PARIS, 24 tháng 3 năm 2018 (VCHR) — Ba Tổ chức Nhân quyền có trụ sở tại Paris, là Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH), Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) và Hội Nhân quyền Pháp quốc (LDH) ký chung bức Thư Ngỏ gửi Tổng Thống Pháp Emmanuel Macronnhân chuyến công du của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Pháp từ ngày 25 đến ngày 27 tháng 3 năm nay. Nhân danh cho ba tổ chức, Dimitris Christopoulos, Chủ tịch FIDH,Võ Văn Ái, Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, và Malik Salemkour, Chủ tịch Hội Nhân quyền Pháp quốc, kêu gọi Tổng Thống Pháp hãy đặt ra những câu hỏi nóng bỏng cho nhân quyền trong các cuộc tiếp xúc Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng. Đặc biệt, ba Tổ chức yêu cầu Tổng Thống Macron áp lực Việt Nam trả tự do cho các tù nhân vì lương thức, chấm dứt mọi sách nhiễu, bạo hành công an đối với các xã hội dân sự, cũng như chấm dứt các cuộc đàn áp tôn giáo và huỷ bỏ mọi điều luật chống-nhân-quyền.
Toàn văn Thư Ngỏ viết như sau, do Cơ sở Quê Mẹ dịch từ bản Pháp văn :
Kính gửi Ngài Emmanuel Macron
Tổng Thống Cộng hoà Pháp quốc
Điện Elysées
55 rue du Faubourg Saint-Honoré
75008 Paris
France
Tổng Thống Cộng hoà Pháp quốc
Điện Elysées
55 rue du Faubourg Saint-Honoré
75008 Paris
France
Paris, ngày 24 tháng 3 năm 2018
THƯ NGỎ
Gửi Tổng Thống Cộng hoà Pháp quốc nhân chuyến công du của
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng
Thưa Tổng Thống,
Tổng Thống vừa mời Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng viếng thăm chính thức nước Pháp, nhân dịp kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Pháp – Việt, đồng thời kỷ niệm 5 năm Đối tác chiến lược giữa hai quốc gia. Làm như thế, nước Pháp sẽ đón tiếp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam như tiếp đón một Quốc trưởng hay Thủ tướng Chính phủ.
Hẳn nhiên, Đảng Cộng sản Việt Nam không là một đảng bình thường, mà là Đảng duy nhất cầm quyền nước Việt, một đảng mà tháng 11 vừa qua, ra lệnh cấm các đảng viên không dược nêu lên vấn đề dân chủ, phân chia quyền lực hay đa nguyên chính trị, ai không tuân hành sẽ bị khai trừ khỏi đảng.
Tổng Thống đặt trọng tâm nhiệm kỳ của Tổng Thống trên sự tham gia tích cực của xã hội dân sự vào đời sống chính trị nước Pháp. Trái lại, khách mời của Tổng Thống đại biểu cho chế độ bóp chết xã hội dân sự Việt Nam, giết từ trứng bằng mọi cách các ngưỡng vọng của người công dân quan tâm đến đời sống công cộng, ngoại trừ vỗ tay hoan nghênh các quyết định mờ ám của giới lãnh đạo. Cũng chính ông Tổng Bí thư này dõng dạc tuyên bố “Cộng sản hơn xa thể chế Dân chủ”. Nhìn vào cuộc đàn áp đang tiếp diễn tại Việt Nam — một cách khủng khiếp kể từ thời Đổi Mới năm 1986, chẳng gì khó hiểu mục tiêu của lời tuyên bố trên đây nhằm đề cao bộ máy công an trị là di sản của chế độ độc tài toàn trị.
Theo dõi mục tiêu này, cuộc đàn áp xã hội dân sự Việt Nam đã được suy nghĩ, kế hoạch hoá và thực tiễn tổ chức. Mệnh danh xây dựng một Nhà nước pháp quyền, nhưng trong thực tế, chế độ cộng sản Việt Nam thiết lập nền “Độc tài pháp trị” khi cho thông qua những sắc luật phạm-tội-hoá mọi hành xử quy chiếu theo các quyền cơ bản. Các điều luật tại Chương “an ninh quốc gia” trong Bộ Luật Hình sự là cương lĩnh xương sống cho việc đàn áp các nhà bất đồng chính kiến, các bloggers, nhà báo, các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền hay các tín đồ thuộc những tôn giáo “không được thừa nhận”. Nước Pháp đã từng khuyến cáo Việt Nam bãi bỏ hay sửa đổi các điều luật này tại cuộc Kiểm điểm Thường kỳ toàn diện UPR trước Hội đồng Nhân quyền LHQ năm 2014, nhằm bảo vệ tự do biểu đạt ý kiến và tự do ngôn luận. Nhưng Việt Nam chẳng thực hiện.
