Thursday, May 12, 2016

(Huệ Lộc) Phật Pháp – Nhân Duyên “Kỳ Lạ” của Người Khách Thương


Trong Đại Tạng Kinh có quyển Bách Duyên Kinh trong Phạn văn gọi là Avadana Cataka, Đại Đức Anan có kiết tập lại một nhân duyên kỳ lạ của một người khách thương như sau:
            Lúc ấy, đức Phật còn đang hoá duyên và an trụ gần thành Xá Vệ, trong vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc.  Trong thành này có một nhà buôn lớn, cùng với 500 người khác cùng chở hàng hoá đi buôn xa bằng đường biển.  Thuyền ra biển cả bị sóng đánh chìm, may mắn sống được trở về.  Người này liền ngày đêm cầu khẩn, cúng vái  nhiều vị thần linh để cầu sự che chở cho số mạng và công việc làm ăn.  Rồi xắp xếp ra biển lần nữa, lần này cũng lại bị chìm thuyền.  Đến ba lần như vậy, cũng không có lần nào yên ổn.
            Khi ấy người thương chủ nhờ may mắn mà sống sót trở về mấy lần, khi trở về được nơi thành Xá Vệ, trong lòng sanh ra sầu não, liền suy nghĩ rằng: "Ta có nghe ở đây có đức Phật là bậc sáng suốt, trong cõi trời người chẳng ai sánh bằng, lòng thường thương xót cứu độ hết thảy chúng sanh.  Nay ta nên chí thành xưng danh hiệu ngài, nguyện rằng nếu được đi bình an thì sẽ lấy một nửa số châu báu kiếm được mà cúng dường ngài."
            Nghĩ như vậy xong, ông liền xắp đặt thuyền ra khơi.  Lần này ông chí thành niệm danh hiệu Phật mà cầu nguyện cho sự an ổn.  Quả nhiên, lần thứ tư này chuyến buôn bán được bình an vô sự, và mang về nhiều trân bảo châu báu.
            Về đến nhà, ông mang những châu báu kiếm được ra để ngắm nghía và sung sướng, nhưng khi nghĩ đến lời hứa của mình là mang phân nửa số châu báu này ra để cúng dường đức Phật, thì tâm tham lam, tiếc nuối lại nổi bừng lên lấn hiếp lương tri.  Ông nghĩ rằng: "Nếu mình không mang phân nửa châu báu này đi cúng dường Phật thì trái mất lời hứa.  Chi bằng mình mang nửa châu báu này bán lại cho vợ mình với giá hai đồng bạc.  Rồi dùng hai đồng bạc đó mua hương đèn đến Tịnh Xá mà đốt lên cúng Phật thì cũng xem như đã cúng dường phân nửa số lời rồi."
            Nghĩ rồi ông ta làm như vậy.  Người ấy sau khi bán phân nửa số châu báu cho vợ mình với giá hai đồng bạc, ông lấy hai đồng bạc mua hương và đi đến tịnh xá Kỳ Hoàn đốt hương cúng dường Phật.
            Khi ấy, đức Phật dùng thần lực làm khói hương bay ra thành những đám mây hương lớn, che phủ khắp vùng tịnh xá Kỳ Hoàn.  Người thương chủ này khi thấy điều kỳ lạ như vậy, thì biết ngay đó là sự thần biến của Phật, lòng liền tự hối trách:

