Wednesday, May 2, 2018

(VCHR) Uỷ hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo Trên Thế giới yêu cầu Chính phủ Hoa Kỳ đặt Việt Nam vào Danh sách CPC, danh sách Đen đàn áp tôn giáo

Vietnam Committee on Human Rights (VCHR)
Comité Vietnam pour la Défense des Droits de l'Homme
Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam

B.P. 60063 - 94472 Boissy Saint Léger cedex (France) - Tel.: (Paris) (331) 45 98 30 85
Fax : Paris (331) 45 98 32 61 - E-mail : queme.democracy@gmail.com
Web : http://queme.org - Facebook: https://www.facebook.com/queme.net

PARIS, 26-4-2018 (VHCR) – Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VHCR) đã phát hành bản Thông cáo Báo chí bằng tiếng Anh và Pháp hôm qua, thứ tư 25-4-2018, hoan nghênh Uỷ hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo Trên Thế giới (US Commission on International Religious Freedom) đã khuyến thỉnh Chính phủ Hoa Kỳ đặt Việt Nam vào Danh sách CPC (danh sách các quốc gia đàn áp tôn giáo cần đặc bệt quan tâm). Chiếu theo sắc luật Tự do Tôn giáo trên Thế giới 1998, được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua, chữ viết tắt CPC (Countries of Particular Concern), là danh sách bao gồm “bất cứ quốc gia nào mà chính phủ quốc gia ấy đặc biệt khoan nhượng những vi phạm tự do tôn giáo có hệ thống, tiếp diễn, thái quá”. Năm nay, Uỷ hội Hoa Kỳ đề nghị 16 quốc gia vào danh sách CPC, trong có Việt Nam.
Tuần trước đây, Uỷ hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo Trên Thế giới vừa tổ chức kỷ niệm 20 năm hoạt động. Kể từ năm 2002, mỗi năm Uỷ hội đều đề nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đặt Việt Nam vào danh sách CPC. Việt Nam đã bị đưa vào Danh sách Đen đàn áp tôn giáo trong hai năm 2004, 2005. Nhưng được rút khỏi danh sách này năm 2006 khi Tổng Thống Bush đến Hà Nội dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á -Thái Bình Dương (APEC).
Uỷ hội Hoa Kỳ bảo vệ Tự do Tôn giáo Trên Thế giới tỏ ý tiếc là Hoa Kỳ đã rút Việt Nam khỏi Sổ Đen đàn áp tôn giáo quá sớm, đưa lại kết quả cho Việt Nam rảnh tay tiếp tục cuộc đàn áp tự do tôn giáo hay tín ngưỡng.
Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, đã lên tiếng như sau khi được Uỷ hội Hoa Kỷ gửi bản Phúc trình Thường niên về tình hình tôn giáo trên Thế giới :
“Uỷ hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo Trên Thế giới xác nhận sự đánh giá của Uỷ ban chúng tôi về công cuộc đàn áp tự do tôn giáo hay tín ngưỡng ngày càng gia tăng. Luật Tín ngưỡng Tôn giáo mới, có hiệu lực từ tháng giêng năm nay, cần cung cấp hệ thống bảo vệ tự do tôn giáo. Nhưng ngược lại, Việt Nam đã sử dụng luật pháp như công cụ nhằm phạm-tội-hoá các hoạt động tôn giáo.
“Các cộng đồng tôn giáo ở Việt Nam là tiếng nói trung thực của xã hội dân sự, đơn giản họ chỉ đòi hỏi được yên ổn sống niềm tin đạo của họ. Nhưng trong thực tế, các cộng đồng tôn giáo là tiêu đích của sự sách nhiễu, bạo hành và giam cầm. Đặt vào danh sách CPC là trình tự nhanh chóng, hiệu quả, giúp thế giới giám định những chủ trương cực đoan của Việt Nam trong sự tiếp diễn đàn áp tự do tôn giáo và nhân quyền”.
Theo những phát hiện của Uỷ hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo Trên Thế giới, Việt Nam “luôn luôn kiểm soát gắt gao báo chí, kiểm soát Internet và các mạng xã hội” dẫn đến trong năm 2017 “điều mà những nhà hoạt động nhân quyền xem như cuộc tấn công kịch liệt vào tự do và nhân quyền phổ cập tại Việt Nam”.

