có thể có một suy nghĩ khác hơn. Cái nhìn của Đại Hội… là các đại biểu ở đây đã tự khẳng định cái sự tồn tại qua ý chí phục vụ và sự độc lập của mình. Và cái sự đồng thuận hay không đồng thuận của Đức Tăng Thống, cái đó là một câu hỏi ở trong tương lai,… (hết trích)
Khi trả lời “dân chủ hơn” TTGĐ muốn ám chỉ điều gì ? Thưa ngay là ý TT muốn nói GH UBCV của TT sẽ vĩnh viễn thoát ly sự ràng buộc về mặt nhân sự VPII qua điều 36, phần b, khoản 2, chương thứ 9 của Hiến Chương GHPGVNTN (Đ36HC) : “Văn Phòng II Viện Hóa Đạo trực thuộc sự chỉ đạo và điều hành của Viện Trưởng Viện Hóa Đạo trong nước. Thành Viên Văn Phòng II Viện Hóa Đạo do Viện Trưởng Viện Hóa Đạo thỉnh tuyển và chỉ định ; tùy theo nhu cầu, hoàn cảnh, các thành viên có thể được bổ sung, hoán chuyển hoặc thay đổi” — trích Hiến chương GHPGVNTN.
Khi lên nắm Quyền Chủ Tịch VPII VHĐ, TTGĐ đã không nắm bắt điều 36 (Đ36HC) này. Giờ phát giác ra thì hỗi ôi, TT cho rằng GH quá “độc tài”, đã“ảnh hướng rất nặng nề, chi phối toàn bộ sự tồn tại của GH [UBCV]” của TT. Nên ly khai là chọn lựa tất yếu. Điều 36 (Đ36HC) thiếu dân chủ ? Có thể lắm. Nếu cần tu chỉnh GH sẽ tu chỉnh, nhưng phải đợi thông qua một Đại Hội Tu Chỉnh Hiến Chương mới được. GH có gì không dân chủ ? GH có bao giờ cấm không được tu chỉnh hiến chương đâu ? Hiến chương đã được tu chỉnh bao lần rồi kể từ ngày khai sinh, 1964. Vấn đề là xưa nay có ai đề nghị, góp ý để sửa đổi các điều khoản ấy hay không ? Và nếu có mà GH không tu chỉnh thì mới trách GH được. Đằng này, khi vừa phát giác ra, thấy không như ý mình, thì quay 180 độ, nghỉ chơi. Hành động này có công bằng và dân chủ không ?
Lần về quá khứ một chút để thấy bố cục của ngày Đại Hội Lịch Sử hình thành VPII VHĐ GHPGVNTN, xảy ra tại San Jose Hoa Kỳ, năm 1992. Trước đó một năm, xuất hiện một bức tâm thư đề ngày 10.9.1991, của Đức Cố Đệ Tam Tăng Thống Thích Đôn Hậu từ trong nước. Ngài kêu gọi : “…Lúc vẻ vang (của Tăng-già) là lúc nội bộ chúng Tăng hòa hiệp, biết gạt bỏ những quyền lợi riêng tư, những ngã chấp tầm thường để tiến xa trên con đường tịnh hạnh, lấy giác ngộ giải thoát làm cứu cánh, lấy bản nguyện độ sanh làm sự nghiệp… Tôi thiết tha kêu gọi quý vị hãy phát huy hơn nữa bản thể của Tăng già mà đoàn kết hòa hiệp, hãy cùng nhau thể hiện tinh thần tương kính, tương thuận, tương giáo, tương sám, như luật dạy.” trích từ http://www.voicesofaolam.org/index.aspx?newsid=tinpg_5300.