            "Đức Như Lai Thế Tôn thật có thần biến, hiện phép mầu nhiệm xưa nay ta  chưa từng được thấy.  Nhờ sức thần hộ niệm của ngài mà ta được yên ổn đi về, thâu hoạch nhiều châu báu.  Nay ta lại sanh lòng tham tiếc nhỏ nhen, không muốn mang châu báu đến cúng dường ngài, thật đáng xấu hổ."
            Nghĩ như vậy rồi, ông liền quỳ xuống chí thành thỉnh Phật và chư tăng cùng đến thọ lễ cúng dường ở nhà ông.  Đức Phật nhận lời.
            Ngày hôm sau, ông chuẩn bị mọi thứ chu đáo, lại sai người đến tịnh xá mời thỉnh một lần nữa.  Phật và chư tăng cùng đến nhà ông nhận lễ cúng dường.  Xong lễ, Phật lại vì ông mà thuyết pháp cho nghe.  Ông nghe pháp xong rồi lòng tham lam trừ dứt, liền mang những trân bảo quý báu ra mà ném lên hư không cúng dường Phật.  Những trân bảo quý báu đó bổng tự nhiên tụ lại trong hư không thành một cái lọng báu rất lớn, bay che bên trên chổ đức Phật.
            Người thương chủ thấy sự biến hoá kỳ diệu như thế liền chí thành lễ Phật, và phát lời nguyện lớn rằng:
            - Nhờ công đức cúng dường hôm nay, trong đời vị lai tôi nguyện vì chúng sanh mù loà mà cứu giúp cho được sáng mắt, vì những chúng sanh chẳng quy y Phật mà độ cho được quy y; những chúng sanh không người cứu hộ, tôi sẽ cứu hộ; những chúng sanh không được an ổn, tôi sẽ làm cho an ổn; những chúng sanh chưa nhập Niết Bàn, tôi sẽ làm cho nhập Niết Bàn."
            Khi ông phát nguyện vừa xong, đức Phật liền mỉm cười, từ nơi trán, giữa hai lông mày phóng ra một đạo hào quang năm sắc bay quanh Phật ba vòng rồi lại theo chổ trên trán Phật mà bay trở vào.
            Khi ấy ông Anan bạch với Phật rằng:
            - Như Lai là đấng tôn quý, chẳng vô cớ mà cười bao giờ.  Nay vì nhân duyên gì mà Phật mỉm cười, xin ngài giảng giải cho tôi được biết?
            Phật bảo ông Anan:
            - Ông có nhìn thấy người thương chủ đây nhờ công đức cúng dường ta, không còn phải đoạ vào trong ba nẻo ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.   Thường sanh nơi cõi trời, hưởng nhiều khoái lạc.  Trải qua ba a-tăng-kỳ kiếp (ba lần của một vô số kiếp) nữa sẽ thành Phật hiệu là Bảo Thạnh Như Lai (Ratnottama), hoá độ chúng sanh nhiều vô số kể.  Vì nhân duyên ấy mà ta mỉm cười.
            Các Tỳ-Kheo nghe Phật thuyết nhân duyên này xong thảy đều vui mừng tin nhận.

