Saturday, May 24, 2014

Bài Bình Luận: Thế Nước, Lòng Dân Trước Tham Vọng Của Hán Cộng

 photo HetThoi444-1.jpg


Trương Sĩ Lương - Ngày mùng 2 tháng 5 năm 2014,  Trung Cộng (TC) rầm rộ kéo giàn khoan HD-981 (CNOOC) vào hải phận đặc quyền kinh tế của Việt Nam,  chỉ cách bờ biển 120 dặm. Cuộc xâm lăng trắng trợn này,  có cả trăm tàu hải giám, tàu chiến hải quân xung trận rầm rộ hộ tống tại biển Đông,   khiến cho tình hình chính sự Việt Nam và quốc tế trở nên căng thẳng. Dưới đây là những diễn biến xảy ra kể từ ngày đầu tháng 5 năm 2014:
1)      Ngày 4-5-2014, theo thủ tục ngoại giao bình thường, khi phát giác giàn khoan HD-981 của TC xâm phạm lãnh hải VN, Ngoại Trưởng CSVN Phạm Bình Minh đã liên lạc thẳng với Ngoại Trưởng TC Dương Thiết Trì với lời phản đối rất cứng rắn, được báo chí của nhà nước CSVN lên tin rõ ràng. Trong khi giới lãnh đạo “chóp bu” của nhà nước và cộng đảng thì câm như hến, chẳng một lời nào trước quốc dân. Người dân đã quá rành về thái độ yếu hèn của bọn cầm quyền CSVN.

2)      Cùng ngày 4-5, trò chơi “súng nước”phạng nhau  và cho tàu đâm nhau, nhiều cảnh sát biển (CSVN) bị thương, được thổi phồng và la toáng lên là TC tấn công VC ra mặt. Thật giả về những trận cận chiến của hai bên xảy ra như  thế nào thì chưa biết,  nhưng một số bài bình luận cho rằng TC và VC chỉ đụng nhau để “đóng phim” và tuyên truyền xám cho mưu đồ  xâm lăng Biển Đông của TC và dần dần chiếm luôn đường lưỡi bò cho gọn, mà VN chỉ là con chốt tay sai của bàn cờ TC.
 
3)      Ngày 11-5-2014,  dân Hà Nội xuống đường cả ngàn người, biểu tình chống TC thoải mái. Sài Gòn cũng thế, hơn 2000 người yêu nước xuống đường trước nhà hát lớn Saigon và Tổng lãnh sự TC, phải nói là được tự do biểu tình chống TC, thậm chí dân Saigon còn đòi “Tự Do cho người yêu nước”, “Tự do cho dân tộc Việt Nam”, “Tự do cho người đấu tranh đang bị giam cầm”…

4)      Thế rồi ngày 13-5-2014,  bất ngờ cuộc biểu tình lớn bùng phát tại khu công nghiệp Bình Dương với hàng chục ngàn người xuống đường chống TC, chống bóc lột nhân công. Sau đó chuyển thành bạo động cướp phá các doanh nghiệp của TC, Đài Loan… Bạo động lan ra khu công nghiệp Đồng Nai, rồi Vũng Áng, Hà Tĩnh. Nhiều tài sản, nhà máy bị thiêu hủy, nhiều người thiệt mạng và bị thương với những con số khác nhau.  Hôm sau,  có tin chắc chắn những phần tử lôi kéo công nhân không phải là công nhân làm việc tại các doanh nghiệp mà là lực lượng xã hội đen, xâm mình, tóc xanh tóc đỏ, người bậm trợn… trang bị gậy gộc, ép công nhân tham gia vào những cuộc biểu tình khiến các doanh nghiệp phải ngưng sản xuất. Thì ra, họ không phải là công nhân tự phát, vậy thì ai làm chuyện này…? Thế rồi sau đó, bạo quyền CSVN tuyên bố đã bắt cả ngàn người gây bạo loạn tại các khu vực Bình Dương và Hà Tĩnh,  nhưng vẫn chưa tìm ra được kẻ chủ mưu.  Nhiều người kinh nghiệm với cuộc diện cho rằng “Ai trồng khoai đất này?” Chính là Nhà nước (phe thân TC) là thủ phạm.  Đúng là “vừa đánh trống vừa ăn cướp.”

