Xuân về Tết đến. Bên kia Đại dương chắc mai vàng đang nở rộ. Tiếng pháo đì đùng, phố phường, xe cộ lắm người qua. Chốn thiền môn thanh tịnh giờ đây cũng trở nên huyên náo. Người người rủ nhau đến Chùa thắp hương, lễ Phật đầu năm. Ôi hình ảnh thân quen ấy nghiễm nhiên trở thành những tập tục của quê hương không thể tách rời. Ở hải ngoại, tuy giờ có khá hơn xưa nhưng vẫn mãi mãi mang giai điệu của “Tết tha hương” và“Xuân viễn xứ”. Cũng may tập tục của quê cha vẫn còn in sâu đậm trong lòng người Việt. Người người vẫn tìm đến nhau, khơi lại cái hương vị Tết bằng hình ảnh hội chợ, múa lân, đốt pháo, văn nghệ, bánh chưng, bánh tét. Quan trọng hơn hết vẫn không quên tình đồng hương, đồng đạo, quay quần thăm hỏi, chúc Tết nhau trong 3 ngày Tết. Viếng nhau hoặc ở tư gia hay gặp nhau dưới mái chùa thân yêu để lễ Phật. Nhờ vậy tình người thêm thắm đậm.
Thế nhưng ở Sacramento, tại Niệm Phật Đường Huyền Quang năm nay có khác. Được cho hay cửa Chánh Điện Niệm Phật Đường bị khóa, không thể vào để thắp hương lễ Phật. Bàn Phật giờ tiêu điều hoang vắng. Ba ngày Tết sắp đến, bàn thờ sẽ phải thiết lập bên ngoài nơi Trai Đường để đồng hương Phật tử về Chùa tạm có nơi hương khói. Rồi lại được biết thêm là anh đoàn trưởng Mai Xuân Châu tuyên bố đóng cửa và bán Niệm Phật Đường. “Bán chùa, tôi mang tội bán chùa,” Anh phát biểu như thế qua phiên họp hôm 6-12-2015.
Tôi nghe mà lòng buồn vô hạn, bàng hoàng cả tâm tư. Vẫn chưa tin là sự thật. Thiển nghĩ có lẽ anh Mai Xuân Châu chưa lượng định đúng mức hậu quả và sự nghiêm trọng của câu anh vừa nói đấy chăng? Có thể nói, đây quả là tiếng sấm hãi hùng. Nếu đã đọc tụng qua Kinh Lương Hoàng Sám hoặc Từ Bi Thủy Sám, tôi cam đoan anh không dám thốt lên lời này.
“Bán chùa, tôi mang tội bán chùa.” Trên cõi đời này chỉ có hai hạng người mới dám thốt lên câu nói này mà thôi. Một, là Bồ Tát hóa thân. Hai, là hạng người quá đỗi kiêu mạn, ương ngạnh và cuồng vọng, không tin vào luật nhân quả.
Không tin Anh là hạng người thứ nhất. Vì hạng người thứ nhất phải là Bồ Tát hóa thân mới có đủ bản lĩnh để đi vào địa ngục chịu muôn vàn cực hình khổ nhục chỉ vì mật nguyện muốn hóa độ quần sanh mà ứng thân làm người phạm Ngũ Nghịch Tội. Vì bán chùa tức làm dứt tiệt Pháp Âm của Phật, góp phần tiêu hủy ánh quang minh trí huệ của Chánh pháp, là huệ mạng của Pháp Thân Phật, e rằng đã phạm vào tội ngũ nghịch rồi đấy. Nếu không phải là Bồ Tát hóa thân, tôi sợ lắm, sợ rằng Anh không gánh nỗi hậu quả của 4 chữ “Nhân Quả” và “Địa Ngục” đâu Anh. Thật là khủng khiếp khôn lường!
Kinh sách kể, lúc xưa, khi Đức Phật còn tại thế, Hoàng thân Đề-bà-đạt-đa là người cực ác, phạm đủ ngũ nghịch tội. Nhưng Ngài chính là Bồ Tát hóa thân đóng vai nghịch hạnh. Ngài Đề-bà-đạt-đa luôn ganh ghét đối nghịch lại với Đức Phật. Nhiều lần đã cố tình hại Phật, chí đến giết Phật. Ngài đã xô đá từ đồi cao xuống cố giết Phật nhưng chỉ làm thân Phật chảy máu; xúi giục voi say để cố hại Phật; rồi phá hòa hợp Tăng cũng chính do Ngài. Có lúc Ngài đòi Đức Phật giao quyền thống lĩnh Tăng Đoàn nhưng Đức Phật tuyệt đối khước từ. Thế là mọi mưu ma chước quỷ không thành vì Đức Từ Bi và Trí Tuệ của Bậc Toàn Giác không gì có thể làm lung lạc được. Thua keo này lại bày keo khác, thấy Vua Tần-bà-xa-la hết lòng tôn kính Đức Phật, Ngài Đề-bà-đạt-đa ghen ghét xúi Thái tử A-xà-thế cướp ngôi Vua và giết Vua Cha Tần-bà-xa-la trong ngục tối.