Lời bàn: 
            Đây là một câu chuyện còn ghi lại trong Đại Tạng Kinh trong kỳ kiết tập lần thứ nhất do ngài Anan chứng kiến và thuật lại trước 999 vị  Đại A La Hán, điều này thuộc về sự.   Trên phương diện lý, câu chuyện trên có thể hiểu như một chuỗi sinh hoạt tâm lý của một chúng sanh khi phát tâm Bồ Đề. 
            1. Người khách thương chính là ý thức thứ sáu của chúng ta.  Trong Duy Thức Học Đại Thừa thường nói đến tám thức, trong đó sáu thức đầu gồm có ý thức và tiền ngũ thức (mắt, tai, mũi, miệng, và thân thức) làm môi giới mọi sự ảnh hưởng từ thế giới bên ngoài vào trong thức thứ tám còn gọi là A Lại Da thức.  Chức năng môi giới của tiền ngũ thức này được thực hiện là nhờ vào sự tiếp xúc các giác quan này với môi trường chung quanh.   Tuy nhiên, tất cả mọi sự cân nhắc, đo lường, tính toán, phân biệt, xếp loại thế giới vạn hữu bên ngoài lại không tuỳ thuộc vào tiền ngũ thức, mà lại tuỳ thuộc vào ý thức hay thức thứ sáu.   Cổ nhân có làm một bài thơ nói về hành tướng và công năng của tám thức tâm vương như sau:
            Bát cá đệ huynh, nhất cá si
            Độc hữu nhất cá tối linh ly,
            Ngũ cá môn tiền tố mãi mại,
            Nhất cá gia trung tác chủ y
dịch là:
            Anh em làm chủ, một chàng si (thức thứ bảy)
            Duy có ý thức rất linh ly (khôn ngoan)
            Năm người ngoài cửa lo buôn bán, (năm thức trước)
                        Làm chủ trong nhà, đệ bát y (thức thứ tám)                   
            Mỗi thức trong tiền ngũ thức lại có đủ 100 tâm pháp.   Như vậy tổng cộng có 500 tâm thức cho 5 tiền ngũ thức.  Vì thế gọi là 500 kẻ khác cùng người thương chủ đi buôn.
            2.  Ra biển, chính là biển sanh tử.  Biển sanh tử có đủ tám luồng gió dữ gọi là bát phong gồm có:  thịnh và suy, vinh và nhục, khen và chê, khổ và vui.  Chính vì tám luồng gió này mà thuyền khách buôn luôn bị chìm nổi chơi vơi trong biển tâm thức. Người đời cũng như người tu hành cũng vì tám luồng gió dữ này mà bị thổi bạt tới địa phận loài La Sát, tức là sự đấu tranh, thù hận, và chém giết.   
            3. Cầu nguyện thần linh cứu giúp chính là khi tư tưởng ý thức bị bế tắc hay thất bại mà không tự tìm ra phương chước tự cứu được, thì người ta thường có khuynh  hướng bám víu  vào lãnh vực thần thánh  hay huyền bí, hy vọng sẽ tìm được sự nương tựa yên ổn.   Tuy nhiên trong Kinh này người chủ khách thương cũng không được sự an ổn mặc dù ông ta cũng đã van vái thần linh, và thần linh cũng không thể mang hoạ hay phước gì đến cho ông được.
            4.  Cuối cùng ông đành phải tìm đến với đức Phật vì ông nghĩ rằng đức Phật là bậc sáng suốt giác ngộ hơn hết trong hai cõi trời và người.  Do lòng tin về Phật, nên ông đã niệm Phật trên chuyến đi buôn lần thứ tư, và ông đã yên ổn trở về.  Niệm Phật tức là nhớ Phật không quên.  Có nhiều người lầm tưởng rằng niệm Phật là đọc thầm tên Phật hay xướng đọc tên Phật lớn ra rồi cho đó là niệm Phật.  Niệm Phật như thế không chính xác và cũng không đầy đủ vì chỉ nghiêng theo "sự" mà làm.        Trong Kinh Đại Bảo Tích, phẩm Vô Lượng Thọ, có nói rằng :" Nếu ai niệm danh hiệu Phật một lần thì tiêu hết 80 mươi vạn trọng tội." Rồi lại nói: "người niệm Phật sẽ thành Phật", tuy nhiên có người hỏi: "Cái máy thu âm cũng biết niệm Phật" sao nó không thành cái gì hết?   Đó mới biết ra niệm Phật thiếu phần "lý" thì người ta  chỉ là cái "máy ngũ ấm" niệm Phật mà thôi.   Pháp Ngũ ấm vốn không có thật tướng có nghĩa là tự bản tánh nó không có thật.  Nghĩa là nói về pháp Sắc, bản tánh Sắc không có thật.  Tại sao?  Vì  Sắc hay sắc uẩn gồm có mười một pháp là 5 căn và 5 trần và vô biểu sắc đó là nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn, sắc cảnh, thinh cảnh, hương cảnh, vị cảnh, xúc cảnh, và vô biểu sắc.  11 loại sắc pháp này khi bị phân tách đến cực vi thì chỉ thấy là trống không hay không có một tí thực thể nào từ cái bắt đầu.  Sự hiện diện của chúng là một nhóm duyên hợp mà từng đơn vị của duyên hợp đó lại là tự tánh không vì không có thực thể bắt đầu.  Vì vậy pháp sắc chính là pháp không.  Hay nói một cách khác Sắc là Không vì tự tánh không.  Cho đến thọ, tưởng, hành thức ấm cũng là Không vì đều là tự tánh Không hay bản tánh Không.
            Nói tóm lại ngũ uẩn là Không thì mọi pháp khác đều Không, nghĩa là 12 nhập, 18 giới cho đến tất cả các quả Tam Ma Địa (thiền định hay tam muội) hay tất cả các Đà La Ni, cho đến 10 lực Phật, 18 pháp Phật Bất Cộng, và quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Giác cũng đều Không vậy.   Vì tất cả pháp bản tánh Không, nên không có một "ai" được xác định là Có để tu và để chứng quả.  Vì thế không có người đắc pháp hay có pháp để mà đắc. 
            Nếu đã không có người chứng quả và không có thật pháp để đắc thì ai là người niệm Phật?   Nếu chỉ duyên theo "sự" mà niệm Phật, thì khi bị người hỏi đến đây, tất sẽ bị trở ngại và không trả lời được.   Đây gọi là bệnh "chướng đạo" vì sự tu hành chưa thông suốt nghĩa lý.
