Monday, November 20, 2017

(Huệ Lộc) Biện Minh Tu Chứng


Đức Phật ra đời với tâm nguyện độ sanh.  Chúng sanh căn tánh vô lượng bất đồng, nên Phật cũng tuỳ theo đó mà mở ra vô lượng pháp môn để nhằm thích hợp với mọi căn tánh của chúng sanh.  Nói pháp môn tức là phương pháp hành trì hay còn gọi là pháp tu. Trong tất cả các pháp tu thì chỉ có pháp môn Tịnh Độ hay nói tắt là pháp môn Niệm Phật Tam Muội là thích hợp nhất, dễ tu nhất, dễ chứng nhất, viên mãn nhất, và cũng khó tin nhất.  Điều nầy đã được đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng như các Đại Bồ Tát đều khuyến thị. 
            Trong Kinh Đại Tập, Đức Phật có nói:
"Thời mạt pháp, muôn ức người tu hành, khó có một người được giải thoát.   Chúng sanh chỉ nương nơi pháp môn Niệm Phật mà được thoát khỏi luân hồi." (Quyển Đường Về Cực Lạc 1992, trang 22- HT Thích Trí Tịnh)
            Trong bộ "Tống Cao Tăng Truyện" và "Lạc Ban Văn Loại".  Đời Đường, ngài Thích Pháp Chiếu trụ chùa Vân Phong ở Hoành Châu, hằng ngày tinh tấn tu hành không bê trễ.  Hằng ngày Ngài thấy trong bát cháo nơi nhà Tăng hiện bóng mây lành năm màu, trong mây hiện ra một cảnh chùa trang nghiêm xinh đẹp.  Một hôm ngày mùng sáu tháng tư năm Đại Lịch thứ năm, Ngài cùng các pháp hữu đi đến chùa Phật Quang ở huyện Ngũ Đài.  Đêm ấy vào lối canh tư, Ngài bỗng thấy ánh sáng từ xa xẹt đến chiếu mình Ngài.  Ngài liền nhắm theo tia sáng mà đi.  Đi một đổi xa thời thấy một dãy núi, dưới chân núi có khe, phía bắc của khe núi nầy có một ngõ đá.  Nơi ngõ có hai đồng tử đứng chực sẵn, xưng là Thiện Tài và Nan Đà.  Hai đồng tử dắt Ngài đến một ngôi chùa to, trên bảng đề hiệu là "Đại Thánh Trúc Lâm Tự", đất vàng, cây báu rất trang nghiêm.  Giống hệt như cảnh Ngài đã thấy trong bát cháo trước đây. 
            Ngài vào chùa, lên giảng đường, thấy phía tây là đức Văn Thù Bồ Tát, phía đông là đức Phổ Hiền Bồ Tát.  Hai vị đại Bồ Tát nầy đều ngự trên toà cao lớn, đương thuyết pháp cho khoảng mười ngàn vị Bồ Tát khác.
            Ngài Pháp Chiếu cung kính đến trước toà đảnh lễ hai vị đại Bồ Tát, rồi bạch rằng:

            - Phàm phu thời mạt pháp cách Phật đã xa, chướng sâu nghiệp nặng, phước mỏng trí cạn.  Dầu sẵn đủ Phật Tánh, nhưng không sao phát hiện được.  Phật pháp mênh mông, tôi chưa rõ nên tu pháp môn nào cho thích hợp?"
            Đức Văn Thù Bồ Tát trả lời:
            - Nay ông niệm Phật chính là phải lúc.  Các môn tu hành không môn nào qua môn Niệm Phật cả.  Rồi ông thêm cúng dường Tam Bảo, đó là gồm tu cả phước và huệ, vì hai môn nầy rất thiết yếu.  Về thưở quá khứ, nhờ tu Quán Phật, Niệm Phật, và cúng dường Phật mà nay tôi chứng đặng Nhất Thiết Chủng Trí.  Vì thế nên tất cả các pháp môn khác như Bát Nhã Ba La Mật hay Thậm Thâm Thiền Định...đến như chính Phật cũng đều từ Niệm Phật mà sanh ra.  Do đây nên biết  "Niệm Phật là vua trong các pháp môn."
            Ngài Pháp Chiếu mới bạch rằng:
            - Thưa Bồ Tát! Vậy tôi nên Niệm Phật như thế nào?