Sau các vụ bạo loạn tại Bình Dương, Hà Tĩnh và nhiều nơi khác trong các ngày 13-14 tháng 5, người dân bắt đầu nghi ngờ về việc có bàn tay đạo diễn từ tình báo TC. Thủ đoạn của tình báo TC qua các vụ bạo loạn nhằm mục đích gây xáo trộn công ăn việc làm của hàng triệu công nhân Việt Nam và tạo nên hình ảnh xấu đối với các nhà đầu tư quốc tế. Hậu quả của việc đập phá, cướp bóc tài sản nhà máy gây thiệt hại rất lớn về kinh tế,  nhà nước CSVN sẽ phải bồi thường phí tổn thiệt hại. Đồng thời, các vụ bạo loạn sẽ tạo ra những lợi thế để TC ,  áp lực phe thân TC  trong nội bộ CSVN phải có cách thức khống chế, cấm các cuộc biểu tình yêu nước sắp tới.  Điển hình là ngày 18-5 nhà cầm quyền CSVN đã đàn áp thô bạo các cuộc biểu tình yêu nước tại Hà Nội, Sài Gòn … Các vụ bạo loạn cũng (có thể) khiến nhà cầm quyền TC sẽ lấy cớ để xua quân xâm lăng Việt Nam với chiêu bài bảo vệ người dân Trung Hoa và các cơ sở doanh nghiệp của họ, sau khi đã di tản rầm rộ hàng ngàn nhân công ra khỏi lãnh thổ Việt Nam tuần qua.

5)      Ngày 18-5-2014  nhà nước và công an đã khống chế, đánh đập tàn bạo và cuối cùng dẹp tan các cuộc biểu tình tự phát khắp nước. CSVN đánh đập, đe dọa, sỉ nhục những người yêu nước biểu tình ôn hòa chống TC có phải là cách tốt nhất để ổn định tình hình? Hình ảnh một số người dân biểu tình tại Sài Gòn bị bắt, đánh đập lan tràn trên các mạng xã hội, như Facebook, Twitter… đã tạo ra rất nhiều câu hỏi về hành động này.  Bọn CSVN thật tráo trở hết chỗ nói. Khi cần thì họ trí trá tổ chức cho người dẫn đầu biểu tình như ngày 11-5; khi cần thì tổ chức biểu tình, khích báng đập phá, gây bạo loạn để đổ tội cho người dân ngày 13, 14 tháng 5. Bất cứ việc gì CSVN cũng có thể làm được để kéo dài chế độ phi dân tộc này, nhưng một điều họ không thể làm được nữa, đó là tiếp tục mị dân, tàn bạo với dân,  hại dân, giết dân và làm tay sai cho Tàu cộng. Hết rồi!