Chuyện kể rằng: Thái tử A-xà-thế lúc ấy đã nghe theo lời Đề-bà-đạt-đa mà hành hạ Vua Cha bằng cách chẻ móng chânVua rồi cho sát muối vào; nhốt, bỏ đói, và hành hạ Vua Cha trong ngục tối, thật tàn nhẫn không cùng. Mẫu Hậu Vi-đề là người duy nhất được viếng thăm Vua Cha. Một hôm, ông được Mẫu Hậu kể ông nghe về tình phụ tử của Vua Cha đối với ông thế nào khi ông còn là một hài nhi Thái tử. Lúc đó ông bị một mụt nhọt ngay đầu ngón chân cái đau nhức không ngủ được. Vua Cha vì thương con quá đỗi đã ngậm vào miệng ngón chân để chuyền hơi ấm cho ông đỡ đau nhức mà có giấc ngủ ngon. Rồi sợ nếu nhả ra sẽ làm ông thức giấc lắm khi Vua Cha đành phải nuốt luôn trọn cả máu lẫn mủ vào bụng. Tình cha là thế đấy. “Ơn Cha lành cao như núi Thái, Nghĩa Mẹ hiền sâu tợ biển khơi, Dù cho dâng cả cuộc đời, Cũng không trả nổi ơn Người sinh ta”. Nghe xong ông chết lặng người, ân hận, chạy vào ngục tối tìm đến Vua Cha, nhưng rất tiếc đã quá muộn màng. Vua Cha đã trút hơi thở cuối cùng trong ngục lạnh. Ăn năn việc này Thái tử A-xà-thế đã tìm đến Đức Thế Tôn cầu xin sám hối. [1]
Hạng người thứ hai, tôi không dám tin đó là anh, vì rằng anh là Phật tử có quy y Tam Bảo, ắt phải biết và tin vào định luật nhân quả chứ, phải không? Thế thì tại sao lại khóa và đóng cửa thiền đường để khép kín Phật tâm, một hình thức kéo màn vô minh che mờ tâm tánh, không chỉ riêng anh mà cho biết bao thế hệ con em? Hành động đóng cửa và bán Niệm Phật Đường đồng nghĩa với việc làm cực ác rồi, còn chi? Trí tuệ và vô minh, hai phạm trù đối nghịch. Trí tuệ tức là giác ngộ, là Phật. Vô minh là kém hiểu biết, dẫn dắt bởi tham vọng, cuồng bào và si mê, đưa đến kết quả nghiệp báo và khổ đau.
Cổ Đức có câu: “Dù xây chín Bậc Phù Đồ không bằng làm phước cứu cho một người.”
Cứu chỉ một người thôi mà phước đức đến như vậy, thế thì tạo dựng Ngôi Niệm Phật Đường Huyền Quang cứu giúp được biết bao nhiêu người? Công đức ấy thật không thể nghĩ bàn. Bằng ngược lại, nay tự tay anh khóa cửa, đóng kín luôn Niệm Phật Đường và tự nhận là kẻ bán chùa. Hậu quả của cụm từ này anh Châu anh có thấu chăng? Mô Phật.
Đạo Phật là đạo như thật, chỉ vẽ phơi bày chân lý của cuộc đời, nói rõ về lẽ vô thường sinh diệt của vạn hữu; lý duyên sinh, vô thường, vô ngã và tánh không của càn khôn vũ trụ là Tam Pháp Ấn của đạo Phật. Kinh sách thì vô lượng. Trí tuệ thì vô cùng. Điều quan yếu vẫn là Phật tâm, là trí tuệ của chính bản thân mình. Người đệ tử Phật luôn “Duy Tuệ Thị Nghiệp”. Trí tuệ là trên hết và duy nhất. Có trí tuệ là có tất cả. Thiếu trí tuệ hay làm giảm trí tuệ bằng cách này hay cách khác, tức để vô minh dẫn dắt, gây tang tóc đau thương cho mình và người là điều không thể tránh khỏi.
Nhờ trí tuệ mà có lòng từ bi. Có trí tuệ mới có cái nhìn sâu, hiểu rõ căn nguyên cội nguồn của sự việc. Từ đó mới có sự cảm thông thương yêu và đùm bọc. Từ bi tạo nên sức mạnh phi thường của dũng lực, vì thương con có thể chết vì con. BI,TRÍ,và DŨNG, tuy ba nhưng là một. Tất cả đều do trí tuệ dẫn đầu. Duy tuệ thị nghiệp là thế.