Chính vì vậy mà nền “pháp chế” của chế độ ông Nguyễn Phú Trọng tuỳ tiện bắt giam, kết án và bỏ tù tuỳ tiện hàng chục nhà hoạt động xã hội dân sự — 62 người trong 14 tháng vừa qua. Hiện nay tại Việt Nam có ít nhất 130 tù nhân vì lương thức, như trường hợp blogger Nguyễn Hữu Vinh (bị kết án 5 năm tù giam), là cựu đảng viên Cộng sản, các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (10 năm tù giam) Trần Thị Nga (9 năm tù giam). Cả hai bà mẹ nầy có con còn nhỏ, mới đây bị chuyển trại tù cách xa gia đình 1000 cây số. Nhà hoạt động xã hội Nguyễn Văn Oai (5 năm tù giam) cũng lâm tình trạng chuyển trại tương tự. Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài bị bắt từ năm 2015 vẫn chưa được đem ra xét xử với tội danh đã tuyên bố trước “âm mưu lật đổ chính quyền” (tội có thể bị tử hình).
Về phương diện tôn giáo, Nhà nước áp đặt một chế độ đăng ký hà khắc, khiến các cộng đồng tôn giáo “không được thừa nhận” bị đàn áp, sách nhiễu hằng ngày, như trường hợp “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất” (một Giáo hội lịch sử, độc lập, mà vị lãnh đạo tối cao, Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ, bị tù đày, quản chế suốt 35 năm qua), các Giáo hội Tin Lành của dân tộc thiểu số (Người Thượng, người Hmongs…), Giáo hội Cao Đài và Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo (10 tín đồ Hoà Hảo vừa bị kết án tuỳ tiện đến 12 năm tù giam đầu năm nay).
Nếu hoàn cảnh nhân quyền bị xâm phạm quá đáng, thì chính sách bóp nghẹt các xã hội dân sự Việt Nam của Nhà nước trở thành nguy kịch cho những công dân bình thường trong đời sống thường nhật. Họ sẽ chẳng còn phương tiện nào để bảo vệ hay kháng cáo khi phải sống trong hoàn cảnh không có báo chí tự do, không có công đoàn tự do, không có tư pháp độc lập. Tháng tư năm 2016, miền Trung Việt Nam mắc phải nạn sinh thái trầm trọng do nhiễm độc công nghệ chưa từng xẩy ra, đến từ công xưởng Formosa đổ ra biển hàng tấn độc chất hoá học gây nhiễm ô suốt 200 cây số bờ biển, hàng chục tấn cá chết trong vùng ngư dân sinh sống. Nạn nhân không được bồi thường, lại còn bị đàn áp khi họ lên tiếng khiếu kiện. Bác sĩ Hồ Văn Hải báo động sự nhiễm ô độc chất, nguy hại cho sức khoẻ nạn dân, nên viết bài kêu cứu đưa lên mạng, ông liền bị bắt, bị kết án 4 năm tù và 2 năm quản chế vì tội “tuyên truyền chống Nhà nước”.
Chẳng tốt lành gì khi đề cập đến điều kiện lao động. Sau khi công bố bản phúc trình về đời sống nữ công nhân trong công nghệ điện tử, tố cáo các vi phạm quyền lao động tại các xưởng thợ, hay vấn nạn sức khoẻ người nữ công nhân khi phải tiếp xúc với các sản phẩm độc (khiến bị trụỵ thai, mệt mỏi, ngất tỉnh), tác giả bản phúc trình, Bà Phạm Thị Minh Hằng đã bị hăm doạ khi triệu tập bà đến “làm việc” với chính quyền. Đồng thời, các nữ công nhân bị hăm doạ đưa ra toà nếu còn tiếp tục nhắc tới các điều kiện lao động với người lạ ngoài công xưởng.
Thưa Tổng Thống,
Chúng tôi không chối bỏ điều quan trọng cho việc phát triển mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam, miễn sao mối quan hệ này không gây thiệt hại đến hồn linh của Tổ quốc Nhân quyền và phúc lợi của nhân dân Việt Nam. Tổng Thổng không thể nào mở rộng vòng tay đón kẻ độc tài Nguyễn Phú Trọng khi chưa đặt nặng uy thế của Tổng Thống để hướng dẫn Việt Nam biết tôn trọng nhân quyền và bảo đảm thực thi các quyền cơ bản như chính Việt Nam đã cam kết với Cộng đồng quốc tế.
Thật cấp bách cho nước Pháp yêu sách mạnh mẽ và quyết liệt để Việt Nam thực hiện những nghĩa vụ quốc tế trên lĩnh vực nhân quyền, khởi đầu bằng việc trả tự do tức khắc cho các tù nhân vì lương thức, chấm dứt các cuộc sách nhiễu, bạo hành công an và mọi hình thức hăm doạ khác đối với các nhà hoạt động xã hội dân sự, hoạt động bảo vệ nhân quyền, cũng như chấm dứt đàn áp tôn giáo. Theo kỳ hạn, Việt Nam phải huỷ bỏ hàng loạt điều luật chống-nhân-quyền. Nếu Tổng Thống chẳng yêu sách gì cả, sẽ là niềm thất vọng vô biên cho toàn thể xã hội dân sự Việt Nam.
Dimitris Christopoulos
Chủ tịch FIDH |
Võ Van Ái
Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) |
Malik Salemkour
Chủ tịch Hội Nhân quyền Pháp quốc (LDH) |
No comments:
Post a Comment