            Đức Văn Thù Bồ Tát dạy:
            - Hướng tây của thế giới nầy có đức Phật A Di Đà là vị giáo chủ cõi Cực Lạc.  Nguyện lực của đức Phật ấy không thể nghĩ bàn.  Ông nên chuyên niệm đức Phật A Di Đà cho được không gián đoạn, đến lúc lâm chung quyết định vãng sanh, vĩnh viễn không thối chuyển đạo Vô Thượng.
            Dứt lời, hai vị Đại Thánh đồng đưa tay vàng xoa đầu ngài Pháp Chiếu, và nói rằng:
            - Nhơn vì ông Niệm Phật, không bao lâu ông sẽ chứng quả Phật.  Nếu thiện nam, tín nữ nào vì nguyện mau thành Phật mà phát nguyện tu hành thì không gì qua pháp môn Niệm Phật.  Niệm Phật quyết mau chứng quả Vô Thượng Bồ Đề.
            Hai Đại Thánh thọ ký xong, ngài Pháp Chiếu vui mừng đảnh lễ, rồi từ tạ lui ra.  Hai đồng tử đưa Ngài ra khỏi ngõ chùa, Ngài ngước đầu ngó lại, bỗng người và cảnh đều biến mất.  Pháp sư Pháp Chiếu bèn dựng đá lớn đánh dấu chổ ấy rồi trở về chùa Phật-Quang...
                        (Trích quyển Đường Về Cực Lạc 1992, trang 104- HT Thích Trí Tịnh)
            Trong kinh A Di Đà tiểu bổn tức kinh A Di Đà được trì tụng tại chùa hay tại gia, đức Phật có nói: "Bất khả dĩ thiểu thiện căn phước đức nhơn duyên đắc sanh bỉ quốc." (Không thể dùng chút ít thiện căn phước đức nhơn duyên mà cầu vãng sanh về cõi nước Cực Lạc kia.)  Vì thế không phải chỉ niệm Phật tụng kinh bái sám là đủ.  Hành giả tu Niệm Phật trong tâm phải luôn nhớ Phật chớ nên nghi ngờ đức Phật A Di Đà  hay  mười phương chư Phật như các đức Phật Đa  Bảo, Phật Dược Sư, Phật A-Súc Bệ, hay Phật Tỳ Lô Giá Na....có thật hay không có thật, đồng thời còn phải sửa tâm tánh để được thanh tịnh.  Ngoài thân phải đem hết khả năng tụng kinh bái sám, niệm Phật, làm những việc phước lành, như bố thí, trì giới, nhẫn nhục.  Chớ nên lầm tưởng vài lời khuyến thiện cho người, hay ăn chay, làm phước ... mà trong tâm còn đầy tham sân và dục vọng, lời nói đầy dối gian gạt người thì đâu thể nào vãng sanh dự vào Thánh chúng được.  Cổ đức có bài kệ:
            - Xem ra niệm Phật dễ mà không
            Ý khẩu buông lung niệm chẳng đồng
            Miệng niệm Di Đà tâm tán loạn
            Dù cho bể cổ vẫn là không.

            Tâm tán loạn là tâm không chú ý, khi niệm Phật mà ý ngổn ngang, nghĩ đông nghĩ tây.  Đó là chổ mà đức Lục Tổ thường răn "Miệng niệm mà lòng không niệm." Niệm Phật mà tâm tán loạn thì không có ích lợi.  Niệm Phật hay niệm danh Bồ Tát đều cần có sự nhất tâm thì mới có sự cảm ứng.

            Trong quyển Biện Minh Tu Chứng của Sa Môn Thích Trung Quán có kể lại một câu chuyện thật do một Phật Tử pháp danh là Đức Tín đã đến chùa Bàng Long kể lại với Ngài như sau.  Trong phần "Thay Lời Tựa" của quyển Biện Minh Tu Chứng, Hoà Thượng Thích Trung Quán có viết:
            "Tiếng súng tại thủ đô Vạn Tượng (Laos) vừa ngừng nổ vào 2 giờ chiều ngày 16 tháng 12 năm 1960.  Giữa lúc mọi người còn đang kinh hoàng sợ sệt thì đạo hữu Đức Tín đến chùa Bàng Long, mặt tươi như hoa nở, nói với tôi (Sa Môn Thích Trung Quán) rằng:
            - Bạch Thượng Toạ, hôm nay tôi mới tin là có Phật và Bồ Tát thật, Thượng Toạ ạ."