Niêm khóa Niệm Phật Đường phải được hiểu là một hành động nếu không phải do Tham, thì là Sân; nếu không phải Sân tức do Si, cũng là mặt trái của Vô minh sai xử cả. Từ chỗ cứu người, nay là chỗ xua đuổi người đi chỗ khác. Tại sao lại chọn Vô Minh, xa lìa Trí Tuệ? Sao lại chọn khóa Niệm Phật Đường, để khép kín Phật tâm của mình như thế?
Viết đến đây bỗng dưng giật mình. Không hiểu sao chuyện đã hơn 2000 năm, nay bỗng hiện về nguyên vẹn như thế? Cũng ai đó xúi giục chư Tăng tách rời Giáo Hội Tăng Đoàn Chính Thống; rồi ai đó muốn soán ngôi lãnh đạo Giáo Hội. Khi không đạt như ý thì ai đó lại đòi tách rời Giáo Hội hình thành một Giáo Hội riêng lẽ để phản công. Rồi câu chuyện Vua A-xà-thế, sau khi ăn năn sám hối việc giết Vua Cha cung thỉnh Đức Phật vào cung Cúng Dường Trai Tăng dẫn đến câu chuyện “Bà Già Cúng Đèn”. Không lẽ là những cụ già cúng Chùa Phật Quang là hóa thân của Cụ Già Cúng Đèn năm xưa ấy chăng?
Ngu ngơ và kinh ngạc bởi sự trùng hợp giữa hai thời điểm như thế. Nhưng đối với Đức Phật Ngài đã biết trước chuyện sẽ xảy ra ở vào thời mạt pháp, nên đã có những bài học răn đời cho hậu thế. Rất tiếc, những bài học khuyên răn còn đấy, thế nhưng vẫn bị tái diễn ở thời nay và xảy ra ngay tại Miền Nam California Hoa Kỳ mới là điều chua xót đắng cay bẽ bàng vô hạn, nơi có mái chùa chung với tên gọi thân quen “Chùa Phật Quang”.
Vẫn luôn trung thành với Đức Tăng Thống
Nói đến Chùa Phật Quang, lần này không nói về “chuyện bán Chùa Phật Quang”, mà nói về cái cung cách, sự tôn kính và lời nói luôn trung thành với Đức Tăng Thống của chính Thượng Tọa Giác Đẳng và những người theo Thượng Tọa trong Giáo Hội UBCV, một giáo hội hoàn toàn mới toanh, tự vẽ, tự tuyên bố “độc lập nhân sự”, nhằm đối đầu lại với Giáo Hội truyền thừa do Chư Tăng và Phật tử các giới giữ gìn trên 2000 năm Phật Việt, nay dưới sự lãnh đạo tối cao của Đức đương kim Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ. Nói UBCV mới toanh là nói việc sử dụng để trá hình. Kỳ thực đây chỉ là tiếng Anh “Unified Buddhist Church of Viet Nam” dịch danh xưng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, mà Tổng vụ Truyền Thông và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế sử dụng trong các Thông cáo báo chí ngoại ngữ mấy chục năm qua. Và cũng chính chữ UBCV này do Đức Đệ Ngũ Tăng Thống chỉ thị dùng khi đăng bạ pháp lý Hoa Kỳ tháng 7 năm 2014.
Làm như mọi người không ai thấy, biết sự phản chống Đức Tăng Thống của Thượng Tọa Giác Đẳng và nhóm người theo ông, đã hiện rõ qua lời nói và hành động, qua báo chí truyền thông, qua các đại hội, lễ ra mắt v.v… Thế mà trước ống kính video hay cử tọa, lời nói trên môi của Thượng Tọa lúc nào cũng nhẹ nhàng êm dịu, như tỏ ra sự tôn kính tột cùng đối với Ngài Tăng Thống; chỉ là không thể phục tùng và làm việc với Giáo sư Võ Văn Ái thôi. Xin lỗi phải nói thật. Kịch bản hay.
Luận cứ cho rằng mọi sự mọi việc đều do bàn tay của Giáo sư Võ Văn Ái dấy lên cả. Đức Tăng Thống đang bị khuynh loát và bị khống chế hoàn toàn; Đức Tăng Thống không còn minh mẫn để điều hành Giáo Hội nữa.
Luận cứ này có vững không?