“Việc sử dụng bọn côn đồ ăn mặc thường phục, đa số bọn này làm việc cho công an, bạo hành các tín đồ tôn giáo và những nhà hoạt động khác nở rộ trong năm 2017”, bản Phúc trình cho biết và thêm rằng “một cách có hệ thống, tiếp diễn, vượt mức thái quá những vi phạm tự do tôn giáo, minh chứng rằng các biện pháp đề ra qua Hiến pháp hay pháp luật ngầm nói như bảo vệ tự do tôn giáo hay tín ngưỡng đành phải bó tay khi chính quyền hay các diễn viên không chính thức vi phạm pháp quyền nhưng chẳng sợ bị trừng phạt, hoặc xem thường các tiêu chuẩn luật pháp quốc tế”.
Nhiều cá nhân hay nhóm đoàn bị chính quyền Việt Nam làm bia nhắm, chỉ vì họ sống đức tin, thuộc nhóm thiểu số, hay kêu gọi cho dân chủ, tự do tôn giáo hoặc không chấp nhận sự kiểm soát của chính quyền Cộng sản, theo nhận định của Uỷ hội Hoa Kỳ bảo vệ Tự do Tôn giáo Trên Thế giới, như trường hợp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), các tôn giáo độc lập Cao Đài, Hoà Hảo, Phật giáo Khmer-Krom, Đồng bào Thượng, Người Hmong, Pháp Luân Công, và nhóm tín đồ theo giáo phái Dương Văn Minh.
Đặc biệt đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), Uỷ hội Hoa Kỳ cho biết nhà cầm quyền xâm phạm việc tổ chức Đại lễ Phật Đản, bắt nhiều Huynh trưởng Gia Đình Phật tử đi “làm việc”, và ngăn cấm Phật tử không được đến các chùa thuộc GHPGVNTN. Công an đã gây rối loạn tại các Trại hè của Gia Đình Phật tử trong năm 2017, tệ hại hơn các năm trước, Ủy hội Hoa Kỳ cho biết.
Uỷ hội Hoa Kỳ nói lên sự quan ngại đối với trường hợp Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ “còn bị quản chế suốt 19 năm qua. Trước đó, gần 30 năm Ngài trải qua các nhà tù, lưu đày nơi quê quán. Gần đây nhà cầm quyền cấm Ngài về Huế tịnh dưỡng”.
 Phó Chủ tịch Uỷ hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Trên Thế giới (USCIRF), Bà Kristina Arriaga (ngồi giữa) nêu lên trường hợp Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ tại Thượng đỉnh USCIRF ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn hôm 18-4-2018

Phó Chủ tịch Uỷ hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Trên Thế giới (USCIRF), Bà Kristina Arriaga (ngồi giữa) nêu lên trường hợp Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ tại Thượng đỉnh USCIRF ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn hôm 18-4-2018
Phó Chủ tịch Uỷ hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Trên Thế giới (USCIRF), Bà Kristina Arriaga (ngồi giữa) nêu lên trường hợp Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ tại Thượng đỉnh USCIRF ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn hôm 18-4-2018


Ông Võ Văn Ái “ngỏ lời tán thán Uỷ hội Hoa Kỳ bảo vệ Tự do Tôn giáo Trên Thế giới đã quan hoài tới cảnh ngộ Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ. Tại cuộc kỷ niệm 20 năm hoạt động của Uỷ hội Hoa Kỳ tại Hoa Thịnh Đốn tuần trước, Bà Kristina Arriaga, Phó Chủ tịch Uỷ hội Hoa Kỳ đã chính thức bảo hộ Đức Tăng Thống như Người Tù vì Lương thức theo Kế hoạch Bảo vệ Tự do (Defending Freedom Project). Chúng tôi hy vọng sự chú tâm tha thiết cho trường hợp Ngài Thích Quảng Độ sẽ đem lại tự do cho Ngài”.
Bình luận về Luật Tín ngưỡng Tôn giáo mới trong thời gian chưa có hiệu lực, Uỷ hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo Trên Thế giới nói rằng : “Bộ Luật mới không tuân thủ tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, như Công ước LHQ về Các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã tham gia ký kết”. Uỷ hội Hoa Kỳ thêm rằng, các cá nhân hay tổ chức tôn giáo đã biểu tỏ sự quan ngại của họ rằng, luật pháp cùng các công cụ sắc lệnh, chỉ thị (các Hướng dẫn chính phủ trong việc thực hiện và tăng cường luật pháp) đều hoàn toàn “đối địch với tôn giáo”.
————————
Thiết lập theo Luật Bảo vệ Tự do Tôn giáo Trên Thế giới 1998, Uỷ hội Hoa Kỳ bảo vệ Tự do Tôn giáo Trên Thế giới là cơ cấu độc lập, có tính lưỡng đảng chính quyền, nhằm cố vấn và theo dõi vấn đề tự do tôn giáo trên thế giới, để vạch ra chính sách khuyến thỉnh Tổng Thống Hoa Kỳ, Ngoại trưởng, và Quốc hội. Dựa vào Luật Bảo vệ Tự do Tôn giáo Trên Thế giới 1998, Hoa Kỳ đưa ra một số biện pháp, từ việc hạn chế đi lại đến trừng phạt kinh tế đối với các quốc gia bị đặt vào danh sách CPC.

No comments:

Post a Comment