            Tôi mới trả lời với đạo hữu Đức Tín rằng:
            - Vâng, Phật và Bồ Tát bao giờ mà chẳng có thật, nhưng tại sao đạo hữu lại nói một câu lạ lùng như vậy?
            À thế nào, gia quyến của đạo hữu bình an cả chứ?
            - Dạ, cám ơn Thượng Toạ, nhờ Phật được hoàn toàn cả, và câu chuyện Phật và Bồ Tát có thật, tôi vừa nói là như thế nầy, xin trình bày để Thượng Toạ rõ.
            Rồi đạo hữu tiếp tục kể:
            - Giữa lúc súng nổ vang trời, bốn bề lửa cháy, tôi và gia quyến đều ở nhà một người bạn tại Ca-Lây, không biết làm sao hơn tôi chỉ biết nhất tâm niệm Phật và danh hiệu đức Quán Thế Âm Bồ Tát, lúc đó ngồi chung quanh tôi tất cả là 55 người, ai nấy đều run sợ, mặt mày tái mét. Muốn để trấn tỉnh tinh thần họ, tôi liền nói :"Các ông bà hãy thành tâm niệm Phật theo tôi thì sẽ được bình yên vô sự." Nói vừa dứt thì "đoành" một tiếng ngay sau lưng cách chừng 30 phân tây (một phân tây là một centimeter), chiếc xe máy dầu bị tiện làm đôi, chai cà phê để phía trước sát đùi bên phải cũng vỡ tan tành, đồng thời chiếc phên bằng nứa bật đổ vào trong nhà, khói súng toả mù mịt, chẳng ai trông thấy ai.  Mọi người vừa toan chạy sang gian bên, lại nghe "đoành" một tiếng nữa trúng ngay trên nóc nhà, ngói rơi xuống sàn gỗ lả tả như mưa rào, làm cho mọi người càng thêm hoảng hốt.  Không ai bảo ai, đều ù té chạy sang gian bên cạnh.  Còn tôi vừa chạy vừa cất tiếng niệm Quán Âm Bồ Tát liên hồi.  Tưởng thế là thoát nạn, ngờ đâu khi mọi người vừa ngồi xuống đất, lại "đoành" thêm một quả thứ ba nữa ở ngay gian đó, khiến cho trẻ con khóc thét, người lớn ôm đầu. Thế là 2 gian nhà phải chịu luôn 3 quả, có sự khiếp sợ nào hơn và nói sao cho xiết nỗi kinh khủng của những người vừa trải qua cơn ác mộng thực tại hãi hùng.  Nhưng biết chạy đâu bây giờ, mọi người đành chịu ngồi niệm Phật luôn luôn không ngớt.  Tôi sực nhớ chai cà phê vỡ, có lẽ mảnh chai đâm vào tôi thì phải, nhưng sờ khắp mình, không thấy thương tích gì cả, tôi quay lại hỏi mọi người, ai cũng trả lời không bị sây sứt chút nào.  Mừng quá!  Đến khi yên súng, tôi bảo các cháu lượm lại 2 vốc lớn mảnh đạn ở trong nhà và ở ngoài sân, thế mà không ai bị sát da hay chảy một giọt máu nào.  Khi đó tôi mới tin là có Phật và Quán Âm Bồ Tát cứu độ thật.
            Nói tới đây, đạo hữu chấp tay niệm :" Nam mô cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ Tát." với nét mặt thành kính và tin tưởng.
            Rồi đạo hữu nói tiếp:
            - Muốn cho con người bớt bỏ lòng tham lam, giận dữ, si mê để khỏi chiến tranh tàn khốc và đem lại hoà bình an lạc cho tất cả, ngoài giáo lý Phật ra, nhân loại không còn biết tìm đâu hơn nữa.  Càng nghĩ tới giáo lý cao cả của đạo Phật, lòng tôi càng cảm thấy dạt dào sung sướng, nếu ai cũng biết tin theo thực hành, thì thế giới này một ngày kia sẽ trở thành một thế giới tươi đẹp huy hoàng.