Trước đây, qua các lần Giáo chỉ số 9 “Về Nguồn”, số 10 “Chùa Điều Ngự”, các lần “y Pháp xử trị Hòa Thượng Chánh Lạc”, rồi đến lần tấn phong Ngài Quyền Chủ Tịch Văn Phòng 2 Viện Hóa Đạo, nhất nhất tất cả đều hợp lẽ đời, đúng lý đạo. Sao vậy? Đơn giản là vì tất cả đã thuận theo ý mình. Giáo chỉ, Quyết định, và Thông tư của Giáo Hội chỉ được “thuận” thôi, chứ “nghịch” với ý ta, thì ta cho là Ngài không còn minh mẫn, thiếu sáng suốt và bị Ông Võ Văn Ái giựt dây. Đơn giản chỉ có vậy.
Nhưng thôi chuyện ấy chưa phải là điều muốn nói. Cái chỗ muốn đạo đạt hôm nay đó là “Chúng tôi vẫn luôn kính trọng Đức Tăng Thống, dù Ngài đối với chúng tôi có bất nhân, có tàn nhẫn đến đâu qua việc tống xuất chúng tôi ra khỏi Giáo Hội, tất cả cũng chỉ do ông Võ Văn Ái bày mưu chước kế đó thôi, chứ không phải do ý chỉ của Đức Tăng Thống.”
Ý nghĩ này thoáng nghe qua tưởng chừng như rất tôn kính Đức Tăng Thống, nhưng thật tình đã có hai điều phạm thượng:
1. Đã quy kết Đức Tăng Thống lẩm cẩm, không còn sáng suốt để điều hành Giáo Hội. Ngài đã tin một cách mù quáng vào ông Cư sĩ Võ Văn Ái và bị ông ấy khuynh loát lủng đoạn Giáo Hội.
2. Nếu đã biết và tin rằng Đức Tăng Thống đang bị kẻ gian (tức ông Võ Văn Ái) hãm hại, và nếu thực sự thương Đức Tăng Thống như người cha già, thì việc trước tiên phải làm là tìm mọi cách để cảnh giác Đức Tăng Thống là có gian thần đang đứng cận kề, và nguy cơ có thể bị hãm hại. Việc cảnh giác ấy, bằng bất cứ giá nào phải làm cho được, hoặc bằng điện thoại, email, hoặc nếu cần phải thân hành đến đó để thưa thỉnh để giúp Ngài thoát nạn chứ. Đằng này, biết chắc là có kẻ gian đang bên cạnh rĩ tai, có nguy cơ hại chết cha mình, mà mình vẫn cứ phớt tĩnh ăng-lê “bình chân như vại” mặc cho ông có sống thì tốt, có chết thì cũngthôi đành. Thế thì cái chữ “thương cha già, quý kính Đức Tăng Thống” nó nằm ở chỗ mô nhỉ? Mô Phật. Chữ thương và kính này hình như chỉ dành cho những người “Phật tâm đã bị đóng kín”, chứ không ai mà lạ đời như thế.
3. Xưa, chư Phật và Bồ Tát hiện thân hóa độ nhân gian, để lại biết bao bài học răn đời quý giá. Biết rằng thời nào cũng thế, sẽ có biết bao Hiền Triết sinh ra ở đời nhưng cũng lắm Ác Tăng. Trí tuệ là điều tiên quyết để có đủ khả năng định đoạt con đường chánh mà theo mà quay về. Hãy bước theo bước chân của Phật, chớ để Phật tâm bị lu mờ. Chớ có bao giờ đóng kín Phật tâm.
Lời tâm huyết, hy vọng có chút ảnh hưởng như giọt nước tràn ly, đúng hơn, là giọt nước “thoát ly” để tìm về với cội nguồn của nước. Nếu ai đó tự biết mìnhkhông là Bồ Tát hóa thân thì mong rằng như là Thái tử A-xà-thế biết ăn năn sám hối hồi đầu. Mong lắm thay. Đừng để quá muộn màng.
Nhật Liên Dũng
Đầu Xuân Bính Thân
Ngày 7.2.2016
[1] Về câu chuyện của Ngài Đề-bà-đạt-đa và Cuộc Đời của Đức Phật xin tìm đọc các sách quý “Phật Học Phổ Thông” của Ngài Thích Thiện Hoa, hoặc cuốn “Đức Phật và Phật Pháp” của Pháp sư Narada. Trong kinh Pháp Hoa nói rằng Ngài Đề-bà-đạt-đa là hóa thân của Bồ Tát chuyên về nghịch hạnh. Nhờ bao thách thức và nghịch cảnh ấy Thái Tử Tất-Đạt-Đa đã trãi rộng Đại Bi Tâm và tiến tu thành Bậc Toàn Giác. Trong cuốn “The Life of Buddha” có cho biết cái chết của Ngài Đề-bà-đạt-đa rất thảm. Ngài bị lòng đất bỗng dưng nứt nẻ, rồi sấm xét đánh trúng để Ngài rớt xuống sâu vào lòng đất. Rồi lòng đất khép lại.
No comments:
Post a Comment