            Kẻ mang bệnh chướng đạo là lúc thế gian trí hay biện minh thế trí của họ bị bế tắc vì trí huệ căn bản chưa mở thông, nên họ rơi vào chấp Không mà không tự biết.  Nghĩa là họ cho rằng chết là hết, là xong, không có gì sau khi chết.  Họ bài báng nhân quả, không tin có một dòng nghiệp lực dẫn tâm thức luân hồi, tái sinh ở kiếp sau.  
             Những ai hiểu "Không" là sự trống vắng, thì người đó hiểu sai về tánh Không trong đạo Phật! 
            "Không" hay còn gọi là "Tánh Không" không có nghĩa là "trống vắng" hay mất cái có rồi mới có cái không!  Hiểu như thế là sai lầm.  "Không" hay "Tánh Không" có nghĩa là "Mọi pháp, mọi vật không có tự tánh"  hay gọi là Bản tánh Không, có nơi gọi là Bản Tánh Bổn Lai Không.  Nghĩa là tự thể mọi vật mọi pháp không có thật tánh hay thật tướng xác định, giống như một cụm mây, thoạt nhìn như có cụm mây nhưng thực sự cụm mây đang thay đổi ra các hình thể khác nhau trong từng giây phút, rồi cuối cùng chẳng lưu lại một tướng cố định nào.    Bản Tánh Không của một vật là tánh chất không tự có thật tướng của một vật đó. Thí dụ như một chiếc xe đạp có Bản Tánh Không vì khi trong trạng thái chung, mọi thành phần của chiếc xe đạp được lấp ráp với nhau thì xem như thấy có một chiếc xe đạp, tuy nhiên nếu tháo gỡ ra từng bộ phận của xe đạp này ra từng phần riêng biệt thì không còn thấy chiếc xe đạp khi nãy nữa.  Vậy bây giờ chiếc xe đạp thật ở đâu?  Thật ra không có chiếc xe đạp thật, nhưng lại ý tưởng về chiếc xe đạp thật là ở trong tất cả những phần khác nhau của chiếc xe đạp.  Do đó mặc dù nói tánh của mọi pháp hay mọi vật là Không nhưng không phá bỏ tánh chất riêng biệt của chúng, mà vẫn biết chúng không thật có.  Vì vậy mà nói "Phật pháp không huỷ hoại thế gian pháp."  Nghĩa là mọi pháp mọi vật có tánh độc lập của riêng nó, như nói nước thì mềm tánh chảy thấp, lửa thì nóng tánh bốc cao, gió thì nhẹ tánh lưu động, đất thì cứng tánh rắn đặc...  Mỗi mỗi pháp ở vị trí độc lập riêng biệt của nó, không pháp nào trộn lẫn với pháp nào.  Tất cả mọi pháp đều bình đẳng vì do tánh Không Tánh của chúng, do đó không pháp nào làm chủ pháp nào.   Như trong Kinh Bát Nhã hay Kinh Pháp Hoa, đức Phật  thường nói vạn pháp hay tất cả mọi hiện tượng sinh động trong vũ trụ pháp giới đều do duyên hợp  mà hiện hữu,  pháp này liên hệ với pháp kia tợ như hoà hợp lẫn nhau, mà thật sự ra không pháp nào hoà hợp pháp nào.  Tự mỗi pháp ở trạng thái độc lập.  Vì sao?  Vì bản tánh của các pháp là Không hay Không tự tánh vậy.   Trong Kinh Đại Thừa Nhiếp Luận, đức Phật có nói:  "Thà tin là có  còn hơn là chấp không.  Vì kẻ chấp không sẽ bài bác nhân duyên quả báo.  Do không tin nhân quả mà thân khẩu ý tạo ra các ác nghiệp cực trọng, rơi vào địa ngục nhanh hơn tên bắn."   Điều nầy chính là phương án tu hành cho mọi tu sĩ nhất là các hành giả Thiền Tông.  Trong Thiền Tông, các hành giả thường lấy Không làm chủ đích cho sự tu tập, tuy nhiên nếu không suy xét kỹ càng mà nghĩ rằng Không là không có gì hết hay Không là trống rỗng hay mất hết cái có thì thành Không, thì đó là sự chấp Không, một loại vô minh của vô minh.  Những người này họ hiểu Kinh Kim Cang một cách cạn cợt  rồi dùng những câu Kinh này để giải thích về tánh Không một cách sai lầm, khiến cho người nói và người nghe đều rơi vào chấp Không (chấp Tướng) sâu nặng.  Thí dụ như họ nói: " Trong Kinh Kim Cang có đoạn Phật nói:
"Lấy âm thinh cầu ta
Lấy sắc tướng cầu ta,
Ấy là đạo tà..."  Rồi cho rằng Đạo Phật không có âm thanh, không có sắc tướng, không đạo, không quả... cho đến tất cả đều không có.  Như vậy thì không cần phải giữ giới tu hành, không cần phải tu tâm niệm Phật gì cả, bởi vì Phật dạy tất cả đều là không, đều là vô tướng vô hình, không nhân, không quả, không có địa ngục, không có thiên đàng, cũng không có cảnh Niết Bàn hay Cực Lạc chi cả... vì tất cả đều là không."  Đây là loại chấp không hay gọi là đoạn kiến chủ nghĩa nghĩa là không tin vào nhân quả. nghiệp lực,  họ quan niệm rằng chết là hết, do đó khi  lúc sanh tiền, họ không nể sợ hay từ bỏ bất kỳ một ác nghiệp nào, nếu có nhân duyên đủ thì họ có thể làm mọi việc ác.  Do đó họ rơi vào địa ngục nhanh hơn tên bắn.  Còn ngược lại thì có người sanh tâm chấp có, cho rằng ta có cái ngã tướng thường tồn.  Khi chết ngã tướng đó sẽ tái sinh ở kiếp sau.  Đó là lý thuyết linh hồn bất diệt hay còn gọi là Thường Kiến chủ nghĩa.   Chấp đoạn kiến hay chấp thường kiến đều là trạng thái vô minh, không hiểu rõ được pháp giới thực tướng.
            Trở về câu nói:' Ai là kẻ niệm Phật".   "Ai" đây chính là ngũ uẩn. Phật là danh tướng.  Nếu ngũ uẩn là Không, danh tướng là Không thì "Ai" và Phật cũng là Không vì tánh bình đẳng của mọi pháp.  Vậy ba món: Ngũ uẩn, Phật, pháp niệm Phật đều là Không.  Pháp Không không thể niệm Pháp Không.  Vì vậy mà kẻ niệm Phật, pháp niệm Phật, và quả Phật không thể nắm bắt được hay sở hữu được, mà hành giả cũng không thể xa lìa sự hiểu biết này, và cũng không thể xa lìa sự niệm Phật được.  Nếu xa lìa thì rơi vào chấp không.  Nếu quan niệm như thế tức là bắt đầu mở lối về Tánh Không hay tìm về cửa Bát Nhã Ba La Mật Đa rồi vậy.   Tuy nhiên "lối về" Tánh Không hay "cửa" Bát Nhã Ba La mật Đa vốn là không pháp "lối" mà cũng không pháp "cửa". 