            Bạch Thượng Toạ muốn để ghi nhớ ân đức cứu độ của đức Quán Thế Âm Bồ Tát đối với gia đình chúng tôi và mấy gia đình khác, tôi xin thỉnh cầu Thượng Toạ viết thêm tập "Biện Minh Tu Chứng" cuốn II nữa để mọi người được đọc và cùng biết theo, bỏ dữ làm lành, hầu đem lại sự lợi ích cho toàn thể?  Còn chính tôi xin phát tâm và sẽ khuyên nhiều người cùng phát tâm in 5000 cuốn để cầu nguyện cho thế giới chóng hoà bình an lạc."
            Trước tấm lòng thành thực và tha thiết thỉnh cầu ấy, nên tôi (Sa Môn Thích Trung Quán) viết thêm cuốn "Biện Minh Tu Chứng" tập II nầy để hiến quí vị Phật tử muốn tìm hiểu thêm về sự tu chứng.
            Tôi xin chân thành cầu chúc quý vị được nhiều lợi lạc trong khi đọc cuốn sách nầy, và mong ở sự thực hành tu tiến, để cùng đạt con đường cao đẹp mà đức Phật đã chỉ dẫn, tức là con đường thành Phật.
                      (Trích quyển Biện Minh Tu Chứng 1985, trang III- HT Thích Trung Quán)

            Cùng các đọc giả, đoạn văn trên là bút tích của vị Sa Môn Thích Trung Quán và những lời trần thuật của Phật tử Đức Tín.  Những người nầy bây giờ nếu còn sống có lẽ cũng có nhân duyên đọc lại bài nầy.  Thật là một lưu niệm thiên cổ công đức vô vàn! Mong quí vị đọc giả nghiền ngẫm lại trong cuộc đời mình, đến một lúc nào đó những lúc hiểm nạn tương tự như thế xảy ra cho mình thì mình sẽ làm gì?  Chúng ta còn có đủ đức tin để niệm danh hiệu Phật như Phật Tử Đức Tín hay không?  
            Người xưa đã chết nhưng bút tích vẫn còn như chứng cứ của muôn đời bất diệt.  Trong bộ "Phật Tổ Thống Ký" có ghi lại một câu chuyện như sau:
            " Vào thời Tiền Đường, có một người đàn bà họ Vu.  Bà Vu có một người chồng làm nghề đánh cá, nhà nghèo bữa có bữa không, sống nhờ vào sức kiếm ăn của đứa con trai.  Một hôm chẳng may, con trai bà Vu phạm luật nước nên nhà cửa gia sản đều bị khánh tận.  Bà Vu quá sầu khổ, đi đến bờ sông định tự tử.  May gặp Ngài Từ Chiếu Pháp Sư can ngăn và khuyên bà:
            - Những gì đã xảy ra cho bà và gia đình bà đó là nghiệp duyên đã gây từ đời trước, nay Bà nên can tâm mà trả.  Bắt đầu từ nay, Bà nên vun trồng nghiệp nhơn thanh tịnh, sau nầy sẽ hái lấy quả giải thoát an vui.  Bà nhảy xuống sông trầm mình để trốn nợ, để rồi đời sau lại phải trả nặng hơn.  Đâu bằng cứ sống mà chuyên tu Niệm Phật!
            Nghe Pháp sư Từ Chiếu giảng giải, bà Vu tỉnh ngộ, liền đối trước tượng Phật đốt ngón tay, thề trường trai Niệm Phật.  Từ đó trở đi bà Vu tinh tấn tu niệm trọn mười năm không bê trễ.  Phàm gặp bất luận ai, bà Vu đều gọi là Phật tử cả.
            Một ngày nọ, bà Vu thỉnh chư sư Tăng về nhà tụng kinh Quán Vô Lượng Thọ, còn mình thì lần chuổi niệm Phật.  Chư sư tụng đến đoạn "Quán Tượng" thời bà Vu yên lặng mà qua đời vãng sanh.