6)      Bàn cờ thế Việt-Trung đã phơi bày ra trước bàn dân thiên hạ trên khắp mọi miền đất nước Việt Nam, không còn giấu được ai nữa.  Tại sao TC không dám khinh bỉ chính quyền Phi Luật Tân sau vài lần thử lửa? Bởi vì họ biết tìm chỗ dựa, biết tìm bạn mà chơi, không “khôn nhà dại chợ”, không dễ tin và nhu nhược như bạo quyền CSVN.  Có lẽ sau một thời gian dài thăm dò, TC đã đủ hiểu CSVN là những kẻ nhu nhược, tứ cố vô thân, chỉ lo phát triển kinh tế và tham nhũng là chính, cho nên họ mới bắt đầu thâm nhập vào thềm lục địa Việt Nam để “chiếu tướng” bằng giàn khoan HD-981. Trên bình diện quốc tế Việt Nam đang rơi vào hoàn cảnh cô đơn hơn bao giờ hết.  Bởi từ trước tới nay Việt Nam chỉ biết tìm cách lợi dụng lòng tốt của các quốc gia láng diềng để nhận những khoản viện trợ mà chưa bao giờ Việt Nam thực lòng muốn hợp tác với các quốc gia này trong vấn đề lãnh thổ lãnh hải. Ngay cả khi Philippines kiện TC ra Tòa án Quốc tế thì CSVN làm ngơ không tham gia, không ủng hộ. Việt Nam luôn khẳng định cùng TC đàm phán song phương về tình hình Biển Đông. Ngay cả khi những công dân Việt Nam vì lòng yêu nước đã lên tiếng cảnh báo cho nhà cầm quyền về âm mưu xâm lược của TC ở Biển Đông, thì nhà cầm quyền CSVN lại bắt bớ cầm tù họ. Khi những quốc gia tiến bộ lên tiếng bảo vệ quyền làm người cho những công dân yêu nước, thì đều bị nhà cầm quyền Cộng sản phản đối là “Không nên can thiệp vào công việc nội bộ của họ”. Đó là bài học cho đảng CSVN. Thế nhưng bây giờ tìm đến “thế nước lòng dân” để tìm chỗ dựa thì có phải đã quá muộn rồi không?

  • oOo

Song song với những diễn biến về vụ TC xâm lăng VN gần tháng nay tại Biển Đông, vài vấn đề quốc tế, có liên hệ tới bàn cờ Việt Nam sau đây, cũng cần bàn:

NGA-TRUNG THỎA HIỆP LỢI ÍCH

Mặc cả một thập niên nay về giá khí đốt Siberia, Nga và TC mới đây (21-5) đột nhiên đạt được thỏa thuận. Đối mặt với lệnh trừng phạt của phương Tây về vấn đề Ukraine, TT Nga hôm thứ Tư hồ hởi loan báo việc ký kết một hợp đồng lớn cung cấp khí đốt thiên nhiên cho TC.

TT Vladimir Putin trả lời báo giới ở Thượng Hải về thỏa thuận kéo dài 30 năm trị giá 400 tỉ USD. Đây là “hợp đồng lớn nhất trong lịch sử của ngành công nghiệp khí đốt của Liên Xô và Nga,”. Ông Putin nhấn mạnh thỏa thuận này bao gồm một dự án 75 tỉ USD xây dựng những đường ống dẫn và cơ sở hạ tầng khác, sẽ giúp tạo sức bật cho nền kinh tế của Nga: “Đây sẽ là dự án xây dựng lớn nhất thế giới trong bốn năm tới, tạo ra hàng ngàn công ăn việc làm.” Hợp đồng được ký kết sau 10 năm đàm phán, phần lớn là về giá khí đốt của Nga.

Có người đặt câu hỏi Viêt Nam là đồng minh của Nga, liệu giao tình của Trung-Nga càng ngày càng thắt chặt thấy rõ. Như thế, việc TC đưa giàn khoan HD-981 vào biển Đông có ảnh hưởng gì tới vấn đề VN không? TC là hiện là đối tác rất lợi ích của Nga về mặt giao thương tài chánh, và về mặt chính trị cũng là thế mạnh (liên minh) để đối đầu với Mỹ và Âu châu trong thời gian tới. Tất nhiên, giao tình giữa CSVN và Nga sẽ nhạt hơn, ngoài việc bán vũ khí, thay thế quân cụ, quân dụng  Nga sẽ không làm gì được nữa trong việc anh em nhà Cộng Trung-Việt tranh chấp.

VIỆT NAM & PHILIPPINES

Chuyến thăm Philippines của TT Nguyễn Tấn Dũng, trong bối cảnh căng thẳng trên biển Đông,  chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, đã khiến nhiều nhà quan sát nêu giả thuyết rằng Việt Nam đang chủ động xích lại gần hơn với Philippines để tạo lập liên minh nhằm đương đầu với TC.

Sau cuộc hội đàm ở Manila hôm 21-5, với Tổng thống Benigno Aquino, ông Dũng tuyên bố rằng tình hình ở biển Đông hiện nay “đặc biệt nguy hiểm” đồng thời khẳng định rằng hai nước sẽ củng cố hợp tác quốc phòng và sẽ “kiên quyết phản đối” TC.