5.  Trong chuyến đi buôn lần thứ tư, người khách thương buôn mang về nhiều châu báu.  Có nghĩa là xông vào biển khổ trần ai, biết áp dụng lời Phật dạy thì đắc được các đạo quả quí báu như Thanh Văn A La Hán hay các bậc Độc Giác Bích Chi Phật.
  
6.  Đã có các châu báu mang về mà không nở mang một nửa đi cúng dường Phật là chưa chịu xả bỏ ngũ dục, mặc dù đã thấy Phật Pháp quí báu, nhưng lòng đam mê ngũ dục nặng nề , không nỡ dứt khoát.  Lòng tiếc nuối phân nửa châu báu chính là tâm vẫn còn bám víu vào sự hưởng thụ thú vui ngũ dục.  Rồi từ tâm bám chấp tiếc nuối vào tài sản mà người thương buôn mới này ra kế sách gian xảo, bán nửa số châu báu này lại cho vợ mình với giá 2 đồng, đủ để mua hương cúng dường Phật.  Hai đồng tiền chính là hai tâm tham lam và si mê.   Từ lòng đam mê ngũ dục nên người thương buôn này bán rẻ phân nửa châu báu này với giá hai đồng tiền nghĩa là thức thứ sáu (ý thức) bị hai tâm tham lam và si mê làm chủ.  