                        (Trích Quyển Đường Về Cực Lạc 1992, trang 274- HT Thích Trí Tịnh)
            Thưa quý đọc giả, tu hành giải thoát tức là sanh về cảnh Tịnh Độ vốn là ước nguyện của mỗi người, một khi lâm chung rời bỏ xác thân nầy và thế giới nầy để đi qua thế giới khác.  Đó là ý nghĩa chết đây sanh kia, nghĩa là thọ sanh nơi khác.  Theo tôn chỉ Thiền và Giáo thì khi tái sanh như thế, trình độ và năng lực tái sanh không tự chủ trì được mà tuỳ theo nghiệp lực (karma) dẫn dắt.  Người có thiện nghiệp thì sanh vào cõi trời, người có nhơn nghiệp thì sanh vào cõi người, người có ác nghiệp thì sanh vào cõi địa ngục, cõi quỷ đói, hay cõi súc sanh. Chúng sanh trong sáu đường tuỳ theo nghiệp mà thọ sanh.  Nói tóm lại có thể nói thế giới lục đạo chính là thế giới của nghiệp lực.  Tuy nhiên pháp môn Niệm Phật, Phật và các chư Tổ thường hay nói đến hai loại lực khác có khả năng rộng lớn mạnh mẽ không kém gì với Nghiệp lực.  Hai lực nầy còn có khả năng cân bằng và chi phối được dòng nghiệp lực của chúng sanh.  Vậy hai lực kia là hai lực gì?  Đó là Nguyện Lực và Thông Lực! 
            Nguyện lực là lực tự nguyện.  Thông lực là thong dong tự tại. Cả hai lực nầy đều tự tại. 
            Về Thông Lực, như chúng sanh cõi trời không có nghiệp nhân gian mà đến cõi nhân gian không bị nghiệp lực nhân gian chi phối.  Giống như luật sư vào tù thăm nạn nhân thân chủ mà không bị cõi tù tội vướng bận lại mình, người đời không hiểu nên cho đó là năng lực thần thông, thật ra là lực nầy sanh ra từ Giới hay Thiền Định hay do sức Niệm Phật. 
            Trong Kinh Địa Tạng, đức Phật Thích Ca Mâu Ni có kể lại một câu chuyện liên hệ đến Thông Lực phát ra thắng nghiệp lực do sức Niệm Phật, lễ Phật và cúng dường Phật như sau.    Trong thời gian tại thế, nơi cung trời Đao Lợi, đức Phật vì Thánh Mẫu (Hoàng hậu Ma- Gia) mà thuyết pháp.  Ngài nói với đức Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát:
            Vào thuở quá khứ bất khả tư nghị vô số kiếp về trước, lúc đó có đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai.  Đức Phật nầy thọ đến bốn trăm ngàn muôn ức vô số kiếp.  Trong thời tượng pháp, có một người con gái dòng Bà La Môn, người nầy nhiều đời chứa phước sâu dày, mọi người đều kính nể, khi đi đứng lúc nằm ngồi, chư Thiên thường theo hộ vệ.  Bà mẹ của người con gái Bà La Môn nầy là người mê tín tà đạo, thường khinh khi ngôi Tam Bảo.  Thưở đó, mặc dù người con gái đem nhiều lời phương tiện khuyên nhủ bà mẹ, hầu làm cho người mẹ sanh chánh kiến, nhưng người mẹ chưa tin hẳn.  Chẳng bao lâu bà ấy chết, thần hồn sa đoạ vào Vô Gián địa ngục.
            Lúc đó người con gái biết rằng người mẹ khi còn sống không tin nhơn quả, liệu chắc phải theo nghiệp quấy mà sanh về đường ác.  Người con gái liền bán nhà, đất, sắm nhiều hương hoa cùng những đồ lễ cúng, rồi đem cúng dường tại các chùa tháp thờ. Trong số các ngôi chùa được cúng dường, có một ngôi chùa thờ đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương.  Hình tượng của đức Phật nầy được đắp vẽ oai dung đủ cách tôn nghiêm.
            Người con gái mới chiêm bái tượng của đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương rồi lại sanh lòng kính ngưỡng, tự nghĩ thầm rằng:"Đức Phật là đấng Đại Giác đủ tất cả trí tuệ, nếu đức Phật còn trụ ở đời, thì khi mẹ tôi mất, tôi đến bạch hỏi Phật, chắc thế nào cũng rõ mẹ tôi sanh ở chốn nào."  Nghĩ đến đó, người con gái buồn tủi rơi lệ nhìn chăm vào tượng Như Lai mà lòng quyến luyến mãi.
            Bỗng nghe trên hư không có tiếng bảo rằng:
            - Thánh nữ đương khóc kia, thôi đừng có bi ai quá lắm!  Nay ta sẽ bảo cho ngươi biết chỗ của mẹ ngươi."