Trong dịp này, ít nhất, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã tuyên bố Hà Nội có thể kiện TC vì Bắc Kinh đưa giàn khoan dầu vào hoạt động trong vùng biển có tranh chấp ngoài khơi Việt Nam. Khi trả lời qua email cho phóng viên của các hãng thông tấn AP và Reuters hôm 21 tháng 5, TT Dũng còn nói rằng “chúng tôi đang cân nhắc các phương án để bảo vệ mình, kể cả phương án đấu tranh pháp lý, theo luật pháp quốc tế.”

Ngoại Trưởng John Kerry mời Ngoại Trưởng Phạm Bình Minh đến Mỹ

Nguồn tin này được đưa ra sau cuộc điện đàm giữa hai nhà ngoại giao của hai nước về tình hình căng thẳng trên Biển Đông hôm thứ Tư ngày 21-5. Theo nguồn tin thì NT Kerry đã nói với NT Minh về  “quan ngại của Mỹ đối với hành động khiêu khích của TC trên Biển Đông”. “NT  Kerry đã bày tỏ quan ngại về hành động khiêu khích của TC về việc  đưa giàn khoan và nhiều tàu  ra vùng biển có tranh chấp với Việt Nam – hành động này đã làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và dẫn đến bạo lực đáng lên án nhắm vào các công dân và doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam,”.   Ông Kerry đã kêu gọi hai phía “kiềm chế, có những bước đi làm giảm căng thẳng… và giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Trong khi theo NT Minh, TC đã  “liên tục gia tăng số lượng tàu chiến, trong đó có tàu hộ vệ hỏa tiễn, tàu tuần tiễu tấn công nhanh và tàu đổ bộ lớn”. Dù vậy, NT  Phạm Bình Minh nhắc lại “Việt Nam đã hết sức kiềm chế, kiên trì thông qua đối thoại, tránh xung đột, đồng thời kiên quyết yêu cầu TC rút giàn khoan và các tàu hộ tống khỏi khu vực”.
Ngoại trưởng Kerry trả lời rằng ông “đánh giá cao sự kiềm chế và thiện chí của Việt Nam thể hiện trong việc kiên trì sử dụng các biện pháp hòa bình và đối thoại, không để căng thẳng leo thang”. Ông cũng tái khẳng định lập trường về việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông “một cách hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982”.

Cũng trong cuộc đối thoại, NT Minh nói Việt Nam “sẵn sàng phối hợp với Hoa Kỳ để tìm các biện pháp cụ thể nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ Việt Mỹ theo tinh thần quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước”.

Theo một bản tin khác được đăng trên tuần báo Times ngày 19-5 với tựa đề: The U.S. Is Finally Making a Friend of Vietnam (Cuối cùng, Việt Nam đã được Mỹ làm bạn). Washington’s warm rapprochement with Hanoi is a reflection of the American desire to contain an increasingly bold and hawkish China. Some experts say relations have improved to the point where a lifting of the arms embargo on Vietnam is possible (Việc  Hoa kỳ  sốt sắng xích lại gần với Hà Nội phản ảnh ý muốn của Mỹ bao vây một nước TC càng ngày càng tỏ ra hung hăng hiếu chiến. Nhiều chuyên gia nói rằng bang giao Mỹ Việt đã cải thiện đến độ chính phủ Mỹ có thể bỏ cấm vận việc xuất cảng khí giới sang VN.)