Lời kêu gọi thống thiết ấy của Ngài đã mang lại sự hòa hiệp Tăng Đoàn, nối kết nhiều hệ phái Giáo Hội Phật Giáo khắp Hoa Kỳ và các châu lục. Lúc bấy giờ đạo Pháp đã thật sự vẻ vang, Tăng đoàn hòa hợp và đã hình thành một cơ chế mới đầy hứa hẹn, dồi dào về nhân sự, tài đức vẹn toàn. Tin vui ấy hiển lộ ánh bình minh mới, mang lại sinh khí hài hòa phấn chấn cho GH Mẹ trong nước biết bao. Bởi lúc ấy, trong nước sau khi kêu gọi hòa hiệp tăng Đại lão Hoà thượng Thích Đôn Hậu viên tịch chỉ còn lại một mình Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang bị quản chế tại Quảng Ngãi nhưng vẫn đấu tranh bất khuất chống nhà cầm quyền CS. Quanh ngài không có một ai. Ngay cả Viện Hoá Đạo cũng không có trụ sở. Ngài phải gọi nơi quản chế là Văn phòng Lưu vong VHĐ. Nghĩ tới lúc bị Cộng sản khủng bố trong nước, thì chẳng còn ai tiếp tục đấu tranh, do đó, Ngài nhân danh Quyền Viện trưởng VHĐ ra Quyết Định số 27-VPLV/VHĐ ký ngày 10.12.1992 cho thành lập Văn phòng II VHĐ đại diện cho VHĐ Lưu vong trong nước. Văn phòng II VHĐ này trực thuộc GHPGVNTN Hải ngoại tại Hoa Kỳ, vì Hoa Kỳ có đông chư Tăng Ni, Phật tử so với các châu lục khác.
Đến năm 2007, lúc ấy Ngài là Đức Đệ Tứ Tăng Thống, ban hành Giáo chỉ số 9 ký ngày 8.9.2007 thiết lập Văn phòng II VHĐ trực thuộc VHĐ trong nước, chứ không còn trực thuộc vào GHPGVNTN–HN tại Hoa Kỳ.
Do không am hiểu bối cảnh lịch sử, các mưu mô chính trị hiểm ác và những khó khăn mà GH phải đương đầu để tồn tại và do không thấu suốt nguyên tắc và các điều khoản quy định trong hiến chương nên đã đưa đến những hệ quả đáng tiếc về sau, đưa GH đến chỗ gần như đổ nát hoàn toàn. Ý niệm về “độc lập nhân sự” hay cho rằng GH quá “độc tài”, điển hình như điều 36 (Đ36HC) của Hiến Chương là biểu hiện của sự không thấu suốt hiến chương, không nắm rõ hoàn cảnh lịch sử của GH đã phải kinh qua những giai đoạn thập tử nhất sinh, dưới sự đàn áp khốc liệt của bạo quyền CSVN. Hệ quả của cái “không thấu suốt” đó dẫn đến cái tan tác cho GH hôm nay, không chỉ một lần mà đã ba lần giáo chỉ : giáo chỉ số 9, số 10 và nay giáo chỉ số 12 và các văn kiện liên hệ. Bởi mới nói, yếu tố quyết định là trí tuệ và sự hiểu biết thật không sai.
Chư Tăng Ni khi xuất gia đầu Phật, đều dẹp bỏ cái vui tầm thường thế tục, nệm ấm chăn êm, cát ái ly gia, bỏ lại sau lưng mái ấm gia đình bé nhỏ để hội nhập vào đại gia đình nhân loại. Lòng chí thành biết bao khi mới vào học đạo cốt để tự độ rồi độ tha. Ngày ngày chỉ lo bút nghiên đèn sách, lời kinh tiếng kệ, sớm hôm chuông chùa cổ kính ngân vang. Tâm hồn thanh thản, làm gì có những thoáng qua đầu óc cái vu vơ thế tục thường tình, đừng nói chi đến chuyện “chính chị chính em”. Thế nhưng bản hoài độ sanh của đạo Phật là từ bi tế độ quần sanh. Nơi nào có khổ đau, có tiếng kêu trầm thống nơi đó sẽ có suối từ bi, nước cam lồ và bình dương liễu hiển hiện. Vì bản thệ độ sanh đem đạo vào đời, và đứng ở phương diện của một tổ chức bắt buộc phải biết ít nhiều về những nguyên tắc làm việc sao cho nhịp nhàng đúng luật đời cũng như luật đạo. Vì vậy phải có những hiểu biết căn bản về nguyên tắc làm việc cũng như Hiến Chương của GHPGVNTN là vậy. Xưa nay những Bậc xuất gia có tài lãnh đạo xuất chúng, thường là các Bậc anh tài, giữ gìn cẩn trọng giới luật Phật chế đã đành, mà phải am tường luôn nguyên tắc hành chánh trong Giáo Hội. Thiếu một trong 2 yếu tố sẽ làm cách xử sự của vị lãnh đạo bị khập khểnh, gây nhiều vấn nạn là điều tất nhiên không thể tránh khỏi.
