Cố Huynh trưởng Phạm Gia Bình sinh trưởng trong một gia đình Phật tử thuần thành. Anh sinh ngày 12 tháng 1 năm 1950 tại Thái Bình (Bắc Phần Việt Nam), là con thứ của Cụ Phạm Gia Cần và Bà Nguyễn Thị Huệ. Thủa thiếu thời anh theo học tại các trường Trung Học Trần Lục và Võ Trường Toản Sàigon. Sau khi tốt nghiệp Cán Sự Thí Nghiệm của Bộ Y Tế Việt Nam Cộng Hòa, anh làm việc trong Bộ Y Tế trước 1975. Từ nhỏ anh đã có ý định xuất gia, nhưng vì lòng hiếu thảo và thương kính cha mẹ, nên không thể thực hiện được ước vọng của mình. Và rồi, vâng lệnh song thân, anh đã lập gia đình và sanh được một người con gái.
Sau ngày Cọng sản cưỡng chiếm Miền Nam 30.4.1975, anh theo làn sóng người tỵ nạn vượt biên tìm tự do vào năm 1982 và được định cư Hoa Kỳ năm 1984. Sau khi đặt chân nơi vùng đất tự do, anh ghi danh tiếp tục theo học các trường đại học, nhưng vì kế sinh nhai anh đành bỏ dở việc học, thi vào Bưu Điện và trở thành nhân viên Bưu Điện Hoa Kỳ từ năm 1990. Dù bận rộn với cuộc sống mới, nhưng tâm anh luôn hướng về Chư Phật, anh đã đến sinh hoạt với Hội Phật Giáo Massachusetts và đảm nhận Gia Trưởng Gia Đình Phật Tử Liên Hoa. Năm 1988 anh đã thọ giới Bồ Tát và phát nguyện trường trai.
Tuy được sống trong một đất nước văn minh – tiến bộ – đầy đủ tiện nghi vật chất như Hoa Kỳ, nhưng lòng luôn thao thức với tiền đồ Dân tộc, Đạo pháp và người dân Việt Nam đang bị đọa đày đau khổ dưới ách thống trị của Đảng Cộng sản Việt Nam. Anh thường xuyên theo dõi sự đàn áp Phật Giáo; sự bắt bớ giam cầm, tù đày; bức tử các Phật Tử, Tăng Ni của chế độ bạo tàn Cộng Sản. Xúc động và khâm phục về những hoạt động tranh đấu và bảo vệ Phật Giáo của nhị vị Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Quyền Viện trưởng Viện Hóa Đạo, HT Thích Quảng Độ Tổng Thư Ký Giáo Hội Phật Giáo Việt NamThống Nhất tại quê nhà bị bắt bớ giam cầm, anh đã có ý định trở về Việt Nam tự thiêu trước tổ đình Linh Mụ hay chùa Từ Đàm, đem thân nhỏ bé của mình làm ánh đuốc cúng dường lên mười phương chư Phật, nguyện theo gương Bồ Tát Thích Quảng Đức và của Ni Cô Thích Nữ Thanh Quang để đóng phần hy sinh của Phật Giáo đồ Việt Nam, cho sự trường tồn của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và sự vinh quang của dân tộc. Nhưng cuối cùng không thuận duyên, anh đành chọn ngôi đất dự định xây chùa của Hội Phật Giáo Connecticut để hoàn thành đại nguyện vào lúc 7:30 giờ sáng ngày 6 tháng 4 năm 1993, Anh hưởng dương 43 tuổi.
Trước khi tự thiêu, anh đã để lại 8 bức thư gửi đến: Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton – Thủ Tướng CSVN Võ Văn Kiệt – Cố HT Thích Huyền Quang – Cố HT Thích Hộ Giác – Chư Tăng Ni Việt Nam trong và ngoài nước – Cư Sĩ Việt Nam trong và ngoài nước - Ông Võ Văn Ái Chủ Tịch Ủy Ban Bảo Vệ Quyền Làm Người Việt Nam – Gia Đình Phật Tử Việt Nam Trong và ngoài nước. Nội dung các thư đều tỏ ý kêu gọi hỗ trợ công cuộc vận động đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam và đặc biệt là đòi hỏi phục hồi quyền pháp lý GHPGVNTN.
Kính gửi Tổng Thống Bill Clinton
Trích yếu: Về Việc CSVN triệt tiêu tôn giáo và chà đạp nhân quyền tại Việt Nam.
Kính thưa Tổng Thống.
Tôi là công dân Việt Nam, đã từ lâu thao thức với vệnh mệnh đất nước và những điêu linh tang tóc, mà dân tộc tôi đã và đang phải gánh chịu. Như Tổng thống đã biết, chính sách của CSVN nói chung và CSVN nói riêng không bao giờ thay đổi, tức là ở đâu có cộng sản thì ở đó không có tôn giáo và nhân quyền hoặc ở đâu có tôn giáo và nhân quyền, thì ở đó không có bóng dáng của Cộng sản. Đây là một sự thực mà lịch sử đã từng chứng minh, trải qua các nước đã từng nếm mùi Cộng sản. Điều này tôi muốn nói lên là hiện nay cộng sản đang ra sức triệt tiêu tôn giáo, mà hiện tại là Phật Giáo Việt Nam phải gánh chịu nhiều nhất, cũng như là họ đang chà đạp nhân quyền một cách trắng trợn. Điều này Tổng Thống đã biết từ lâu.
Kính thưa Tổng Thống,
Chính vì sự thật như thế, chính vì thủ đoạn của CSVN chỉ là lùi một bước để rồi sau đó tiến trăm bước, ngàn bước; tôi quyết định hy sinh thân mạng của tôi bằng cách tự thiếu phản đối chế độ CSVN, để gọi là một tiếng chuông được đánh lên, để Tổng Thống và các nhà lãnh đạo các nước tự do trên thế giới đừng mắc mưu Cộng sản một lần nữa, vì họ đã lường gạt chúng ta quá nhiều. Tôi tin rằng Tổng Thống sẽ không còn mắc mưu họ nữa.
Cuối thư, tôi cầu chúc Tổng Thống được dồi dào sức khỏe, cũng như mọi việc Tổng Thống làm để phù hợp với nguyện vọng của toàn dân.
Trân Trọng kính chào Tổng Thống
Nay kính thư
Phạm Gia Bình
(ký tên)
No comments:
Post a Comment