            Thánh nữ (người con gái Bà La Môn) chấp tay hướng lên hư không mà vái rằng:
            - Đức Thần thánh nào đó mà giải bớt lòng sầu lo của tôi như thế?  Từ khi mẹ tôi mất đến nay, tôi thương nhớ ngày đêm, không biết đâu để hỏi cho rõ mẹ tôi thác sanh vào chốn nào?
            Trên hư không lại có tiếng bảo:
            - Ta là đức Phật quá khứ Giác Hoa Định Tự Tại Vương, mà ngươi đương chiêm bái đó.  Thấy ngươi thương nhớ mẹ trội hơn thường tình của chúng sanh, nên ta đến chỉ bảo.
            Vị Thánh Nữ nghe nói xong liền té xỉu xuống, tay chân mình mẩy đều bị tổn thương.  Những người đứng bên vội vàng đỡ dậy.  Một lát sau, Thánh Nữ mới tỉnh lại rồi bạch cùng trên hư không rằng:
            - Cúi xin đức Phật xót thương bảo ngay cho rõ biết chỗ thác sanh của mẹ con, nay thân tâm của con sắp chết mất!
            Đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai bảo với Thánh Nữ rằng:
            - Cúng dường xong, ngươi mau mau trở về nhà, rồi ngồi ngay thẳng nghĩ tưởng danh hiệu của Ta, thời ngươi sẽ biết chổ thác sanh của mẹ ngươi.
            Lễ Phật xong, Thánh Nữ liền về nhà.  Vì thương nhớ mẹ, nên Thánh Nữ ngồi ngay thẳngniệm danh hiệu của Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai trải suốt một ngày đêm.  Bỗng thấy thân mình đến một bờ biển kia.  Nước trong biển đó sôi sùng sục, có rất nhiều thú dữ thân thể toàn bằng sắt bay nhảy trên mặt biển, chạy rảo bên nay, xua đuổi bên kia.
            Lại thấy những trai cùng gái số nhiều đến nghìn muôn thoạt chìm thoạt nổi ở trong biển, bị các thú dữ giành nhau ăn thịt.
            Lại thấy quỉ Dạ Xoa hình thù đều lạ lùng: hoặc nhiều tay, nhiều đầu, nhiều mắt, nhiều chân... răng nanh chỉa ra ngoài miệng bén nhọn dường gươm, lùa những người tội gần thú dữ.  Rồi quỉ lại chụp bắt người tội, túm quắp đầu chân người tội lại, hình trạng ghê rợn muôn thứ chẳng dám nhìn lâu.
            Khi ấy, Thánh Nữ nhờ nương sức Niệm Phật nên tự nhiên không kinh sợ.  Có một vị Quỉ Vương tên là Vô Độc, đến cúi đầu nghinh tiếp, hỏi Thánh Nữ:
            - Hay thay Bồ Tát!  Ngài có duyên sự gì đến chốn nầy?
            Thánh Nữ hỏi vị Quỉ Vương rằng:
            - Đây là chốn nào?
            Quỉ Vương Vô Độc đáp:
            - Đây là từng biển thứ nhứt ở phía tây núi đại Thiết Vi.
            Thánh nữ hỏi:
            - Tôi nghe trong núi Thiết Vi có địa ngục, việc ấy có thiệt như thế chăng?
            Quỉ Vương Vô Độc đáp:
            - Thiệt có địa ngục.
            Thánh Nữ hỏi rằng:
            - Làm sao có thể đến được chốn địa ngục đó?
            Quỉ Vương Vô Độc đáp:
            - Nếu không phải do sức oai thần thì cần phải do sức nghiệp lực.  Ngoài hai điều nầy ra ắt không bao giờ có thể đến đó được. 
            Thánh Nữ lại hỏi:
            - Duyên cớ gì sao mà nước trong biển nầy sôi sùng sục như thế, và có những người tội cùng với các thú dữ?
            Quỉ Vương Vô Độc đáp rằng:
            - Những người tội trong biển nầy là những kẻ tạo ác ở cõi Địa Cầu mới chết, trong khoảng bốn mươi chín ngày không có thân nhân hay người kế tự làm các công đức hầu cứu vớt nạn khổ cho.  Lúc sống, kẻ đó lại không làm được nhơn lành nào cả.  Vì thế nên cứ theo nghiệp ác của họ đã gây tạo mà cảm lấy quả báo khổ ở địa ngục, tư nhiên họ phải lội qua biển nầy vậy.