Việc lựa chọn ông LS Steven Điêu làm cố vấn cho chuyện đăng bạ pháp lý là một thất sách, cho thấy sự yếu kém của TTGĐ về mặt quản trị điều hành. Dùng một LS chuyên về child support collection cho việc đăng bạ pháp lý cho GH nói lên sự bất cẩn, nếu không muốn nói là quá coi nhẹ cái linh hồn của Tổ Chức, mà biểu hiện là Hiến Chương của GHPGVNTN, một văn kiện tối quan trọng đã trải bao xương máu để giữ gìn. Chính vì coi nhẹ vấn đề hành chánh, nguyên tắc làm việc trong tổ chức, nên TTGĐ đã mắc phải khiếm khuyết nghiêm trọng này, ngoại trừ với một dụng ý đen tối gì ở đàng sau ?
Việc thứ hai, GH đang sẵn có vị “thủ bổn” là SB Thích Nữ Nguyên Thanh sao không thỉnh cử vào việc mở chương mục Văn phòng II VHĐ cất giữ, kiểm soát và làm sổ sách hằng tháng tiền quyên góp tạo mãi Chùa Phật Quang lên đến bạc triệu USD, mà lại giao cho người tín nữ, Cô Ngọc Hân, của TT ? Nếu không muốn người khác dị nghị sao lại làm thế, có khác chi chơi trò “hide and seek” mà hô lên “tôi đang núp ở bụi này”, ngoại trừ đằng sau có mưu đồ gì khác ?
Đã từ chức nhưng phớt lờ coi như chưa từ chức. Đại Hội tháng 10 Hòa Thượng Thích Huyền Việt, Xử Lý Thường Vụ VPII/VHĐ, đã tuyên bố : “Tôi tuyên bố hủy bỏ Đại hội tháng 10 dương lịch qua Thông báo kêu gọi tham gia Đại hội của Sư Bà Thích Nữ Nguyên Thanh, Phó chủ tịch GHPGVNTN-HN tại Hoa Kỳ… Xin tất cả các đơn vị Giáo hội tại Hoa Kỳ cùng đồng bào Phật tử hãy cảnh giác, và không tham gia Đại hội tháng 10, là một Đại hội phản chống Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ, xé bỏ “Hiến chương GHPGVNTN, và bội ơn công đức của ba đời Tăng Thống…” – tríchhttp://pttpgqt.org/2015/08/27/thong-bach-cua-ht-thich-huyen-viet-ngay-27-thang-8-nam-2015/. Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ ra lệnh cho SB Nguyên Thanh không được hợp tác với TTGĐ tổ chức Đại Hội. Nhưng rồi sao ? TTGĐ vẫn làm ngơ mà tiến hành. Dù không đồng ý điều khoản nào của Hiến chương vẫn không cho phép một ban viên phản chống công khai thượng cấp của mình. Hành động ấy chỉ làm suy giảm uy tín của mình mà thôi. Bất tuân thượng lệnh, không tôn trọng kỷ luật, mà chỉ muốn làm theo ý mình, đồng nghĩa với “It’s my way or no way”, chỉ là bề trái của một đồng tiền, một hình thức độc tài không khác, chẳng ai lạ gì.
Chuyện từ chức rồi lại không chịu từ chức, tức phản lại lời hứa của chính mình. Hành động này nói lên gì ? Hành động phản lại với chính lời nguyền là điều tối kỵ nguy hiểm vô cùng, vì sao ? “Chiến thắng vạn quân không bằng tự thắng chính mình. Tự thắng mình mới là chiến công oanh liệt nhất !”— Phật ngôn. Khi tham, sân, si, dục vọng trổi dậy, điều phục được tâm mình mới là bậc trượng phu, kẻ chí dũng. Chiến công ấy mới là oanh liệt nhất. Bằng ngược lại, chỉ là dễ dui, giải đải, phóng túng, sa đà, và đắm chìm trong danh lợi, dục vọng tội lỗi… Buồn lắm thay.
