PARIS, ngày 4 tháng 9 năm 2018 (VCHR & FIDH) — Bản dự thảo Phúc trình của Nhà cầm quyền Việt Nam cho kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR, Universal Periodic Rewiew) sắp tới vừa che giấu những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, vừa cố trình lừa đảo cộng đồng thế giới. Hôm nay Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) và Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) cất lời tố cáo sự kiện này.
Cuộc Kiểm điểm Thường kỳ Phổ quát (UPR) lần thứ 3 của Việt Nam sẽ được tổ chức tại Hội đồng Nhân quyền LHQ tại Điện Quốc Liên ở Genève, Thuỵ sĩ, ngày 22 tháng giêng năm 2019.
Tổng thư ký FIDH, bà Debbie Stothard nhận xét : “Trong hình thức hiện nay, bản Phúc trình của chính quyền nhân kỳ Kiểm điểm UPR cho thấy Hà Nội bất lực trước sự thách thức của tình trạng nhân quyền, và thiếu cả nỗ lực chính trị để giải quyết chúng. Nhà cầm quyền cần lưu tâm đến những dữ liệu do xã hội nhân sự cung cấp, đặc biệt đối với tình trạng cực kỳ xấu trên lãnh vực dân sự và chính trị chủ yếu”.
Kể từ cuộc Kiểm điểm UPR Việt Nam hồi tháng 2 năm 2014, nhà cầm quyền đã gia tăng đàn áp xã hội dân sự và những ai phê phán chính phủ. Từ tháng 2 năm 2014 đến tháng 7 năm 2018, FIDH và VCHR ghi nhận những cuộc bắt bớ tuỳ tiện hay giam cầm ít nhất 160 người hoạt động ôn hoà hay bảo vệ nhân quyền. Trong bản Phúc trình của hai tổ chức FIDH và VCHR nhân kỳ Kiểm điểm UPR Việt Nam sắp tới nêu lên nhiều trường hợp vi phạm nhân quyền cần quan tâm và đưa ra các khuyến cáo để cải thiện.
Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR), nhấn mạnh : “Bản Phúc trình cho cuôc Kiểm điểm UPR của nhà cầm quyền Hà Nội tràn đầy những lời tuyên bố cách xa thực tế nghìn dặm, đồng thời lại che giấu các cuộc đàn áp hung bạo xã hội dân sự, khiến Cộng đồng thế giới không ngừng phê phán kịch liệt. Trong một quốc gia mà sự kêu gọi cho dân chủ bị xem như âm mưu lật đổ chính quyền, bản Phúc trình của Hà Nội tự tuyên xưng Đảng Cộng sản Việt Nam đang thăng tiến dân chủ là chuyện khôi hài”.
Dự thảo Phúc trình đã đưa lên Trang chủ Bộ Ngoại giao bao gồm những cái gọi là “diễn tiến nhân quyền” kể từ cuộc Kiểm điểm UPR thứ 2. Sau đây chúng tôi phân tích tóm lược vài điểm sai lầm chủ yếu trong bản dự thảo Phúc trình của Hà Nội.
Về tự do tôn giáo hay tín ngưỡng
Đoạn 46 của bản Phúc trình xác nhận “Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 (có hiệu lực kể tử tháng giêng 2018) và Nghị định thực thi Luật tín ngưỡng, tôn giáo đã tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc để bảo đảm tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân”. Nhưng trái lại, Luật này không tuân thủ Điều 18 của Công ước Quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) mà Việt Nam đã tham gia ký kết, bảo đảm quyền phổ quát về tự do tôn giáo hay tín ngưỡng. Theo Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo xác định việc thừa nhận các sinh hoạt tôn giáo phải được Nhà cầm quyền cho phép hoặc cấm đoán mà chẳng cần giài thích. Các nghị định mới quy định một số tiền phạt nặng nề cho những sinh hoạt tôn giáo chưa xin phép. Từ khi luật mới có hiệu lực, nhà cầm quyền sách nhiễu khắc khe các nhóm tôn giáo không được thừa nhận như trường hợp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Phật giáo Hoà Hảo và một số giáo phái Tin lành của người Thượng.