            Cách biển nầy hơn mười muôn do tuần (100 ngàn kilometres) về phía Đông lại có một cái biển, những sự thống khổ trong đó càng trội hơn. 
            Lại nữa, phía Đông của biển Đông đó, lại có một cái biển nữa, sự thống khổ trong đó càng trội hơn trước nữa.
            Đó đều do những nghiệp nhơn xấu xa của ba nghiệp mà cảm vời ra, đồng gọi là biển nghiệp.  Biển nghiệp mà chư Phật thường nói, chính là ba cái biển nầy vậy.
            Thánh Nữ lại hỏi:
            - Vậy thì địa ngục ở đâu?
            Quỉ Vương Vô Độc đáp:
            - Trong ba cái biển đó đều là địa ngục.  Địa ngục nhiều đến số trăm nghìn, mỗi ngục đều khác nhau.  Về địa ngục lớn thời có tám chỗ; bực kế có 500 chỗ, đầy đủ không lường sự khổ sở; bực kế nữa, có đến trăm nghìn chỗ cũng dẫy đầy mọi sự thống khổ.
            Thánh Nữ lại hỏi Quỉ Vương Vô Độc:
            - Thân mẫu tôi mới khuất gần đây, tôi không rõ thần hồn của người phải sa vào chốn nào?
            Quỉ Vương Vô Độc đáp:
            - Thân mẫu của Bồ Tát khi còn sống quen làm những nghiệp gì?
            Thánh Nữ đáp:
            - Thân mẫu tôi mê tín tà đạo, khinh chê ngôi Tam Bảo, hoặc có lúc tạm thời tin chánh pháp, xong rồi chẳng kính.  Dầu khuất không bao lâu, mà nay tôi chưa biết rõ mẹ tôi đoạ lạc về đâu?
            Vô Độc Quỉ Vương mới hỏi:
            - Thân mẫu của Bồ Tát tên họ là chi?
            Thánh Nữ đáp rằng:
            - Thân phụ và thân mẫu tôi đều là dòng dõi Bà La Môn. Thân phụ tôi là Thi-La-Thiện-Kiến và thân mẫu tôi là Duyệt-Đế-Lợi.
            Nghe xong, Quỉ Vương Vô Độc chấp tay thưa:
            - Thánh Nữ hãy yên tâm trở về, chớ nên buồn nhớ thảm sầu khổ đau nữa.  Tội nữ Duyệt-Đế -Lợi đã được sanh về cõi trời đến nay đã được ba ngày rồi.  Tôi nghe nói rằng bà ta nhờ con gái có lòng hiếu thuận, vì mẹ mà sắm sửa lễ vật, tu tạo phước lành, cúng dường chùa tháp thờ đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai.  Chẳng phải chỉ riêng thân mẫu của Bồ Tát đặng thoát khỏi địa ngục, mà ngày đó, những tội nhơn Vô Gián cũng được đều được vui vẽ, đồng đặng thác sanh cả.
            Nói xong, Quỉ Vương Vô Độc chắp tay chào Thánh Nữ mà cáo lui.  Bấy giờ, Thánh Nữ chiêm bao chợt tỉnh, rõ biết việc đó rồi, bèn đối trước tháp tượng của đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương mà phát thệ nguyện rộng lớn rằng:
            - Tôi nguyện từ nay nhẫn đến đời vị lai, những chúng sanh mắc phải tội khổ, thì tôi lập ra nhiều phương chước làm cho chúng sanh đó được giải thoát.
            Bấy giờ đức Phật Thích Ca Mâu Ni mới bảo ngài Văn Thù Bồ Tát rằng:
            - Quỉ Vương Vô Độc trước đó nay chính là ông Tài Thủ Bồ Tát.  Còn Thánh Nữ Bà La Môn đó nay là đức Địa Tạng Bồ Tát vậy.
            ( Trích trong kinh Địa Tạng 1983, trang 33- HT Thích Trí Tịnh)
           
            Về Nguyện Lực, theo bộ Kinh Vi Diệu Pháp (Abhidhamma), có hai Ba La Mật là Chân Thật Ba La Mật (Sacca) và Nguyện Lực Ba La Mật (Adthithana) ở trong mười Ba La Mật.  Khi hai Ba La Mật nầy được kết thành một khối hợp nhất, gọi là Nguyện Lực Ba La Mật, thì bất cứ chuyện gì trên thế gian nầy cũng đều được thành tựu như ý muốn.