Don’t Shoot the Messenger — Đừng Giết Kẻ Đưa Thư
Cũng như các lần trước khi GC 12 và các văn kiện liên hệ ra đời, bao mũi dùi chỉa vào ông Võ Văn Ái. Đối phương không dám trực diện đánh vào Đức Tăng Thống vì uy danh Ngài quá lớn. Ông Ái nghiễm nhiên trở thành “dê tế thần” của bao mắng nhiếc, bôi nhọ và tấn công. Họ gọi Ông bằng đủ danh từ bất hảo. Chụp lên Ông biết bao cái mũ. Gán cho Ông biết bao uế danh. Thế nhưng Ông Ái không thèm phản công. Ông chỉ phản công khi thấy cần thiết thôi. Ông dành thời giờ để tiếp tục công việc đã từng làm hơn mấy chục năm qua, là tranh đấu cho vấn đề nhân quyền, tự do dân chủ, lên tiếng kêu gọi bảo vệ những mãnh đời bất hạnh, những tiếng nói đang bị bóp nghẹt từng ngày từng giờ ở các trại tù cọng sản… Đối với Giáo Hội, Ông Ái hành hoạt đúng chức năng của một Phát Ngôn Nhân ; với vai trò Giám Đốc Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế, Ông đã loan tải tin tức, kêu gọi quốc tế, chính giới, nhân sỹ trí thức quan tâm nhiều hơn đến nỗi khổ của đồng bào trong nước, đến sự đàn áp khốc liệt của CSVN đối với GHPGVNTN.
Công việc của Ông Ái là thế. Bạn của Ông Ái gồm những ai, ai cũng thấy cũng biết. Ngạn ngữ tây phương có câu : “Tell me who your friends are and I’ll tell you who you are. — Hãy cho tôi biết bạn của anh gồm những ai tôi sẽ cho anh biết anh là ai.” Ông đã làm gì nên tội mà tố khổ ông ? Xin hãy tự chế và tự suy xét. Xin đừng giết kẻ đưa thư.
Nghe lời tố khổ đã nhiều. Xin trích một vài lời công đạo, từ Ông Võ Văn Sáu, Góp Gió News :
“1.- Ông Ái không ham chức đâu. Ông Ái đã nhiều lần xin nghỉ việc với Đức Tăng thống và xin tìm người để đào tạo thay thế ông. Nhưng Tăng thống không chấp thuận. Vả lại trong lúc mà Giáo Hội còn đang gặp nhiều khó khăn, Tăng thống muốn lưu giữ ông Ái đấy thôi.
2.- Đã CÔNG NHẬN ĐỨC TĂNG THỐNG CÒN SÁNG SUỐT, THÌ PHẢI TIN VIỆC NGÀI GIỮ ÔNG ÁI LẠI Là SÁNG SUỐT. Những kẻ phàm phu tục tử ắt không thấu đáo như Ngài. Phải nhớ : Không có ông nào… bà nào, tổ chức nào có khả năng ra trước các diễn đàn quốc tế để tranh đấu cho Nhân Quyền và tự do tôn giáo như ông Ái. Nguời thứ 2 có lẽ là TS Nguyễn Đình Thắng. NHƯNG CẢ 2 ÔNG ÁI VÀ THẮNG ĐỀU Bị BỌN ĐUI MÙ TRÚNG KẾ ĐỊCH CỨ ĐÁNH PHá. Bây giờ xin quý vị đề cử người thay thế ông Ái cho Tăng thống đi, chứ đừng vô tình tiếp tay cho CS là TRÚNG KẾ ĐỊCH. Giáo Hội không thể thiếu PTTPGQT là cửa ngõ thông ra Quốc tế. CS Hànội muốn cắt đứt không được, nên chúng nó tung hoả mù để các cụ TRÚNG KẾ ĐỊCH dẹp ông Ái dùm cho chúng đó ! Dại ơi là dại ! Cù lần ơi là cù lần !”