LỜI BÀN:

Xem ra trận chiến HD-981 đã trở thành một bài toán nan giải cho Trung Cộng và Việt Cộng. Nếu hai nước anh em xã nghĩa trời đánh này, không phải dàn cảnh để đóng phim cho âm mưu xâm chiếm biển Đông, mà khệnh nhau vì quyền lợi dầu khí (tài nguyên to lớn) thì quả thật là một cơ may “cùng tắc biến, biến tắc thông” cho giống nòi Việt tộc, dù phải hy sinh xương máu, nhưng có thể tuột ra khỏi vòng kim-cô của đám đại Hán đang giăng bẫy để nuốt trọn lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam. Thế nước và lòng dân đã như thế. CSVN không thể cưỡng lại được nữa. Hơn 70 năm tập đoàn CS quốc tế đã mượn tay đám nô thần CSVN hành hạ, đày đọa cả một dân tộc Việt Nam đau khổ đến tận trời xanh như thế là quá tay rồi. Vấn đề cần bàn hôm nay là:

1)      Tại sao TC lại gấp rút đưa giàn khoan vào thời điểm này? Xin lạm bàn: “Có lẽ TC muốn nắn gân Hoa Kỳ vì rõ ràng, sau chuyến Á du của TT Obama, ý đồ xoay trục của Mỹ để bao vây TC vẫn tiến hành mạnh mẽ mà không tí nào sút giảm qua biến cố khá trọng đại tại Ukraine.”
2)      Như vậy, lần này TC có muốn đánh CSVN không?  Xin làm bàn: “Đánh thì bị quốc tế lên án. Không đánh thì nhục. Vì thế, có thể TC sẽ cứ tiếp tục duy trì giàn khoan HD-981 ở vị trí đang đặt cho đến 15-8 này thì mang đi một nơi khác, cũng trong lãnh hải của VN, để điều đình với CSVN và làm hòa, rồi tính chuyện chia phần khi có lợi tức dầu khí,  để tiếp tục lấn chiếm Biển Đông theo chiến lược đường “lưỡi bò” như kế hoạch đã định.”
3)      Vấn đề khó khăn của TC là thái độ không rõ ràng của Hoa Kỳ. Đó là trong lộ đồ xoay trục qua Á châu và Thái Bình Dương, tuy Việt Nam không phải là một đồng minh cật ruột như Nam Hàn, Nhật, Philippines,  nhưng vị trí chiến lược của VN ở biển đông rất quan trọng. Vì thế, Hoa Kỳ không thể bỏ mặc Việt Nam cho TC muốn làm gì thì làm… Do đó, Hoa Kỳ vẫn chờ thái độ dứt khoát của CSVN trong giai đoạn này.
– CSVN không thể tiếp tục đu dây được nữa. Cứ cái kiểu đu dây, đu gió như thế này thì giữ đảng CS chưa chắc đã được, lại có ngày mất hết cả chì lẫn chài, một khi thằng anh trời đánh phương Bắc tiếp tục trên đe dưới búa như biến cố Biển Đông.
– Ngày nay, một nước có thế chiến lược quan trọng như VN bắt buộc phải chọn một thế đứng rõ ràng để có đồng minh khi “khay trời hở gió”, khi bị kẻ thù bắt nạt.
– Vẫn theo sách lược binh pháp thì một khi buộc phải chọn giải pháp tốt thì ta sẽ chọn giải pháp tốt nhất để theo. Nhưng nếu buộc phải chọn giải pháp xấu thì ta phải chọn giải pháp ít xấu nhất để dựa.
– Vì vậy, CSVN không còn con đường nào nữa để chọn lựa. Giải pháp ít xấu nhất hiện tại là phải chọn Mỹ và những đồng minh, là các nước bạn (tự do) trong khối ASEAN để sinh tồn. Nhưng điều kiện để đi theo giải pháp này là phải dân chủ hóa chế độ, là bỏ chế độ độc đảng hiện nay; trả tự do cho tất cả các tù nhân yêu nước. CSVN có thực hiện những điểm này không đó chính là Thế Nước, Lòng Dân đã tới hồi “cùng tắc biến, biến tắc thông”. Nếu thật sự Nguyễn Tấn Dũng đang nghiên cứu lộ đồ qua luật lệ quốc tế về biển để kiện, chống TC xâm lăng thì chính là “gở được cái gút khó khăn nhất hiện nay” cho dân tộc Việt Nam.

Trương Sĩ Lương

Không thể ngồi yên


 


No comments:

Post a Comment