            Trong kinh Mi Tiên Vấn Đáp có ghi lại một câu chuyện về Nguyện Lực Chân Thật như sau:
            " Đức vua Dhammasoka, hôm nọ, cùng với quân hầu ngự ra khỏi hoàng thành, nhân thấy con sông nước chảy cuồn cuộn, nên vua khởi ra ý nghĩ lạ lùng rồi nói với quân hầu rằng:
            - Nầy các khanh!  Các khanh có thấy hoặc có biết ai trên thế gian nầy có khả năng làm cho nước con sông này chảy ngược lại chăng?
            Lúc đó, ở bên sông có người kỹ nữ nghe được lệnh truyền ra, cô ta liền phát ngôn bằng "Nguyện Lực Chân Thật" như sau:
            - Tôi đây làm nghề kỹ nữ, bốn mùa bán thân nuôi miệng, sở dĩ như vậy là vì tôi chỉ muốn duy trì mạng sống chớ không có lý do nào khác.  Điều ấy là hoàn toàn chân thật.  Nếu lời nói tôi đây là chân thật thì xin dòng sông này chảy ngược ngay bây giờ, ngay trước mặt cho đức vua Dhammasoka trông thấy!
            Lời cô kỹ nữ vừa dứt, dòng sông tức khắc chảy ngược, đức vua kinh ngạc quá đổi, không rõ nguyên nhân tại sao!
            Khi biết rõ dòng sông chảy ngược là do bởi cô kỹ nữ, đức vua kêu lại hỏi:
            - Cô là Dạ Xoa hay là Long Vương, sao lại có uy lực lớn như thế?
            Cô kỹ nữ kính cẩn thưa:
            - Đấy là do sức mạnh của sự nói thật, chứ không phải do uy lực của một phi nhân nào cả, tâu Đại Vương.
            Đức vua không tin, bảo rằng:
            - Có gì ở nơi ngươi, mà ngươi bảo rằng lời nói của ngươi là lời chơn thật? Ngươi là người không có trí tuệ, bốn mùa chơi bời, dâm ô, không có nết hạnh!  Ngươi chỉ biết cám dỗ tình dục mọi người, làm cho bao nhiêu đàn ông hư hỏng, mê đắm, tan cửa nát nhà!  Vậy có gì là đạo đức, hiền thiện ở ngươi đâu, mà dám bảo là "Nguyện Lực Chân Thật".  Hảy nói cho trẫm nghe xem!
            Cô kỹ nữ liền đáp:
            - Tâu Đại Vương!  Chính do tiện nữ nói thật nên "Nguyện Lực Chân Thật" kia mới tựu thành năng lực phi thường như thế.
(Kinh Mi Tiên Vấn Đáp 2003, trang 335 - HT Giới Nghiêm)

             Có rất nhiều những câu chuyện về Nguyện Lực và Thông Lực trong kinh sách Phật Giáo, nơi đây tác giả đơn chỉ một thí dụ cho mỗi đoạn để minh chứng sự lợi ích của sự tu hành Phật đạo.  Hành giả tu pháp môn Niệm Phật do thực hành Tín, Hạnh, và Nguyện vì tương ưng với bổn nguyện lực của đức Phật A Di Đà, nên Nguyện Lực và Thông Lực tự phát sanh sức mạnh không thể nghĩ bàn, tức khắc thắng qua sức lôi kéo nghiệp lực ngay lúc lâm chung, được sức nhiếp dẫn vãng sanh về cõi Phật mà không qua giai đoạn thân Trung Ấm.   Niệm Phật, thật là một bảo vật quí báo nhất trên đời nầy không gì so sánh được.
            Để kết thúc bài viết nầy, tác giả xin mượn bài kệ của Tư Tề Đại Sư.  Khi có người đến hỏi Đại Sư sao Ngài không tham thiền, thì Đại Sư đáp:
                    Bình sanh niệm Phật quán mi hào
                    Chẳng học tham thiền, đã có sao?
                    Chỉ được năm hồ trăng gió mát
                    Thái bình chẳng dụng đến gươm đao! 
             
            Kính chúc quý đạo hữu thân tâm thường an lạc.

Huệ Lộc
Tôn Thắng Đạo Tràng
Ngày 13 tháng 11 năm 2017

No comments:

Post a Comment