từ VoicesOfAoLam :
“… Những người nặng lời quy trách ông Ái tham tiền, hám danh, lợi dụng chức quyền, phá nát GH ; chụp cho ông đủ thứ mũ, nào CIA, nào NED, nón cối Bắc bộ phủ, ki-tô, ki-cộng,v.v. và v.v. Theo thiển ý, những người này họ nói thì nói thế thôi, chứ trong lòng họ tự biết và tự thấy, họ không sao so bì với GS Ái về mọi lãnh vực : văn học nghệ thuật, báo chí truyền thông, đặc biệt về mặt giao tiếp với chính giới, lăn xả trên trường quốc tế, tranh đấu cho nhân quyền, tự do dân chủ, cho đồng bào ruột thịt trong nước, cho mọi tôn giáo trong đó có GHPGVNTN… nói tóm, mức độ hy sinh vì đại cuộc của ông Ái khó mà có người xứng tầm. Đã bao lần Đức Tăng Thống thách thức cả trong lẫn ngoài nước, nếu tìm được một người, chỉ một người thôi, và chỉ cần “bằng” ông Ái thôi chứ đừng nói là “hơn” ông Ái để giới thiệu, thì Ngài sẽ sẵn sàng thay thế ông Ái ngay. Và ông Ái cũng đã nói sẵn sàng cúi lạy khâm tạ Đức Tăng Thống cho nghỉ việc PTTPGQT. Ấy thế mà đã bao năm quý vị vẫn để cho Đức Tăng Thống thất vọng chờ hoài không thấy… Cũng lạ nhỉ, từ trong cho đến ngoài nước mà vẫn không tìm ra được một người…”
Bán chùa để trả nợ, một luận điệu thiếu cơ sở lý luận
Những mốc dấu thời gian quan trọng cần ghi nhận :
  1. Ngày 16.09.2015, Steven Điêu bán Chùa Phật Quang
  2. Ngày 21.09.2015, record Grant Deed tại Title Company
  3. Ngày 30.09.2015, Ban Hộ Trì phát giác Chùa đã bị bán
  4. Ngày 7.10.2015, LS Tammy Tran gửi thư yêu cầu TTGĐ ngồi lại, dàn xếp ổn thỏa theo tinh thần từ bi của Đạo Phật. Bị TTGĐ làm ngơ.
  5. Ngày 8, 9, và 10.10.2015, Đại Hội San Jose xảy ra.
  6. Ngày 23.10.2015 VPLS Tammy Tran chính thức khởi tố.
Chuyện bán Chùa Phật Quang là hiện tượng có một không hai trên cõi đời ô trọc này. Ai đời, nợ không ai đòi mà tày khôn bán chùa để trả.
Chùa không thiếu nợ nhà bank, không phải lo bị nhà bank tới đóng cửa, xiết nợ, hay foreclose. Các khoản nợ của chùa là nợ các Phật tử thôi. Họ đã sẵn lòng cho chùa mượn, mắc chi họ phải đòi gấp đến độ phải bán chùa ? Lần đầu tiên trên đời mới chứng kiến cảnh khó tin nhưng có thật này. Đúng là chịu đời không thấu cái tày khôn của Steven Điêu.
Sợ chủ nợ kiện và có thể bị vào tù ? Nói vậy mà nghe được. Sau bao lần thư bao lần điện thoại, người mà có thể sẽ đâm đơn kiện là HT Huyền Việt, nhưng Ngài vẫn hiền hòa ẩn nhẫn, xuống nước năn nỉ thiếu điều khô cổ họng ráo nước miếng mà kẻ bán chùa cũng không đoái hoài, trả lời trả vốn chi ráo trọi. Vậy mà nói là sợ người ta kiện nên bán chùa gấp. Đây bằng chứng là HT Huyền Việt có nhờ luật sư Tammy Tran thư cho TT GĐ và Steven Điêu, mong ngồi lại trong tình huynh đệ pháp lữ, trong tình đạo với nhau, giải quyết ổn thỏa việc bàn giao giấy tờ sổ sách. Cho thời gian 7 ngày để trả lời. Thế mà có hề hấn gì đâu. Im lặng, không bắt phone, không trả lời, đã nói lên tất cả. Kết luận là chả có ai kiện cáo chi trước ngày Đại Hội. Chỉ là cái cớ để “wh..oánh” đối phương một cái thật đau cho chừa cái tội dám cho Thầy tôi “nghỉ việc”. Chuyện rõ như ban ngày ai cũng thấy mà vòng vo chi.