Tự do ngôn luận và biểu tình ôn hoà
Đoạn 51 của Phúc trình xác nhận Luật Báo chí sửa đổi năm 2016 “xác định rõ quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận trên báo chí của công dân” ; nhấn mạnh “nguyên tắc không có kiểm duyệt trước khi in, đăng, phát sóng”. Trong thực tế, Luật Báo chí sửa đổi tăng vọt các “hành động cấm cản” từ 4 lên tới 13 điều. Tất cả các điều khoản này đều mơ hồ quá đáng và đặt trong một chuỗi giới hạn về truyền thông. Cấm các hoạt động kể cả phát hành “những thông tin méo mó về Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” hay “gieo chia rẽ giữa nhân dân với nhà nước”. Luật Báo chí sửa đổi không cho phép báo chí truyền thông độc lập hiện hữu, mặt khác, sự kiểm duyệt của nhà cầm quyền vẫn giữ nguyên chặt chẽ. Tháng 7 năm 2018, Trang chủ của Báo Tuổi Trẻ là tờ báo được phổ biến lớn rộng đã bị cấm phát hành trong vòng 3 tháng và trả phạt mười nghìn Mỹ kim vì tội in tin thất thiệt và bình luận “gây hại cho tình đoàn kết quốc gia”.
Án tử hình
Đoạn 42 của Phúc trình xác nhận sai sự thực rằng Án Tử hình : “chỉ áp dụng đối với các tội đặc biệt nghiêm trọng”. Sự thực là án tử hình được áp dụng cho 18 thứ tội phạm trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, và ma tuý phạm pháp, vốn không vượt qua giới hạn ”các tội đăc biệt nghiêm trọng” mà LHQ quy định.
Bình đẳng trước Pháp luật
Đoạn 37 của Phúc trình xác nhận “Quyền bình đẳng trước pháp luật được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự.”, “người bị bắt/ bị can/bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại mình hoặc buộc phải nhận tội”. Trong thực tế, Bộ Luật Tố tụng Hình sự sửa đổi năm 2015 đưa ra những đìều luật cho phép tạm giam vô thời hạn trong các trường hợp vi phạm “an ninh quốc gia”, là vi phạm luật quốc tế. Hơn nữa, Bộ Luật Hình sự cho phép các phiên toà liên quan đến “an ninh quốc gia” được xử kín. Thông thường các tù nhân bị biệt giam, bị đánh đập thường xuyên gây chết chóc. Ngày 16 tháng 8 năm 2018, nhà hoạt động Lê Đình Lượng bị kết án 20 năm tù căn cứ vào lời khai bị cưỡng bức của hai bloggers Nguyễn Văn Hoá và Nguyễn Việt Dũng. Theo Luật sư bào chữa cho Lượng, hai người nầy đã bị đánh đập trong tù nên sau này đã phản cung, nhưng lời phản cung đã không được bên khởi tố sử dụng khi kết án Lượng.
Hợp tác với các cơ cấu LHQ
Đoạn 34 trong bản Phúc trình xác nhận Ông Heiner Bielefeldt, Báo cáo viên đặc nhiệm Tự do Tôn giáo hay Tín ngưỡng của LHQ “đã ghi nhận nỗ lực, thành tựu của Việt Nam” trong cuộc viếng thăm Việt Nam chính thức năm 2014. Đây là sự lừa đảo nghiêm trọng. Vì trong bản Phúc trình chuyến công vụ, ông Báo cáo viên đặc nhiệm Tự do Tôn giáo hay Tín ngưỡng của LHQ nói rõ rằng ông cảm thấy“bị xúc phạm bởi những vụ trả thù, bao gồm việc đe dọa, quấy rối bằng cách thẩm vấn của công an và thậm chí tổn thương về thể xác của những người gặp gỡ ông trong và sau chuyến thăm, khiến ông phải bỏ một số cuộc gặp gỡ”. Ông Bielefeldt nói rằng “các sự cố ấy vi phạm rõ ràng những điều khoản tham chiếu được nhà cầm quyền Việt Nam đồng ý trước chuyến viếng thăm”.
Những chiến dịch nâng cao nhận thức Nhân quyền
Đoạn 27 trong bản Phúc trình xác nhận nhà cầm quyền “Tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về quyền con người là một trong những nhiệm vụ ưu tiên nhằm thúc đẩy quyền con người”. Tuy nhiên, một loạt sách giáo khoa cho các trường học và đại học giải thích nhân quyền trong nghĩa trái chống với nguyên tắc phổ quát của nhân quyền quốc tế. Các sách giáo khoa đòi hỏi các thầy giáo phai giảng về hai chữ nhân quyền như sau :
“Do khác biệt về hoàn cảnh lịch sử, chế độ chính trị, trình độ phát triển, giá trị truyền thống văn hóa nên cách tiếp cận về quyền con người của mỗi quốc gia có thể khác nhau. Việt Nam cho rằng không nước nào có quyền sử dụng vấn đề quyền con người làm công cụ can thiệp vào công việc nội bộ các quốc gia, gây đối đầu, gây sức ép chính trị, thậm chí sử dụng vũ lực hoặc làm điều kiện trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại… với nước khác”.
Giải thích như trên là trở lại định nghĩa lỗi thời của ba mươi năm trước về “Biệt lệ nhân quyền Châu Á”.
No comments:
Post a Comment