7.  Dùng hai đồng tiền mua nhang xông cúng dường Phật, khói nhang bay che phủ cả tịnh xá.  Điều này có nghĩa là gian kế xấu xa của người thương chủ kia truyền đi khắp xóm làng, mọi người đều biết.  Cũng có nghĩa là tư duy gian trá của ý thức không thể che dấu được ai.  Phật và chúng Tăng đều thấy rõ. 

8.  Người thương chủ sau khi thấy thần biến của Phật làm khói hương bay phủ trùm lên tịnh xá Kỳ Hoàn, nên hiện tâm hối hận việc làm tham lam ngu si của chính mình, sanh lòng xấu hổ, bèn thỉnh Phật và chư Tăng về nhà mình để cúng dường.  Đây chính là hành động sám hối thật sự, có nghĩa giác ngộ mà sám hối, tức từ bỏ việc làm và tư tưởng sai quấy trước kia, và không bao giờ để phạm cùng lỗi sau này.   Đây gọi là sám hối bậc trung vì tự tâm muốn sửa đổi.   Xong lễ, Phật vì ông mà thuyết pháp khiến ông bỏ dứt lòng tham lam si mê trước kia.

9.  Sau khi tâm tham lam bỏn xẻn được trừ dứt,  người thương chủ lấy số châu báu kia ném lên hư không cúng dường Phật.  Đây là sự Bố Thí Ba La Mật Đa vì không còn tam luân: người bố thí, vật bố thí , và pháp bố thí.  Những trân bảo quý báu đó bổng tự nhiên tụ lại trong hư không thành một cái lọng báu rất lớn, bay che bên trên chổ đức Phật.  Điều nầy chỉ cho tướng trạng công đức của Bố Thí Ba La Mật Đa không tan mất,  như một chiếc lọng lớn trang nghiêm Phật quốc độ.   Các Bồ Tát Ma Ha Tát cũng từ pháp Bố Thí Ba La Mật Đa tu rộng ra mọi pháp Ba La Mật để xây dựng Phật quốc độ tương lai.

10. Người thương chủ thấy sự biến hoá kỳ diệu như thế liền chí thành lễ Phật, và phát lời nguyện lớn rằng:
            - "Nhờ công đức cúng dường hôm nay, trong đời vị lai tôi nguyện vì chúng sanh mù loà mà cứu giúp cho được sáng mắt, vì những chúng sanh chẳng quy y Phật mà độ cho được quy y; những chúng sanh không người cứu hộ, tôi sẽ cứu hộ; những chúng sanh không được an ổn, tôi sẽ làm cho an ổn; những chúng sanh chưa nhập Niết Bàn, tôi sẽ làm cho nhập Niết Bàn."
            Đây là phát Tâm Bồ Đề.  Phát Tâm Bồ Đề có nghĩa là phát tâm tu hành thành Phật.  Người phát tâm tu hành thành Phật có nghĩa là vì tất cả mọi loài chúng sanh, chịu đựng mọi khó khăn cực nhọc để tu hành giác ngộ chúng sanh, và đưa họ đến nơi an lạc không còn chịu khổ trong cảnh luân hồi, cuối cùng giáo hoá dạy bảo họ thành Phật.    Phát tâm thành Phật không có nghĩa là một chức vị hay ngôi vị cao quí để cho mọi người tín ngưỡng và thờ cúng như một siêu nhân hay thần linh hay là đấng chúa tể thế gian.   Một cách nói khác, phát tâm thành Phật là tự mình giải thoát và giáo hoá người cùng giải thoát, đưa chúng sanh về cõi Niết Bàn tịch tịnh.