Sư kiện sư để giành chùa, một tranh chấp đời thường
Vâng, đó là âm vang của một vài dị nghị từ khi có nguồn tin chính thức khởi tố ra tòa. Sự phê phán đến từ một số Phật tử chưa am hiểu chân dung toàn cảnh của vấn đề. Nhưng dù gì thì khi nghe dòng chữ trên quả tình không nỗi đau nào hơn. Đau lòng hơn hết là việc ra tòa bị đánh giá là việc “tranh chấp đời thường”, đi tu mà còn tranh giành của cải tài sản, một hành vi thế tục hơn cả người thế tục. Thật không còn gì oan ức hơn. Chưa bao giờ mà Luận Bảo Vương Tam Muội của Ngài Diệu Hiệp mang nhiều ý nghĩa hơn lúc này, nhất là qua câu : “Oan ức không cần biện bạch, vì biện bạch là nhân ngã chưa xả”.
Tuy nhiên, nếu bình tâm suy xét sẽ thấy sự tranh chấp không vì cái hình tướng ngôi chùa, mà là vì cái di sản tâm linh vô giá ở bên trong. “Mái chùa che chở hồn dân tộc. Nếp sống muôn đời của Tổ Tông ! ! !”Như vậy tranh chấp gìn giữ ngôi chùa đâu có phải vì giành giựt cái vách phên hay ngói đỏ, mà vì để giành giữ cái nếp sống tổ tông, cái linh hồn của dân tộc, bao nhiêu giá trị tâm linh, hương linh ký tự, tương lai mầm non của tuổi trẻ đang gởi gấm nơi đó… chứ đâu chỉ vì cái hình tướng bên ngoài, triệu ba, hay triệu mốt. Xin đừng nghĩ thế mà tội nghiệp cho Gíao hội biết bao. Giá của chùa giờ đã tăng lên gấp bội lần rồi. Giá của nó giờ đã là vô giá. Tiền không mua nổi được đâu.
Kết luận :
Ở đời, người hiền thường bị hàm oan. Họ luôn ẩn nhẫn chấp nhận mọi thiệt thòi đến với họ, không than van, không trách oán. Đây thường là thái độ của người Phật tử, luôn lấy lời cổ đức làm trọng : “Nhẫn nhục là đệ nhất đạo”. Lắm khi đối phương thấy vậy “lên nước” bắt nạt. Phải hiểu, sự ẩn nhẫn này là biểu hiện của hùng tâm, uy vũ bất năng khuất, chứ không là hình thức nhu nhược yếu hèn cúi đầu khuất phục trước cường quyền. Trong trường hợp “bán chùa Phật Quang” Giáo Hội là người hiền trước bao oan trái, bất công, hung hăng con bọ xích từ phía bên kia. Thế nhưng, dù oan gia trái chủ cỡ nào rồi, kết cuộc, chạy trời không khỏi nắng. Chân lý sẽ hoàn chân lý ; sự thật sẽ bẻ gảy mọi tà quyền. Cổ nhân có câu, “Kẻ dữ mà hại người hiền chẳng khác nào như ngữa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt chưa tới được trời sẽ trở lại dính đầy cả mặt mình.” Lần này Giáo Hội đã mất tất cả, mất luôn tiếng nói, mất quyền định đoạt về số phận ngôi chùa. Tuy vậy, Giáo Hội vẫn luôn giang rộng vòng tay đón nhận kẻ hồi đầu quay về nẻo chánh đường ngay, mong sao hãy chấm dứt hành động trái đạo phản thầy bịp bạn, kẻo không, e rằng dẫu ăn năn cũng không còn kịp nữa.
Chuyện bán chùa Phật Quang, nay không đơn thuần là việc tranh chấp nội bộ, lời qua tiếng lại giữa hai nhóm Phật tử mà vấn đề đã đến mức nghiêm trọng phải nhờ đến tổ hợp luật sư The Tammy Tran Law Firm, nương vào hệ thống luật pháp và tòa án Hoa Kỳ để đòi lại công lý cho hàng nghìn thí chủ Phật tử, những người hảo tâm đóng góp tịnh tài, cho vay không lời, tạo mãi ngôi chùa chung mà nay Thầy Giác Đẳng, với biệt danh “Sư Ông Bán Chùa” (cách gọi của Bà Đào Nương) phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật. Thật đau lòng hết sức ! Chuyện dài nhưng thật trớ trêu, bi hài nhưng cười ra nước mắt. Tuy thế nhưng cửa vẫn mở. GH vẫn còn mong người con biết sám hối quay về. Đó là sự thật.
Nhật Liên Dũng
07.Nov.2015

No comments:

Post a Comment