Huệ Lộc: Trả Lởi Câu Hỏi- Lộ Trình Bát Chánh ( Phần 3 của 3)
Chú thích 33: Pháp chỉ là danh tướng mà không có thật tánh. Pháp Bình Đẳng là pháp Không Tánh dựa trên sự chấp tánh mà giả hữu danh. Khi hành giả chứng đắc pháp tánh Vô Sanh thì chẳng cần niệm nhớ tánh Không Tánh của mọi pháp. 2.6 Nơi tất cả niệm, không có niệm, không có chẳng niệm. Chú thích 34: Niệm hay Không Niệm luôn hướng về... Tánh Không. Tu thiện pháp tức Niệm Tánh Không, tức cũng là vô niệm. Nên nói không có niệm, không có chẳng niệm. 2.7 Không còn tư lự đúng hay không đúng. Chú thích 35: Tư lự đúng hay không đúng là lo sợ rơi vào tà niệm hay phi pháp. Nay có được ý chỉ những điều trên thì Chánh niệm được thành lập cứng chắc không còn nghi ngờ. Bây giờ có Nhất niệm tức một lòng tin chắc thật và không buông bỏ.Có được tất cả những điều trên, gọi là Chánh Niệm." (hay Vô niệm) Người hay tu tập Chánh Niệm khi tu các pháp môn khác thì được mau viên thành. Như tu Tịnh Độ Tông thì chánh niệm làm mau thành tựu được lý Nhất Tâm Bất Loạn; về Thiền Tông thì Chánh niệm giúp mau thành tựu chánh định vì loại trừ tất cả những phi pháp vọng tưởng...
3. Chánh Ngữ: (Đại Bửu Tích, Luận Đại Trí Độ, Kinh Kim Cang Bát Nhã) "3.1 Bồ Tát lúc nói, chẳng tự thấy thân mình, chẳng thấy người khác, chẳng thấy kia đây, chẳng phạm (hại) thân mình cũng chẳng hại nơi người, đây là Chánh Ngữ. Chú thích 36: Theo như kinh Kim Cang: - Chẳng tự thấy thân mình: Lời nói không chấp tướng Ta (Ngã tướng)- Chẵng thấy người khác: Lời nói không chấp tướng Người (Nhân tướng)- Chẳng phạm (hại) thân mình: Lời nói chân chánh đúng chánh pháp- Chẳng hại nơi người: Lời nói có lợi đạo đức cho người Lúc nói, bình đẳng hiểu các pháp, biết tất cả pháp đến nơi diệt tận, biết tất cả pháp về nơi pháp hiền thánh và giải thoát, đây là Chánh ngữ."Chú thích 37: -Bình đẳng hiểu các pháp: Do Chánh niệm và Chánh kiến mà phát ra Chánh ngữ. Các pháp bình đẳng có ba nghĩa. Nghĩa thứ nhất là các pháp vốn bổn lai tịch tĩnh nên bình đẳng. Nghĩa thứ hai các pháp đều riêng sai khác, chẳng thân cận nhau, không pháp nào làm chủ pháp nào, không pháp nào hoà hợp pháp nào như Kinh Lăng Nghiêm hay Kinh Pháp Hoa có nói, nên bình đẳng. Nghĩa thứ ba các pháp vốn không tự tánh, nên gọi là Không Tánh, nên bình đẳng. Chú thích 38: Biết tất cả pháp đến nơi diệt tận: Chổ biên tế của các pháp chính là vắng lặng tịch tĩnh, nhưng không có nghĩa là mất hẳn, cũng như tiếng chuông sau khi vang lên rồi mất, âm thanh đi về đâu? Về thế giới tịch tĩnh (tâm). Khi muốn có tiếng chuông thì chỉ cần gõ vào thành chuông thì âm thanh lại phát ra. Do đó tịch diệt mà không mất.