11. Khi ông phát nguyện vừa xong, đức Phật liền mỉm cười, từ nơi trán, giữa hai lông mày phóng ra một đạo hào quang năm sắc bay quanh Phật ba vòng rồi lại theo chổ trên trán Phật mà bay trở vào.
            Khi ấy ông Anan bạch với Phật rằng:
            - Như Lai là đấng tôn quý, chẳng vô cớ mà cười bao giờ.  Nay vì nhân duyên gì mà Phật mỉm cười, xin ngài giảng giải cho tôi được biết?
            Phật bảo ông Anan:
            - Ông có nhìn thấy người thương chủ đây nhờ công đức cúng dường ta, không còn phải đoạ vào trong ba nẻo ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.   Thường sanh nơi cõi trời, hưởng nhiều khoái lạc.  Trải qua ba a-tăng-kỳ kiếp (ba lần của một vô số kiếp) nữa sẽ thành Phật hiệu là Bảo Thạnh Như Lai (Ratnottama), hoá độ chúng sanh nhiều vô số kể.  Vì nhân duyên ấy mà ta mỉm cười.
            Hào quang từ trán phóng ra là trí huệ sáng suốt của Diệu Quang Sát Trí.  Trong Duy Thức Tông, Diệu Quang Sát Trí là trí tuệ tu chứng từ thức thứ sáu hay ý thức.  Khi hành giả vượt lên Đẳng Giác Bồ Tát thì :
            * Tiền ngũ thức (5 thức đầu) chuyển ra thành Thành Sở Tác Trí tức khả năng diệu dụng của 5 giác quan đối với pháp giới.
            *  Đệ lục thức (Ý thức) chuyển ra thành Diệu Quang Sát Trí tức khả năng diệu dụng của trí suy tính đo lường hiểu biết về pháp giới.
            *  Đệ thất thức (Mạt Na Thức) chuyển ra thành Bình Đẳng Tánh Trí tức trí vô sanh hiểu biết Tánh Không Bình Đẳng của mọi pháp.  Mọi pháp bản lai Không. Tức còn gọi là Bát Nhã Ma Ha Mật Đa.
             *  Đệ bát thức (A Lại Da Thức) chuyển ra thành Đại Viên Cảnh Trí tức trí viên dung pháp giới hay gọi là Đệ Nhất Thế Trí trong cảnh giới Nhất Thừa Vô Ngại.
            Bốn loại trí này có đủ trong mỗi một chúng sanh, nhưng phải chờ chúng sanh  tu hành viên mãn, chứng được tam thân là Hoá Thân, Báo Thân và Pháp thân  thì mới dùng được.  Sở dĩ gọi là Hoá Thân  là vì do công dụng của Thành Sở Tác Trí.  Gọi là Báo Thân là do công dụng của Bình Đẳng Tánh Trí. Còn gọi là Pháp Thân vì do công dụng của Đại Viên Cảnh Trí.  Tuy gọi Ba Thân nhưng thật ra chỉ là một, tuỳ theo phương tiện giáo hoá chúng sanh mà bốn loại trí tuệ phát ra công năng. 
            Ở đây ánh sáng nơi trán Phật phóng ra, là sự biểu hiện sự sáng suốt và công năng của Diệu Quang Sát Trí. Ánh sáng có 5 màu vì tương ứng với 5 loại đối tượng được cứu độ:  địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, A tu la, và nhân thiên.
            Con người vốn tạo nhiều thiện nghiệp và ác nghiệp lẫn lộn từ nhiều kiếp đến giờ.  Do nghiệp quả mà trải qua bao thân tướng chúng sanh từ vô thỉ đến nay, dù vậy nhưng cũng không biết chắc chắn kiếp sau mình sẽ có thân tướng nào.  Đức Phật vì lòng từ bi nên chỉ rõ một làn ranh cho chúng sanh tái sinh kiếp sau.  Ngài nói kẻ quy y Tam Bảo sẽ không đoạ vào ba ác đạo là địa ngục, ngạ quỷ, và súc sanh.   Nơi đây Ngài dạy:
            Người thương chủ nhờ công đức cúng dường Phật nên không còn phải đoạ vào trong ba nẻo ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.   Thường sanh nơi cõi trời, hưởng nhiều khoái lạc.   Rồi lại trải qua nhiều vô số kiếp, rốt sẽ thành Phật hiệu là Bảo Thạnh Như Lai (Ratnottama), hoá độ chúng sanh nhiều vô số kể. 
            Đây thật là một công đức vô lượng, chánh nhân do gặp Phật và phụ duyên do  sự biết hổ thẹn và xấu hổ, đã giúp người thương buôn được thọ ký thành Phật tương lai.

Huệ Lộc
Tôn Thắng Đạo Tràng
5/10/2016

No comments:

Post a Comment